Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

Về phương pháp nghiên cứu

GIANG GIANG

Trước khi nói về cái rất cliché gọi là "phương pháp nghiên cứu", thử ngó một đoạn điển hình trong phần MỞ ĐẦU của hầu hết các khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, thậm chí, lạy chúa, cả luận văn tiến sĩ xem:

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu:

5.1. Cơ sở lý luận

Thế giới quan và phương pháp luận để nghiên cứu đề tài là lý luận chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, về công tác cán bộ, về công tác quần chúng, về việc xây dựng một nền báo chí của dân, do dân và vì dân.

Các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về đường lối công tác báo chí, về văn hóa, nghệ thuật trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp là những tài liệu, chỗ dữa vững chắc để nghiên cứu đề tài này.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp tiếp cận lịch sử, phương pháp logic được kết hợp chặt chẽ trong đề tài. Đồng thời, chúng tôi còn sử dụng một số phương pháp khác như thống kế, so sánh, phân tích, phân loại và tổng kết thực tiễn.

Đối với nhiều ngành nghiên cứu khác, cụ thể là Triết học, Lịch sử, Văn học, Nghệ thuật tôi không biết gì nhiều về phương pháp nghiên cứu. Tôi cũng đoan chắc rằng những ngành này hẳn phải sử dụng đến hệ thống phương pháp có phần khác biệt với những ngành mà tôi quan tâm (là Nghiên cứu truyền thông, Xã hội học và Tâm lý học). Tuy nhiên, dù không biết nó là cái gì, tôi cũng biết nó KHÔNG là cái gì. Vì thế, sự lặp lại (hoặc có sửa đi vài chữ cho hợp với ngành hơn) cái môtif "Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu" kể trên ở một số lượng lớn công trình nghiên cứu thuộc mọi ngành khiến bất cứ ai có tư duy lôgic lành mạnh phải đặt dấu hỏi.

Thực tế là, mọi nghiên cứu của KHOA HỌC XÃ HỘI (Social science) cần phải dựa trên một cơ sở lý thuyết (chứ không phải lý luận), kèm theo những phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng (chứ không phải một mớ tả pí lù các "phương pháp" lẻ tẻ như ở trên (cái mà tôi đồ rằng chả mấy ai hiểu, chẳng hạn như phương pháp "so sánh", nghe chả khác gì biện pháp tu từ, hay một phương pháp hết sức bí hiểm gọi là "tổng kết thực tiễn").

Lấy ngành của tôi làm ví dụ. Mỗi nghiên cứu về truyền thông đều phải dựa (trực tiếp hay gián tiếp) trên cơ sở một hoặc nhiều lý thuyết, mà những lý thuyết lớn vẫn hay được kể ra là thuyết tiến hóa, thuyết đối lập (Marx), thuyết hành vi, thuyết phân tâm học, thuyết đám đông v.v. và hàng loạt những lý thuyết có phạm vi lý giải nhỏ hơn như thuyết khuyếch tán cái mới, thuyết lựa chọn, thuyết sự im lặng hình xoáy trôn ốc, thuyết truyền thông 2 giai đoạn v.v. (cái này tôi cũng chả rành lắm).

Lý thuyết của Marx hẳn nhiên được xếp vào một trong những lý thuyết có ảnh hưởng lớn đến nghiên cứu truyền thông, song nó tất nhiên không phải là kiểu "lý luận" mà Marx vẫn dùng để chống lại hệ thống kiểm duyệt hay để đòi tự do ngôn luận trong cuộc đời chính trị của ông. Hơn nữa, các lý thuyết trên rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau về quan điểm, những nó không phủ nhận nhau. Vì thế, việc dựa trên lý thuyết (hoặc nhóm lý thuyết) nào là sự quyết định của từng nhà nghiên cứu và cần được lý giải thỏa đáng.

Về phương pháp nghiên cứu, ngành của tôi có đặc điểm nổi bật là liên ngành, vì thế, các nghiên cứu về nó có đủ loại, từ loại nghiên cứu phê phán (critical), đến nghiên cứu diễn giải (interpretative) và phổ biến nhất là nghiên cứu thực nghiệm (empirical).

Đối với ngành truyền thông, các phương pháp định lượng vẫn được dùng hết sức thường xuyên là điều tra bảng hỏi (survey), phân tích nội dung thông điệp (content analysis), thí nghiệm (Experiment), phân tích dữ liệu thứ cấp (secondary analysis). Các phương pháp định tính hay được nhắc tới là phỏng vấn sâu (In depth interview), phỏng vấn nhóm tập trung (focus group interview), nghiên cứu trường hợp (case study). Lựa chọn phương pháp nào để áp dụng cần phải được lý giải kỹ lưỡng, trình bày cụ thể mọi bước trong quá trình tiếng hành và cần đảm bảo đạo đức nghiên cứu ở mức cao nhất (riêng về đạo đức nghiên cứu ở ta thì còn cần tới nhiều bài viết nữa).

Tuy nhiên, phải nói rằng những phương pháp này đậm mùi "Mẽo". Bên châu Âu, đặc biệt là Anh, người ta sử dụng nhiều phương pháp định tính mang chất "chủ quan" hơn như nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu văn bản, nghiên cứu dân tộc học v.v.. Hiện giờ, lý thuyết hậu hiện đại ảnh hưởng lớn đến việc nghiên cứu truyền thông.

Như vậy là lâu nay, ối kẻ vẫn dùng một cái thước đo quần áo (mềm dẻo, uốn quanh thân sao cho vừa) để đo các loại đơn vị khác. Vì dùng nhầm thước (xuất phát từ sự hèn nhát, lười biếng và dốt nát) nên tất nhiên kết quả đo được (dù chuyển hóa thành đống giấy dày và nặng cỡ nào) cũng vô giá trị.

Một cậu bé tập uống rượu nhúng cái nhiệt kế vào một cốc rượu brandy vào bảo "Hêhê, rượu này hỏng, đề 42 độ mà chỉ có 24 thôi". Điếc thì đâu sợ súng :-)


2 nhận xét:

  1. Con nhớ là đề tài nghiên cứu khoa học của SINH VIÊN khoa xã hội học, trường Đại học xã hội & nhân văn Hà Nội mà viết cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu CHỈ CÓ như thế thì sẽ bị vứt ngay, chẳng hiểu người viết bài này học ở trường nào mà tội ghê (tất nhiên vẫn phải cho thêm mấy phần râu ria 'kim chỉ nam Mác Lê Nin' này vào cho 'an toàn' hihi).

    Tuy làm nghiên cứu ở Việt Nam thật là thiếu thốn và thiệt thòi, nhưng làm nghiên cứu ở đâu thì chấp nhận những cái lằng nhằng ở đó. Ví dụ ở bên Anh này vấn đề đạo đức nghiên cứu (tuy được coi trọng là đúng) nhưng nhiều khi hơi quá, các nhà nghiên cứu kêu trời vì những nghiên cứu về các nhóm 'marginal' hay có tính đột phá về mặt phương pháp... rất khó xin được tài trợ và qua được vòng kiểm duyệt của Hiệp hội xã hội học Anh, ví dụ như thế.

    Trong ngành mà con đang học thì Mỹ ngày càng coi trọng và sử dụng nhiều phương pháp định tính, ethnographic (đặc biệt là quan sát, quan sát tham dự, người viết bài quên nhắc tới).

    Trả lờiXóa
  2. Ua, đây chỉ là một cách nhìn thôi, đối với khảo cổ học thì có hai nhóm phương pháp, nhóm phương pháp thu thập tài liệu và nhóm phương pháp xử lý tài liệu. Lý thuyết khảo cổ hiện nay hằng hà sa số, nhưng quy lại cũng chỉ có một số trường phái lý thuyết thôi.
    Chị này hình như cũng học ở trường mình mà!

    Trả lờiXóa