Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Các làng nghề gốm cổ truyền Việt Nam – 2. Nghề làm gốm của người Thái ở Mường Chanh và Bản Mé (Sơn La)

1. Mường Chanh là một xã nhỏ thuộc huyện Mai Sơn, Sơn La. Xã có diện tích khoảng 3000ha, cư dân sống trong xã chủ yếu là người Thái Đen. Cách tỉnh lị Sơn La…Trong toàn xã Mường Chanh có 21 bản thì có 20 bản có lò gốm.
Theo lời kể của các cụ già nghề này đã xuất hiện ở Mường Chanh từ rất lâu đời. Trước đây, nghề làm gốm rất phát triển nhưng hiện nay số lượng hộ gia đình còn làm gốm ngày càng ít dần đi. Sản phẩm chính của gốm Mường Chanh là các loại đồ đựng để ngâm ủ thức ăn, không có các loại nồi dùng để đun nấu. Đặc biệt trong những sản phẩm gốm của người Mường Chanh có một loại hũ lớn có nắp đậy được dùng để đựng xương cốt của người chết sau khi hỏa táng. Sản phẩm gốm Mường Chanh thuộc loại gốm trơn, không tráng men và rất thô.
Quy trình chế tác
* Khai thác nguyên liệu: Vùng Mường Chanh khá dồi dào về nguyên liệu chế tác đồ gốm. Đó là loại đất sét với màu trắng nhạt, xanh đen hay vàng. Có chỗ đất sét nằm ngay dưới lớp đất màu, cách mặt đất khoảng 20cm nhưng cũng có nơi sâu tới 2 – 3m. Tuy nhiên chất lượng đất ở mỗi nơi là khác nhau.
Vào mùa khô, người ta thường đào xuống các chân ruộng để lấy đất làm gốm. Sau khi dùng mai hay xẻng đào đất lên, lấy gậy đập, vê lại thành những quả tròn, mỗi quả khoảng 10 – 15kg rồi dùng đòn xóc gánh về. Đất đem về được ủ trong một hố đất ở cạnh nhà.
Việc xử lý nguyên liệu cũng tương đối đơn giản, do có nguồn nguyên liệu tốt nên nhìn chung họ không lọc đất qua những dụng cụ chuyên dụng hay bể chuyên dụng như người Kinh, người Hoa, người Nùng… Trong quá trình đập đất hay nặn sản phẩm nếu phát hiện tạp chất, sạn sỏi thì mới loại bỏ. Người Mường Chanh cũng không hề sử dụng thêm bất kỳ một chất phụ gia nào để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo những kinh nghiệm cổ truyền lại thì người Mường Chanh trước khi tạo hình họ cho đất vào cối rồi dùng chày giã cho thật nhuyễn, nhưng mấy năm trở lại đây họ đã cải tiến bước kỹ thuật này bằng cách đặt đất lên bàn gỗ rồi dùng gậy để đập đất, việc xử lí đất như trên làm cho công việc trở nên nhẹ nhàng và có năng suất cao hơn.
Tạo hình
Công cụ tạo hình: Khâu chuẩn bị nguyên liệu xong xuôi, người thợ gốm tiến hành tạo hình gốm. Việc tạo hình đồ gốm được tiến hành ngay dưới gầm sàn với nhiều loại công cụ khác nhau. Công cụ chủ yếu nhất trong quá trình tạo hình gốm chính là bàn xoay. Bàn xoay của người Thái Mường Chanh là một thớt gỗ tròn cao thường khoảng 19 - 20cm, đường kính khoảng 37 – 40cm úp trên một trụ gỗ chôn chặt xuống nền nhà. Trong quá trình tạo hình người thợ gốm có thể tự mình xoay bàn xoay bằng ngón cái của bàn chân; nhưng để có độ chính xác cao hơn thì cần có người giúp xoay bàn xoay. Ngoài bàn xoay ra người ta còn có một số công cụ khác phục vụ cho quá trình chế tác đồ gốm. Những công cụ đó gồm: 2 mảnh tre (bi chá) dài khoảng 7 – 8 cm, rộng 3 – 4cm và hai mảnh gỗ hình bán nguyệt (bi kiệng) dài khoảng 10 – 12cm, rộng khoảng 5cm để chỉnh hình và chuốt cho đều, nhẵn. Ống thụt bằng tre (Coọng tó xít) dài khoảng 35 – 40cm, đường kính từ 3 – 4cm để kéo đất thành sợi. Dao tre (mạy láp) dài khoảng 22 – 25cm, rộng 1 – 1,5cm, có một đầu vát nhọn để cắt đất, còn đầu kia có 2 khía để chạm hoa văn. Ngoài ra trong bộ sản phẩm tạo hình còn có dây móc để xén sợi, cắt miệng; máng đựng nước và một miếng vải để bắt lợi, vén miệng và bát đựng tro bếp để chống dính.
Kỹ thuật tạo hình gốm:
Khâu đầu tiên trong việc tao hình là tạo đáy gốm. Người ta cho một ít đất sét lên bàn xoay, dùng gậy để đập lát mỏng. Sau đó dùng dao tre để cắt thành hình tròn. Tiếp đó theo phương pháp bắt mẩy và be trạch, người thợ gốm dùng tay vê đất thành từng thỏi dài chồng lên nhau, vừa be vừa vuốt. Sau đó dùng bi chá và bi kiệng chuốt cho gốm có độ dày đều và mặt ngoài trở nên nhẵn. Chỗ nào trong quá trình tạo hình khuyết, hay mỏng quá thì được đắp thêm đất. Cuối cùng trong khâu tạo hình là dùng sợi móc cắt miệng rồi lấy dẻ ướt vén miệng. Với một số sản phẩm được trang trí bằng cách đắp nổi hoặc chạm hoa văn chìm. Hoa văn chủ yếu là hoa văn sóng nước.
Khác với sản phẩm ở nơi khác sản phẩm gốm Mường Chanh thường ít khi phải chắp ghép các chi tiết phụ nên tạo hình chỉ một lần là xong.
Nung gốm
Ở Mường Chanh lò nung gốm (ló hay) thường nằm ngay ở gần nhà. Lò gốm người Thái không được xây thành lò như những lò gốm của người Kinh, cũng không nung lộ thiên như người Chăm mà người Thái Mường Chanh tận dụng độ dốc ở sườn núi khoét sâu thêm xuống đất để làm lò gốm. Lò gốm Mường Chanh là loại lò hầm. Bầu lò có hình dáng như mu rùa, cao ở giữa và thấp dần ra xung quanh, đáy lò không bằng mà hơi dốc, thấp dần từ ống khó ra phía cửa lò.
Việc đốt lò được tiến hành trong khoảng 12 giờ đồng hồ. Lửa được cho cháy to dần dần để gốm được sấy qua trước khi nung. Trong khi nung người thợ gốm luôn luôn phải túc trực bên lò. Theo kinh nghiệm thì khi nào không còn khói đen bốc lên, lửa chuyển từ đó sang trắng pha tím xanh, sản phẩm nung trong lò cháy sáng trắng và khoảng cách xa hơn lúc mới đưa vào thì gốm chín. Sau đó để lò khoảng 3 ngày thì nguội. Nếu muốn tạo màu cho sản phẩm thì trước khi lấp cửa lò người thợ gốm cho các loại lá cây vào ủ, ủ bằng trầm hương gốm sẽ có màu trắng, ủ bằng lá “năm hăn” hay lá “tảng” gốm có màu ánh bạc, còn nếu ủ bằng lá dẻ gốm sẽ có màu xám đen…
2. Nghề làm gốm ở Bản Mé (Sơn La)
Xã Chiềng Cơi thuộc thị xã Sơn La trước kia là một xã sản xuất gốm nổi tiếng của tỉnh Sơn La. Chiềng Cơi là tên một khu vực gồm nhiều các làng làm gốm như Bản Mé, Bản Man… Nhưng ngày nay chỉ còn vài hộ gia đình ở Bản Mé là còn sản xuất gốm. Thợ gốm ở Bản Mé chủ yếu là đàn ông. Đồ gốm Bản Mé nhìn chung được chế tác thep phương pháp kỹ thuật rất thô sơ và với những công cụ đơn giản.
Nguyên liệu: Nguyên liệu chính của người thợ gốm Bản Mé là loại đất thịt màu đỏ thẫm lấy ở ruộng. Loại đất thích hợp nhất ở đây được lấy từ các thửa ruộng khu Huổi Lậu, Nà Lay. Việc khai thác đất tương đối dễ dàng vì đất làm gốm nằm ngay dưới lớp đất canh tác chỉ khoảng 15 – 20cm.
Cát trong nguyên liệu của người Bản Mé cũng là một thành phần vô cùng quan trọng. Cát làm gốm được khai thác ở bờ suối gần bản.
Trước khi trộn nguyên liệu cát được đem sàng xảy cho hết những hạt sạn sỏi lớn. Tỉ lệ trộn giữa cát và đất được quy định: Mười ống sữa bò cát có ngọn với một giành đất, tức là khoảng 10kg đất trộn với 3kg cát. Hỗn hợp đất cát được trộn và giã kỹ trong cối kiểu máng làm từ thân cây khoét rỗng. Đất làm gốm được giã càng kỹ càng tốt. Thông thường người ta giã khoảng 7 đến 8 lần. Nếu đất lấy từ ruộng về làm ngay thì phải trộn thêm nước còn nếu đất đã để qua ngày thường người ta phải nghâm nước trong vòng 1 – 2 tiếng sau đó đem lên để ráo nước trong khoảng 1 tiếng.
Trong khâu này các dụng cụ được sử dụng gồm chày và cối giã đất, một thanh tre để xắn đất, sàng, sọt…
Tạo hình sản phẩm:
Nặn gốm: Kỹ thuật tạo gốm của người Bản Mé được thực hiện nặn từ một con trạch lớn. Bộ phận đầu tiên của đồ gốm được chế tạo chính là đáy. Khối lượng đất làm đáy chiếm 1l3 tổng số đất làm cả hiện vật. Để làm đáy cho đồ gốm người thợ gốm dùng hai bàn tay đập, vỗ thật mạnh khối đất tạo thành đĩa đất hình tròn, dẹt, mặt phẳng. Đĩa đất đáy này không được đặt trực tiếp lên bàn xoay mà đặt trên tấm ván. Khi nặn hình xong hiện vật được để nguyên trên tấm ván đó.
Phần thân được tạo hình từ một con trạch lớn có chiều dài bằng chu vi đường tròn đáy. Người thợ gốm dùng tay vuốt con trạch cho mỏng dần, cao dần đến độ cao cần thiết của sản phẩm và thành đồ gốm đạt độ dày cần thiết, thông thường thành đồ gốm dày khoảng 1,3 đến 1,5cm. Khi đã đạt được độ dày cần thiết người thợ sử dụng một miếng gỗ mỏng hình bán nguyệt để nạo bên trong và một thanh tre mỏng để nạo thành ngoài, làm cho thành gốm tiếp tục cao lên, mặt gốm trở nên nhẵn, phẳng và đều đặn. Khi sử dụng các dụng cụ trên đều được nhúng nước nhằm tạo độ ẩm thích hợp cho đất mềm, dễ kết dính, làm nhẵn.
Trong khâu tạo thân nói trên tốc độ bàn xoay hầu như không đáng kể. Bàn xoay được sử dụng tích cực hơn trong tạo dáng phần miệng và cổ. Khâu tạo hình kết thúc ở thao tác tạo miệng. Đến giai đoạn này thì cổ và miệng đã được tạo hình hoàn chỉnh, các bước về sau không động đến hai phần này nữa. Đồ gốm đến khâu này nhìn chung có hình dáng cơ bản giống nhau: đáy bằng, thân thu hẹp về phía miệng, miệng loe, cổ gãy ngắn.
Sau khi nặn hình xong, đồ gốm vẫn để nguyên trên bảng kê và được treo dưới mái hiên, chỗ râm mát không có ánh nắng, thời gian treo khoảng 1 ngày.
Dụng cụ sử dụng trong khâu này gồm: giá đỡ đan bằng tre nứa, mặt lót vải bố để trũng cho lõm võng xuống; hòn kê là một hòn cuội lớn hình gần tròn, mặt rất nhẵn, hai bàn đập bằng gỗ cứng: một bàn đạp trơn và một bàn đập hoa.
Đồ gốm sau khi được hong khô bước vào giai đoạn chỉnh hình, đồ gốm được lấy ra khỏi bảng kê và đặt nghiêng vào mặt lõm của giá đỡ. Hòn kê được cầm trong tay trái để đỡ mặt trong, bàn đập trơn cầm bằng tay phải đập mặt ngoài. Hai tay chuyển động nhịp nhàng theo nhau, vừa đập vừa đỡ, vừa xoay hiện vật để đập cho đều khắp phần thân và đáy. Sau giai đoạn chỉnh hình đồ gốm nhìn chung đều có hình cầu, đáy tròn. Cuối giai đoạn này khi đồ gốm đã ổn định người thợ gốm mới dùng bàn đập hoa đập lên khắp thân và đáy. Hoa văn được tạo sau khi đập là hoa văn ô vuông, khá chỉnh. Hoa văn này mang tính kỹ thuật là chính.
Nung gốm: Gốm Bản Mé được nung ngoài trời, nguyên liệu chính để nung là rơm.
Sau khi gốm được tạo và chỉnh hình hoàn thiện, đồ gốm được phơi ở nơi thoáng mát cho đến lúc khô. Thời gian nung gốm được chọn là những ngày nắng ráo. Người Bản Mé chọn nơi xa nhà và kín gió để nung.
Đầu tiên rơm được xếp một lớp xuống đất, sau đó xếp gốm lên trên lớp rơm lót ấy rồi phủ kín rơm lên bên ngoài. Đồ gốm Bản Mé không xếp chồng lên nhau mà lớn ở trong, nhỏ được xếp bên ngoài. Rơm cháy hết người ta để nguyên như thế để ủ đồ gốm. Ủ khoảng 2 đến 3 giờ đồng hồ, đồ gốm nguội đi thì mới gạt tàn tro và dỡ gốm.
Sản phẩm sau khi nung có màu đỏ hồng, những chỗ bị lửa táp thường có màu đen. Chỗ nào lồi ra của đồ gốm thường có màu sẫm hơn.



Hoàng Văn Diệp tổng hợp dựa trên các tài liệu
1. Điều tra của La Công Ý công bố trong bài viết: La Công Ý, Nghề làm gốm người Thái ở Mường Chanh, Dân tộc học số 6/2002 và
2. Phạm Lý Hương, Nghề làm gốm Mường Chanh, trong NPHMVKCH 1982

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét