Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

[Dịch] Giải cấu trúc học thuật Việt Nam- trường hợp Tạ Chí Đại Trường

From LMK’s weblog:

Deconstructing Vietnamese Scholarship – Tạ Chí Đại Trường

Đúng là tôi đã nghe rất nhiều người ca ngợi những nghiên cứu của học giả Tạ Chí Đại Trường (từ đây trở xuống viết tắt: TCĐT). Tôi đã không từng đọc các nghiên cứu của ông ấy một cách cẩn thận, nên tôi đã quyết định rằng tôi cần làm như vậy. Điều mà tôi thấy là một vài quan niệm chung (general concepts) của ông ấy là tốt, nhưng các điểm cụ thể thực tế trong luận điểm của ông ấy là thiếu tính logic lập luận, và khá không có căn cứ lịch sử.

Dưới đây, tôi sẽ xem xét một ví dụ được rút ra từ một cuốn sách của TCĐT, cuốn Thần, Người và Đất Việt. Ở các trang 38-40 của bản sách mà tôi có, TCĐT nói về Cao Lỗ như là một “thần đá” (a stone spirit).

Người ta thường cho rằng Cao Lỗ là một viên quan dưới quyền vua An Dương. TCĐT lưu ý rằng theo Lĩnh Nam trích quái liệt truyện, Cao Lỗ đã giúp vua An Dương làm ra một cái nỏ thần (a divine crossbow) (cốt lõi của câu chuyện đó có nguồn gốc từ Thủy kinh chú, nhưng TCĐT không nói gì đến điều này). TCĐT chỉ ra rằng, tuy nhiên, trong Việt điện u linh tập (từ đây trở xuống viết tắt: VĐULT), Cao Lỗ không chỉ là bề tôi của vua An Dương (thực chất, văn bản nhắc đến Cao Lỗ như một “viên tướng”) mà còn được thờ phụng như một vị thần. Quả thực, điều đập mạnh tới TCĐT là đi qua hàng thế kỉ, trong tâm trí của người dân, ông thần Cao Lỗ dường như đã ngày càng hiện hữu mạnh mẽ hơn bản thân vị vua An Dương, thế nên khi viên quan nhà Đường là Gao Pian/ Cao Biền đến khu vực này, ông ấy đã ghi nhận về thần Cao Lỗ này.

TCĐT tiếp đó đặt vấn đề vậy thì Cao Lỗ thực tế là ai, và TCĐT nói rằng Cao Lỗ thực tế đã là một thần đá. Chứng cứ ông đưa ra biện luận điểm này là có một thực tế rằng chuyện về Cao Lỗ ghi trong VĐULT đã được mở đầu với những câu “王姓高名魯,乃安陽王之將也。俗號都魯或號石神。” – Vương họ Cao tên Lỗ, là tướng của vua An Dương. Tục gọi là Đô Lỗ hoặc gọi là Thạch Thần. [“the king’s surname was Cao and his given name Lỗ, and he was a general for King An Dương. He is commonly called Commander Lỗ or as the Stone Spirit.”] Trong VĐULT, chúng ta cũng được biết những danh hiệu mà Cao Lỗ sau đó được ban cấp. Cụ thể là, văn bản VĐULT nói rằng “陳重興元年,敕封果毅王。四年,加剛正二字。興龍二十一年,加威惠二字。” – Nhà Trần Trùng Hưng năm đầu [tức năm 1285], [thần, tức Cao Lỗ,] được sắc phong là “Quả Nghị vương”. Năm thứ tư [tức năm 1288], được gia phong thêm hai chữ “Cương Chính” (“in [1285], [the spirit] was invested with [the title of] Resolute and Steadfast (果毅) King. In the fourth year [1288], the two words, principled and upright (剛正), were added.”) TCĐT biện luận rằng mặc dù đến thời điểm này (tức thời điểm nhà Trần ban sắc phong – NS chú), Cao Lỗ đã không được thờ như một hòn đá nữa, những danh hiệu này “vẫn vướng víu ý nghĩa đá” (involved ideas of the hardness of stone). Trong khi TCĐT không giải thích những lí do thật sự của điểm này, tôi đoán ông ấy có thể đã muốn chúng ta hiểu rằng phần nào đó nhà Trần đã thừa nhận sự tồn tại trước đó của thần Cao Lỗ như một vị thần đá nên đã ban cấp cho vị thần này những danh hiệu như vậy (that there was some recognition on the part of the Trần Dynasty officials who granted these titles of Cao Lỗ’s previous existence as a stone spirit).

Vua An Dương rất nổi tiếng, và trong những điều nổi tiếng của vị vua này là việc xây dựng thành Cổ Loa. Câu chuyện diễn ra lúc ban đầu là việc thành cứ xây rồi lại đổ. Sau đó, một con rùa vàng đã giải thích cho nhà vua rằng công việc xây thành bị phá hoại bởi một vài thế lực đen tối, và rằng nếu nhà vua giết một con gà trắng (là cái mà những thế lực đen tối này ít nhiều tích tụ nên) ở một quả núi gần đó, thì nhà vua có thể xây được thành. Việc đó đã được thực hiện thành công, và khi rùa vàng rời đi, đã để lại cho vua An Dương một trong những chiếc móng của rùa vàng, đó là cái mà Cao Lỗ sau này đã dùng để chế ra nỏ thần.

TCĐT giải thích rằng có một nghi lễ ngày nay đang được thực hành, trong đó diễn tả việc vua An Dương hằng năm đến bái tạ ở một ngôi đền của làng Nhồi để tỏ lòng ghi nhớ một vị thần Đạo giáo – Trấn Vũ. Theo những câu chuyện gắn với nghi lễ này, vị thần Đạo giáo Trấn Vũ đã đuổi trừ các thế lực đen tối để khiến vua An Dương có thể xây được xong thành Cổ Loa.

TCĐT không tin điều này. Ông nói rằng theo tư tưởng Nho giáo, một vị vua sẽ chỉ thờ Trời. Theo TCĐT, trong việc đến bái tạ thần ở đền làng Nhồi, vua An Dương ở vào tư cách một thủ lĩnh, một người đi bái lạy một vị thần đang bảo hộ vùng đất của ông ta. TCĐT tiếp đó nói rằng “Rõ ràng trong vết tích nguyên thủy, thần bảo trợ An Dương Vương là một thần đá” (It is clear from the primordial traces that the spirit which protected King An Dương was a stone spirit). Nhưng điều này không phù hợp với những tư tưởng của giai cấp thống trị trong quá khứ, cho nên Cao Lỗ đã được làm cho trở thành một người bề tôi, và trong những nơi thờ phụng, người ta thay thế việc thờ Cao Lỗ bằng việc thờ Trấn Vũ – một thiên thần (và do đó là người có kết nối với Trời). [However, this would not fit the ideas of the ruling class in the past, so Cao Lỗ was made into an official, and was replaced in the place of worship by Trấn Vũ, who is a celestial spirit (and therefore, there is a connection with Heaven).]

Chuyện về Cao Lỗ trong VĐULT

Vâng, khi tôi nói rằng quan niệm của TCĐT là ổn, tôi muốn nói rằng tư tưởng cho rằng một tục thờ cúng một vị thần thay đổi qua thời gian là chính xác. Tuy nhiên, cách thức mà các TCĐT phân tích và trình bày thông tin về hiện tượng này thì vô cùng có vấn đề. Tôi cho rằng cách tốt nhất để phân tích vấn đề này là trước hết hãy xem lại nguồn tư liệu chính về thông tin này, tức là sách VĐULT.

Văn bản mà tôi dùng để dịch ở đây là bản A.47.

果毅剛正王

按史記,王姓高名魯,乃安陽王之將也。俗號都魯或號石神,皆訛也。

高駢平南詔後,以兵巡武寧州,至嘉定縣。夜夢一人,身長九尺,形容古雅。自言其名 高魯,昔輔安陽王,有討賊功。雒侯譖之而没。天帝憫其忠,敕管此地,號都統神將。凡兵農之事,皆某主之。今君討平南詔,故來相見。

駢問雒侯何以譖之。曰: 此事幽玄,不須宣泄。駢固問,曰:安陽王是金鷄之精,雒侯是白猿之精,某乃石龍之精,不合故相害耳。駢覺悟,以告僚佐,且吟曰:

南國山河勝,龍神觸處靈,交州休蹙頞,今後見昇平。

初大灘河相傳下有龍窟,商船過此,多為風波所損。若知先詣神祠禱之,自免災害。故行人多致敬于神,尊為福神。

陳重興元年,敕封果毅王。四年,加剛正 二字。興龍二十一年,加威惠二字。

Quả Nghị Cương Chính vương

Án Sử kí, vương tính Cao danh Lỗ, nãi An Dương vương chi tướng dã. Tục hiệu Đô Lỗ hoặc hiệu Thạch Thần, giai ngoa dã.

Cao Biền bình Nam Chiếu hậu, dĩ binh tuần Vũ Ninh châu, chí Gia Định huyện. Dạ mộng nhất nhân, thân trường cửu xích, hình dung cổ nhã. Tự ngôn kì danh Cao Lỗ, tích phụ An Dương vương, hữu thảo tặc công. Lạc hầu trấm chi nhi một. Thiên Đế mẫn kì trung, sắc quản thử địa, hiệu Đô thống Thần tướng. Phàm binh nông chi sự, giai mỗ chủ chi. Kim quân thảo bình Nam Chiếu, cố lai tương kiến.

Biền vấn Lạc hầu hà dĩ trấm chi. Viết: Thử sự u huyền, bất tu tuyên tiết. Biền cố vấn, viết: An Dương vương thị kim kê chi tinh, Lạc hầu thị bạch viên chi tinh, mỗ nãi thạch long chi tinh, bất hợp cố tương hại nhĩ. Biền giác ngộ, dĩ cáo liêu tá, thả ngâm viết:

Nam quốc sơn hà thắng, Long thần xúc xứ linh, Giao Châu hưu xúc át, Kim hậu kiến thăng bình.

Sơ Đại Than hà tương truyền hạ hữu long quật, thương thuyền quá thử, đa vi phong ba sở tổn. Nhược tri tiên nghệ thần từ đảo chi, tự miễn tai hại. Cố hành nhân đa trí kính vu thần, tôn vi phúc thần. Trần Trùng Hưng nguyên niên, sắc phong Quả Nghị vương; tứ niên, gia Cương Chính nhị tự. Hưng Long nhị thập nhất niên, gia Uy Huệ nhị tự.

The Resolute and Steadfast, Principled and Upright King
Quả Nghị Cương Chính vương (tức Vua của sự Quả đoán, Cương nghị, Cương trực, Chính trực)
According to the Historical Records, the king’s surname was Cao and his given name Lỗ, and he was a general for King An Dương. He is commonly called Commander Lỗ or as the Stone Spirit. Both of these are wrong.
Theo Sử kí, Vương họ Cao tên Lỗ, là tướng của vua An Dương. Tục gọi là Đô Lỗ hoặc gọi là Thạch Thần, đều là sai vậy.
After Cao Biền/Gao Pian pacified Nanzhao, he led troops to inspect Vũ Ninh Prefecture and made it to Gia Định District. At night he dreamed of a man who was nine meters tall, with a look of archaic simplicity and sophistication. He said that his name was Cao Lỗ, and that formerly he aided King An Dương and had accrued a positive record in punishing bandits. The Lạc marquises had then slandered him, and he was killed. The celestial emperor pitied his loyalty and ordered that he govern over this area, calling him the Campaign-Commanding Divine General. “All military and agricultural matters are controlled by me. Now that you have pacified Nanzhao, I have come to meet you.”
Sau khi Gao Pian/ Cao Biền bình định Nanzhao/ Nam Chiếu, ông ta mang quân tuần tiễu châu Vũ Ninh và đi đến huyện Gia Định. Đến đêm, ông nằm mơ thấy một người, thân hình cao chín tấc, hình dung phác cổ mà nhã thuần. Người ấy tự nói tên mình là Cao Lỗ, xưa giúp vua An Dương, có công đánh giặc. Lạc hầu nói sàm ông mà ông phải chết. Thiên đế thương ông có lòng trung, sắc ban cho ông quản lĩnh đất này, gọi là Đô thống thần tướng. “Hễ các việc binh việc nông đều do ta làm chủ. Nay ông đánh yên Nanzhao, nên tôi đến gặp mặt.”
Biền/Pian asked how the Lạc marquises had slandered him. [Cao Lỗ] said, “It is an obscure matter. I should not reveal it.” Biền/Pian continued to ask and [Cao Lỗ] said, “King An Dương was the vital essence of a golden chicken, the Lạc marquises were [12b] the vital essence of a white gibbon, and I am the vital essence of a stone dragon. We just do not match, so we therefore harm each other.” Biền/Pian woke up, told this to his subordinates, and intoned the following:
Biền/Pian hỏi Lạc hầu nói sàm điều gì. [Cao Lỗ] nói, “Việc đó u huyền. Ta không nên nói lộ ra.” Biền/ Pian cố nài hỏi, thì [Cao Lỗ] nói, “vua An Dương là tinh gà vàng, Lạc hầu là tinh vượn trắng, tôi lại là tinh rồng đá, không hợp nên hại lẫn nhau.” Biền/ Pian bừng tỉnh, mang chuyện này nói với liêu thuộc, lại ngâm rằng:
The mountains and rivers of the Southern Kingdom excel,The dragon’s divinity is everywhere numinous.Giao/Jiao Region has ceased to have worries,From this point onward it will see peace.
Sông núi nước Nam hơn trội,Thần rồng nơi nơi linh thiêng,Châu Giao thôi lo lắng,Từ nay đến mai sau thấy sự thăng bình
Earlier, it was said that below Đại Than River there was a dragon cavern. When merchant ships passed here they would often suffer losses from wind and waves. If one knew to visit the spirit shrine and pray first, one would avoid disaster. Therefore, most travelers paid their respects to the spirit, and honored it as a spirit of good fortune.
Mới đầu, tương truyền rằng dưới sông Đại Than có hang rồng, thuyền buôn qua đó, nhiều người bị hại bởi sóng gió. Nếu biết trước đến trình đền thần mà cầu đảo thần thì tự khắc tránh tai họa. Cho nên người qua đó rất thành kính với thần, tôn thần làm “phúc thần.”
In the first year of the Trùng Hưng era of the Trần [1285], [the spirit] was invested with [the title of] Resolute and Steadfast King. In the fourth year [1288], the two words, principled and upright, were added. In the 21st year of the Hưng Long era [1313], the two words, prestigious and benevolent, were added.
Nhà Trần Trùng Hưng năm đầu [tức năm 1285], [thần, tức Cao Lỗ,] được sắc phong là “Quả Nghị vương”. Năm thứ tư [tức năm 1288], được gia phong thêm hai chữ “Cương Chính.” Năm 21 niên hiệu Hưng Long, thêm hai chữ “Uy Huệ” (tức Uy nghiêm và Rộng lượng).

Phân tích

Như vậy, theo TCĐT, Cao Lỗ là một thần đá. Vậy những “vết tích nguyên thủy” rõ ràng [như TCĐT nói] thể hiện điều này là cái gì? Chẳng có gì cả. Tất cả chỉ có một ghi chú trong một văn bản thời trung đại, tức trong VĐULT, rằng một trong những tên người ta thường gọi Cao Lỗ là “Thạch Thần” (Thần đá/ Stone Spirit). Trong khi đó, chúng ta tuy nhiên lại thấy: 1) Trong văn bản này, Cao Lỗ nhắc đến chính ông ta là “tinh của rồng đá”, 2) Gao Pian/ Cao Biền nhắc đến thần rồng trong bài thơ, và 3) một câu chuyện về hang rồng dưới nước đã gây tai ương cho người qua lại, và thần Cao Lỗ có thể bảo vệ họ khỏi những tai ương ấy.

Vậy Cao Lỗ là loại thần gì? Chúng ta không thể nói chắc chắn. Có lẽ đền thờ ông ấy đã được dựng ở gần hoặc quanh một tảng đá, nhưng uy lực của ông ấy thì có liên hệ bằng cách nào đó đến rồng (hay rộng hơn là rắn nước).

Nếu là như thế, điều này phải có liên quan gì với nhân vật lịch sử của Cao Lỗ? Tất cả những gì chúng ta biết về Cao Lỗ chỉ là ông ấy đã chế ra nỏ thần. Mà điều này chẳng liên quan gì đến đá hay rồng.

Điều mà TCĐT không làm là cần cố gắng phác họa ra cái quá trình của sự phát triển. Những gì các học giả nghiên cứu tôn giáo Trung Quốc đã trình bày thành văn một cách tường minh là đã có những trường hợp mà người ta ban đầu thờ một cái gì đó trong tự nhiên, sau đó họ nhân cách hóa (anthropomorphized) nó và thường móc nối nó với một nhân vật lịch sử. Tuy nhiên sau đó, những người thuộc Phật giáo hoặc Đạo giáo có thể đã lợi dụng các thần này và tạo ra những câu chuyện riêng của họ về thần đó. Cuối cùng, Nho gia có lẽ cũng đã làm như vậy. (Công trình A God’s Own Tale [Câu chuyện tự thân của một vị thần] của Terry Kleeman đã thực hiện rất tốt công việc minh chứng điều này bằng cách cho thấy rằng vị thần của Đạo giáo / Nho giáo, thần Wenchang/ Văn Xương, đã có nguồn gốc từ một tục thờ rắn ở Tứ Xuyên, và sau đó tiến triển qua quá trình của một thời kì cả nghìn năm.)

Vậy trong trường hợp của ông thần ở đây, có vẻ rằng những người qua lại một dòng sông đầu tiên đã thờ thần ở dọc theo dòng sông này. Sau đó thần này đã được liên kết với Cao Lỗ. Điều này đã xảy ra khi nào? Chúng ta không thể biết được. Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người sẽ cho rằng điều này hẳn đã xảy ra trước khi Gao Pian tới đất này. Điều đó có nghĩa là thần thực sự hiện thân trước Gao Pian. Liệu mọi người thực sự tin điều đó?

Tôi nghĩ rằng một khả năng rất có thể sẽ là Gao Pian, hoặc những người của ông ấy, thực tế đã liên kết thần này với Cao Lỗ. Gao Pian đến khu vực này để dẹp loạn Nanzhao/ Nam Chiếu và bình định khu vực. Chứng tỏ rằng mình có sự bảo trợ của các vị thần là một biện pháp quan trọng để khống chế những người địa phương. Trong câu chuyện, Cao Lỗ thể hiện sự hỗ trợ của ông ấy đối với Gao Pian và những người của Gao Pian, và điều này có thể bởi vì Gao Pian và những người của ông ta đã tạo ra câu chuyện này vào thời gian đó nhằm giành được sự khống chế đối với người địa phương (đây là hành động mà những quan lại Trung Quốc đã lặp đi lặp lại ở các khu vực họ đến cai quản). Hơn nữa, tất cả các thông tin lịch sử về Cao Lỗ và vua An Dương đã được lấy từ một vài dòng trong Thủy kinh chú, một văn bản mà Gao Pian, người được nói là rất thích dùng thuật phong thủy để khống chế các khu vực, có thể đã có đọc. Nói cách khác, Gao Pian có thể đã chuyển hình (transformed) một tục thờ cúng địa phương thành một sự thờ cúng một nhân vật lịch sử – một nhân vật lịch sử đã chỉ đến hỗ trợ Gao Pian. (Ngoài ra, trong VĐULT, họ “Cao” của Cao Lỗ được viết giống như chữ “Cao” trong tên Gao Pian, nhưng trong Thủy kinh chú – nguồn sử liệu gốc về Cao Lỗ, thì chữ “Gao” trong tên của Cao Lỗ được viết bằng một chữ “cao” khác. Liệu lí do tại sao chữ “Cao” khác được sử dụng là do Gao Pian?)

Bất luận rằng Cao Lỗ đã được gắn kết với một đền thờ bên cạnh một con sông, và được những người qua lại đó thờ phụng như là một phúc thần từ khi nào, đến thế kỷ thứ mười ba khi nhà Trần sắc ban những danh hiệu cho thần này, họ có lẽ làm điều này để giành lấy sự hỗ trợ của thần cho triều đại của họ. Trong khi TCĐT lập luận rằng những danh hiệu này liên quan đến tính chất cứng rắn của đá, thì trên thực tế những danh hiệu đó là những thuật ngữ rất chuẩn chỉnh và rất “Nho giáo”. Có rất ít lí do để cho rằng có một vài sự ngầm thừa nhận về những nguồn gốc của thần này (điều mà trong bất kì trường hợp nào, như chúng ta đang thấy, không thể nối kết một cách rõ ràng được với một thần đá). Hơn nữa, việc văn bản VĐULT nói rằng các tên thường gọi Cao Lỗ được biết đến là “đều sai” (皆訛) chỉ ra cho thấy mọi cố gắng tiến đến chuẩn hóa cách hiểu về thần Cao Lỗ, và gọi ông thần này là “thần Đá” là không thể chấp nhận được.

Tiếp theo, có một điểm TCĐT đề cập về thứ nghi lễ hiện hành mà ở đó vua An Dương bái lạy Trấn Vũ. Về cơ bản TCĐT đang sử dụng nghi lễ này để giải thích làm thế nào và tại sao việc thờ Cao Lỗ đã thay đổi. Sự thờ cúng này là đã thay đổi, tuy nhiên, nó đã diễn ra hàng thế kỉ trước đây. Các nghi lễ luôn thay đổi qua thời gian. Bạn không thể dùng một nghi lễ mà ngày nay đang được thực hành để giải thích cho cái đã diễn ra từ nhiều thế kỉ trước đó. Dù nói như vậy, nghi lễ này là rất thú vị. Điều tôi có thể đoán được là hẳn phải có hơn một sự thay đổi như thế đã từng diễn ra liên quan đến tục thờ cúng này.

Tất cả những điều đang nói dẫn đến nhiều câu hỏi. Người Việt Nam ít nhất đã bắt đầu thờ Trấn Vũ từ khi nào? Sông Đại Than nằm ở đâu? Làng Nhồi có ở cùng địa điểm đó? Nếu không, tục thờ cúng đã dịch chuyển (về mặt địa lí) như thế nào? Điều đó xảy ra khi nào? Nói cách khác, có nhiều điều hơn nữa về câu chuyện này.

Tóm lại, TCĐT có quan niệm chung đúng đắn ở đây, nhưng những ý tưởng cụ thể của ông ấy và cách thức mà ông ấy trình bày các chứng cứ thì rất không có cơ sở lịch sử. Ông ấy dường như để một vua An Dương đã thờ một hòn đá từ thời kì trước Công nguyên, nhưng ông không giải thích xem nhân vật lịch sử Cao Lỗ, người mà chúng ta thấy từ trong Thủy kinh chú, đã liên hệ đến tục thờ đá như thế nào. Sau đó TCĐT ghi chú rằng Gao Pian gặp tục thờ cúng này và đã không nhận thấy tục thờ cúng này là để thờ đá, nhưng sau đó, ở những thế kỉ sau, khi nhà Trần ban cấp các danh hiệu cho vị thần, thì theo TCĐT, nhà Trần đã ban những danh hiệu có liên hệ với tính chất cứng rắn của đá, nghĩa là có ý cho rằng nhà Trần vẫn còn biết về những nguồn gốc của tục thờ cúng này (Tại sao họ có thể làm điều này vậy?) Và sau đó TCĐT sử dụng nghi lễ Trấn Vũ đang được thực hành ngày nay để giải thích những gì đã xảy ra cách đây cả ngàn năm hoặc lâu hơn trước đó.

Tất cả những điều ấy là không logic và không có căn cứ lịch sử một cách đáng kinh ngạc.

Dù nói vậy, chủ đề này rất lí thú, và chúng ta có tư liệu để nghiên cứu. Hơn thế nữa, đây là một chủ đề mà những học giả nghiên cứu những khu vực khác trên thế giới đã tiến hành các nghiên cứu tương tự, và những nghiên cứu đó có thể giúp đỡ ai đó nghĩ về những điều đã xảy ra trong quá khứ ở Việt Nam. Tuy nhiên, chủ đề này cần phải được nghiên cứu bởi người nào có thể tư duy một cách logic và biết cách sử dụng những cứ liệu lịch sử để lập luận cho những phát ngôn của mình.

Sử học và Việt Nam [lượm lặt]
Sử học là một lĩnh vực tri thức của người đương đại xây dựng nên trên con đường đi về quá khứ
Hoài nghi

Post bài này lên cho các bạn trẻ tham khảo, có thể đọc sử Việt từ nhiều góc độ và quan điểm khác nhau và có thể phản biện tất cả!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét