Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

Những luận lí khó tin

Trần Đình Sử
Những luận lí khó tin ( Đọc Khi người đọc xuất hiện của Đỗ Lai Thuý)

Trong khi đời sống văn học còn hạn chế về tính lí luận như hiện nay, việc nghiên cứu, đề xuất những tư tưởng, quan niệm lý luận mới, góp phần thúc đẩy văn học phát triển là việc làm rất có ý nghĩa. Nhưng với bối cảnh các lí thuyết hiện đại mới bắt đầu được giới thiệu chưa nhiều, đa phần ở dạng tổng thuật, dịch thuật, những nghiên cứu mới độc đáo rất hiếm, thì nhiều khi xuất hiện những ý tưởng lí luận được viết vội vàng, tuy có vẻ hiện đại, nhưng nội dung khoa học lại rất khó tin.
Bài Khi người đọc xuất hiện của Đỗ Lai Thuý đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài số 9 – 2009, rồi đăng lại trên Văn hoá Nghệ An số 170 ngày 10 – 4 năm 2010 là một trong số những bài như thế. Trong bài này anh Thuý muốn xác lập cơ sở lý luận cho một hệ hình phê bình văn học hiện đại, tức tiếp cận tác phẩm văn học từ phía người đọc, giới thiệu vai trò quan trọng của thông diễn học đối với nghiên cứu, phê bình văn học hôm nay. Đáng tiếc là nó có quá nhiều chỗ trái với logich khoa học và thực tế, chứng tỏ một lối làm việc (tuỳ tiện) đáng buồn. Chính vì thế mà tôi muốn nêu một số điểm xung quanh vấn đề người đọc cổ điển và người đọc hiện đại do Đỗ Lai Thuý nêu ra trong bài để trao đổi cùng anh và bạn đọc. Tôi không nghĩ rằng cái gì mình nêu ra cũng đều đúng cả, nhưng mọi sự phải được trình bày có lô gích của nó, có thế thì mới khắc phục được bệnh tuỳ tiện.

Điểm thứ nhất. Ngay mới vào đoạn đầu anh đã viết: “Một khi tác phẩm văn học được ra đời, thì lập tức có người đọc (...) Nhưng người đọc ấy là người đọc đứng ngoài tác phẩm, bởi quan hệ giữa người đọc và tác phẩm chỉ thuần tuý là quan hệ giữa một chủ thể và một khách thể”. Đoạn này tôi thấy có hai chỗ không đúng. Một là, khi người đọc đứng ngoài tác phẩm thì anh ta chưa phải là người đọc, vì anh ta chưa đọc, chưa có tư cách người đọc. Một khi đã đọc thì anh ta vào trong tác phẩm rồi, đâu còn đứng ngoài nữa! Điểm này chỉ cần đọc bài nghiên cứu hiện tượng học về sự đọc của G. Poulet là thấy ngay. Hai là, xem tác phẩm chỉ là khách thể, “là một món đồ” là một nhận thức cũ, bởi ai cũng biết, tác phẩm thực chất là một chủ thể khác, đọc tức là đối thoại với chủ thể ấy. Nếu tác phẩm chỉ là khách thể thì người đọc đối thoại với ai? Vì thế, quan hệ người đọc và tác phẩm là quan hệ chủ thể với chủ thể chứ đâu phải quan hệ thuần tuý một chủ thể với một khách thể. Điều này chỉ cần đọc Bakhtin là hiểu. Bởi tác phẩm văn học không phải là đồ vật, nó là một phát ngôn, một ý kiến đối với cuộc đời, mà đã là phát ngôn và ý kiến thì trong đó hiện hữu chủ thể phát ngôn và chủ thể của ý kiến.

Điểm thứ hai. Quan niệm về “người đọc cổ điển” của anh là một đề xuất tuỳ tiện. Anh cho rằng người đọc cổ điển là người đọc thụ động, người đọc đứng ngoài, người đọc tuyến tính, người đọc chỉ đọc được nghĩa tồn tại. Theo anh Thuý, trên cơ sở bốn đặc điểm của “người đọc cổ điển" như thế mà “hình thành nên nhà phê bình phê điểm trung đại”. Anh viết: “Phê điểm trung đại bao gồm những bài vịnh, tựa, bạt, tổng luận, những nhận xét, đánh giá rải rác trong những cuốn sách văn sử triết bất phân. Các nhà phê điểm phần lớn chỉ lấy tác phẩm làm cái cớ để bộc lộ tâm sự của mình bày tỏ sự ngưỡng mộ với tác giả hay đưa ra những chân lý muôn đời như kiểu Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ”. Đỗ Lai Thuý lại viết: “Người đọc cổ điển thì bất quá (!) chỉ đọc được nghĩa tồn tại hoặc những ý đồ tư tưởng do nhà văn cài vào văn bản, mà không thể đọc được cái nghĩa kiến tạo và cái không chủ ý của nhà văn như người đọc hiện đại”. Các nhận xét này chứng tỏ Đỗ Lai Thuý thiếu kiến thức về người đọc trung đại và hoạt động đọc của họ cho nên có nhiều chỗ sai. Một là, “Phê điểm” đây không phải là toàn bộ phê bình văn học trung đại mà chỉ là một hình thức phê bình của nó mà thôi. “Điểm” đây tức là khuyên dưới những chữ những câu mà người đọc thích. “Phê” đây là lời ghi ngay vào lề sách bên cạnh hoặc ở giữa hai dòng chữ hoặc lề phía trên, phía dưới. Do đó, tự, bạt, vịnh, tổng luận đều không phải là “phê điểm”. Hình thức phê điểm có đặc điểm là tự do, linh hoạt, ngắn dài tuỳ ý, có thể nhận xét chữ nghĩa, tu từ, ý tứ , nhân vật, kết cấu.. song song với quá trình đọc, gắn kết với văn bản, nhưng không phải là tuyến tính, đứng ngoài. Hai là, quan niệm cho rằng người đọc cổ điển chỉ biết đọc thụ động, họ đọc văn như là “bắt vòi sang đấy (tác phẩm )là tiếp nhận được mọi thứ theo nguyên tắc bình thông nhau” (nguyên văn của anh Thuý!) cũng khó tin. Lí thuyết của Đỗ Lai Thuý chỉ là sự suy diễn bắt nguồn từ một quan niệm tiến hoá thô thiển, thiếu hẳn tri thức và quan điểm lịch sử. Cứ theo anh thì người đọc cổ điển bao giờ cũng kém hơn người đọc hiện đại một vài cái đầu. Đó là lối tư duy “đại tự sự” chỉ có ở anh Thuý. Về lý thuyết, bản thân văn bản văn học đích thực cổ hay kim, được sáng tạo ra với tính đa nghĩa, tính mơ hồ, không xác định, tính ám thị... thì bất cứ ai, chỉ thụ động “bắt vòi sang hứng” đều không thu nhận được gì. ít nhất, trước tính đa nghĩa, bắt buộc người đọc phải chọn lựa, trước tính mơ hồ, không xác định lại buộc phải “cụ thể hoá” như lí thuyết của R. Ingarden đã nói. Hoá ra lý luận “cụ thể hóa” của Ingarden, theo cách hiểu của Đỗ Lại Thuý, thì chỉ đúng đối với người đọc hiện đại, chứ không đúng với người đọc cổ điển! Ba là, về thực tiễn thì khi Lý Chí phê điểm Thuỷ Hử, Kim Thánh Thán phê điểm Tây sương ký, Thuỷ hử, Mao Tôn Cương phê điểm Tam Quốc, Chi Ngiễn Trai phê điểm Hồng Lâu Mộng đều không đơn giản chỉ xem tác phẩm là cái cớ, cũng không phải đứng ngoài, tuyến tính, lại càng không phải là thụ động. Đọc ký thác thì cũng phải hoá thân vào số phận con người trong tác phẩm chứ đâu chỉ đứng ngoài. Người xưa thường nói đọc “cái ý ngoài lời”, “nếm cái vị ngoài vị” thì nhất định họ không thể chỉ đọc nghĩa tồn tại mà phải sáng tạo. Giả Đảo đời Đường có câu: “Quái cầm đề khoáng dã, Lạc nhật khủng hành nhân” (Chim lạ kêu đồng trống, Nắng tắt hãi người đi). Âu Dương Tu bình: “Nỗi khổ sở, hãi hùng của người đi chẳng phải hiện ra ngoài lời đó sao?”. Ông đã không hiểu giản đơn là câu thơ tả cảnh theo “nghĩa tồn tại”, mà hiểu là tả tình, từ cảnh mà đọc ra tình, thế là sáng tạo. Mọi người hẳn còn nhớ câu nói nổi tiếng của Kim Thánh Thán: “Tôi thực không rõ sơ tâm người viết vở Mái Tây quả có đúng như thế hay không? Nếu quả cũng như thế thì ta có thể nói rằng nay mới bắt đầu thấy vở Mái Tây... Bằng không như vậy thì ta có thể nói là trước đây vẫn thấy vở Mái Tây nhưng nay lại thấy có riêng vở Mái Tây của Thánh Thán”.
Lời tự bạch này cho thấy Thánh Thán không theo chủ ý của tác giả Mái Tây, mà biến Mái Tây của Vương Thục Phủ thành Mái Tây của mình. Như vậy theo quan niệm của Đỗ Lai Thuý thì phải coi Thánh Thán là người đọc hiện đại chứ. Nếu vậy thì mâu thuẫn với lý luận của Đỗ Lai Thuý. Mà lý thuyết tự mâu thuẫn tức là sai. Một nhà bình luận thể loại “từ” đời Thanh nói về phương pháp đọc “từ” như sau: “Người xưa chưa chắc đã hiểu như thế, nhưng nay tại sao tôi lại không được hiểu như thế?” Như thế người đọc trung đại cũng tự thấy mình có quyền hiểu tác phẩm theo cách của mình, không nhất nhất theo chủ ý tác giả. Điều này chứng tỏ lí thuyết về người đọc cổ điển của Đỗ Lai Thuý mâu thuẫn với thực tế.

Điểm thứ ba. Sự đối lập người đọc cổ điển và người đọc hiện đại theo bốn điểm như trên sở dĩ không đúng chủ yếu là do Đỗ Lai Thuý, tuy trích dẫn nhiều tên tuổi nổi tiếng phương Tây, song tôi nghĩ, anh chỉ mới hiểu chung chung, chưa cụ thể về hoạt động đọc và bản chất, cơ chế của sự đọc. Thật vậy, với lý thuyết tiếp nhận, bất cứ sự đọc nào nói chung cũng đòi hỏi sáng tạo. Tất nhiên có nhiều hình thức đọc khác nhau. Đọc hiểu mặt chữ thì không nói làm gì, đọc ngâm nga thành tiếng thì nhiều lắm chỉ thưởng thức phần âm hưởng, nhạc điệu. Nhưng muốn hiểu sâu thì buộc phải đọc thầm, đọc nhiều lần và sáng tạo. Theo lý thuyết tiếp nhận, bất cứ tác phẩm văn học nào, cổ hay kim, đều có cấu trúc mời gọi, nghĩa là không nói hết, có những điểm chưa xác định, có chỗ để trắng, để trống cho người đọc bổ sung, cụ thể hoá. Thậm chí có thể nói mọi văn bản văn học, dù là văn hay thơ đều chỉ cung cấp cho người đọc văn bản như là cái biểu đạt, còn cái được biểu đạt thì giấu đi, hoặc cho biết không đầy đủ, có khi còn đánh đố người đọc. Như thế bất cứ người đọc dù thuộc thời đại nào khi đọc văn bản đều phải dấn thân vào cuộc tìm nghĩa, tìm cho được cái được biểu đạt, nếu không thì không đạt mục đích hiểu. Mà muốn hiểu, nếu họ không lệ thuộc vào cách hiểu có sẵn của người khác, thì họ phải tự kiến tạo nên nghĩa của mình. Trong câu thơ của Hồ Xuân Hương “Chơi xuân có biết xuân chăng tá, Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không” thì cái nghĩa muốn nói ở câu cuối là gì, tác giả để trống, người đọc phải đoán. Mà đã đoán thì có đúng có sai, (như mọi trò chơi, người đọc phải chấp nhận luật chơi, có thắng có thua), mỗi người sẽ nói một khác ở mức độ nào đó. Đó là vì người đọc không thể chỉ dựa vào “nghĩa tồn tại” mà hiểu được, bởi vì trong câu thơ này “nghĩa tồn tại” rất dễ hiểu, nhưng nghĩa bề sâu của nó lại khó khái quát thành lời mà không đánh rơi mất ý. Cơ chế đọc ở đây là: Người đọc bắt buộc phải dựa vào ngữ cảnh trong văn bản, không khí thời đại, thời điểm sáng tác và sự chờ đợi nhĩa của người đọc để kiến tạo cái nghĩa (cái được biểu đạt) còn để trống kia. Nói cách khác là đem cái “văn bản của người đọc” mà chồng lên “văn bản của tác giả”. Mọi cái nghĩa mà người đọc có được chủ yếu đều là nghĩa kiến tạo cả, xét trên cấp độ chỉnh thể cũng như cấp độ từ ngữ. Mà một khi đã nói mọi cái nghĩa người đọc phát hiện ra đều là nghĩa kiến taọ thì chẳng có cơ sở nào để nói người đọc cổ điển chỉ đọc được cái nghĩa tồn tại, chỉ người đọc hiện đại mới biết đọc cái nghĩa sáng tạo. Điều này phi lý.

Điểm thứ tư. Đối lập đọc “tuyến tính” với đọc “phi tuyến tính” là cũng phi lí không kém. Đỗ Lai Thuý viết: “Người đọc tiêu dùng (bao gồm hưởng, thưởng thức) thường chỉ theo lối đọc tuyến tính, lối đọc hoàn toàn tự nhiên nhi nhiên theo quy luật của thị giác người (!) và bản chất của thể loại nghệ thuật thời gian”. ở đây có nhiều cái sai. Một là, anh đồng nhất “đọc tiêu dùng” với “đọc thưởng thức”. Đọc tiêu dùng thường chỉ vào mục đích thực dụng, chẳng hạn đọc để đi thi, đọc để trích dẫn, đọc để khoe khoang,...thường không theo tuyến tính. Còn đọc thưởng thức là đọc để hưởng thụ cái hay cái đẹp. Khi đọc, người đọc có khi quên cả sự tồn tại của mình, ngao du trong thế giới nghệ thuật toàn vẹn. Hai là, văn học là loại hình nghệ thuật thời gian chứ không phải là thể loại thời gian. Không một sinh viên nào gọi văn học là “thể loại nghệ thuật thời gian” cả. Ba là, đọc “tuyến tính” không tách rời với “phi tuyến tính”. Khi bắt đầu đọc thì ai cũng đọc theo tuyến tính, đọc từ câu đầu sang câu sau cho đến hết văn bản. Khi đọc hết câu cuối cùng của văn bản, lúc đó toàn bộ tác phẩm mới hiện ra hoàn chỉnh, trọn vẹn.
Đến đây có thể tạm coi là sự đọc tuyến tính kết thúc và sự đọc phi tuyến tính bắt đầu. Người đọc sẽ liên hệ các hình ảnh, từ ngữ với nhau, liên hệ, liên tưởng các biểu tượng, mở rộng theo không gian, thời gian để đi đến kiến tạo nghĩa của văn bản. Như dã nói, sự đọc “phi tuyến tính” không tách rời với “tuyến tính”, bởi vì trong khi đọc theo tuyến tính, tâm trí người đọc đã luôn luôn hồi cố, liên hệ, suy đoán các mối quan hệ của các hình tượng, hình ảnh, ngôn từ trong không gian để kiến tạo hình tượng và hiểu nghĩa. Vì đơn giản họ đâu chỉ đọc bằng mắt mà lệ thuộc vào tuyến tính của văn bản? Người đọc đọc bằng cả tâm hồn, có trí nhớ, có tư duy, đọc câu sau, đoạn sau còn nhớ đến câu trước, đoạn trước thì mới có khả năng hiểu văn bản. Còn như đọc theo kiểu đọc câu nào biết câu ấy, đọc câu sau quên câu trước, đọc đoạn sau quên đoạn trước, thì cũng là đọc tuyến tính đấy, nhưng thử hỏi có ý nghĩa gì? Không ai chỉ đọc một cách tuyến tính mà không kết hợp với phi tuyến tính. Cũng như hội hoạ là nghệ thuật không gian, nhưng sẽ ngây thơ nếu cho rằng “đọc” hội hoạ chỉ là đọc trong không gian! Hội hoạ cũng cần đọc “phi không gian” chứ. Bởi vì khi xem tranh, con mắt người xem di động từ chỗ sáng sang chỗ tối, từ chỗ khối mảng sang chi tiết, chỗ đậm sang chỗ nhạt và như vậy xem tranh cũng là đọc trong trật tự sau trước của thời gian. Cho nên đối lập “đọc tuyến tính” với “đọc không gian”, đem hai tính chất của một hoạt động đọc thống nhất, hoàn chỉnh tách làm hai nửa một cách giả tạo, rồi gán cho hai loại người đọc, mỗi loại một nửa thì thật khó hiểu.

Điểm thứ năm. Đỗ Lai Thuý dựa vào lí thuyết tiếp nhận, thông diễn học , hiện tượng học để xác lập khái niệm người đọc hiện dại. Anh viết: “chủ thể thông diễn, tức người đọc hiện đại”, rồi từ tính chất của chủ thể thông diễn anh nhìn lại phê bình của Trần Thanh Mại và Trương Tửu, và anh phát hiện phê bình khoa học của mấy người này vẫn còn mang tính chất của người đọc cổ điển, do chỉ phê bình khoa học, khách quan, thiên về giải thích, tức là phê bình đứng ngoài, chưa đi tìm cái hiểu của mình, mà như thế tức là chưa phải người đọc hiện đại. ở đây Đỗ Lai Thuý có ít nhất ba ngộ nhận. Một là, ngộ nhận về lí thuyết. Lí thuyết tiếp nhận, thông diễn học hiện đại chỉ là lí thuyết miêu tả thực tiễn đọc và hiểu của người đọc xưa nay, nêu ra yêu cầu thay đổi khái niệm về hoạt động tiếp nhận và thông diễn, thay thế cho khái niệm cũ, chứ không hề là lí thuyết riêng về người đọc hiện đại, không thể coi đó là tiêu chí về người đọc hiện đại như anh Thuý nghĩ. Thông diễn học hiện đại như là một lí thuyết bản thể thì nó đúng cho mọi người đọc, chứ không phải chỉ đúng với người đọc hiện đại.
Hai là, dù khái niệm về đọc, hiểu đúng sai, cổ điển, hiện đại như thế nào, thì hoạt động đọc và hiểu trong thực tiễn vẫn diễn ra tự nhiên, không phụ thuộc vào các khái niệm ấy, cũng giống như người ta vẫn giao tiếp ngôn ngữ tự nhiên hằng ngày mà không phụ thuộc vào các lí thuyết và cách mô tả về ngữ âm, cú pháp, từ vựng. Chẳng hạn, Trương Tửu và Hoài Thanh, dù mỗi người nghiên cứu theo phương pháp khoa học hay ấn tượng chủ nghĩa, tác phẩm của họ đều thể hiện sự hiểu, mà mọi sự hiểu đều bao gồm cả lí giải, giải thích, ứng dụng, mọi sự hiểu đều là tự hiểu và do vậy đều thể hiện quy luật thông diễn như nhau. Do đó không có cơ sở nào để coi họ là người đọc cổ điển. Như thế, đem lí thuyết có tính phổ quát về sự đọc hiểu mà quy cho một loại người đọc là phi lí.
Ba là, Đỗ Lai Thuý xem người đọc hiện đại là người đọc theo các “thủ pháp phân tích văn bản như tháo dỡ cấu trúc văn bản để rồi tái cấu trúc theo một chủ ý nào đó, xếp chồng văn bản để tìm ra những nét đậm, nhịp mạnh của tác phẩm; hoặc đi tìm những biểu tượng ám ảnh, những siêu mẫu, những huyền thoại cá nhân...Chỉ có “làm nổ tung văn bản” như vậy thì mới có thể tìm được nghĩa kiến tạo, đúng hơn, kiến tạo được nghĩa mới của tác phẩm.” ở đây Đỗ Lai Thuý lại đem mấy cái thủ pháp đọc thường được nói ra cửa miệng như một cái mốt của một nhóm nhà phê bình văn học Pháp xuất hiện khoảng những năm 50 – 60 mà quy cho cả một loại hình người đọc hiện đại cũng là phi lí.



Người đọc hôm nay còn phân tích diễn ngôn văn học qua hệ thống sự kiện, người kể, điểm nhìn, giọng điệu, kết cấu, chiến lược tự sự, không gian, thời gian nghệ thuật, thể loại, tính đối thoại, lời hai giọng...chứ đâu chỉ có bấy nhiêu thủ pháp. Anh không phân biệt cái chung, cái riêng, chỗ thì đem cái chung quy cho cái riêng, chỗ thì lại đem cái riêng quy thành cái chung. Thật không có ai tư duy khoa học như Đỗ Lai Thuý. Theo tôi, tuy không xướng ra nhãn hiệu này nọ như một vài nhà phê bình văn học ở ta, nhưng trong thực tế nhiều nguời đã sử dụng từ lâu một cách trực cảm các thủ pháp nghiên cứu văn học tương tự, và Hoài Thanh cùng Trương Tửu cũng thế. Ai bảo khi nghiên cứu, các ông ấy không sử dụng các yếu tố lặp lại để tìm “nhịp mạnh”, “hình tượng ám ảnh”, không dùng đến mẫu gốc... khi đọc thơ mới và Truyện Kiều? ấn tượng trong phê bình của Hoài Thanh chính là nhịp mạnh, là hình tượng ám ảnh đó thôi. Lại nữa, trong đoạn văn vừa trích dẫn anh đã đồng nhất người đọc và nhà phê bình, đồng nhất thủ pháp đọc với thủ pháp phê bình, vậy thì đâu cần nghiên cứu loại hình người đọc để làm cơ sở cho việc xác lập nhà phê bình hiện đại kiểu mới làm gì nữa?

Tóm lại, tiêu chí phân biệt người đọc cổ điển và người đọc hiện đại của anh hoàn toàn không có cơ sở, ý tưởng phê bình hiện đại khó tin, thiết nghĩ không nói cũng rõ. Lẽ dĩ nhiên, thông diễn học hiện đại quả thật đem đến một quan điểm mới cho phê bình văn học, nhưng không phải là giản đơn là phân biệt với người đọc cổ điển theo bốn tiêu chí hư cấu của Đỗ lai Thuý. Vấn đề là nhà phê bình “cổ điển”(tạm dùng thuật ngữ của R. Barthes trong sách S/Z, 1970) từ Kant với “năng lực phán đoán”, hay Richards với “xác định giá trị nghệ thuật”, Frye với “phán đoán giá trị” đều vận dụng một giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ đã được công nhận phổ biến, trở thành quy phạm làm thước đo thẩm định các sáng tác nghệ thuật. Đối với các giá trị khác lạ, mới mẻ, không phù hợp với giá trị được công nhận thì cho là phi thẩm mĩ, phi nghệ thuật và bài xích. Đến thời nay, khi chủ thể bừng tỉnh, nó không muốn nép mình hòan toàn với các giá trị đã xác định của cộng đồng, nó xem hiểu là phương thức tồn tại của mình, hiểu tức là diễn giải, phê bình văn học chuyển từ phán đoán giá trị tác phẩm theo tiêu chuẩn định sẵn sang hiểu và diễn giải ý nghĩa của tác phẩm. ý nghĩa là tiền đề không thể thiếu của tồn tại con người, là sự thể hiện toàn bộ quan hệ phức tạp giữa người với thế giới, với xã hội, với người khác, với chính mình, nó đa dạng và phức tạp, bất ngờ hơn bất cứ tiêu chuẩn giá trị nào đã có sẵn và quen thuộc.

Từ đây phê bình không giản đơn chỉ là đánh giá văn học theo hệ giá trị được công nhận, mà còn là khám phá tất cả mọi ý nghĩa của văn học, từ đó mở ra chân trời rộng mở cho sự hiểu tác phẩm văn học. Cùng với ý nghĩa được khám phá, giá trị văn học cũng đa nguyên, đa dạng vô cùng tận.



Bài báo của Đỗ Lai Thuý còn có nhiều điểm đáng bàn nữa như sự thay đổi hệ hình phê bình văn học, thông diễn học hiện đại với phê bình văn học, tính khách quan trong phê bình văn học, phê bình văn học như con vật lưỡng thê... nhưng vì khuôn khổ báo Văn nghệ chúng tôi tạm nêu năm vấn đề với nhiều ý nhỏ để anh Thuý và bạn đọc cùng suy nghĩ. Điều chúng tôi muón nói là làm khoa học thì không được tuỳ tiện, lại càng không được hư cấu.

Hà Nội, ngày 12 tháng 5năm 2010

Bài đã đăng Văn nghệ

Trên đây là bản đầy đủ do tác giả gửi tới Phongdiep.net


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét