Một Vai Trò Hợp Lý Của Biển Đối Với Lịch Sử Việt Nam? Xã Hội Duyên Hải Trong Thế Giới Mậu Dịch Của Hội An,
thời khoảng 1550-1830
Charles Wheeler
Ngô Bắc dịch
Ngô Bắc dịch
I. Dẫn nhập
Liệu có điều như là một “văn hóa duyên hải” trong lịch sử Việt Nam hay không? Ngay dù để bắt đầu trả lời câu hỏi này, chúng ta phải cứu xét trước tiên là liệu Việt Nam có một lịch sử hàng hải nào hay không, bởi đã không có thói quen cho các sử gia để nghĩ biển như một diễn trường chính yếu của sự giao tiếp giữa người Việt Nam hay với những người bên ngoài bờ biển của họ. Thực ra, nhiều học giả đã nhận thức được tính trung tâm của nước trong đời sống Việt Nam. Nhiều điều đã được nói về sự kiện rằng từ ngữ nước [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] có nghĩa “nước uống: water” cũng có nghĩa là “nhà nước, quốc gia: state”. Nước được trình bày trong một số văn bản như là một ẩn dụ trung tâm trong văn hóa Việt Nam. 1
Liệu có điều như là một “văn hóa duyên hải” trong lịch sử Việt Nam hay không? Ngay dù để bắt đầu trả lời câu hỏi này, chúng ta phải cứu xét trước tiên là liệu Việt Nam có một lịch sử hàng hải nào hay không, bởi đã không có thói quen cho các sử gia để nghĩ biển như một diễn trường chính yếu của sự giao tiếp giữa người Việt Nam hay với những người bên ngoài bờ biển của họ. Thực ra, nhiều học giả đã nhận thức được tính trung tâm của nước trong đời sống Việt Nam. Nhiều điều đã được nói về sự kiện rằng từ ngữ nước [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] có nghĩa “nước uống: water” cũng có nghĩa là “nhà nước, quốc gia: state”. Nước được trình bày trong một số văn bản như là một ẩn dụ trung tâm trong văn hóa Việt Nam. 1
Tuy nhiên, không một trong sự thùa nhận này dẫn đến một sự tìm kiếm nghiêm chỉnh về các loại ảnh hưởng mà một “căn bản văn hóa biến hay một môi trường biển có thể tác động trên các xã hội, kinh tế hay hệ thống chính trị có thể tự xác định là thuộc Việt Nam, xuyên qua không và thời gian, nằm trong hay vượt quá các biên giới hiện thời của quốc gia – dân tộc Việt Nam.
Việt Nam nói chung bị nhìn là “[có địa hình] thất lợi theo đó lãnh thổ kéo dài của nó thiếu mất một mạch sông trung tâm”, một đặc điểm cho phép dân chúng định cư dọc theo các hệ thống sông Chao Praya và Irrawady cấu tạo thành các cốt lõi hành chính và kinh tế của Thái Lan và Miến Điện ngày nay. 2 Khả tính rằng biển kề cận có thể tác động phần lớn theo cùng cung cách mà các giòng sông lớn đã làm tại các nước khác đã không được cứu xét, bởi vì Việt Nam không tạo ra các đoàn tàu mậu dịch đường biển khổng lồ như nước Anh hay Hòa Lan, một sự kiện đã được phán đoán do kết quả của sự tách biệt của Việt Nam với biển, một hệ quả của sự không quan tâm tự căn bản đến ngoại thương. 3 Tuy nhiên ngay cả khi làm nổi bật lên các sự phát biểu như thế này, tôi có thể đưa ra mộr cảm tưởng sai lạc về một nền văn học coi trọng sự phân tích sâu xa. Trong thực tế, các học giả về Việt Nam hiếm có khi nào cứu xét về biển, bất kể sự kiện là, khi chúng ta ở Việt Nam, chúng ta không bao giờ quá xa cách với biển.
Khá lạ lùng, tại một xứ sở nơi hầu như mọi người nói tiếng Việt trong lịch sử đã sống gần biển (cho mãi đến hồi gần đây), sự khảo sát về mối tương quan giữa môi trường và sự thống nhất chính trị xã hội đã chú tâm vào địa bàn của các rặng núi phủ chùm lên nhau, phân chia Việt Nam thành từng khúc. Không có một con sông lớn thống hợp, các rào cản bằng núi này chia cắt Việt Nam thành các khoảnh đất từng miền khác nhau. Sự kiện này, trong thực tế, đã tạo ra một “lãnh thổ ít có tính cấu kết nhất trên thế giới”, một sự đặc trưng hóa địa lý được gán cho là của nhà địa dư học người Pháp, Pierre Gourou, và xuất hiện từ khoảng thập niên 1930. 4 Những người viện dẫn nhận định của Gourou đã làm như thế nhằm khuyến khích sự thừa nhận các sự khác biệt cấp miền từ lâu không được biết đến giữa người Việt Nam. Thay vì không gian không dị biệt chiếm ngụ bởi một nền độc canh (monoculture) không biến đổi, chúng ta lại thấy một số miền màu sắc khác nhau, mỗi miền đều có nét độc đáo trọng sự biểu lộ của nó hay “thể hiện tính chất Việt Nam”. 5 Sự phân cắt thành từng khúc của núi đồi và sự “vắng bóng’ của bất kỳ sợi dây nối kết trực tiếp” bằng đường thủy đã ngăn trở các khuynh hướng thuần nhất hóa, mà lại còn tăng cường cho một sự xa cách về địa lý tự nhiên, chính trị, và văn hóa [có tác dụng] duy trì các sự biểu lộ cấp miền riêng biệt. 6
Tất cả các điểm này có vẻ khá hợp lý, nhưng điều đáng làm là hãy bước ra ngoài một lát để cứu xét đến bối cảnh của lời phát biểu của Gourou. Làm như thế để phát hiện rằng sự phán đoán của Gourou có thể đã phát sinh phần lớn không phải từ sự thực nghiệm mà là từ ý thức hệ. Ở một tác phẩm khác, ông tuyên bố:
Hình dạng của Đông Dương thuộc Pháp sẽ không có vẻ dành cho một xứ sở để thống hợp địa hình “khiến cho việc thông thương gặp khó khăn giữa miền đông với miền tây, và giữa miền bắc với miền nam. Vì thế, điều không lấy làm ngạc nhiên rằng, mãi cho đến khi có sự can thiệp của Pháp, miền đông Đông Dương chưa bao giờ hợp thành một đơn vị chính trị”.
Ông còn nói tiếp, “Đông Dương thuộc Pháp là một sự tạo lập hợp lý của Pháp. “Sự thống nhất chính trị tán trợ cho sự khai sinh các quan hệ kinh tế, là điều lại tăng cường ngược lại cho nó [cho sự thống nhất chính trị]”. 7 Nói cách khác, không có các sự áp đặt của Pháp, khung sườn để thống nhất “cơ cấu địa dư” của Việt Nam sẽ không bao giờ được thành hình; ý chí của Pháp đã họp lý hóa đất đai và như thế đã mang lại sự thống nhất cho người Việt Nam đên nơi rõ ràng chưa từng hiện hữu trước đây. Khi đó, chúng ta có thể xem ý niệm về sự phân khúc của Gourou không gì khác hơn một sự nối dài của sự biện minh thường được sử dụng cho chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam hay không? 8 Ảnh hưởng cách biệt của núi đồi chắc chắn có thực, nhưng điều rõ ràng là một sự tin tưởng không phê phán nơi âm vang của các sự kết luận có tính cách chủ nghĩa đế quốc của Gourou đã gạt bỏ, một cách giả tạo, sang một bên các vấn đề về mối tương quan giữa môi trường và lịch sử.
Chúng ta cũng không nên bác bỏ ý tưởng về một mạch nước phù sa thống hợp. Lý do thì giản dị: tàu thuyền có mặt ở khắp mọi nơi đối với Việt Nam, ngay dù trong thời đại của xe hỏa, máy bay và xe hơi. Trước thế kỷ thứ hai mươi, đường thủy được ưa dùng hơn và thường là phương tiện lưu thông độc nhất. Đoàn tàu nhỏ chạy trên sông và kinh đào đã nối liền các trung tâm của miền với các vùng nội địa của chúng, trong khi hàng hải ven biển đã nối liền miền này với miền kia. 9 Nhưng tôi sẽ trình bày trong bài khảo luận này, khi đối diện với một bức tường núi đáng ghê sợ, người Việt Nam, một dân tộc duyên hải, chỉ đơn giản đi vòng quanh nó, bằng các chiếc thuyền, do đó, lật đổ bất kỳ giới hạn nào mà các núi đồi có thê áp đặt lên từ ban đầu. Sự lưu thông ven biển này cũng đã hòa nhập với một trong những đường giao thông rộng lớn nhất trong việc vận tải đại dương tại Á Châu; vì thế, chúng ta cũng phải tái cứu xét đến điều được cho là sự xa cách của người Việt Nam với biển và nền thương mại của nó. Bất kể sự vắng bóng của các đoàn tàu mậu dịch đường biển to lớn, tại miền duyên hải viền quanh lãnh thổ của quốc gia-dân tộc ngày nay, các dấu hiệu của sự giao kết trên biển thì đầy rẫy. Trong số các dấu hiệu này, người ta có thể tìm thấy một mô thức, và trong mô thức đó bờ biển hiện ra như “sợi dây liên kết trực tiếp” bị thất tung mà người ta dùng (một cách vô ý thức hay không) để các bộ phận rõ ràng bị phân tán vào một toàn thể chúng ta nhìn nhận ngày nay là Việt Nam. Chính ở sự khảo sát khu vực duyên hải này, chứ không phải về một con sông to lớn, mà chúng ta có thể bắt đầu hiểu được các sự liên can cho biết về các cơ cấu của các quốc gia và xã hội Việt Nam theo dòng thời gian. Để hiểu được lịch sử Việt Nam, như thế, chúng ta phải nhìn đến biển cả.
Biển luôn luôn là phần tử quyết đoán cho người dân cư trú trên các bờ biển của nó. Các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu được điều đó. Nó là một địa điểm quan trọng của sự giao tiếp hàng ngày, ngay cả trong thời kỳ khi mà sự định cư của người Việt Nam còn được tập trung tại vùng Đồng Bằng sông Hồng. Mức độ to lớn của sự quan trọng của biển đối với mối quan hệ này đã gia tăng khi mà các nhà chinh phục và thực dân Việt Nam mở rộng các lãnh địa của Việt Nam về phía nam, dọc theo bờ biển, một khuynh hướng được huyền thoại hóa ngày nay là cuộc nam tiến [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], (“Advance South”). Tầm quan trọng của biển tăng trưởng một cách mãnh liệt trong suốt các thế kỷ thứ mười bảy và mười tám, thời kỳ “tiến bước’ ngang qua phần mà giờ đây là phân nửa phía nam của Việt Nam. Ở nơi đó, người Việt Nam đã định cư quanh các thủy lộ nơi mà người Chàm và Khmer (Căm Bốt) đã sinh sống và các nhà buôn bán đường biển hay lai vãng trong nhiều thế kỷ. 10 Sự gia tăng giao tiếp về biển này đã xảy ra trong suốt giai đọan mà giờ đây được gọi là thời ban đầu của kỷ nguyên hiện đại, một thời kỳ được tượng trưng bởi sự tăng trưởng của mậu dịch liên-Á Châu, sự thương mại hóa các nền kinh tế trong miền, và sự bành trướng lãnh thổ, tập trung hóa hành chính, quy định về xã hội, và hội nhập văn hóa của các quốc gia.11 Các sự thay đổi này cũng xảy ra tại Việt Nam. Vùng duyên hải có tính chất quan yếu trong các tiến trình này, vì thế bất kỳ sự hiểu biết thông suốt nào về sự chuyển hóa thời ban đầu của kỷ nguyên hiện đại của Việt Nam đều phải nhìn đến biển.
Gần như tất cả các thành phố của Việt Nam đều kết hợp với các cảng biển. Mỗi cảng biển đã từng có thời phục vụ như một đầu mối liên lạc cho sự giao thông trên biển, duyên hải, sông ngòi, và trên đất liền, đã thống hợp các miền của Việt Nam và nối liền Việt Nam với phần Á Châu trên biển. Song, không một trong số các thành phố cảng này đã được nghiên cứu một cách thích đáng về tầm quan trọng của chúng đối với lịch sử của Việt nam, ngay cả Saigon, bất kể là nguôn cung cấp tài liệu có sẵn giúp cho việc viết lại các lịch sử địa phương là điều khả dĩ.
Mục đích của bài viết này là để vạch ra tính chất trung tâm của biển đối với lịch sử Việt Nam. Tôi sẽ làm việc này bằng cách trình bày một thời điểm và địa điểm đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, một thời kỳ lập quốc được gắn liền với các chúa Nguyễn (1558 – 1777), những kẻ đã cai trị trên một lãnh thổ chiếm giữ bằng cách gặm nhắm từng phần từ các xứ láng giềng Chàm và Khmer. Chính trong thời kỳ này phần lớn các cảng biển của Việt Nam được phát triển, thay thế cho các cảng biển cai quản bởi ng Chàm trước đây vốn đã có nhiều thế kỷ kinh nghiệm với các thương nhân đường biển. Tôi sẽ phác họa sơ lược hải cảng quan trọng nhất trong số các cảng biển này, được gọi là Hội An phố [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], “bãi cập bến của một cảng an toàn”. Hội An tạo thành đầu mối của một mạng lưới thương mại và mậu dịch đã xúc tác sự tổng gộp của một hỗn hợp linh hoạt gồm các thổ dân còn sống sót, các thực dân nhập cư, và các khách đi biển tạm trú dưới sự cai trị của một quốc gia Việt Nam chủ trương bành trướng, và đóng một vai trò then chốt trong tiến trình thành lập quốc gia trong thời kỳ được gọi là thủa ban đầu của kỷ nguyên hiện đại. Tôi sẽ phác họa các đường viền căn bản của hệ thống mậu dịch của Hội An, và cung cấp một vài minh họa về các cư dân duyên hải là các kẻ đã đầu tư sâu đậm vào hoạt động mậu dịch hàng hải của Hội An, trong các cung cách có tính cách đặc trưng của một nền văn hóa duyên hải. Trong phần kết luận, tôi sẽ lập luận rằng các hoạt động của họ tiêu biểu cho một định hướng trông ra biển thông thương đối với mọi cư dân ven biển của Việt Nam. Hơn nữa, chúng còn chứng minh rằng một người không nhất thiết phải tham dự trực tiếp vào công cuộc mậu dịch biển mới bị định hình tự căn bản bởi nó.
II. Miền, Hải Cảng, Vùng Nội Địa và Mậu Dịch của Hệ Thống Hội An 12
Cả miền đã đặt trọng tâm ở Hội An, cảng biển có phù sa bồi đắp trải dài. Nằm ngay phía nam của Đà Nẵng trong tỉnh Quảng Nam ngày nay, Hội An tọa lạc ở cửa sông Thu Bồn, vào khoảng 3 km đi ngược lên từ biển Đông Hải (tiếng Việt, tức Eastern Sea), còn được gọi là biển Nam Hải (South China Sea) (xem Bản Đồ 1). 13 Được biết bởi người Âu Châu là Faifo, thành phố trong thời cực thịnh của nó suốt trong các thế kỷ thứ mười bảy và mười tám đuợc dùng như một địa điểm xuất cảng và chuyển tàu quan trọng, phục vụ cho mậu dịch đường biển của Á Châu, đầu mối thương mại chính yếu nằm trong quốc gia của chúa Nguyễn tại Cochinchina (Đàng Trong) vốn đã cai trị phần đất giờ đây là miền trung và miền nam Việt Nam trong suốt các thế kỷ thứ mười bẩy và mười tám.
Bản Đồ 1: Hải cảng Đà Nẵng cấu thành vịnh lớn phía bắc Hộị An, nằm ngay phía nam đèo Hải Vân. Từ eo biển ở mỏm phía nam cuối vịnh, các thuyền đánh cá đã kéo các tàu đi biển xuôi nam, dọc theo đầm Cổ Cò (Co Co Lagoon) đến Cửa Đại Chiêm (Cham Estuary).
Đáng kể nhất, các thương nhân của Hội An đã khai thác vị trí chiến lược của hải cảng trong trong mạng lưới chuyển vận hải ngoại đề cạnh tranh thành công trước các hải cảng Á Châu khác, đặc biệt là Macau, trong việc thu tóm tam giác mậu dịch ngấm ngầm giữa Trung Hoa và Nhật Bản, đã đoạn tuyệt về mặt ngoại giao nhưng vẫn giao tiếp trên một căn bản không chính thức, xuyên qua các thương nhân đường biển là các kẻ đã trao đổi các hàng lụa, bạc, đồng, và các sản phẩm khác từ cả hai nước ở những thị trường “ngoài khơi” bí mật như Hội An. 14 Các nhà kho của Hội An cũng chất chứa các hàng hóa từ nhiều nguồn khác nhau khắp miền Đông Nam Á lục địa và hải đảo để tái chuyển vận ra nước ngoài. Các thương nhân của thị trấn, đông đảo nhất là người Hoa gốc Hokkien (và người Nhật trước năm 1639), thu gom các hàng hóa địa phương được vận tải bởi phu khuân vác, súc vật và thuyền từ vùng núi, các đồng bằng phù sa, và vùng duyên hải, để xuất cảng ra nước ngoài. Giữa hai mùa gió bắc và nam – trong khoảng từ tháng Hai đến tháng Bẩy – dân cư ước lượng 5,000 người của thị trấn đã gia tăng gấp đôi, khi người ta chen chúc quanh các kho hàng, tại ngôi chợ của thị trấn, và tại nhiều “chợ nổi” dọc theo bến tàu. Các khi luồng gió mùa tháng Tám thổi đến, các người đi biển chuyển vận các hàng hóa trung chuyển của họ, cùng với kim loại, đá, thực vật, và động vật bản xứ đến các thị trường tại Trung Hoa và Nhật Bản. Trong các tháng kế tiếp, các chiếc thuyền cập bến cùng với các luồng gió phương nam, từ miền Nam Á và Đông Nam Á. Cùng với đầu năm mới âm lịch, các thuyền quay trở lại Hội An chất đầy các sản phẩm lúc nào cũng có một số cầu cao, bởi chúng thỏa mãn một loạt các nhu cầu xa xỉ và thực tế của sự sử dụng về dược phẩm, cúng lễ, nấu ăn, may mặc và vân vân… Như ngôi chợ trung tâm cho Đàng Trong, Hội An phục vụ như điểm thu gom và phân phối cho các vùng lân cận trong miền của nó, kể cả một chuỗi các cảng biển ở cửa sông tọa lạc dọc theo bờ biển Đàng Trong. Nó cũng cung cấp một trạm then chốt trong công cuộc mậu dịch duyên hải và trên đất liền bí mật giữa các lãnh địa miền bắc của chúa Trịnh và miền nam của chúa Nguyễn nằm trong đế quốc trên lý thuyết của vua Lê, phân cách nhau trong suốt các thế kỷ thứ mười bẩy và mười tám bởi sự cạnh tranh về chính trị. 15
Sự phát triển của Hội An đã đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc mậu dịch Á Chấu thủa ban sơ của thời hiện đại, nhưng quan trọng hơn, nền thương mại của nó đã ảnh hưởng đến sự thành lập một quốc gia Việt Nam tại các lãnh thổ trước đây của người Chàm và người Khmer (Căm Bốt) và sự tái định hướng phát sinh trong sự đồng nhất hóa chính trị xã hội trong phạm vi các phần đất này, để tiến đến một tiêu chuẩn văn hóa Việt Nam. 16
Hội An như một phân miền của Biển Nam Hải
Bản Đồ 2 Biểu thức của Bronson như được áp dụng cho Đàng Trong (cochinchina). Giòng sông thống hợp vùng đất nội địa của nó bao quanh một hải cảng trung tâm ở vùng hạ lưu. Mỗi khu vực bị phân ranh bởi giòng nước tượng trưng cho một tỉnh trong quốc gia của chúa Nguyễn. Các con đường ven biển thống hợp các miền song song, và hoạt động như hành lang hay thông lộ duyên hải để liên kết các miền song song này. Các thủy lộ trên biển nối kết các hải cảng với các thị trường nước ngoài. Giống như các kẻ tiền nhiệm người Chàm, các chúa Nguyễn đã đặt định các trung tâm hành chính cấp miền của họ hơi lùi về phía thương nguồn, tại chân các ngọn đồi nơi mà các phụ lưu trong các hệ thống sông ngòi ngắn, dốc và chẩy xiết hợp vào nhau, trước khi chúng mau chóng tỏa rộng ngang qua một đồng bằng phù sa ở cửa sông. Ngôi chợ trung tâm của miền cũng tọa lạc nơi đây; trong trường hợp của Hội An, nó nằm đối diện với dinh quân trấn.
Hội An nằm gần như ngay giữa một giải nhiều đồng bằng của các con sông nhỏ, chạy song song trườn dài theo một trục bắc nam giữa hai vùng châu thổ to lớn của sông Hồng và sông Cửu Long (xem các Bản Đồ 1 và 2). Núi và biển là các đặc tính chế ngự của lãnh thổ này, ngày nay thường được gọi là Miền Trung Việt Nam. Về phía tây, núi non bám sát bờ biển Việt Nam uốn khúc hơn khi nó tiến xuống phía nam. Hiện tượng này ngoạn mục nhất tại vùng lân cận của Hội An. Ở đó, rặng núi bắc nam gọi là Trường Sơn chuyển hướng đến sát biển nhất. Núi và biển ghim “các thị trấn [Việt Nam] lưng dựa vào núi mặt quay ra biển”, như một du khách hồi thế kỷ thứ mười bẩy đã ghi nhận. 17 Từ các rặng cao nguyên sa thạch và núi non bị xoi mòn theo hướng bắc nam này, các nhánh cao của các đỉnh đá hoa cương và đá vôi xuyên ngang ra biển và tạo thành các hòn đảo ngoài khơi. Các ngọn nụi khi đó, đã thực sự đóng khung các cư dân Trung Phần Việt Nam vào “các ốc đảo” nơi các đồng bằng phù sa nhỏ được tưới bởi các luồng nước ngắn, chảy dốc. Đối với các sử gia, đặc tính về núi non này hồ trợ cho quan điểm đã được tiêu chuẩn hóa về Việt Nam như “vùng đất ít cố kết nhất trong thế giới”. 18
Nhưng, những gì mà núi non chia cắt, lại được thống hợp lại bằng các giòng nước. Điều này có thể được nhận thấy khi chúng ta chuyển quan điểm của minh theo nhãn quan của các sử gia có ý thức rõ về các rào cản của Việt Nam sang cái nhìn về xứ Chàm. “Chàm” được mô tả tổng quát như các người nói tiếng Mã Lai đã từng cư ngụ ở các đồng bằng duyên hải của Trung Phần Việt Nam và lập ra một loạt các chính thể mang vẻ Phật Giáo Ấn Độ hơn một nghìn năm trước khi Hội An phát đạt. 19 Trong các sự phân tích về địa dư của họ, các học giả cả về xứ Chàm và Đông Nam Á thuộc biển có nhấn mạnh một cách tổng quát một sự tương đồng căn bản giữa Trung Phần Việt nam với các vùng đất được cư ngụ bởi các nhóm dân Mã Lai thuộc vùng Đông Nam Á hải đảo. Sự chú ý đến các điểm tương đồng này được khiêu gợi bởi yếu tố địa dư nhiều như bởi văn hóa hay ngôn ngữ. Trong phần lớn thế giới Mã Lai, chúng ta tìm thấy cùng loại thủy thổ, sinh ra cùng các hậu quả: Nhiều loại luồng nước sông nhỏ, chảy trên triền dốc đứng, ngăn cách bởi núi non, dân số của chúng tập trung lại các đồng bằng đất phù sa gần các cửa sông. Mô thức này, được mô tả đầu tiên bởi tác giả Bennet Bronson, nhấn mạnh đến tính xác quyết của môi sinh trên công cuộc mậu dịch và sự thành hình thể chế chính trị tại vùng Đông Nam Á hải đảo. (xem Bản Đồ 2). Các học giả về Chàm đã du nhập mô thức quần đảo này trong một số cuộc nghiên cứu, và đã sử dụng nó để giải thích và lý thuyết hóa một loạt bao quát nhiều đề tài, nêu ý kiến về một tác động sâu xa của môi trường và sinh thái trên các khuôn mãu chính trị, văn hóa, và xã hội đã định hình nền thương mại và công cuộc mâụ dịch của miền. Thí dụ, đông lực môi trường này còn giải thích cả cho tập tục đánh phá của người Chàm – hay hoạt động hải tặc, tùy theo vị trí quan sát của bạn – như một chức năng trung tâm trong kinh tế và chính trị của xứ Chàm. Các giả định về biển như một môi trường trung gian (chứ không phải như một khoảng trống không, như các sử giả người Việt đã nghĩ) đã thúc đẩy các sử gia về các miền thuộc Chàm truy tìm các dấu hiệu về các hoạt động ở hải ngoại, và ngược lại, các dấu hiệu của sự tương tác hải ngoại bên trong các lãnh địa của Chàm. Các miền như Hội An, không còn là một hình trạng quái dị của đất liền mà là một “hải đảo” điển hình, được đem ra so sánh một cách hữu dụng với các môi trường tương tự như ở Sumatra, Bán Đảo Mã Lai, Borneo hay Phi Luật Tân. 20
Sự mâu thuẫn này trong các quan điểm học thuật về Chàm và Việt Nam là điều đáng để tâm đến. Liên quan đến cùng biển cả, từ cùng địa thế, các học giả Việt Nam chỉ nhìn thấy một khoảng trống không tăng cường cho sự cô lập; ngược lại các học giả về Chàm lại nhìn thấy một môi trường linh hoạt hỗ trợ cho sự di động và móc nối. Một bên nhìn thấy học thuyết xác quyết của môi trường, bên kia về tính năng động của sinh thái, khi con nguời điều giải thế giới của họ giữa biện chứng về núi và biển. Nó biểu lộ tầm mức trên đó các yếu tố xác định về địa lý mà chúng ta dựa vào đã đưọc nhận thức một cách chủ quan.
Các học giả về Chàm và vùng nội địa Đông Nam Á đã nhấn mạnh đến vai trò thống nhất được đóng giữ bởi các thủy lộ; một cách mỉa mai, bằng chứng về các thủy lộ này thì dễ tìm thấy hơn nhiều trong văn chương lịch sử dính liền với Việt Nam. Thí dụ, hồi tưởng cuộc thăm viếng của ông ta vào năm 1695 tại Đàng Trong, một nhà sư Trung Hoa đã mô tả chức năng chủ yếu của sông biển trong sự giao thông:
Không có cách nào để đi lại giữa hai huyện [bằng đường bộ]. Khi một người đi đến một cảng biển, tức có nghĩa một huyện lỵ. Nếu muốn đi đến một huyện khác, người ta phải trương buồm từ một hải cảng đi ra biển, và men theo rặng núi, đi đến một hải cảng khác. 21
Thuyền đã là một phương thức chuyển vận chính tại Đàng Trong, và thủy lộ ven biển đã nối kết các cửa sông lại với nhau. (Sụ phát biểu của vị sư không hoàn toàn đúng. Các con đường bộ có hiện hữu, song song với bờ biển, mặc dù các khách du hành của chúng phải đối diện với các chướng ngại vật dựng đứng dọc con đường). Điều này khiến cho người ta có lý hơn khi cứu xét, nói chung, rằng đi bằng đường biển nhanh hơn đường bộ nhiều. 22 Lưu thông ngoài khơi dọc theo bờ biển, khi đó, hình thành một thân cột liên kết người Việt Nam lại với nhau, ràng buộc họ vào một khuôn mảnh mai đã đúc kết một cách chủ ý về chính trị vào các liên bang Chàm khác nhau của họ, vào quốc gia Việt Nam ở Đàng Trong, và gần đây hơn, thành quốc gia – dân tộc Việt Nam. Vai trò hợp lý của biển này đã được phản ảnh trong địa dư hành chính tại Việt Nam thủa ban sơ, trong đó các đơn vị địa phương tập trung tại cửa sông phù hợp một cách khít khao với biểu thức về Đông Nam Á của tác giả Bronson. 23 Một số sự di chuyển trong lịch sử Việt Nam cũng luân lưu theo các giòng nước biển, từ các cuộc chinh phục thần tích của vua Lê Thánh Tông đến cuộc ra đi của Nguyễn Hoàng để mở mang biên giới phia nam những năm 1600. 24 Phần lớn đên bằng thuyền, dọc theo hành lang duyên hải. Nhập vào tuyến bắc nam này không chỉ có hàng hóa, mà còn cả các di dân, đóng vai trò quan trọng nhất trong lịch sử của Hội An (và Việt Nam nói chung), các người dân Việt từ lãnh thổ lịch sử của họ bao quanh châu thổ sông Hồng, đã làm biến đổi bộ mặt của các phần đất của dân Chàm và dân Khmer trước đây.
Một cách kỳ thú, các sự tương đồng đia dư này không bị giới hạn ở riêng Đông Nam Á. Khi họ đến vùng đất mới, xa lạ cùa mình, Trung Phần Việt Nam hẳn cũng trông hòan tòan quen thuộc đối với khách tạm trú hay dân định cư gốc Trung Hoa chiếm đa số tại Hội An, đặc biệt sắc dân Hokkien thuộc tỉnh Phúc Kiến. Ảnh hưởng của núi và biển Phúc Kiến trên sự phát triển của nó từ lâu đã lôi kéo được các sự chú ý của các sử gia kinh tế và các nhà nhân chủng học Trung Hoa. Trong các khía cạnh nền tảng của nó, các sự mô tả đia dư Trung Phần Việt Nam không mấy khác biệt với sự trình bày về phần lớn các miền biển thuộc phia nam Trung Hoa, đặc biệt của tỉnh Phúc Kiến, nơi phát sinh của phần lớn các thương nhân ở Hội An. 25 Trong thực tế, trừ các ngoại lệ của các con sông Pearl [Trung Hoa], sông Hồng, sông Cửu Long và sông Chao Praya [Thái Lan], bờ biển Á Châu lục địa từ sông Dương Tử đến eo biển Melakan phù hợp với mô thức quần đảo của tác giả Bronson.
Yếu tố duy nhất vắng mặt trong biểu thức này là các hòn đảo ngoài khơi, bởi chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển mậu dịch tại thế giới quần đảo này. Bản chất của biển khá ổn định nhưng vẫn đặt ra một mối đe dọa với người đi biển. Các tàu thuyền có thể đột nhiên bị đánh đắm bởi các cơn bão dữ dội quét ngang vùng Biển Nam Hải trong các trận mưa lớn của mùa được gọi gió nồm mùa đông, hay xuất hiện và không có dấu hiệu tiên báo. Song thiên nhiên đã can thiệp chống lại cơn giận dữ của thần Neptune [vị thần biển cả, theo thần thoại của La Mã, chú của người dịch]: hàng ngàn các đảo nhỏ mọc lên quanh đường viền biển Nam Hải, rải rác giữa khoảng từ các đảo lớn thuộc quần đảo Nam Dương và ngoài khơi vùng Á Châu lục địa (Quảng Đông không thôi đã có đến hơn 700 hòn đảo ở ngoài khơi của nó). 26 Các hòn đảo ngoài khơi này cung cấp các bảng hiệu hải hành tiện lợi, và các đảo như Cù lao Chàm, với các nguồn nước ngọt, trở nên hữu dụng cho việc tân trang và tái tiếp liệu các tàu thuyền. Thực vậy, các đảo này có thể chứng tỏ vừa là một mối làm nhức đầu cũng như vừa là một bến ản náu, bởi chúng cung cấp cùng sự an toàn và cứu tê cho quân hải tặc, và đã góp phần vào việc bảo đảm cho sự hiên hữu thường trực của chúng. Điều này làm gia tăng sự lo ngại của các thương nhân và thủy thủ, và đặc biệt gây bối rối cho các quốc gia không bào giờ có thể hành sử thẩm quyền khả tín trên các hòn đảo. Các chuyển vượt biển không phải là không có các khó khăn; nhưng các luồng gió tiên đóan được và sự đông đảo của các hòn đảo ẩn náu khiến cho sư du hành duyên hải trở nên tương đối dễ dàng, và đã bảo đảm sự lưu hành thường lệ của nền thương mại hợp pháp hay không hợp pháp khắp các xã hội vùng Biển Nam Hải. 27
Hôi An, khi đó, tiêu biểu không chỉ cho một thế giới Mã Lai, nhưng một cách rộng rãi hơn, một thế giới Biển Nam Hải to lớn hơn. Trong biểu thức này, các con sông lớn là ngoại lệ, hơn là tiêu chuẩn thông thường. Dạo quanh vùng duyên hải cấu thành “trung tâm của nó, người ta nhận thấy một loạt các con sông song song bị ngăn cách bởi các mũi đá tạo ra các đồng bằng phù sa nhỏ, khi con sông đổ ra biển. Tương tư, các vịnh và vũng nhỏ nép mình vào bờ biển này, và nhiều hòn đảo ven biển phun nước [ngọt] ngoài khơi, mang lại một lối thông hành an toàn từ một miền duyên hải này đến miền duyên hải khác. Dĩ nhiên, trong một khung cảnh tương đối rộng lớn như thế, các điểm tương đồng sớm bị đè bẹp bởi trọng lượng của các nét đặc thù, chẳng hạn như khí hậu, môi trường sinh sống, vân vân... Bờ biển Trung Phần Việt Nam có nhiều cát hơn, bờ biển Trung Hoa gồ ghề hơn, và quần đảo có quá nhiều đảo nhỏ hơn. Nhưng các nét tương đồng về địa dư nền tảng có thực. Biển có thể len lỏi được làm giảm bớt sự cô lập tại thế giới của các thung lũng nhấp nhô trên đầu sóng này.
Nơi mà các học giả về miền Đông Nam Á lục đia có thể xem là sự phân tán với sự vắng bóng trong vùng một con sông thống hợp như sông Cứu Long hay sông Irrawady [Miến Điện], hay sự cô lập giống nhau nơi các ngọn núi cắt ngang, các nhà nghiên cứu vùng Đông Nam Á hải đảo lại nhìn thấy một sự hợp nhất đã có thể được thực hiện nhờ ở các con tàu ven biển. Bờ biển, khi đó, đã phục vụ trong một vai trò trung ương như một đường giao thông thống hợp trong đời sống kinh tế của của dân miền trung Việt Nam, thi hành chức năng trong bản chất giống y như chức năng của các con sông lớn trên đất liền. Tính chất này không loại bỏ các sự phân chia tạo ra bởi các ngọn núi, mà đúng hơn, là các đối lực chống lại chúng. Động lực duyên hải này, nơi mà núi và biển bổ túc lẫn nhau xuyên qua một đại mạch ven biển, đã xác định cơ cấu căn bản trong đó các nền kinh tế, các thể chế chính trị và các xã hội đã phát triển trong một thế giới Biển Nam Hải, và chính trong khung cảnh duyên hải này, chúng ta phải tìm hiểu về Hội An và vùng đất nội địa của nó.
III. Sự Liên Thuộc Của Các Xã Hội Duyên Hải và Công Cuộc Mậu Dịch Đường Biển tại Hội An
Trong suốt các thế kỷ thứ mười bẩy và mười tám, kinh tế của Hội An và vùng đất nội địa của nó đã được thương mại hóa. Bằng chứng của sự thương mại hóa này tự hiển hiện trong các sản phẩm mậu dịch, và trong sử ký của nó, đặc biệt trong văn chương của các người đi biển và các thương nhân, và trong sự báo cáo hành chính trình bày về các thị trường độc quyền, các khu khai thác hầm mỏ, thuế khóa, vân vân … Các dữ liệu tổng hợp của chúng đủ giúp chúng ta liên tưởng đến người dân khắp vùng nội địa đã tham gia vào hoạt động thương mại hướng tới Hội An, bất luận là các người thu hái trên vùng cao nguyên, các kẻ cấy cày lấy công tại vùng đất thấp hay công nhân đồn điền, hay các người đánh cá ven biển. 28 Nhiều người trong vùng lân cận của Hội An đã tham gia toàn thời gian trong hoạt động sản xuất, chuyển vận và mậu dịch này, tuy nhiên, các cư dân đia phương này chỉ tham gia vào nền kinh tế thương mại trong một số thời khoảng nào đó trong năm, bổ túc cho lao động “kiếm sống” rõ ràng hơn của họ. Vai trò của họ trong công cuộc mậu dịch của Hội An tuy thế không chỉ mang tính cách ngoại vi. Có đủ các dữ liệu hiện hữu để phác thảo một tác phẩm về các phần tử ít được chú ý này trong công cuộc mậu dịch của Hội An, đủ để cho chúng ta thấy rằng Hội An không thể hoạt động mà không có các cư dân địa phương này, và các dịch vụ và sản phẩm mà họ đã cung cấp.
Điều này đặc biệt đúng đối với các cư dân ven biển của Hội An. Sau hết, các tàu đi biển của vùng Biển Nam Hải không phải là loại có thể tự lực chút nào. Chúng đòi hỏi một sự trợ giúp địa phương lớn lao dọc hành trình. Chuyến du hành của một nhà sư cung cấp một thí dụ cho sự việc này. Thích Đại Sán, một nhà sư từ Quảng Châu, du hành đến Đàng Trong trong năm 1695, và sống ở đó trong một năm, theo chân một dòng các nhà sư Trung Hoa tạm trú và định cư là các kẻ đã gia nhập làn sóng các đồng hương di dân sang lãnh địa Việt Nam này. Khi nhà sư Đại Sán và 500 khách đồng hành bước lên chiếc thuyền đi biển (yangchuan: dương thuyền) cuả họ tại bến Hoàng Phố (Whampoa), thành phố Quảng Châu, các thuyền đánh cá địa phương đã sẵn túc trực để kéo chiếc tàu vĩ đại xuyên qua các chỗ nước nông của châu thổ sông Pearl cho đến khi họ ra tới biển cả tại cửa Hổ Môn (Humen: Lion‘s Gate). Ở đó, khi một chiếc thuyền nhỏ từ Sở Hải Quan Yuehai tiến đến để “thu các biên lai thuế”, nhà sư Đại Sán đã nhìn thấy ‘hai chiếc tàu nhỏ dẫn đường cho chúng tôi khi đó đã rời đi, trong khi các thuyền nhỏ, chèo tay chất nước ngọt lên thuyền của chúng ta”. Bốn ngày sau, chiếc thuyền tiến gần đến bờ biển của Đảo Hải Nam (Hainan), nửa đường đến Đàng Trong. Khi họ tiến gần đến một hải cảng, các ngư phủ địa phương sáp gần lại chiếc thuyền vĩ đại, nhận gia công để tu bổ chiếc thuyền cho chặng cuối đi đến Đàng Trong. Với nước ngọt và lương thực mới được chất lên tàu, chiếc thuyền tiếp tục lên đường. Ba ngày sau, thuyền đến đảo gọi là Cù Lao Chàm, đối diện với Hội An (xem Bản Đồ 1). 29
Khi các chiếc tàu gần đến bờ biển Đàng Trong, chúng thường được hướng dẫn đến một hòn đảo ngoài khơi [cù lao, tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] dành cho các thuyền đi biển. Tại đó, các đại diện của các ngôi làng ven biển sẽ di chuyển đến các chiếc tàu, đề nghị các dịch vụ như chuyển tin, thông dịch hay cung cấp đồ tiếp liệu. Thomas Bowyear, người cũng du hành đến Đàng Trong vào cùng thời với nhà sư Đại Sán, trong các năm 1695-96, nhớ lại khi con tàu của ông đến ngoài khơi bờ biển Cù Lao Chàm như sau:
Vào ngày 20 [tháng Tám năm 1695], với lá cờ của chúng ta được trương ra, để mời các Ngư Phủ lên tàu, nhìn thấy nhiều người, nhưng không ai tự nguyện đến gần chúng tôi, vào buổi chiều, tôi đã phái Viên Chức Phụ Trách Chi Thu - Kế Tóan (Purser) lên bờ, làm quen vơi Dân Chúng trên đảo, rằng chúng tôi muốn cập bến, và mong muốn các chiếc thuyền ra giúp chúng tôi. Ngày 21, trước buổi trưa, Ông ta và Surang [?] được chở ra, trong hai chiếc thuyền, với hai viên chức cấp thấp, thuộc [chính quyền] của hòn đảo, và mười chiếc thuyền khác đi cùng với họ, toàn là các Ngư Phủ, mà họ nói với chúng tôi, phải giúp cho chiếc Tàu tiến vào trong. 30
Trong ít ngày, chiếc thuyền của Bowyear đã nhận được giấy phép thông quá từ các quan chức nhà Nguyễn rằng tàu có thể tiến vào hải cảng Đà Nẵng (Cửa Hàn, tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] là nơi mà nhà nước hạn chế các thương nhân Âu Châu và các thuyền có sống tàu sâu của họ (xem Bản Đồ 1). 31 Chiều hôm đó, “chiếc tàu thả neo trước Văn Phòng Hải Quan, được kéo ngược giòng Sông, bởi các Ngư Phủ”. 32
Các đại diện của nhà nước cũng đã sẵn hiện diện. Vào đầu thế kỷ thứ 18, nhà Nguyễn đã cử hơn 170 cá nhân với các trách nhiệm chính thức lo việc thuế quan ở Hội An. 33 Ngay các đảo ngoài khơi như các đảo này cũng có một hay hai phán quan. Một khi tàu chở ông đã thả neo xong, nhà sư Đại Sán nhớ lại có các thuyền tiến sát đến hông tàu:
Tôi nhìn chăm chăm xuống mái tóc rối bời của họ, khăn quấn quanh bụng và răng nhuộm đen. Một số người không dám lên tàu. Hai nhà sư mọi rợ [người Chàm], các thanh tra của nhà vua [Chúa Nguyễn], đến và nói chuyện [với thuyền trưởng]. Sau cùng, họ tuyên bố theo nghi lễ rằng các dây thừng của chúng tôi có thể thả xuống các chiếc thuyền, và [họ] có thể báo cáo một cách mau lẹ lên nhà vua.
Một khi đã hoàn tất, các viên thanh tra đã phái các thuyền truyền tin về Đồn Hội An, trong khi đó chiếc tàu nằm chờ đợi sự quay về của chúng với “dấu đóng” cho phép lưu thông đến bờ biển. 34
Chính nhà sư Đại Sán đã đi đến kinh đô của nhà Nguyễn, nhưng chiếc tàu chở ông, giống như phần lớn các thương thuyền, tiếp tục đi đến Hội An. Khi đến được cửa của hai con sông chính đổ nước vào hệ thống sông ngòi của Hội An, các thuyền đánh cá địa phương đã kéo chiếc tàu đến chỗ thả neo an toàn bên trong vũng. Một bức tranh của Nhật Bản được vẽ hồi thập niên 1640 minh họa tiến trình này từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, khi nó phác họa một nhóm các chiếc thuyền kéo một chiếc tàu Nhật Bản từ cửa Hàn (thuộc Hải Cảng Đà Nẵng ngày nay), xuống phụ lưu giờ đây được mở rộng gọi là vũng Cổ Cò [?] chạy song song với bờ biển, tới Vũng Chàm thuộc con sông Hội An, nơi mà sau hết chiếc tàu đã thả neo (xem Bản Đồ 1). 35
Khác với việc tu bổ tàu thuyền, có vẻ như đã mời gọi sự cạnh tranh từ mọi phía, triều đình nhà Nguyễn chính thức chỉ định các làng đánh cá chịu trách nhiệm thực hiện các công việc kéo tàu tại một số khu vực xác định, đổi lại, “Nhà Vua [miễn] cho các Ngư Phủ phần Đóng Góp [thuế] của họ bởi các công việc của họ trong sự trợ giúp các chiếc Tàu”. 36 Các làng này coi trọng các chỉ dụ đặc cấp của họ, và gìn giữ chúng tại các ngôi đình làng. 37 Các làng khác sở đắc các chỉ dụ đặc cấp khai thác các tổ yến chim nơi các đảo ngoài khơi, hay trục vớt các thuyền bị đắm dọc bờ biển hay hay tại khu vực nguy hiểm được gọi là Trường Sa [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], tức “Bãi Cát Dài Vạn Dặm” [“Ten Thousand Shoal” là phần dịch sang tiếng Anh của tác giả, không đúng nghĩa với danh xưng nguyên gốc: “Vạn Lý Trường Sa”, chú của người dịch], hay còn gọi là Paracel Islands [tác giả đã sai lầm khi không phân biệt đưọc hai nhóm quần đảo Trường sa và Hoàng Sa (Paracel Islands) và hiểu lầm là một, chú của người dịch] nằm giữa Biển Nam Hải. 38
Tại các nơi thả neo này, các cư dân địa phương đã bân rộn tham gia vào việc chăm sóc con tàu, hành khách và vận tải hàng hóa. Nhà sư Đại Sán của chúng ta, du hành từ triều đình nhà Nguyễn đến Hội An bằng tàu hải quân một năm sau đó, đã mô tả quang cảnh này một cách tường tận. Lên bờ ở bến đáp thuộc Đồn Hội An, nhà sư Đại Sán đã quan sát. “Các cư dân chen chúc quanh [chúng tôi]. Đột nhiên, một phiên chợ buổi sáng tạm bợ được thành hình. Dân chúng mang đến cau, hải sản, trái cây, trà và các thực phẩm khác, kính cẩn dâng thức ăn để chúng tôi dùng”. (Dù sao đi nữa, Đại Sán không chỉ là khách của hoàng gia không thôi, mà trên hết, ông còn là một cao tăng.) Vị chỉ huy đồn bước ra để đón chào ông và các vị sư tháp tùng, sau đó đãi họ một bữa điểm tâm, “vừa được nấu từ các nhà tiếp tế tức thời”. 39
Khi ăn uống, nhà sư quan sát việc chất và bốc dỡ hàng hóa của các chiếc tàu nơi thả neo. Ông nhận thấy một dòng liên tục các phu khuân vác và các súc vật chất hàng vận chuyển hàng hóa đến và đi ở bến tàu. “Tôi hay biết rằng, dọc theo suốt con đường này, có các người trông coi đồ tiếp liệu và sự chuyển vận [hàng hóa], đúng theo dấu chỉ giờ giấc của nhật khuê [sundial: đồng hồ chỉ giờ dựa theo bóng của kim đồng hồ do mặt trời chiếu xuống, trên một mặt có các vạch phân chia để chỉ giờ, chú của người dịch], với ít sự sai lạc. Tôi lấy làm thương hại cho sự làm việc liên tục của một người đi biển. 40 Những kẻ cần đến họ cũng có thể thuê mướn các “đầy tớ” (coolies) tùy theo nhu cầu cá nhân, thường liên can đến sự vận tải trên đất liền đến các khu vực khó tiếp cận bằng đường thủy, chẳng hạn như vùng nôi địa sâu xa hay các ngọn đèo trên núi. Điều gây nhiều ngạc nhiên cho các quan sát viên Tây Phương, rằng nhiều hay phần lớn các người vận tải đi bộ này là các phụ nữ. Các súc vật và xe chất hàng cũng được sử dụng cho chuyến hàng hóa xa hơn hay nặng hơn. Vận tải bằng voi có giá đặc biệt rất đắt. 41
Các cảnh tượng như thế có tính cách tiêu biểu cho các hải cảng ven biển của Đàng Trong. Một quan chức Việt Nam, tuần du các hải cảng ven biển này hồi giữa thế kỷ thứ mười tám, đã nhận xét: “không có bất kỳ thứ gì mà bạn không thể mua được”. Tại các chợ hải cảng ven biển, các cư dân địa phương trao đổi với các người bán lẻ đến từ vùng nội địa, các nhà mậu dịch ven biển, và các thương nhân đường biển. Họ “cũng trao đổi với nhau”. Bình luận về một hải cảng nhỏ, ông đã viết: “Không có lúc nào mà giòng sông yên nghỉ”. 42 Các nhà mậu dịch ven biển sau đó đã chuyển các hàng hóa này về các nhà kho ở Hội An để xuất cảng, không chỉ trên các tàu đi biển khổng lồ mà còn cả trên các tàu buôn nhỏ hơn của Trung Hoa hay Việt Nam, men theo bờ biển đến Thái Lan hay vượt qua Vịnh Thái Lan để đến các hải cảng sâu hơn phía nam.
Các cư dân miền biển này, một cách điển hình, đã làm nhiều hơn việc phục vụ cho công cuộc mậu dịch, họ cũng tham gia một cách thường xuyên vào trong đó. Tại bến thả neo của Cù Lao Chàm hay trên bờ biển, một chiếc tàu cập bến sẽ nhận thấy một cái chợ tạm thời được thành hình một cách mau chóng quanh nó. Một năm trước đây, trong một nỗ lực bất thành để lái thuyền đi đến Quảng Châu, “hàng tá chiếc thuyền đánh cá” (dien co [?]) đã kéo [chiếc tàu của chúng tôi] ra ngoài hải cảng”. 43 Khi chiếc thuyền buồm của ông nằm tại bến tàu của Cù Lao Chàm, nhà sư Đại Sán lấy làm ngạc nhiên về các cư dân trên bờ. 44
Chiếc thuyền còn lại có một viên chức búi tóc, đi chân trần, canh chừng liên tục với ánh sáng từ chiếc đèn, để bảo đảm không có kẻ nào rời khỏi [con tàu]. Suốt đêm, với sự lắc lư và tiếng ồn ào. Tôi nằm đó, không thể ngủ ngon giấc. Trong giờ khắc sớm sủa của buổi sáng, các con thuyền bao quanh chúng tôi như một đàn kiến. Các kẻ mọi rợ xô đẩy tranh dành nhiều loại quạt, mũ và vớ tất khổ dài, mua mà không cần mặc cả. Họ đặc biệt ưa thích các cây dù.
“Các chợ nổi” này, như nhà sư Đại Sán gọi chúng, đã là một hình ảnh thông thường đối với cuộc sống hàng ngày tại các hải cảng thuộc Đàng Trong. Các cư dân kết hợp một hay nhiều công việc miền biển này, thường phân chia các trách vụ theo giống phái, thí dụ, hay thay đổi công việc tù theo mùa. Nhà sư Đại Sán ghi nhận rằng “những người tại các túp lều-cửa hàng đều là các phụ nữ”, nhưng sự kiện này cũng đúng đối với các nhà kho chính, các sạp trong chợ, các quán trọ, nhà hàng ăn, và các nơi quan trọng khác tại Hội An. 45 Các quán trọ và nhà hàng ăn chiếm ngụ các bờ sông hay đường bộ được điều hành một cách điển hình bởi các phụ nữ, và thường chứa đầy “gái điếm” (public women), một yếu tố khác trong nền kinh tế địa phương của Hội An.
Người Việt Nam có thể có thể được nhận thấy trong các hàng ngũ các người đi biển chuyển vận hàng hóa xuyên qua các đại dương. 46 Nhà sư Đại Sán lấy làm khâm phục về khả năng của một thủy thủ Việt Nam trên chiếc thuyền của ông, vào một đêm trong cơn mưa bão dữ dội. 47
Chàng thanh niên A bản [?] [aban trong nguyên bản, chú của người dịch] là một người Việt, tuổi chưa đến hai mươi, mạnh khỏe, tráng kiện và linh hoạt. Trên đỉnh mỗi chiếc buồm mà anh ta trèo lên, anh buộc một chiếc khăn. Anh ta thao diễn xuyên qua các sợi dây buồm như thể anh ta đang đặt chân trên mặt đất phẳng phiu.
Các sự xác định như thế thì hiếm có, trong sách vở về mậu dịch chính đáng. Tuy nhiên, trong các niên giám về hải tặc, Việt Nam được hình dung một cách cặn kẽ. Nạn hải tặc xem ra là một chứng bệnh địa phương triền miên đối với biển ngoài khơi Đàng Trong, được quy kết trong phần lớn lịch sử cho người Chàm, cho các kẻ mà hoạt động đánh phá đã tạo thành một phần tử hạt nhân của nền kinh tế chính trị của họ. Các hoạt động của họ tạo thành tai tiếng đối với các khách du hành vùng Biển Nam Hải. Cho mài đến tận năm 1599, các khách du hành đường biển vẫn còn phàn nàn về các cuộc đột kích của người Chàm, khá lâu sau khi có sự triệt hủy dự liệu chế độ tự trị chính trị của họ. 48 Cộng vào các sự rối rắm do các kẻ cướp bóc gốc Chàm này gây ra là các hoạt động của các quân cướp biển. Trong cuộc khảo sát của tác giả về các lời thú tội của các hải tặc bị bắt giữ bởi các giới chức thẩm quyền nhà Thanh hồi thập niên 1790, Diane Murray nhận thấy hơn một nửa tự nhận mình là ngư phủ hay thủy thủ. 49 Các hoạt động của họ một cách điển hình diễn tiến quanh mùa mậu dịch: “như một quy luật, từ tháng Hai hay tháng Ba đến tháng Chín, mọi thuyền tặc khấu đều thực hiện các cuộc càn quét của chúng”. 50 Trong thực tế, nhiều hải tặc gây rối các bờ biển Trung Hoa là người Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng vì nạn hải tặc hồi thập niên 1790, các giới chức thẩm quyền nhà Thanh đã liệt kê Trung Phần Việt nam nằm trong số nhiều căn cứ hải tặc đe dọa nền an ninh của Trung Hoa. 51 Phần lớn nạn hải tặc này liên quan đến việc bắt cóc người dân và buôn bán họ như các nô lệ. 52 Nhà nước Việt Nam đã tích cực làm việc để diệt trừ nạn hải tặc ra khỏi bờ biển của mình, mặc dù nó chưa bao giờ thành công hơn chút nào, so với các đối tác Trung Hoa và Đông Nam Á.
Một khía cạnh cướp bóc do nhà nước quy định trong nền kinh tế duyên hải là hoạt động trục vớt các chiếc thuyền bị đắm, mà cư dân ven biển xem là quyền của họ. Thương gia người Ý, Gemelli Careri đã ghi nhận:
Từ Ngọn Núi này, cho đến sáu mươi Dặm vượt quá Pulcatan (Cù Lao Canton), là một dải cát Bằng Phẳng liên tục kéo dài 300 dặm, nơi nhiều chiếc Tàu bị đắm mỗi Năm; vì lý do đó các người Lái Tàu phải Cảnh Giác đế tránh xa chúng, và luôn luôn giữ, tính từ mặt Nước, một độ sâu mười sáu fadom [?, có lẽ là fathom, đơn vị đo chiều sâu dưới nước, mỗi fathom tương đương với 6 bộ Anh (feet), chú của người dịch]. Điều tệ hại nhất, là nếu có bất kỳ sự Bất Hạnh nào xảy ra, Các Thuyền Đáy Bằng Của Dân Đàng Trong (Cochinchinese, trong nguyên bản, chú của người dịch] [sẽ] tịch thu (sp [?]) không chỉ Hàng Hóa, mà còn cả chính các con Thuyền, có thể mới chỉ mất hay bị bung một Cột Buồm; và bởi thế Nhiều người trong họ sục sạo Bờ Biển quanh năm, để thu thập Các Tàu Bị Đắm, hay sẽ không có bất kỳ hy vọng nào trốn thoát khỏi họ khi biển Êm Dịu, bởi họ được trang bị đầy đủ, và Người Dân Đàng Trong là các kẻ dũng mãnh với Vũ Khí”. [Đoạn văn trích dẫn có nhiều lỗi chính tả và văn phạm, và tiếng Anh cổ, nhưng vẫn có thể hiểu được, chú của người dịch].
Quyền hạn này không chỉ được dành cho hải quân chúa Nguyễn mà còn cho cả các ngư phủ. Nơi đây, nhà nước đã hợp pháp hóa một hình thức cướp đoạt làm gia tăng các mối nguy hiểm cho việc đi thuyền ngoài biển khơi.
Giống như các cư dân Hội An mang tính chất thiết yếu cho hoạt động của các chiếc tàu đi biển to lớn, họ cũng đóng vai trò then chốt trong các chức năng mậu dịch trên biển. Điều này là đúng đối với mọi cư dân ven biển ở Dàng Trong. Họ tiêu biểu một cách xác thực nhất, theo ý kiến của tôi, cho vị thế chính yếu của biển trong việc ảnh hưởng đến sự tố chức kinh tế ở cấp độ địa phương, và tầm quan trọng của các xã hội địa phương xem ra bị tách rời khỏi các chức năng của các cuộc kinh doanh toàn cục. Các cư dân trên bờ lệ thuộc vào biển cho cuộc sinh hoạt của họ không chỉ như những người đánh cá, mà còn như các thủy thủ, thương nhân, người đóng tàu, và các kẻ khuân vác lẻ tẻ. Họ tích cực tìm kiếm các cơ hội để sinh tồn và của cải thặng dư cả trong các phạm vi của các quy ước xã hội và chính trị lẫn những gì nằm quá phạm vi đó, ngày hôm nay chấp nhận vai trò như một thương nhân bán lẻ hay thợ tu sửa tàu thuyền, ngày khác như một kẻ buôn lậu hay một hải tặc. Đối với các cư dân đã thương mại hóa khác định cư tại các đồng bằng sâu trong nội địa hay vùng cao nguyên, chức nghiệp của họ hòa điệu với nhịp bước của đồng hồ gió mùa, và với các sự thay đổi bất chợt của nền kinh tế biển.
IV. Kết Luận
Có lẽ chúng ta gán quá nhiều tầm mức quan trọng cho các thương nhân và các hạm đội khổng lồ như các dấu hiệu chỉ dẫn cho sự giao kết với biển hay sự hội nhập vào công cuộc mậu dịch đường biển trên quy mô rộng lớn, và không quan tâm đúng mức đến các nhóm cư dân duyên hải đã góp phần thực hiện công việc buôn bán đó. Xuyên qua các chức năng trực tiếp của chính họ như các đại lý thương mại, hay xuyên qua sư. hỗ trợ then chốt mà họ đã cung cấp cho các người đi biển và các thương nhân ghé thăm, các cư dân ven biển Đàng Trong đã may các sợi chỉ thương mại của một nền kinh tế [đông] bán cầu phôi thai vào cơ cấu của xã hội và quốc gia của họ. Thủy lộ duyên hải đã cung cấp khuôn thức qua đó các địa phương này có thể thống hợp “các miền hải đáo của họ”. Bởi đối với người dân Đàng Trong, biển tượng trưng cho một phương tiện trung gian, chứ không phải một khoảng trống không; biển nối kết lại chứ không làm tách biệt. Các người dân tại vùng Hội An chứng minh rằng một người không nhất thiết phải tham dự trực tiếp vào mậu dịch trên biển mới bị uốn nắn tự nền tảng bởi biển cả. Hay các nhà mậu dịch phưong xa độc lập, hay không bị ảnh hưởng, với các môi trường địa phương trong đó họ tạm trú [lại có thể thoát khỏi cùng một sự uốn nắn như thế]./-
_____
CHÚ THÍCH:
1. Keith Taylor, trong quyển Birth of Vietnam, mô tả một nền văn hóa Việt Nam cổ xưa, nhất thống (unitary) (một ý niệm mà tác giả đã bác bỏ từ lâu), phát triển từ một “chân lý tâm lý căn bản”: rằng “quyền lực chúa tể” của văn hóa Việt Nam cổ xưa “phát sinh từ biển”. The Birth of Vietnam (Berkeley, 1985), trang 6. Xem sự giải thích của tác giả về “định hướng trông ra biển” nơi phần dẫn nhập của ông, rải rác (passim) từ trang 1-41. Về một tuyển tập các sự trình bày chứng minh tính trung tâm của nước trong văn hóa Việt Nam, xem một loạt các bài khảo luận của Huỳnh Sanh Thông, trong Vietnam Forum (Hamden, CT)
2. Victor Lieberman, “Transcending East-West Dichotomies: State and Culture Formation in Six Ostensibly Disparate Areas,” Modern Asian Studies 31.0 (1997): 475. Các cuộc nghiên cứu về ngoại thương tại Việt Nam, rất ít, chỉ thừa nhận cơ sở đại lý của ngoại kiều không thôi, bất kể đến bằng cớ về sự tham gia của Việt Nam trong công cuộc mậu dịch trên đất liền và ven biển vượt quá lãnh địa thuộc chủ quyền của họ. Về một cuộc thảo luận loại bài viết này, xem Charles Wheeler, “Cross-Cultural Trade and Trans-Regional Networks on the Port of Hội An: Maritime Vietnam in the Early Modern Era” (luận án tiến sĩ, Yale University, 2001), các trang 1-27.
3. Xem, thí dụ, Alexander Woodside, Vietnam and the Chinese Model (Cambridge: Harvard University Press, 1971), các trang 2761-27. Trong phần này, Woodside mô tả một sự thờ ơ có tính chất trung hoa cổ điển đối với hoạt động ngoại thương, mặc dù ông không nói rõ là liệu thái độ này phát sinh từ văn hóa Việt Nam bản địa hay là sự bắt chước của “Con Rồng Nhỏ: Little Dragon” theo mô thức của con con rồng lớn hơn họ.
4. Gourou, The Peasants of the Tonkin Delta: A Study of Human Goegraphy (New Haven, 1955), 3. Về nguyên bản tiếng Pháp, xem Les paysans du delta tonkinois: etude de géographie humaine, (Paris, 1936), 8.
5. Keith Taylor, “Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region”, Journal of Asian Studies 57.4 (Nov. 1998): 951. Đây là thí dụ đúng nhất của các nỗ lực như thế nhằm khích lệ sự khác biệt, trong hình thức các lịch sử “trích đoạn: episodic”. Xem “Surface Orientations” , các trang 949-97.
6. Li, Tana, Nguyen Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries (Ithaca, 1998), 18. Tác giả Li lập luận rằng, khi người Việt Nam di chuyển vào vùng biên giới phía nam, họ đã tiến tới một mẫu biến hóa chính trị địa dư mới.
7. Pierre Gourou, Land Utilization in French Indochina (bản dịch tập “L’utilisation du sol en Indochine Francaise, New Haven, 1945), các trang 6-7.
8. Ngoài ra, điều gì đã giữ ngươì Việt Nam lại với nhau từ khi Pháp đã từ bỏ dự án thực dân tại Việt Nam? Sự bắt chước thời hậu thực dân y như các chủ nhân cũ ư? Sự chiến thắng của ý chí của Việt Nam trên thiên nhiên ư? Các sự giải thích có tính chất ý thức hệ như thế làm liên tưởng đến loại giải thích nhất thống của xã hội và lịch sử Việt Nam mà những kẻ viện dẫn Gourou nhắm tìm đích danh để triệt hạ tức thời.
9. Người ta vẫn có thế tìm thấy một loạt nhiều loại thuyền khác nhau, dù là bằng nhôm, thép hay nhựa dẻo bổ túc vào bảng liệt kê các vật liệu xây dựng cùng với các loại như gỗ, tre và mây, luôn được thích ứng với các điểm đặc thù của các nhu cầu địa phương cấp bách. Về một cuộc khảo sát gần đây về việc đóng tàu tại Việt Nam, xem FranDoise Aubaile-Salleave, Bois et Bateaux du Vietnam (Paris, 1987). Cũng xem, Blue Book of Coastal Vessels, South Vietnam (Washington & Saigon, 1967).
10. Người Việt Nam gọi sự bành trướng định cư của người Việt Nam này từ Châu Thổ Sông Hồng đến Vịnh Thái Lan là Nam Tiến: the Southern Advance (tiêng Hoa là nanqian)“. Lịch sử này chứa đựng nhiều tính chất mang cùng vẻ huyền thoại như sự bành trướng về phía tây trong văn chương lịch sử Hoa Kỳ, và là một đề tài tiêu chuẩn trong phần lớn lịch sử tổng quát của Việt Nam. Cũng giống như trường hợp Hoa Kỳ, huyền thoại này che phủ phần lớn các ý tưởng của chúng ta về thời kỳ chuyển biến này của lịch sử bán đảo Đông Nam Á trong sự tưởng tượng đến chủ nghĩa dân tộc. Có nhiều công trình thảo luận về cuộc di dân này. Phần lớn công trình này hiện đang được kiểm tra lại, hy vọng sẽ khởi sự phân biệt được huyền thoại ra khỏi sự việc.
11. Đây là những đường nét chung mà Victor Lieberman xác định trong sự so sánh Âu-Á của ông. Xem, “Transcending East-West Dichotomies”, 463-546.
12. Các phần của đọan này dựa trên một bài viết khác của tôi, nhan đề, “One Region, Two Histories: Cham Precedents in the History of the Hội An Region”. Cho quyển Vietnam: Borderless Histories, biên tập bởi Nhung Tran & Anthony Reid (sắp xuất bản).
13. Để dễ hiểu – và chỉ để dễ hiểu không thôi – tôi sẽ dùng theo từ ngữ quen thuộc nhất đối với các độc giả Anh ngữ, biển Nam Hải (South China sea), hơn là từ ngữ của tiếng Việt, Biển Đông (Eastern Sea). Trong cùng giòng lý luận này, tôi sẽ dùng danh từ Cochinchina để chỉ lãnh địa miền nam tức Đàng Trong, và danh từ Tonkin để chỉ lãnh địia phia bắc tức Đàng Ngoài.
14. Cả hai tác giả Ralph L. Innes và John K. Whitmore đều đã thực hiện các cuộc nghiên cứu tuyệt hảo về cuộc mậu dịch tam giác này, đặc biệt liên quan đến phía Nhật bản. Xem, Innes, “The Door Ajar: Japáns Foreign Trade in the Seventeenth Century” (luận án Tiến Sĩ, Đại học University of Michigan, 1980); Innes, “Trade between Japan and Central Vietnam in the Seventeenth Century: the Domestic Impact (bản thảo chưa được ấn hành); Whitmore, “Vietnam and the Monetary Flow of Eastern Asia, Thirteenth to Eighteenth Centuries”, trong quyển Precious Metals in the later Medieval and Early Modern Worlds, biên tập bởI J. F. Richards (Durham, 1983), các trang 363-396.
15. Các hành trình của các nhà sư, thương nhân, và các viên chức, chính yếu từ Âu Châu hay Trung Hoa giúp chúng ta nghĩ rằng có nhiều sự giao tiếp duyên hải không chính thức giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong; rất tiếc, chỉ có rất các sự nghiên cứu được thực hiện về khía cạnh này. Tác giả Đỗ Bang [?] là ngoại lệ duy nhất; xem bài “Relations between the Port Cities in Đàng Trong and Phố Hiến in the Seventeenth-Eighteenth Centuries”, trong tập Phố Hiến; The Centre of International Commerce in the XVIIth – XVIIIth Centuries (Hanoi, 1994), các trang 195-203. Về các móc nối trên đất liền, các nguồn tài liệu có mô tả các con đường nối liền Hội An với Nghệ An thuộc Đàng Ngoài. Thí dụ, tác giả Wuystoff ghi nhận rằng các thương nhân thần dân của cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong đã đến thăm cùng các ngôi chợ ở khúc giữa sông Cứu Long. Xem, Jean-Claude Lejosne, Le journal de voyage de Gerrit can Wuystoff et de ses assistants au Laos (1641-16420) (Paris, 1993), các trang 74, 95, 181, 211. Một nhà sư Trung Hoa đến thăm Hội An trong năm 1695 đã mô tả các đường bộ bắt đầu từ Hội An sang tới “Vương Quốc Ai Lao”, Căm Bốt, Thái Lan và các tỉnh trong nội địa Trung Hoa như Vân Nam và Quảng tây. Xem Thích Đại Sán, Hải Ngoại Ký Sự (Da Shan, Haiwai jishi) (Taibei, 1963), 4: trang 107. Về các con đường bộ nối liền hai vương quốc xuyên qua Lào, cũng xem Thiên tải nhàn đàm [?] (Concerning ideas of a thousand years), Gia Long 19 (1820), Viện Hán Nôm, số Ạ 584. Con đường này cũng được phản ảnh trong một số bản đồ của Việt Nam, mặc dù được ấn hành trong thế kỷ thứ mười chín. Nghệ An có vẻ đã hoạt động như một căn cứ từ đó chuyển vận hàng hóa giữa Đàng Ngoài vớI Đàng Trong, can hệ đến cả các ngư phủ địa phương lẫn các thương nhân Trung Hoa ở cả hai bên của biên giới. Xem Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, Ấn bản tại Saigon, 1971, I; các trang 167-168.
16. Đã có một cuộc nghiên cứu tuyệt hảo về tình hình chính trị, và quan hệ của nó với công cuộc mậu dịch và xã hội, của Li Tana, Nguyễn Cochinchina. Cũng xem, Yang Baoyun, Contribution a histoire de la principaute des Nguyen au Vietnam meridional (1600-1775) (Geneva; Editions Olizane, 1992).
17. Da Shan, 3: 92.
18. Gourou, đã dẫn trên.
19. P. B. Lafont (biên tập), Proceedings of the Seminar on Champa: University of Copenhague on May 23, 1987, phiên dịch bởi Huỳnh Đình Tế (Rancho Cordova, CA. 1994. Về các quan điểm của họ đối với địa dư xứ Chàm, xem Quách Thanh Tâm, 21-37.
20. Bennet Bronson, “Exchange at the Upstream and Downstream Ends. Notes toward a Functional Model of the Coastal State in Southeast Asia”, trong quyển sách do Karj Hutterer biên tập, nhan đề Economic Exchange and Social Interaction in Southeast Asia: perspectives from Prehistory, History, and Ethnography (Ann Arbor, 1977), các trang 39-52. Các thí dụ về các tác phẩm chịu ảnh hưởng của Bronson bao gồm, Kenneth Hall, Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia (Honolulu, 1985), các trang 12-20; và Robert S. Wicks, Money, Markets and trade in Early Southeast Asia: the Development of Indigenous Monetary Systems to A. D. 1400 (Ithaca, 1992). Tác giả Kenneth Hall cũng trình bày các ảnh hưởng của môi trường của thế giới miền biển trên các thói tục kinh tế và chính trị của người Chàm ( các thói tục chắc hẳn đã mang lại cho họ tai riếng đáng sợ trên khắp các mặt biển) trong bài “The Politics of Plunder in the Cham Realm of early Vietnam, trong quyển sách do Robert van Neil biên tập, nhan đề Art and Politics in Southeast Asian History: Six perspectives (Honolulu, 1989).
21. Da Shan, 3: 92. Các sự mô tả như thế cũng có thể được nhận thấy ở các miền khác của Việt Nam.
22. Tác giả Nguyễn Thanh Nhã vạch ra rằng, trong khi khách du hành bằng đường bộ có thể đi đuớc 30 cây số trong một ngày, một chiếc tàu thông thường có thể chạy được 100 cây số. Điều thú vi để ghi nhận rằng đã cần cùng thời gian để đi đường bộ đến kinh đô Đàng Trong, bằng với thời gian đi thuyền tới Quảng Châu, Trung Hoa. Xem Tableau Economique du Vietnam aux XVIIe et XVIIIe sìecles (Paris, 1970), 366n.
23. Có một số bản đồ và lộ trình thời nhà Nguyễn (vào khoảng thế kỷ thứ mười chín) mô tả hệ thống đồn bót duyên hải vơi nhiều chi tiết. Các đồn quan trọng luôn luôn được đặt ở cửa mỗi con sông, dĩ nhiên, cấu thành các trung tâm cả về hành chính lẫn kinh tế cho các vùng bao quanh chúng. Thí dụ đáng lưu ý nhất là một tập bản đồ hoàng triều, hoàn tất trong năm 1806, cung cấp các sự trình bày chi tiết trên phạm vi toàn quốc, các con đường bộ, đường sông, và ven biển, các đồn lính, cũng như các khu định cư, chợ búa, và các nhà trọ dọc theo các lối đi này. Do Lê Quang Định biên tập, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Union atlas of Imperial Vietnam) Gia long 5 (1806), Viện Hán Nôm, số A. 584 (cũng xem EFEO, vi phim, A. 67/103).
24. Có nhiều thí du. Lấy một thí dụ, các chiến dịch của chúa Nguyễn Hoàng trong thập niên 1550, cũng như chuyến du hành cuối cùng của ông xuống phương nam; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (Hà Nội, 1962), các trang 33-41.
25. Xem Floy Hurlbut, The Fukienese: A Study in Hunan Geography (Muncie, Indiana, 1939); Hugh Clark, Community, Trade and Networks:m Southern Fujian Province from the Third to the Thirteenth Century (Cambridge, England, 1991), các trang 3-10; Hans Bielenstein, “The Chinese Colonization of Fukien until the End of the Tan”, trong Studia Serica: Bernhard Karlgren Dedicata, biên tập bởi Soren Egorod & Else Glahn (Copenhagen, 1959), các trang 98-122. Song song với sự nghiên cứu về Việt Nam, tác giả MauriceFriedman, chuyên về nhân chủng học Trung Hoa, đã nhấn mạnh đến các ảnh hưởng giới hạn của núi non để mô tả tỉnh Phúc Kiến.
26. Diane Murray, Pirates of the Southeast Coast, 1790-1810 (Berkeley, 1987): 9.
27. Nhìn chúng trên các bản đồ hải hành, chúng trong giống như đường nối các điểm chấm hơn là các thế đất, cốt để nhấn mạnh đến vai trò của chúng trong khi du hành trên biển. Tôi xin cảm ơn sự quảng đại của ông Nguyễn Thừa Hy, thuộc Khoa Sử Học, Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam (Vietnam National History’s Faculty of History [?]) trong việc soi sáng cho tôi về điểm này.
28. Tôi gộp vào các cư dân duyên hải trong định nghĩa của tôi về “vùng nội địa”, bởi các mối quan hệ của họ và sự gần cận với ngôi chợ trung tâm có vẻ tương tự như các quan hệ của các cư dân nội địa lâu đời ở vùng thượng lưu và thương du.
29. Hải Ngoại Ký Sự (Ấn bản Taibei), 11: s.p.
30. Trong Alexandre Dalrymple, Oriental Repertory (London: 1808), 1; 75, 79.
31. Hội An vượt hẳn Đà Nẵng, cả về mặt kích thước của cộng đồng lẫn công cuộc mậu dịch của nó. Cho đến giữa thế kỷ thứ mười chín, công cuộc mậu dịch này bị không chế bởi các thương nhân tư`Macau, vẫn gắng sức buôn bán các vật dụng tầm thường cho sự sử dụng hàng ngày, chẳng hạn như hàng ăn, dụng cụ v.v… Xem, thí dụ, tạp chí do Henri Cordier biên tập, “Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine (Suite): Journal d’une voyage à la Cochinchine depuis le 29 aout 1749, jour de notre arrive, jusqúau 11 février 1750”, Revue de l’Extrême-Orient, tome 3 (1887): 364-510.
32. Dalrymple, Oriental Repertory, 1: 79.
33. Nguyễn Thanh Nhã, 183. Phần lớn các công việc liên quan đến quan thuế được dành riêng cho người Minh Hương (tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], “các kẻ trung thành với nhà Minh: Minh Loyalists”, một nhóm dân tộc Hoa Việt chuyên làm việc hành chính – thương mại độc đáo mà nhà Nguyền đã hợp thức hóa trong năm 1679, được tạo lập từ các thương nhân hải ngoại định cư và các cựu nhân viên thuộc chế độ họ Trịnh [Thành Công?] chống lại nhà Thanh, bởi đại bộ phận đặt căn cứ tại Đài Loan (Taiwan), đã kiểm soát sự vận chuyển bằng tàu của Trung Hoa chạy giữa Hội An và đảo Nagasaki [Nhật Bản] từ thập niên 1640 cho đến nằm 1683 khi chế độ bị sụp đổ. Trong sự tương phản rõ rệt với mọi cộng đồng người Hoa khác tại Đông Nam Á, chỉ có rất ít bài viết về người Minh Hương. Xem, Ch’en Ching-ho (Trần Kính Hòa), Notes on Hội An (Carbondale, Illinois, 1974). Một cách ngẫu nhiên, mặc dù Đà Nẵng vượt xa Hội An ngày nay, các thương nhân Âu Châu đên đó đã mô tả về nó, như Pierre Poivre đã viết, như một nhóm các “túp lều”.
34. Da Shan, 1: 19. Tư` ngữ “chop: ấn, triện, con dấu” xuất hiện trong một tập cẩm nang thương mại viết bằng Anh ngữ, bao gồm một sự mô tả khá chính xác về các thủ tục quan thuế tại Hội Ạn (Các viên chức sẽ trợ giúp bạn trong công việc thương mại của bạn, kẻ mà sẽ cần trao tặng một món quà nhỏ”. Milburn, Oriental Commerce (London, 1825), 442.
35. Bức tranh của Chaya Shichinorobu, đề năm 1645, vẽ cảnh kèo chiếc thuyền shuinsen của Nhật Bản từ Cửa Hàn (Vịnh Đà nẵng ngày nay đến Hội An xuyên qua một trong nhiều thủy lộ chạy song song với bờ biển. Sông Cổ Cò [?], nối liền Hải Cảng Đà Nẵng (Cửa Hàn) với sông Thu Bồn. Muốn xem bản chụp của bức họa này, xem Noil péri, “Essai sur relations du Japon et de l’Indochinoise au XVI et XVII sìecles”, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient 23 (1923): s.n.
36. Darrymple, 1: 75. Về các chỉ dụ của nhà Nguyễn ban cấp đặc nhượng cho các làng đánh cá ven biển, xem Lê Quý Đôn, 1: 202-211.
37. Các quyền đặc nhượng này, một cách điển hình, được ghi chép trong các sổ sách giữ ở đình làng. Muốn có thí dụ, xem bài nghiên cứu về xã Cẩm An của John Donaghue, trích dẫn bên dưới.
38. Các tổ yến ngoài biển, một loại cao lương luôn luôn được mua với giá cao tại Trung Hoa, thu gom bởi các làng được cấp đặc nhượng hay “các đội khai thác thuộc địa”. Tuy nhiên, thay vì lập các thuộc địa, nhà Nguyễn cho thành lập một “toán, đoàn: brigade” (tiếng Việt gọi là đội tiếng Hoa: dui), tuyển chọn từ dân làng xã Thanh Châu, huyện Thăng Hoa, ngay phía nam Hội An. Đội hoạt động trong một số tháng nào đó trong năm, di chuyển khắp các khu định cư ven biển và các hòn đáo ngoài khơi của Đàng Trong để thu gom các tổ yến từ các cư dân địa phương, hay chính họ đi thu nhặt các tổ yến. Sau khi trở về Thanh Châu, họ giữ lại các tổ yến có phẩm chất cao nhất để dâng lên chúa Nguyễn làm vật cống hiến hàng năm. Phần còn lại họ đem bán trên thị trường. Dân Thanh Châu cũng được hưởng sự miễn trừ mọi sắc thuế và lao động khổ dịch. Xem, Lê Quý Đôn, 2: 380. Muốn tìm hiểu về lịch sử làng Thanh Châu bằng Anh ngữ, đọc, John Donaghue, Cẩm An; A Fishing Village in Central Vietnam, Ann Arbor, [1961?]. Đặc nhượng cứu vớt tàu bị đắm đươ.c thảo luận bên dưới, các trang 25-26.
39. Da Shan, 4: 111.
40. Da Shan, 4: 101-102.
41. Pierre Poivre mô tả các “đầy tớ” mà ông ta thuê mướn để vận chuyển ông và các đồ đạc của ông trèo đèo qua núi đến kinh đô nhà Nguyễn. Cordier, “Voyage”, 372. Giống như Poivre và những kẻ khác, một thuyền trưởng người Pháp đã thuê mướn các phu khuân vác. Ông ta, cũng giống như nhiều người Tây Phương khác, lấy làm ngạc nhiên về con số các phu khuân vác là phụ nữ. Xem, L. Rey, “Voyage from France to Cochin-China, in the ship Henry”, trong Schoolcrafts Journals (London, 1821), no. 5, vol. 4: 117.
42. Lê Quý Đôn, 1: 193, 196-197.
43. Da Shan, 4: 111.
44. Da Shan, 1: 19.
45. Da Shan, 1:20. “Các người mua và các người bán tại các cửa hàng đều là các phụ nữ”, nhà sư Đại Sán đã viết như thế. Tất cả các chợ tại các làng xã và thị trấn đều “nằm trong tay các phụ nữ”, theo nhận xét của Pierre Poivre, ngay cả ở Hội An. Xem, Cordier, “Voyage”, 390. và sự việc xảy ra như thế trong suốt hai thế kỷ thịnh đạt của hải cảng trong hoạt động mậu dịch Á Châu. Các thương nhân ngoại quốc hoạt động tại Hội An đã kết hôn với các phụ nữ địa phương, thủ vai “phái các bà vợ của họ điều hành công việc buôn bán, và không thể làm việc mà không có các bà”. Xem, Da Shan, 3; 107. Hôn nhân tạm thời là một định chế thông thường tại Hội An, đã đặt các phụ nữ vào một vị thế thuận lợi như một trung gian môi giới giữa các thương nhân với mọi thứ khác. Các phụ nữ địa phương, như Robert Kirsop đã viết trong năm 1750, “sẽ rất trung thành, trong công việc tẻ nhat là đếm Tiền Mặt cho bạn”, và “các công việc trong nhà sẽ không bao giờ được quản lý một cách đúng đắn trừ khi đặt dươi sự trông nom của một trong các người trong họ.” Xem, Kirsop, “Some Account of Cochin-China”, Oriental Repository 1 (1808): 250. Các phụ nữ cũng điều hành các lữ quán và các nhà hàng ăn dọc theo đường bộ và đường thủy giăng mắc khắp các khu núi rừng của Đàng Trong. Nạn gái điếm cũng là sự việc thông thường. Muốn biết thêm về vai trò của người phụ nữ trong công cuộc mậu dịch của Hội An, xem Wheeler, 143-150.
46. Alexandre Dalrymple nói về một “lái tàu người Đàng Trong” đã lái chiếc tàu Amphirite trong năm 1792. Xem, Dalrymple, Memoirs and Journals (London, 1786), 2: 1-18. Người Việt Nam từ Đàng Trong cũng có thể được nhận thấy trong văn chương về các chiếc tàu bị đắm. Xem các thư tín giữa các viên chức Việt nam và Thái Lan thảo luận về việc làm sao giải quyết các thủy thủ Việt Nam bị đắm tàu tại Thái Lan, trong Phủ Biên Tạp Lục (Saigon), 5: 160-168.
47. Da Shan, 1: 18.
48. “Dispositions Regarding the King of Champan [sic]”, vào khoảng 1599, trong The Philippine Islands, 1493 – 1898, biên tập bởi Emma H. Blair và J. A. Robertson (Cleveland, 1905), 10: 236 – 244. Điều không lấy gì làm ngạc nhiên nếu thấy sự khuất phục của nhà Nguyễn trên vị thủ lĩnh sau cùng của người Chàm đã được thi hành với mục đích bảo vệ các số thu về quan thuế có tầm quan trọng ngang bằng với mục đích chinh phục đất đai.
49. Murray, Pirates, 6.
50. Lan Dingyuan (đầu thế kỷ thứ mười tám), “Lun haiyang mibu daozei shu (Khảo luận về việc bắt giữ các hải khấu), trong Huangchao jingshi wenbian, biên tập bởi He Changlin (khoảng 1826, sách in lại, Beijing, 1992). 11a. Điều này được xác nhận bởi cuộc nghiên cứu của Robert Antony về chu kỳ theo mùa của các cuộc tấn công của hải tặc. Xem Antony, “Aspects of the Socio-Political Culture of South China‘s Water World”, 83. Cũng xem, Murray, Pirates, 17.
51. Tác giả Susan Naquin tái xuất trình một cuộc thẩm vấn bởi các quan chức thẩm quyền thuộc quân trấn Liang Guang [Lưỡng Quảng?]. Không may, họ đến từ Đàng Ngoài hơn là Đàng Trong. Dù thế, lời thú tội đáng lưu ý khi đối chiếu với điều mà tác giả Diane Murray mô tả như biên giới không thể nhận thức được giữa biển của Quảng Đông với Việt Nam (Murray, Pirates, 7). Xem, Susan Naquin, “True Confessions; Criminal Interregations as Sources for Ch’ing History”, National Palace Museum Bulletin 11.1 (Taibei, 1976): 1-17.
52. Thí dụ, xem John Barrow, A Voyage to Cochinchina, in the Years 1792 and 1793 (London, 1806), 307-308. “Letter by Jeronimus Wonderaer”, trong quyển Southern Vietnam under the Nguyen, Documents on the Economic History of Cochin China (Đàng Trong), 1602-1777 (1993, biên tập bởi Tana Li & Anthony Reid (Singapore 1993), 22; G. F. Marini, A New and Interesting Description of the Lao Kingdom (1663), phiên dịch bởi Walter E. J. Tips & Claudio Bertuccio (Bangkok, 1998): 2.
53. Trong “A Voyage Around the World”, của John Pinkerton, A Collection of Voyages and Travels (London, 1709), 4: 283-284.
_____
Nguồn: Charles Wheeler, University of California, Irvine, A Maritime Logic in Vietnamese History? Littoral Society in Hội An‘s Trading World c. 1550-1830, Conference proceedings,
http: www.historycooperative.org/proceedings/seascapes/wheeler.html
http://www.gio-o.com/NgoBacCWheeler1.htm
Việt Nam nói chung bị nhìn là “[có địa hình] thất lợi theo đó lãnh thổ kéo dài của nó thiếu mất một mạch sông trung tâm”, một đặc điểm cho phép dân chúng định cư dọc theo các hệ thống sông Chao Praya và Irrawady cấu tạo thành các cốt lõi hành chính và kinh tế của Thái Lan và Miến Điện ngày nay. 2 Khả tính rằng biển kề cận có thể tác động phần lớn theo cùng cung cách mà các giòng sông lớn đã làm tại các nước khác đã không được cứu xét, bởi vì Việt Nam không tạo ra các đoàn tàu mậu dịch đường biển khổng lồ như nước Anh hay Hòa Lan, một sự kiện đã được phán đoán do kết quả của sự tách biệt của Việt Nam với biển, một hệ quả của sự không quan tâm tự căn bản đến ngoại thương. 3 Tuy nhiên ngay cả khi làm nổi bật lên các sự phát biểu như thế này, tôi có thể đưa ra mộr cảm tưởng sai lạc về một nền văn học coi trọng sự phân tích sâu xa. Trong thực tế, các học giả về Việt Nam hiếm có khi nào cứu xét về biển, bất kể sự kiện là, khi chúng ta ở Việt Nam, chúng ta không bao giờ quá xa cách với biển.
Khá lạ lùng, tại một xứ sở nơi hầu như mọi người nói tiếng Việt trong lịch sử đã sống gần biển (cho mãi đến hồi gần đây), sự khảo sát về mối tương quan giữa môi trường và sự thống nhất chính trị xã hội đã chú tâm vào địa bàn của các rặng núi phủ chùm lên nhau, phân chia Việt Nam thành từng khúc. Không có một con sông lớn thống hợp, các rào cản bằng núi này chia cắt Việt Nam thành các khoảnh đất từng miền khác nhau. Sự kiện này, trong thực tế, đã tạo ra một “lãnh thổ ít có tính cấu kết nhất trên thế giới”, một sự đặc trưng hóa địa lý được gán cho là của nhà địa dư học người Pháp, Pierre Gourou, và xuất hiện từ khoảng thập niên 1930. 4 Những người viện dẫn nhận định của Gourou đã làm như thế nhằm khuyến khích sự thừa nhận các sự khác biệt cấp miền từ lâu không được biết đến giữa người Việt Nam. Thay vì không gian không dị biệt chiếm ngụ bởi một nền độc canh (monoculture) không biến đổi, chúng ta lại thấy một số miền màu sắc khác nhau, mỗi miền đều có nét độc đáo trọng sự biểu lộ của nó hay “thể hiện tính chất Việt Nam”. 5 Sự phân cắt thành từng khúc của núi đồi và sự “vắng bóng’ của bất kỳ sợi dây nối kết trực tiếp” bằng đường thủy đã ngăn trở các khuynh hướng thuần nhất hóa, mà lại còn tăng cường cho một sự xa cách về địa lý tự nhiên, chính trị, và văn hóa [có tác dụng] duy trì các sự biểu lộ cấp miền riêng biệt. 6
Tất cả các điểm này có vẻ khá hợp lý, nhưng điều đáng làm là hãy bước ra ngoài một lát để cứu xét đến bối cảnh của lời phát biểu của Gourou. Làm như thế để phát hiện rằng sự phán đoán của Gourou có thể đã phát sinh phần lớn không phải từ sự thực nghiệm mà là từ ý thức hệ. Ở một tác phẩm khác, ông tuyên bố:
Hình dạng của Đông Dương thuộc Pháp sẽ không có vẻ dành cho một xứ sở để thống hợp địa hình “khiến cho việc thông thương gặp khó khăn giữa miền đông với miền tây, và giữa miền bắc với miền nam. Vì thế, điều không lấy làm ngạc nhiên rằng, mãi cho đến khi có sự can thiệp của Pháp, miền đông Đông Dương chưa bao giờ hợp thành một đơn vị chính trị”.
Ông còn nói tiếp, “Đông Dương thuộc Pháp là một sự tạo lập hợp lý của Pháp. “Sự thống nhất chính trị tán trợ cho sự khai sinh các quan hệ kinh tế, là điều lại tăng cường ngược lại cho nó [cho sự thống nhất chính trị]”. 7 Nói cách khác, không có các sự áp đặt của Pháp, khung sườn để thống nhất “cơ cấu địa dư” của Việt Nam sẽ không bao giờ được thành hình; ý chí của Pháp đã họp lý hóa đất đai và như thế đã mang lại sự thống nhất cho người Việt Nam đên nơi rõ ràng chưa từng hiện hữu trước đây. Khi đó, chúng ta có thể xem ý niệm về sự phân khúc của Gourou không gì khác hơn một sự nối dài của sự biện minh thường được sử dụng cho chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam hay không? 8 Ảnh hưởng cách biệt của núi đồi chắc chắn có thực, nhưng điều rõ ràng là một sự tin tưởng không phê phán nơi âm vang của các sự kết luận có tính cách chủ nghĩa đế quốc của Gourou đã gạt bỏ, một cách giả tạo, sang một bên các vấn đề về mối tương quan giữa môi trường và lịch sử.
Chúng ta cũng không nên bác bỏ ý tưởng về một mạch nước phù sa thống hợp. Lý do thì giản dị: tàu thuyền có mặt ở khắp mọi nơi đối với Việt Nam, ngay dù trong thời đại của xe hỏa, máy bay và xe hơi. Trước thế kỷ thứ hai mươi, đường thủy được ưa dùng hơn và thường là phương tiện lưu thông độc nhất. Đoàn tàu nhỏ chạy trên sông và kinh đào đã nối liền các trung tâm của miền với các vùng nội địa của chúng, trong khi hàng hải ven biển đã nối liền miền này với miền kia. 9 Nhưng tôi sẽ trình bày trong bài khảo luận này, khi đối diện với một bức tường núi đáng ghê sợ, người Việt Nam, một dân tộc duyên hải, chỉ đơn giản đi vòng quanh nó, bằng các chiếc thuyền, do đó, lật đổ bất kỳ giới hạn nào mà các núi đồi có thê áp đặt lên từ ban đầu. Sự lưu thông ven biển này cũng đã hòa nhập với một trong những đường giao thông rộng lớn nhất trong việc vận tải đại dương tại Á Châu; vì thế, chúng ta cũng phải tái cứu xét đến điều được cho là sự xa cách của người Việt Nam với biển và nền thương mại của nó. Bất kể sự vắng bóng của các đoàn tàu mậu dịch đường biển to lớn, tại miền duyên hải viền quanh lãnh thổ của quốc gia-dân tộc ngày nay, các dấu hiệu của sự giao kết trên biển thì đầy rẫy. Trong số các dấu hiệu này, người ta có thể tìm thấy một mô thức, và trong mô thức đó bờ biển hiện ra như “sợi dây liên kết trực tiếp” bị thất tung mà người ta dùng (một cách vô ý thức hay không) để các bộ phận rõ ràng bị phân tán vào một toàn thể chúng ta nhìn nhận ngày nay là Việt Nam. Chính ở sự khảo sát khu vực duyên hải này, chứ không phải về một con sông to lớn, mà chúng ta có thể bắt đầu hiểu được các sự liên can cho biết về các cơ cấu của các quốc gia và xã hội Việt Nam theo dòng thời gian. Để hiểu được lịch sử Việt Nam, như thế, chúng ta phải nhìn đến biển cả.
Biển luôn luôn là phần tử quyết đoán cho người dân cư trú trên các bờ biển của nó. Các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu được điều đó. Nó là một địa điểm quan trọng của sự giao tiếp hàng ngày, ngay cả trong thời kỳ khi mà sự định cư của người Việt Nam còn được tập trung tại vùng Đồng Bằng sông Hồng. Mức độ to lớn của sự quan trọng của biển đối với mối quan hệ này đã gia tăng khi mà các nhà chinh phục và thực dân Việt Nam mở rộng các lãnh địa của Việt Nam về phía nam, dọc theo bờ biển, một khuynh hướng được huyền thoại hóa ngày nay là cuộc nam tiến [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], (“Advance South”). Tầm quan trọng của biển tăng trưởng một cách mãnh liệt trong suốt các thế kỷ thứ mười bảy và mười tám, thời kỳ “tiến bước’ ngang qua phần mà giờ đây là phân nửa phía nam của Việt Nam. Ở nơi đó, người Việt Nam đã định cư quanh các thủy lộ nơi mà người Chàm và Khmer (Căm Bốt) đã sinh sống và các nhà buôn bán đường biển hay lai vãng trong nhiều thế kỷ. 10 Sự gia tăng giao tiếp về biển này đã xảy ra trong suốt giai đọan mà giờ đây được gọi là thời ban đầu của kỷ nguyên hiện đại, một thời kỳ được tượng trưng bởi sự tăng trưởng của mậu dịch liên-Á Châu, sự thương mại hóa các nền kinh tế trong miền, và sự bành trướng lãnh thổ, tập trung hóa hành chính, quy định về xã hội, và hội nhập văn hóa của các quốc gia.11 Các sự thay đổi này cũng xảy ra tại Việt Nam. Vùng duyên hải có tính chất quan yếu trong các tiến trình này, vì thế bất kỳ sự hiểu biết thông suốt nào về sự chuyển hóa thời ban đầu của kỷ nguyên hiện đại của Việt Nam đều phải nhìn đến biển.
Gần như tất cả các thành phố của Việt Nam đều kết hợp với các cảng biển. Mỗi cảng biển đã từng có thời phục vụ như một đầu mối liên lạc cho sự giao thông trên biển, duyên hải, sông ngòi, và trên đất liền, đã thống hợp các miền của Việt Nam và nối liền Việt Nam với phần Á Châu trên biển. Song, không một trong số các thành phố cảng này đã được nghiên cứu một cách thích đáng về tầm quan trọng của chúng đối với lịch sử của Việt nam, ngay cả Saigon, bất kể là nguôn cung cấp tài liệu có sẵn giúp cho việc viết lại các lịch sử địa phương là điều khả dĩ.
Mục đích của bài viết này là để vạch ra tính chất trung tâm của biển đối với lịch sử Việt Nam. Tôi sẽ làm việc này bằng cách trình bày một thời điểm và địa điểm đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, một thời kỳ lập quốc được gắn liền với các chúa Nguyễn (1558 – 1777), những kẻ đã cai trị trên một lãnh thổ chiếm giữ bằng cách gặm nhắm từng phần từ các xứ láng giềng Chàm và Khmer. Chính trong thời kỳ này phần lớn các cảng biển của Việt Nam được phát triển, thay thế cho các cảng biển cai quản bởi ng Chàm trước đây vốn đã có nhiều thế kỷ kinh nghiệm với các thương nhân đường biển. Tôi sẽ phác họa sơ lược hải cảng quan trọng nhất trong số các cảng biển này, được gọi là Hội An phố [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], “bãi cập bến của một cảng an toàn”. Hội An tạo thành đầu mối của một mạng lưới thương mại và mậu dịch đã xúc tác sự tổng gộp của một hỗn hợp linh hoạt gồm các thổ dân còn sống sót, các thực dân nhập cư, và các khách đi biển tạm trú dưới sự cai trị của một quốc gia Việt Nam chủ trương bành trướng, và đóng một vai trò then chốt trong tiến trình thành lập quốc gia trong thời kỳ được gọi là thủa ban đầu của kỷ nguyên hiện đại. Tôi sẽ phác họa các đường viền căn bản của hệ thống mậu dịch của Hội An, và cung cấp một vài minh họa về các cư dân duyên hải là các kẻ đã đầu tư sâu đậm vào hoạt động mậu dịch hàng hải của Hội An, trong các cung cách có tính cách đặc trưng của một nền văn hóa duyên hải. Trong phần kết luận, tôi sẽ lập luận rằng các hoạt động của họ tiêu biểu cho một định hướng trông ra biển thông thương đối với mọi cư dân ven biển của Việt Nam. Hơn nữa, chúng còn chứng minh rằng một người không nhất thiết phải tham dự trực tiếp vào công cuộc mậu dịch biển mới bị định hình tự căn bản bởi nó.
II. Miền, Hải Cảng, Vùng Nội Địa và Mậu Dịch của Hệ Thống Hội An 12
Cả miền đã đặt trọng tâm ở Hội An, cảng biển có phù sa bồi đắp trải dài. Nằm ngay phía nam của Đà Nẵng trong tỉnh Quảng Nam ngày nay, Hội An tọa lạc ở cửa sông Thu Bồn, vào khoảng 3 km đi ngược lên từ biển Đông Hải (tiếng Việt, tức Eastern Sea), còn được gọi là biển Nam Hải (South China Sea) (xem Bản Đồ 1). 13 Được biết bởi người Âu Châu là Faifo, thành phố trong thời cực thịnh của nó suốt trong các thế kỷ thứ mười bảy và mười tám đuợc dùng như một địa điểm xuất cảng và chuyển tàu quan trọng, phục vụ cho mậu dịch đường biển của Á Châu, đầu mối thương mại chính yếu nằm trong quốc gia của chúa Nguyễn tại Cochinchina (Đàng Trong) vốn đã cai trị phần đất giờ đây là miền trung và miền nam Việt Nam trong suốt các thế kỷ thứ mười bẩy và mười tám.
Bản Đồ 1: Hải cảng Đà Nẵng cấu thành vịnh lớn phía bắc Hộị An, nằm ngay phía nam đèo Hải Vân. Từ eo biển ở mỏm phía nam cuối vịnh, các thuyền đánh cá đã kéo các tàu đi biển xuôi nam, dọc theo đầm Cổ Cò (Co Co Lagoon) đến Cửa Đại Chiêm (Cham Estuary).
Đáng kể nhất, các thương nhân của Hội An đã khai thác vị trí chiến lược của hải cảng trong trong mạng lưới chuyển vận hải ngoại đề cạnh tranh thành công trước các hải cảng Á Châu khác, đặc biệt là Macau, trong việc thu tóm tam giác mậu dịch ngấm ngầm giữa Trung Hoa và Nhật Bản, đã đoạn tuyệt về mặt ngoại giao nhưng vẫn giao tiếp trên một căn bản không chính thức, xuyên qua các thương nhân đường biển là các kẻ đã trao đổi các hàng lụa, bạc, đồng, và các sản phẩm khác từ cả hai nước ở những thị trường “ngoài khơi” bí mật như Hội An. 14 Các nhà kho của Hội An cũng chất chứa các hàng hóa từ nhiều nguồn khác nhau khắp miền Đông Nam Á lục địa và hải đảo để tái chuyển vận ra nước ngoài. Các thương nhân của thị trấn, đông đảo nhất là người Hoa gốc Hokkien (và người Nhật trước năm 1639), thu gom các hàng hóa địa phương được vận tải bởi phu khuân vác, súc vật và thuyền từ vùng núi, các đồng bằng phù sa, và vùng duyên hải, để xuất cảng ra nước ngoài. Giữa hai mùa gió bắc và nam – trong khoảng từ tháng Hai đến tháng Bẩy – dân cư ước lượng 5,000 người của thị trấn đã gia tăng gấp đôi, khi người ta chen chúc quanh các kho hàng, tại ngôi chợ của thị trấn, và tại nhiều “chợ nổi” dọc theo bến tàu. Các khi luồng gió mùa tháng Tám thổi đến, các người đi biển chuyển vận các hàng hóa trung chuyển của họ, cùng với kim loại, đá, thực vật, và động vật bản xứ đến các thị trường tại Trung Hoa và Nhật Bản. Trong các tháng kế tiếp, các chiếc thuyền cập bến cùng với các luồng gió phương nam, từ miền Nam Á và Đông Nam Á. Cùng với đầu năm mới âm lịch, các thuyền quay trở lại Hội An chất đầy các sản phẩm lúc nào cũng có một số cầu cao, bởi chúng thỏa mãn một loạt các nhu cầu xa xỉ và thực tế của sự sử dụng về dược phẩm, cúng lễ, nấu ăn, may mặc và vân vân… Như ngôi chợ trung tâm cho Đàng Trong, Hội An phục vụ như điểm thu gom và phân phối cho các vùng lân cận trong miền của nó, kể cả một chuỗi các cảng biển ở cửa sông tọa lạc dọc theo bờ biển Đàng Trong. Nó cũng cung cấp một trạm then chốt trong công cuộc mậu dịch duyên hải và trên đất liền bí mật giữa các lãnh địa miền bắc của chúa Trịnh và miền nam của chúa Nguyễn nằm trong đế quốc trên lý thuyết của vua Lê, phân cách nhau trong suốt các thế kỷ thứ mười bẩy và mười tám bởi sự cạnh tranh về chính trị. 15
Sự phát triển của Hội An đã đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc mậu dịch Á Chấu thủa ban sơ của thời hiện đại, nhưng quan trọng hơn, nền thương mại của nó đã ảnh hưởng đến sự thành lập một quốc gia Việt Nam tại các lãnh thổ trước đây của người Chàm và người Khmer (Căm Bốt) và sự tái định hướng phát sinh trong sự đồng nhất hóa chính trị xã hội trong phạm vi các phần đất này, để tiến đến một tiêu chuẩn văn hóa Việt Nam. 16
Hội An như một phân miền của Biển Nam Hải
Bản Đồ 2 Biểu thức của Bronson như được áp dụng cho Đàng Trong (cochinchina). Giòng sông thống hợp vùng đất nội địa của nó bao quanh một hải cảng trung tâm ở vùng hạ lưu. Mỗi khu vực bị phân ranh bởi giòng nước tượng trưng cho một tỉnh trong quốc gia của chúa Nguyễn. Các con đường ven biển thống hợp các miền song song, và hoạt động như hành lang hay thông lộ duyên hải để liên kết các miền song song này. Các thủy lộ trên biển nối kết các hải cảng với các thị trường nước ngoài. Giống như các kẻ tiền nhiệm người Chàm, các chúa Nguyễn đã đặt định các trung tâm hành chính cấp miền của họ hơi lùi về phía thương nguồn, tại chân các ngọn đồi nơi mà các phụ lưu trong các hệ thống sông ngòi ngắn, dốc và chẩy xiết hợp vào nhau, trước khi chúng mau chóng tỏa rộng ngang qua một đồng bằng phù sa ở cửa sông. Ngôi chợ trung tâm của miền cũng tọa lạc nơi đây; trong trường hợp của Hội An, nó nằm đối diện với dinh quân trấn.
Hội An nằm gần như ngay giữa một giải nhiều đồng bằng của các con sông nhỏ, chạy song song trườn dài theo một trục bắc nam giữa hai vùng châu thổ to lớn của sông Hồng và sông Cửu Long (xem các Bản Đồ 1 và 2). Núi và biển là các đặc tính chế ngự của lãnh thổ này, ngày nay thường được gọi là Miền Trung Việt Nam. Về phía tây, núi non bám sát bờ biển Việt Nam uốn khúc hơn khi nó tiến xuống phía nam. Hiện tượng này ngoạn mục nhất tại vùng lân cận của Hội An. Ở đó, rặng núi bắc nam gọi là Trường Sơn chuyển hướng đến sát biển nhất. Núi và biển ghim “các thị trấn [Việt Nam] lưng dựa vào núi mặt quay ra biển”, như một du khách hồi thế kỷ thứ mười bẩy đã ghi nhận. 17 Từ các rặng cao nguyên sa thạch và núi non bị xoi mòn theo hướng bắc nam này, các nhánh cao của các đỉnh đá hoa cương và đá vôi xuyên ngang ra biển và tạo thành các hòn đảo ngoài khơi. Các ngọn nụi khi đó, đã thực sự đóng khung các cư dân Trung Phần Việt Nam vào “các ốc đảo” nơi các đồng bằng phù sa nhỏ được tưới bởi các luồng nước ngắn, chảy dốc. Đối với các sử gia, đặc tính về núi non này hồ trợ cho quan điểm đã được tiêu chuẩn hóa về Việt Nam như “vùng đất ít cố kết nhất trong thế giới”. 18
Nhưng, những gì mà núi non chia cắt, lại được thống hợp lại bằng các giòng nước. Điều này có thể được nhận thấy khi chúng ta chuyển quan điểm của minh theo nhãn quan của các sử gia có ý thức rõ về các rào cản của Việt Nam sang cái nhìn về xứ Chàm. “Chàm” được mô tả tổng quát như các người nói tiếng Mã Lai đã từng cư ngụ ở các đồng bằng duyên hải của Trung Phần Việt Nam và lập ra một loạt các chính thể mang vẻ Phật Giáo Ấn Độ hơn một nghìn năm trước khi Hội An phát đạt. 19 Trong các sự phân tích về địa dư của họ, các học giả cả về xứ Chàm và Đông Nam Á thuộc biển có nhấn mạnh một cách tổng quát một sự tương đồng căn bản giữa Trung Phần Việt nam với các vùng đất được cư ngụ bởi các nhóm dân Mã Lai thuộc vùng Đông Nam Á hải đảo. Sự chú ý đến các điểm tương đồng này được khiêu gợi bởi yếu tố địa dư nhiều như bởi văn hóa hay ngôn ngữ. Trong phần lớn thế giới Mã Lai, chúng ta tìm thấy cùng loại thủy thổ, sinh ra cùng các hậu quả: Nhiều loại luồng nước sông nhỏ, chảy trên triền dốc đứng, ngăn cách bởi núi non, dân số của chúng tập trung lại các đồng bằng đất phù sa gần các cửa sông. Mô thức này, được mô tả đầu tiên bởi tác giả Bennet Bronson, nhấn mạnh đến tính xác quyết của môi sinh trên công cuộc mậu dịch và sự thành hình thể chế chính trị tại vùng Đông Nam Á hải đảo. (xem Bản Đồ 2). Các học giả về Chàm đã du nhập mô thức quần đảo này trong một số cuộc nghiên cứu, và đã sử dụng nó để giải thích và lý thuyết hóa một loạt bao quát nhiều đề tài, nêu ý kiến về một tác động sâu xa của môi trường và sinh thái trên các khuôn mãu chính trị, văn hóa, và xã hội đã định hình nền thương mại và công cuộc mâụ dịch của miền. Thí dụ, đông lực môi trường này còn giải thích cả cho tập tục đánh phá của người Chàm – hay hoạt động hải tặc, tùy theo vị trí quan sát của bạn – như một chức năng trung tâm trong kinh tế và chính trị của xứ Chàm. Các giả định về biển như một môi trường trung gian (chứ không phải như một khoảng trống không, như các sử giả người Việt đã nghĩ) đã thúc đẩy các sử gia về các miền thuộc Chàm truy tìm các dấu hiệu về các hoạt động ở hải ngoại, và ngược lại, các dấu hiệu của sự tương tác hải ngoại bên trong các lãnh địa của Chàm. Các miền như Hội An, không còn là một hình trạng quái dị của đất liền mà là một “hải đảo” điển hình, được đem ra so sánh một cách hữu dụng với các môi trường tương tự như ở Sumatra, Bán Đảo Mã Lai, Borneo hay Phi Luật Tân. 20
Sự mâu thuẫn này trong các quan điểm học thuật về Chàm và Việt Nam là điều đáng để tâm đến. Liên quan đến cùng biển cả, từ cùng địa thế, các học giả Việt Nam chỉ nhìn thấy một khoảng trống không tăng cường cho sự cô lập; ngược lại các học giả về Chàm lại nhìn thấy một môi trường linh hoạt hỗ trợ cho sự di động và móc nối. Một bên nhìn thấy học thuyết xác quyết của môi trường, bên kia về tính năng động của sinh thái, khi con nguời điều giải thế giới của họ giữa biện chứng về núi và biển. Nó biểu lộ tầm mức trên đó các yếu tố xác định về địa lý mà chúng ta dựa vào đã đưọc nhận thức một cách chủ quan.
Các học giả về Chàm và vùng nội địa Đông Nam Á đã nhấn mạnh đến vai trò thống nhất được đóng giữ bởi các thủy lộ; một cách mỉa mai, bằng chứng về các thủy lộ này thì dễ tìm thấy hơn nhiều trong văn chương lịch sử dính liền với Việt Nam. Thí dụ, hồi tưởng cuộc thăm viếng của ông ta vào năm 1695 tại Đàng Trong, một nhà sư Trung Hoa đã mô tả chức năng chủ yếu của sông biển trong sự giao thông:
Không có cách nào để đi lại giữa hai huyện [bằng đường bộ]. Khi một người đi đến một cảng biển, tức có nghĩa một huyện lỵ. Nếu muốn đi đến một huyện khác, người ta phải trương buồm từ một hải cảng đi ra biển, và men theo rặng núi, đi đến một hải cảng khác. 21
Thuyền đã là một phương thức chuyển vận chính tại Đàng Trong, và thủy lộ ven biển đã nối kết các cửa sông lại với nhau. (Sụ phát biểu của vị sư không hoàn toàn đúng. Các con đường bộ có hiện hữu, song song với bờ biển, mặc dù các khách du hành của chúng phải đối diện với các chướng ngại vật dựng đứng dọc con đường). Điều này khiến cho người ta có lý hơn khi cứu xét, nói chung, rằng đi bằng đường biển nhanh hơn đường bộ nhiều. 22 Lưu thông ngoài khơi dọc theo bờ biển, khi đó, hình thành một thân cột liên kết người Việt Nam lại với nhau, ràng buộc họ vào một khuôn mảnh mai đã đúc kết một cách chủ ý về chính trị vào các liên bang Chàm khác nhau của họ, vào quốc gia Việt Nam ở Đàng Trong, và gần đây hơn, thành quốc gia – dân tộc Việt Nam. Vai trò hợp lý của biển này đã được phản ảnh trong địa dư hành chính tại Việt Nam thủa ban sơ, trong đó các đơn vị địa phương tập trung tại cửa sông phù hợp một cách khít khao với biểu thức về Đông Nam Á của tác giả Bronson. 23 Một số sự di chuyển trong lịch sử Việt Nam cũng luân lưu theo các giòng nước biển, từ các cuộc chinh phục thần tích của vua Lê Thánh Tông đến cuộc ra đi của Nguyễn Hoàng để mở mang biên giới phia nam những năm 1600. 24 Phần lớn đên bằng thuyền, dọc theo hành lang duyên hải. Nhập vào tuyến bắc nam này không chỉ có hàng hóa, mà còn cả các di dân, đóng vai trò quan trọng nhất trong lịch sử của Hội An (và Việt Nam nói chung), các người dân Việt từ lãnh thổ lịch sử của họ bao quanh châu thổ sông Hồng, đã làm biến đổi bộ mặt của các phần đất của dân Chàm và dân Khmer trước đây.
Một cách kỳ thú, các sự tương đồng đia dư này không bị giới hạn ở riêng Đông Nam Á. Khi họ đến vùng đất mới, xa lạ cùa mình, Trung Phần Việt Nam hẳn cũng trông hòan tòan quen thuộc đối với khách tạm trú hay dân định cư gốc Trung Hoa chiếm đa số tại Hội An, đặc biệt sắc dân Hokkien thuộc tỉnh Phúc Kiến. Ảnh hưởng của núi và biển Phúc Kiến trên sự phát triển của nó từ lâu đã lôi kéo được các sự chú ý của các sử gia kinh tế và các nhà nhân chủng học Trung Hoa. Trong các khía cạnh nền tảng của nó, các sự mô tả đia dư Trung Phần Việt Nam không mấy khác biệt với sự trình bày về phần lớn các miền biển thuộc phia nam Trung Hoa, đặc biệt của tỉnh Phúc Kiến, nơi phát sinh của phần lớn các thương nhân ở Hội An. 25 Trong thực tế, trừ các ngoại lệ của các con sông Pearl [Trung Hoa], sông Hồng, sông Cửu Long và sông Chao Praya [Thái Lan], bờ biển Á Châu lục địa từ sông Dương Tử đến eo biển Melakan phù hợp với mô thức quần đảo của tác giả Bronson.
Yếu tố duy nhất vắng mặt trong biểu thức này là các hòn đảo ngoài khơi, bởi chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển mậu dịch tại thế giới quần đảo này. Bản chất của biển khá ổn định nhưng vẫn đặt ra một mối đe dọa với người đi biển. Các tàu thuyền có thể đột nhiên bị đánh đắm bởi các cơn bão dữ dội quét ngang vùng Biển Nam Hải trong các trận mưa lớn của mùa được gọi gió nồm mùa đông, hay xuất hiện và không có dấu hiệu tiên báo. Song thiên nhiên đã can thiệp chống lại cơn giận dữ của thần Neptune [vị thần biển cả, theo thần thoại của La Mã, chú của người dịch]: hàng ngàn các đảo nhỏ mọc lên quanh đường viền biển Nam Hải, rải rác giữa khoảng từ các đảo lớn thuộc quần đảo Nam Dương và ngoài khơi vùng Á Châu lục địa (Quảng Đông không thôi đã có đến hơn 700 hòn đảo ở ngoài khơi của nó). 26 Các hòn đảo ngoài khơi này cung cấp các bảng hiệu hải hành tiện lợi, và các đảo như Cù lao Chàm, với các nguồn nước ngọt, trở nên hữu dụng cho việc tân trang và tái tiếp liệu các tàu thuyền. Thực vậy, các đảo này có thể chứng tỏ vừa là một mối làm nhức đầu cũng như vừa là một bến ản náu, bởi chúng cung cấp cùng sự an toàn và cứu tê cho quân hải tặc, và đã góp phần vào việc bảo đảm cho sự hiên hữu thường trực của chúng. Điều này làm gia tăng sự lo ngại của các thương nhân và thủy thủ, và đặc biệt gây bối rối cho các quốc gia không bào giờ có thể hành sử thẩm quyền khả tín trên các hòn đảo. Các chuyển vượt biển không phải là không có các khó khăn; nhưng các luồng gió tiên đóan được và sự đông đảo của các hòn đảo ẩn náu khiến cho sư du hành duyên hải trở nên tương đối dễ dàng, và đã bảo đảm sự lưu hành thường lệ của nền thương mại hợp pháp hay không hợp pháp khắp các xã hội vùng Biển Nam Hải. 27
Hôi An, khi đó, tiêu biểu không chỉ cho một thế giới Mã Lai, nhưng một cách rộng rãi hơn, một thế giới Biển Nam Hải to lớn hơn. Trong biểu thức này, các con sông lớn là ngoại lệ, hơn là tiêu chuẩn thông thường. Dạo quanh vùng duyên hải cấu thành “trung tâm của nó, người ta nhận thấy một loạt các con sông song song bị ngăn cách bởi các mũi đá tạo ra các đồng bằng phù sa nhỏ, khi con sông đổ ra biển. Tương tư, các vịnh và vũng nhỏ nép mình vào bờ biển này, và nhiều hòn đảo ven biển phun nước [ngọt] ngoài khơi, mang lại một lối thông hành an toàn từ một miền duyên hải này đến miền duyên hải khác. Dĩ nhiên, trong một khung cảnh tương đối rộng lớn như thế, các điểm tương đồng sớm bị đè bẹp bởi trọng lượng của các nét đặc thù, chẳng hạn như khí hậu, môi trường sinh sống, vân vân... Bờ biển Trung Phần Việt Nam có nhiều cát hơn, bờ biển Trung Hoa gồ ghề hơn, và quần đảo có quá nhiều đảo nhỏ hơn. Nhưng các nét tương đồng về địa dư nền tảng có thực. Biển có thể len lỏi được làm giảm bớt sự cô lập tại thế giới của các thung lũng nhấp nhô trên đầu sóng này.
Nơi mà các học giả về miền Đông Nam Á lục đia có thể xem là sự phân tán với sự vắng bóng trong vùng một con sông thống hợp như sông Cứu Long hay sông Irrawady [Miến Điện], hay sự cô lập giống nhau nơi các ngọn núi cắt ngang, các nhà nghiên cứu vùng Đông Nam Á hải đảo lại nhìn thấy một sự hợp nhất đã có thể được thực hiện nhờ ở các con tàu ven biển. Bờ biển, khi đó, đã phục vụ trong một vai trò trung ương như một đường giao thông thống hợp trong đời sống kinh tế của của dân miền trung Việt Nam, thi hành chức năng trong bản chất giống y như chức năng của các con sông lớn trên đất liền. Tính chất này không loại bỏ các sự phân chia tạo ra bởi các ngọn núi, mà đúng hơn, là các đối lực chống lại chúng. Động lực duyên hải này, nơi mà núi và biển bổ túc lẫn nhau xuyên qua một đại mạch ven biển, đã xác định cơ cấu căn bản trong đó các nền kinh tế, các thể chế chính trị và các xã hội đã phát triển trong một thế giới Biển Nam Hải, và chính trong khung cảnh duyên hải này, chúng ta phải tìm hiểu về Hội An và vùng đất nội địa của nó.
III. Sự Liên Thuộc Của Các Xã Hội Duyên Hải và Công Cuộc Mậu Dịch Đường Biển tại Hội An
Trong suốt các thế kỷ thứ mười bẩy và mười tám, kinh tế của Hội An và vùng đất nội địa của nó đã được thương mại hóa. Bằng chứng của sự thương mại hóa này tự hiển hiện trong các sản phẩm mậu dịch, và trong sử ký của nó, đặc biệt trong văn chương của các người đi biển và các thương nhân, và trong sự báo cáo hành chính trình bày về các thị trường độc quyền, các khu khai thác hầm mỏ, thuế khóa, vân vân … Các dữ liệu tổng hợp của chúng đủ giúp chúng ta liên tưởng đến người dân khắp vùng nội địa đã tham gia vào hoạt động thương mại hướng tới Hội An, bất luận là các người thu hái trên vùng cao nguyên, các kẻ cấy cày lấy công tại vùng đất thấp hay công nhân đồn điền, hay các người đánh cá ven biển. 28 Nhiều người trong vùng lân cận của Hội An đã tham gia toàn thời gian trong hoạt động sản xuất, chuyển vận và mậu dịch này, tuy nhiên, các cư dân đia phương này chỉ tham gia vào nền kinh tế thương mại trong một số thời khoảng nào đó trong năm, bổ túc cho lao động “kiếm sống” rõ ràng hơn của họ. Vai trò của họ trong công cuộc mậu dịch của Hội An tuy thế không chỉ mang tính cách ngoại vi. Có đủ các dữ liệu hiện hữu để phác thảo một tác phẩm về các phần tử ít được chú ý này trong công cuộc mậu dịch của Hội An, đủ để cho chúng ta thấy rằng Hội An không thể hoạt động mà không có các cư dân địa phương này, và các dịch vụ và sản phẩm mà họ đã cung cấp.
Điều này đặc biệt đúng đối với các cư dân ven biển của Hội An. Sau hết, các tàu đi biển của vùng Biển Nam Hải không phải là loại có thể tự lực chút nào. Chúng đòi hỏi một sự trợ giúp địa phương lớn lao dọc hành trình. Chuyến du hành của một nhà sư cung cấp một thí dụ cho sự việc này. Thích Đại Sán, một nhà sư từ Quảng Châu, du hành đến Đàng Trong trong năm 1695, và sống ở đó trong một năm, theo chân một dòng các nhà sư Trung Hoa tạm trú và định cư là các kẻ đã gia nhập làn sóng các đồng hương di dân sang lãnh địa Việt Nam này. Khi nhà sư Đại Sán và 500 khách đồng hành bước lên chiếc thuyền đi biển (yangchuan: dương thuyền) cuả họ tại bến Hoàng Phố (Whampoa), thành phố Quảng Châu, các thuyền đánh cá địa phương đã sẵn túc trực để kéo chiếc tàu vĩ đại xuyên qua các chỗ nước nông của châu thổ sông Pearl cho đến khi họ ra tới biển cả tại cửa Hổ Môn (Humen: Lion‘s Gate). Ở đó, khi một chiếc thuyền nhỏ từ Sở Hải Quan Yuehai tiến đến để “thu các biên lai thuế”, nhà sư Đại Sán đã nhìn thấy ‘hai chiếc tàu nhỏ dẫn đường cho chúng tôi khi đó đã rời đi, trong khi các thuyền nhỏ, chèo tay chất nước ngọt lên thuyền của chúng ta”. Bốn ngày sau, chiếc thuyền tiến gần đến bờ biển của Đảo Hải Nam (Hainan), nửa đường đến Đàng Trong. Khi họ tiến gần đến một hải cảng, các ngư phủ địa phương sáp gần lại chiếc thuyền vĩ đại, nhận gia công để tu bổ chiếc thuyền cho chặng cuối đi đến Đàng Trong. Với nước ngọt và lương thực mới được chất lên tàu, chiếc thuyền tiếp tục lên đường. Ba ngày sau, thuyền đến đảo gọi là Cù Lao Chàm, đối diện với Hội An (xem Bản Đồ 1). 29
Khi các chiếc tàu gần đến bờ biển Đàng Trong, chúng thường được hướng dẫn đến một hòn đảo ngoài khơi [cù lao, tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] dành cho các thuyền đi biển. Tại đó, các đại diện của các ngôi làng ven biển sẽ di chuyển đến các chiếc tàu, đề nghị các dịch vụ như chuyển tin, thông dịch hay cung cấp đồ tiếp liệu. Thomas Bowyear, người cũng du hành đến Đàng Trong vào cùng thời với nhà sư Đại Sán, trong các năm 1695-96, nhớ lại khi con tàu của ông đến ngoài khơi bờ biển Cù Lao Chàm như sau:
Vào ngày 20 [tháng Tám năm 1695], với lá cờ của chúng ta được trương ra, để mời các Ngư Phủ lên tàu, nhìn thấy nhiều người, nhưng không ai tự nguyện đến gần chúng tôi, vào buổi chiều, tôi đã phái Viên Chức Phụ Trách Chi Thu - Kế Tóan (Purser) lên bờ, làm quen vơi Dân Chúng trên đảo, rằng chúng tôi muốn cập bến, và mong muốn các chiếc thuyền ra giúp chúng tôi. Ngày 21, trước buổi trưa, Ông ta và Surang [?] được chở ra, trong hai chiếc thuyền, với hai viên chức cấp thấp, thuộc [chính quyền] của hòn đảo, và mười chiếc thuyền khác đi cùng với họ, toàn là các Ngư Phủ, mà họ nói với chúng tôi, phải giúp cho chiếc Tàu tiến vào trong. 30
Trong ít ngày, chiếc thuyền của Bowyear đã nhận được giấy phép thông quá từ các quan chức nhà Nguyễn rằng tàu có thể tiến vào hải cảng Đà Nẵng (Cửa Hàn, tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] là nơi mà nhà nước hạn chế các thương nhân Âu Châu và các thuyền có sống tàu sâu của họ (xem Bản Đồ 1). 31 Chiều hôm đó, “chiếc tàu thả neo trước Văn Phòng Hải Quan, được kéo ngược giòng Sông, bởi các Ngư Phủ”. 32
Các đại diện của nhà nước cũng đã sẵn hiện diện. Vào đầu thế kỷ thứ 18, nhà Nguyễn đã cử hơn 170 cá nhân với các trách nhiệm chính thức lo việc thuế quan ở Hội An. 33 Ngay các đảo ngoài khơi như các đảo này cũng có một hay hai phán quan. Một khi tàu chở ông đã thả neo xong, nhà sư Đại Sán nhớ lại có các thuyền tiến sát đến hông tàu:
Tôi nhìn chăm chăm xuống mái tóc rối bời của họ, khăn quấn quanh bụng và răng nhuộm đen. Một số người không dám lên tàu. Hai nhà sư mọi rợ [người Chàm], các thanh tra của nhà vua [Chúa Nguyễn], đến và nói chuyện [với thuyền trưởng]. Sau cùng, họ tuyên bố theo nghi lễ rằng các dây thừng của chúng tôi có thể thả xuống các chiếc thuyền, và [họ] có thể báo cáo một cách mau lẹ lên nhà vua.
Một khi đã hoàn tất, các viên thanh tra đã phái các thuyền truyền tin về Đồn Hội An, trong khi đó chiếc tàu nằm chờ đợi sự quay về của chúng với “dấu đóng” cho phép lưu thông đến bờ biển. 34
Chính nhà sư Đại Sán đã đi đến kinh đô của nhà Nguyễn, nhưng chiếc tàu chở ông, giống như phần lớn các thương thuyền, tiếp tục đi đến Hội An. Khi đến được cửa của hai con sông chính đổ nước vào hệ thống sông ngòi của Hội An, các thuyền đánh cá địa phương đã kéo chiếc tàu đến chỗ thả neo an toàn bên trong vũng. Một bức tranh của Nhật Bản được vẽ hồi thập niên 1640 minh họa tiến trình này từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, khi nó phác họa một nhóm các chiếc thuyền kéo một chiếc tàu Nhật Bản từ cửa Hàn (thuộc Hải Cảng Đà Nẵng ngày nay), xuống phụ lưu giờ đây được mở rộng gọi là vũng Cổ Cò [?] chạy song song với bờ biển, tới Vũng Chàm thuộc con sông Hội An, nơi mà sau hết chiếc tàu đã thả neo (xem Bản Đồ 1). 35
Khác với việc tu bổ tàu thuyền, có vẻ như đã mời gọi sự cạnh tranh từ mọi phía, triều đình nhà Nguyễn chính thức chỉ định các làng đánh cá chịu trách nhiệm thực hiện các công việc kéo tàu tại một số khu vực xác định, đổi lại, “Nhà Vua [miễn] cho các Ngư Phủ phần Đóng Góp [thuế] của họ bởi các công việc của họ trong sự trợ giúp các chiếc Tàu”. 36 Các làng này coi trọng các chỉ dụ đặc cấp của họ, và gìn giữ chúng tại các ngôi đình làng. 37 Các làng khác sở đắc các chỉ dụ đặc cấp khai thác các tổ yến chim nơi các đảo ngoài khơi, hay trục vớt các thuyền bị đắm dọc bờ biển hay hay tại khu vực nguy hiểm được gọi là Trường Sa [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], tức “Bãi Cát Dài Vạn Dặm” [“Ten Thousand Shoal” là phần dịch sang tiếng Anh của tác giả, không đúng nghĩa với danh xưng nguyên gốc: “Vạn Lý Trường Sa”, chú của người dịch], hay còn gọi là Paracel Islands [tác giả đã sai lầm khi không phân biệt đưọc hai nhóm quần đảo Trường sa và Hoàng Sa (Paracel Islands) và hiểu lầm là một, chú của người dịch] nằm giữa Biển Nam Hải. 38
Tại các nơi thả neo này, các cư dân địa phương đã bân rộn tham gia vào việc chăm sóc con tàu, hành khách và vận tải hàng hóa. Nhà sư Đại Sán của chúng ta, du hành từ triều đình nhà Nguyễn đến Hội An bằng tàu hải quân một năm sau đó, đã mô tả quang cảnh này một cách tường tận. Lên bờ ở bến đáp thuộc Đồn Hội An, nhà sư Đại Sán đã quan sát. “Các cư dân chen chúc quanh [chúng tôi]. Đột nhiên, một phiên chợ buổi sáng tạm bợ được thành hình. Dân chúng mang đến cau, hải sản, trái cây, trà và các thực phẩm khác, kính cẩn dâng thức ăn để chúng tôi dùng”. (Dù sao đi nữa, Đại Sán không chỉ là khách của hoàng gia không thôi, mà trên hết, ông còn là một cao tăng.) Vị chỉ huy đồn bước ra để đón chào ông và các vị sư tháp tùng, sau đó đãi họ một bữa điểm tâm, “vừa được nấu từ các nhà tiếp tế tức thời”. 39
Khi ăn uống, nhà sư quan sát việc chất và bốc dỡ hàng hóa của các chiếc tàu nơi thả neo. Ông nhận thấy một dòng liên tục các phu khuân vác và các súc vật chất hàng vận chuyển hàng hóa đến và đi ở bến tàu. “Tôi hay biết rằng, dọc theo suốt con đường này, có các người trông coi đồ tiếp liệu và sự chuyển vận [hàng hóa], đúng theo dấu chỉ giờ giấc của nhật khuê [sundial: đồng hồ chỉ giờ dựa theo bóng của kim đồng hồ do mặt trời chiếu xuống, trên một mặt có các vạch phân chia để chỉ giờ, chú của người dịch], với ít sự sai lạc. Tôi lấy làm thương hại cho sự làm việc liên tục của một người đi biển. 40 Những kẻ cần đến họ cũng có thể thuê mướn các “đầy tớ” (coolies) tùy theo nhu cầu cá nhân, thường liên can đến sự vận tải trên đất liền đến các khu vực khó tiếp cận bằng đường thủy, chẳng hạn như vùng nôi địa sâu xa hay các ngọn đèo trên núi. Điều gây nhiều ngạc nhiên cho các quan sát viên Tây Phương, rằng nhiều hay phần lớn các người vận tải đi bộ này là các phụ nữ. Các súc vật và xe chất hàng cũng được sử dụng cho chuyến hàng hóa xa hơn hay nặng hơn. Vận tải bằng voi có giá đặc biệt rất đắt. 41
Các cảnh tượng như thế có tính cách tiêu biểu cho các hải cảng ven biển của Đàng Trong. Một quan chức Việt Nam, tuần du các hải cảng ven biển này hồi giữa thế kỷ thứ mười tám, đã nhận xét: “không có bất kỳ thứ gì mà bạn không thể mua được”. Tại các chợ hải cảng ven biển, các cư dân địa phương trao đổi với các người bán lẻ đến từ vùng nội địa, các nhà mậu dịch ven biển, và các thương nhân đường biển. Họ “cũng trao đổi với nhau”. Bình luận về một hải cảng nhỏ, ông đã viết: “Không có lúc nào mà giòng sông yên nghỉ”. 42 Các nhà mậu dịch ven biển sau đó đã chuyển các hàng hóa này về các nhà kho ở Hội An để xuất cảng, không chỉ trên các tàu đi biển khổng lồ mà còn cả trên các tàu buôn nhỏ hơn của Trung Hoa hay Việt Nam, men theo bờ biển đến Thái Lan hay vượt qua Vịnh Thái Lan để đến các hải cảng sâu hơn phía nam.
Các cư dân miền biển này, một cách điển hình, đã làm nhiều hơn việc phục vụ cho công cuộc mậu dịch, họ cũng tham gia một cách thường xuyên vào trong đó. Tại bến thả neo của Cù Lao Chàm hay trên bờ biển, một chiếc tàu cập bến sẽ nhận thấy một cái chợ tạm thời được thành hình một cách mau chóng quanh nó. Một năm trước đây, trong một nỗ lực bất thành để lái thuyền đi đến Quảng Châu, “hàng tá chiếc thuyền đánh cá” (dien co [?]) đã kéo [chiếc tàu của chúng tôi] ra ngoài hải cảng”. 43 Khi chiếc thuyền buồm của ông nằm tại bến tàu của Cù Lao Chàm, nhà sư Đại Sán lấy làm ngạc nhiên về các cư dân trên bờ. 44
Chiếc thuyền còn lại có một viên chức búi tóc, đi chân trần, canh chừng liên tục với ánh sáng từ chiếc đèn, để bảo đảm không có kẻ nào rời khỏi [con tàu]. Suốt đêm, với sự lắc lư và tiếng ồn ào. Tôi nằm đó, không thể ngủ ngon giấc. Trong giờ khắc sớm sủa của buổi sáng, các con thuyền bao quanh chúng tôi như một đàn kiến. Các kẻ mọi rợ xô đẩy tranh dành nhiều loại quạt, mũ và vớ tất khổ dài, mua mà không cần mặc cả. Họ đặc biệt ưa thích các cây dù.
“Các chợ nổi” này, như nhà sư Đại Sán gọi chúng, đã là một hình ảnh thông thường đối với cuộc sống hàng ngày tại các hải cảng thuộc Đàng Trong. Các cư dân kết hợp một hay nhiều công việc miền biển này, thường phân chia các trách vụ theo giống phái, thí dụ, hay thay đổi công việc tù theo mùa. Nhà sư Đại Sán ghi nhận rằng “những người tại các túp lều-cửa hàng đều là các phụ nữ”, nhưng sự kiện này cũng đúng đối với các nhà kho chính, các sạp trong chợ, các quán trọ, nhà hàng ăn, và các nơi quan trọng khác tại Hội An. 45 Các quán trọ và nhà hàng ăn chiếm ngụ các bờ sông hay đường bộ được điều hành một cách điển hình bởi các phụ nữ, và thường chứa đầy “gái điếm” (public women), một yếu tố khác trong nền kinh tế địa phương của Hội An.
Người Việt Nam có thể có thể được nhận thấy trong các hàng ngũ các người đi biển chuyển vận hàng hóa xuyên qua các đại dương. 46 Nhà sư Đại Sán lấy làm khâm phục về khả năng của một thủy thủ Việt Nam trên chiếc thuyền của ông, vào một đêm trong cơn mưa bão dữ dội. 47
Chàng thanh niên A bản [?] [aban trong nguyên bản, chú của người dịch] là một người Việt, tuổi chưa đến hai mươi, mạnh khỏe, tráng kiện và linh hoạt. Trên đỉnh mỗi chiếc buồm mà anh ta trèo lên, anh buộc một chiếc khăn. Anh ta thao diễn xuyên qua các sợi dây buồm như thể anh ta đang đặt chân trên mặt đất phẳng phiu.
Các sự xác định như thế thì hiếm có, trong sách vở về mậu dịch chính đáng. Tuy nhiên, trong các niên giám về hải tặc, Việt Nam được hình dung một cách cặn kẽ. Nạn hải tặc xem ra là một chứng bệnh địa phương triền miên đối với biển ngoài khơi Đàng Trong, được quy kết trong phần lớn lịch sử cho người Chàm, cho các kẻ mà hoạt động đánh phá đã tạo thành một phần tử hạt nhân của nền kinh tế chính trị của họ. Các hoạt động của họ tạo thành tai tiếng đối với các khách du hành vùng Biển Nam Hải. Cho mài đến tận năm 1599, các khách du hành đường biển vẫn còn phàn nàn về các cuộc đột kích của người Chàm, khá lâu sau khi có sự triệt hủy dự liệu chế độ tự trị chính trị của họ. 48 Cộng vào các sự rối rắm do các kẻ cướp bóc gốc Chàm này gây ra là các hoạt động của các quân cướp biển. Trong cuộc khảo sát của tác giả về các lời thú tội của các hải tặc bị bắt giữ bởi các giới chức thẩm quyền nhà Thanh hồi thập niên 1790, Diane Murray nhận thấy hơn một nửa tự nhận mình là ngư phủ hay thủy thủ. 49 Các hoạt động của họ một cách điển hình diễn tiến quanh mùa mậu dịch: “như một quy luật, từ tháng Hai hay tháng Ba đến tháng Chín, mọi thuyền tặc khấu đều thực hiện các cuộc càn quét của chúng”. 50 Trong thực tế, nhiều hải tặc gây rối các bờ biển Trung Hoa là người Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng vì nạn hải tặc hồi thập niên 1790, các giới chức thẩm quyền nhà Thanh đã liệt kê Trung Phần Việt nam nằm trong số nhiều căn cứ hải tặc đe dọa nền an ninh của Trung Hoa. 51 Phần lớn nạn hải tặc này liên quan đến việc bắt cóc người dân và buôn bán họ như các nô lệ. 52 Nhà nước Việt Nam đã tích cực làm việc để diệt trừ nạn hải tặc ra khỏi bờ biển của mình, mặc dù nó chưa bao giờ thành công hơn chút nào, so với các đối tác Trung Hoa và Đông Nam Á.
Một khía cạnh cướp bóc do nhà nước quy định trong nền kinh tế duyên hải là hoạt động trục vớt các chiếc thuyền bị đắm, mà cư dân ven biển xem là quyền của họ. Thương gia người Ý, Gemelli Careri đã ghi nhận:
Từ Ngọn Núi này, cho đến sáu mươi Dặm vượt quá Pulcatan (Cù Lao Canton), là một dải cát Bằng Phẳng liên tục kéo dài 300 dặm, nơi nhiều chiếc Tàu bị đắm mỗi Năm; vì lý do đó các người Lái Tàu phải Cảnh Giác đế tránh xa chúng, và luôn luôn giữ, tính từ mặt Nước, một độ sâu mười sáu fadom [?, có lẽ là fathom, đơn vị đo chiều sâu dưới nước, mỗi fathom tương đương với 6 bộ Anh (feet), chú của người dịch]. Điều tệ hại nhất, là nếu có bất kỳ sự Bất Hạnh nào xảy ra, Các Thuyền Đáy Bằng Của Dân Đàng Trong (Cochinchinese, trong nguyên bản, chú của người dịch] [sẽ] tịch thu (sp [?]) không chỉ Hàng Hóa, mà còn cả chính các con Thuyền, có thể mới chỉ mất hay bị bung một Cột Buồm; và bởi thế Nhiều người trong họ sục sạo Bờ Biển quanh năm, để thu thập Các Tàu Bị Đắm, hay sẽ không có bất kỳ hy vọng nào trốn thoát khỏi họ khi biển Êm Dịu, bởi họ được trang bị đầy đủ, và Người Dân Đàng Trong là các kẻ dũng mãnh với Vũ Khí”. [Đoạn văn trích dẫn có nhiều lỗi chính tả và văn phạm, và tiếng Anh cổ, nhưng vẫn có thể hiểu được, chú của người dịch].
Quyền hạn này không chỉ được dành cho hải quân chúa Nguyễn mà còn cho cả các ngư phủ. Nơi đây, nhà nước đã hợp pháp hóa một hình thức cướp đoạt làm gia tăng các mối nguy hiểm cho việc đi thuyền ngoài biển khơi.
Giống như các cư dân Hội An mang tính chất thiết yếu cho hoạt động của các chiếc tàu đi biển to lớn, họ cũng đóng vai trò then chốt trong các chức năng mậu dịch trên biển. Điều này là đúng đối với mọi cư dân ven biển ở Dàng Trong. Họ tiêu biểu một cách xác thực nhất, theo ý kiến của tôi, cho vị thế chính yếu của biển trong việc ảnh hưởng đến sự tố chức kinh tế ở cấp độ địa phương, và tầm quan trọng của các xã hội địa phương xem ra bị tách rời khỏi các chức năng của các cuộc kinh doanh toàn cục. Các cư dân trên bờ lệ thuộc vào biển cho cuộc sinh hoạt của họ không chỉ như những người đánh cá, mà còn như các thủy thủ, thương nhân, người đóng tàu, và các kẻ khuân vác lẻ tẻ. Họ tích cực tìm kiếm các cơ hội để sinh tồn và của cải thặng dư cả trong các phạm vi của các quy ước xã hội và chính trị lẫn những gì nằm quá phạm vi đó, ngày hôm nay chấp nhận vai trò như một thương nhân bán lẻ hay thợ tu sửa tàu thuyền, ngày khác như một kẻ buôn lậu hay một hải tặc. Đối với các cư dân đã thương mại hóa khác định cư tại các đồng bằng sâu trong nội địa hay vùng cao nguyên, chức nghiệp của họ hòa điệu với nhịp bước của đồng hồ gió mùa, và với các sự thay đổi bất chợt của nền kinh tế biển.
IV. Kết Luận
Có lẽ chúng ta gán quá nhiều tầm mức quan trọng cho các thương nhân và các hạm đội khổng lồ như các dấu hiệu chỉ dẫn cho sự giao kết với biển hay sự hội nhập vào công cuộc mậu dịch đường biển trên quy mô rộng lớn, và không quan tâm đúng mức đến các nhóm cư dân duyên hải đã góp phần thực hiện công việc buôn bán đó. Xuyên qua các chức năng trực tiếp của chính họ như các đại lý thương mại, hay xuyên qua sư. hỗ trợ then chốt mà họ đã cung cấp cho các người đi biển và các thương nhân ghé thăm, các cư dân ven biển Đàng Trong đã may các sợi chỉ thương mại của một nền kinh tế [đông] bán cầu phôi thai vào cơ cấu của xã hội và quốc gia của họ. Thủy lộ duyên hải đã cung cấp khuôn thức qua đó các địa phương này có thể thống hợp “các miền hải đáo của họ”. Bởi đối với người dân Đàng Trong, biển tượng trưng cho một phương tiện trung gian, chứ không phải một khoảng trống không; biển nối kết lại chứ không làm tách biệt. Các người dân tại vùng Hội An chứng minh rằng một người không nhất thiết phải tham dự trực tiếp vào mậu dịch trên biển mới bị uốn nắn tự nền tảng bởi biển cả. Hay các nhà mậu dịch phưong xa độc lập, hay không bị ảnh hưởng, với các môi trường địa phương trong đó họ tạm trú [lại có thể thoát khỏi cùng một sự uốn nắn như thế]./-
_____
CHÚ THÍCH:
1. Keith Taylor, trong quyển Birth of Vietnam, mô tả một nền văn hóa Việt Nam cổ xưa, nhất thống (unitary) (một ý niệm mà tác giả đã bác bỏ từ lâu), phát triển từ một “chân lý tâm lý căn bản”: rằng “quyền lực chúa tể” của văn hóa Việt Nam cổ xưa “phát sinh từ biển”. The Birth of Vietnam (Berkeley, 1985), trang 6. Xem sự giải thích của tác giả về “định hướng trông ra biển” nơi phần dẫn nhập của ông, rải rác (passim) từ trang 1-41. Về một tuyển tập các sự trình bày chứng minh tính trung tâm của nước trong văn hóa Việt Nam, xem một loạt các bài khảo luận của Huỳnh Sanh Thông, trong Vietnam Forum (Hamden, CT)
2. Victor Lieberman, “Transcending East-West Dichotomies: State and Culture Formation in Six Ostensibly Disparate Areas,” Modern Asian Studies 31.0 (1997): 475. Các cuộc nghiên cứu về ngoại thương tại Việt Nam, rất ít, chỉ thừa nhận cơ sở đại lý của ngoại kiều không thôi, bất kể đến bằng cớ về sự tham gia của Việt Nam trong công cuộc mậu dịch trên đất liền và ven biển vượt quá lãnh địa thuộc chủ quyền của họ. Về một cuộc thảo luận loại bài viết này, xem Charles Wheeler, “Cross-Cultural Trade and Trans-Regional Networks on the Port of Hội An: Maritime Vietnam in the Early Modern Era” (luận án tiến sĩ, Yale University, 2001), các trang 1-27.
3. Xem, thí dụ, Alexander Woodside, Vietnam and the Chinese Model (Cambridge: Harvard University Press, 1971), các trang 2761-27. Trong phần này, Woodside mô tả một sự thờ ơ có tính chất trung hoa cổ điển đối với hoạt động ngoại thương, mặc dù ông không nói rõ là liệu thái độ này phát sinh từ văn hóa Việt Nam bản địa hay là sự bắt chước của “Con Rồng Nhỏ: Little Dragon” theo mô thức của con con rồng lớn hơn họ.
4. Gourou, The Peasants of the Tonkin Delta: A Study of Human Goegraphy (New Haven, 1955), 3. Về nguyên bản tiếng Pháp, xem Les paysans du delta tonkinois: etude de géographie humaine, (Paris, 1936), 8.
5. Keith Taylor, “Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region”, Journal of Asian Studies 57.4 (Nov. 1998): 951. Đây là thí dụ đúng nhất của các nỗ lực như thế nhằm khích lệ sự khác biệt, trong hình thức các lịch sử “trích đoạn: episodic”. Xem “Surface Orientations” , các trang 949-97.
6. Li, Tana, Nguyen Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries (Ithaca, 1998), 18. Tác giả Li lập luận rằng, khi người Việt Nam di chuyển vào vùng biên giới phía nam, họ đã tiến tới một mẫu biến hóa chính trị địa dư mới.
7. Pierre Gourou, Land Utilization in French Indochina (bản dịch tập “L’utilisation du sol en Indochine Francaise, New Haven, 1945), các trang 6-7.
8. Ngoài ra, điều gì đã giữ ngươì Việt Nam lại với nhau từ khi Pháp đã từ bỏ dự án thực dân tại Việt Nam? Sự bắt chước thời hậu thực dân y như các chủ nhân cũ ư? Sự chiến thắng của ý chí của Việt Nam trên thiên nhiên ư? Các sự giải thích có tính chất ý thức hệ như thế làm liên tưởng đến loại giải thích nhất thống của xã hội và lịch sử Việt Nam mà những kẻ viện dẫn Gourou nhắm tìm đích danh để triệt hạ tức thời.
9. Người ta vẫn có thế tìm thấy một loạt nhiều loại thuyền khác nhau, dù là bằng nhôm, thép hay nhựa dẻo bổ túc vào bảng liệt kê các vật liệu xây dựng cùng với các loại như gỗ, tre và mây, luôn được thích ứng với các điểm đặc thù của các nhu cầu địa phương cấp bách. Về một cuộc khảo sát gần đây về việc đóng tàu tại Việt Nam, xem FranDoise Aubaile-Salleave, Bois et Bateaux du Vietnam (Paris, 1987). Cũng xem, Blue Book of Coastal Vessels, South Vietnam (Washington & Saigon, 1967).
10. Người Việt Nam gọi sự bành trướng định cư của người Việt Nam này từ Châu Thổ Sông Hồng đến Vịnh Thái Lan là Nam Tiến: the Southern Advance (tiêng Hoa là nanqian)“. Lịch sử này chứa đựng nhiều tính chất mang cùng vẻ huyền thoại như sự bành trướng về phía tây trong văn chương lịch sử Hoa Kỳ, và là một đề tài tiêu chuẩn trong phần lớn lịch sử tổng quát của Việt Nam. Cũng giống như trường hợp Hoa Kỳ, huyền thoại này che phủ phần lớn các ý tưởng của chúng ta về thời kỳ chuyển biến này của lịch sử bán đảo Đông Nam Á trong sự tưởng tượng đến chủ nghĩa dân tộc. Có nhiều công trình thảo luận về cuộc di dân này. Phần lớn công trình này hiện đang được kiểm tra lại, hy vọng sẽ khởi sự phân biệt được huyền thoại ra khỏi sự việc.
11. Đây là những đường nét chung mà Victor Lieberman xác định trong sự so sánh Âu-Á của ông. Xem, “Transcending East-West Dichotomies”, 463-546.
12. Các phần của đọan này dựa trên một bài viết khác của tôi, nhan đề, “One Region, Two Histories: Cham Precedents in the History of the Hội An Region”. Cho quyển Vietnam: Borderless Histories, biên tập bởi Nhung Tran & Anthony Reid (sắp xuất bản).
13. Để dễ hiểu – và chỉ để dễ hiểu không thôi – tôi sẽ dùng theo từ ngữ quen thuộc nhất đối với các độc giả Anh ngữ, biển Nam Hải (South China sea), hơn là từ ngữ của tiếng Việt, Biển Đông (Eastern Sea). Trong cùng giòng lý luận này, tôi sẽ dùng danh từ Cochinchina để chỉ lãnh địa miền nam tức Đàng Trong, và danh từ Tonkin để chỉ lãnh địia phia bắc tức Đàng Ngoài.
14. Cả hai tác giả Ralph L. Innes và John K. Whitmore đều đã thực hiện các cuộc nghiên cứu tuyệt hảo về cuộc mậu dịch tam giác này, đặc biệt liên quan đến phía Nhật bản. Xem, Innes, “The Door Ajar: Japáns Foreign Trade in the Seventeenth Century” (luận án Tiến Sĩ, Đại học University of Michigan, 1980); Innes, “Trade between Japan and Central Vietnam in the Seventeenth Century: the Domestic Impact (bản thảo chưa được ấn hành); Whitmore, “Vietnam and the Monetary Flow of Eastern Asia, Thirteenth to Eighteenth Centuries”, trong quyển Precious Metals in the later Medieval and Early Modern Worlds, biên tập bởI J. F. Richards (Durham, 1983), các trang 363-396.
15. Các hành trình của các nhà sư, thương nhân, và các viên chức, chính yếu từ Âu Châu hay Trung Hoa giúp chúng ta nghĩ rằng có nhiều sự giao tiếp duyên hải không chính thức giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong; rất tiếc, chỉ có rất các sự nghiên cứu được thực hiện về khía cạnh này. Tác giả Đỗ Bang [?] là ngoại lệ duy nhất; xem bài “Relations between the Port Cities in Đàng Trong and Phố Hiến in the Seventeenth-Eighteenth Centuries”, trong tập Phố Hiến; The Centre of International Commerce in the XVIIth – XVIIIth Centuries (Hanoi, 1994), các trang 195-203. Về các móc nối trên đất liền, các nguồn tài liệu có mô tả các con đường nối liền Hội An với Nghệ An thuộc Đàng Ngoài. Thí dụ, tác giả Wuystoff ghi nhận rằng các thương nhân thần dân của cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong đã đến thăm cùng các ngôi chợ ở khúc giữa sông Cứu Long. Xem, Jean-Claude Lejosne, Le journal de voyage de Gerrit can Wuystoff et de ses assistants au Laos (1641-16420) (Paris, 1993), các trang 74, 95, 181, 211. Một nhà sư Trung Hoa đến thăm Hội An trong năm 1695 đã mô tả các đường bộ bắt đầu từ Hội An sang tới “Vương Quốc Ai Lao”, Căm Bốt, Thái Lan và các tỉnh trong nội địa Trung Hoa như Vân Nam và Quảng tây. Xem Thích Đại Sán, Hải Ngoại Ký Sự (Da Shan, Haiwai jishi) (Taibei, 1963), 4: trang 107. Về các con đường bộ nối liền hai vương quốc xuyên qua Lào, cũng xem Thiên tải nhàn đàm [?] (Concerning ideas of a thousand years), Gia Long 19 (1820), Viện Hán Nôm, số Ạ 584. Con đường này cũng được phản ảnh trong một số bản đồ của Việt Nam, mặc dù được ấn hành trong thế kỷ thứ mười chín. Nghệ An có vẻ đã hoạt động như một căn cứ từ đó chuyển vận hàng hóa giữa Đàng Ngoài vớI Đàng Trong, can hệ đến cả các ngư phủ địa phương lẫn các thương nhân Trung Hoa ở cả hai bên của biên giới. Xem Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, Ấn bản tại Saigon, 1971, I; các trang 167-168.
16. Đã có một cuộc nghiên cứu tuyệt hảo về tình hình chính trị, và quan hệ của nó với công cuộc mậu dịch và xã hội, của Li Tana, Nguyễn Cochinchina. Cũng xem, Yang Baoyun, Contribution a histoire de la principaute des Nguyen au Vietnam meridional (1600-1775) (Geneva; Editions Olizane, 1992).
17. Da Shan, 3: 92.
18. Gourou, đã dẫn trên.
19. P. B. Lafont (biên tập), Proceedings of the Seminar on Champa: University of Copenhague on May 23, 1987, phiên dịch bởi Huỳnh Đình Tế (Rancho Cordova, CA. 1994. Về các quan điểm của họ đối với địa dư xứ Chàm, xem Quách Thanh Tâm, 21-37.
20. Bennet Bronson, “Exchange at the Upstream and Downstream Ends. Notes toward a Functional Model of the Coastal State in Southeast Asia”, trong quyển sách do Karj Hutterer biên tập, nhan đề Economic Exchange and Social Interaction in Southeast Asia: perspectives from Prehistory, History, and Ethnography (Ann Arbor, 1977), các trang 39-52. Các thí dụ về các tác phẩm chịu ảnh hưởng của Bronson bao gồm, Kenneth Hall, Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia (Honolulu, 1985), các trang 12-20; và Robert S. Wicks, Money, Markets and trade in Early Southeast Asia: the Development of Indigenous Monetary Systems to A. D. 1400 (Ithaca, 1992). Tác giả Kenneth Hall cũng trình bày các ảnh hưởng của môi trường của thế giới miền biển trên các thói tục kinh tế và chính trị của người Chàm ( các thói tục chắc hẳn đã mang lại cho họ tai riếng đáng sợ trên khắp các mặt biển) trong bài “The Politics of Plunder in the Cham Realm of early Vietnam, trong quyển sách do Robert van Neil biên tập, nhan đề Art and Politics in Southeast Asian History: Six perspectives (Honolulu, 1989).
21. Da Shan, 3: 92. Các sự mô tả như thế cũng có thể được nhận thấy ở các miền khác của Việt Nam.
22. Tác giả Nguyễn Thanh Nhã vạch ra rằng, trong khi khách du hành bằng đường bộ có thể đi đuớc 30 cây số trong một ngày, một chiếc tàu thông thường có thể chạy được 100 cây số. Điều thú vi để ghi nhận rằng đã cần cùng thời gian để đi đường bộ đến kinh đô Đàng Trong, bằng với thời gian đi thuyền tới Quảng Châu, Trung Hoa. Xem Tableau Economique du Vietnam aux XVIIe et XVIIIe sìecles (Paris, 1970), 366n.
23. Có một số bản đồ và lộ trình thời nhà Nguyễn (vào khoảng thế kỷ thứ mười chín) mô tả hệ thống đồn bót duyên hải vơi nhiều chi tiết. Các đồn quan trọng luôn luôn được đặt ở cửa mỗi con sông, dĩ nhiên, cấu thành các trung tâm cả về hành chính lẫn kinh tế cho các vùng bao quanh chúng. Thí dụ đáng lưu ý nhất là một tập bản đồ hoàng triều, hoàn tất trong năm 1806, cung cấp các sự trình bày chi tiết trên phạm vi toàn quốc, các con đường bộ, đường sông, và ven biển, các đồn lính, cũng như các khu định cư, chợ búa, và các nhà trọ dọc theo các lối đi này. Do Lê Quang Định biên tập, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Union atlas of Imperial Vietnam) Gia long 5 (1806), Viện Hán Nôm, số A. 584 (cũng xem EFEO, vi phim, A. 67/103).
24. Có nhiều thí du. Lấy một thí dụ, các chiến dịch của chúa Nguyễn Hoàng trong thập niên 1550, cũng như chuyến du hành cuối cùng của ông xuống phương nam; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (Hà Nội, 1962), các trang 33-41.
25. Xem Floy Hurlbut, The Fukienese: A Study in Hunan Geography (Muncie, Indiana, 1939); Hugh Clark, Community, Trade and Networks:m Southern Fujian Province from the Third to the Thirteenth Century (Cambridge, England, 1991), các trang 3-10; Hans Bielenstein, “The Chinese Colonization of Fukien until the End of the Tan”, trong Studia Serica: Bernhard Karlgren Dedicata, biên tập bởi Soren Egorod & Else Glahn (Copenhagen, 1959), các trang 98-122. Song song với sự nghiên cứu về Việt Nam, tác giả MauriceFriedman, chuyên về nhân chủng học Trung Hoa, đã nhấn mạnh đến các ảnh hưởng giới hạn của núi non để mô tả tỉnh Phúc Kiến.
26. Diane Murray, Pirates of the Southeast Coast, 1790-1810 (Berkeley, 1987): 9.
27. Nhìn chúng trên các bản đồ hải hành, chúng trong giống như đường nối các điểm chấm hơn là các thế đất, cốt để nhấn mạnh đến vai trò của chúng trong khi du hành trên biển. Tôi xin cảm ơn sự quảng đại của ông Nguyễn Thừa Hy, thuộc Khoa Sử Học, Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam (Vietnam National History’s Faculty of History [?]) trong việc soi sáng cho tôi về điểm này.
28. Tôi gộp vào các cư dân duyên hải trong định nghĩa của tôi về “vùng nội địa”, bởi các mối quan hệ của họ và sự gần cận với ngôi chợ trung tâm có vẻ tương tự như các quan hệ của các cư dân nội địa lâu đời ở vùng thượng lưu và thương du.
29. Hải Ngoại Ký Sự (Ấn bản Taibei), 11: s.p.
30. Trong Alexandre Dalrymple, Oriental Repertory (London: 1808), 1; 75, 79.
31. Hội An vượt hẳn Đà Nẵng, cả về mặt kích thước của cộng đồng lẫn công cuộc mậu dịch của nó. Cho đến giữa thế kỷ thứ mười chín, công cuộc mậu dịch này bị không chế bởi các thương nhân tư`Macau, vẫn gắng sức buôn bán các vật dụng tầm thường cho sự sử dụng hàng ngày, chẳng hạn như hàng ăn, dụng cụ v.v… Xem, thí dụ, tạp chí do Henri Cordier biên tập, “Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine (Suite): Journal d’une voyage à la Cochinchine depuis le 29 aout 1749, jour de notre arrive, jusqúau 11 février 1750”, Revue de l’Extrême-Orient, tome 3 (1887): 364-510.
32. Dalrymple, Oriental Repertory, 1: 79.
33. Nguyễn Thanh Nhã, 183. Phần lớn các công việc liên quan đến quan thuế được dành riêng cho người Minh Hương (tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], “các kẻ trung thành với nhà Minh: Minh Loyalists”, một nhóm dân tộc Hoa Việt chuyên làm việc hành chính – thương mại độc đáo mà nhà Nguyền đã hợp thức hóa trong năm 1679, được tạo lập từ các thương nhân hải ngoại định cư và các cựu nhân viên thuộc chế độ họ Trịnh [Thành Công?] chống lại nhà Thanh, bởi đại bộ phận đặt căn cứ tại Đài Loan (Taiwan), đã kiểm soát sự vận chuyển bằng tàu của Trung Hoa chạy giữa Hội An và đảo Nagasaki [Nhật Bản] từ thập niên 1640 cho đến nằm 1683 khi chế độ bị sụp đổ. Trong sự tương phản rõ rệt với mọi cộng đồng người Hoa khác tại Đông Nam Á, chỉ có rất ít bài viết về người Minh Hương. Xem, Ch’en Ching-ho (Trần Kính Hòa), Notes on Hội An (Carbondale, Illinois, 1974). Một cách ngẫu nhiên, mặc dù Đà Nẵng vượt xa Hội An ngày nay, các thương nhân Âu Châu đên đó đã mô tả về nó, như Pierre Poivre đã viết, như một nhóm các “túp lều”.
34. Da Shan, 1: 19. Tư` ngữ “chop: ấn, triện, con dấu” xuất hiện trong một tập cẩm nang thương mại viết bằng Anh ngữ, bao gồm một sự mô tả khá chính xác về các thủ tục quan thuế tại Hội Ạn (Các viên chức sẽ trợ giúp bạn trong công việc thương mại của bạn, kẻ mà sẽ cần trao tặng một món quà nhỏ”. Milburn, Oriental Commerce (London, 1825), 442.
35. Bức tranh của Chaya Shichinorobu, đề năm 1645, vẽ cảnh kèo chiếc thuyền shuinsen của Nhật Bản từ Cửa Hàn (Vịnh Đà nẵng ngày nay đến Hội An xuyên qua một trong nhiều thủy lộ chạy song song với bờ biển. Sông Cổ Cò [?], nối liền Hải Cảng Đà Nẵng (Cửa Hàn) với sông Thu Bồn. Muốn xem bản chụp của bức họa này, xem Noil péri, “Essai sur relations du Japon et de l’Indochinoise au XVI et XVII sìecles”, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient 23 (1923): s.n.
36. Darrymple, 1: 75. Về các chỉ dụ của nhà Nguyễn ban cấp đặc nhượng cho các làng đánh cá ven biển, xem Lê Quý Đôn, 1: 202-211.
37. Các quyền đặc nhượng này, một cách điển hình, được ghi chép trong các sổ sách giữ ở đình làng. Muốn có thí dụ, xem bài nghiên cứu về xã Cẩm An của John Donaghue, trích dẫn bên dưới.
38. Các tổ yến ngoài biển, một loại cao lương luôn luôn được mua với giá cao tại Trung Hoa, thu gom bởi các làng được cấp đặc nhượng hay “các đội khai thác thuộc địa”. Tuy nhiên, thay vì lập các thuộc địa, nhà Nguyễn cho thành lập một “toán, đoàn: brigade” (tiếng Việt gọi là đội tiếng Hoa: dui), tuyển chọn từ dân làng xã Thanh Châu, huyện Thăng Hoa, ngay phía nam Hội An. Đội hoạt động trong một số tháng nào đó trong năm, di chuyển khắp các khu định cư ven biển và các hòn đáo ngoài khơi của Đàng Trong để thu gom các tổ yến từ các cư dân địa phương, hay chính họ đi thu nhặt các tổ yến. Sau khi trở về Thanh Châu, họ giữ lại các tổ yến có phẩm chất cao nhất để dâng lên chúa Nguyễn làm vật cống hiến hàng năm. Phần còn lại họ đem bán trên thị trường. Dân Thanh Châu cũng được hưởng sự miễn trừ mọi sắc thuế và lao động khổ dịch. Xem, Lê Quý Đôn, 2: 380. Muốn tìm hiểu về lịch sử làng Thanh Châu bằng Anh ngữ, đọc, John Donaghue, Cẩm An; A Fishing Village in Central Vietnam, Ann Arbor, [1961?]. Đặc nhượng cứu vớt tàu bị đắm đươ.c thảo luận bên dưới, các trang 25-26.
39. Da Shan, 4: 111.
40. Da Shan, 4: 101-102.
41. Pierre Poivre mô tả các “đầy tớ” mà ông ta thuê mướn để vận chuyển ông và các đồ đạc của ông trèo đèo qua núi đến kinh đô nhà Nguyễn. Cordier, “Voyage”, 372. Giống như Poivre và những kẻ khác, một thuyền trưởng người Pháp đã thuê mướn các phu khuân vác. Ông ta, cũng giống như nhiều người Tây Phương khác, lấy làm ngạc nhiên về con số các phu khuân vác là phụ nữ. Xem, L. Rey, “Voyage from France to Cochin-China, in the ship Henry”, trong Schoolcrafts Journals (London, 1821), no. 5, vol. 4: 117.
42. Lê Quý Đôn, 1: 193, 196-197.
43. Da Shan, 4: 111.
44. Da Shan, 1: 19.
45. Da Shan, 1:20. “Các người mua và các người bán tại các cửa hàng đều là các phụ nữ”, nhà sư Đại Sán đã viết như thế. Tất cả các chợ tại các làng xã và thị trấn đều “nằm trong tay các phụ nữ”, theo nhận xét của Pierre Poivre, ngay cả ở Hội An. Xem, Cordier, “Voyage”, 390. và sự việc xảy ra như thế trong suốt hai thế kỷ thịnh đạt của hải cảng trong hoạt động mậu dịch Á Châu. Các thương nhân ngoại quốc hoạt động tại Hội An đã kết hôn với các phụ nữ địa phương, thủ vai “phái các bà vợ của họ điều hành công việc buôn bán, và không thể làm việc mà không có các bà”. Xem, Da Shan, 3; 107. Hôn nhân tạm thời là một định chế thông thường tại Hội An, đã đặt các phụ nữ vào một vị thế thuận lợi như một trung gian môi giới giữa các thương nhân với mọi thứ khác. Các phụ nữ địa phương, như Robert Kirsop đã viết trong năm 1750, “sẽ rất trung thành, trong công việc tẻ nhat là đếm Tiền Mặt cho bạn”, và “các công việc trong nhà sẽ không bao giờ được quản lý một cách đúng đắn trừ khi đặt dươi sự trông nom của một trong các người trong họ.” Xem, Kirsop, “Some Account of Cochin-China”, Oriental Repository 1 (1808): 250. Các phụ nữ cũng điều hành các lữ quán và các nhà hàng ăn dọc theo đường bộ và đường thủy giăng mắc khắp các khu núi rừng của Đàng Trong. Nạn gái điếm cũng là sự việc thông thường. Muốn biết thêm về vai trò của người phụ nữ trong công cuộc mậu dịch của Hội An, xem Wheeler, 143-150.
46. Alexandre Dalrymple nói về một “lái tàu người Đàng Trong” đã lái chiếc tàu Amphirite trong năm 1792. Xem, Dalrymple, Memoirs and Journals (London, 1786), 2: 1-18. Người Việt Nam từ Đàng Trong cũng có thể được nhận thấy trong văn chương về các chiếc tàu bị đắm. Xem các thư tín giữa các viên chức Việt nam và Thái Lan thảo luận về việc làm sao giải quyết các thủy thủ Việt Nam bị đắm tàu tại Thái Lan, trong Phủ Biên Tạp Lục (Saigon), 5: 160-168.
47. Da Shan, 1: 18.
48. “Dispositions Regarding the King of Champan [sic]”, vào khoảng 1599, trong The Philippine Islands, 1493 – 1898, biên tập bởi Emma H. Blair và J. A. Robertson (Cleveland, 1905), 10: 236 – 244. Điều không lấy gì làm ngạc nhiên nếu thấy sự khuất phục của nhà Nguyễn trên vị thủ lĩnh sau cùng của người Chàm đã được thi hành với mục đích bảo vệ các số thu về quan thuế có tầm quan trọng ngang bằng với mục đích chinh phục đất đai.
49. Murray, Pirates, 6.
50. Lan Dingyuan (đầu thế kỷ thứ mười tám), “Lun haiyang mibu daozei shu (Khảo luận về việc bắt giữ các hải khấu), trong Huangchao jingshi wenbian, biên tập bởi He Changlin (khoảng 1826, sách in lại, Beijing, 1992). 11a. Điều này được xác nhận bởi cuộc nghiên cứu của Robert Antony về chu kỳ theo mùa của các cuộc tấn công của hải tặc. Xem Antony, “Aspects of the Socio-Political Culture of South China‘s Water World”, 83. Cũng xem, Murray, Pirates, 17.
51. Tác giả Susan Naquin tái xuất trình một cuộc thẩm vấn bởi các quan chức thẩm quyền thuộc quân trấn Liang Guang [Lưỡng Quảng?]. Không may, họ đến từ Đàng Ngoài hơn là Đàng Trong. Dù thế, lời thú tội đáng lưu ý khi đối chiếu với điều mà tác giả Diane Murray mô tả như biên giới không thể nhận thức được giữa biển của Quảng Đông với Việt Nam (Murray, Pirates, 7). Xem, Susan Naquin, “True Confessions; Criminal Interregations as Sources for Ch’ing History”, National Palace Museum Bulletin 11.1 (Taibei, 1976): 1-17.
52. Thí dụ, xem John Barrow, A Voyage to Cochinchina, in the Years 1792 and 1793 (London, 1806), 307-308. “Letter by Jeronimus Wonderaer”, trong quyển Southern Vietnam under the Nguyen, Documents on the Economic History of Cochin China (Đàng Trong), 1602-1777 (1993, biên tập bởi Tana Li & Anthony Reid (Singapore 1993), 22; G. F. Marini, A New and Interesting Description of the Lao Kingdom (1663), phiên dịch bởi Walter E. J. Tips & Claudio Bertuccio (Bangkok, 1998): 2.
53. Trong “A Voyage Around the World”, của John Pinkerton, A Collection of Voyages and Travels (London, 1709), 4: 283-284.
_____
Nguồn: Charles Wheeler, University of California, Irvine, A Maritime Logic in Vietnamese History? Littoral Society in Hội An‘s Trading World c. 1550-1830, Conference proceedings,
http: www.historycooperative.org/proceedings/seascapes/wheeler.html
http://www.gio-o.com/NgoBacCWheeler1.htm
Bài dịch của Ngô Bắc trúc trắc khó đọc quá, cần được biên tập !
Trả lờiXóa