Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Phát hiện di tích bên bờ sông Cái - Phú Yên: Mộ chum hay lò hoả táng?

(ANTĐ) - Có lẽ, những điều bí ẩn bên bờ con sông Cái, đoạn chảy qua địa phận xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên vẫn sẽ mãi mãi ngủ vùi trong lòng đất nếu như không có trận lũ lịch sử tràn qua đây vào năm 2009... Lũ dữ đã “bóc” đi đến 1m đất, làm lộ ra cả một hệ thống các dấu tích đất nung. Lần đầu tiên, các nhà khảo cổ học tìm ra dấu tích các lò hỏa táng bằng đất nung.




Dấu tích lò nung xuất lộ ở di chỉ Xuân Sơn Nam




Giải mã Xuân Sơn Nam


Di tích Xuân Sơn Nam (hay còn gọi là doi Tân An) phân bố trên một doi đất cao sát bên hữu ngạn sông Cái - con sông bắt nguồn từ núi La Hiên nằm giáp giới giữa ba tỉnh Phú Yên, Bình Định và Gia Lai. Về mùa khô, đoạn sông chảy qua Xuân Sơn Nam chỉ là một dòng chảy nhỏ, nhưng mùa mưa, nước dâng mênh mông, tràn cả hai bên bờ. Đầu thế kỷ XX, đây là điểm định cư chính của dân thôn Tân An, nhưng đến năm 1924, nước sông dâng cao, gây ra trận lụt khủng khiếp, toàn bộ các hộ dân sinh sống tại địa điểm này phải chuyển vào sát chân núi. Từ đó doi đất này không có người ở, chỉ để trồng hoa màu.
Nằm trong “địa chỉ đỏ” của bản đồ khảo cổ học miền Trung, lâu nay, ở Xuân Sơn Nam, người dân vẫn tình cờ tìm thấy các dấu tích kiến trúc cổ, khi thì ở trên đỉnh núi U Cây Da, lúc lại ở thôn Tân Bình. Nhưng việc phát hiện cả một hệ thống dấu tích đất nung thì đây là lần đầu tiên.


Trên diện tích 3.725m2, các nhà khoa học đến từ Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Phú Yên đã tìm thấy một hệ thống lò đất nung, phân bố không đều, có nơi di tích nằm riêng lẻ nhưng cũng có nơi phân bố thành từng cụm từ 2 đến 3 lò. Những lò này không nằm theo một hướng cố định mà theo nhiều hướng khác nhau. Do nước lũ tàn phá nên phần lớn các lò đã bị hư hỏng phần phía trên, không còn nguyên dạng như ban đầu, theo phỏng đoán, có thể đã bị lũ “bóc” đi khoảng 1/3. Ban đầu, nhiều người nghĩ đây là dấu tích của loại hình mộ chum.


Tuy nhiên, khi bắt tay vào khai quật, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy không đơn giản như vậy. Xét về hình dáng, nếu lướt qua, có thể nghĩ đây là một loại hình lò nung, thường để làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống. Nhưng khi đi sâu vào phân tích các yếu tố kỹ thuật như độ dày của thành hiện vật, các cửa ở 2 đầu lò, cùng dấu tích (còn lại) thì cho kết quả bất ngờ. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học Việt Nam - phụ trách công trường khai quật di chỉ Xuân Sơn Nam) cho biết, ở hố khai quật 1, đã tìm thấy một lò dài 2,15m, rộng lòng 70cm. Các nhà khảo cổ đã tiến hành bóc từng lớp trong lòng lò và trong lớp tro than đã phát hiện được những mẩu xương nhỏ bị cháy đen.


Đây là chứng cứ vô cùng quan trọng cho việc xác định tính chất và công năng của lò mà trong đợt thám sát trước đó mới chỉ là giả thuyết. Toàn bộ cấu trúc của lò cho thấy đây là một loại lò đất nung, hình thuyền, 2 đầu có lỗ thoát và máng thông với bên ngoài. Vách ngoài ở đầu thắt phía Bắc có dấu vết của lỗ cá dùng để cố định lò và làm sàn thiêu bên trên. Đầu phía Nam, trên miệng thoát có dấu chôn cột là một lỗ hình tròn xuyên qua đầu lò, đây cũng có thể là cột giàn thiêu. Trong lòng lò là nơi đốt lửa thiêu đầu tiên với nhiệt độ rất cao đủ để cháy giàn củi bên trên và xác hoặc xương (nếu thiêu khô). Để mở rộng nghiên cứu, hố khai quật thứ 2 tiếp tục được mở, cách hố thứ nhất 42m về phía Tây. Hố khai quật thứ 2 tìm thấy dấu tích của 2 lò nung, cả hai lò này đều đã bị thời gian và lũ hủy hoại ít nhiều, nhưng về cơ bản, nó vẫn có những đặc điểm như hố khai quật 1, vẫn là những mẩu xương tìm thấy dưới đáy lò...


Bất ngờ ngoài mong đợi


Với những chứng cứ khảo cổ học như tro than, xương cháy, các nhà nghiên cứu kết luận, đây là một loại hình “lò hỏa táng” được làm bằng đất nung. Rất có thể, những lò này được sản xuất hàng loạt ở một nơi khác và vận chuyển đến khu vực được chọn làm nơi tiến hành nghi lễ hỏa táng. Trên diện tích 3.725m2 đã thống kê được 73 lò. Có thể nhận định đây là một khu chuyên tiến hành các nghi lễ hỏa táng lớn. Với những chứng cứ xương cháy và lớp tro than khá dày còn lại trong lò (chắc chắn có lẫn cốt đã thành tro), cùng với hiện tượng đập phần trên của thành lò lấp vào cùng với đất, đá, còn cho thấy, ngoài tính chất là lò thiêu ở giai đoạn đầu, lò này còn đóng vai trò “là một quan tài bằng đất nung” ở giai đoạn sau của nghi lễ táng người chết. Đây là một phát hiện khảo cổ học rất mới, có thể nói rằng đây là dạng thức táng kép: Hỏa táng và địa táng cùng được thực hiện một lúc. Các nhà khoa học gọi đây là loại hình di tích Lò-Mộ.


Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông cho biết, chất liệu đất nung để làm lò là đất mịn, lọc kỹ, độ nung không cao, lò có kích thước lớn, tồn tại tốt qua thời gian trong điều kiện môi trường khắc nghiệt..., đây chính là nét kỹ thuật làm gốm đặc trưng của cư dân Chăm Pa - chủ nhân của những ngôi đền tháp kì vĩ, những phù điêu, tượng, hoa văn trang trí kiến trúc bằng đất nung. Hơn nữa, trên mảnh đất miền Trung nói chung và Phú Yên nói riêng, chỉ có người Chăm mới có nghi lễ và táng thức hỏa táng. Từ những lí do ấy, có thể khẳng định chủ nhân của di tích này là người Chăm. Hiện, vẫn chưa thể xác định niên đại của di chỉ. “Thường trên những khu mộ này có nhiều đồ gốm song hành với nghi lễ và táng thức, người ta cũng dùng bình gốm để chôn cất tro cốt. Khi lò trở thành mộ cũng có thể có những đồ gốm chôn theo với tín ngưỡng chia của cho người chết. Nhưng ở đây chúng tôi đã không tìm thấy những đồ gốm đó”- Tiến sĩ Đông cho biết thêm. Trong thời gian tới, những mẫu tro than, xương sẽ được phân tích bằng phương pháp C14. Câu hỏi về niên đại chỉ có thể trả lời sau khi có kết quả phân tích mẫu.


Với kết quả vừa được công bố, di chỉ Xuân Sơn Nam là một loại hình di tích rất đặc biệt chưa từng biết đến ở Việt Nam. Nếu được đầu tư nghiên cứu một cách bài bản, có hệ thống, rất có thể, di chỉ này sẽ là một bước ngoặt, một sự đột phá trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa không những của văn hóa Chăm Pa mà còn của cả miền Trung và Tây Nguyên. Vì thế, ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng cần có những biện pháp bảo vệ di tích khỏi sự xâm hại bởi những hoạt động canh tác nông nghiệp hay đào phá di tích với mục đích khác ngoài nghiên cứu. Hiện, di tích nằm ở ven sông, không thể bảo tồn tại chỗ nên rất cần có dự án nghiên cứu tổng thể, khai quật khảo cổ học để di dời di tích về nơi an toàn nhất.


Quỳnh Vân


Nguồn: http://www.antd.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=85619&ChannelID=8
 

Vì có một số người hỏi tôi về phát hiện này của TS. Nguyễn Tiến Đông nên tôi đưa lại tin này và có một vài ý kiến sau.
Những vấn đề đặt ra cho cuộc khai quật này:
1. Phải cần thêm rất nhiều chứng cứ khác như mật độ than tro, độ bám than và mức độ cháy của vách bên trong và bên ngoài, cửa đưa củi, cây vào bên trong... để xác định đây có phải là lò thiêu hay là một dạng quan tài đất nung.
2. Nếu có đủ tư liệu để xác định đây là lò-mộ thì sẽ cần nghiên cứu tiếp những vấn đề sau:
i. Phân tích để xác định những mẩu xương cháy là xương động vật hay xương người


iii. Phân tích niên đại C14 và AMS của xương cháy và từ đó là niên đại của lò-mộ


iii. Phân tích ADN và gene cũng như đồng vị của xương cháy để biết về chủ nhân và đời sống của họ.


iv. Nghiên cứu so sánh dân tộc học, khảo cổ học (lịch đại và đồng đại) để xác định nguồn gốc của táng tục và táng thức kiểu này. Ví dụ so sánh với táng thức mộ chum của văn hóa Sa Huỳnh, với Cánh Đồng Chum Lào, với tục làm quan tài đất nung ở Đông Nam Á Hải đảo...

v. Nghiên cứu thư tịch cổ về táng thức và táng tục của các cộng đồng dân cư cổ từng sinh sống trên dải đất miền Trung.

vi. Tạm thời chưa thể kết luận chủ nhân của những di tích này là người Chăm.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét