Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

Thêm một "Đừng đốt" bằng tranh

TP - Trong số hơn 50 kỷ vật chiến tranh mà tướng lĩnh Mỹ vừa gửi tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam, có một cuốn nhật ký được ký họa bằng tranh của người lính Việt Cộng có tên L.Đ.Tuấn.
Ngay khi tiếp nhận, chúng tôi đã thông tin cùng bạn đọc, mong tìm được tác giả của cuốn nhật ký có lửa này, nhưng theo những thông tin mà chúng tôi có được thì L.Đ.Tuấn đã hy sinh...



Làng Đổng Viên - ký họa của L.Đ.Tuấn về nơi đóng quân đầu tiên



Thêm một Đừng đốt
Thiếu tá Robert B Simpson, sỹ quan tham mưu của tiểu đoàn 3, trung đoàn 8, sư đoàn 4 Mỹ, đã thu được cuốn sổ ký họa bằng tranh (khổ 16 x 21cm, bìa màu xám có dán gáy bằng giấy màu xanh vàng) cùng cuốn sổ thơ và một số vật dụng khác trong chiếc ba lô của L.Đ. Tuấn, trong một cuộc hành quân “tìm diệt” đánh phá hành lang căn cứ cách mạng ở Pleicu - Kon Tum, vùng biên giới Việt Nam - Campuchia (tây bắc Tây Nguyên) vào tháng 3 -1968.
Thượng tá Trần Thanh Hằng, cán bộ Viện LSQS Việt Nam cho biết: “Sau khi nhận được cuốn nhật ký do tướng ba sao lục quân Hoa Kỳ William R. Peers nhờ người gửi tặng, hầu như không ai biết gì ngoài tên tác giả cuốn nhật ký là L.Đ.Tuấn.
Chúng tôi phải qua Cục Đối ngoại của Bộ Quốc phòng, liên hệ tìm hiểu thêm. Rất may, thời điểm đó, Robert B Simpson sau khi thu được cuốn nhật ký đã viết một bài đăng trên một tờ báo Mỹ nói về chuyện này”.
Trong bài báo, Robert B Simpson viết “Anh (L.Đ.Tuấn) đã chết tại đồi Yên Ngựa, cách một làng người Thượng có tên là Polei Kreng Chông 10 dặm”.
Rồi Robert B Simpson, mô tả: “Người lính có tên L.Đ.Tuấn còn rất trẻ, là người có học thức và có giáo dục. Anh còn mang theo một tập thơ. L.Đ. Tuấn đã hành quân hàng ngàn kilômét. Các bức vẽ, tập thơ rất quan trọng đối với anh. Thông thường, người ta không mang theo những gì không quan trọng khi hành quân trong rừng hàng tháng trời".
Theo những gì mà Robert B Simpson kể lại trong bài báo, khi thu được cuốn nhật ký, chính anh ta đã ngăn cản khi đồng đội định đốt bỏ cuốn nhật ký. Sau đó, Simpson xé ba bức ký họa gửi về cho vợ tại Mỹ, khi đó đang làm việc tại một trung tâm nghiên cứu về Việt Nam, để nhờ thẩm định nội dung tranh.
"Đó không phải là những bức khá nhất nhưng đã giúp ta có thể hiểu rằng con đường hành quân vào Nam đã ảnh hưởng đến Tuấn như thế nào?", Robert B Simpson viết.
Những người lính Mỹ tiểu đoàn 3 đã không đốt cuốn nhật ký, không vứt bỏ nó mà còn dịch những câu chú thích ngắn ngủi (vì lý do giữ bí mật quân sự) sang tiếng Anh, sau đó đem tặng viên tướng chỉ huy mặt trận Đắc Tô, Tân Cảnh thời đó - tướng William R. Peers.
Từ đó, gia đình tướng Peers đã giữ gìn rất cẩn thận cuốn sổ. Ngày 9 tháng 1 năm 2010, cuốn nhật ký bằng tranh ký họa được gia đình tướng William R. Peers gửi tặng cho Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu: “Những kỷ vật kháng chiến”, thông qua Bộ Ngoại giao và Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng.
41 năm lưu lạc, đi nửa vòng trái đất, khi trở về đất mẹ, cuốn sổ vẫn phẳng phiu, không hề bị quăn góc và nó vẫn giữ được nguyên màu sắc vốn có. Và bây giờ, cuốn nhật ký có số phận kỳ lạ đó vẫn đang tiếp tục hành trình để tìm về với gia đình chủ nhân đích thực của nó.
Nhật ký bằng tranh ký họa những gì?

Trang đầu, có lẽ là trang trắng được thuộc cấp của Peers đề: To General Peers from the officers and men of the 3-nd batalion, 8th Infantry (Các sĩ quan và binh sĩ tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 tặng tướng Peers).
Trang tiếp sau có dòng chữ: “L. Đ. Tuấn thân mến. Chúc Tuấn lên đường tham gia nghĩa vụ mạnh khỏe. Bạn rất thân, Hoàng Thu, 15.3.1967”.
Cả cuốn sổ ký họa 112 bức tranh, nay còn lại 109 bức (trừ 3 bức bị Simpson xé) được vẽ bằng màu nước, chì than và mực. Những trang đầu các bức ký họa phần lớn vẽ bằng màu nước nhiều màu, nhưng sau đó, những trang sau vẽ bằng màu nước đen. Những trang sau nữa thì chỉ còn được vẽ bằng chì than, bút mực.
Thoáng qua, người xem tranh nhận ra người cầm bút vẽ được những bức ký họa ấy phải là người có nghề, có năng khiếu hội họa, bởi những nét vẽ sắc và hoạt, cách chọn góc, bố cục chặt chẽ, sử dụng màu nước có nghề.
Những bức vẽ thật sống động, có hồn. Bức ký họa cuối cùng của L.Đ. Tuấn là bức vẽ “Tây Nguyên khâu túi giao liên", khép lại vào “tháng 3 năm 1968” và dừng ở trang 170.
Thay vì viết nhật ký, L.Đ. Tuấn đã diễn tả suy nghĩ, tâm sự và tình yêu của mình thông qua ngôn ngữ hội họa. 109 bức ký họa là 109 nội dung anh đã thể hiện bằng cảm xúc và ý tưởng sáng tạo của mình.


Bài báo Simpson viết về cuốn Nhật ký bằng tranh của L.Đ. Tuấn Ảnh: T.H
Mỗi chặng đường hành quân, trú quân, mỗi vùng, mỗi làng quê anh đi qua, mọi hoạt động của người lính, những gương mặt đồng đội và những người dân anh đã gặp, tất cả đều biến thành đường nét, màu sắc trong các bức ký họa của anh.
Rất nhiều bức L.Đ. Tuấn tự họa mình. Bức đầu tiên vẽ chân dung ngày L.Đ. Tuấn nhập ngũ, nét mặt ngây thơ, hai tay xỏ túi quần, áo không cài khuy, chân đi đất.



Bức ký họa thứ hai vẽ chân dung chàng trai binh nhì trong bộ quân phục mới tinh, vai khoác súng, trên ngực áo gắn huy hiệu Đoàn, trông thật chững chạc.
Bức vẽ ngày 22 - 10 - 1967 "Suy nghĩ quyết tâm thư" nét mặt anh đăm chiêu nghĩ ngợi... Những bức tự họa về sau, L.Đ. Tuấn khắc họa mình với tính cách mạnh mẽ hơn.
Cảm xúc về quê hương, đất nước như tràn ngập trong các bức vẽ của anh. Cảnh làng Đổng Viên nơi anh đóng quân ngày 1 - 4 - 1967, làng Tân Tiến - Đông Anh, bản Bìa - Bắc Thái, Vĩnh Phú, Kim Bôi - Hòa Bình... dường như nơi nào cũng gợi trong anh nỗi nhớ quê hương và gia đình da diết.
Anh nhớ đến con đường anh đi học, dòng sông anh tắm mát những trưa hè, mái nhà nơi anh sinh ra, nơi mẹ anh tiễn anh lên đường và mong anh ra đi chân cứng đá mềm, ngóng đợi anh trở về.
Trong một bức vẽ cảnh đồi núi, dòng suối, ngày 20 - 10 - 1967, trước cảnh đẹp đó, anh đã thốt lên: “Đất nước ơi! Người đẹp quá”.
Một phần khá đậm nét trong các bức ký họa là cảnh sinh hoạt, học tập chính trị, tập luyện, hành quân dã ngoại. Cảnh làm lán, đọc báo, chuẩn bị mìn định hướng... được anh ghi lại khá đầy đủ bằng ký họa.
Cái thần tình là qua các bức ký họa đó người xem hiểu được từng ngày, từng giờ những người lính trước ngày ra trận đã sống và làm việc. Những gương mặt đồng đội thân yêu hiện lên khá rõ nét trong những bức vẽ. Có những bức có đề từ hay chú thích như: “Chú liên lạc trong hầm”, “Đại đội trưởng XLâm, đại đội Quyết thắng giờ lên lớp dã ngoại”, “Đồng chí Cẩm quản lý Đại đội Quyết thắng”...
Nhiều bức ký họa chân dung không viết tên, có thể những khuôn mặt ấy quá quen và chỉ có người vẽ biết đó là ai. Những người dân nơi anh gặp, anh quen nơi trú quân cũng có mặt trong các bức ký họa chân dung: “Y tá H Kỳ Sơn”, “Cụ Thống 80 tuổi không có con cháu”, “Mế xóm Bìa”, “Chú bé nghịch ngợm”...

Theo Robert B Simpson, L.Đ. Tuấn đã nằm lại ở một cánh rừng Tây Nguyên nhưng cuốn nhật ký có lửa bằng tranh của anh đã làm rung động người xem, cả những người lính bên kia chiến tuyến.

Viết bài báo này, chúng tôi rất mong nhận được thông tin từ phía thân nhân gia đình liệt sĩ T.Đ. Tuấn cũng như người bạn thân Hoàng Thu của anh.

Tướng ba sao lục quân Hoa Kỳ William R. Peers, được biết đến nhiều nhất khi giữ vị trí đứng đầu Ủy ban Peers, điều tra về vụ thảm sát Mỹ Lai và những tội ác tương tự trong chiến tranh Việt Nam.
Ông sinh năm 1914 tại Stuart, Iova, đã qua đời năm 1984, thọ 69 tuổi. William R. Peers có được cuốn sổ vẽ những bức ký họa chiến trường của người lính quân giải phóng từ các sỹ quan, binh sỹ tiểu đoàn 3, trung đoàn 8, sư đoàn bộ binh 4 Mỹ, đơn vị có biệt hiệu "Sư đoàn Dây Thường Xuân".

Thanh Hằng - Nhật Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét