Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

Tranh luận về cồng chiêng Tây Nguyên

LTS: Sau bài viết “Cồng chiêng Tây Nguyên sản xuất tại Thái Lan” trên số báo SGTT ra ngày 27.7.2010, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Đáng lưu ý là phản hồi của nhà văn Nguyên Ngọc và ông Nguyễn Duy Ngọc. Theo ông Nguyễn Duy Ngọc, việc cồng chiêng Tây Nguyên do người Tây Nguyên làm ra như GS Trần Quang Hải đã trả lời phỏng vấn là không đúng và ông dẫn ra một số bằng chứng từ sự biết của ông. Nhà văn Nguyên Ngọc, người đã có nhiều tác phẩm văn học về Tây Nguyên và cũng đã xem Tây Nguyên là một phần máu thịt của mình, đã bức xúc khi nói về câu chuyện xuất xứ của cồng chiêng Tây Nguyên.

SGTT.VN - Chúng tôi gửi đến bạn đọc những ý kiến của ông Nguyễn Duy Ngọc và ông Nguyên Ngọc để chúng ta cùng nhau hiểu biết thêm về câu chuyện cồng chiêng Tây Nguyên, một trong những niềm tự hào của chúng ta khi đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới từ năm 2009.
Hai ý kiến khẳng định, cồng chiêng Tây Nguyên là những sản phẩm "nhập ngoại" nhưng đã được người Tây Nguyên khéo léo "biến" thành bản sắc của mình.

Ông Nguyễn Duy Ngọc: Người Tây Nguyên có sản xuất được cồng chiêng không?

Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không hề đúc được cồng chiêng. Họ chỉ sử dụng cồng chiêng “nhập ngoại” vào các sự kiện sinh hoạt văn hóa của họ. Lúc đầu cồng chiêng vào Tây Nguyên chủ yếu theo đường từ Lào sang, có xuất xứ từ Trung Quốc, Myanmar. Những chiếc cồng chiêng này có giá trị rất cao, thậm chí đổi nhiều con trâu mới có được một chiếc, nó là tài sản lớn trong các gia đình Bana, Jarai, Ê đê...

Sau này, và chỉ rất lâu sau này, các làng đúc đồng dọc theo duyên hải miền Trung mới đúc cồng chiêng mang lên bán cho người Tây Nguyên. Làng Phước Kiều (Điện Bàn, Quảng Nam) là nơi cùng cấp một số lượng lớn cồng chiêng lên Tây Nguyên cho đến bây giờ. Ông Dương Ngọc Sang, một nghệ nhân đúc đồng lão làng ở Phước Kiều cho biết trước đây ở Phước Kiều chỉ đúc các vật dụng gia đình bằng nhôm đồng như xoong, chảo..., cho đến khoảng sau 1960 mới bắt đầu đúc cồng chiêng mang lên Tây Nguyên bán.

Chuyện là những thợ nhôm đồng ở Phước Kiều khi mang nồi chảo lên các tỉnh Tây Nguyên bán dạo thì thấy những chiếc cồng chiêng được các dân tộc ở đây nâng niu, trao đổi nhau với giá trị cao. Họ nảy ra ý định đúc những chiếc cồng chiêng mô phỏng theo rồi đem lên bán. Lúc đầu họ chỉ biết đúc phôi, tiếng chiêng họ đúc kêu không đúng do họ không biết gì về âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên cả. Những người già ở các làng Tây Nguyên có am hiểu về cồng chiêng, dùng búa chỉnh lại độ dày mỏng để tiếng chiêng phát ra đúng, có thể chơi được trong giàn cồng chiêng. Mãi sau này người Phước Kiều mới học được cách chỉnh âm cho cồng chiêng sau khi đúc phôi xong. Và những chiếc chiêng từ Phước Kiều lên chất lượng và giá thường thấp hơn nhiều so với những chiếc cồng chiêng nhập vào qua đường Lào trước kia, mà sau này không hiểu vì lí do gì không còn nhập vào nữa.

Cồng chiêng được đúc từ hợp kim đồng và thiếc với tỉ lệ thích hợp. Vấn đề ở đây là kỹ thuật đúc, pha trộn kim loại sẽ quyết định chất lượng chiếc chiêng sau khi ra đời, chứ không phải là chuyện tỉ mẩn “tốn cả năm trời” như GS Hải nói. Thực sự việc đúc một chiếc chiêng không cần phải lâu đến vậy, thường chỉ vài ngày.

Ông Hải cho rằng: “Người Tây Nguyên tin rằng, lớp đồng đen trên bề mặt cồng chiêng được phết thêm máu gia súc dùng trong tế lễ, thì cái cồng, cái chiêng đó đánh lên, mới phát ra đúng âm thanh của Tây Nguyên. Ấy thế mà hiện nay lại có những chàng trai Tây Nguyên dám đem những cái cồng, cái chiêng ông bà, tổ tiên để lại ra gọt chỗ này, cạo chỗ kia, rồi tạo nên âm giai thất cung thay thế vào để chơi nhạc mới”.

Hầu như chiếc chiêng nào dù tốt đến mấy chơi một thời gian dài đều hỏng tiếng, mất tiếng, và đều phải cạo sửa, gõ búa để chỉnh lại độ dày mỏng, lấy lại đúng âm thanh ban đầu. Và âm thanh có tốt hay không là do chất lượng chiêng, kỹ thuật đúc, còn cái “huyền thoại máu thú” nghe “hấp dẫn kia” thì tôi chưa nghe ai nói, và khó mà chứng minh được. Còn việc các chàng trai Tây Nguyên mà sáng chế, chỉnh sửa lại bộ cồng chiêng nào đó mà chơi pop, rock... được thì quả tuyệt vời chứ, sáng tạo đáng khen chứ, sao lại chê. Khi nó chỉ là sáng tạo ở vài điểm, nó chỉ làm phong phú thêm, chứ khó mà biến đổi hết cả văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được. Các giai điệu cồng chiêng Tây Nguyên ở mỗi nơi đều khác khác nhau rất rõ, và có lẽ nó cũng đã có nhiều biến chuyển, bổ sung, thêm mới theo thời gian.

Vấn đề hiện nay của cồng chiêng Tây Nguyên không phải là không có các dự án hỗ trợ. Ngược lại đang có quá nhiều, mà lại làm một cách tạp nham, thiếu hiểu biết. Những chiếc chiêng “dự án” liệu có tốt không khi chỉ cần giảm một lượng thiếc nhất định trong hỗn hợp đồng - thiếc là giá thành chiêng sẽ giảm nhiều, vì thiếc có giá đắt gấp nhiều lần đồng. Kéo theo đó chất lượng sút giảm theo, đánh chỉ một thời gian là điếc, vứt xó. Có nhiều dự án, đưa cồng chiêng lên Tây Nguyên nhiều hẳn đã hay? Có khi lại gây bội thực, chán chê, người Tây Nguyên không mua cồng chiêng nữa, chỉ chờ đem cho. Rồi các lễ hội giả tạo do nhà nước bỏ tiền ra tổ chức, các buổi biểu diễn cồng chiêng theo kiểu sân khấu. Nó có làm sống lại được không gian cồng chiêng tồn tại bao đời? Không, nó chỉ là những "xác ướp", thậm chí còn không phải "xác ướp" của không gian cồng chiêng truyền thống Tây Nguyên, mà là những "xác ướp lạ” từ xa đem tới, phủ lớp áo Tây Nguyên. Các dự án đó chỉ có “bức tử” luôn những giá trị văn hóa hãy còn sống của Tây Nguyên mà thôi.

Văn hóa Tây Nguyên vốn đã bị “đứt gãy” nhiều bởi di dân ồ ạt, bởi những giá trị mới xô đến đột ngột, đè nát những giá trị cũ, bởi mất rừng, mất đất, mất rẫy... Bây giờ trong việc bảo tồn nền văn hoá này với những “dự án” moi tiền, những tác động thô bạo, thiếu hiểu biết... thì chỉ làm Tây Nguyên "tổn thương" thêm.

Ông Nguyên Ngọc: Nhân chuyện cồng chiêng Tây Nguyên

Xưa cũng vậy mà nay cũng vậy, cồng chiêng chưa bao giờ được đúc ở Tây Nguyên. Do đó cũng không có chuyện giết trâu, giết heo, bôi máu… thiêng khi người Tây Nguyên tự tay làm ra cồng chiêng. Người Xơ Đăng ở bắc Tây Nguyên có công nghệ luyện thép lâu đời và nổi tiếng, nhưng cồng chiêng làm bằng đồng (có pha hợp kim thiếc) chứ không phải thép nên người Tây Nguyên không tự mình đúc được. Họ mua cồng chiêng chủ yếu từ Lào; tôi chưa nghe nói mua xa đến tận Trung Quốc, Myanmar…, nếu có thì chắc cũng là những cồng chiêng từ các nơi ấy bằng cách nào đó đã được chuyển sang Lào và người Tây Nguyên mua lại tại đấy. Họ cũng có mua cồng chiêng của người Việt từ vùng ven biển miền Trung, trong đó có trung tâm đúc đồng lâu đời là làng Phước Kiều ở Quảng Nam.

Theo tôi không chỉ đến 1960 người Tây Nguyên mới mua cồng chiêng từ đồng bằng miền Trung. Chúng ta đều biết từ rất xa xưa người Việt cũng đã có cồng chiêng. Chính đây là điều cần đặc biệt chú ý: người Tây Nguyên mua cồng chiêng từ nhiều vùng chung quanh, nhưng có thể nói đấy chỉ mới là những "cồng chiêng nguyên liệu thô" hoàn toàn chưa phải là cồng chiêng Tây Nguyên, công cụ của một nền nghệ thuật độc đáo và hết sức đặc sắc. Chiếc chiêng được đúc ra, chẳng hạn như chiêng của làng Phước Kiều Quảng Nam, mới chỉ là một thứ vật liệu thô, thậm chí chưa có nhạc tính, gõ vào đấy cũng gần như gõ vào một cái kẻng. Về sau, có thể qua học tập ở cồng chiêng Tây Nguyên, mà người Phước Kiều đã nâng cao tay nghề lên được một bước, họ đã có được một số công nghệ tạo một mức độ nhạc tính nào đó cho sản phẩm của mình.

Tôi đã nghe chính người làng Phước Kiều gọi công việc ấy là "dạy tiếng cho chiêng", song cũng mới chỉ là một kiểu tiếng nói bập bẹ, ngọng ngịu nào đó thôi. Tôi đã được thấy những chiếc chiêng người Tây Nguyên mua từ đồng bằng về, mặt chiêng gần như hoàn toàn bằng phẳng. Người ta dùng búa gõ tạo thành một đường rãnh vòng tròn men theo mép trong của vành chiêng. Rất lạ, chính cái đường rãnh được tạo theo một nghệ thuật riêng nào đó làm cho chiếc chiêng, vốn thô như một chiếc kẻng, bắt đầu có nhạc tính, trở thành một nhạc cụ.

Song đó cũng chỉ mới là bước đầu. Trong một dàn chiêng (số lượng chiêng tùy thuộc từng loại, đặc trưng cho nhạc cồng chiêng của từng dân tộc), mỗi chiếc phụ trách một âm, một "nốt". Người ta "dạy", trao cho từng chiêng một nốt riêng của nó. Bằng cách dùng một chiếc búa nhỏ, thường rất đẹp và rất quý, gõ nhẹ lên mặt chiêng, gõ từ mặt ngoài vào thì âm sẽ cao lên, gõ từ mặt trong ra thì âm sẽ thấp xuống. Chính vì thế mà ta thấy trên mặt chiêng có vô số những vết lồi lõm nhẹ, chẳng cái nào giống cái nào.

Mỗi chiếc chiêng có một diện mạo riêng, cũng như mỗi con người ở đời, không ai giống ai, có cá tính, có tính cách riêng. Tất nhiên đấy là một công việc vô cùng tinh tế, cả một nghệ thuật không phải ai cũng đạt được. Một dàn chiêng mua về phải được "dạy dỗ" công phu và đầy tài năng như vậy, thường hàng tháng trời, vô cùng tỉ mỉ và say mê, mới trở thành một bộ chiêng Tây Nguyên. Mới từ cái xác khô như những cái kẻng mua dưới Phước Kiều lên, trở thành những sinh vật sống, có hồn, có khi còn thiêng hơn cả con người…

Đại thể chiêng mua từ đồng bằng của người Việt lên là như vậy. Còn đối với những cái mua từ Lào về thì sao? Ở Lào nó đã là nhac cụ, đã có hồn. Nhưng là "hồn Lào". Phải dạy cho nó trở thành cồng chiêng Tây Nguyên. Cũng chỉnh bằng cách điều chỉnh với chiếc búa nhỏ được điều khiển hết sức tài tình, tinh tế như vậy. Dạy cho nó tiếng Tây Nguyên, tiếng Ba Na, tiếng Gia Rai, tiếng Ê Đê …, chứ không phải tiếng Lào.

Chiêng để lâu thì thường bị lạc giọng, các nốt sai đi, do thời tiết, do va chạm, do di chuyển, do khi đánh quá nặng hay quá nhẹ tay. Khi đó người ta bảo "chiêng bị bệnh". Nó ốm. Phải mời thầy thuốc đến chữa bệnh cho chiêng. Thường khắp cả một vùng mới có một thầy thuốc chuyên khoa như vậy, còn hơn cả một nghệ sĩ: một nhân vật thiêng. Ông được rước đến vô cùng trang trọng, và ông ngồi hàng ngày, có khi hàng nhiều ngày để chỉnh chiêng, cả làng im lặng và kính cẩn vây quanh chiêm ngưỡng ông thầy tài ba ấy chữa bệnh cho chiêng. Cũng chỉ với chiếc búa nhỏ quý và thiêng mà ông không để cho ai được chạm đến. Ở Tây Nguyên người ta gọi ông là "N'jâu" hay "P'jâu cing". N'jâu hay P'jâu có nghĩa là thầy thuốc. Tôi được nghe kể rằng ngày trước sau khi thầy đã chữa chiêng xong rồi, thì một người phải lên ngựa phi sang tận sườn núi xa bên kia, để từ bên ấy lắng nghe tiếng vọng của chiêng bên này mà đánh giá tài năng của thầy!

Như vậy người Tây Nguyên không đúc được chiêng, nhưng theo cách nào đó chính họ sáng tạo ra cồng chiêng, cồng chiêng Tây Nguyên, không nhầm lẫn với bất cứ cái vật bằng đồng hình tròn nào khác, mang từ dưới xuôi lên hay bên từ Lào về; riêng biệt, độc đáo, và đặc sắc, có một không hai.

Tất nhiên còn vô số điều phong phú và sâu sắc để nói về cồng chiêng Tây Nguyên. Xin hẹn dịp khác. Chỉ xin chú ý thêm một điều: Cái mà UNESCO đã sáng suốt công nhận là Di sản Văn hóa thế giới không phải là cồng chiêng Tây Nguyên, cũng không phải là âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, mà là "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên". Và không gian ấy là làng và rừng Tây Nguyên. Mất hết rừng, không còn làng rừng, thì sẽ không còn cồng chiêng Tây Nguyên nữa đâu, dù có bao nhiêu festival ồn ào, diêm dúa.

Riêng tôi, tôi không sợ cồng chiêng bị bán ra ngoài Tây Nguyên, tôi cũng không sợ cồng chiêng mua từ Thái Lan về (thì ngày trước nó vẫn được mua từ Lào về đấy, có sao đâu!). Người Tây Nguyên có một bản lĩnh văn hóa rất mạnh để biến cái vốn là ngoại lai thành tài sản văn hóa độc đáo của riêng mình, Tây Nguyên hóa tất cả, miễn là còn rừng. Rừng là sức mạnh vĩ đại của Tây Nguyên. Tôi chỉ sợ mất hết rừng Tây Nguyên rồi, tức cũng mất hết làng rừng Tây Nguyên. Mất chính cái Không gian mà UNESCO đã trân trọng thay mặt toàn thế giới văn hóa công nhận.

PV (ghi nhận)

ĐÚNG RỒI, HÔM TRƯỚC ĐỌC BÀI PHỎNG VẤN GS. TRẦN QUANG HẢI MÌNH ĐÃ CÓ Ý KIẾN NHƯ HAI BÁC NÀY RỒI.

1 nhận xét:

  1. Tôi nhớ còn được xem trên VTV bộ phim về đồng bào Tây Nguyên "dạy tiếng cho chiêng" mua từ các nơi về.
    Nói chung bác Trần văn Khê và con trai chỉ là những Việt kiều "cưỡi ngựa xem hoa". Họ có công nhất định trong việc quảng bá âm nhạc Việt Nam nhưng thu LỜI rất, rất nhiều cho mình. Nhà nước cũng đãi ngộ, tôn vinh hơi quá.
    Cũng lại là hội chứng chuộng ngoại hơn nội.
    Rất nhiều công sức sưu tầm của các nhà nghiên cứu trong nước được biến thành made in TVK.

    Trả lờiXóa