Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Chuyện Chủ nhật 4 Tôn vinh thực học





Nhìn dòng người đông nghịt viếng Văn Miếu trong những ngày đầu năm, những người đã từng xuýt xoa “tự sướng” với “truyền thống hiếu học đáng quí của dân ta” ắt phải rút lại lời nhận xét này khi nghe J., một bạn Mỹ của tôi bình phẩm. Với một cái nhún vai rất điệu, kèm theo một cái nheo mắt đầy hàm ý, J bảo: “Thật chưa thấy đâu lạ như dân mày ở Văn Miếu!”

Đắng chát, nhưng phải công nhận là J. có lý. Ở đâu trên thế giới này, người ta dạy cho trẻ em tôn vinh các giá trị văn hóa, bằng cách khuyến khích chúng sờ mó, leo trèo, đụng chạm thoải mái vào các cổ vật vô giá là các bia tiến sĩ? Ở nơi nào khác ngoài Việt nam, người ta hồn nhiên tin rằng, giấc mơ hiển đạt sẽ nhích gần một bước, nếu con cái chịu khó chen chúc vào Văn Miếu, chạm tay được vào đầu rùa, trong những dịp lễ tết. Ở đâu khác, người ta thản nhiên cùng con trẻ, “thành kính” xả tiền lẻ tung tóe nơi tôn nghiêm, như thể đang đặt cọc trước với thần linh, tiên tổ, cho một sự hiển đạt ở thì tương lai?

Có bao nhiêu bậc cha mẹ, răn dạy con cái mình bằng tấm gương của cụ Chu Văn An, bậc “vạn thế sư biểu” của dân tộc Việt. Người mà hàng mấy trăm năm sau, vẫn còn làm ngỡ ngàng người đọc sách bằng tấm gương tiết liệt qua Thất trảm sớ, đòi chém 7 gian thần. Bằng sự từ chối vinh hoa khoa bảng, treo ấn từ quan về làng dạy học trong cảnh thanh bần! Cái thực học cao quí của cụ Chu văn An, há chẳng đáng ngưỡng mộ hơn mấy tấm bằng tiến sĩ hay sao?

Chẳng lạ lùng gì, con trẻ chúng ta đã được nhuốm mùi khoa bảng từ chương rất sớm. Được dạy dỗ như thế, bao nhiêu đứa trẻ theo cha mẹ vào Văn Miếu hôm nay, khi lớn lên sẽ sẵn sàng luồn cúi, chạy chọt, mặc cả…để kiếm được một tấm bằng tiến sĩ, mà dư luận luôn kiêng dè về phẩm chất của thực học đằng sau nó. Với tâm thế như vậy, chẳng trách người ta hào hứng xây Văn miếu hiện đại, hay đề xuất một “e-Văn miếu” trên mạng (?). Ắt hẳn, Văn miếu cũ không còn đủ chỗ cho các bằng TS đang mọc như nấm sau mưa, như bạn tôi, một người Hà nội, chua chát: “cho mỗi TS một viên ngói trong Văn miếu, e rằng vẫn không đủ!”

Tôi biết, ở một công ty nước ngoài nọ, có một thông lệ thế này: Mỗi năm, toàn thể công ty trên thế giới sẽ có một ngày hội gia đình. Hôm đó, mẹ, vợ, con cái của các nhân viên, sẽ được trực tiếp đến phòng thí nghiệm, nhà máy, công xưởng…để xem người thân của mình làm việc. Ngày đó, người vợ sẽ thấy những giọt mồ hôi của ngươi công nhân, chồng mình, trên dây chuyền sản xuất. Hôm ấy, trẻ thơ sẽ thấy mái đầu bạc của ông, cha, chú… của chúng nghiêng mình trên kính hiển vi, bên ống nghiệm. Chúng sẽ được thấy những thành quả lao động, trí óc hay chân tay của người thân, biến thành những dược phẩm cứu người, sinh lợi và mang lại sự sống.

Phải chăng, đó là cách tôn vinh thực học mà chúng ta cần ngẫm nghĩ?

Mười năm trước, tôi cũng đã từng mang con theo trong giờ trực, chỉ cho chúng cái nhọc nhằn vất vả trong đêm để duy trì sự sống. Những mong gieo vào lòng con trẻ niềm say mê y học, những mong chúng hăm hở nối nghiệp nhà. Vậy mà, đôi mắt con trẻ khi chứng kiến giường đôi, nằm ngồi la liệt, và vô số cảnh nhếch nhác ở nơi lẽ ra phải sạch sẽ tinh tươm hơn đâu hết, lại bật ra một lời than vãn thế này: “Tội nghiệp quá! Sao mà họ khổ sở quá vậy hả ba?”

Tại sao, một bệnh viện lớn, thay vì dấy lên tình yêu, lòng kính trọng khoa học, lại làm con trẻ phải buột ra lời nhận xét buồn thảm và đầy xót thương đến thế?


2 nhận xét:

  1. Tối qua mẹ gọi điện nhưng chả thấy Ly bắt máy. Độ này học nặng lắm không?

    Trả lờiXóa