Danh hiệu là một phần, nhưng thái độ đón nhận nó thể hiện tư duy... bền vững hay ăn xổi, và cũng phơi bày cho thiên hạ thấy cái tầng/ gu văn hóa của nhà cai quản.
Việc tạp chí National Geographic bình xếp bãi biển Nha Trang và Mũi Né của Việt Nam vào top những bãi biển “tồi nhất” thế giới tạo nên nhiều phản ứng trái chiều, thậm chí với quan chức bản địa nó như một cú sốc quá bất ngờ và khó chịu. Đến nỗi ngay tức khắc, ông Lê Xuân Thân, phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phản pháo lại rằng: cần phải xem xét lại một số vấn đề phản ánh trong bản tin này, đó là thông tin sai sự thật, đồng thời tuyên bố sẽ có văn bản gửi tạp chí National Geographic về việc họ đã đưa ra những nội dung không đúng sự thật.
Khoan bàn đến chuyện đúng sai trong phương cách xếp hạng của National Geographic, trước hết, cách phản ứng và thái độ “ăn thua đủ” đòi “có ý kiến” trong tư duy tiếp nhận của không ít quan chức địa phương cần phải xem lại. Khi được người ta khen thì anh hồ hởi reo hò, khi bị chê tí đã nóng mặt, giãy nảy lên đòi “có ý kiến lại”. Tỉnh táo trước lời khen, và biết tỉnh táo đón nhận cả những sự phê phán chê bai để nhìn lại, phân nhận ra khiếm khuyết, vướng đọng mà tháo gỡ, thế mới mong tìm kiếm được cơ hội phát triển.
Mỗi năm tạp chí National Geographic tổ chức bình chọn những điểm đến trên thế giới với nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 2010 là năm thứ 7, National Geographic chọn 99 bãi biển trên thế giới để xếp hạng. Tiêu chí phân xếp của họ là chất lượng môi trường và hệ sinh thái, tính toàn vẹn văn hóa và xã hội, tình trạng của các di tích lịch sử và địa điểm khảo cổ, tính thẩm mỹ, chất lượng quản lý du lịch và tiềm năng phát triển.
Đấy là cái đẹp từ con người, chứ không chỉ riêng cái đẹp thiên nhiên nhờ ông Trời ban tặng. Nếu chiểu theo các tiêu chí trên thì những bãi biển như Nha Trang, Mũi Né... đáng đứng ở vị trí nào? Thay vì phản ứng tiêu cực và đổ vấy cho người xếp hạng, trước hết nên biết bình tĩnh đón nhận để ngoái trông lại mình, xem ngôi nhà mình đang quản có còn trong sạch bậc nhất thế giới hay không, đã bị vấy bẩn đến mức nào mà chăm chút dọn chùi lại.
Vài năm trước, Nha Trang được tổ chức các Câu lạc bộ Biển toàn cầu (Worldbays) vinh danh là một trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới. Trước đó, Vịnh Hạ Long cũng đón nhận vinh dự này. Không lâu sau, thêm một vịnh biển nữa: biển Lăng Cô, Thừa Thiên- Huế, khu vịnh biển thứ 3 của Việt Nam được Worldbays đưa vào danh mục những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Một sự kiện nữa: Tạp chí Forbes của Mỹ bình xếp biển Đà Nẵng Việt Nam vào top 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Chúng ta hồ hởi đón nhận những danh hiệu này như một phần thưởng lớn. Và thực tế, sự ghi danh đó đã tăng thêm sức tỏa và những hấp lực không nhỏ cho các thương hiệu biển Việt Nam, nhiều nơi đến giờ đã thành những điểm son đỏ trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Tuy nhiên, vẻ đẹp trời cho, tức tài sản thiên nhiên ban tặng sẽ không bền lâu nếu thiếu ý thức gìn giữ. Sự phát triển ào ạt các khu nhà hàng, khách sạn, quán nhậu và những dịch vụ theo kiểu lối tư duy ăn sổi dọc quanh các bờ biển từ Bắc chí Nam trong những năm gần đây đã không còn dừng lại ở lời cảnh báo, mà thật sự đã trở thành một mối nguy. Nếu ai còn lưu giữ được những bức ảnh và thước phim về biển Đà Nẵng khoảng 10 năm trước, sẽ rất... kinh ngạc khi bây giờ thấy biến mất hẳn những rừng dương xanh ngắt rì rào ven biển, thay vào đó là những khu nhà nghỉ, quán nhậu dày đặc xây trồi ra bờ cát. Bao nhiêu nhà hàng quán nhậu là bấy nhiêu những ống thông chất thải tống trực tiếp ra biển.
Ấy là biển Đà Nẵng vẫn còn khá, ra Đồ Sơn, vào Nha Trang, Vũng Tàu, hay Phú Quốc... sẽ thấy cái màu xanh của biển đã bị bẩn vấy, ô nhiễm và xú uế tới mức nào.
Thật xấu hổ khi đọc được những dòng nhận xét của du khách nước ngoài, ông Noel Rousset, một du khách người Pháp, 68 tuổi, từng là thành viên tàu thám hiểm Calypso: “Tôi là người Pháp nhưng rất mê những bờ biển VN, vì vậy trong những lần tới đây du lịch, công tác... tôi thường tranh thủ thời gian để đi tham quan tất cả bãi biển từ Nam ra Bắc. Nhưng trái với cảm xúc những lần đầu hăm hở, hạnh phúc, càng về sau tôi càng thất vọng, chán nản... Việt Nam trong mắt chúng tôi là vùng đất nhận được nhiều ưu đãi từ thiên nhiên, vì có cả biển xanh lẫn non cao. Dễ gì kiếm được một nơi có bờ biển trải dài khắp cả nước và khá nhiều trong số đó được công nhận là đẹp nhất thế giới! Nhiều bạn bè tôi thậm chí không giấu nổi vẻ ganh tị khi nói về điều này. Vậy tại sao cảm giác của tôi hiện tại là thất vọng, chán nản? Hầu hết bãi biển Việt Nam mà tôi từng đặt chân đến hiện đang bị ô nhiễm và khai thác một cách tràn lan. Có những khu vực người dân xả thẳng rác thải, chất xú uế ra biển, nhiều nhà hàng trên biển không xử lý rác theo yêu cầu, nhiều con kênh, mương bốc mùi kinh khủng được vô tư dẫn ra biển...
Dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ ở bờ biển Nha Trang thay vì chạy 20m để tới thùng rác, thì chúng vô tư vứt ngay xuống chân mình vỏ bao kem vì tin rằng “rồi sóng cũng sẽ cuốn mất và bờ cát lại sạch mà thôi!”...
Không ít bãi biển được liệt vào hàng đẹp và quyến rũ bậc nhất hành tinh lại có khi khiến du khách rơi vào cảnh vừa tắm biển vừa phải dang tay gạt rác!
Như thế thì nên trách người bình chọn hay trách chính ta? Mọi thứ danh hiệu, cho dù là đẹp nhất hay quyến rũ nhất hành tinh cũng chỉ là nhất thời. Các thứ loại danh hiệu, dù đẹp, quyến rũ và... cao quí đến đâu cũng không phải là tấm phao bảo kê suốt đời. Sẽ không bền vững, sẽ tan vỡ như bọt biển một khi phát triển quá nóng, chỉ biết chú tâm vào khai thác triệt để, khai thác nhiều nơi như... hãm hiếp thiên nhiên!
Năm ngoái, tôi có dịp lăn mình trên bãi biển lừng danh Varadero (Cu Ba). Ngắm biển họ, ngẫm về biển mình nhiều khi thấy dường như mấy cái danh hiệu “đẹp nhất” với “quyến rũ nhất hành tinh” kia có khi cũng chỉ là cách bình chọn động viên mang tính chất rất... mật trận dành cho những quốc gia thua thiệt và còn ít tiếng tăm như mình. Nếu Đà Nẵng, Nha Trang, Lăng Cô... là đẹp nhất, quyến rũ nhất hành tinh, thì chẳng biết dùng danh hiệu nào cho Varadero?
Nói vậy để thấy cái văn hóa tiếp nhận của người Việt quanh những chuyện bình xếp nhất nhì này cũng còn quá thấp lùn so với thiên hạ.
Tôi thích cách đón nhận điềm tĩnh đầy trách nhiệm như ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch: Nên xem sự xếp hạng trên như lời cảnh báo, nhắc nhở, giúp chúng ta cảnh giác trước những thay đổi chưa được hợp lý trong phát triển du lịch dựa vào lợi thế biển.
Danh hiệu là một phần, nhưng thái độ đón nhận nó thể hiện tư duy... bền vững hay ăn xổi, và cũng phơi bày cho thiên hạ thấy cái tầng / gu văn hóa của nhà cai quản.
Trương Duy Nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét