Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Hình như đang có đôi dấu hiệu đổi mới

Báo Le Monde diplomatique ở Paris cách đây ít lâu có đăng một bài ngắn của J. M. Coetze, nhà văn Nam Phi từng được giải Nobel, bài báo có cái tên thoạt nghe hơi lạ: "Phi thực dân hóa tiểu thuyết". Nam Phi vốn vừa thoát khỏi ách thống trị của người da trắng, nên mới nghe có thể tưởng nói về yêu cầu đưa nền tiểu thuyết ra khỏi ảnh hưởng của một thứ văn hóa thực dân nào đó (nếu có một thứ văn hóa như vậy). Hóa ra không phải, thậm chí ngược lại. Bằng một phân tích sắc sảo, pha chút mỉa mai và hơi đượm buồn, Coetze nói rằng "trong những thời kỳ căng thẳng ý thức hệ như hiện nay, khi khoảng không gian trong đó tiểu thuyết và lịch sử cùng chung sống như hai con bò cái cùng chung một bãi cỏ ... đã thu hẹp lại đến gần như chẳng còn gì cả", thì xu hướng áp đảo trong xã hội là "đặt tiểu thuyết xuống bên dưới lịch sử, đọc tiểu thuyết như là những thăm dò tưởng tượng về các lực lượng và các hoàn cảnh lịch sử, và ... coi những cuốn tiểu thuyết nào không làm công việc điều tra đó đều là không nghiêm túc". Nói cách khác, tiểu thuyết đã bị biến thành một thứ "tay sai của lịch sử", chuyên minh hoạ hay chứng minh cho lịch sử (hoặc cũng có thể bác bỏ lịch sử khi những lực lượng xã hội nào đó cần làm điều ấy). Trong khi đó, đúng ra tiểu thuyết cần có "một vị trí tự trị, mà tôi sẽ coi như là một đối thủ của lịch sử", một tiểu thuyết "có những quy tắc riêng của nó, những chủ đề riêng của nó trong khung khổ những kết luận riêng của nó, chứ không phải một tiểu thuyết vận hành theo những quy tắc của lịch sử và đi đến những kết luận có thể minh chứng được bằng lịch sử (như bài làm của một đứa trẻ có thể được cô giáo của nó chấm duyệt). Tôi nghĩ đến một tiểu thuyết tự thiết lập lấy những hệ biến hóa và những hệ huyền thoại riêng của mình, trong một tiến trình (và có thể đây là điểm bắt đầu cuộc cạnh tranh thật sự, thậm chí thù địch) sẽ đi đến chỗ lột trần quy chế huyền thoại của lịch sử, nói cách khác, giải huyền thoại cho lịch sử... Vâng: một tiểu thuyết sẵn sàng được thiết lập nên bên ngoài những từ ngữ về đấu tranh giai cấp, về xung đột xã hội, về chống đối giới tính hay bất cứ sự đối lập nào khác từ đó lịch sử và các bộ môn của lịch sử được xây dựng nên." Coetze nói rằng ông muốn đại diện cho tiểu thuyết "với tư cách một bộ lạc đang bị công cuộc thực dân hóa uy hiếp, một bộ lạc trong đó một số thành viên của nó đang quá ư sung sướng, và đấy là quyền của họ, được ôm chầm lấy cái hiện đại, rời bỏ cung nỏ của mình, các túp lều của mình và dọn đến cư trú dưới mái vòm thênh thang của những huyền thoại lịch sử". Ông đòi hỏi giải phóng tiểu thuyết ra khỏi ách thực dân nặng trĩu của lịch sử đang đè bẹp nó.

Đọc những dòng trên đây của Coetze, không thể không nghĩ đến tình cảnh của tiểu thuyết, và của cả văn học Việt Nam nói chung. "Căng thẳng ý thức hệ" thì suốt những thời kỳ rất dài, và đương nhiên đến nay vẫn còn chưa bớt đi bao nhiêu, Việt Nam không hề thua gì Nam Phi. Và quá rõ ràng, muốn nói gì thì nói, tiểu thuyết và văn học chúng ta từ thuở nào đến giờ gần như được coi là "một bộ lạc nhỏ" đương nhiên và công khai, thậm chí tự nguyện chịu sự thống trị thực dân của lịch sử, hình ảnh dùng rất đắt của nhà văn Nobel Nam Phi. Tôi nghĩ còn có thể nói cụ thể hơn nữa: văn học ở ta (trong đó có tiểu thuyết) từ lâu nghiễm nhiên được coi là "công cụ", khi thô sơ thì là của tuyên truyền, khi trắng trợn thì là của chính trị, khi "tinh tế, lịch sự" hơn đôi chút thì là của giáo dục, cũng có khi nói cho sang trọng, thì của cái gọi là "giáo dục thẩm mỹ" v.v... Chưa bao giờ được coi, và tự coi, là văn học tự thân, tự trị, với những "sứ mệnh", những "hệ huyền thoại và những hệ biến hóa", những hệ quy luật riêng của nó, chỉ của nó thôi, chỉ mình nó mới có được thôi, và chính vì điều đó mà cần có nó trên đời này.

Tôi không hề có ý oán trách gì tình trạng "thực dân hóa" kéo dài vừa qua. Những hoàn cảnh đặc biệt của đất nước đã gần như buộc phải vậy. Điều tôi muốn nói là hình như gần đây đã bắt đầu thấy dấu hiệu của một sự vượt thoát ra khỏi tình thế đó, mà nếu quả thật có được như vậy thì là một bước thay đổi có thể rất quan trọng trong đời sống văn học, cũng chừng nào đó tức là đời sống văn hóa tinh thần của đất nước. Tôi không dám bao quát hết tình hình, và muốn có lời xin lỗi trước những tác giả tôi sẽ không nhắc đến trong bài viết nhỏ này. Ở đây tôi chỉ xin nói đến hai dấu hiệu theo tôi có lẽ rất đáng chú ý: truyện Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu và truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư.

Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu đã gây ra nhiều tranh cãi, cả ở trong nước và ngoài nước, đến nay còn chưa xong, hình như còn có thể "bất tận"!. Tôi xin phép không tham gia gì vào cuộc ấy nữa. Tôi chỉ muốn chú ý đến điều này: hình như cho đến nay người khen người chê, người đề cao người muốn đánh cho đến chết truyện ngắn này đều vẫn đứng trong phạm vi của cái có thể gọi là "văn học công cụ" (hay cũng có người gọi có lẽ đúng hơn: "văn học chức năng") mà đọc và bình xét. Người giản đơn thì phán xét ở tác dụng giáo dục của nó, nó có tác dụng giáo dục tốt hay xấu (cứ làm như toàn bộ văn học đều phải là viết cho trẻ con ấy, viết kiểu này thì trẻ con đọc hư hỏng hết; chẳng bậc làm cha mẹ nào dám cho con cái đọc; ôi các nhà đạo đức!). Người sâu sắc hơn thì khen chê ở tính ám chỉ xã hội của nó, đồng tình hay phản đối, thậm chí lên án quyết liệt sự ám chỉ đó ... Chắc chắn là mỗi người có quyền đọc theo cách của mình, và không ai được "độc đoán" áp đặt cách đọc của mình cho người khác (điều mà một nhà phê bình đã chê trách tôi một cách buồn cười). Riêng tôi, tôi còn đọc thấy ở đây một dấu hiệu khác: người viết hình như chẳng hề nghĩ đến giáo dục hay ám chỉ gì cả. Chỉ có một nhu cầu tự giải thoát cứ thế mà bục ra, quyết liệt, bất chấp tất cả, trăn trở quằn quại trong nhu cầu sinh tồn đó. Tác phẩm cứ thế mà được sinh ra, tạo ra "hệ huyền thoại" riêng của nó, và từ đó mà "giải huyền thoại" của lịch sử. Có thể nói như vậy thì là gán cho tác phẩm này ý nghĩa to tát quá chăng, một ý nghĩa ngoài ý muốn của tác giả. Nhưng chính là vậy đó, trong sáng tạo nghệ thuật thật sự, hình như bao giờ cũng có một phần nào đó ngoài ý muốn, hay thậm chí ngoài ý thức tự giác của người làm ra nó. Nó "phi thực dụng", theo nghĩa đó của chữ thực dụng.

Có thể còn rõ hơn Bóng đè là truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Cô gái Cà Mau mấy năm nay đã gây chú ý bằng những truyện ngắn đậm đặc chất Nam Bộ chân chất mà tinh tế và độc đáo, hiền lành và đem lại một không khí mát mẻ đáng yêu này, bổng dưng thay đổi hẳn. Như chúng ta biết, văn học ở ta trong một thời kỳ rất dài đã là văn học của các đề tài, đề tài nông nghiệp, đề tài công nghiệp, đề tài lực lượng vũ trang, đề tài chiến tranh, đề tài hợp tác xã ... Văn học ấy đã chết cùng với các đề tài của nó. Rồi cao hơn ít nhiều là văn học của các "vấn đề", tức các chủ đề xã hội. Ngay cả văn học của thời kỳ được gọi là văn học đổi mới chủ yếu cũng là kiểu văn học của các chủ đề xã hội: văn học chống tiêu cực, văn học lên án các thói hư tật xấu xã hội, văn học phê phán cơ chế là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội v.v... Đọc Cánh đồng bất tận, ta bổng muốn hỏi vậy thì nó "phê phán" cái gì, ca ngợi cái gì, tán thành cái gì, phản đối cái gì, nó "có ý kiến" gì về xã hội này? Chẳng thấy gì cả. Ở đây chẳng ai có lỗi cả. Chẳng do "tiêu cực xã hội", cũng chẳng phải cơ chế nào là tội phạm cả. Chẳng do "lịch sử" nào cả, nếu nói theo kiểu Coetze. Vậy đó thôi, thế giới của con người, của cõi nhân sinh này mà ta đã trót sinh ra trong đó, được vẽ ra trong một truyện ngắn rất đậm chất tiểu thuyết với "những quy tắc riêng của nó, những chủ đề riêng của nó trong khung khổ những kết luận riêng của nó". Và cái đó, chỉ có văn học mới nói đến được thôi. Chính trị, giáo dục, đạo đức, cả xã hội học nữa đều không thể làm được.

Có lẽ với những tác phẩm như Cánh đồng bất tận, văn học đang vượt thoát ra được khỏi một thời kỳ từng kéo rất dài, thời kỳ mà sức ép của sự "căng thẳng ý thức hệ" đã "thực dân hóa" nó, khiến nó bắt buộc phải làm những cái mà lẽ ra những thứ khác phải làm, để trở lại là chính nó. Trên một số báo Tuổi Trẻ chủ nhật vừa rồi, Nguyễn Ngọc Tư đã có một cuộc đối thoại rất thú vị với người phóng viên; tưởng cũng nên thử lắng nghe cô ấy một chút:
"PV. - Tư có bao giờ nghĩ rằng mình viết cái này là để chuyển tải một tư tưởng gì không?
NNTư - Không. Tư tuởng gì thì chắc do mấy nhà phê bình đọc truyện rồi nói ra thôi. Còn sáng tác thì có lúc nào thấy xúc động, do cảm xúc, có suy nghi về cái mình đã trải qua, có nhu cầu phải viết, nếu không viết chắc... tự tử mất thì Tư viết thôi...Với riêng Tư, một truyện được viết ra là trút bỏ một cái gì đó từ cảm xúc của mình, chứ không phải “đứa con tinh thần” gì như nhiều nguời nói. Ðứa con thiệt là đứa Tư đang ẳm trên tay nè. Còn văn chương chỉ là cái nghề sống được.
Khi Tư viết xong, tác phẩm ra đời, người ta muốn làm gì nó thì làm, thây kệ nó ..."

Riêng tôi, đọc những dòng này, tôi không thể nào không nhớ đến các pho tượng gỗ tuyệt vời do những người Tây Nguyên sáng tác ra, đặt ở các nhà mồ trong lễ bỏ mả, những pho tượng đẹp đến mê hồn và khiến ta không ngừng kinh ngạc, nhưng người ta làm ra, đặt ở đó ... rồi bỏ luôn đó, không hề đoái hoài gì đến nữa, mặc cho mưa gió tàn phá đến mục nát đi, "thây kệ nó" như Nguyễn Ngọc Tư nói. Vậy đó, nghệ thuật thật là vậy, nó được làm ra chẳng vì cái gì hết, chỉ là để "trút bỏ một cái gì đó từ cảm xúc của mình", không làm được "thì chắc tự tử mất"! Chẳng phải vì "chức năng" xã hội gì sất! Trong một tác phẩm nghiên cứu về minh triết Trung Hoa, nhà triết học Pháp FranÇois Jullien nói rằng khác với phương Tây, phương Đông không chú ý đến quan hệ văn học và công chúng, mà coi trọng quan niệm "tri âm", văn học (và nghệ thuật) là để mà thổ lộ, và thổ lộ thì mong có tri âm ...

Đương nhiên, rồi vẫn sẽ còn "văn học hiện thực", "văn học phê phán", "văn học giáo dục" ..., cũng chẳng sao cả, và hẳn cũng đều "có ích". Nhưng người ta cần có văn học còn vì một điều quan trọng hơn: nó tạo nên một thế giới với "những hệ biến hóa và hệ huyền thoại riêng" của nó, như chẳng hạn cái truyện ngắn thật rất đáng chú ý và thật hay Nguyễn Ngọc Tư đã tặng chúng ta.

Trong một bài viết gần đây, một nhà phê bình có nói rằng anh ta "không lạc quan như Nguyên Ngọc". Tôi thì quả tôi đang có hy vọng mới khi thấy bắt đầu xuất hiện những tác phẩm như vừa nói. Theo tôi, đấy là dấu hiệu của một chuyển động có thể rất quan trọng. Văn học đang trở lai ... là văn học.
* *
*
Thú thật từ khá lâu nay tôi đã thấy sự vô lý của các kiểu tổ chức văn học (và cả nghệ thuật) ở nước ta, nhốt tất cả đời sống văn học (và nghệ thuật) trong các hội này hội nọ thực chất đều là tổ chức nhà nước. Nói cho rõ ra, kiểu tổ chức đó bắt đầu xuất hiện ở Liên Xô từ thời Stalin, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông trùm tư tưởng Jdanov và qua tay M. Gorki. Rồi về sau các nước xã hội chủ nghĩa cứ thế theo đó mà làm... Tôi từng nghĩ chắc rồi sẽ đến lúc các tổ chức đó phải bị xóa bỏ, hoặc sẽ tan rã đi theo một kiểu nào đó. Nghĩa là phải có một sự đập vỡ.

Bây giờ hóa ra không phải như vậy. Hóa ra cuộc sống khôn ngoan hơn, nhẹ nhàng mà cũng tiện lợi hơn. Chẳng cần sự đập vỡ nào, chẳng cần ai phải ra tay. Cũng chẳng ồn ào gì cả. Cuộc sống có cách giải quyết rất thông minh. Bây giờ tình hình thực chất là thế này: các thứ hội hè kia vẫn cứ tồn tại, vẫn ăn lương nhà nước và "làm việc", thậm chí rất xăng xái, tổ chức hết hội nghị này đến hội thảo khác, trao đủ thứ giải thưởng (với tiền tất nhiên của nhà nước, tức là thuế của dân). Chỉ có điều càng ngày chúng càng chẳng còn dính dáng đến đời sống văn học thực nữa. Chúng cứ tồn tại phần chúng, chẳng ai phải xóa bỏ chúng làm gì; còn đời sống văn học thì cứ lừng lững chảy theo phần mình, chẳng liên quan gì đến nhau hết. Có một dòng chảy đời sống văn học thực của đất nước, với những vấn đề của nó, trầm luân và trăn trở của nó, tìm tòi, mò mẫm, khám phá, thành công và thất bại của nó. Các hội chẳng cần phải bị giết chết làm gì cho ồn ào và phiền nhiểu ra. Chúng chỉ đơn giản lẵng lặng rơi ra ngoài dòng chảy ấy, và mất hút trong tâm trí và cả trong công việc thật của người viết, và người đọc nữa. Thế thôi. Và đó cũng là một dấu hiệu không phải không quan trọng: văn học đang dần dần trở lại đời sống thật, đời sống tự nhiên của mình, thoát ra khỏi những tổ chức giả tạo đã nhốt nó bao nhiêu lâu nay. Văn học cũng đang trở nên tự trị hơn về mặt tổ chức. Ai đang sống trong nước bây giờ đều biết: những cuốn sách gây xôn xao nhất hiện nay đều là do tư nhân làm. Và việc tư nhân làm sách này đã được luật công nhận. Nhà nước đã lùi lại một bước. Từ đây đến xuất bản tư nhân, theo tôi, hẳn không còn xa lắm.

Vậy giữa hai chuyện trên, chuyện văn học đang dần dần được "phi thực dân hóa" và chuyện các tổ chức văn học nhà nước rơi ra ngoài đời sống văn học, có liên quan gì đến nhau không? Tôi nghĩ là có, thậm chí rất chặt chẽ. Đó là biểu hiện một sự áp đặt lâu dài đang phải chịu lùi bước, đang thua dần đi. Và nói cho văn hoa, đấy có thể là dấu hiệu của một mùa xuân mới đang tới, còn khá rụt rè, manh nha, nhưng mà đang tới. Và việc mùa xuân đến, nếu quả đúng như vậy, thì ai cũng biết, dẫu cái rét đông có thể kéo dài ít nhiều, vẫn là không gì ngăn trở được.


Nguyên Ngọc
NhipSong Magazine
http://ivce.org/magazinedetail.php?magazinedetailid=MD00000246

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét