KHÁNH LINH
Chúng ta phá đi rất nhiều di sản giá trị của cha ông, vậy thế hệ chúng ta trong những năm qua đã tạo thêm cho văn hóa Hà Nội những công trình giá trị gì để chào đón đại lễ?
Tỉnh dậy sau giấc mơ từ 10 năm trước…
Nếu như 10 năm trước, nghĩ đến đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, biết bao người đã tưởng tượng thành phố lúc đó không những phát triển mạnh về kinh tế mà còn giữ được cái hồn cái cốt của một thành phố đậm chất văn hóa nhất trên cả nước, nơi người dân thật sự thanh lịch – văn minh.
Đã có những bạn trẻ khi ấy đã nghĩ dù mình đang sống ở phương trời nào, nhất định phải về với Hà Nội 1000 năm tuổi, để sống trong những thời khắc thật sự thiêng liêng, thật sự tự hào.
Giờ thì thời khắc ấy đã cận kề nhưng Hà Nội lại khác quá xa với giấc mơ thuở chưa xa lắm.
Mặc cho những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều người, công cuộc đại trùng tu hàng loạt di tích quý hiếm trên địa bàn thủ đô nhân đại lễ đã thất bại: quá nhiều những giá trị văn hóa độc nhất vô nhị đã vĩnh viễn mất đi, cái hồn cái cốt của Hà Nội cổ xưa không chỉ mất mát mà còn trở nên nham nhở và biến mất sau mỗi lần báo công hoàn tất trùng tu.
Một câu hỏi được đặt ra, chúng ta phá đi rất nhiều di sản giá trị của cha ông, vậy thế hệ chúng ta trong những năm qua đã tạo thêm cho văn hóa Hà Nội những công trình giá trị gì để chào đón đại lễ?
Chẳng phải khối trên to hơn khối dưới là gì?
Bảo tàng Hà Nội: Nhìn ngang…
…hay nhìn thẳng đều không đẹp.
Xin được trả lời, đã có những cái tên thật sự “hứa hẹn” sẽ làm đẹp thêm cho bộ mặt văn hóa của thành phố.
Nào Bảo tàng Hà Nội, nào thư viện Hà Nội, rồi nhà hát Thăng Long…
Người Hà Nội đã từng “mặc cảm” vì trên địa bàn thủ đô có hàng chục bảo tàng quốc gia, nhưng lại không có bảo tàng nào của riêng Hà Nội. Rồi Nhà hát Lớn là một điểm nhấn của thành phố, nhưng đó là nhà hát do Pháp xây, còn chúng ta chưa xây được một nhà hát đúng tầm thời đại, nên nhà hát mới ấy mới được đặt cái tên đầy ý nghĩa là Nhà hát Thăng Long.
Đã có những ý tưởng rất quyết tâm gìn giữ và tôn vinh những giá trị văn hóa của thủ đô xuất hiện vào 10 năm trước, như việc tiến hành bảo tồn, tôn tạo thí điểm các tuyến phố và ô phố trọng điểm trong phố cổ Hà Nội; Cải tạo, nâng cấp cầu Long Biên thành cầu dành cho người đi xe đạp và đi bộ; Cải tạo các sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét…
Chạy nước rút mà vẫn… dở!
Tiếc thay, sát thềm đại lễ điểm lại, rất nhiều ý tưởng tốt đẹp đã không thành hiện thực.
Phố cổ Hà Nội vẫn biến mất hàng ngày mặc thành phố và các nhà khoa học tranh cãi xem nên trùng tu theo cách nào, chọn ô nào để thí điểm.
Đến giờ, theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, mới chỉ hoàn thành hạng mục Tu bổ, tôn tạo đình Quán Đế – Trung tâm thông tin phố cổ.
Nghĩa là, cả chục năm trời chúng ta mới chỉ quan tâm được có vài cái nhà cổ đơn lẻ lạc lõng chứ phố cổ thì vẫn già lão đi từng ngày và nhếch nhác thêm qua từng ngày.
Nhà hát Thăng Long từ dự định ban đầu phải hoàn thành dịp đại lễ, rồi “giảm tông” thành khởi công đúng dịp đại lễ, đến giờ mục tiêu của Hà Nội chỉ còn là “phấn đấu hoàn thành lựa chọn phương án kiến trúc và mô hình để trưng bày vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội“.
Lần lữa mãi mà vẫn được coi là làm “gấp rút”.
Và cứ như cách triển khai trùng tu “gấp rút” phố cổ thì liệu có thể hy vọng vào một công trình mang dấu ấn thời đại được không?
Như Thư viện Hà Nội đã khánh thành từ năm ngoái, nằm ở một ngã tư đẹp của trung tâm thành phố, nhưng không thể thành một điểm nhấn của Hà Nội bởi dù có dễ tính cũng không thể gọi đó là một… công trình kiến trúc đẹp!
Thư viện Hà Nội: Dễ tính cũng không thể bảo là đẹp!
Nhiều năm dõi theo nỗ lực của thành phố để Bảo tàng Hà Nội có thể khánh thành đúng dịp đại lễ như một địa chỉ văn hóa của Thủ đô, đến giờ Hà Nội chỉ có thể hoàn thành phần vỏ (xây dựng và lắp đặt thiết bị), còn phần ruột thì đành chỉ phấn đấu hoàn thành một phần trưng bày phục vụ khách tham quan vào đúng dịp Đại lễ.
Với phần ruột thì thà chậm còn hơn làm vội vàng mà sơ sài, nhưng cũng phải thú nhận là người viết bài này thật sự hụt hẫng khi nhìn thấy lớp “vỏ” của bảo tàng Hà Nội, khi nằm sát cạnh Trung tâm Hội nghị quốc gia là 3 khối kim loại vuông vắn úp lên nhau, khối trên to hơn khối dưới nên thật sự nặng nề.
Với không gian thoáng đãng bên ngoài vành đai 3, giá như có thể chọn được một mẫu thiết kế bay bổng hơn, phá cách hơn để thật sự là một dấu ấn kiến trúc của Thủ đô. Giá như…
Hẹn đại lễ sau
Sẽ có người phản biện, rằng Hà Nội đã rất muốn tạo dựng thêm những công trình văn hóa, nhưng lại vấp phải phản biện xã hội quá mạnh mẽ, nên đưa ra rồi lại phải rút về. Nào cửa ô phía Nam, rồi dự án 5 cổng chào, đền thờ Lý Thái Tổ…
Xin thưa, lãnh đạo Hà Nội đã thật sự sáng suốt khi quyết định dừng những công trình này, bởi không thể có những công trình đẹp từ những ý tưởng không đúng.
Đã không đúng thì không xây là thượng sách, nguồn lực ấy xin để dành cho những công trình xứng đáng của mai sau.
Cũng như Hà Nội đã rất sáng suốt khi hạn chế số lượng tượng đài xây dựng trong dịp này (chỉ còn Tượng đài Thánh Gióng và tượng Bác Hồ – Bác Tôn), bởi như GS Phan Huy Lê đã từng phát biểu trên VietNamNet: “Ta chưa có mấy thành công đứng vững với thời gian trong việc xây dựng tượng đài, cần hết sức cân nhắc có nên xây tượng đài mới hay không?“.
Chỉ tiếc vì hai công trình văn hóa lớn đã hoặc sắp hoàn thành, nhưng đã không tạo được giá trị kiến trúc cho Hà Nội đương đại, để là điểm nhấn của Hà Nội hôm nay. Hay Hà Nội đã từng có ý tưởng xây dựng một công trình mang dấu ấn thời đại hôm nay kỷ niệm 1000 năm Thăng Long với cái tên dự kiến là tháp Nghìn năm Thăng Long, nhưng rồi ý tưởng ấy đã không được đầu tư đúng mức để thành một công trình thời đại.
Lại đành thôi, nhắc đến Hà Nội 1000 năm, vẫn phải là hồ Gươm, là Văn Miếu, là Nhà hát Lớn, và đến thời điểm này, may mắn thay, chúng ta có thêm một cái tên đầy ý nghĩa: Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành – Thăng Long.
Còn dấu ấn của thế hệ chúng ta hôm nay chắc phải xin hẹn đến đại lễ lần sau vậy.
Lời bình của bác Gốc Sậy
Câu kết nghe thật đau đớn! Nhưng đúng đến mức KHÔNG AI CÃI ĐƯỢC (trừ các lãnh đạo Hà Nội).
Tuy nhiên, không phải họ và cũng không hề AQ tẹo nào, tôi cho rằng Bảo tàng Hà Nội đáng được coi là dấu ấn của thế hệ Thăng Long-Hà Nội Nghìn năm.
Xin cứ nhìn lại đi! Chẳng phải đó là “hình ảnh bay bổng” của các CHUỒNG CHIM, CHUỒNG CỌP ở tất cả các khu tập thể cao tầng sao?
Chẳng phải khối trên to hơn khối dưới là gì?
Phải “Kim tự tháp ngược” chưa?
Tôi ngờ rằng đó chính là thâm ý của tác giả thiết kế và những người duyệt phương án Bảo tàng Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét