Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

Truyền thống nhập thế của Phật giáo tại Việt Nam, Miến Điện, Lào và Cam Bốt



Mai Vân


Bìa chuyên san du lịch Ulysse số đầu năm 2010 về Phật giáo ở Đông Nam Á
(Nguồn : ulyssemag.com)


Nhân dịp đầu năm Dương lịch, chuyên san du lịch Ulysse của Pháp số tháng 01 và 02/2010, đã dành hơn 50 trang để giới thiệu một ''Châu Á Phật giáo khác'', tựa trên trang bià. Với hàm ý là đạo Phật không chỉ giới hạn tại Ấn Độ hay Thái Lan, Ulysse đã lần lượt đưa độc giả đi từ Việt Nam qua Cam Bốt, rồi ngược lên Lào và Miến Điện để tìm hiểu thêm về những khiá cạnh vừa tâm linh, vừa nhập thế của Phật giáo tại 4 nước này.

Chuyên san Pháp đã dành một vị trí đáng kể cho Việt Nam, với bốn bài viết. Bài đầu tiên giới thiệu Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã lập ra Làng Mai tại vùng Dordogne, miền Nam nước Pháp và là bậc thầy giảng dạy phép tu dưỡng nhằm mang lại an bình cho bản thân và hòa bình cho thế giới.

Bài thứ hai đưa độc giả sang Việt Nam, đi từ Bắc xuống Nam qua ba trung tâm chính là Hà Nội, Huế, Sài Gòn để nêu bật sự khởi sắc của đạo Phật trong nước, đặc biệt là trong một thập niên gần đây.

Tại mỗi nơi, tác giả bài phóng sự, Nicolas Cornet, ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ đời sống tâm linh. Tại Hà Nội, tạp san Ulysse đưa độc giả đến chùa Quán Sứ, với lễ ngày đầu tháng âm lịch, cảnh chùa như một ngày hội, hay là đi viếng những ngôi chùa chung quanh thủ đô, không vắng người đến dâng hoa quả.

Xuống Huế, bạn đọc cùng tác giả đến chùa Thiên Mụ. Cảnh thu hút sự chú ý Nicolas Cornet, là các chú tiểu nhặt rau chuẩn bị cho bữa ăn tại một dãy nhà bên cạnh chùa. Theo bài báo, hiện nay có xu hướng là các gia đình trở lại với việc đưa con vào học ở chùa, giáo dục ngoài xã hội quá tốn kém và họ cũng muốn rèn luyện mặt đạo đức cho con em mình.

Đến thành phố Hồ Chí Minh, điều mà tác giả ghi nhận đầu tiên là tại đây, chùa người Hoa thu hút đông đảo khách thập phương. Bên cạnh đó, là hoạt động xã hội của Phật tử và các chùa. Theo bài báo, ngày càng có nhiều ngôi chùa, tăng ni cũng như nhà tu khác, hoạt động giúp đỡ quần chúng, trong các lãnh vực y tế, hổ trợ cho những bệnh nhận Sida, bên cạnh việc trợ giúp những người nghèo, các trẻ em mồ côi hay bị gia đình bỏ rơi.

Tác giả bài báo kể lại việc một Phật tử ở quận 3 phân phát cơm chay 4 ngày trong tuần cho hàng trăm người nghèo. Tuy nhiên những hoạt động xã hội này được làm một cách kín đáo. Đây là điều kiện đề được phép ngầm của chính quyền tại chỗ.

Quan hệ giữa Phật giáo với quyền lực chính trị tại Việt Nam

Nói đến Phật giáo Việt Nam, lẽ dĩ nhiên không thể không nói đến quan hệ giữa Phật giáo và chính trị trong lịch sử. Trong bài viết mang tựa đề ''Đạo Phật và Quyền lực tại Việt Nam'', tạp chí Ulysse đã nhắc lại vai trò quan trọng của Phật giáo xuyên qua các triều đại xưa như Lý Trần, rồi đến phong trào đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam vào đầu thập niên 1960. Trong giai đoạn này, Ulysse ghi nhận hai sự kiện quan trọng còn ảnh hưởng đến ngày nay.

Trước hết là việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vào năm 1964 ở miền Nam, và kế đến là sự kiện thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập Trường Thanh Niên Phụng sự Xã Hội để giúp đỡ dân chúng bị bom đạn chiến tranh, sau đó qua Hoa Kỳ học tập và bị cấm về nước. Năm 1972, thiền sư Nhất Hạnh đến Pháp thành lập Làng Hồng, sau này cải tên thành Làng Mai.

Sau năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị chính quyền Cộng sản cấm hoạt động trong nước, nhưng đã được tiếp nối ở ngoại quốc. Trong lúc đó, thiền sư Nhất Hạnh mới đây đã được nghênh đón tại Việt Nam. Tuy nhiên, vào tháng 9 vừa rồi, cộng đồng Làng Mai do ông thành lập ở tỉnh Lâm Đồng gần Đà Lạt đã bị trục xuất thô bạo khỏi một ngôi chùa nơi họ đang tu tập.

Bài viết cuối cùng về Việt Nam đăng trên chuyên san Ulysse mang tính chất thuần túy văn hoá, giới thiệu nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam, mà theo tác giả bài báo, là một loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian đã biết phát triển để không bị mai một.


(Ảnh : Nicolas Cornet)

Tiếp tục cuộc hành trình, Ulysse đưa bạn đọc đến Cambốt, nơi ngôi đền Angkor rất được viếng thăm, nhưng vẫn giữ nguyên nét bí ẩn. Qua nước Lào, tạp chí quan tâm đến ngày Pimay, trung tuần tháng tư là lúc mà người Lào mừng năm mới với Lễ nước. Trong mắt tác giả bài báo, đây là thời điểm dọn dẹp nhà cửa nhưng cũng đồng thời gội rửa về mặt tâm linh. Các tượng Phật vào lúc này được đưa ra tắm với nước hoa. Nước mà người dân tạt cho nhau để tẩy rửa khi vào năm mới.

Hành trình kết thúc tại Miến Điện, một đất nước khép kín với chế độ độc tài quân phiệt, nơi người dân tìm được sức lực để sống và chống chọi trong Phật giáo và gương mặt thế tục cûa bà Aung San Suu Kyi.

Indonêsia : trường Hồi giáo là cột trụ xã hội

Tạp chí le Courrier International, cũng đề cập đến tôn giáo, nhưng nhìn sang Indonesia, với nhận định : ''Các trường Hồi giáo là cột trụ của xã hội''. Tạp chí trích dẫn tờ Tempo, ở Jakarta, giải thích là nếu cứ nhắc đến các trường Hồi giáo như là những cái tổ của các thành phần quá khích, thì người ta đã quên đi chức năng xã hội và kinh tế của các trường này.

Bài báo nhắc lại là từ khi diễn ra các vụ khủng bố tự sát thì từ ngữ ''Trường Hồi giáo'' trong thời gian qua, luôn đi kèm với từ ''Quá khích''. Tờ báo công nhận là những người mưu toan hay đã thực hiện khủng bố, phần đông quả thực đều xuất thân từ các trường Hồi giáo. Thế nhưng không phải vì thế mà đồng hoá các trường với nhau.

Hiện nay theo bài báo, trích dẫn số liệu của Bộ Tôn giáo Indonesia, có đến hơn 21.500 trường Hồi giáo tại nước này, với hơn 3,8 triệu học sinh. Các chương trình khá khác nhau : trường thì chủ yếu giảng dậy làm thế nào để có sự hài hoà xã hội, sự khoan dung, trường thì nặng ý thức hệ chính trị, du nhập từ Trung Đông, muốn đưa Hồi giáo trở về sự trong sạch nguyên thủy.

Trong các trường này có một số chủ trương sử dụng bạo lực, thánh chiến để thực hiện mục tiêu của họ. Nhưng bên cạnh đó thì rất nhiều trường có mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh tế của những cộng đồng tại chỗ.

Theo bài báo phong trào này khởi đầu từ khoảng 30 năm nay, khi chính quyền Indonesia và các tổ chức phi chính phủ thử nghiệm các loại hợp tác xã cho dân chúng các làng. Một số hiệu trưởng trường Hồi giáo đã cho thành lập hợp tác xã qua trường của mình, với mục tiêu phát triển kinh tế các cộng đồng điạ phương. Mặt tài chính cũng do trường đảm trách, với tính cách là trung tâm tôn giáo.

Nhiều trường đã thành lập đươc cơ sở kinh tế cho điạ phương như trường Sidorigi ở Đông Java, có đến 10 xí nghiệp nhỏ, trường Kamarul Hudi, trên đảo Lombok, đã vận động trên mặt bảo vệ môi trường, khuyến khích dân cư trồng cây, và cũng đang trở thành đối tác quan trọng của chính phủ trong việc bảo tồn và trồng lại rừng. Đây là những mô hình mà tác giả bài báo hy vọng là tất cả các trường hồi giáo cũng như định chế giáo dục ở Indonesia sẽ đi theo.

Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan thống trị thế giới ?

Bước vào năm mới, tạp chí Le Courrier cũng nhìn về phiá trước. Trong hồ sơ dài với tựa đề 10 kịch bản cho tương lai, tạp chí vẽ ra những viễn cảnh chờ đợi chúng ta : trước tiên trên bình diện điạ lý chiến lược.

Dưới tựa ''Khi Ankara và Varsovie thống trị thế giới'', Le Courrier trích dẫn nhà chính trị học Mỹ, George Friedman, thuộc viện dự báo chiến lược STRATFOR (Hoa Kỳ), nhận định về sân khấu chính trị thế giới, với đánh giá bi quan là thế kỷ 21 này sẽ kết thúc với một cuộc xung đột thế giới khác, mà Ba Lan, Thổ nhĩ Kỳ, Mêhicô, theo ông, đã vươn lên hàng cường quốc, sẽ là những tác nhân chính.

Thế nhưng phân tích lý thú nhất của George Friedman liên quan đến Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo ông, nhiều người tiên đoán là đối thủ lớn của Hoa Kỳ sẽ là Trung Quốc, chứ không phải là Nga. Ông không đồng ý, và nêu ra 3 lý do, khiến Bắc Kinh không phải là địch thủ lợi hại của Washington :

Trước hết là về mặt điạ lý : nếu nhìn kỹ bản đồ thì Trung Quốc, khá bị cô lập về mặt điạ dư. Lý do thứ hai quan trọng hơn nữa là Trung Quốc là một nước về mặt cơ bản là thiếu ổn định. Mỗi khi mà Trung Quốc mở cửa ra bên ngoài, thì vùng ven biển trù phú lên, trong lúc mà dân cư các vùng bên trong vẫn nghèo khổ.

Tình hình này tất nhiên dẫn đến tranh chấp, bất ổn định. Do đó chính quyền Bắc Kinh sẽ lấy những quyết định kinh tế vì những lý do chính trị, và tất dẫn đến sự lãng phí, tham nhũng.

Đây không phải lần đầu tiên theo ông Friedman, mà Trung Quốc mở cửa ra thế giới bên ngoài, nhưng cũng sẽ không phải lần cuối cùng mà Trung Quốc rơi vào bất ổn định vì nguyên nhân này, và ông tiên đoán sẽ có một nhân vật Mao mới xuất hiện để cắt đứt Trung Quốc với thế giới chung quanh.

Còn trên bình diện kinh tế, George Friedman cho là nhiều người nghĩ là xu hướng (tăng trưởng) từ 30 năm qua sẽ tiếp tục mãi mãi, nhưng theo ông thì chu kỳ kinh tế Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn kế tiếp, không thể tránh khỏi trong thập niên tới đây. Cho nên theo ông, Trung Quốc sẽ không là một đối thủ đáng ngại của Hoa Kỳ mà là quốc gia Washington sẽ phải cố gắng củng cố để làm đối trọng với Nga.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét