Sau Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Đoàn khảo sát của Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội và Bảo tàng Tổng hợp Bình Định hành quân ngược ra An Lão. Thay bằng leo cồn tụt bàu đội quân khảo sát lại bắt đầu công cuộc leo đồi lội suối.
Làm khảo cổ ai cũng biết, khai quật đã vất vả nhưng đi khảo sát còn cực hơn nhiều. Cực nhất là đi cả buổi mà chả thấy gì. Lúc đó chỉ ước giá mình có tài nhìn xuyên lòng đất hay có cỗ máy ngược thời gian trở về quá khứ như của chú mèo máy Đô rê môn!
Dù sao, chuyến khảo sát này Đoàn cũng gặp nhiều may mắn, gần như chưa bao giờ phải về tay không. Có đi mới thấy hiểu biết của mình quả thực là hạn hẹp, có đi mới thấy hàng trăm, hàng nghìn di tích, di vật khảo cổ đã biến mất trước khi các nhà khảo cổ kịp nhìn thấy chúng.
Lại nhớ lời Thầy thường hay dạy sinh viên khảo cổ về tầm quan trọng của việc nghiên cứu thực địa và sự kết hợp giữa nghiên cứu ngoài trời với nghiên cứu trong phòng theo cách Thấy - Sờ - Chiêm nghiệm hay Đọc-Đi- Đào- Đau đáu - Đọc- Đau đầu!
Và lần đi nào cũng giống lần đi nào, lắm chuyện vui, nhiều chuyện ngớ ngẩn...găm lại để kể dần cho những chuyến đi sau.
Chuyện đi tìm mặt trống đồng
Huyện An Lão là một trong ba huyện của Bình Định tìm được trống đồng Đông Sơn. Đa phần những trống này đều do bà con đi rà sắt phế liệu phát hiện và câu chuyện bán cái nọ, thu hồi cái kia cứ âm ỉ trong dư luận.
Câu chuyện trống An Trung này cũng vậy
Có một cậu bé, năm nay học lớp 12, kỳ hè năm ngoái theo chúng bạn đi rà sắt phế liệu. Cơ duyên nào đó đã giúp cậu rà trúng trống đồng trên một vạt đồi mênh mông.
Trống hiện chỉ còn một phần mặt giữa, phần do bị vỡ lúc đào, phần do sau đó cậu bé đã ghè lại cho tròn trịa.
Hiện trống đã được mua lại để đem về Bảo tàng Bình Định. Theo thông tin của một cán bộ của Trung tâm Văn hóa huyện An Lão, ít nhất đã có từ 5-7 chiếc trống đồng đã bị bán đi.
Mặt trống đã bị ghè bớt nhưng vẫn cho thấy đây là trống loại Heger I xịn!
Cậu bé dẫn Đoàn đi tới nơi cậu đã đào được trống, thấy đi vòng vèo mãi không tới, một cán bộ Bảo tàng Bình Định do đã có kinh nghiệm xương máu ở Tây Sơn (cả một ngày lang thang rừng núi, đào thám sát 4 hố mà không tìm được dấu vết) lo lắng : "Không biết nó có nhớ chính xác chỗ không? hay lại dẫn đi rong ruổi cả buổi chiều"!
May quá, cậu bé vẫn nhớ chỗ đào, vét lại đất xung quanh, Đoàn cũng tìm thấy một số mảnh gốm thô, mảnh thân trống vỡ nhỏ và một số mẩu than củi.
Trống được chôn đơn độc trên sườn đồi
Đây là một trong ít trường hợp tìm lại được chỗ người dân đào được trống.
Sao người xưa chọn chỗ độc thế để chôn trống nhỉ, nếu cứ theo cách khảo sát thông thường thì làm sao mà phát hiện được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét