Những cây “lúa Thành Dền” sắp thu hoạch - Ảnh: Q.D
TS Phạm Xuân Hội - Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp) cho rằng về mặt hình thái và đặc điểm sinh trưởng, nhiều khả năng “lúa cổ Thành Dền” là lúa Khang Dân.
Nhưng để có câu trả lời chính xác 100% thì cần những nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là các nghiên cứu ở mức độ dưới tế bào như nghiên cứu về ADN và sinh hóa.
TS Phạm Xuân Hội - Ảnh: Q.D
Trả lời Thanh Niên chiều qua 27.8, TS Hội cho biết: “13 cây lúa đặc biệt nảy mầm từ những hạt thóc do các nhà khảo cổ tìm thấy tại các hố khai quật thuộc khu khảo cổ Thành Dền (H.Mê Linh, Hà Nội), được cho là có niên đại cách nay 3.000 năm đã được chúng tôi chăm sóc chu đáo, quan sát và ghi chép đầy đủ, chính xác về các đặc điểm hình thái và sinh trưởng. Đến nay, 3 cây gieo đợt sau cùng chưa trổ bông, 1 cây không làm đòng, còn lại 9 cây đã trổ bông và lúa đã chín, sắp cho thu hoạch. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa phát hiện thấy bất cứ khác biệt nào từ những cây lúa được cho là rất đặc biệt này so với lúa đương đại. Cụ thể, về mặt thời gian sinh trưởng, “lúa cổ Thành Dền” có tuổi đời khoảng 100 ngày; các đặc điểm về mặt hình thái có bản lá to, màu xanh đậm...”.
Theo TS Phạm Xuân Hội, so với những giống lúa trồng đối chứng, “lúa cổ Thành Dền” có nhiều đặc điểm tương đồng với lúa Khang Dân. Tuy nhiên vẫn có một số điểm tương đối khác biệt về chiều cao cây, thời gian trổ bông, và thời gian sinh trưởng. Một số cây “lúa cổ Thành Dền” đẻ nhiều nhánh hơn, bông lúa lại dài hơn nên năng suất có thể sẽ cao hơn so với lúa Khang Dân.
TS Phạm Xuân Hội cho rằng, những số liệu trên đây chỉ mang tính tương đối vì chưa có số liệu thống kê, thêm vào đó thí nghiệm gieo trồng “lúa cổ Thành Dền” và lúa đối chứng không cùng thời điểm nên không thể kiểm soát nghiêm ngặt được ảnh hưởng của yếu tố ngoại cảnh.
Ngày 31.8 sẽ họp để đánh giá
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) cho biết, lúa Khang Dân đã xuất hiện tại VN cách đây 18 năm. Hiện giống lúa này đang được bà con nông dân ở nhiều nơi gieo trồng.
* Thưa ông, các nhà khoa học có thể rút ra kết luận gì từ những đặc điểm hình thái nói trên của “lúa cổ”?
- Nếu xét về mặt hình thái, các nhà khoa học sẽ nhận định “lúa cổ” là lúa Khang Dân hiện đại, một giống lúa có nguồn gốc từ Trung Quốc, cho năng suất tương đối cao và hiện đang được bà con nông dân nước ta gieo cấy khá phổ biến. Dự kiến, ngày 31.8 này, khoảng 20 nhà khoa học, trong đó có 10 chuyên gia nông học, một số nhà khảo cổ và các nhà khoa học của Viện Di truyền nông nghiệp sẽ ngồi lại với nhau trong một cuộc tọa đàm bàn tròn để đánh giá về “tính cổ” của những cây “lúa Thành Dền”. Tuy nhiên, qua trao đổi với các chuyên gia đầu ngành về nông học, họ đều nghiêng về nhận định “lúa cổ” là lúa Khang Dân.
Ba cây lúa trồng đợt III (đợt sau cùng) (ảnh L.T.M.D)
* Trước đây, các nhà khoa học khẳng định phải dựa vào 62 chỉ tiêu về mặt hình thái, kết hợp với nhiều yếu tố khác trong đó có kết quả giám định niên đại những vỏ trấu lấy từ các “hạt thóc Thành Dền” thì mới có thể khẳng định chắc chắn đó có phải là hạt thóc 3.000 năm hay không. Bây giờ, mới chỉ dựa vào một số chỉ tiêu về hình thái, liệu câu trả lời đó là lúa Khang Dân đã hoàn toàn thuyết phục?
- Đúng là hiện nay chúng tôi mới chỉ đánh giá dựa trên một đặc điểm về hình thái của những cây lúa nảy mầm từ hạt thóc được tìm thấy dưới các hố khai quật ở Thành Dền. Tuy nhiên nếu có đánh giá đủ cả các chỉ tiêu hình thái thì tôi nghĩ là cũng khó có đột phá và vấn đề này không khó vì vậy nếu cần thiết sẽ hoàn thiện sớm. Các nhà khoa học nông nghiệp tham dự cuộc tọa đàm ngày 31.8 tới hầu hết là những chuyên gia về lúa chuyên nghiên cứu về mặt hình thái. Tuy nhiên, để có kết luận “tâm phục khẩu phục” thì phải có các nghiên cứu ở mức độ phân tử. Mặc dầu vậy, đến giờ phút này, cần phải khẳng định, khả năng “lúa Thành Dền” là “lúa cổ” là ít.
- Thực ra việc nghiên cứu về mặt hình thái cũng chưa có số liệu thống kê vì chúng ta mới chỉ làm 1 vụ lúa và tiến hành một cách bị động nên gieo hạt không cùng thời điểm. Vấn đề đưa ra quá hy hữu và vượt qua quan niệm, hiểu biết của con người, trong khi kết quả bước đầu nghiên cứu về hình thái và sinh trưởng thì lại không ủng hộ nên nếu có kết luận “lúa Thành Dền” không phải là “lúa cổ” thì cũng không phải là kết luận vội vàng. Tuy nhiên, nếu có nghiên cứu tiếp đặc điểm hình thái, sinh trưởng phát triển ở những vụ tiếp theo và đặc biệt là bổ sung các nghiên cứu bản chất ở mức độ dưới tế bào thì tôi cho cũng là hợp lý và phù hợp với bản chất của nghiên cứu khoa học.
- Tôi xin nhắc lại là, kết quả khảo nghiệm bước đầu ở Viện Di truyền hiện tại không ủng hộ điều mà tất cả chúng ta đang mong đợi: khẳng định “lúa Thành Dền” là “lúa cổ”. Và nếu đầu tư nghiên cứu tiếp thì khả năng cho ra kết quả “lúa Thành Dền” là “lúa cổ” không nhiều, nếu không muốn nói là cực ít. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra quá thời sự và quá quan trọng nếu như điều mong đợi của chúng ta là đúng. Vì vậy, việc có nghiên cứu tiếp hay không sẽ không phụ thuộc vào ý kiến của một cá nhân và thậm chí cả kết luận của cuộc tọa đàm sắp tới.
PGS - TS Lâm Thị Mỹ Dung, khoa Lịch sử (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), người trực tiếp chỉ đạo cuộc khai quật tại Thành Dền cho biết hiện vẫn đang chờ kết luận của các nhà khoa học nông nghiệp trong cuộc tọa đàm sắp tới liên quan đến “tính cổ” của những cây lúa nảy mầm từ hạt thóc được cho là có từ cách nay 3.000 năm. “Bây giờ, về mặt hình thái, ai cũng nói “lúa Thành Dền” giống lúa hiện đại, nhưng tôi nghĩ chưa thể đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất rằng đó có phải là lúa ngày nay hay không. Về mặt khảo cổ chúng tôi vẫn chưa tìm thấy những yếu tố chủ quan và khách quan để hạt thóc ngày nay lẫn vào các hố khai quật. Chúng tôi vẫn đang chờ kết quả xác định AMS các mẫu hạt thóc từ Nhật Bản”, TS Dung nói.
Theo TS Dung, bà vẫn mong muốn tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sâu hơn, cho đến nơi đến chốn và đưa ra kết luận thuyết phục nhất.
(thực hiện)
http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201035/20100828005304.aspx
Không chỉ mong muốn mà tôi cho rằng cần phải tiếp tục những nghiên cứu khoa học ở mức độ sâu hơn, hệ thống hơn. Tôi sẽ vẫn theo đuổi vấn đề này (dù biết sẽ có rất nhiều trở ngại, khó khăn về tinh thần và vật chất) cho tới khi có được những kết luận khoa học đa ngành xác đáng chứng minh TÍNH CỔ hay KHÔNG CỔ của những hạt thóc lấy từ tầng văn hóa khảo cổ Thành Dền!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét