Mộ táng văn hóa Đông Sơn có niên đại hơn 2.000 năm trong hố khai quật cuối năm 2009 của giảng viên và sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội - Ảnh: Đoàn khảo cổ cung cấp
Trong khi các nhà khảo cổ học còn (loay hoay kiếm kinh phí) để tiến hành thám sát, khai quật thì ban quản lý dự án đã cho xe ủi đất làm đường. Ngay tại nơi xe ủi đất chạy qua đã phát lộ hàng trăm mảnh gốm, sành có niên đại hàng nghìn năm. Một cán bộ khảo cổ của Trường ĐH KHXH&NV (Hà Nội) ngậm ngùi: “Nếu theo tiến độ này chỉ vài tháng nữa khu di chỉ khảo cổ học Gò Vườn Chuối - một trong những di chỉ tiêu biểu cho văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn - sẽ bị xóa sổ”.
Làng Việt cổ dưới lòng đất
Thạc sĩ Bùi Hữu Tiến (ĐH KHXH&V Hà Nội) cho biết: “Ở Hà Nội có tới hàng chục di chỉ về thời kỳ tiền sơ sử, tuy nhiên số di chỉ còn giữ được nguyên vẹn và có thể nghiên cứu thì đếm trên đầu ngón tay, khu di chỉ Gò Vườn Chuối là một trong số ít ỏi đó”.
Từ năm 1969, các cuộc khai quật đầu tiên đã được tiến hành tại gò Vườn Chuối. Thời chiến tranh và đất nước khó khăn, các tư liệu về lần khai quật này gần như mất hết. Tuy nhiên, trong số tư liệu còn sót lại, các nhà khoa học đã dần hình dung được Vườn Chuối là di chỉ của một làng Việt cổ thuộc nền văn hóa Đồng Đậu, thuộc hệ thống văn hóa tiền Đông Sơn tiến đến văn hóa Đông Sơn rực rỡ sau này. Các tư liệu cũng khẳng định di chỉ Gò Vườn Chuối là một địa điểm khảo cổ học quan trọng trong khi nghiên cứu quá trình chiếm lĩnh châu thổ Sông Hồng của người Việt cổ.
Hai cuộc khai quật quy mô vào năm 2002 và 2009 càng giúp các nhà khoa học hình dung về diện mạo và mức độ phát triển của ngôi làng Việt cổ này. Thậm chí thạc sĩ Bùi Hữu Tiến phải thốt lên: “Cho tới nay, trong thời đại kim khí ở VN, chưa phát hiện được cụm di tích nào có mật độ phân bố dày đặc như vậy”.
Từ những kết quả khảo cổ học thu được, các nhà khoa học đã phần nào dựng nên bức tranh toàn cảnh của người Việt cổ cách đây hàng nghìn năm với nền nông nghiệp lúa nước, dùng lưỡi câu bắt cá, săn bắt bằng mũi tên đá, dệt vải may quần áo, làm đồ gốm và tạo ra đồ trang sức bằng đá hoặc đồng... Ngoài khu di chỉ Vườn Chuối, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện một phức hợp di chỉ ở khu vực các gò xung quanh như: gò Chùa Gio, gò Cây Muỗng, gò Mỏ Phượng, gò Đền Rắn...
Nguy cơ bị xóa sổ!
Ngày 3-11, khi chúng tôi có mặt tại khu vực này, một số xe ủi đã được ban quản lý khu đô thị đưa vào ủi đất làm con đường nối liền với quốc lộ 32. Trên phần đất bị ủi ra, xuất hiện hàng trăm mảnh gốm nằm lẫn trong lớp đất. Những mảnh gốm hoa văn dây thừng có niên đại hơn 2.000 năm nằm ngổn ngang khắp nơi.
Nhưng “ngày sống” của khu di chỉ khảo cổ học quan trọng này có lẽ cũng không còn lâu nữa. Bởi khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch sẽ nuốt gọn Vườn Chuối và các gò xung quanh. Theo quy hoạch, một nửa Vườn Chuối sẽ được dùng làm nghĩa trang thôn Lai Xá. Nghĩa trang này sẽ tập trung toàn bộ mộ rải rác nằm trong khuôn viên đất của dự án. Nửa phần đất còn lại được dùng làm đường, xây nhà cao tầng. Hiện nay, một nửa Vườn Chuối đã được đóng cọc, giăng dây để làm nghĩa trang.
Ai quản lý khu di chỉ?
Ít ngày nữa sẽ không ai gọi Vườn Chuối là khu di chỉ khảo cổ học mà đã trở thành một đại công trường. Xe làm đường cứ chạy, những chuyến ôtô chở cát hối hả tiến vào khu nghĩa trang mới quy hoạch.
Câu hỏi đặt ra lúc này là ai quản lý khu di chỉ, ai có thể ngăn việc xóa sổ Vườn Chuối?
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 5-11, ông Nguyễn Văn Hùng (giám đốc Bảo tàng Hà Nội) cho biết: bên bảo tàng chỉ là đơn vị được giao phối hợp với các nhà khảo cổ học để khai quật chứ không có trách nhiệm quản lý di tích. Trách nhiệm quản lý thuộc về Sở VH-TT&DL Hà Nội.
Trong khi đó, từ tháng 3-2010 Sở VH-TT&L Hà Nội đã có công văn gửi lên UBND TP Hà Nội và Bộ VH-TT&DL xin tiến hành khai quật khảo cổ học khu vực Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Đến tháng 9-2010, Bộ VH-TT&DL cũng có quyết định về việc khai quật khảo cổ học tại Vườn Chuối. Việc này được giao cho Sở VH-TT&DL Hà Nội phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội. Sau nhiều lần trao đổi, Sở VH-TT&DL giao lại cho Bảo tàng Hà Nội làm đơn vị phối hợp. Theo quyết định này, các nhà khoa học được phép khai quật trên diện tích 300m2 từ ngày 20-9 đến 20-12-2010.
Như vậy cho đến nay, thời gian khai quật theo quy định của Bộ VH-TT&L vẫn chưa kết thúc. Theo Luật di sản, các hoạt động xây dựng vẫn bị đình chỉ, chủ đầu tư vẫn chưa thể tiến hành xây dựng trên khu đất có di tích.
* Ông NGUYỄN VĂN HÙNG (giám đốc Bảo tàng Hà Nội):
“Có kinh phí mới dám khai quật”
Điều khó hiểu là tuy đã có văn bản đồng ý của Bộ VH-TT & DL và UBND TP Hà Nội nhưng từ lần khai quật cuối năm 2009, các cán bộ khảo cổ vẫn chưa thể tiến hành khai quật lại.
Chiều 5-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã xin được kinh phí, tuy nhiên vẫn phải chờ thẩm định kinh phí chi tiết cho đợt khai quật. Quá trình thẩm định này nhanh nhất cũng mất 20 ngày. Nhưng từ lúc thẩm định xong đến khi tiền chuyển về tài khoản của Bảo tàng Hà Nội thì đến tôi cũng không biết mất bao nhiêu thời gian. Hiện tại chúng tôi dự định phải vay tiền trước để kịp thời gian khai quật”.
Trả lời câu hỏi tại sao chỉ còn hai tháng nữa là giấy phép khai quật hết thời hạn, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa có động thái gì, ông Hùng cho biết phải đợi kinh phí bảo tàng mới dám làm. Hơn nữa, nếu khai quật kéo dài thì bảo tàng có thể xin gia hạn thêm thời gian. Theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, kinh phí dự kiến cho đợt khai quật di chỉ Vườn Chuối khoảng 700 triệu đồng.
* Ông TRẦN THỤ (trưởng Ban Quản lý khu đô thị Kim Chung - Di Trạch):
Chưa có thông báo của cơ quan chức năng
Khu vực Vườn Chuối nằm gọn trong phần đất quy hoạch dự án khu đô thị do UBND tỉnh Hà Tây cũ cấp cho chúng tôi. Tôi biết đây là khu di chỉ khảo cổ học cũng chỉ thông qua báo chí. Tôi cũng biết các nhà khảo cổ đã khai quật khu vực này mấy chục năm nay, đến giờ còn chưa xong thì chúng tôi phải chờ đến bao giờ?
Tôi chưa từng nhận được văn bản nào của Bộ VH-TT&DL hay Sở VH-TT&DL về vấn đề này. Nếu như Vườn Chuối là di chỉ thì phải có thông báo của cơ quan chức năng, khoanh vùng diện tích di chỉ theo Luật di sản, diện tích bao nhiêu, khu vực nào. Bởi vì nó nằm gọn trong ranh giới đất chúng tôi được giao. Nếu khu vực đó phải bảo tồn thì phải gửi văn bản để chúng tôi kịp điều chỉnh quy hoạch, nếu dự án kéo dài thời gian sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của chúng tôi.
HÀ HƯƠNG http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/409478/Di-chi-Vuon-Chuoi-“hap-hoi”.html
Quả bóng Vườn Chuối được các sở ban ngành VH Hà Nội đá đi đá lại đã xơ xác, rách nát rồi. Tôi được giao chủ trì khai quật địa điểm này cũng đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chức năng của Hà Nội mau chóng quyết định và trả lời dứt khoát cho chúng tôi có tiến hành khai quật VC theo quy định của Luật Di sản nữa hay không? Ngỡ là Hà Nội bận lo Đại lễ nên đành đợi sau Đại lễ!.
Câu trả lời của ông trưởng ban Quản lý một lần nữa cho thấy thái độ vô trách nhiệm của những người quản lý văn hóa của TW và Hà Nội!
Thái độ Makeno này là cách xóa sổ nhanh nhất và toàn diện nhất những di sản văn hóa tổ tiên!
Do đâu Vườn Chuối và vô vàn các địa điểm khảo cổ học khác đang "hấp hối" và chết mất tích thì mọi người đã hiểu.
Cũng không rõ tại sao bài này lại được để trong mục Văn hóa Giải trí của báo Tuổi trẻ online!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét