Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Mùa xuân nói chuyện quy hoạch của người xưa

Tết nhất sắp đến có thêm việc phải ra phố xá. Người gặp người, toàn những người là người.

Hà Nội như càng đông đúc lên trông thấy. Rét mướt thế mà vẫn cảm thấy ngồn ngột tức thở giữa dòng người đông đặc.

Không thể vui khi nhìn chung phố phường Hà Nội xây cất còn lủng củng quá. Hình như từ lâu nay, phố nào phường nào cũng có những cảnh "tiếp nối nhau" lại lặp lại "tiếp nối nhau": Không ngôi nhà này thì ngôi nhà khác đập đập phá phá, sửa chữa hoặc xây mới, cứ liên chi hồ điệp như vậy.

Thôi thì gạch ngói đất cát gỡ bỏ, hỗn độn với vật liệu mới ùn ùn đổ về, làm một dãy phố lân bang một phen hít bụi đất cả nửa năm trời.

Mà chịu chết, biết kêu ai? Cảnh khổ triền miên này không biết bao giờ chấm dứt.

Nói thì nói vậy, nhưng phải hiểu cho nhà quản lý. Là khó, rất khó.

Người dân muốn cải thiện đời sống, xin cái giấy cải tạo xây dựng, chả lẽ các bác không cho! Tuy nhiên vẫn cái thủ tục quy định đó, với những người giàu có hoặc mới phất lên - đôi khi cả doanh nghiệp lớn nữa - họ khôn ngoan chớp thời cơ, lợi dụng các kẽ hở của luật lệ.

Họ gộp đất 5 - 7 căn hộ lại, thậm chí cả vài ba chục hộ, để xây lên những ngôi nhà to đùng cao ngất ngưởng. Chỉ để phục vụ mục đích kinh doanh mà thôi. Họ thu lời ở mức cao không làm gì cho bằng.

Rất oái oăm là những điều trên cứ xảy ra khi đã có những chủ trương, những quy định của thành phố là giảm thiểu xây dựng lớn trong "36 phố phường", rộng hơn cho cả khu vực nội thành.

Nhưng đúng là "mặc kệ" quy định quy hoạch. Xây vẫn cứ xây.

Thế mới thấy “ông Hà Nội” nhà ta đã khó lại càng khó. Vì đúng như có một cái gì đó vướng víu, khó cựa quậy xung quanh cái việc quy hoạch phát triển thủ đô. Quyết tâm trên giấy - là căn cứ vào các nghị quyết - thì ông Hà Nội rất muốn đưa bớt dân cư tản về vùng ngoại thành ngoại thị, Và song song là chỉnh trang các khu phố cổ, các khu trung tâm có sẵn.

Đấy là những việc đúng đắn phải làm, Nhưng nhìn tổng thể xem ra còn khá nhiều điều bất cập.

Dân thường thì ngại ra xa khó kiếm ăn hàng ngày. Người có thu nhập ổn định, được coi là trung lưu thì mua nhà, mua căn hộ đẹp cũng muốn ở lắm, nhưng rồi e sợ các dịch vụ sinh hoạt đi kèm ở xa trung tâm là rất hạn chế. Chưa kể đi lại giữa chỗ làm chỗ ở vô cùng vất vả. Nên rồi cũng chần chờ. Nó không tạo được trào lưu thuyên chuyển, di cư đông đảo được. Mà chỉ kiểu đi "nhát gừng". Tháng tháng dăm bảy chục hộ dọn đến các khu nhà mới như thế thì bao giờ mới xoay chuyển được việc phân bố hợp lý dân cư đô thị khổng lồ như Hà Nội ngày nay!

Ăn ở vẫn chật ních ở nội thành như vậy thì việc đi lại càng lâm vào bế tắc cũng là điều tất nhiên. Riêng cái việc đi lại giao thông, hãy cho dừng ở đây một chút để cùng xem cùng thấy.

Xe ô tô vài năm đổ lại đây quá nhiều, bò đầy ra đường xá. Gọi là "bò" rất đúng vì nó đâu có ro ro lăn bánh cho được. Nên có những đường phố cho xe xếp hàng tới hàng 3 hàng 4 mà các xế hộp cũng chỉ cài được tốc độ đi của loại rùa bò.

Trong khi dân đi xe máy như cảm thấy bị chiếm hết chỗ trên đường của mình. Cánh này đã tìm mọi cách len lách, giành giật lợi thế là chỉ hai bánh và còn có thể “dắt” được. Cũng cứ nháo nhác lên thế, được chốc nhát thôi rồi cũng chung phận mắc kẹt. Tất cả đâu có thoát nổi cảnh ách tắc như giăng mắc thiên la địa võng ở các đô thị lớn thời nay.

Dân tình đi lại kêu toáng lên với ông nhà nước. Rằng các ông các ngài quản lý có quyền cứ cho thoải mái nhập xe thế này thì lấy đâu đường mà đi. Người ta nói đã có nhiều quy định hạn chế chế tài đủ kiểu ban ra, nhưng rồi dân mình khôn ngoan lách luật. Người cầm cân nảy mực vẫn buông xuôi "cho qua" nên xe nhập vẫn cứ thế tràn lan.

