Hôm 30/7, một tờ báo trong nước có đăng tải khá rõ ràng bụi lúa với hình ảnh gié và hạt sau khi trổ đòng được 9 ngày (21/7-30/7) như hình 1-4 dưới đây, tôi có nhận được một số ý kiến đề nghị nhận định thêm về giống “thóc cổ Thành Dền”.
Trong bài trước, dựa vào kinh nghiệm và kiến thức khoa học thâu lượm được, và dựa vào hình thái và sinh học cây lúa trên hình, tôi nghĩ rằng giống “thóc cổ Thành Dền” có đặc tính của giống “hiện đại” do cách mạng xanh tạo ra từ giữa thập niên 1960, chứ không có mang một đặc tính nào của giống lúa “cổ truyền” hay “cổ đại”. Dĩ nhiên, đây chỉ là một nhận định cá nhân, chủ quan, lại dựa trên hình ảnh, nên có thể sai lầm. Nay với hình ảnh khá rõ ràng hơn, trong đó thấy gié lúa, hạt lúa, tôi thử làm một bài tính phỏng đoán năng suất.
Trông hình, phân tích năng suất lúa
Ai đã từng học canh nông về cây lúa đều biết công thức phỏng đoán năng suất, dựa vào các thành phần năng suất (yield components), tức mật độ bụi/m2 (tức số bụi/m2), số gié/bụi, số hạt chắc/gié, trọng lượng 1000 hạt khô (khoảng 13-14% ẩm độ).
Năng suất (g/m2)= số bụi/m2 x số gié/bụi x số hạt chắc/gié x trọng lượng 1000 hạt (g)
H1
Số bụi/m2. Các thành phần năng suất biến đổi liên quan đến mật độ, hễ trồng càng dày, tức số bụi/m2 càng cao, thì các thành phần của năng suất giảm do sư cạnh tranh ánh sáng, nước và dưỡng chất. Vì chỉ có một hàng lúa (hình 1), nên việc cạnh tranh ánh sáng không mãnh liệt như trong đám lúa. Do đó, thành phần năng suất ở các cây trong hình này không chính xác, và có khuynh hướng cao hơn trong đám lúa. Dựa vào kích thước của chậu, tôi đoán rằng khoảng cách giữa 2 bụi lúa khoảng 35cm tức trung bình 8,1 bụi lúa/m2.
Số gié trung bình/bụi. Cũng dựa trên hình 1, tôi đếm (và phỏng đoán vì không thấy các chồi mặt bên kia), 4 bụi có khoảng 65 chồi hữu hiệu (chồi cho gié), tức trung bình 16,3 gié/bụi.
H2
Số hạt trung bình/gié: Hình 2 và 3, với 3 gié có số hạt khá đầy đủ, có tổng cộng tối thiểu 300 hạt, trung bình 100 hạt/gié.
Tổng số hạt trung bình trên 1m2 = 8,1 bụi x 16,3 gié/bụi x 100 hạt/gié= 13.203 hạt/m2.
Tổng số hạt chắc trung bình trên 1m2. Hình 4 cho thấy hạt lép rất ít. Tuy nhiên, trung bình có khoảng 5-10% hạt lép ở điều kiện canh tác. Như vậy số hạt chắc tối thiểu (lép 10%) sẽ là 11.883 hạt chắc/m2.
H3
Năng suất hạt trên 1m2. Với hình 4, trọng lượng của 1.000 hạt phải từ 35 đến 40 g (hạt khô 14% ẩm độ). Ở bài tính này, tôi chỉ tính 30g/1.000 hạt. Vậy năng suất hạt là 356,49 g/m2, hay 3,56 tấn/ha. Đây là con số năng suất tối thiểu, bởi vì với hình dạng những cây lúa theo hình trên năng suất thực sự có thể trên 6 tấn/ha.
H4
Dầu cho có sai số thật lớn trong bài tính, năng suất tối thiểu của lúa gieo từ "thóc cổ Thành Dền" cũng phải trên 2 tấn/ha.
Năng suất "lúa cổ": Phi lý...
Chúng ta hãy so sánh với năng suất lúa trong quá khứ:
Bảng năng suất lúa (tấn/ha) của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam
(Theo tài liệu của Dr Trần Văn Đạt, 2004)
* BC: Trước Công nguyên; AD: Sau Công nguyên
Theo bảng trên, năng suất lúa ở Trung Quốc và Việt Nam cách đây 2000 năm chỉ khoảng 0,5tấn/ha. Cách đây 100 năm, năng suất lúa ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam lần lượt là 1,6; 2,6 và 1,2 tấn/ha.
Cũng theo bảng trên, nếu chấp nhận “lúa cổ Thành Dền” có năng suất 2tấn/ha, thì giống cổ này tương đương với năng suất trung bình của Việt Nam năm 1970. Còn nếu chấp nhận 3,5tấn/ha thì tương đương với thời kỳ năm 1990. Các nhà khoa học có thể dựa vào công thức trên với các dữ kiện thực tế của thành phần năng suất để có kết quả phỏng đoán chính xác hơn.
Một câu hỏi thuần lý khác là cách đây 3.000 năm hay 300 năm, nếu tổ tiên ta đã có một giống lúa siêu việt như vậy, thì tại sao tổ tiên ta không giữ giống này nhân ra, canh tác mọi nơi, cớ chi để dân ta phải chết đói nhiều lần dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức (từ 1820 đến 1888, Theo Việt Nam Sử Lược).
Bài viết này có sử dụng tài liệu tham khảo từ "Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam từ thời nguyên thủy đến nay" (Trần Văn Đạt, Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp, TP Hồ Chí Minh - 2004) và "Việt Nam Sử lược" (Trần Trọng Kim, Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu - 1971)
Anh Quốc, 31/7/2010
* Tựa bài và các tựa nhỏ đã được đặt lại do biên tập
Trần Đăng Hồng, PhD
http://khoahoc.baodatviet.vn/Home/KHCN/phanbien/Nang-suat-lua-cua-thoc-co-Thanh-Den-Phi-ly/20107/105821.datviet
GIÁ MÀ CÁC NHÀ KHOA HỌC KIÊN NHẪN ĐỢI KHI TẤT CẢ CÁC CÂY LÚA TRỔ BÔNG, CHÍN RỒI TIẾN HÀNH NGHIÊN CỨU HÌNH THÁI, NĂNG SUẤT, ADN VÀ GENE... RỒI HÃY ĐƯA RA NHỮNG NHẬT XÉT KHOA HỌC THÌ SẼ TỐT HƠN.
NGHIÊN CỨU NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC PHỨC TẠP NHƯ THẾ NÀY CHẮC SẼ PHẢI CẦN RẤT NHIỀU THỜI GIAN CÔNG SỨC VÀ KINH PHÍ. ĐẶC BIỆT LÀ SỰ HỢP TÁC GIỮA CÁC NGÀNH KHOA HỌC KHÁC NHAU, GIỮA CÁC NHÀ KHOA HỌC VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI!
Một bài tính rất là thú vị. Tuy nhiên, nhìn chung con không đồng tình với những quan điểm khá là 'deterministic' về sự 'tiến bộ' trong bài (nói nôm na, sự tiến bộ nhất thiết xảy ra, sự tiến bộ là không thể tránh khỏi). Cụ thể là quan điểm cho rằng chắc chắn giống lúa mới, 'hiện đại' phải cho năng suất cao hơn là giống lúa cổ. Ai có thể chắc chắn là chúng ta đã biết hết thảy về năng suất lúa cổ? Chính quan điểm tổng quát như thế đã dẫn đến lập luận về sự 'phi lý' của lúa Thành Dền trong bài. Dù kết luận của tác giả là đúng hay không đúng, con cũng không ủng hộ thái độ khoa học như thế. Con nghĩ nhà khoa học luôn luôn phải thể hiện được rằng mình nhận thức được về hiểu biết hạn chế của mình và của ngành khoa học của mình nói chung. Trong trường hợp này, nếu cung cấp được 2 lập luận thì thật tốt: 1. 'không thể'!; (tuy nhiên) 2. liệu 'có thể' hay không, có bất cứ bằng chứng nào cho thấy là 'có thể' hay không?
Trả lờiXóaMẹ cũng nghĩ như vậy. Mẹ cần mọi sự phản biện khoa học cho nghiên cứu này. Một vấn đề ở đây là ngay cả trong 4 cây này cũng đã thấy sự phát triển không đồng đều. Chưa biết tuổi của những cây này cụ thể thế nào, nhưng ngay cả việc lấy một cây cá biệt để đại diện cho cả một quần thể cây trồng xem ra không ổn về mặt khoa học.
Trả lờiXóaCó 13 cây lúa cơ mà, mỗi cây là một cá thể riêng và mẹ nghĩ phải nghiên cứu rất cẩn thận từng cây và nghiên cứu từ nhiều khía cạnh may ra mới có được những nhận xét ban đầu. Chuyện còn phức tạp lắm và đòi hỏi nhiều công sức lắm.
Mẹ cũng thấy NCKH qua ảnh đăng báo không phải là cách nghiên cứu phù hợp lắm trong mọi trường hợp.
Khi lúa chín các nhà nghiên cứu trong nước sẽ tổ chức khảo sát xem xét hình thái hạt và cây lúa, vậy mình nên chờ thì tốt hơn. Mẹ cũng đang chờ kết quả phân tích AMS bên Nhật.