Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

KẾT QUẢ KHẢO SÁT LẬP BẢN ĐỒ KHẢO CỔ HỌC TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thời gian: Tháng 8 năm 2010
Địa bàn khảo sát: Một số xã của ba huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ và An Lão.
Kết quả khảo sát

I. Khảo sát đánh giá hiện trạng và đo tọa độ một số di tích đã đào thám sát và khai quật
1. Huyện Hoài Nhơn
i. Khảo sát lại địa điểm Động Cườm (tọa độ 14o31.479’ N; 109o04.471’ E, cao so với mặt nước biển khoảng 16,4m). Địa điểm hiện nằm trọn trong khuôn viên của đồn biên phòng 308 và đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Nhìn chung di tích được bảo tồn khá tốt, ngoại trừ một diện tích khoảng 300m2 đã bị phá hủy do người của doanh trại xúc cát đắp nền. Rất nhiều mảnh gốm của chum mai táng và đồ tùy táng gốm, đồng bị vỡ nằm rải rác. Đoàn đã thu nhặt tại đây 04 hạt chuỗi mã não, một số mảnh vỡ của đồ đựng bằng đồng và nhiều mảnh gốm vỡ trang trí tô ánh chì, văn thừng, in mép vỏ sò.


Những mảnh chum Sa Huỳnh vỡ nằm rải rác trên cồn cát, trên tay chiến sĩ của đồn là 01 mảnh chum lớn
ii. Động Ca Kông (tọa độ 14o29.824’ N; 109o05071’E, cao 13,6m so với mặt nước biển). Tại đây bà M.Colani đã thông báo về phát hiện di tích văn hóa Sa Huỳnh. Bảo tàng Bình Định đã đi khảo sát địa điểm này nhưng không thấy dấu vết nào. TS. Đinh Bá Hòa sau đó đã thông báo về việc tìm thấy một số đồ gốm văn in kiểu Hán ở đây (gốm Chăm?).
Đoàn đi khảo sát toàn bộ doi cát cả ở hai phía. Tại phần sườn cồn hướng ra đầm có khá nhiều nhà mới xây và tại những khu vực khai thác cát không thấy bất cứ dấu tích văn hóa Sa Huỳnh nào và cả những giai đoạn văn hóa muộn hơn.
Phía sườn doi cát hướng ra biển cát mới bồi lấp nhiều, chỉ có vài ba mảnh gốm thô kiểu gốm Chăm vụn.
iii. Động Công Lương thôn Công Lương, Hoài Hương, Hoài Nhơn (tọa độ 14o28.116’ N; 109o05.877 E, cao 19,5m so với mặt nước biển). Đây là nơi mà M.Colani cũng thông báo tìm thấy dấu tích văn hóa Sa Huỳnh. Đoàn đi khảo sát toàn bộ cồn cát từ chân lên đến đỉnh nơi có 1 số ngôi mộ và nơi xẻ rãnh làm đường đi. Ở phía sườn cồn ngoảnh ra bàu nước lên đỉnh có một số mảnh gốm thô vụn, có một số mảnh trang trí văn thừng . Có thể là gốm cư trú văn hóa Sa Huỳnh. Gốm rất thưa thớt, chưa tìm được dấu vết của tầng văn hóa tại những nơi đi khảo sát.
iv. Động Bàu Năng, thôn Thiên Đức, Hoài Hương (14o29.985’ N; 109o04.823’E, cao 5,7m so với mặt nước biển). Vùng bàu trũng hơn so với xung quanh, hiện là nơi canh tác của bà con.
Động này nằm gần động Ca Kông, phía tây của Ca Kông, có thể Bàu Năng có mối quan hệ trực tiếp với Ca Kông. Tuy nhiên về phía tây của động Ca Kông khi đi khảo sát đã không tìm thấy bất cứ dấu tích văn hóa cổ nào.
Tại Bàu Năng cũng không tìm thấy dấu tích văn hóa Sa Huỳnh, trên vườn nhà của một số nhà dân chỉ có gốm sứ 18,19 và trên bề mặt bàu có một vài mảnh gốm thô kiểu gốm Chăm.
2. Huyện Phù Mỹ
i.Đi tìm lại địa điểm Chánh Trạch giữa thôn Tân Phụng và Thuận Đạo (14o14.460’N; 109o11.313’E, cao 27,3m so với mặt nước biển). Có 01 đường chạy giữa, một bên là khu nghĩa địa lớn, nhiều khu mộ dòng họ xây nguy nga, bên kia trồng thông và cây khác, khu vực trồng thông bề mặt hầu như không có sự hiện diện của bất kỳ loại hình gốm nào. Chỉ nhặt được 01 mảnh gốm có thể là mảnh chum Sa Huỳnh? Địa điểm này hầu như chúng tôi không có tư liệu nào nói lên vị trí chính xác của di tích, vì vậy đoàn khảo sát đã tiến hành khảo sát dọc các động cát thôn Chánh Trạch, địa điểm nằm giữa thôn Tân Phụng và Thuận Đạo là địa điểm mà theo người dân địa phương là nơi duy nhất trong vùng có nước ngọt. Vì vậy đây chính là cơ sở cho thấy có thể di tích Chánh Trạch ở nơi đây.
ii. Khảo sát lại Động Gò Lồi (còn gọi là Giàng Lồi) , thôn Xuân Phương, xã Mỹ An. Tại khu vực gần vườn nhà anh Đặng Văn Quang (14o16.998’N; 109o9’354’E, cao 12m so với mặt nước biển) nơi có một hố đào lớn (bà con kể lại khi đào xuống có nhiều đá và than), đoàn đã thu lượm được một số mảnh gốm thô kiểu gốm Sa Huỳnh, có lẽ di tích phân bố chủ yếu ở phía đông bắc gò. Tại đây còn còn có một số mảnh gạch Chăm. Khi đi dọc theo đường liên xã, cạnh trường Tiểu học Mỹ An phía bên phải trên vách động cát lộ ra có một lớp cát màu sẫm và lộ ra nhiều mảnh gốm thô, bở. Như vậy dấu tích văn hóa Sa Huỳnh phân bố ở nhiều chỗ trên động cát Gò Lồi, nhưng cũng đã bị phá hủy nhiều chỗ do làm đường, xây dựng nhà ở và các công trình công cộng.
Trên Động Gò Lồi có 01 hố đào lớn và khá nhiều mảnh gốm thô vẫn vương trên cát 
iii. Khảo sát lại Truông Xe, thôn Tư, xã Mỹ Thắng (14o17.575’N; 109o08.439’E, cao từ 4,3 đến 5,1m so với mặt nước biển). Trên động cát phần có dãy núi phia sau thấy xuất lộ những vạt cát màu thẫm và nhiều mảnh gốm, đá, vỏ sò... phân bố dày đặc trên bề mặt. Như vậy dấu tích cư trú của văn hóa Tiền Sa Huỳnh khu trú thành từng đám. Đoàn đã khảo sát chụp ảnh và thu thập nhiều đồ gốm, rìu đá, bàn mài... mang về Bảo tàng Bình Định. Địa điểm này đã bị phá hủy nhiều và nên được khai quật.
Tầng văn hóa (vùng cát có màu sẫm) đã bị sạt lở rất nhiều
iv. Khảo sát phế tích đền tháp Champa đồi Núi Dốc, xã Mỹ Thành (14o07.843’N; 109o12.287’E, cao 107m so với mặt nước biển). Đây là một ngọn đồi cao nằm ở phần cuối cùng của một doi cát vươn ra biển. Theo lời kể của người dân địa phương trước đây phế tích của tháp cao khoảng 2 – 3m, nhưng khoảng năm 1966 – 1968 quân đội Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã phá đi và sử dụng đồi này để làm lô cốt cho trận địa phòng thủ vùng biển, dấu tích của lô cốt hiện nay không còn nữa. Gạch của tháp cũng đã bị nhân dân địa phương mang đi. Tuy vậy, ở ngoài rìa phần cao nhất của đồi vẫn còn những đoạn gạch với kết cấu khá vững chắc. và trong một số hố đào mới đây vẫn thấy dấu tích của nền móng.

II. Phát hiện di tích mới
1. Huyện Hoài Nhơn
Tại nghĩa địa thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ , nghĩa địa này nằm sát tỉnh lộ 603 (14o25.365’N; 109o06.868’E, cao 5,9m so với mặt nước biển), đoàn đã phát hiện một số mảnh gốm thô kiểu gốm Chăm và đặc biệt có 02-03 mảnh gốm thô bở kiểu gốm thô Tiền Sa Huỳnh – Sa Huỳnh. Có thể đay là di tích cư trú Tiền Sa Huỳnh đồng dạng với di tích Truông Xe hay Gò Lồi.

Thôn Lộ Diêu nằm kẹp giữa hai đèo và trước đây chủ yếu thông thương bằng đường biển 
2. Huyện Phù Mỹ
i. Di tích hai tảng đá lớn dạng cự thạch trên Động Gò Lồi, thôn Xuân Phương, xã Mỹ An. Theo lời kể của bà con địa phương trước đây trên gò có 02 tảng đá lớn nằm chồng lên nhau, khi lấy đá đem về sử dụng vào việc khác thì thấy ở dưới có than tro. Đoàn đã đi tìm lại những tảng đá này và chỉ chụp, đo được 01 tảng, 01 tảng khác hiện nay nằm sâu dưới cống. 01 tảng còn lại có hình gần vuông hiện đang dùng kè đường cạnh cống trước cửa nhà ông Tấn. Tọa độ vị trí hiện nay của tảng đá (14o16.856’N; 109o09.604’ N), đá dày không đều, dân địa phương gọi là đá trắng. KT: dài nhất 130cm; rộng nhất 109ccm, dày 14-15cm.
Một trong hai tảng đá

 ii. Phát hiện 01 di tích kiểu Truông Xe tại khu vực UBND xã Mỹ Thắng, thôn 8 (14o18.517 N; 109o08.121’E, cao 3.3m so với mặt nước biển). Trươc đây cồn cát cao hơn mặt bằng hiện tại khoảng 1m, năm 1985 đã được san thập và bằng để xây dựng trụ sở. Trên bề mặt có khá nhiều mảnh gốm thô Tiền Sa Huỳnh.
iii. 01 di tích cư trú Tiền sử và Champa nằm sát ngay cạnh phế tích đền tháp Champa Gò Vàng, xã Mỹ Hòa (14o11.112’N; 109o01.127’, cao 46,5 so với mặt nước biển). Di tích hiện nay là một khu nghĩa địa rộng, trên bề mặt các ngôi mộ có khá nhiều gốm, sành sứ, thuộc ba thời kỳ chính: 1. Tiền sử, 2. Champa và 3. gốm sành sứ thế kỷ 17-18. Sát ngay nghĩa địa này có 01 giếng (được dân địa phương cho là giếng Chăm). Hiện giếng đã bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại 01 vũng nước. Phế tích đền tháp Champa Gò Vàng nay cũng chỉ còn lại một số viên gạch lớn và vô số những mẩu gạch vụn.
iv. 01 địa điểm cư trú Champa sau thế kỷ 10 ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ Thành, tọa độ 14o11.732’N; 109o09.674’E (có báo cáo riêng).
3. Huyện An Lão
Tại huyện An Lão đoàn đã phát hiện 03 địa điểm
i. Địa điểm phát hiện hạt chuỗi đá và thủy tinh ở xã An Hưng. Khảo sát nơi đào được hạt cườm và hạt chuỗi bằng đá và bằng thủy tinh khu vực chân núi, cuối đường bê tông, cạnh cống thủy lợi, thôn 1, xã An Hưng (14o39.107’N; 108o54.286’E, cao 52.3m so với mực nước biển). Tại đây có 01 hố đào xung quanh nhiều mảnh gốm sành từ thế kỷ 18 đến hiện đại, còn một số hạt chuỗi thủy tinh và đá vỡ, mảnh đồ đựng bằng đồng. Có nhiều khả năng đây là mộ của người Hrê. Những hạt chuỗi thủy tinh dạng Indo – Pacific tìm thấy ở đây có thể là của gia bảo được chia cho người chết.
Khu vực nơi đào được hạt chuỗi thủy tinh, bát đồng và đồ gốm sứ

Và đây là một số di vật nhặt được trong đợt khảo sát
ii. Trống đồng và nơi chôn trống đồng ở xã An Trung (có báo cáo riêng)
iii. Địa điểm cư trú tương đương giai đoạn Sa Huỳnh ở xã An Trung (có báo cáo riêng).

III. Một số nhận xét và đánh giá
1. Tiềm năng nghiên cứu khảo cổ học và trữ lượng di tích, di vật khảo cổ học ở Bình Định rất lớn.
2. Các di tích khảo cổ trên và dưới mặt đất ở Bình Định đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy nhanh, mạnh bởi sự gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Cơ quan thực hiện: Bảo tàng Tổng hợp Bình Định; Trường ĐHKHXH &NV, ĐHQG Hà Nội. Phụ trách TS.Đinh Bá Hòa và PGS.TS.Lâm Thị Mỹ Dung.
Thành viên đoàn khảo sát: Bùi Tĩnh, Lê Văn Lào và Nguyễn Quốc Tuấn (Phòng Nghiên cứu, sưu tầm Bảo tàng Bình Định); HVCH. Hoàng Văn Diệp (Bộ môn Khảo cổ học, Trường ĐHKHXH &NV), TS. Nguyễn Hồng Kiên và Th.s.Hoàng Thúy Quỳnh (Viện Khảo cổ học).
Tổng hợp và viết báo cáo: Bùi Tĩnh, Lâm Thị Mỹ Dung và Nguyễn Hồng Kiên




2 nhận xét:

  1. Hoài Hương , Hoài Nhơn là quê ông dượng mình đấy. Ông mất đúng dịp con Tý bị ốm liệt nên không vào đưa tang được, mà rồi từ hồi đó đến nay vẫn chưa có dịp vào. Cũng may là trước đó 1 năm cả nhà vào Bồng Sơn thăm ông được 1 lần.:(

    Trả lờiXóa
  2. Ở Hoài Nhơn các nhà KCH mới tìm thấy di vật sơ kỳ đá cũ đấy, theo TS. Nguyễn Gia Đối Viện KCH, phát hiện này rất đáng tin cậy!
    Thật là tin tốt lành.

    Trả lờiXóa