Công nghiệp trong nước thì chính sách bảo hộ, nên xe lắp ráp cứ nối đuôi nhau xuất xưởng tiến vào thị trường với giá đắt. Rổi các quy định cấp phép đăng ký lưu hành thoáng trông như chặt chẽ, rồi cũng "tùm lum tà la" biến báo ở các cấp thực hiện. Cũng là "góp phần" giúp nhiều hãng sản xuất xe, các công ty, đại lý bán xe hơi vừa qua "ăn đủ" của các loại thượng đế. Cạnh đó các ông tài chính thuế khóa thì tận thu các loại thuế đếm tiền mệt nghỉ vào những dịp xe cháy chợ, cháy salon, người mua phải van vỉ nhiều cửa mới có hàng.

Cái guồng ấy cứ chạy miết. Xe nhiều, người nhiều, đi lại hỗn loạn đường phố đông nghẹt. Tóm lại là chui hết vào một vòng luẩn quẩn, như không lối thoát.

Xe tư được sở hữu cứ thế nhiều thêm, sáng sáng tối tối "vô tư" tràn xuống mặt đường. Vì có ai cấm.

Đi công việc chung cũng có. Nhưng phải nói xe đi trưng diện, đi ăn chơi nhảy múa, đi tiệc tùng cũng rất là phổ biến. Cái kiểu ông/anh A đến thăm B; bà/cô-chị C đáp lễ D... thì cũng diễn đều đều không thiếu. Đó là, (nào ta) cùng ra đường, cùng xuống đường...

Đường đã ít và chật chội. Lại chẳng làm mới làm thêm gì đáng kể suốt bấy lâu nay. Có những con phố nội thành Hà Nội vẫn giữ kích cỡ như vậy từ ngày trước giải phóng 1954 khi người Pháp rút đi. Đường xá cho xe cộ, vỉa hè cho người đi bộ ở đấy thì nguyên xi không nhúc nhích...

Nhưng thử hỏi con người và các phương tiện đi lại ở đấy đã "tăng lên bao nhiêu lần" rồi? Có ai chịu khó đứng ra tính toán và thay đổi cách làm để thoát ra khỏi những mê lộ này không.

Lại tiện thể nói thêm mấy dòng về nhà cửa. Các công trình lớn nhỏ loại này lâu nay cũng cứ thoải mái đua nhau mọc lên như nấm sau mưa.

Vì các vị chủ nhà, chủ đầu tư xây dựng cứ chịu khó phục sẵn đấy, họ biết cách "kiên trì" đi lại phường quận... Có trăm lối để đi. Họ trình bày ra cả ngàn lẻ một lý do là rồi cũng xin được giấy phép.

Phép tắc khi đã có là tung hoành xây cất. Có nhà năm bẩy tầng. Đôi khi mạnh vốn dựng lên suýt soát cả chục tầng. Ngay trong nội đô cũng không bao giờ lỡ dịp một khi đã nắm chắc giấy phép. Điều đó khiến cho nội thành chật càng thêm chật.

Cái khối người dồn cục đến như thế, tập trung hết thảy vào các phố xá nội thành. Lại cùng với xe cộ đi theo nhất loạt "túa" ra đường thì lấy đâu đường xá mà đi nữa! Quá dễ hiểu.

"Đường xá không có mà đi", cái điệp khúc đau khổ đó cứ lặp đi lặp lại. Nghe mãi đến là ngán ngẩm, chối tỉ lắm!

Lại chưa kể hồi này, cái đích thời gian cho 1000 năm Thăng Long đã đến gần qúa mất́ rồi.

Bữa nay chỉ còn 260 ngày nữa là tới Đại lễ. Ai là người Hà Nội, là các công dân thủ đô mà chẳng thấy sốt ruột, có cái gì nong nóng trong tâm can không yên.

Có biết bao nhiêu công việc cho cái ngày đáng ghi nhớ kia. Mà không ít công trình còn đang dang dở với thủ đô chúng ta.

Chợt đọc lại một bài viết xuất hiện hơn hai tháng trước đây của một người có nghề kiến trúc, xin phép post lên để cùng nhau ngẫm nghĩ. Để biết tới lối tư duy và thực tiễn quy hoạch của người xưa, tức của chính cha ông chúng ta giỏi giang sáng láng đáo để.

Mà không chỉ ngẫm nghĩ để học theo các cụ. Còn bao sự nuối tiếc đi theo khi nhiều thành tựu kiến trúc vang bóng một thời đã bị các cuộc xâm lược ngoại bang và chiến tranh phá hỏng. Nó vĩnh viễn bị vùi lấp trong lòng đất...

Nên ngày hôm nay, câu hỏi không lấy gì làm khó lắm, hỏi về "bản sắc kiến trúc của ta là gì" đã không nhận được câu trả lời nào cho thật rõ ràng.

Đấy là một câu hỏi nghiêm chỉnh đặt ra ngay cho ngành quản lý công việc xây dựng của toàn đất nước. Ấy thế mà các vị còn chịu thì thật là tiếc và còn đau nữa.

Nhưng buồn thay, đó lại là sự thực. Việc đó nếu bạn quan tâm có thể đọc bài dưới đây.

Nguyễn Vĩnh
http://vn.myblog.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=1211

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét