Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Về Việc Kể Chuyện Lịch Sử Việt Nam Thế Kỷ Mười Ba và Mười Bốn

Oliver W. Wolters (Cornell Unversity)


Về Việc Kể Chuyện Lịch Sử Việt Nam Thế Kỷ Mười Ba và Mười Bốn


Ngô Bắc dịch
Đại ý: Nhà Trần cai trị Việt Nam từ 1226 đến 1400 và đã duy trì các quan hệ triều cống với Trung Hoa. Sự sụp đổ của Việt Nam dưới thời Trần là tất yếu khi mà Trung Hoa thụ hưởng một tình trạng tương đối ổn định từ thế kỷ 13 sang thế kỷ 14. Nhà Trần đã dựa vào Khổng học để tăng cường quyền lực của mình hơn là để phát huy sự hòa hợp xã hội. Bận tâm với sức mạnh và thẩm quyền đã tạo ra các hậu quả bi thảm trên định chế triều đại.
***
Bài khảo luận của tôi viết kỷ niệm sinh nhật của Tạp Chí [Đông Nam Á học] phác họa những đường nét để có thể là chương kết luận cho một nghiên cứu về Việt Nam thế kỷ mười ba và mười bốn khi nhà Trần ngự trị (1226-1400).
Năm 1225 gia tộc nhà Trần đã lật đổ vị hoàng đế cuối cùng của triều đại trước, nhà Lý (1009-1225) và cho đến bấy giờ là triều đại lâu dài duy nhất. Trong thực tế, thời trị vi của đế triều nhà Lý dài hơn gần năm mươì năm so với triều đại kế nhiệm nó. Dù thế, không có gì phải nghi ngờ rằng nhà Trần là triều đại nổi tiếng nhất trong mọi triều đại Việt Nam nhờ các chiến thắng của mình chống lại các đội quân của Kubilai Khan đến tấn công ba lần trong thế kỷ mười ba. Song người ta đã phải tìm hiểu đây là loại triều đại gì và xứ sở mà triều đại đó cai trị phải được định nghĩa như thế nào. Người ta phải hướng đến Trung Hoa, nguồn gốc của định chế triều đại, để có được sự hướng dẫn hay người ta phải tìm kiếm ở nơi nào khác? Một biến cố trong năm 1237 làm liên tưởng đến tính mơ hồ. Năm đó các quan chức bị yêu cầu tiến dâng “trầu và trà lên hoàng đế khi ông ta xuất hành từ Đầu Cầu Phia Đông gần kinh đô”. “Trần cau và trà” mang cả yếu tố Đông Nam Á lẫn yếu tố Trung Hoa vào khung cảnh.

Chương kết luận của tôi sẽ được viết như một lịch sử tường thuật theo cấu trúc biên niên và tôi hy vọng sẽ không có tiêu điểm quá chật hẹp. Một sự trình bày về một thời khoảng quan trọng như các thế kỷ của nhà Trần cần nhiều chỗ. Một giá trị khác của lịch sự tường thuật là sử gia được khuyến khích một cách liên tục để đặt ra các câu hỏi như thế nào và tại sao các sự việc đã thực sự xảy ra trong một khung cảnh văn hóa cá biệt và có thể đang biến đổi. Sử gia cũng phải có khoảng trống để suy ngẫm về các vấn đề phát sinh và bị thách đố để trải nghiệm với các công cụ tường thuật hữu hiệu và tài nghệ tinh xảo nói chung.

Chương cuối cùng sẽ được dẫn trước bởi năm chương khác tìm cách khai mở các tính chất đúng theo văn bản (textual properties) trong các nguồn tài liệu của tôi. Tôi hy vọng một sự phân tích theo từng chương các nguồn tài liệu sẽ giúp tôi thoát ra khỏi vấn đề mà tôi đã từng dự liệu rằng nếu một sử gia cố gắng kết hợp một khảo hướng kể chuyện với các điều kiện của sự phê bình sát theo văn bản và liên tục phải chậm bước hầu đặt các câu hỏi về hình thức của một bản văn cũng như về nội dung của nó. 1 “Tư tưởng bị đông lạnh bởi các sự ngắt quãng” tiến Sĩ Johnson đã nhận xét và cũng như thế, sẽ là lịch sử tường thuật.

Bởi “các tính chất đúng sát theo văn bản” trong các nguồn tài liệu tôi đề cập không gì khác hơn là các đặc điểm và cấu trúc văn chương theo khuôn mẫu vốn mong mỏi được thừa nhận hầu cho phép các nguồn tài liệu sẽ được phú cho ý nghĩa bao trùm và vượt lên trên các khía cạnh cụ thể của tin tức. Một ý nghĩa đúng theo văn bản của nguồn tài liệu tượng trưng cho cách thức mà Việt Nam “đã xuất hiện ra” đối với tác giả của nó, hay theo thể cách của nó. Sự tường thuật của riêng tôi về Việt Nam trong chương kết luận sẽ cứu xét đến “các diện mạo” (appearance) cạnh tranh với các nguồn tài liệu, các phương thức theo đó chúng soi sáng lẫn nhau, và cũng như các trường hợp làm sao mà đôi khi chúng có vẻ giống nhau. Điều mà tôi viết ra không thể giúp thể hiện một “diện mạo” khác chưa có, tuy nhiên, có lẽ, nó có thể gần sát hơn với một “sắc diện” (countenance), hay thực chất, đàng sau nhiều “diện mạo” khác nhau. Khi dùng chữ “sắc diện” (countenance), phát sinh từ từ ngừ trong tiếng La Tinh “continentia” (cách thức mà một người giữ được sự bình tĩnh của mình), tôi hiểu là tầm mức theo đó nước Việt Nam thời Trần “được giữ yên tĩnh”.

Viết lịch sử theo lối thuật chuyện (narrative history) là kể một câu chuyện với một cốt truyện (plot). Cốt truyện bao gồm phương cách mà các phần và hiệu quả của một câu chuyện cấu kết với nhau. Các nguồn tài liệu của tôi có thể được đọc như các câu chuyện với các cốt truyện chịu trách nhiệm về các ý nghĩa và ‘diện mạo” của chúng. Trong một thời gian dài tôi đã tin tưởng rằng thế kỷ mười bốn cấu thành một đường phân cách trong lịch sử Việt Nam, nhưng tôi không cảm thấy được kịch tính (drama) cho đến khi tôi hiểu biết nhiều hơn về thế kỷ thứ mười ba. Chính vì thế, cái nhìn lướt qua thời nhà Trần làm liên tưởng đến một đề tài cho cốt truyện trong chương kết luận: một cách đơn giản, một triều đại sẵn đang tan rã trong vòng một thế kỷ của cuộc chiến thắng quân sự ngoạn mục. Câu chuyện và cốt truyện của nó, được phác thảo trong bài khảo luận này, phản ảnh một số sự suy tưởng chất chứa trong đầu khi tôi tiến tới việc viết chương kết luận của mình. Bài khảo luận, một cách tương tự, giống như một trong những lời đề tựa của tác giả Henry James mà trong đó nói chuyện về một câu chuyện.

Trong chương đầu tiên của mình, tôi sẽ cung cấp bối cảnh lịch sử của thời nhà Trần và giải thích các chủ định của tôi. Nhưng chương cuối cùng của tôi cần đến điều mà tôi đã tiến tới việc xem như một khung cảnh thích hợp cho lịch sử nhà Trần, tôi sẽ để ý đến nhiều nguồn tài liệu. Một nguồn trong chúng và có lẽ trong sự phân tích cuối cùng là nguồn tài liệu đáng lưu ý nhất, sẽ là điều mà tôi sẽ đề cập đến như “các tiếng nói” theo đó tôi muốn nói đến văn vần hay thơ thời nhà Trần được lưu giữ trong các tuyển tập Thơ Văn Lý Trần, được xuất bản tại Hà Nội trong các năm 1978 và 1989 và cũng như trong các niên sử Việt Nam được đề cập đến dưới đây. “Cáctiếng nói” giúp chúng ta nghe được cách thức mà con người trong thời nhà Trần bày tỏ các sự quan tâm tức thời và khác biệt của họ. Mặc dù thuộc giới tinh hoa, họ khá đa dạng: đó là các tiếng nói của các nhà lãnh đạo, các hoàng thân, các nhà sư, các viên tướng lĩnh, các nhà thơ, nhiều loại quan chức khác nhau, và các điền chủ. Các tài liệu Trung Hoa là nguồn tài liệu khác và không hề chỉ có tính cách tầm thường hay không đáng tin, bất kể “diện mạo” mà chúng chuyên chở là “diện mạo” của một xứ sở chậm tiến về văn hóa và chính trị, xa xôi và biệt lập với suối nguồn văn minh tại Trung Hoa. 2 “Các tiếng nói” và các nguồn tài liệu Trung Hoa không thể bị bỏ quên trong khi như vẫn xẩy ra quá thường xuyên, người ta lại trở lùi về nguồn tài liệu khác và nổi tiếng, bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hay các niên sử nhà Trần, được biên soạn hồi giữa thế kỷ mười lăm và [là] nguồn tài liệu đã chuẩn cấp vị thế của “văn bản chủ yếu” cho thời kỳ này nhờ chi tiết khá phong phú của nó. Các niên sử, với các sự ngắt giọng thường xuyên được trù tính bởi chính nhà viết sử để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các đoạn bút ký của mình, thuật lại câu chuyện về gia tộc nhà Trần như một mối quan hệ chuyển động của các ông hoàng và các bầy tôi và mang lại cho Việt Nam “diện mạo” được điều hành bởi và phục vụ cho gia tộc cầm quyền, mặc dù cốt truyện của nó, tôi sẽ nghĩ, chỉ được khai mở trong khung cảnh hồi đầu thế kỷ thứ mười bốn. Tôi tiếp tục nhận thấy mình phải kháng cự lại ảnh hưởng của các niên sử và tự nhủ mình rằng nó chỉ cung cấp một trong nhiều “diện mạo” của Việt Nam thời nhà Trần.

Khung cảnh kế tiếp sẽ giúp cho chuyện kể của tôi được khởi sự và tôi sẽ ít quan tâm đến sự trình bày rậm rạp cho bằng một ít đặc điểm có vẻ, theo ý kiến của tôi, ảnh hưởng đến những gì xảy ra. Tôi sẽ bắt đầu với hệ cấp tỉ mỉ của gia tộc nhà Trần, trên đó ngự trị một “Thiên Tử”, nguồn gốc của mọi đề xướng và được nghênh đón như một kẻ đứng đầu triều đại và hoàng đế kiểu Trung Hoa. Theo Chen Fu, một sứ giả Trung Hoa năm 1293, chỉ những người quan trọng trong xã hội phân chia thứ bậc tỉ mỉ này mới dùng các khay bằng bạc để đựng trầu cau của họ. Không khoản nào trong các tài liệu của triều đại nhà Lý trước đây làm liên tưởng đến một Triều đình biệt lập và hoàn toàn cặn kẽ đến thế giống như triều đình đã mau chóng được thiết lập bởi gia tộc tàn nhẫn này, xuất thân từ những kẻ đánh cá trước đây thuộc vùng châu thổ sông Hồng và có lẽ có gốc gác Trung Hoa. Tôi sẽ ám chỉ đến chương của tôi về các niên sử để nhớ lại bằng cách nào, qua một chuỗi các sự ứng phó táo bạo để đối đầu với các tình trạng khẩn cấp bất ngờ, gia tộc này đã có thể bảo đảm rằng người con trai trưởng của nhà lãnh đạo sẽ kế vị ông ta, và kết hôn với một phụ nữ thuộc gia tộc họ Trần. Hơn nữa, cùng nguồn tài liệu sẽ cho thấy các hoàng đế được phụ tá bởi các chú bác và anh em của mình, những kẻ mà các hoàng đế trút xuống các đặc quyền và phong cho các chức vụ cao cấp nhất. Trong năm 1266 hoàng đế cho phép các thành viên của hoàng tộc được tập họp kẻ không có ruộng và khai khẩn đất bỏ không. Các ông hoàng ngày càng trở nên giàu có. Chen Fu chỉ hay biết về các điền trang của các ông hoàng tại vùng thôn quê chứ không phải ở thành thị. Nơi đây, khi đó, sẽ là một gia tộc hư đốn và đan kết chặt chẽ. Một “tiếng nói” thế kỷ thứ mười ba – tiếng nói của hoàng đế Thánh Tôn (mất năm 1290) trong một bữa tiệc gia đình năm 1268 – vang lên: “đế quốc là của tổ tiên chúmg ta”, và những kẻ thừa kế nó (có nghĩa chính ông ta) phải chia sẻ việc hưởng thụ sự giàu có và uy thế với các anh em của mình trong gia tộc”. Trong năm 1370, một vị công chúa họ Trần, tập họp các thân nhân phái nam yếu đuối chống lại một kẻ soán ngôi, nhắc nhở họ một cách kiêu hãnh rằng “đất nước là của tổ tiên chúng ta. Tại sao chúng ta là nhường nó lại cho kẻ khác?”
Một hệ thống chỉ huy được trải ra từ vị lãnh đạo và các hoàng thân xuống các bầy tôi tin cậy, được gọi là hành khiển [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] và thường là các thái giám, và từ đó, xuống các nhân viên thừa hành cấp dưới. Mọi việc tùy thuộc vào nhà lãnh đạo và nhóm cận thần gồm các hoàng thân và hành khiển chứ không phải trên một hệ thống thư lại. Công việc sẽ được điều hành trong một cung cách không chính thức và thoải mái. Dấu hiệu cho thấy một người thuộc vào giới cận thần triều đình là khi, bởi một số lý do này hay kia, người đó lọt vào mắt nhìn của nhà lãnh đạo và được “bổ nhiệm” vào một chức vụ trách nhiệm. Thí dụ, trong năm 1299 một học giả trẻ gặp may mắn để có cơ hội thảo một bức thư tạ lỗi của kẻ kế ngôi say rượu lên vua cha. Chức nghiệp của người đó giờ đây được thăng tiến. Nhưng chính thể tổ chức thất thường này cũng có khả năng lâm vào tình trạng ngặt nghèo, như Chen Fy nhận xét.
Sự giám sát cá nhân của các nhà lãnh đạo trên chính quyền của mình trở nên hợp lý khi người ta ghi nhận rằng một nguồn tài liệu Trung Hoa, quyển An Nam Chí Nguyên (An-nan zhi-yuan), mô tả Việt Nam trong các thời nhà Lý và nhà Trần như một xứ sở “nhỏ bé và có thể tiếp cận được”, nơi chỉ có các cỗ xe kéo là cần thiết để di chuyển trên đất liền từ kinh đô đến Lạng Sơn tại biên giới phía bắc hay xuống Thanh Hóa nơi bờ biển. Các nguồn tài liệu Trung Hoa sử dụng mọi công cụ thuật truyên khả hữu để nhấn mạnh rằng lãnh địa nhà Trần không gì khác hơn là một “góc biển” nhỏ xíu với các sự giao thông đường sông dầy đặc mang lại cho các nhà lãnh đạo sự tiếp cận dễ dàng với các khu vực xa xôi hơn. Mọi nguồn tài liệu được tô điểm bởi các sự đề cập đến các con sông. Các con sông là quang cảnh của các cuộc thao diễn hải quân, chiến tranh, lụt lội, các con đê, các kinh đào, sự chuyển vận thương mại, thả bè, các ngôi chợ và trò giải trí được tổ chức trên các chiếc cầu, các sự lẩn trốn của các ông hoàng và các cuộc vượt thoát, các truyền thuyết, và thi ca về phong cảnh. Năm 1241, Thái Tôn (mất năm 1277) đã táo tợn vượt qua biên giới Quảng Đông bằng một chiếc thuyền đi sông. Tất nhiên, các đồ phụ tùng của một chiếc thuyền có thể biểu thị thứ bậc hoàng triều.

Tôi sẽ tiến tới việc giới thiệu điều mà tôi nhìn như một khia cạnh thiết yếu của khung cảnh, và “các tiếng nói” giờ đây nhận được sự chú ý của tôi. Chuyện kể về thời nhà Trần phải cứu xét đến ảnh hưởng của dhyana, hay thiền trong Phật Giáo, trên tâm thức của các vị hoàng đế. Những kẻ cai trị cho đến năm 1357, chưa đầy nửa thế kỷ trước khi triều đại sụp đổ, đã để lại một bộ phận văn chương Phật giáo đáng kể, và chúng ta học hỏi được từ đó rằng họ đã tạo ra một đức tính về việc tránh có thiên kiến hay thiên vị, việc hòa giải các quan điểm dị biệt, và việc dung chấp các phương cách hành đạo đơn giản (upaya) của đa số thần dân của họ. Nhưng họ không lãng quên các nhiệm vụ chính thức của mình. Thái Tôn tuyên bố rằng ông phải siêng năng làm việc nhưng tìm cách dùng sự nhàn hạ vào việc nghiên cứu không gì khác hơn Kinh Kim Cương (Diamond Sutra), một tài liệu chính cho các sự giảng dạy căn bản của thiền phái về sự trống rỗng, nhận thức của con người về bản chất Đức Phật như một khoảng trống không, tính thực hành của sự giác ngộ tức thời, và tính tương đối của mọi hiện tượng. Những kẻ hấp thụ được các lời giảng dạy này có thể bất chấp các sự khác biệt và đặc biệt sự khác biệt của quá khứ, hiện tại và tương lai. Thánh Tôn, trong một bài thơ về bản chất Đức Phật, viết: “không có quá khứ hay tương lai, mất mát hay dành đoạt được”. Quá khứ chỉ quan trọng khi xét theo hiện tại.Lúc này” là khi các tia chớp của sự giác ngộ tinh thần khả dĩ vươn đạt tới được và nghiệp quả xấu tránh thoát được. Cái nhìn thanh thản này sẽ phù hợp với phương thức quản trị thoải mái và hướng vào hiện tại, và người ta sẽ kỳ vọng các kẻ làm chủ được các kỹ thuật thiền định để sở đắc các kho dự trữ bao la lòng tin tưởng nơi khả năng của họ để đối đầu với mọi tình huống.

Khung cảnh đã được dựng xong, một câu chuyện theo nhịp bước nhanh sẽ khởi sự. Triều đại mới mau chóng tự thiết lập. Năm 1299 kẻ nổi loạn cuối cùng từ thời nhà Lý chuẩn bị đầu hàng và người viết sử nhận định rằng “đất nước đã thống nhất”. Năm 1237 chú của vua Thái Tôn, nghĩ đến tương lai nhưng chỉ nhằm bảo đảm cho sự thừa kế đế triều, vì thế đã nói với người cháu trai của ông: “cần liều mình để kết hôn [với người vợ của anh cháu] hầu có được sự tin tưởng trong tương lai”. Thái Tôn miễn cưỡng đồng ý và sự thù hận gia tộc chua chát được giải quyết trong năm 1258 khi đứa con của sự sắp xếp này lấy con gái của người anh bị xúc phạm. Các nhà vua trị vì giờ đầy xem ra thụ hưởng một chế độ tự chuyên (autocracy) không bao giờ thất bại và người viết sử, luôn luôn quan tâm đến câu chuyện của các ông hoàng, ngừng lại để bình luận về bữa tiệc gia tộc được vua Thánh Tôn ban yến vào năm 1268: “Chính nhờ thế, vào lúc này các hoàng thân đã hoàn toàn yên ổn, hòa hợp lẫn nhau, và kính trọng nhà lãnh đạo”. Trong một đoạn văn khác của sự trần thuật trù liệu sau một mục về việc điền khuyết các chức vụ còn trống năm 1246, người viết sử ngừng lại để ghi nhận rằng “vào lúc này, xứ sở không gặp khó khăn nào. Dân chúng thì hài lòng và các quan chức đã nắm giữ các chức vụ của họ trong một thời gian lâu dài. Các chức vụ cao cấp nhất tại Triều Đình đều nằm trong tay các thành viên khôn ngoan và học thức của gia tộc cầm quyền”.
Nhưng trong năm 1257 quân Mông Cổ xâm lăng lần thứ nhất và bị đánh bại sau một cuộc giao tranh trên sông. Tiếp theo đó cho đến năm 1288 khi mà tại sông Bạch Đằng, người Việt Nam đã chiến thắng lần thứ ba, câu chuyện sẽ tràn ngập các chi tiết hào hứng. Bởi vì các cuộc chiến thắng của Việt Nam thì nổi tiếng, tôi sẽ cẩn thận để trình bày rằng đã có những lúc suýt nguy khốn, gần như là các tai họa, và còn có cả các trường hợp phản bội. Tuy nhiên, quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác, tôi sẽ trù liệu để cho phép “các tiếng nói” sẽ được nghe thấy đều đặn hầu cung cấp, một cách tương tự, sự bình luận tiếp diễn của chúng, được sắp xếp theo niên lịch, về những gì đang xảy ra. Bằng cách này, tôi hy vọng sẽ phát triển chủ đề mà tôi tin rằng quan yếu cho việc hiểu biết thế kỷ thứ mười ba cũng như màn kịch của lịch sử triều đại nhà Trần. Chủ đề là làm hưng phấn sự tin tưởng khi đối diện trước sự hiểm nguy. Người dân Việt Nam sẽ tiến tới việc tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo của họ sở đắc các phương sách để thành công trong mọi trường hợp.

Ngoại giao sắc sảo là một phương sách. “Chính do Ý Muốn của Ông Trời mà xứ sở chúng ta một lần nữa phải sản sinh ra được sự thông thái giống như nhà hiền triết, sử quan của Triều đình, ông Lê Văn Hưu, kêu lên, trong năm 1272 khi ông ta ghi chép phương thức mà Đinh Tiên Hoàng trong năm 968 tự xưng là “hoàng đế”, một tước hiệu trước tiên được mang bởi Triệu Đà trong thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên. Tước hiệu là một ẩn dụ cho sự độc lập của Việt Nam tách khỏi Trung Hoa, một đế quốc khác. Các nhà lãnh đạo cũng tin tưởng rằng một Triều Đình “theo triều đại” sẽ giúp vào việc cung cấp sức mạnh mà họ liên kết với Trung Hoa. Dưới thời nhà Trần, chính quyền tốt có nghĩa không gì khác hơn chính quyền mạnh” Nhưng Triệu Đà và các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thế kỷ thứ mười và sau đó cũng bảo vệ nền độc lập của họ bằng việc gửi một cách thận trọng và nhiều lần việc các phái bộ triều cống nhún nhường sang Trung Hoa hầu ngăn chặn trước việc phái sang các sứ giả Trung Hoa hay tọc mạch. Không may, Kubilai Khan, một người Mông Cổ, thì lập dị và đòi hỏi rằng “các chư hầu” của ông ta phải sang Trung Hoa để đích thân bái kiến, và gia tộc họ Trần phải chiến đấu để duy trì phiên bản của chính nó về mối quan hệ triều cống. Sau năm 1988 mối quan hệ được tái lập như nguyên, không thay đổi.

Nền ngoại giao của nhà Trần sau hết đã thắng thế, nhưng các sự thành công trong thời chiến dưới sự lãnh đạo của các hoàng thân nhà Trần, hơn bất kỳ điều gì khác, sẽ khiến người dân Việt Nam tin rằng họ không thể bị xâm phạm. Một thày bói, sau này được bổ nhiệm vào toán cận thần tùy tùng của đế triều, đã tiên đoán đúng về sự thất trận của quân Mông Cổ khi chúng đến xâm lăng lần thứ nhì và thứ ba trong thập niên 1280. Nhưng không một ai lại có điều kiện tốt hơn để tin tưởng nơi các bài học kinh nghiệm cho bằng Trần Quốc Tuấn, vị tư lệnh và con trai của ông hoàng bị sỉ nhục có vợ bị Thái Tôn cướp mất trong năm 1237. Khi mất đi vào năm 1300, Quốc Tuấn nhìn lại thành quả tái diễn và kéo dài của cuộc kháng chiến của Việt Nam trước Trung Hoa hầu bắt buộc các nhà lãnh đạo, các phụ tá cao cấp của họ, và “người dân bé nhỏ” [phải biết là] cần đến việc hợp tác với nhau. Ông ta đoan chắc với họ rằng các chiến thuật du kích sẽ đền bù cho sự khiếm khuyết về nhân số vượt trội. Ngay trong năm 1286, vào lúc khởi đầu cuộc xâm lăng thứ ba, ông đã tự tin đến nỗi ông hứa hẹn rằng “chắc chắn” ông sẽ chiến thắng.

Muốn có thêm bằng cớ về sự tin tưởng của Việt Nam nơi kinh nghiệm của họ, tôi sẽ ám chỉ đến sự biên soạn của Lý Tế Xuyên vào năm 1329 các câu chuyện về các vị thần linh giám hộ cho xứ sở, quyển Việt Điện U Linh Tập, được thảo luận tại chương thứ ba trong nghiên cứu của tôi. 3 Nhiều vị thần đã được vinh danh về sự trợ giúp của họ để chống lại các cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ và các công trạng cụ thể của hai vị thần đã được ghi chép lại. Các cốt truyện của các câu chuyện thì đơn giản và thường được cấu trúc một cách đồng nhất: các mối quan hệ nhất định thành công giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam thường là các vị trong thế kỷ thứ mười một, với các thần linh địa phương, nhưng chỉ khi nào nhà lãnh đạo nhận biết một cách tỉnh táo sự hiện diện của một vị thần, trắc nghiệm vị thần đó nếu cần, chỉ định vị thần đó vào một chức vụ có trách nhiệm quân sự, và tưởng thưởng về các sự đóng góp của vị thần đó vào sự chiến thắng. Vị thần, luôn luôn chào kính nhà lãnh đạo, giờ đây gia nhập vào nhóm cận thần tùy tùng. Khi thủ tục này được tuân theo, chiến thắng “chắn chắn” sẽ đến. “Diện mạo” Việt Nam trong các câu chuyện là diện mạo của một miền đất được bảo vệ bởi siêu nhiên với phong cảnh đẹp đẽ. Phong thủy cũng vậy, là một nguồn gốc cho sự tin tưởng trong các thời nguy hiểm. Theo các nhà thơ Việt Nam, kinh nghiệm cho thấy rằng các núi non cưỡi ngang biên giới phía bắc của họ mà người Trung Hoa coi là là một khu vực hoang dại và không lành mạnh, đã cung cấp một bức bình phong bảo vệ từ thời thượng cổ.

Sự tin tưởng vào tương lai mà người chú của vua Thái Tôn nhấn mạnh trong năm 1237 xem ra được chứng minh trong suốt thế kỷ thứ mười ba. Sự thừa kế đế triều được đảm bảo. Các người con trai cả của hoàng đế được huấn luyện và giáo dục kỹ lưỡng bởi các bà mẹ trong gia tộc họ Trần nhất định trở nên các nhà cai tri thích hợp. Các hoàng thân lớn tuổi, hết thế hệ này đến thế hệ khác, đều nhất mực được bổ nhiệm và tự nổi bật trong những chức vụ cao cấp nhất. Các sứ bộ triều cống được phái đi một cách thường lệ, các điềm triệu, chiến tranh du kích, các trận đánh trên sông, các vị thần linh giám hộ, và phong thủy – nguồn tài liệu nhấn mạnh như thế, đã nhiều lần bảo vệ xứ sở. Đến giờ tôi sẽ nhớ lại một “tiếng nói” được thảo luận trong chương thứ tư của tôi và dưới hình thức một văn bia ai điếu và cảm động năm 1291 để vinh danh một vị công chúa nhà Trần từ trần, Trần Phụng Dương, vợ của Trần Quang Khải. Quang Khải là con của vua Thái Tôn và là đại thần chính yếu trong suốt thời có các cuộc xâm lăng thứ hai và thứ ba. Những người đàn bà can đảm và trung thành là một phần trong câu chuyện của nhà Trần. Bia ký xem ra minh chứng các chủ đề hay tái diễn trong thế kỷ mười ba một cách quả quyết đến nỗi nó có thể đại diện cho “toàn thể văn bản” của thế kỷ mười ba trong ý nghĩa rằng các chủ đề đựoc nối kết với nhau xuyên qua gia tộc họ Trần. 4 Bia ký bao hàm các đặc tính nổi bật của gia tộc: hôn nhân trong họ liên tục, chính quyền của các ông hoàng, Phật Giáo theo thiền phái, sự sử dụng cố hữu các ẩn dụ rút ra từ Trung Hoa để cung cấp các hình ảnh về chính họ (bởi thiếu mất sự ao ước và cung cách dịu dàng của sự trách mắng, công chúa được so sánh một cách uyển chuyển với một “vị trưởng lão” Khổng học, anh hùng tính thời chiến (công chúa lấy thân mình chùm lên trên người chồng để bảo vệ ông ta khi họ vượt trốn bằng đường sông). Người phụ nữ táo bạo này tượng trưng cho khả năng của gia tộc mình để đối phó một cách đầy tin tưởng với các tình trạng khẩn cấp. Bia ký ca ngợi sự thích ứng của bà bằng cách liệt kê không ít hơn mười lăm vai trò, được nêu rõ chi tiết, trong đó bà giỏi trội bật lên. Đặc biệt, bà gánh vác các vấn đề gia đình nặng nề phát sinh từ cuộc kết hôn của bà với một ông hoàng thời chiến bận rộn sao lãng bà và gia đình của ông. Chồng của bà là một nhà hành chính, ngoại giao, tướng lĩnh, và nhà thơ. Các ông hoàng khác cũng đa tài tương tự. Sự vụ nhà nước không lệ thuộc hoàn toàn vào các vị hoàng đế. Gia tộc nhà Trần năng động và tài ba cung cấp một kho dự trữ lòng dũng cảm cho mọi tình huống. Tai họa được tránh khỏi nhờ gia tộc luôn luôn tìm cách cố kết với nhau.

Chủ đề chính trong câu chuyện của tôi đến nay rằng người Việt Nam, bất kể những gì xẩy ra, có lý do để ngày càng tin tưởng hơn. Các vấn đề nội bộ của xứ sở không phải là không điều hành được, xứ sở rõ ràng không thể bị khuất phục khi bị tấn công từ bên ngoài, gia tộc có khả năng cấu kết với nhau một cách hữu hiệu, và không có lý do để giả định rằng tình hình sẽ thay đổi một cách bất lợi. Ngược lại, mọi điều trong kinh nghiệm Việt Nam sẽ xem ra đều có thể tiên đoán được. Sự tái lập các phái bộ triều cống sang Bắc Kinh chắc chắn sẽ thuyết phục Triều Đình nhà Trần rằng quân Mông Cổ không còn đáng sợ nữa. Các hoàng đế Nhân Tôn (mất năm 1308), người đã truyền giảng đạo Phật tại vùng nông thôn, Anh Tôn (mất năm 1320) và Minh Tôn (mất năm 1357) thực hành thiền định. Các nhà thơ, sử dụng các hình thức văn chương Trung Hoa, vui sống tại “vùng đất của các con sông” của họ, và sử dụng ngôn ngữ mà các thi sĩ Trung Hoa nổi tiếng thời nhà Đường đã dùng để tán dương phong cảnh của họ. “Các dòng sông uốn khúc”, Nguyễn Sương [?] viết, “và lão tướng quân [Trần Quốc Tuấn] thảo luận về quang cảnh trận chiến”. Các niên sử trình bày vua Minh Tôn như một nhà lãnh đạo tráng kiện đã tuyển chọn và điều khiển các quan chức của ông với “sự sáng suốt”. Cũng thế, người viết sử giờ đây ghi chép các thời trị vì của Anh Tôn và Minh Tôn, phơi bày cốt truyện của mình, cho thấy đâu là phương cách một chính quyền tốt được điều hành (và những gì ngăn cản nó) như đã xảy ra trong các thập kỷ đầu tiên của thế kỷ mười bốn, khi các người có học được bổ nhiệm vào nhóm tùy tùng cận thần nhà vua. Sự bắt mạch kê toa của người viết sử là một sự hồi tưởng đến sự trình bày của Việt Điện U Linh Tập về mối quan hệ giữa một nhà lãnh đạo tốt với các thần linh; trong cả hai trường hợp nhà lãnh đạo phải đưa ra đề xuất và các kết quả đều có lợi. Toa thuốc của nhà viết sử, giống như mệnh đề của các chuyện kể, được cấu trúc như một sự phát biểu lập lại nhiều lần và có thể nhận biết về mặt cú pháp: nhà lãnh đạo bổ nhiệm làm quan chức các nhân vật cao quý hoạt động hữu hiệu, có được tiếng tốt và hưởng dụng các sự gia ơn của mình. 5 Sử quan hiển nhiên đang biểu thị cho một cận thần; nhà lãnh đạo đích thân “bổ nhiệm” và tưởng thưởng nhân viên của ông.

Một chi tiết khác trong các niên sử làm liên tưởng đến sự ổn định trong nửa đầu thế kỷ mười bốn. Trong một sự ngắt khúc trù định nơi đoạn thuộc niên đại 1323, người viết sử tuyên bố rằng, vào lúc này, mười ba nhân vật đáng ngưỡng mộ kế tiếp nhau phục vụ các nhà lãnh đạo. Các nhân vật này, và hiếm khi có các thái giám, tượng trưng cho (chức năng) hành khiển [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] trong thế kỷ mười bốn. Một số còn tích cực cho mãi đến thập niên 1360. Chính quyền phải ở trong tay các người tốt ngay dù tất cả các nhân vật đáng kính này không hẳn được biết đến như các người đậu qua các kỳ khảo hạch.

Nhưng đây không phải là toàn thể câu chuyện. Chuyện kể của tôi sẽ bắt đầu phác thảo các quan chức già lão tiếp tục du hành vì các công việc khẩn cấp và viết các bài thơ vinh danh các thành quả chuyên nghiệp của nhau, có thể so sánh các đồng sự của họ với các quan chức nổi tiếng Trung Hoa. Một số được đề cập tới trong danh sách của người viết sử ghi dưới niên đại năm 1323. Và, khi thế kỷ tiếp diễn, các bài thơ mô tả sự khổ sở tại vùng thôn quê. Các nhà thơ giờ đây có thể huýt sáo để giữ vững các thần linh của mình khi chúng không còn chào đón núi non của họ như một bức bình phong bảo vệ, mà lại như nơi trú ngụ của các kẻ bất tử như thể, bất kể các khó khăn tạm thời, họ vẫn hy vọng rằng xứ sở của họ sẽ tồn tại. Tôi cũng sẽ bắt đầu cứu xét các đoạn ghi chép đáng kinh sợ trong các niên sử. Năm 1328, vua Minh Tôn, lo lắng về việc cử nhiệm kẻ thừa kế càng sớm càng tốt, đã hành quyết người cha vợ trong họ Trần khuyến cáo nhà vua hãy từ tốn. Đây là hành vi duy nhất mà nhà viết sử đem ra chỉ trích nhà vua. Và, như điềm xấu nhiều hơn thế, niên sử từ năm 1343 trở đi liên tiếp đề cập đến các cuộc nổi dậy ở vùng thôn quê, đôi khi là các cuộc nổi dậy kéo dài và các thân thuộc của các ông hoàng và các nhà sư được nói có mặt trong số các kẻ nổi loạn. Trong năm 1389, một nhà sư lập lên một đội quân các kẻ lang thang, đặt tước hiệu, bổ nhiệm hành khiển, và chiếm đóng kinh đô trong ba ngày. Các cuộc nổi dậy tiếp tục cho đến cuối thế kỷ. Các tin thức về chúng thì sơ sài nhưng đủ để đẩy động thái của làng xã vào một hình trạng nổi bật rõ nét hơn và làm liên tưởng đến các đuờng nét chung của Triều Đình và các văn hóa cấp dưới ở làng xã . Các lãnh tụ địa phương tập hợp các môn đồ, thu hút tùy tùng và tự xưng với đẳng cấp đế triều và các biểu tượng của Triều đình. Nguyên thủy, gia tộc nhà Trần cũng làm như thế. Các kẻ nổi dậy cũng khai thác các nguồn quyên lực siêu nhiên.

Trung Hoa nhà Mông Nguyên giờ đây đang suy sụp, nhưng tình trạng xem ra cũng như thế tại Việt Nam. Những gì đã xảy ra một cách quá đột ngột như thế? Tôi sẽ tạm ngừng câu chuyện kể của mình.

Có thể vua Minh Tôn, sinh năm 1300, đang trở nên già lão. Ông và cha của ông đã lần lượt mất đi khi họ ở tuổi năm mươi và bốn mươi bốn tuổi. Các bài thơ của ông tiết lộ rằng ông bị ám ảnh bởi tội ác của mình vào năm 1328. Khác với các người tiền nhiệm, ông không hề được trợ giúp bởi một người thừa kế có nặng lực. Người thừa kế đầu tiên của ông bị chết sớm, và kẻ thừa kế tiếp theo thì ham chơi và bất lực về sinh lý. Các hoàng thân lớn tuổi không còn là các nhân vật có khả năng nữa. Các bài thơ của ông xác định một cách rõ ràng ông theo phái thiền định. Niên sử mô tả ông thì nóng tính và tự cao tự đại. Vua Minh Tôn có thể là “nhân vật trơ nhẵn” (round character) duy nhất của câu chuyện, kẻ như E. M. Forster đã định nghĩa, “dầy như một đĩa hát”.
Có lẽ cá tính của vua Minh Tôn giúp vào việc giải thích những gì đang xảy ra tại vùng thôn quê, nhưng đối với tôi, đây chỉ là một vấn đề của trường hợp ngẫu nhiên. Câu chuyện kể của tôi, với các thiên kiến của nó đối với các đặc tính bám sâu trong lịch sử nhà Trần, kéo tôi đi theo một hướng khác. Cảnh ngộ của hai khía cạnh trong hệ thống chính quyền gia tộc nhà Trần giờ đây đang tạo ra các vấn đề nghiêm trọng. Trước tiên là quan điểm về tôn giáo của vua Minh Tôn, cách biệt với các sự việc biểu hiện chẳng hạn như sự bất ổn ở nông thôn. Nhà viết sử cho chúng ta hay rằng các thành viên trong nhóm cận thần của ông phàn nàn rằng dân chúng bỏ hoang các làng xã của họ một cách trái phép và rằng các quan chức đã không làm đúng bổn phận của họ. “Tại sao lại lo ngại?” là thực chất của sự đáp ứng của ông, một thoáng nhìn sống động về sự quản trị sự vụ lỏng lẻo của gia tộc nhà Trần.

Nhưng tôi tin rằng một khía cạnh khác của hệ thống nhà Trần đã làm trầm trọng tình hình một cách vô hạn. Niên sử ám chỉ rằng vua Minh Tôn và gia tộc của ông thì “quảng đại” đối với các thân nhân của mình và khoan dung khi họ phạm lỗi. Các đường nét này có thể khiến họ trở nên phóng túng thái quá trong việc cho phép các thân nhân của họ chiếm đoạt đất đai Nhà Nước và trong việc dung thứ các sự xâm chiếm tham lam đất ruộng của dân làng. 6 Thói quen của các nhà lãnh đạo trong việc cúng dường các ngôi chùa và ban cấp tặng phẩm bằng đất đai cho các thành viên được ân sủng thuộc giới cận thần của họ sẽ tạo ra áp lực kinh tế phụ trội lên vùng nông thôn. Hơn nữa, tác phong của các ông hoàng nhà Trần nhất thiết đã đặt ra các gương xấu cho các quan chức tham lam. Trong niên đại năm 1377, niên sử ca ngợi ngự sử Trương Đỗ bởi vì ông “lương thiện” và không có “một sản nghiệp”. Ngược lại, Hồ Tôn Xac [Thốc?] vào cuối thế kỷ, bị tố cáo làm hại dân chúng, đã đáp lại: “ngay khi một đứa con trai nhận được một ân sủng của triều đình, cả dòng tộc hưởng dụng lương bổng của anh ta”.

Tôi sẽ phải đặt câu hỏi tại sao các vị hoàng đế lại cho phép thái độ vô trách nhiệm như thế. Có thể sự thực hành các cuộc hôn phối trong họ làm phát sinh điều mà niên sử ghi chép gần như một cảm giác ám ảnh là việc tách rời ra khỏi phần còn lại của dân chúng và điều này có thể khiến họ vô cảm với những gì đang xảy ra bên ngoài vòng giao tiếp chật hẹp của họ. Cũng vây, có lẽ họ xem không có gì cần thiết hơn việc duy trì lòng trung thành và sự ủng hộ của thân nhân của họ. Các tướng lĩnh và các nhà hành chính nổi tiếng của thế kỷ trước hoặc là các ông hoàng hay thành viên trong các gia đình ông hoàng. Nhưng sự vâng lời của gia tộc không thể được xem là chuyện đương nhiên. Câu chuyện thế kỷ mười ba sẽ cung cấp các thí dụ về các cuộc cãi cọ, thù hận và phản bội.

Tôi sẽ không giả vờ là toàn năng để cho phép mình duy trì luồng chuyện kể, nhưng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc trù liệu để minh chứng tầm mức đích thực của biến động đã phải trải qua vào giữa thế kỷ mười bốn. Để làm được điều này, tôi sẽ trình bày một sự tương phản quyết liệt giữa Việt Nam không thay đổi, có thể tiên đoán và quản trị được trong thế kỷ mười ba và các lốc xoáy tiếp đó. Đích thực sự tương phản đã trấn áp một cách hiển nhiên các nhân vật điều hành công việc hay ưu tư và luôn luôn trung thành thường là các quan chức – từ giữa thế kỷ trở đi. Họ sẽ bị kinh hoàng bởi sự khác biệt giữa thế giới anh hùng, tuân phục và rõ ràng có thể tiên liệu được của thế kỷ trước với sự bất mãn lan tràn và chưa từng thấy trong thời đại của chính họ. Kịch tính trong lich sử nhà Trần là ảnh hưởng mà sự đối chọi giữa sự ổn định và biến động xã hội đã có trên các người này. Họ đã đau khổ đến nỗi họ cảm thấy bị bắt buộc phải viết lại, duyệt xét lại và ngay cả việc lật đổ những gì kinh nghiệm Việt Nam cho đến nay được xem là chuyện đương nhiên và những gì họ đã viết lại chà đạp lên điều không gì khác hơn là cốt lõi của kinh nghiệm Việt Nam truyền thống: các khái niệm liên quan đến thời gian và nền an ninh. Họ đã kín đáo đề nghị các phương cách mới cho sự sống còn của triều đại, mặc dù họ sẽ không bao giờ dám nâng cao vị thế và vai trò riêng của họ trong đời sống công. Họ đã phải viết bởi vì họ lớn lên trong một truyền thống văn hóa đặt một giá trị cao trên chữ nghĩa viết bằng ngôn ngữ Trung Hoa cổ điển và, tôi ngờ vực, ngay cả việc cứu xét đến một vài điều gì đó chỉ có sức mạnh khi nó được viết ra. 7.

Một thế kỷ chiến tranh thắng lợi vì thế được theo sau bởi một thế kỷ khi kinh nghiệm Việt Nam phải được trình bày lại. Các giả định lạc quan nhường chỗ cho sự môi ưu tư lo sợ, và câu chuyện kể của tôi sẽ phải cung cấp các dấu hiệu của sự tương phản trong hình thức các tiếng nói của thế kỷ mười bốn như sự bình luận của họ trên các sự phát triển quan trọng.

Thời gian giờ này được quan niệm một cách khác. Bởi vì có sự dửng dưng đối với quá khứ, Việt Nam sau cùng được gán ghép với một xứ thượng cổ, thời hoàng kim của Văn Lang khi “các phong tục còn thuần khiết”. Lý do cho sự giả tưởng vì rằng Văn Lang, nguyên thủy một địa danh khó hiểu trong hai tài liệu Hán ngữ ban đầu về miền tây bắc Việt Nam, được nắm chặt như một ẩn dụ hoài niệm cho điều được giả định là một xã hội Việt Nam có thể thống từ ngàn xưa. Kỷ luật xã hội từ giờ trở đi là mối quan tâm quan trọng của chính quyền. Sự tham chiếu được biết đến đầu tiên về Văn Lang, một cách thích hợp, là trong một bài thơ của Phạm Sư Mạnh, người được đề cập trong danh sách các nhân vật tuyệt hảo năm 1323, được viết khi ông đang tuần cảnh vùng tây bắc hồi giữa thế kỷ. Ẩn dụ, bởi nó đã được viết xuống, có thể trở thành một sự kiện lịch sử, như xảy ra vào khoảng cuối thế kỷ. Sử gia thế kỷ mười ba, ông Lê Văn Hưu, đã cần đến Triệu Đà, vị “hoàng đê’ đầu tiên, như một ẩn dụ cho nền độc lập của Việt Nam trong sự thách thức với cơn tức giận của Kubilai Khan, nhưng Văn Lang đã trở nên đủ quan trọng tự bản thân để chứng minh cho các nỗ lực của các nhà khảo cổ học hồi thập niên 1960 nhằm thu hồi các chế tác phẩm của nó. Ngày nay Văn Lang là một ẩn dụ cho sự khai sinh của quốc gia.

Các điều kiện thay đổi đã khiến cho ý niệm về sự không thay đổi trở nên vô nghĩa. Việt Nam giờ đây đòi hỏi một quá khứ như một sự phê phán của hiện tại và để định nghĩa các mục đích của nó cho tương lai. Lê Quát, bạn của ông Mạnh, chỉ trích các Phật tử thuộc mọi tầng lớp xã hội bởi vì, “khi họ giao tặng một điều gì đó cho một ngôi đền hay chùa, họ cảm thấy sung sướng như thể sự tưởng thưởng của họ được bảo đảm trong tương lai”. 8 “Được bảo đảm” thuộc vào lãnh vực tín hiệu của thế kỷ thứ mười ba bởi tượng trưng cho tính khả dĩ tiên đoán được: “Ý Trời”, “sự chắc chắn”, các hàng rào thiên nhiên”, các cấu trúc văn chương được lập đi lập lại. Ông Quát không còn có thể chia sẻ thái độ tin tưởng này lâu hơn nữa.

Vả lại, thời gian có thể được tổ chức một cách khác biệt khi ý niệm về trực hệ (hay trực tuyến: linearity), được ám chỉ bởi thời thượng cổ mới được tìm thấy của Việt Nam, được thiết lập.. 9 Người Việt Nam trí thức giờ đây ngày càng trở nên tin tưởng rằng sự phân chia thời gian của Trung Hoa thành các chu kỳ triều đại tương ứng với kinh nghiệm chính họ khi triều đại nhà Lý đang cơn suy sụp. Trong thế kỷ mười ba, Lê Văn Hưu, bình luận trong niên ký năm 1005 về nhà lãnh đạo sau cùng kém cỏi của gia tộc họ Lý trước đó, thì giống như tín điều của Trung Hoa về “sự lên xuống” của các triều đại, nhưng lý do thì đơn giản rằng ông ta đang biên soạn một sử ký thích hợp cho một Triều Đình đế triều và do đó trong thể cách của sử gia nhà Tống Tư mã Quang (Si-Ma Guang) (mất năm 1086) và bị bắt buộc phải thừa nhận quy ước viết sử của Trung Hoa về chu kỳ triều đại. Không giống như thế, Trần Nguyên Đán (mất năm 1390), một hậu duệ của Trần Quang Khải và công chúa anh hùng Phụng Dương, khi ông thách đố các đồng sự khinh xuất của ông bằng cách nhắc nhở họ rằng “sự lên xuống (của các triều đại) xuyên qua thời gian cung cấp một cách chắc chắn các thí dụ cảnh cáo (về các triều đại bị đe dọa bơi sự sụp đổ)”. Mặc dù thành ngữ “xuyên qua thời gian” (throughout time” có thể là một cách nói hoa mỹ, ông đang đề cập đến một tiết điệu triều đại thuộc về kinh nghiệm lịch sử Trung Hoa chứ không phải của Việt Nam.

Chính vì thế, khi thời gian nằm trong một trạng thái lên xuống và kinh nghiệm Việt Nam không còn là một chỉ dẫn khả tín, người ta bị bắt buộc phải suy xét về cách sử dụng thời gian tốt nhất. Các quyết định chưa từng thấy giờ đây trở nên khả thi. Trong năm 1377 hoàng đế Duệ Tôn chết trong chiến trận khi cố gắng trừng phạt người Chàm bên ngoài biên giới phía nam của Việt Nam vì các cuộc đột kích tàn phá của họ đe dọa ngay đến kinh đô Việt Nam và khi Triều Đình phải bỏ chạy để được an toàn. Tín điều triều đại cho đến giờ chủ trương rằng các chiến dịch thắng lợi chống lại các kẻ thù ngoại lai tăng cường cho thẩm quyền trong nước. Trong thực tế, sự tin tưởng trong thế kỷ mười ba, tùy thuộc lần lớn vào sự thành công về quân sự. Mặc dù không cương quyết khi đối diện với các vấn đề nội bộ, vua Minh Tôn đã tức thời trong năm 1329 và 1335 chỉ huy quân đội chống lại các kẻ xâm lăng từ phía tây bắc. Nhưng thời đại nay đã thay đổi và các giá trị truyền thống đã bị bỏ rơi. Sự tự tin đà xuống thấp đến độ ngay trước khi mở chiến dịch đánh Chàm, bà vợ của vua Duệ Tôn và các quan chức của ông dám thúc dục ông đảo ngược các ưu tiên của ông và thôi không đi giao chiến cho đến khi ông vãn hồi được trật tự trong nước. Một bài khảo luận bác bỏ chiến tranh đã được viết về thời gian này. Một ít năm sau đó, Trần Nguyên Đán khuyến cáo một sự phủ nhận khác thường kinh nghiệm quá khứ khi ông cố vấn vua Nghệ Tôn (mất năm 1394) “kính trọng vua nhà Minh như một người cha và yêu vua Chàm như một người em”. Các tổ tiên của ông Đán sẽ lấy làm thất kinh. Các hoàng đế Trung Hoa và Việt Nam có tư thế ngang nhau.

Một thí dụ văn chương về việc viết lại quá khứ dưới sức ép của các tình huống thay đổi được cung cấp bởi một phiên bản cập nhật của quyển Việt Điện U Linh Tập trong đó các thần linh anh hùng giờ đây cũng được vinh danh về việc kiểm soát các ảnh hưởng ma quỷ tại các ngôi làng. 10 Năm 1379 một kẻ nổi loạn gần kinh đô, sử dụng các ma thuật, tự xưng làm “vua”. Bản văn tu chỉnh là một sự đáp ứng nhiều hơn trước điều được nhận thức là một nhu cầu khẩn thiết để vãn hồi trật tự tại vùng nông thôn. Điều có thể khẳng định được, đề xuất đưa ra trong năm 1397 để thiết lập các trường học ở làng xã cho việc giảng dạy các nghĩa vụ gia đình, chủ định chắc chắn là để thuyết phục dân làng không đi lang thang và gia nhập các toán nổi loạn. Lê Quát đã lấy làm xót xa về sự vắng bóng các ngôi trường như thế. Sự biện giải dành được thắng thế rằng kỷ luật đạo đức thì cần thiết ngoài các chiến dịch trừng trị thường lệ chống lại các kẻ nổi dậy.

Trong ít năm sau cùng trước khi có sự sụp đổ của triều đình vào năm 1400, gia tộc nhà Trần tự dính mắc vào các sự thay đổi mau lẹ góp phần vào việc hủy diệt nó. Khi vua Minh Tôn băng hà vào năm 1357, ông ta, cho đến năm 1394, được kế nhiệm bởi ba người con trai. Chỉ có người đầu tiên trong chúng, vua Dụ Tôn bất lực và phóng đãng (bị mất năm 1369), là con của người vợ cả của Minh Tôn, con gái của người chú [hay bác] mà ông ta hạ sát vào năm 1328. Sự thừa kế triều đại giờ đây là một cảnh chém giết. Vua Duệ Tôn chết trong chiến trận và vua Nghệ Tôn kém may mắn và ngày càng tuyệt vọng phá vỡ truyền thống bởi việc từ bỏ chính sách của gia tộc ông dựa vào các người thân thích của gia tộc và thay vào đó, ủy thác chính ông và Triều Đình của ông cho một thân nhân qua hôn phối, Lê Quý Ly. Trong năm 1388 vua già Nghệ Tôn, sinh năm 1321, sau cùng đã giao phó số phận của mình cho ông Ly, giết người cháu trai và thừa kế của mình, và ủy thác đứa con còn rất trẻ cho sự bảo vệ của ông Ly. Một sự kính trọng thái quá đối với thẩm quyền triều đại của Nghệ Tôn khiến cho người cháu trai bất hạnh của ông ra lệnh cho các người ủng hộ mình hạ khí giới xuống. Trong năm 1392, đến lượt Lê Quý Ly viết lại quá khứ, trong trường hợp này là truyền thống Trung Hoa, hầu ca ngợi Chu Công (Duke of Chou) lên vị thế hiền triết cao hơn cả Khổng Tử; Chu Công là một kẻ bảo hộ gương mẫu của một nhà lãnh đạo còn trẻ và hình ảnh tự phác hiện thời của Lê Quý Ly. Sự trá ngụy của ông giải thích lý do tại sao, ngay trước khi có sự từ trần của vua Nghệ Tôn vào năm 1394, một vị phụ chánh thế kỷ mười hai cho một nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhà Lý, ông Tô Hiến Thành, lại được ban cấp các danh dự đặc biệt sau khi chết. Ông Thành đã không được biết đến các chuyện kể về các thần linh anh hùng. Quá khứ lại được viết lại một lần nữa về lần này, cũng vậy, tôi tin tác giả của quyển Việt Sử Lược đã tái duyệt xét một cách chặt chẽ thời trị vì của nhà lãnh đạo cuối cùng của nhà Lý, Huệ Tôn (1210-25), để vinh danh vai trò của kẻ bảo vệ cho vị vua già đau yếu đó. Kẻ bảo vệ ngẫu nhiên trở thành người sáng lập ra các sự nghiệp của gia tộc nhà Trần, nhưng điều chắc chắn liên quan là mối quan hệ hôn thú của người bảo vệ với nhà lãnh đạo họ Lý và kết cuộc trù định, là sự đăng quang danh dự và hòa bình của thân nhân trẻ tuổi của kẻ bảo vệ lên ngôi cao. Trong cả hai khía cạnh, bản văn chuẩn bị một cách rõ rệt căn bản cho việc hợp pháp hóa sự tiếm ngôi của Lê Quý Ly. 11 Các niên sử mô tả thời trị vì của vua Lý sau cùng rất khác biệt. Người chú của Thái Tôn cưỡng bách vua Huệ Tôn phải tự thắt cổ và hạ sát gia tộc ông ta.

Bản văn tường thuật thế kỷ mười bốn sẽ kết thúc với cuộc tắm máu trong năm 1400 đã lật đổ gia tộc nhà Trần, hủy diệt triều đại, và mang Lê Quý Ly lên ngôi. Vua Nghệ Tôn gàn dở, vụng về và hèn nhát sẽ được đối chiếu với một Lê Quý Ly cương quyết, xảo quyệt và độc ác. Câu chuyện kể cũng sẽ mô tả sự thành lập nhóm cận thần của Lê Quý Ly. Những người này tượng trưng cho những kẻ không phải “là các thi hành công tác hay ưu tư”, bị trấn áp bởi sự thay đổi. 12.

Có được các đường nét này phác thảo tầm mức tương phản giữa thế kỷ mười ba và mười bốn, giờ đây tôi sẽ có thể quay trở lại chủ đề của cốt truyện của tôi: một triều đại vốn đã sẵn tan rã trong vòng một thế kỷ của cuộc chiến thắng quân sự ngoạn mục.

Tôi sẽ nêu ý kiến rằng câu chuyện của tôi về các thế kỷ mười ba và mườI bốn cho thấy rằng quốc gia nhà Trần bị nứt rạn vì nó bị đè nặng bởi một triều đại. Thể cách và ‘diện mạo” triều đại của nó có thể xem ra hứa hẹn sự liên tục và ổn định, và một lãnh thổ nhỏ bé phải nên tương đối dẽ dàng để quản trị. Nhưng “diện mạo” Trung Hoa của nó và sự ứng dụng quy ước Trung Hoa về một chu kỳ triều đại của người viết niên sử nhà Trần nâng cao các kỳ vọng không thực tế. Chỉ có hai khia cạnh của Việt Nam là có thể bị xem là “có tính chất Trung Hoa” (sinic): Các hoàng đế của nó biết rằng các biên giới được ấn định và không thủng lỗ và rằng họ sẽ bị phán xét bởi khả năng của họ để phòng vệ chúng, và một số văn nhân trí thức tin tưởng một cách đầy đủ nơi thẩm quyền của chữ được viết ra rằng, khi họ bị đối diện với các sự thay đổi nghiêm trọng, họ cảm thấy bị bó buộc phải viết ra kinh nghiệm mà giờ đây được phát lộ. Nhưng định chế triều đại Việt Nam, trong thực tế, thì mong manh. Thực chất của chính quyền, hay của điều tôi nhìn như “sắc diện” của Việt Nam – khả năng của nó để giữ được sự bình tĩnh – như một điều khác biệt với “diện mạo” của nó, tùy thuộc vào các tình huống khác hơn là vào uy tín của định chế triều đại và sự bảo đảm giả định của nó cho sự bền vững và chắc chắn không phải một ý thức hệ lệ thuộc vào các giá trị đạo đức tương liên, xã hội và chính trị cùng các nghĩa vụ.
Chương cuối cùng của cuộc nghiên cứu của tôi, nếu nó được tiếp nối, sẽ làm nổi bật các khía cạnh của tác phong bản xứ chẳng hạn như một sự ưa thích các phương cách mau lẹ để giải quyết các vấn đề tức thời hơn là việc hoạch định cho tương lai, nhờ cậy đến sự bảo vệ siêu nhiên, một sự điều hành chính quyền có tính cách cá nhân và không chính thức, sự trợ giúp không thể thiếu được của các chú bác và anh em nhà lãnh đạo, một gia tộc cầm quyền xa hoa, một đoàn cận thần tùy tùng vâng lời, các ân sủng của các nhà lãnh đạo, các thí dụ về lòng trung thành của các quan chức, và cả về sự lo âu để đạt được thành tích nhằm đến các sự tưởng thưởng chức nghiệp, và các ám chỉ về hệ thống quan hệ họ hàng song phương chống lại sự cư trú thường trực tại các làng xã và sự vun đắp các nghĩa vụ xã hội kiểu Trung Hoa, một hệ thống quan hệ họ hàng ngược với việc gia tộc họ Trần tự bảo vệ bằng cách kết hôn với các thân nhân của nó. Các quan sát viên Trung Hoa đã mau chóng chấm định và phàn nàn tính chất cốt yếu của tình trạng văn hóa: sự vắng mặt của trường học nhằm giáo huấn “các quan hệ xã hội thích nghi và các đức tính công dân”. Trong các tình huống này, quốc gia nhà Trần có thể được ước vọng chỉ giữ vững được khi gia tộc cầm quyền thống nhất và có khả năng và có thể vận dụng để tạo ưu thế cho nó điều mà tôi đã mô tả như là động thái bản xứ. Điều này là những gì đã xảy ra từ 1226 đến 1357, mặc dù các sự việc đã sẵn đi sai đường trong những năm sau cùng thời vua Minh Tôn.

Từ đó trở đi triều đại đã suy sụp một cách đột nhiên và mau chóng mà không có các dấu hiệu rằng nó có thể hồi phục. Các hoàng đế đa năng, có khả năng ứng biến các sự đáp ứng trước các tình trạng khẩn cấp, không còn hiện diện trên diễn trường. Các quan chức trung thành có thể khuyến cáo các chính sách, nhưng một guống máy thư lại có tổ chức không được cung ứng để giúp lấp đầy khoảng trống khi các hoàng thân thôi không còn có khả năng và thực hiện các sự cải cách để trì hoãn sự kết thúc như đã có thể xảy ra tại Trung Hoa hồi nhà Đường sau này và tiếp theo đó. Thay vào đó, thẩm quyền nhà Trần đã tạm thời được chống đỡ bởi một kẻ “bảo vệ” bất trung.

Việt Nam trong các thế kỷ mười ba và mười bốn không bao giờ thụ hưởng sự ổn định tương đối của đế quốc Trung Hoa nhưng, cùng lúc, nó bị cự tuyệt một sự linh động chính trị “Đông Nam Á”, khi các chế độ, đôi khi kéo dài không hơn một thế hệ hay như thế, có thể biến mất trong sự kế nhiệm mau chóng mà không có gây ra sự thống khổ kéo dài mà nhà Trần suy sup đã gây ra cho Việt Nam. Sẽ có các sự thay đổi thường xuyên hơn tại thượng tầng, nhưng đời sống bên dưới sẽ không bị thoái hóa thành một sự căng thẳng giữa các dân làng và những kẻ muốn áp đặt trật tự trên họ. Nếu một người đáp lại rằng định chế triều đại đã bảo vệ Việt Nam trong thế kỷ mười ba, người đó sẽ phải giải thích lý do tại sao trong thế kỷ mười, trước khi nguyên tắc triều đại thế tập được thiết lập, Trung Hoa đã bị chặn cửa và thể thức của hệ thống triều cống xác định và điều hành để duy trì “một mối quan hệ tốt với Trung Hoa”, uyển từ của nhà viết niên sử dùng để chỉ hệ thống. Những con người - đàn ông và đàn bà, chứ không phải các định chế, là yếu tố quan trọng trong các thế kỷ thứ mười và mười một.

Một tiểu thuyết đã được mô tả như “một bộ máy làm phát sinh các sự giải thích.” 13 Cùng điều đó có thể được nói cho sự tường thuật lịch sử, mặc dù, không được may mắn, độc giả của nó thường không được cao thượng như các kẻ đọc tiểu thuyết. Có lẽ các người viết lịch sử trần thuyết phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là có tính cách khiêu khích hơn là quyết đoán. Và như thế, để kết luận chương cuối cùng của mình, tôi sẽ còn trích dẫn một nguồn tài liệu khác, công trình của ông Ngô Sĩ Liên, nhà bình luận hồi cuối thế kỷ mười lăm về các niên sử nhà Trần, và là một nhà Khổng học sùng tín, kẻ mà tôi thảo luận trong chương áp chót dưới nhan đề “Khó là một quốc gia đế quốc thích đáng: một phán quyết cho Việt Nam thế kỷ thứ mười lăm”. Ông Liên cũng thế, đã viết lại kinh nghiệm thời Trần nhưng để châm biếm nó và xóa bỏ nó như là không có giá trị, mà còn cả tính chất nguy hiểm nữa. 14 Ông Liên có thể đồng ý với tôi, và, cũng mỉa mai, với các nguồn tài liệu Trung Hoa mà tôi để cứu xét rằng Việt Nam thời nhà Trần, về mặt triều đại, đã không thể cùng nhau cấu kết. Sự khác biệt giữa chúng tôi là ông mong muốn khai thác đạo đức Khổng học để củng cố định chế triều đại, các chính sách của nó, và các nhân viên của nó, trong khi tôi sẽ thuật lại câu chuyện về các hậu quả bi thảm mà định chế nhất thiết, sớm hay muộn, mang đến theo bước chân của nó./-
_______
CHÚ THÍCH:
1. O. W. Wolters, “Engaging J. D. Legge. Narrating the Fall of the Ly and the Rise of the Trần Dynasties”, Asian Studies Association of Australia Review 10, 2 (1986): 24-25.
2. Chen Fu, Chen gang zhong shi za (Taipei: Si-ku quan-shu chen-pen ba-ji, nọ 159); An-nan zhi-yuan (Hà Nội: L. Aurousseau, biên tập, École Franҫaise d’Extrême-Orient, 1932).
3. Lý Tế Xuyên, Việt Điện U Linh Tập (École Franҫaise d’Extrême-Orient A 47).
4. Tôi bị ảnh hưởng bởi Valentine Cunningham, British Writers of the Thirties (Oxford University Press, 1988), trang 2. Ông đã nói đến “một lãnh vực được nối kết, toàn bản văn, hay một chuỗi các tín hiệu khác nhau, bổ túc, ít hay nhiều, cho một dấu hiệu đơn nhất”. Điều này có thể là một công việc không thể đạt được đối với sử gia, nhưng nó phát ra cùng các tín hiêu.
5. O. W. Wolters, “Possibilities for a Reading of the 1293-1357 Period in the Vietnamese Annals”, Vietnam Forum 11 (1988): 97-102.
6. Để nghiên cứu về sự bất ổn ở nông thôn, tôi đã hưởng lợi từ các bài khảo luận trong quyển Tìm Hiểu Xã Hội Việt Nam Thời Lý Trần, Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1981.
7. Tôi ưa thích “việc viết lại: rewriting” “sự phát minh của truyền thống” của Eric Hobsbawm, theo ông, là những gì xảy ra trong thời gian có sự thay đổi xã hội mau lẹ.
8. Các đoạn ghi niên sử dưới niên đại 1370, khi Lê Quát mất đi.
9. Rằng đã có hai trường hợp cải cách niên lịch trong thế kỷ thứ mười bốn có lẽ không có tính ngẫu hợp.
10. O. W. Wolters, Two Essays on Đại Việt in the fourteenth century, Yale: Southeast Asian Studies, The Lạc Việt Series, no. 9, 1988, các trang xx-xxii.
11. Wolters, “Narrating the Fall of the Ly and the Rise of the Tran Dynasties”, các trang 25-27.
12. Trong chương cuối cùng đề nghị của tôi, tôi sẽ cứu xét đến các tình trạng khác trong sự thay đổi thuộc thế kỷ thứ mời bốn chẳng hạn như một sử sử dụng rõ ràng được mở rộng của sự viết chữ trên sừng thú vật của Việt Nam và sự tham dự của Việt Nam vào mậu dịch đồ gốm quốc tế.
13. Umberto Eco, Reflections on The Name of the Rose, London: Secker & Warburg Limited, 1985, trang 2.
14. Oliver Wolters, “What Else May Ngô Sĩ Liên Mean? A Matter of Distinctions in the Fifteen Century”, trong quyển Sojourners and Settlers: Histories of Southeast Asia and the Chinese, in Honour of Jennifer Cushman, biên tập bởi Anthony Reid, Sydney: Allen & Unwin for ASAA, 1995.
_____
Nguồn: Oliver W. Wolters, On Telling A Story of Vietnam In The Thirteenth and Fourteenth Centuries, Journal of Southeast Asian Studies, bộ 25, số 1 (Tháng Ba 1995): từ trang 63 đến 74.

Ngô Bắc dịch và phụ chú
01/11/2010


© gio-o.com 2010

2 nhận xét: