Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

Lâm Ấp qua những tài liệu khảo cổ học – 1. Về vị trí của Lâm Ấp

VỀ VỊ TRÍ CỦA LÂM ẤP*

Xung quanh vị trí của Lâm Ấp cho tới nay có không ít ý kiến và nhận định. Trong một tương lai gần những tranh cãi này có lẽ cũng chưa có hồi kết. Đa số các kiến giải đưa ra cho tới nay đều dựa trên sử liệu thành văn (Trung Quốc, Việt Nam, bi ký Chămpa). Trong đề tài này, chúng tôi sẽ thử tiếp cận từ góc độ khảo cổ kết hợp so sánh với tư liệu sử viết.

Về địa bàn khởi nghĩa Khu Liên và từ đó là nhà nước Lâm Ấp hiện có hai dòng ý kiến chính (và một số nhận định khác):
i. Bắc đèo Hải Vân khoảng đất nằm giữa đèo Ngang và đèo Hải Vân tức các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hiện nay, nhà nước Lâm Ấp khởi đầu tại vùng này và từ khoảng thế kỷ thứ 4 trở đi đã thôn tính các tiểu quốc ở phía Nam đèo Hải Vân, những nước đã bị Ấn Độ hóa. Theo Stein Lâm Ấp nằm trong khu vực từ sông Gianh Quảng Bình đến bắc đèo Hải Vân. Thủ phủ ban đầu ở Huế sau đó mở rộng ra toàn bộ Nhật Nam. Phía nam đèo Hải Vân là lãnh thổ của những bộ lạc hay tiểu vương quốc của nhóm cư dân có liên hệ chặt chẽ hơn với phía nam như Phù Nam, Cămpuchia và không có mối liên hệ với Lâm Ấp (Stein R.1947).

ii. Nam đèo Hải Vân, cụ thể là huyện Tượng Lâm - Trà Kiệu, Quảng Nam hiện nay.

iii. Lại có ý kiến cho rằng Lâm Ấp vốn ở Bình Định, sau mới chuyển ra vùng Trà Kiệu, Quảng Nam. Tuy nhiên ý kiến này của ông Lê Trọng Khánh mang tính võ đoán và hoàn toàn dựa vào tài liệu ngôn ngữ, mà những tài liệu đó không thể xác định được về niên đại.

Như vậy, căn cứ theo dòng ý kiến thứ nhất, người ta cần phải tìm thấy vết tích của một trung tâm quyền lực Lâm Ấp ở đâu đó xung quanh thành phố Huế hiện nay. Tuy vậy, cho tới nay chưa có bất cứ kết quả khai quật hay nghiên cứu bi ký nào khả dĩ giúp tìm hiểu một cách hiệu quả biên giới chính trị và vị trí chính xác của thủ đô Lâm Ấp ở vùng lưu vực sông Gianh và sông Hương. Những khảo sát của Trung tâm Liên Văn hoá Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội trong những năm từ 1990 đến 1994 tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cũng như những nghiên cứu điền dã của một số cơ quan và viện nghiên cứu khác nhiều năm nay (Trung ương và Địa phương) mặc dù cho thấy những nét tương đồng trong diễn trình Tiền, Sơ sử và cả Lịch sử sớm của vùng này với vùng từ phía nam đèo Hải Vân trở vào (ví dụ, những mảnh gốm Chăm mịn và Chăm thô bên cạnh gốm Hán-Lục Triều được chúng tôi phát hiện ở lớp trên (niên đại từ khoảng thế kỷ 2 đến thế kỷ 6,7 sau CN) ở các di tích Cổ Luỹ (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh) và Cồn Chùa, Lâm Xuân, Gio Mai huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị mặc dù cho thấy những tương đồng trong chất liệu và loại hình với những đồ gốm cùng thời ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên (Lâm Mỹ Dung 1994), song với mật độ phân bố rất thưa thớt). Những vết tích của một kinh đô cổ dù chỉ ở mức của một nhà nước sơ khai nhỏ (tiểu vương quốc) hay vết tích của những địa điểm có tầng văn hoá dày phát triển liên tục trong giai đoạn Thiên niên kỷ I đầu CN kiểu Trà Kiệu, Hậu Xá I-di chỉ, Cổ Luỹ - Phú Thọ ( của khu vực Nam đèo Hải Vân) vẫn chưa được phát hiện ở vùng Bắc đèo Hải Vân (mặc dù cho tới nay chúng ta đã có một số đồ gốm đồng dạng với gốm của tầng văn hóa cả trên và dưới của di tích Trà Kiệu trong sưu tập của ông Hồ Tấn Phan, được báo cáo là lấy lên từ dòng sông Hương và dấu tích khá ấn tượng của Thành Lồi, nhưng khó có thể chắc chắn về một khu di tích quy mô cỡ Trà Kiệu ở vùng thượng hay trung lưu sông Hương, niên đại của một số thành cổ ở vùng Quảng Bình dưới tên gọi Lâm Ấp lại rất muộn). Những tranh luận xung quanh thành Khu Túc từ thời Pháp thuộc cho tới nay vẫn chưa thể ngã ngũ. Vấn đề này chỉ có thể làm sáng tỏ bởi những tư liệu khảo cổ học.

Kết quả khảo cổ học có được cho đến nay vẫn ủng hộ cho luận điểm của một số nhà nghiên cứu từ những bậc tiền bối như Aurousseau, Clayes... đến những người nghiên cứu hiện nay về mối liên hệ giữa Trà Kiệu với Lâm Ấp và vị trí của Lâm Ấp trong tỉnh Quảng Nam hiện nay. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chứng minh sự phát triển liên tục về địa tầng và hiện vật khảo cổ từ thế kỷ 1 SCN đến những giai đoạn phát triển của vương quốc Champa thế kỷ 7- 9 ở khu vực Nam đèo Hải Vân nhằm nêu bật tầm quan trọng của tư liệu khảo cổ trong truy tìm vị trí Lâm Ấp, mối quan hệ Lâm Ấp - Chămpa.

Cho tới nay lưu vực S.Thu Bồn là nơi phát hiện được nhiều những di tích văn hoá Sa Huỳnh cực muộn, đặc biệt là vùng hạ lưu (xem 02 bản đồ phân bố di tích khảo cổ học Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam). Phần lớn những di tích này là những bãi mộ địa rộng lớn với những ngôi mộ đất, mộ chum giàu có cho thấy mức độ cao của tính phức hợp xã hội và phân hoá giàu nghèo rõ rệt và mối quan hệ, trao đổi sôi động với thế giới bên ngoài. Khu vực bắc đèo Hải Vân cũng có một số bãi mộ địa rộng lớn của văn hoá Sa Huỳnh (Cồn Dàng, Cồn Dài), nhưng đều có niên đại sớm hơn so với niên đại kết thúc của văn hoá Sa Huỳnh và không thể so sánh về độ giàu có với những địa điểm ở Quảng Nam như Lai Nghi, Hậu Xá II. Vì thế, chúng tôi cho rằng, những nền tảng văn hoá vật chất thời Sa Huỳnh ở đây ( tức hạ lưu sông Thu Bồn) có vai trò tiên quyết đối với sự tiến hoá xã hội sang giai đoạn nhà nước. Hơn nữa đồng bằng Quảng Nam với những điều kiện địa hình, địa mạo và đặc trưng sinh thái của mình là địa bàn lý tưởng cho sự sinh thành và nảy nở của chính thể dạng nhà nước sớm kiểu Lâm Ấp. Những ưu thế sinh thái và tự nhiên của Nam đèo Hải Vân so với Bắc đèo Hải Vân đã giúp cho khu vực Nam đèo Hải Vân có mật độ tập trung cao những di tích thời Sơ sử và Lịch sử như đã đề cập trong các chương 2 và 3 của đề tài.

Mặt khác cũng cần lưu ý rằng Lâm Ấp được hình thành sau cuộc nổi dậy của người bản địa chống lại chính quyền nhà Hán, như vậy xét về logic chính trị-xã hội, nhà nước sớm này có nhiều khả năng sẽ kế thừa những cơ sở hạ tầng có trước hơn là lập mới hoàn toàn từ chỗ không có gì! Tức là nền tảng vật chất thời Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn đã thu hút sự có mặt của chính quyên Hán (dù trực tiếp hay gián tiếp), hiện tượng này khá giống với diễn biến lịch sử - văn hóa Đông Sơn – Giao Chỉ ở miền Bắc Việt Nam. Tại địa bàn của những khu di tích văn hóa Đông Sơn quan trọng đều có những di tích giai đoạn Bắc thuộc sớm!


Về thành phần cư dân của nước Lâm Ấp này (tức Lâm Ấp xác định ở vùng phía bắc Huế ngày nay) cũng có không ít ý kiến trái ngược nhau, những ý kiến này một phần dựa vào bi ký, một phần dựa vào ước đoán. Một số người tin rằng, đó là cư dân từ phía nam (Quảng Nam) tràn sang. Một số người khác lại thiên về ý kiến từ phía tây và phía bắc. Tóm lại gần như chưa thể ngã ngũ về thành phần tộc người của Lâm Ấp thuộc nhóm cư dân Nam Á hay Mã Lai Đa đảo nếu chỉ dựa vào tư liệu thành văn như hiện nay. Suy luận từ những tài liệu muộn hơn về thành phần cư dân Chămpa thì có lẽ cư dân Lâm Ấp có thể thuộc một vài tộc người thuộc hai nhóm ngôn ngữ Nam Đảo ngữ hệ Mã Lai Đa đảo và Nam Á ngữ hệ Mon-Khmer với tộc chủ thể nói tiếng Malayo-Polynesien và sinh sống chủ yếu ở vùng ven biển.


*Trích Đề tài Nghiên cứu Trọng điểm cấp ĐHQG Hà Nội – (Mã số QGTĐ.06.07). Hà Nội 2008. Tài liệu lưu tại Tư liệu của Bảo tàng Nhân học, Hà Nội.




Tài liệu dẫn
Stein, R, 1947, Le Lin-yi. Sa localision, sa contribution à la formation du Champa et ses liens avec la Chine. Trong Han Hiue. Tập II, kỳ 1-3, Bắc Kinh
Lâm Mỹ Dung 1994, Những địa điểm hậu kỳ đá mới-sơ kỳ kim khí ở Quảng Trị. NPHMVKCH năm 1993. NxbKHXH, Hà Nội.


Minh họa


Bản đồ phân bố các di tích khảo cổ ở lưu vực sông Hương


Bản đồ phân bố các di tích khảo cổ ở lưu vực sông Thu Bồn


Một số hiện vật gốm Chăm trong sưu tập Hồ Tấn Phan Huế giống gốm tìm thấy ở tầng văn hóa dưới và trên của di tích Trà Kiệu



Lâm Thị Mỹ Dung và nhóm thực hiện đề tài

1 nhận xét: