Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

Vườn Chuối lên trang Quê Choa

Di chỉ Gò Vườn Chuối, một di chỉ cực kì quý hiếm sắp bị xoá sổ


Cổng làng Lai Xá, nơi có di chỉ Gò Vườn Chuối sắp bị xoá sổ

Mặc dù báo CAND, một số trang web cá nhân và các nhà khoa học đã lên tiếng, đạc biệt blog Gocomay- blog của một nhà văn hoá Việt định cư ở Đức dù ở xa vạn dặm cũng đã hai lần lên tiếng, nhưng nguy cơ di chỉ Gò vườn chuối bị xoá sổ vẫn còn rất cao. Vì thế bọ không thể không lên tiếng.



Di chỉ Gò Vườn Chuối ( làng Lai Xá xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một trong những di chỉ khảo cổ quan trọng, tiểu biểu thời Hùng Vương và làng Lai Xá có bề dày lịch sử văn hóa rất đáng tự hào, đáng được coi là một “Bảo tàng trong lòng đất”. Tại đây hơn 40 năm qua, gò Vườn Chuối là một di chỉ khảo cổ quan trọng còn chứa đựng nhiều hiện vật có giá trị, rất cần được bảo vệ. Thế nhưng, với dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, di chỉ khảo cổ học này có thể sẽ bị xóa sổ.

Theo PGS TS Lâm Mỹ Dung ( Học trò yêu của GS Trần Quốc Vượng, người quen của bọ) những đồ trang sức bằng đá tại di chỉ này đẹp không kém gì đồ trang sức của văn hóa Phùng Nguyên. Về đồ đồng, thu được một số mũi tên đồng, mũi nhọn bằng đồng, nhiều sỉ đồng, một lò đúc đồng cùng các khuôn đúc đồng. Ngoài ra, còn thu được một số hạt gạo đã cháy, xương động vật… Một số nồi gốm còn nguyên vết muội bám, củi gỗ đang cháy dở còn cả than, cùng một số hố bếp hình lòng chảo… chứng tỏ đây từng là nơi cư trú của cư dân cổ cách nay 3.000 năm.

PGSTS Lâm Mỹ Dung đang rất buồn

"Gò Vườn Chuối nằm trọn trong dự án khu đô thị Kim Chung – Di Trạch của TP Hà Nội. Chúng tôi đã liên hệ với Bảo tàng Hà Nội đề nghị báo cáo thành phố bảo vệ di tích này theo quy định của Luật Di sản văn hóa; theo đó, trước khi tiến hành giải phóng mặt bằng tại nơi có di tích lịch sử, văn hóa, cần phải tiến hành thám sát, khai quật đánh giá giá trị của di tích… Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ hồi âm nào. Nếu TP Hà Nội không có biện pháp kịp thời, rất có thể di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối sẽ bị xóa sổ hoàn toàn".


Bọ không có chuyên môn về lĩnh vực này nên đành phải giới thiệu blog Goco may bàn về vấn đề khẩn thiết này.




Khu đô thị mới hoàn chỉnh nằm ngay sát thủ đô Hà Nội ngay trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 1. Dự án nằm dọc theo quốc lộ 32 đi Tp. Sơn Tây cách đường Phạm Văn Đồng khoảng 3km.

Dao sắc không gọt được chuôi

Lai Xá là một làng cũng có nhiều cái lạ. Nằm cùng trong một vùng quần cư cửa ngõ Xứ Đoài giáp gianh với Thăng Long Hà Nội mà chỉ có làng Lai một mình một giọng nói. Nghe nặng gần như giọng Xứ Nghệ mà lại không giống Nghệ ở lối phát âm khá tròn vành rõ chữ ở tất cả các ngôn từ. Các làng xung quanh như Nhổn, Đăm, Gối, Giang, Lưu, Thìa, Ải thì trừ làng Lưu Xá (giống giọng Thạch Thất – Sơn Tây) còn tất cả hơi ngọng ná ná giống nhau. Người Lai Xá tha hương xa tới đâu, không biết mặt nhau nhưng có thể nhận ra người làng nhờ giọng nói độc nhất vô nhị mỗi khi chạm chán nhau.

Lai Xá cổ xưa là làng thuần nông với nghề canh cửi lúc nông nhàn. Người đầu tiên đưa nghề dệt luạ chăn tằm tới phát triển ở Lai Xá là một bà vợ của Đức Thành Hoàng Làng Trần Lão (An Sinh Vương Trần Liễu – bố cuả Đức Thánh Trần Hưng Đạo). Tuy chưa có một nghiên cứu qui mô nào, nhưng di tích Đình Đụn (đã được công nhận di tích LSVH) ở giữa làng với di tích Vườn Dâu (cách đình chừng hơn trăm mét về phía Tây – nay đã bị xoá sổ để làm nhà ở) có thể đã minh chứng hùng hồn điều đó.

Tới cuối thế kỷ 19, khi nghề ảnh du nhập vào VN, thì Lai Xá được các nhà nghiên cứu xác nhận là cái nôi cuả nghề ảnh ở nước ta, với ông tổ là Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký) từng có hiệu ảnh cả ở Hà Nội, Sài Gòn và Paris.

Thời xưa thợ ảnh người làng chủ yếu là đàn ông. Hầu như người thợ cày Lai Xá nào cũng biết nghề chụp ảnh. Người viết những dòng này cũng là con cuả một người thợ thợ ảnh nổi tiếng. Nhưng chuyện làng nghề xin để một dịp khác. Hôm nay xin bàn đến chuyện của hai cha con vị giáo sư tiến sỹ về dân tộc học nổi tiếng người làng.

Đó là giáo sư Nguyễn Văn Huyên!

Ông được mọi người biết đến như một nhà văn, nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu dân tộc học nổi tiếng, trước khi trở thành bộ trưởng trong nội các đầu tiên cuả nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

GS Nguyễn Văn Huyên (1908-1975). Ảnh: Wikipedia

Nguyễn Văn Huyên, sinh ra ở làng Lai Xá, mồ côi cha từ năm lên 8, thông minh chăm học, được bà cô nuôi nấng và ăn học ở tỉnh (Hà Nội), được sang Pháp du học.

Ông đỗ tú tài rồi cử nhân Văn khoa năm 1929, cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne. Trong thời gian nghiên cứu Tiến sĩ ở Pháp ông dạy học tại Trường Ngôn ngữ Đông phương. Năm 1934 ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris (khi mới 26 tuổi).

Trong luận văn tiến sỹ bảo vệ tại Đại học Sorbonne ngày 17.02.1934, ông đã sử dụng hai công trình “Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam” và luận án phụ “Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á“. Hai bản luận án này được xếp loại xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp với sự hoan nghênh của giới chuyên môn Pháp, Đức, Hà lan… Trong 10 năm tiếp theo, giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã cho công bố thêm 44 công trình nghiên cứu về folklore xoay quanh chủ đề văn hoá và văn minh cuả người Việt.

Chúng ta đều biết, nước Việt từng 1.000 năm bị Bắc Thuộc. Có lẽ hiếm có một dân tộc nào trên thế giới mà phải chịu thời gian ngoại bang đô hộ dài đằng đẳng như thế (1.049 năm). Với các công trình dân tộc học cuả GS Nguyễn Văn Huyên đã góp phần chứng minh sức sống kỳ diệu của dân tộc Việt. Những công trình đồ sộ đó, phải 20 năm sau khi ông mất (cuối TK 20) thì mới được dịch và giới thiệu ra tiếng Việt (sách dày 803 trang). Quá muộn, nhưng cũng còn may, bởi nó được chuyển ngữ với những dịch giả uyên bác về ngôn ngữ và văn hoá. Trong phần đề dẫn, nhan đề “Nhà bác học Nguyễn Văn Huyên với văn hoá VN”, giáo sư sử học Hà Văn Tấn viết: “Người ta thường coi Nguyễn Văn Huyên là nhà dân tộc học lớn, điều đó đúng. Nhưng đọc ông, nghiền ngẫm các tác phẩm cuả ông, tôi lại thấy vượt lên tư cách của nhà xã hội học…”. Còn nhà sử học Trần Quốc Vượng thì đánh giá: “Ông (Nguyễn Văn Huyên), là một nhà khoa học nhân văn lớn và hiện đại đầu tiên ở nửa đầu thế kỷ 20 này”…”Giới nghiên cứu trẻ/già hôm nay còn được học và phải học ở ông nhiều về phương pháp luận và các phương pháp tiếp cận những sự kiện nhân văn, vừa cụ thể vừa tổng thể”.

Kế tục sự nghiệp dân tộc học (còn dang dở) cuả người cha, người con trai, giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, người có công lớn trong việc xây dựng bảo tàng có một không hai ở Việt Nam – Viện Bảo tàng Dân tộc học (DTH) ở số 1 phố Nguyễn Văn Huyên Hà Nội. Nếu ai đã từng tham quan viện bảo tàng này thì đều thán phục ông Huy. Bảo tàng DTH thực sự đã trở thành địa điểm yêu thích cuả du khách cả trong và ngoài nước.


GS-TS Nguyễn Văn Huy

Ông Nguyễn Văn Huy và Bảo tàng dân tộc học được biết đến là một bảo tàng tầm cỡ quốc tế.


Làm được điều kỳ diệu đó, không những phải là người có kiến thức, mà hơn thế phải có tâm và “… phải có cả lòng dũng cảm nữa”. Như GS Nguyễn Văn Huy tâm sự.

Điều vui mừng cho nơi chôn rau cắt rốn cuả danh nhân Nguyễn Văn Huyên, nay không còn là “vùng sâu vùng xa” của Hà Nội nữa. Mà đã được qui hoạch trở thành Quận Thăng Long 9 của thủ đô. Nhưng không biết vị giáo sư tiến sỹ Nguyễn Văn Huy nghĩ gì khi đọc những dòng này trên báo Công An Nhân Dân, lên tiếng kêu cứu về di chỉ Gò Vườn Chuối của Lai Xá quê hương ông, như sau: “Hơn 40 năm qua, gò Vườn Chuối là một di chỉ khảo cổ quan trọng còn chứa đựng nhiều hiện vật có giá trị, rất cần được bảo vệ. Thế nhưng, với dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, di chỉ khảo cổ học này có thể sẽ bị xóa sổ…”. Như người xưa nói “dao sắc không gọt được chuôi”, hay câu “sống làm săng (quan tài) chết bó chiếu”. Không biết ông Huy và giới nghiên cứu khảo cổ và giới sử học – dân tộc học nói chung có đủ “lòng dũng cảm” và cả cơ may để cứu vãn được di chỉ khảo cổ Vườn Chối ở Lai Xá hay không? Chắc cũng khó trả lời trong lúc này, vì những người làm qui hoạch (khát đất) họ đâu có cần biết di chỉ, di tích là cái gì. Dưới con mắt của họ “tấc đất là tấc vàng” và khi cá đã “nằm trên thớt” rồi, chuyện phóng sinh phóng địa thật như khó như đơm đó ngọn tre vậy!

( Nguồn: Gocomay)



Hiện vật đá vất vưởng ở rià đường cổng làng Lai Xá. (Ảnh: Gocomay)



Khu đồng Cối Mèn này chỉ cách di chỉ Vườn Chuối khoảng hơn trăm mét

Hãy cứu di chỉ Vườn Chuối sắp bị “xóa sổ”

Báo cand-14:45:00 18/01/2010

Rìu đồng, dao găm đồng và rìu đá thu được trong lòng đất gò Vườn Chuối.

Báo CAND đã có bài phản ánh làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có nhiều cổ vật trong lòng đất, đặc biệt là gò Vườn Chuối. Hơn 40 năm qua, gò Vườn Chuối là một di chỉ khảo cổ quan trọng còn chứa đựng nhiều hiện vật có giá trị, rất cần được bảo vệ. Thế nhưng, với dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, di chỉ khảo cổ học này có thể sẽ bị xóa sổ.

Bảo tàng trong lòng đất

Một ngày cuối tháng 12/2009, có mặt tại gò Vườn Chuối, PV Báo CAND được mục kích 2 ngôi mộ cổ thuộc thời kì văn hóa Đông Sơn vừa phát lộ, trong đó có một mộ cải táng còn khá nguyên vẹn.

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung – Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử (Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Qua khai quật hai hố với tổng diện tích 60m2 tại di chỉ gò Vườn Chuối, kết quả thu được rất khả quan. Hai tầng văn hóa ở đây là văn hóa Đồng Đậu và văn hóa Đông Sơn. Tầng văn hóa Đồng Đậu còn khá nguyên vẹn với nhiều hiện vật như rìu đá, trang sức bằng đá, chày bằng đá, vòng đeo tay, khuyên tai bằng các loại đá cứng như đá ngọc, đá đen; một số loại bình gốm, nồi, bát, dọi xe chỉ…

Đáng chú ý, ở hố khai quật thứ hai, cách bề mặt gò khoảng 30 – 40cm, đã phát hiện 2 mộ cổ thuộc văn hóa Đông Sơn, gồm 1 mộ hung táng và 1 mộ cải táng. Mộ hung táng gần như đã hóa hết; đồ tùy táng gồm rìu lưỡi xéo bằng đồng, sợi dây đồng, mũi tên đồng và 1 nồi gốm đặt ở phía dưới chân người. Mộ cải táng, cốt được xếp lại vào một quách gỗ, còn khá nguyên vẹn.

Lần tìm những tư liệu về gò Vườn Chuối, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những giá trị lịch sử, văn hóa của một vùng đất cổ xưa. Đợt khai quật đầu tiên năm 1969, thu được 48 đồ đá, 8 đồ đồng và nhiều đồ gốm. Đợt khai quật thứ hai năm 2001, thu được nhiều đồ đồng, đồ gốm, hạt gạo cháy, xương động vật…

Đáng chú ý, đợt khai quật lần thứ ba cuối tháng 12/2009, đã thu được nhiều kết quả rất quan trọng. Trong tầng văn hóa màu xám đen, dày trung bình từ 0,5 cho đến 1m, đã phát lộ nhiều hiện vật có niên đại từ 3.500 đến 3.000 năm cách nay, được làm bằng các chất liệu đá, đồng, xương, gốm. Đồ đá chủ yếu bằng bazan và đá ngọc được chế tác khá tinh xảo. Nhiều hiện vật phong phú khác như đục, rìu, bôn, bàn mài, khuôn đúc, vòng, khuyên tai, hoa tai, thanh đồng, dây đồng, lưỡi câu, mảnh đồng, xỉ đồng. Đồ gốm có dọi xe chỉ, bi gốm và hàng vạn mảnh gốm các loại; trong đó có nhiều mảnh gốm trang trí hoa văn rất đẹp, cầu kì.

Có thể khẳng định, gò Vườn Chuối là một trong những di chỉ khảo cổ quan trọng, tiểu biểu thời Hùng Vương và làng Lai Xá có bề dày lịch sử văn hóa rất đáng tự hào, đáng được coi là một “Bảo tàng trong lòng đất”.

Bảo tồn di tích Vườn Chuối là thiết thực kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội

Thế nhưng di tích Vườn Chuối đang có nguy cơ bị xóa sổ. Trung tuần tháng 1/2010, khi chúng tôi trở lại Lai Xá, ở đây đang biến thành một đại công trường và di tích Vườn Chuối đang bị “ngoạm” dần bởi hàng trăm con người, xe máy hối hả giải phóng mặt bằng cho dự án khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch. Theo ông Phạm Văn Hùng, Đội trưởng An ninh thôn Lai Xá, với tốc độ này thì chỉ sau Tết Nguyên đán Canh Dần, toàn bộ gò Vườn Chuối sẽ bị vùi lấp và nhiều công trình sẽ mọc lên ngay trên chính khu “Bảo tàng dưới lòng đất” Vườn Chuối.

Khu di tích Khảo cổ gò Vườn Chuối đứng trước nguy cơ “xóa sổ”.

Theo bản đồ quy hoạch chi tiết Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch được niêm yết tại thôn Lai Xá, tổng diện tích khu đất xây dựng là 170,29ha, diện tích đất ở là 41,45ha. Trong đó, biệt thự là 12,91ha, nhà liên kết vườn 20,3ha, nhà cao tầng 8,24ha. Ngoài ra, còn có đất cho công trình hỗn hợp là 12,45ha, quảng trường, cây xanh 7,31ha và công viên, hồ, mặt nước, đường giao thông, bãi đỗ xe, đất công trình công cộng, dịch vụ thương mại… Chủ đầu tư công trình là Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng, Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Vietracimex làm đơn vị tư vấn.

Thiết nghĩ, trong lúc cả nước đang xúc tiến các hoạt động hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, việc bảo vệ di tích gò Vườn Chuối là điều rất cần thiết, là trách nhiệm trước tiền nhân và cả hậu thế

http://quechoablog.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét