Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Vì sao có chuyện đó ?

Nguyễn Thị Từ Huy

Có lẽ tôi khó mà quên được một bài kiểm tra giữa kỳ của một sinh viên đại học năm thứ ba mà tôi từng dạy. Tôi không còn nhớ tên của sinh viên ấy nữa, nhưng bài viết đó thì rất khó quên. Trong trí nhớ vốn kém cỏi của tôi vẫn còn lại nguyên văn câu hỏi này : « Khi mà tất cả học sinh trong một lớp học đi phong bì cô giáo, còn một học sinh không đi, thì cái gì là phi lí và cái gì là có lí ở đây ? » Hoá ra cái phong bì đã trở nên phổ biến ở cái độ tuổi mà ta vẫn thường hình dung là có tâm hồn như một tờ giấy trắng, thuần khiết và tinh khôi. Quan hệ thầy trò cũng thành ra là một quan hệ mua bán. Khi tham gia giảng dạy ở các loại hình đào tạo khác nhau, tôi cũng được nghe kể về những đòi hỏi, yêu sách của giáo viên, những đòi hỏi mà bản thân tôi, với tư cách là một người có viết truyện hư cấu, cũng khó hình dung nổi. Hai mươi năm trước đây, khi còn là học sinh, chúng tôi hầu như không hề phải chứng kiến những chuyện như vậy.



Câu hỏi của em sinh viên gợi lên cho tôi một câu hỏi khác : « Bao nhiêu người trong giáo giới thấy chuyện đó là bình thường và bao nhiêu người thấy chuyện đó là bất thường ? » Đương nhiên tôi không có lời đáp cho câu hỏi đó. — Trong thực tế hiện nay vẫn có những người thầy nhường cơm sẻ áo cho học trò, vẫn có những cô giáo vùng lũ hy sinh cả tính mạng của mình để cứu học sinh — Nhưng có thể suy nghĩ về một câu hỏi khác nữa : « Vì sao có chuyện đó, và vì sao chuyện đó trở nên bình thường ? » Khi truy nguyên vấn đề, ta sẽ thấy mối quan hệ thầy trò cần phải được nhìn nhận trong toàn bộ bối cảnh chung của xã hội. Ở đây chúng tôi chỉ tập trung vào một vài điểm.

Một trong những căn nguyên sâu xa là ở chỗ : người giáo viên không sống được bằng đồng lương của mình. Trong khi giá một tách cà phê của Trung Nguyên có thể lên đến 50 000 đồng, thì mức lương khởi điểm của một viên chức nhà nước cao nhất chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng. Hãy thử tính xem một tháng lương của họ mua được mấy tách cà phê ? Và họ phải sống, phải lo cho bố mẹ, lo cho con cái, phải đi viện, v.v… Có nghĩa là họ phải có tiền. Và cách để có tiền dễ dàng nhất là khai thác mối quan hệ công việc của họ. Thế là học sinh có thể biến thành đối tác, hay tệ hơn, thành phương tiện khai thác. Đạo đức của người thầy vì thế dễ dàng bị đe dọa bởi lý do mưu sinh.

Nếu xét từ góc độ lương tri xã hội thì mức lương hiện nay của các viên chức nhà nước, không riêng gì trong lĩnh vực giáo dục, biểu hiện một sự thiếu tôn trọng đối với họ. Tại sao lại thiếu tôn trọng ? Vì họ làm việc nhưng không sống được bằng công việc của mình. Đồng lương phản ánh sự công nhận của xã hội về giá trị của người lao động. Ta biết là cơ chế tuyển dụng ở các nước phát triển cho phép người lao động tự đề xuất mức lương của mình, cho phép họ tự đánh giá năng lực và giá trị của họ. Nếu như lương quá thấp thì có nghĩa là công việc của người lao động bị đánh giá thấp. Nếu một loại lao động bậc cao mà bị trả lương thấp thì phải giải thích như thế nào ? Nếu lao động để rồi nhận được một khoản thù lao không đủ duy trì cuộc sống thì phải giải thích như thế nào ? Người ta có thể suy diễn rằng trong tư duy của người trả lương, người lao động không được tôn trọng, không đáng để được sống cho ra sống, chỉ đáng sống một cách thấp kém. Một suy diễn như vậy hoàn toàn có thể, khi mà trong tương quan chung của xã hội hiện tại, cùng một công việc, thì ở khu vực tư nhân, người lao động được trả công cao hơn gấp nhiều lần. Hiện nay quả thật rất khó tìm lý do để biện minh cho việc các cơ quan nhà nước trả lương thấp hơn quá nhiều so với các đơn vị tư nhân trong cùng lĩnh vực. Rất khó có thể lấy lý do khó khăn để biện minh khi mà hàng chục nghìn tỉ đồng này được chi để đầu tư cho các công ty thua lỗ, hàng chục nghìn tỉ đồng nọ được chi cho các công trình biết chắc không có lãi, rồi hàng chục nghìn tỉ khác được chi cho một lễ hội, và còn bao nhiêu chục nghìn tỉ nữa đã được chi cho các dự án không hiệu quả, và không thống kê được. Nếu dùng số tiền đó vào việc trả lương cho viên chức, nâng cao đời sống của họ, lúc đó không những giảm được các tiêu cực trong xã hội mà còn có thể nâng cao được năng lực và hiệu quả sản xuất, kéo theo là đạo đức xã hội sẽ được thiết lập lại. Khi đó, người lao động không cần phải nghĩ đến chuyện làm giả ăn thật nữa, không còn cần phải nghĩ đến các mưu mẹo để « moi » tiền nhà nước (rồi chậc lưỡi, tự lảng tránh lương tâm bằng cách lập luận rằng có những người còn biển thủ của nhà nước hơn mình gấp nhiều lần).

Người viên chức, khi chấp nhận đồng lương tồi tệ đó, thì cũng có nghĩa họ chấp nhận bị đánh giá thấp về mặt giá trị và năng lực lao động. Rất có thể, một cách tự nhiên, ngoài tầm kiểm soát của ý thức, người viên chức quen dần với việc bị coi là thấp kém, quen dần với việc người ta muốn đối xử với mình thế nào cũng được, quen dần với việc đánh mất lòng tự trọng, và chỉ còn nghĩ đến việc làm thế nào để tồn tại. Lúc đó nhân phẩm không còn mấy ý nghĩa trước nhu cầu tồn tại. Lâu dần vấn đề nhân phẩm không còn đặt ra nữa. Mọi quan hệ đều có thể bị đánh giá bằng hiệu quả tiền bạc, kể cả quan hệ thầy trò.


Nói như vậy không có nghĩa là mọi viên chức đều rơi vào trường hợp trên đây. Cũng nhiều người kiếm sống bằng những công việc làm thêm chân chính. Nhưng hệ quả là họ có thể sao nhãng chuyên môn chính. Vấn đề là họ không thể sống bằng công việc chính của mình. Biết bao nhiêu tài năng đã phôi pha vì phải mưu sinh ? Biết bao nhiêu trí tuệ lẽ ra phải được sử dụng cho việc sáng tạo và kiến thiết rút cuộc đã chỉ được phát huy ở những khía cạnh mà ta gọi là có tính chất thực dụng, tức là để tạo ra tiền bạc ?


Nạn chảy máu chất xám của khu vực nhà nước hiện nay có một lý do còn sâu xa hơn cả nhu cầu mưu sinh, đó là nhu cầu được thừa nhận về giá trị. Những người có năng lực muốn rằng năng lực của họ được đánh giá đúng mức, muốn nhận được sự tôn trọng mà họ đáng được nhận. Họ cũng muốn có thể sống được bằng những đồng tiền mà họ làm ra một cách chân chính. Đồng thời họ muốn có cơ hội để thể hiện những khả năng của mình. Đó là một nhu cầu chính đáng và lành mạnh mà tất cả các xã hội phát triển đều khuyến khích.


Mối quan hệ thầy trò còn bị ảnh hưởng do cơ chế tuyển dụng. Trong bài tham luận cho chương trình tọa đàm « Doanh nhân trẻ đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện đại hội Đảng lần thứ XI »1, Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, đã có nhận xét rằng : « Môi trường ở Việt Nam có vẻ như KHÔNG khuyến khích hay CHƯA CÓ một nhu cầu thực sự về nguồn nhân lực chất lượng cao ». Tiêu chí đánh giá nhân lực vẫn là « khôn vặt », « làm hài lòng cấp trên » thay vì « tính sáng tạo » và « tinh thần doanh nhân ». Trong lĩnh vực kinh doanh mà còn như vậy. Trong lĩnh vực giáo dục, cơ chế tuyển dụng ở các trường công lập (hiện nay trường công lập vẫn chiếm đa số) thường 2 không dựa trên tiêu chí năng lực, mà, hoặc là thuần túy dựa trên quan hệ và tài chính, hoặc là năng lực cộng với quan hệ và tài chính, đôi khi chỉ tiêu chí tài chính cũng đủ. Tài chính có nghĩa là gì ? Có nghĩa là người xin việc phải bỏ ra một khoản tiền để được nhận vào làm việc. Thế là tuyển dụng cũng trở thành một hình thức mua bán. Như vậy, ngay từ khi khởi nghiệp, chấp nhận tuân thủ cơ chế tuyển dụng ấy, người giáo viên đã đánh mất lòng tự trọng của mình. Đạo đức đã suy thoái ngay từ lúc đó3 . Hai nữa, bỏ ra một số tiền rất lớn để thu về một số lương quá ít ỏi quả là một nghịch lý. Để giải quyết nghịch lý đó, không ít giáo viên đã khai thác đối tượng học sinh của mình. Và trong khi đa số giáo viên sống khó khăn vì đồng lương eo hẹp thì một bộ phận nhỏ quan chức giáo dục lại có siêu thu nhập không thể tưởng tượng được. Điều đó càng khiến người giáo viên không có lý do gì để giữ gìn cái mà trước đây được gọi là đạo đức nghề nghiệp hay nhân phẩm.

Do vậy, giải quyết vấn đề lương không chỉ là giải quyết vấn đề đời sống cho giáo viên, cho viên chức, mà còn là để cứu vãn cả nền tảng đạo đức xã hội. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức đầy đủ rằng sự băng hoại của các mối quan hệ giữa người và người — trong đó có mối quan hệ thầy trò — bắt nguồn từ chính sự thiếu tôn trọng nhân viên bằng việc buộc họ phải làm việc để nhận một đồng lương không xứng đáng với lao động của họ, không xứng đáng với nhân phẩm của họ, chỉ khi nào chúng ta dám thừa nhận rằng đồng lương chính thức mà các viên chức đang nhận được hiện nay là một đồng lương mang tính sỉ nhục, thì lúc đó chúng ta mới có quyền nói đến sự tôn trọng đối với con người, mới có quyền nói đến các khái niệm « vì dân » hay « vì con người ».

Dĩ nhiên, lương chỉ là một trong rất nhiều yếu tố tác động tới quan hệ thầy trò thời đương đại. Những yếu tố đó đều cần được đưa ra thảo luận, nếu thực sự muốn cải thiện và thay đổi tình trạng.

Nguyễn Thị Từ Huy
Tp HCM, 15/11/2010

(Bài trả lời phỏng vấn của An ninh thế giới cuối tháng, số tháng 11/2010)

Nguồn trích trong bài
1 Chương trình tọa đàm diễn ra ngày 31/10/2010, ở Tp HCM, tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, với sự tham gia của bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung Ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

2 Đương nhiên là vẫn có những người được tuyển dụng nhờ khả năng của họ, và vẫn có những trường tuyển dụng dựa trên tiêu chí năng lực. Bức tranh giáo dục không hoàn toàn xám xịt, và cũng không bao giờ có thể hoàn toàn xám xịt.

3 Ở đây đang nói tới đạo đức của người được tuyển dụng, còn đạo đức của người tuyển dụng trong những trường hợp như thế này chắc hẳn đã trải qua một quá trình suy thoái lâu dài.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét