Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Lâm Ấp qua những tài liệu khảo cổ học – 3. Lâm Ấp qua những nghiên cứu ở Duy Xuyên II. Trà Kiệu (cư trú) và Trà Kiệu (thành)

Lâm Ấp qua những tài liệu khảo cổ học – 3. Lâm Ấp qua những nghiên cứu ở Duy Xuyên II. Trà Kiệu (cư trú) và Trà Kiệu (thành)

(Trích Đề tài Nghiên cứu Trọng điểm cấp ĐHQG Hà Nội – Mã số QGTĐ.06.07). Hà Nội 2008. Tài liệu lưu tại Tư liệu của Bảo tàng Nhân học, Hà Nội)

II. Di tích Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam

Trà Kiệu một phức hợp di tích cư trú - thành luỹ - trung tâm chính trị và tôn giáo tồn tại trong hơn 1000 năm, những di tích và di vật tìm thấy trong lòng đất và trên mặt đất Trà Kiệu do vậy thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Điều này cho thấy không thể dùng niên đại của điêu khắc hay nghệ thuật để xác định niên đại cho thành luỹ và niên đại của những điểm/lớp cư trú không phải lúc nào cũng liên quan đến niên đại thành hay kiến trúc tôn giáo. Việc sử dụng bia ký để xác định niên đại lại càng phải thận trọng, do bia ký có niên đại khá muộn và không phải lúc nào cũng xác định được chắc chắn ngữ cảnh phát hiện cũng như mối liên hệ giữa bia ký và những loại hình di tích, di vật khác!
Điều này được minh chứng rõ qua những kết quả nghiên cứu gần đây.

II.1. Địa điểm Trà Kiệu: Trà Kiệu (108o14'3'' đông, 15o45' bắc), tên gọi xưa là Ngũ Kiệu hay Ngũ Xá để chỉ một khu vực rộng lớn bao gồm năm xã. Đó là: Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Nam, Trà Kiệu Trung và Trà Kiệu Thượng.
Tên gọi Ngũ Kiệu ngày nay dùng để chỉ một phố nhỏ, dài khoảng 500m, với trung tâm là nhà thờ Núi và chợ Trà Kiệu, phố này nằm trên trục đường Nam Phước-Quế Sơn, thuộc địa phận xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 40km về phía nam và cách thị xã Hội An khoảng 20km về phía tây.
Toàn bộ khu vực Trà Kiệu nằm ở hữu ngạn sông Thu Bồn, ở cửa một thung lũng rộng, thung lũng có hình gần tam giác cân mà đỉnh tam giác là Núi Chúa ở về phía Tây và đáy hướng ra biển Đông.
II.1.1.Cuộc khai quật đầu tiên ở Trà Kiệu
Cuộc khai quật ở Trà Kiệu với quy mô lớn lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của các học giả Pháp được tiến hành trong hai năm 1927 và 1928, dưới sự chỉ đạo của Clayes J. Toàn bộ nền móng của các nhóm tháp ở phía Bắc nội thành đã được phát lộ, ngoài ra hơn một chục điểm thám sát khác đã được tiến hành trong phạm vi toà thành. Kết quả đã phát hiện nhiều tượng đá, gốm và vết tích những chân móng tường gạch... Clayes đã bước đầu phác hoạ được quy hoạch của toà thành cổ Trà Kiệu và chứng minh thành Trà Kiệu chính là kinh thành Simhapura của vương quốc Champa từng được nhắc đến trên các bi ký Chăm và cũng chính là kinh đô của Lâm Ấp được mô tả trong Thuỷ Kinh Chú (J. Clayes 1927, 1928).

 
Sau một giai đoạn đứt quãng rất dài từ sau cuộc khai quật của Clayes, mãi tới đầu năm 1985, khu di tích Trà Kiệu mới bắt đầu được nghiên cứu trở lại, với cuộc khảo sát tổng hợp do Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội) tiến hành. Trong cuộc khảo sát này, cùng với việc xem xét lại hệ thống thành cổ và toàn bộ cảnh quan khu vực Trà Kiệu, đoàn đã phát hiện được một hệ thống luỹ cổ gồm gồm 06 đoạn luỹ đắp bằng đất, nối liền các gò tự nhiên tạo thành một công trình phòng ngự kiên cố. Đoàn cũng đã đào thám sát hai hố nhỏ ở Gò Mỹ (cách nhà thờ Núi khoảng 2km về phía Tây- Nam). Từ những kết quả thu thập được trong quá trình điền dã, đoàn nghiên cứu đã đi đến kết luận: "Khu vực Trà Kiệu chắc chắn có một văn hoá Sa Huỳnh và sau đó là một văn hoá Chăm cổ" (Trần Quốc Vượng, Hoàng Văn Khoán, Nguyễn Chiều 1985).

Tháng 2 năm 1990, khi khảo sát lại thành Trà Kiệu, Nguyễn Chiều đã phát hiện nhiều gốm Chăm cổ bị lấy lên từ các hố đào vàng. Dựa vào việc quan sát địa tầng hố đào thám sát ở đông bắc núi Bửu Châu và những hố đào vàng của cư dân ở khu vực Trà Kiệu, tác giả đi đến kết luận rằng: "Khu vực Trà Kiệu vốn là một thềm sông cổ và trước khi thành Trà Kiệu được xây dựng, đã có một làng Chăm mọc lên từ lâu đời bên chân núi Bửu Châu “ (Nguyễn Chiều 1990).

II.1.2. Những cuộc khai quật Trà Kiệu từ năm 1990 đến 2000
Khai quật năm 1990
Để làm sáng tỏ tính chất của văn hoá Chăm sớm; mối quan hệ của nó với văn hoá Sa Huỳnh; niên đại của kinh thành Trà Kiệu và đời sống của cư dân - chủ nhân kinh thành, tháng 9 năm 1990, Bộ môn Khảo cổ học, Trường ĐHTH Hà Nội (nay là Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội) kết hợp với Sở Văn hoá-Thông tin Quảng Nam đã tiến hành khai quật một hố trong di chỉ này. Di chỉ cư trú sớm có diện tích khá lớn, trải rộng ở phần phía bắc của nội thành Trà Kiệu và tập trung nhất ở chân núi Bửu Châu, tầng cư trú sớm có diện tích hẹp hơn so với tầng cư trú và dấu vết kiến trúc muộn hơn. Ở một số nơi, tầng cư trú sớm còn bị những di tích kiến trúc muộn hơn làm xáo trộn và phá vỡ.

1. Hố khai quật 1990 nằm ở phía đông-bắc núi Bửu Châu, cách đường ô tô Nam Phước-Quế Son khoảng hơn 100m và cách hố thám sát tháng 2 năm 1990 khoảng 50m về phía nam. Hố có hướng bắc lệch tây 35o với diện tích 13,5m2. Tầng văn hoá dày 2,70m được chia thành 17 lớp đào, lớp đào dày mỏng khác nhau do đất cứng từ 10cm đến 25cm. Địa tầng ở đây rất phức tạp, các lớp đất có màu sắc và kết cấu khác nhau với độ dày, mỏng khác nhau, xen kẽ lẫn nhau không theo một quy luật nhất định, thậm chí có lớp đất tương đối bằng phẳng đã đột ngột ăn sâu xuống lớp đất phía dưới. Tuy không thấy lớp đất vô sinh phân cách địa tầng văn hoá nhưng dựa vào loại hình, chất liệu và kết cấu địa tầng và hiện vật, trừ lớp đất mặt, có thể chia thành hai tầng văn hoá cơ bản: tầng I-trên; tầng II-dưới (Nguyễn Chiều, Lâm Mỹ Dung và nnk 1990: 237-239, Nguyễn Chiều 1998)
Tầng I dày 1,40-1,60m (từ độ sâu 0.40m đến 1.80/2.00m, gồm các lớp đào từ 3-13, hiện vật tập trung ở các lớp 7-13). Đất cứng màu xám đen, lẫn rất nhiều than tro và xương, răng động vật. Những mảnh gạch, ngói chiếm một tỉ lệ lớn trong số hiện vật tìm được. Gốm thô và gốm mịn với các loại hình vò, nồi, ấm, kendi, vung, bát, đĩa, chi tiết trang trí kiến trúc đất nung như chốt/đinh gốm, gốm hình con tiện, đầu ngói mặt hề và một số đồ đất nung khác chưa rõ công dụng. Đầu ngói mặt hề Trà Kiệu tương tự với đầu ngói mặt hề ở di tích Nam Kinh, Trung Quốc và có niên đại Lục Triều sớm, từ khoảng cuối thế kỷ 3, đầu thế kỷ 4 (He Yunao 2003: hình trang 37,38) Ở độ sâu 1,25m, xuất hiện một số xỉ đồng và xỉ sắt nhỏ, mảnh của ống thổi đất nung dựng trong chế tác đồ sắt . Những mảnh ống thổi này cũng đã được tìm thấy khi khảo sát khu vực có nhiều vết tích của lò luyện sắt thời cổ ở Bình Sơn (Quảng Ngãi). Gốm thô tầng này tiếp tục truyền thống từ tầng dưới, gốm mịn gia tăng về số lượng và loại hình. Đặc biệt trên một số mảnh vỡ của bình, vò gốm mịn từ lớp 2-11 (tập trung ở lớp 7) có in những ký hiệu khác nhau . Những ký hiệu kiểu này cũng thấy trên một số đồ gốm ở các lò Đại Lai và Tam Thọ ở miền Bắc Việt Nam (thế kỷ 1 đến 5 SCN) và thường được diễn giải như ký hiệu riêng của thợ làm gốm (Trần Anh Dũng 1985: bảng thống kê trang 79; Trần Anh Dũng 2008: ảnh 20, 21, 22 ). Không rõ, những ký hiệu trên gốm tầng này của Trà Kiệu có cùng ý nghĩa như những ký hiệu ở Đại Lai, Tam Thọ hay không? Một số ít mảnh gốm cứng và gốm men Đông Hán-Lục Triều cũng được tìm thấy trong tầng này, gốm men và đồ sứ Tuỳ Đường được tìm thấy trong các lớp trên.



Phần dưới cùng của tầng văn hóa I có một lớp đất sét màu vàng gan gà dày trung bình từ 15-30cm, lẫn nhiều mảnh đồ gốm. Lớp đất sét này làm thành một mặt phẳng, hơi nghiêng, theo chiều dốc của chân núi Bửu Châu. Hiện vật trong lớp đất sét không khác hiện vật của tầng I, như vậy niên đại của lớp đất sét tương đương với niên đại tầng văn hóa I.

Tầng II, dày 70-90cm gồm các lớp đào từ 14 đến 17. Đất có màu xám đen, pha lẫn nhiều cát thạch anh thô, than củi, xương động vật, một số mảnh thuỷ tinh nhỏ màu xanh, những mảnh nhỏ mica tự nhiên màu trắng bạc, xỉ đồng và một vài cụm xỉ sắt. Xỉ đồng và xỉ sắt chỉ tập trung trong khoảng 2m2 ở góc tây nam hố. Xương động vật (chủ yếu là xương voi) tập trung nhiều ở góc đông nam. Ở góc đông bắc có dấu chân móng và gia hạ của công trình kiến trúc từ tầng trên ăn xuống, hai dải đất sét (liên quan đến dải đất sét ở tầng trên) xuất lộ ở lớp trên (lớp 14) sát với tầng văn hóa trên. Hiện vật trong hai dải sét này được tính vào tầng văn hóa trên do cấu tạo của địa tầng và do tính chất của hiện vật. Đáng chú ý là ở lớp 14 đã phát hiện được 01 mảnh gốm loại tinh mịn trên có những ký hiệu in nổi (bằng khuôn) dạng chữ viết? Hiện vật này có nhiều khả năng cũng thuộc tầng văn hoa trên. Sát sinh thổ (lớp 17), ở cạnh phía tây của hố xuất lộ một số viên đá lớn, ở khoảng giữa các viên đá là cụm bình hình trứng và một số đồ gốm thô. Gốm thô của tầng này có bát, đĩa, nồi, vung, bát bồng, bếp lò...


Cụm bình hình trứng ngay trên sinh thổ của hố khai quật năm 1990


Bình hình trứng Trà Kiệu

Trong tầng này bên cạnh loại gốm thô có chứa một số yếu tố gốm văn hóa Sa Huỳnh, gốm thô bản địa là một số mảnh võ gốm cứng Đông Hán văn in ô vuông, ô vuông kết hợp xương cá giống với gốm Hán tìm thấy ở lớp sát sinh thổ của Hậu Xá I- di chỉ.
Niên đại đưa ra ban đầu: Tầng văn hóa dưới từ thế kỷ 2 đến 4 SCN; tầng văn hóa trên từ thế kỷ 7 - 8 SCN. Những niên đại này sau này đó đã được chỉnh lại do có những kết quả khai quật mới và nghiên cứu so sánh (Lâm Thị Mỹ Dung 2005).

Khai quật năm 1993 và sau đó: Từ năm 1993 đoàn khảo cổ hợp tác quốc tế Việt-Anh-Nhật đã tiến hành khai quật tiếp di chỉ này vào năm 1993 (Trịnh Sinh, Lê Đình Phụng, Nguyễn Chiều 1993; Glover I.C, Yamagata M. 1995) và đào thám sát nhiều hố nhỏ vào những năm 1996, 1997, 1998, 1999, 2000 (Đoàn khai quật Trà Kiệu 2001). Tổng diện tích thám sát từ 1996-2000 là 56m2, các hố thám sát kế tiếp nhau trên một khu vực liền khoảnh phía sau nhà Đội của HTX Duy Sơn II.
Do nhiều lần đào và ở các điểm khác nhau nên dưới đây chúng tôi tóm tắt những kết quả chính qua các đợt đào ở một số điểm (Bửu Châu và Hoàn Châu) trong khu vực Trà Kiệu.

Đợt khai quật năm 1993 - chân núi Bửu Châu
Hố khai quật mở cách hố năm 1990 khoảng 10m về phía Tây Nam và cũng nằm dưới chân đồi Bửu Châu. Hố đào ban đầu có diện tích 32m2 và do nhiều lý do bị thu hẹp dần và đào theo kiểu giật cấp, diện tích được đào đến sinh thổ chỉ còn 6m2 gồm các ô I4, I5, I6, J4, J5, J6 (Trịnh Sinh và nnk 1993).
Địa tầng: Gồm 27 lớp đào, mỗi lớp đào 10cm và được chia thành các lớp sau.
1. Lớp đất mặt dày trung bình 20cm (L1, L2): Thường gặp sành sứ hiện đại.
2. Lớp đất văn hóa 1, dày trung bình 60cm (L3-L8): Chứa nhiều đồ sành, sứ, vật liệu xây dựng, gốm của người Chăm, người Việt và một ít đồ gốm, sứ Trung Quốc.
3. Lớp đất văn hóa 2, dày trung bình 90cm (L 9-18): Chứa nhiều gạch ngói, trong lớp này xuất lộ vết tích kiến trúc là một thềm gạch hình vuông bên cạnh có ngói âm dương, ngói mặt hề.
4. Lớp đất văn hóa 3, dày trung bình 100cm (L19-27): Chứa ít sành sứ hơn lớp trên và khá nhiều gốm thô, trong lớp này loại bình đáy nhọn (hình trứng) xuất lộ từ lớp 24 đến lớp 27. Ngay sát sinh thổ cũng đã phát hiện 01 mảnh bát Roulletted ware Arikamedu (Đông Ấn Độ) loại gốm có niên đại từ giữa thế kỷ 3 TCN đến thế kỷ 1 SCN.

Những lớp trên (lớp mặt và lớp văn hóa 1) đã bị các hố đào vàng phá huỷ nặng nề, lớp văn hóa 2 và 3 nguyên vẹn hơn.
Hiện vật giống như hiện vật hố khai quật năm 1990, tuy nhiên số liệu thống kê ở trong lần khai quật này không thể sử dụng theo cách thông thường và số liệu chỉ có tính tham khảo do kiểu đào giật cấp như đã nói ở trên. Theo những người khai quật, Trà Kiệu là di chỉ cư trú liên tục qua nhiều thời đại, có lúc nơi đây là công trình kiến trúc (chính xác hơn là kiến trúc được xây dựng trong các lớp cư trú muộn-tác giả đề tài nhấn mạnh). Nhưng cơ bản vẫn là nơi cư trú với sự có mặt của số lượng lớn gốm gia dụng trong suốt 27 lớp đào của địa tầng. Niên đại khởi đầu của Trà Kiệu có thể trước thời Đông Hán, tức là trước công nguyên quãng thời gian một vài thế kỷ (Trịnh Sinh và nnk 1993: 22-23). Niên đại này sau đó cũng được một số thành viên trong đoàn khai quật chỉnh sửa theo hướng muộn hơn (xem Mariko Yamagata 1998,2004, Nguyễn Kim Dung 2007).
Từ những mô tả và phân tích số liệu khai quật và hiện vật chúng ta có thể thấy sự diễn biến sớm muộn của loại văn in kiểu Hán từ in ô trỏm lồng ở các lớp sớm nhất (L.25,26) đến in ô vuông gạch ngang (tức văn nan) ở các lớp giữa (L.15,16) và ô vuông lồng ở các lớp trên (L.6,7). Tuy nhiên, diễn biến này chưa thấy rõ ở các điểm khai quật khác trong khu vực Trà Kiệu và ở một số địa điểm cùng thời khác.
Sự diễn biến liên tục về văn hóa từ sớm đến muộn ở Trà Kiệu phản ảnh qua sự có mặt của một số loại hình gốm suốt từ dưới lên trên (không tính loại hình nồi là loại gốm rất ít thay đổi qua thời gian). Đó là:
Cà ràng (bếp lũ bằng đất nung) có mặt từ lớp sớm nhất (L.27) đến L.10, tức loại hình này tồn tại trong cả lớp văn hóa 3 và 2.
Bát, đĩa đáy bằng có mặt ở lớp văn hóa 3 và 2.
Nắp vung các loại có mặt từ lớp 22 đến lớp 6.
Loại chân đế cao, đặc cũng thấy ở các lớp từ 26 đến 8.
Một số loại hình gốm lại chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định và phản ánh những thay đổi văn hóa như bình hình trứng và ngói in dấu vải chỉ có ở lớp văn hóa 3, kendi và vò văn in, ngói dải cuộn hay in khuôn và đầu ngói ống, gốm hình con tiện, đầu ngói ống (ngói mặt hề) phân bố chủ yếu ở các lớp giữa, từ lớp 8 đến 13, tức thuộc lớp văn hóa 2. Có lẽ những hiện vật này gắn với lớp kiến trúc gạch sớm nhất ở Trà Kiệu và có niên đại từ sau thế kỷ 4, gạch tập trung trong các lớp trên (từ 2-7), tức thuộc lớp văn hóa 1.

Kết quả khai quật Hoàn Châu từ năm 1996-2000 (Đoàn khai quật Trà Kiệu 2001: 704-707, Nguyễn Kim Dung 2007).
Hai hố khai quật rộng 24m2, cạnh các hố khai quật từ năm 96-99. Độ sâu hố đào từ 2,5 đến 3,2m (tính theo độ sâu của trụ gạch), tầng văn hóa chứa di vật khảo cổ dày từ 1,2 đến 1,5m và được chia thành các lớp sau :
1. Lớp trên cùng: dày 0,40m canh tác vẫn có hiện vật.
2. Lớp 2, dày khoảng 50cm, gồm 1 lớp móng kiến trúc xây gạch (xây đơn lẻ từng viên) ở phía đông hố 1 và 2.
3. Tiếp theo là các lớp cát-sét-cát-sét dày 40-50cm, có thể đây là nền của công trình kiến trúc ở lớp 2.
4. Đất ken chặt gốm thô, than củi, sỏt màu nâu sẫm hoặc đen xám, lớp này dày từ 50-80cm và dày nhất ở góc tây-nam hố 1.
5. Lớp đắp hơn 1m sét, đôi chỗ xen Laterit là lớp đất đắp gia cố.
6. Sinh thổ ở độ sâu dưới 3m, cát sáng mịn, vàng.
Kết quả khai quật Hoàn Châu từ năm 1996-2000 (Đoàn khai quật Trà Kiệu 2001: 704-707, Nguyễn Kim Dung 2007).

Hai hố khai quật rộng 24m2, cạnh các hố khai quật từ năm 96-99. Độ sâu hố đào từ 2,5 đến 3,2m (tính theo độ sâu của trụ gạch), tầng văn hoá chứa di vật khảo cổ dày từ 1,2 đến 1,5m và được chia thành các lớp sau:
1. Lớp trên cùng: dày 0,40m canh tác vẫn có hiện vật.
2. Lớp 2, dày khoảng 50cm, gồm 1 lớp móng kiến trúc xây gạch (xây đơn lẻ từng viên) ở phía đông hố 1 và 2.
3. Tiếp theo là các lớp cát-sét-cát-sét dày 40-50cm, có thể đây là nền của công trình kiến trúc ở lớp 2.
4. Đất ken chặt gốm thô, than củi, mùn, sét màu nâu sẫm hoặc đen xám, lớp này dày từ 50-80cm và dày nhất ở góc tây-nam hố 1.
5. Lớp đắp hơn 1m sét, đôi chỗ xen Laterit là lớp đất đắp gia cố.
6. Sinh thổ ở độ sâu dưới 3m, cát sông mịn, vàng.
Như vậy, tại Hoàn Châu có hai lớp văn hoá.
Lớp trên (lớp 2 và lớp cát-sét-cát-sét). Lớp này có các vết tích kiến trúc c, d, e, f tức là trụ sỏi, đá cuội sông trộn gạch vỡ, hệ thống trụ gạch 1, 2 và móng gạch.. Lớp này có vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc như ngói mũi hài, gạch hình chữ nhật, đầu trang trí kiến trúc, gốm mỏng mịn màu đỏ hồng trang trí sóng nước, gốm văn in ô vuông mỏng mịn. Ngói âm dương văn chải bản gần phẳng. Đĩa đèn, nắp vung gốm thô, vòi ấm kendi, cốc chén, đĩa bát đáy bằng gốm mịn. Trong lớp này còn có một số gốm bán sứ Trung Quốc, gốm Islam. Qua báo cáo này chúng ta có thể thấy lớp văn hoá trên của Trà Kiệu chứa nhiều giai đoạn kiến trúc sớm muộn khác nhau, nhưng do diện tích đào rất hạn chế nên việc tìm hiểu chức năng của những vết tích này thực sự là không tưởng!

Địa tầng hố khai quật Hoàn Châu (ảnh của Nguyễn Kim Dung)

Lớp dưới (lớp đất ken chặt gốm thô, than cháy và lớp đất đắp sét xen lẫn laterit) và tương ứng với lớp từ 7-12 của hố 1 và lớp 14-22 của hố 2. Lớp này xuất lộ ngay dưới lớp gia hạ cát-sét-cát-sét của lớp trên . Đây là lớp cư trú sớm trên nền đất đắp gia cố bằng sét xen lẫn laterit. Trong lớp này có 2 lớp kiến trúc, lớp sớm nhất là kiến trúc tre gỗ, lợp ngói in dấu vải và lớp tiếp sau là lớp kiến trúc của hai móng trụ sỏi ?.
Di vật của tầng này là gốm thô, bình hình trứng, nồi miệng loe có thân rộng, thấp trang trí văn thừng, cốc chén, đĩa bát đáy bằng, chân cao đặc, nắp vung phẳng dày kích thước lớp. Có gốm mịn miết láng bề mặt, một số mảnh gốm văn in ô trám. Có loại gốm thô miệng loe, giữa vai và thân có dải đắp nổi, thân có văn thừng, vai in ô trám đơn, kép. Mẫu gỗ tại trụ sỏi lấy ở L.22 ô a3 H2 cho kết quả 1920+/- 70BP.

Trà Kiệu là một địa điểm khảo cổ học phức tạp, việc khai quật lại được tiến hành ở nhiều nơi khác nhau do đó có nhiều quan điểm khác nhau về di vật và niên đại. Ngay cả trong quan điểm của bản thân một người nghiên cứu cũng có những thay đổi theo thời gian.

i. Theo những người khai quật của đoàn công tác Việt –Anh- Nhật có thể chia Trà Kiệu thành ba giai đoạn phát triển. a. Giai đoạn sớm nhất tức giai đoạn 1 có niên đại từ thế kỷ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 sau Công nguyên với những đồ gốm như nồi nấu, nắp đậy phẳng, bát đĩa, chén có chân đế, các bình hình trứng, bếp lò; b. giai đọan 2 từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 7 sau công nguyên loại vò có đáy phẳng và nắp đậy phổ biến hơn, xuất hiện một số loại hình mới như ấm có vòi hoặc kendi được làm bằng chất liệu sét mịn hơn. Sự xuất hiện của các loại hình gốm mới được cho là gắn với sự thay đổi trong chức năng của di chỉ như chức năng tôn giáo hay sinh hoạt công cộng khác. Cuộc khai quật Hoàn Châu năm 2000 cho thấy có một sự đa dạng lớn trong các dạng đồ đựng bằng gốm tìm thấy ở giai đoạn 1 hơn trước đây. Bát hình con tiện và các bề mặt được đánh bóng cho thấy ảnh hưởng từ truyền thống gốm Sa Huỳnh; c. Giai đoạn sau xuất hiện các dạng đồ đựng mới, xa lạ và tương đối chuẩn hoá được chế tạo bằng gốm mịn hơn. Sự thay đổi này được coi là sự thay đổi trong sản xuất gốm từ cấp độ cơ bản là đồ gia dụng tới chuẩn hoá hơn và có thể sản xuất gốm được tập trung hoá hơn (Ian Glover và TT. 2001: 36).
ii. Tác giả Mariko Yamagata tuy nhiên lại có ý kiến khác hơn về niên đại của các lớp văn hoá Trà Kiệu. Dựa vào địa tầng còn nguyên của hố I ở điểm Hoàn Châu, Trà Kiệu khai quật năm 1997 và dựa vào tỉ lệ của hiện vật, Mariko Yamagata đã phân chia ra ba lớp văn hoá. Lớp dưới cùng (L2-7 đến L2-3), hiện vật chủ yếu là bình hình trứng, ngói in dấu vải, nồi đáy tròn văn thừng, nắp, đĩa bát, không có vò văn in ô vuông, vò văn in ô trám bắt đầu xuất hiện ở lớp đào 2-3, tức là lớp đào muộn nhất của lớp văn hoá dưới cùng. Niên đại của lớp này vào nửa đầu thế kỷ 2 sau Công nguyên. Lớp dưới (L2-2 đến L 1-10), bình hình trứng còn rất ít, ngói in dấu vải ít dần, từ lớp 2-1 bắt đầu xuất hiện ngói sản xuất bằng kỹ thuật dải cuộn, vò văn in ô trám tăng nhất là trong lớp 2-1 và 1-10, trong lớp 1-10 đã xuất hiện vò văn in ô vuông. Niên đại của lớp này từ nửa sau thế kỷ 2 sau Công nguyên. Như vậy vò văn in ô vuông xuất hiện từ cuối thế kỷ 2 sau công nguyên. Lớp trên (từ L1-10 đến L1-1), loại ngói dải cuộn tăng nhanh ở các lớp trên, vò văn in ô vuông cũng có xu hướng tương tự, kendi xuất hiện từ lớp 1-6, niên đại từ thế kỷ 3 sau Công nguyên (Mariko Yamagata 1998: bảng 1,2; Mariko Yamagata 2004: bảng 1,2).
Trong một nghiên cứu khác, Mariko Yamagata cho rằng, tại địa điểm Trà Kiệu có ba lớp văn hoá phát triển liên tục từ đầu thế kỷ 2 sau công nguyên đến thế kỷ 4,5 sau công nguyên và muộn hơn. ứng với ba lớp này là ba nhóm gốm sau (Mariko Yamagata 1998: 71-89).
Nhóm gốm I Bửu Châu dưới (lớp văn hoá dưới cùng), từ lớp đào 2-7 đến lớp đào 2-3: đây là nhóm có niên đại sớm nhất. Hiện vật có số lượng nhiều nhất là bình hình trứng, thứ đến là ngói in dấu vải, gạch cũng đã xuất hiện nhưng rất ít và chỉ là những mảnh nhỏ, gạch cho thấy nhiều nét tương đồng với gạch trong văn hoá Óc Eo. Ngoài ra còn có đĩa miệng loe có đế thấp cắt bằng, nồi văn thừng, nắp, chân đế, đĩa và bát. Không có ngói làm bằng dải cuộn và không có gốm văn in ô vuông
Nhóm gốm II Bửu Châu dưới (lớp văn hoá dưới), từ lớp đào 2-2 đến đầu lớp đào 1-10: đây là nhóm có niên đại muộn hơn một chút, lượng bình hình trứng giảm, loại hình gốm có nồi văn thừng, vò văn chải, nắp, đĩa, bát, chân đế và cà ràng, đa số là gốm thô, nhưng cũng có một số gốm mịn. Chiếm số lượng nhiều nhất là nồi văn thừng và nắp, vẫn còn ngói in dấu vải.
Đã xuất hiện những mảnh vỡ nhỏ của gốm thô bản địa, miệng loe nhưng trang trí văn in ô trám kiểu Hán, khác với gốm văn in ô vuông miệng thẳng, là loại hình chủ đạo ở Trà Kiệu giai đoạn muộn hơn. Số lượng gạch nhiều hơn so với với tầng dưới .
Nhóm gốm Gò Dũ Dẻ (lớp văn hoá trên), từ lớp đào 1-10 đến lớp đào 1-1 ở Hoàn Châu: Tại Gò Dũ Dẻ đào năm 1996, đã tìm thấy hai kendi và một vò văn in ô vuông ở cùng một chỗ. Hiện vật trong tầng này về cơ bản khác với hai tầng dưới. Ngói làm bằng phương pháp dải cuộn và trên mặt lưng có những rãnh chải xuất hiện với số lượng lớn và thay thế ngói in dấu vải. Đầu ngói ống xuất hiện, chủ yếu là loaị trang trí hình mặt hề. Những đầu ngói mặt hề này rất giống với những đầu ngói ở Nam Kinh có niên đại Lục Triều sớm, và đó là những chỉ dẫn để tác giả Mariko chỉnh lại niên đại cho nhóm này là từ khoảng thế kỷ 3 sau Công nguyên (trao đổi ý kiến cá nhân).

Chúng tôi cho rằng tầng văn hóa dưới cùng của Trà Kiệu, tức lớp cư trú sớm nhất của Trà Kiệu không thể có niên đại bắt đầu quá sớm từ thế kỷ 2 trước Công nguyên, nhất là tại đây chúng ta không thấy những mối liên hệ trực tiếp với những địa điểm văn hoá Sa Huỳnh phát triển lên đến đỉnh cao ở lưu vực sông Thu Bồn. Khó có thể chấp nhận bức tranh cùng tồn tại của hai nhóm cư dân cùng thời song quá khác biệt về văn hoá như vậy và không hề có bất cứ mối liên hệ nào. Do vậy chúng tôi vẫn giữ quan điểm cũ của mình về niên đại sớm nhất của lớp cư trú Trà Kiệu là từ giữa, cuối thế kỷ 1, đầu thế kỷ 2 sau Công nguyên, niên đại này được củng cố qua những phát hiện mới đây ở phức hợp Thôn Tư - Gò Cấm mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

II.2. Khái quát về quá trình diễn biến văn hoá Trà Kiệu qua các kết quả khai quật
Những kết quả nghiên cứu thực địa, lý thuyết và so sánh với những địa điểm khác chứng tỏ tầng văn hóa Trà Kiệu có một diễn biến liên tục từ sớm đến muộn. Theo chúng tôi về cơ bản Trà Kiệu có những bước phát triển sau đây:
Tầng văn hoá trên- tầng I (về cơ bản ứng với lớp trên (lớp văn hoá 1, 2 khai quật năm 1993 và các lớp trên của các hố khai quật của đoàn công tác Việt-Anh –Nhật): Dày trung bình khoảng 1m, dày nhất là ở hố khai quật Bửu Châu năm 1990 từ độ sâu 0,40 đến khoảng 2,05m (từ lớp 3 đến lớp 13), tầng này mỏng dần về phía Nam. Cấu kết tầng này rất phức tạp do sự hiện hữu của những công trình kiến trúc, do tàn phá của những trận lũ lụt và của chiến tranh, nhìn chung, tầng văn hoá này có thành phần chủ yếu là đất sét màu vàng gan gà, cứng khó đào, màu sắc từ xám đến nâu nhạt, hồng nhạt tuỳ thuộc vào độ đậm đặc của hiện vật và di tích. Hiện vật chủ yếu là gạch, ngói, sành không tráng men hay tráng men, gốm mịn hơi mịn, với các loại hình như kendi, bình, vò, hũ, lọ...
Nhìn chung, gốm Chăm mịn ở tầng này có rất nhiều loại hình, mảnh gốm thô ít hơn rất nhiều so với tầng dưới. Ngoài ra còn có mảnh đồng, xỉ sắt, hạt cườm thuỷ tinh, mảnh vàng trang sức...
Một số loại hình gốm như cốc chân cao, nồi, bát, đĩa... của tầng văn hoá dưới tiếp tục có mặt trong tầng này. Ký hiệu còn lại trên các mảnh bình, vò gốm mịn và trên một số mảnh ngói cho thấy một vài tương đồng giữa sản xuất gốm giai đoạn này ở miền Trung Việt Nam với miền Bắc Việt Nam.
Gạch ngói có nhiều loại. Ngói ở Trà Kiệu có 2 kiểu: ngói móc và ngói ống có nhiều kích thước khác nhau màu sắc và độ nung cũng rất phong phú. Ngói ở Trà Kiệu lớp trên khác về cơ bản so với ngói in dấu vải ở tầng dưói. Đầu ngói ống hình tròn, được đúc nổi nhiều mô típ khác nhau như mặt Makara, mặt Kala, mặt người cách điệu hoặc hình hoa sen, hoa cúc...


Đầu ngói ống Trà Kiệu
Tầng này chứa nhiều lớp kiến trúc khác nhau, chủ yếu là kiến trúc gạch, ngói. Lớp kiến trúc muộn có niên đại từ sau thế kỷ 3, có thể đã có gạch và đặc biệt là ngói chế tạo bằng phương pháp dải cuộn, khuôn, đầu ngói ống mặt hề và sau đó là đầu ngói ống trang trí hoa sen, mây. Từ sau thế kỷ thứ 4 xuất hiện nhiều loại hình kiến trúc khác nhau như công cộng dân dụng, tôn giáo, đền đài.
(Liên quan đến tính chất văn hoá của Trà Kiệu bên cạnh hiện vật khai quật còn có một khối lượng lớn tư liệu sưu tầm, đặc biệt là hiện vật trong sưu tập của linh mục Nguyễn Trường Thăng ở nhà thờ Trà Kiệu. Những hiện vật này phản ánh quá trình phát triển văn hoá Trà Kiệu từ giai đoạn sớm đến thế kỷ 13, 14 và giúp ích cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu loại hình học đồ gốm của Trà Kiệu bằng cách so sánh những hiện vật trong hố khai quật với những hiện vật còn nguyên vẹn trong sưu tập và bổ sung những hiện vật chưa thấy trong các hố khai quật).

Tầng văn hoá dưới- tầng II (ứng với tầng dưới và tầng dưới cùng của đoàn công tác Việt-Anh –Nhật): Dày trung bình khoảng 40-50cm. ở hố khai quật năm 1990 tầng này dày khoảng 70cm (từ độ sâu khoảng 2,05m đến 2,70m, gồm các lớp đào từ 14 đến 17). Đất mềm, pha nhiều cát thạch anh thô, màu đen xám, nhiều than tro, cú những nơi các lớp than tro, sét xen kẽ nhau, nhiều xương động vật. Hiện vật chủ yếu là gốm thô và gốm hơi thô. Nhiều hạt cườm thuỷ tinh và mảnh vàng hơn so với tầng trên. Tầng văn hoá dưới ở nhiều chỗ bị những di tích kiến trúc muộn hơn của tầng văn hoá trên cắt phá. Phạm vi phân bố của tầng văn hoá dưới có lẽ hẹp hơn so với tầng văn hoá trên, ở một số hố thám sát không thấy thông báo về sự hiện hữu của tầng này. Đặc biệt trong tầng này là sự hiện diện của quần thể bình hình trứng và một số đồ gốm khác ở những lớp dưới cùng (lớp 16,17 hố khai quật năm 1990 và lớp 24, 23 hố khai quật năm 1993, lớp dưới cùng hố khai quật Gò Dũ Dẻ...) và lớp 2-7 đến 2-3 ở hố khai quật Hoàn Châu). Ở một số điểm có dấu vết kiến trúc của loại kiến trúc gỗ, lợp ngói, loại ngói in dấu vải văn thừng.
Như vậy ở giai đoạn Chăm cổ xuất hiện kiến trúc gỗ lợp ngói và có thể lợp bằng cả chất liệu thực vật khác. Đây chủ yếu là những kiến trúc công cộng, hành chính và dân dụng. Chưa thấy biểu hiện rõ nét của kiến trúc tôn giáo và tâm linh.
Gốm ở tầng dưới hầu hết thuộc chất liệu thô và hơi thô với một số loại hình chủ yếu như nồi có kích thước lớn, trang trí văn chải (nhiều), văn thừng mịn (ít hơn), vung, bát, đĩa, đèn có đáy bằng hoặc có chân đế cao, đặc không trang trí. Nét tiêu biểu của tầng văn hoá sớm nhất của Trà Kiệu là sự xuất hiện của loại gốm "bình hình trứng", trước đây loại hình gốm này mới chỉ thấy ở Trà Kiệu, hiện nay bình hình trứng đã được tìm thấy ở Gò Cấm (Duy Xuyên) và mới đây là ở Huế, Hội An., Cù Lao Ré (Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi); Vườn Đình-Khuê Bắc (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cùng với ngói in dấu vải, gốm thô và di vật có nguồn gốc Ấn Độ, Trung Hoa (Đông Hán). Bình hình trứng thường đựoc tìm thấy cùng với ngói in dấu vải, các đồ gốm thô khác. Ở Vườn Đình-Khuê Bắc, bình hình trứng tìm thấy cùng với tiền Ngũ Thù Đông Hán. Bình hình trứng biến mất cũng đột ngột như khi xuất hiện và rõ ràng chúng chỉ có chức năng chuyên biệt, khi chức năng đó mất đi thì loại hình cũng không được sử dụng và sản xuất nữa. Những phân tích mới đây cho thấy bình hình trứng là những đồ đựng dầu thực vật có nhiều khả năng là dầu cọ (Ian Glover và nnk, 2001:37) lại càng củng cố ý kiến về chức năng chuyên biệt của chúng.
Trong tầng văn hoá dưới này, đáng chú ý là sự có mặt của giai đoạn cư trú sớm nhất. Mặc dù có những nhận định khác nhau trong phân tách tầng văn hoá Trà Kiệu thành hai hay ba, nhưng các nhà nghiên cứu đều khá đồng thuận trong việc phân tách tầng văn hoá sớm nhất của Trà Kiệu, tầng có nhiều than tro cháy với lớp dưới cùng là lớp bình hình trứng, ngói in dấu vải (loại ngói Trà Kiệu sớm) và những loại hình đồ gốm thô như nồi, vung, đĩa, bát, bếp lò (cà ràng) (cùng với sự có mặt của gốm văn in Hán điển hình, gốm Ấn Độ. Theo Nguyễn Kim Dung, gạch đã được sử dụng trong thời kỳ này nhưng chưa phổ biến, bằng chứng là trong địa tầng hố khai quật Hoàn Châu đã phát hiện 1 trụ sỏi thuộc giai đoạn phổ biến bình hình trứng (Nguyễn Kim Dung 2007). Tuy nhiên, chúng tôi khá băn khoăn về niên đại và tính chất của trụ sỏi này, liệu đã chắc chắn hay chưa nếu cho rằng trụ sỏi này liên quan đến kiến trúc gạch và gạch đã được sản xuất vào thế kỷ 1 SCN ở miền Trung Việt Nam?
Tầng cư trú sớm nhất này phân bố không đều và tuỳ theo địa hình mà cư dân đã có những cách cư trú phù hợp. Ở chân núi Bửu Châu, nhóm cư dân sớm nhất đã sinh sống ngay trên bề mặt khá lồi lõm của chân núi và thường xuyên chịu những đợt ngập nước do con sông ở gần đó dâng lên vào mùa lũ, ở khu vực Hoàn Châu vết tích cư trú sớm lại nằm trên tầng sét xen laterit đắp gia cố dày trên 1m bên trên thềm sông.
Vết tích kiến trúc sớm nhất ở Trà Kiệu (tương đương hay muộn hơn chút ít so với Gò Cấm) trong hố khai quật là những hố cột gỗ và tre trong hố khai quật Hoàn Châu 1997 cùng lớp bình hình trứng gốm thô và ít ngói dấu vải. Hai trụ sỏi hình tròn mà ở trên một trụ còn dấu “thớt” gỗ ở Hoàn Châu năm 2000 cũng liên quan đến loại kiến trúc bằng gỗ sớm và lợp bằng ngói in dấu vải.
Tính chất văn hoá cư trú sớm của Trà Kiệu phản ánh sự dung hoá của những yếu tố bắt nguồn từ giai đoạn văn hoá trước đó với những yếu tố mới, đặc biệt là yếu tố Đông Hán.
Hiện vật của tầng văn hoá cư trú sớm chủ yếu là đồ đất nung và có thể được chia thành một số nhóm sau (theo chức năng và theo nguồn gốc):
Gốm xây dựng
Ngói, loại được sản xuất theo kỹ thuật từ bên ngoài - Trung Hoa. Có nhiều khả năng ngói chủ yếu dùng để lợp những kiến trúc bằng gỗ. Những hố cột và đặc biệt là cấu trúc nhà có sàn gỗ ở Gò Cấm cho thấy sự tiếp nhận một truyền thống mới trong xây dựng.
Gạch: Chưa xác định cụ thể kỹ thuật sản xuất và kích cỡ do có quá ít thông tin. Do vậy, chưa thể khẳng định một cách chắc chắn thời kỳ này (thế kỷ 1-3) gạch đã được dùng hay chưa?
Gốm chuyên biệt - bình hình trứng
Dòng gốm thô truyền thống sản xuất tại chỗ với một số loại hình nồi, bát, đĩa, đĩa đèn tiếp nối một số yếu tố của gốm Sa Huỳnh trong chất liệu, kỹ thuật chế tác và độ nung. Bên cạnh dòng này, cư dân nhập một số gốm Hán, gốm Ấn...
Bên cạnh dòng gốm này bắt đầu có sự xuất hiện của dòng gốm mới với chất liệu sét tinh mịn.

Niên đại: Tầng văn hoá dưới từ giữa thế kỷ 1 sau Công nguyên đến thế kỷ 3 sau Công nguyên.
Tầng văn hoá trên từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 7, 8 sau Công nguyên và

II.3. Kỹ thuật và niên đại đắp thành Trà Kiệu qua kết quả khai quật năm 1990 và 2003.
Kết quả cắt thành năm 1990 (Nguyễn Chiều và nnk 1991: 235-237) cho thấy thành được đắp bằng đất ở giữa và xây ốp gạch ở hai bên, không phải chỉ ở mặt ngoài như nhận định về thành Chăm của một số nhà nghiên cứu (Lê Đình Phụng 1991: 232). phần ốp gạch ở hai bên có chân móng và dưới cùng của chân móng được gia cố bằng đá, tường gạch ngoài được xây liên tục và ở độ cao từ 2,44m có 4 hàng gạch bổ trụ xây giật cấp, tường gạch trong được xây không liên tục. Giữa hai phần được xây ở dưới và ở trên có một lớp đất sét dày khoảng 40cm. Như vậy có thể bờ thành này được xây, xây dựng lại hoặc tu sửa khoảng ba lần.
Kết quả cắt thành năm 2003. Toạ độ của địa điểm cắt thành 15049’166’’ N và 108014’256’’ E. Sau khi vét sạch phần đất lấp hố năm 1990, chúng tôi đã mở rộng hố này. Diện tích hố mở rộng có chiều dài 5m và chiều ngang 10m (cũng là chiều dày của thành).

Bờ thành nam của thành Trà Kiệu, khai quật năm 2003 
Kết quả cắt thành cho thấy, lõi thành được đắp bằng đất nện chặt, trong đất có pha cát, cát được đổ thành từng đám và từng lớp, có lẽ để chống nứt. Thành được ốp gạch ở hai bên.
Hiện trạng các lớp gạch xây ốp cho thấy thành này được xây, xây lại và sửa ít nhất là ba lần. Giai đoạn sớm gạch ốp xây khá nghiêm chỉnh theo lối vừa xây vừa đắp lõi bên trong nên đường gạch xây thẳng, giai đoạn này cả bờ thành bên trong và bên ngoài đều được xây gạch.
Khi thành bị hỏng người ta đã xây lại thành. Bờ thành ngoài được xây gạch toàn bộ nhưng theo kiểu đắp lõi đất rồi mới xây. Chín hàng gạch phía trên của bờ thành ngoài xây nghiêm chỉnh, phía dưới có 14 hàng gạch. Phần sát lõi đất bờ trong có những chỗ không được xây. Bờ thành trong giai đoạn muộn chỉ được ốp gạch ở phần trên. Giữa gạch của giai đoạn dưới (trước) và trên (sau) có một đoạn được đắp đất hoàn toàn mà không xây. Như vậy có thể ở giai đoạn muộn bờ thành trong chỉ được xây ở phía trên ngang mức với 9 hàng gạch của bờ thành ngoài cùng giai đoạn. Phía bờ thành ngoài để gia cố người ta đã xây những hàng gạch thoải ra kiểu bổ trụ để chống giữ bờ thành.

Hố khai quật bờ thành Nam của thành Trà Kiệu năm 2003
Niên đại của thành Trà Kiệu: Hố cắt bờ thành Nam của thành Trà Kiệu cho thấy cách thức xây thành của cư dân Chăm cổ nhưng không cung cấp nhiều tư liệu xác định niên đại xây thành. Hiện vật tìm được trong hố khai quật (ngoại trừ những hiện vật hiện đại dễ nhận thấy ở phía trên) chủ yếu là gạch, ngói, đầu ngói ống và gốm .

Những mảnh đầu ngói ống tìm thấy trong hố cắt bờ thành nam của thành Trà Kiệu

Gạch tìm được trong hố đào giống với loại gạch xây thành, gạch có kích thước trung bình dài 37cm, rộng 9cm, dày 9cm, có những viên dày đến 12cm. Gạch có nhiều màu sắc khác nhau và độ cứng khác nhau từ mềm bở đến cứng sắc gần như sành. Có một số viên có độ dày hai đầu không bằng nhau, đầu to dày 8cm, đầu nhỏ dày 5cm.
Ngói: Trong hố đào chỉ có loại ngói mặt lưng văn chải, mặt bụng không có dấu vải, tức là ngói giai đoạn trên của Trà Kiệu. Một số mảnh ngói trên mặt bụng có các ký hiệu giống ký hiệu đã thấy trên đáy vò hay kendi gốm. Màu sắc ngói và độ nung ngói cũng khá đa dạng và có mối liên hệ chặt chẽ giữa kỹ thuật làm ngói này với kỹ thuật sản xuất gốm Chăm mịn.
Đầu ngói ống: Có một số đầu ngói ống kiểu trang trí mặt hề, có 01 đầu ngói có đường kính nhỏ hơn so với những đầu ngói còn lại. Những đầu ngói này giống với những đầu ngói mặt hề đã tìm thấy ở Trà Kiệu, Cẩm Phô (Quảng Nam) Thành Trà – Bình Định (Lê Đình Phụng 2004:779), Cổ Luỹ-Phú Thọ-Quảng Ngãi, Thành Hồ-Phú Yên và Tam Thọ - Thanh Hoá, Luy Lâu - Bắc Ninh có niên đại Lục Triều sớm (so sánh với đầu ngói Nam Kinh, Trung Quốc) từ khoảng cuối thế kỷ 4 SCN .
Gốm: Có hai loại gốm thô và gốm mịn giống như gốm tầng văn hoá trên của Trà Kiệu. Đáng lưu ý là sự có mặt của loại gốm thô pha nhiều bã thực vật, xương đen thẫm có nhiều lỗ nhỏ li ti, áo có màu đỏ hồng và đã bị bong ở nhiều chỗ, loại gốm này cũng phát hiện được ở cả hai tầng văn hoá trên và dưới ở di tích Cổ Luỹ-Phú Thọ (Quảng Ngãi).
Tất cả hiện vật tìm thấy trong lớp đất đắp luỹ cũng như trong các lớp xây ốp thành đều nằm trong khung niên đại từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 6 và 7, trong hố đào không thấy hiện vật có niên đại sớm hơn thế kỷ 3 trở về trước và muộn hơn thế kỷ 7 trở về sau. Hiện vật ngói, gốm, đầu ngói ống ở đây tương đương với hiện vật thuộc giai đoạn đầu đến giai đoạn giữa của tầng văn hoá trên trong hố khai quật dưới chân đồi Bửu Châu và những điểm khác trong khu vực Trà Kiệu.
Dựa vào nhiều nguồn tư liệu như thư tịch, kỹ thuật xây thành và hiện vật khảo cổ, chúng tôi cho rằng thành Trà Kiệu có niên đại khởi xây từ khoảng thế kỷ thứ 4 SCN. Như vậy, niên đại sớm nhất của tường thành Nam này tương đương với niên đại đầu của tầng văn hoá trên Trà Kiệu, thành đã được sửa chữa và đắp lại vài lần ở những giai đoạn muộn hơn.

Lâm Thị Mỹ Dung và nhóm thực hiện đề tài


kéo dài sau đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét