Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Di sản văn hóa ai bán/phá, ai mua?

(Nhân đọc Luật Di sản sửa đổi chuẩn bị cho bài giảng môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam)
Trên trang
http://www.tuanvietnam.net/2009-12-15-bao-gio-chung-ta-se-pha-dinh-lang-cách đây mấy tuần có một bài khá “độc” bởi cái tít “Bao giờ chúng ta phá đình làng?” của tác giả Vương Thảo. Bài viết sau đó đã được nhiều trang thông tin khác trên mạng post lại và phổ biến tới nhiều độc giả, chắc mỗi người đều đã tìm được câu trả lời cho riêng mình.

Câu trả lời của riêng tôi là chúng ta đang bán/phá không chỉ đình làng mà tất cả những gì có thể bán/phá được bằng nhiều cách khác nhau. Xin kể ra đây một vài cách:
Cách thứ nhất: Bán đất xây dựng các loại dự án khác nhau từ xây dựng khu công nghiệp đến đô thị, khi bán như vậy chính quyền các cấp họ bán tất tần tật, bất chấp trên hay dưới lòng đất có gì. Có lẽ, chỉ có rất ít dự án thực hiện đúng luật Di sản Văn hóa, không rõ có được độ 10% không? Và nếu có thực hiện, thì khốn khổ cho các nhà nghiên cứu, vắt chân lên cổ chạy theo tiến độ, làm gì còn thời gian để làm đúng theo quy trình. Rất nhiều các bậc thức giả đã lên tiếng về vấn đề này, tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng tài nguyên thiên nhiên may ra sau hàng ngàn năm, hàng vạn năm còn có thể tái tạo nhưng tài nguyên văn hóa một khi đã bán đi rồi triệu năm sau cũng không có cơ may phục hồi. Nói vậy để cho thấy tính cấp thiết của vấn đề cần giữ lại chút gì đó từ di sản văn hóa mà tổ tiên để lại cho chúng ta và con cháu chúng ta. Cứ cái đà bán cấp tập thế này liệu bao lâu nữa thì hết đây?
Cổng làng bị nhà cao tầng chen lấn

Cách thứ hai: Du lịch hóa di sản văn hóa mà đúng ra phải là văn hóa hóa các hoạt động du lịch. Các cụ nhà ta nói cấm sai bao giờ “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, khi hai ngành văn hóa và du lịch quy tập về một nhà, du lịch mười mươi lấn át văn hóa. Tất cả những việc người ta đang làm hiện nay như hiện đại hóa lễ hội, hành trình di sản, tổ chức các lễ hội (festival) …. có mục đích gì cao hơn mục đích kiếm tiền?

Đình Khương Hạ thành điểm trông giữ xe (http://vietnamnet.vn/bandocviet/2009/06/851031/)

Cách thứ ba: Hội chứng “trọc phú” trong xây dựng các công trình “văn hóa giả truyền thống” với tiêu chí đầu tiên là “NHẤT” để ghi vào sách ký lục. Hiện nay có một hiện tượng rất phổ biến là những gì ông cha để lại hoặc người ta trùng tu theo cái cách làm biến dạng, hoặc làm ngơ cho chúng tự hủy hoại, trong khi người ta tập trung tiền của, công sức (chả rõ của tư nhân hay nhà nước nữa) xây dựng những khu gọi là tâm linh Đông Tây y kết hợp, nhăng nhố, chả theo bất cứ một quy chuẩn nào. Báo chí thổi phồng ca ngợi nào là giá trị tinh thần, nào là bản sắc văn hóa dân tộc…
Đối với tôi, những trò này chỉ là các cách kiếm tiền, rửa tiền và phô trương thanh thế của một số người/nhóm người mà thôi.

Tạm kể ra đây đôi ba cách như vậy, chắc còn nhiều cách nữa mà tôi chưa nhận ra.
Câu hỏi là Luật Di sản khả thi đến đâu? Rồi có còn Di sản để mà thực hiện Luật này hay không?


Lâm Thị Mỹ Dung

1 nhận xét:

  1. PGS-TS sau khi nghỉ hưu nên qua làm Bộ trưởng Bô Văn - Thể -Du

    Trả lờiXóa