Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Quy trình xử lý và thu thập mẫu tại hố rác bếp 4 (10TD, H.2, F.4)


Trong nhiều hố rác bếp (hố đất đen) khi lấy đất đem sàng đãi bằng nước, đoàn khai quật đều nhận thấy thành phần văn hóa (di vật khảo cổ và tàn tích động, thực vật...) của các hố này rất giống nhau và về cơ bản cũng giống với sưu tập hiện vật của toàn bộ tầng văn hóa. Tuy nhiên do chỉ có điều kiện sàng lọc đât bằng nước những khối đất lấy từ một số hố đất đen (hố rác bếp số 3, 4 ở hố 2; hố rác bếp số 13, 14, 15 và 20 ở hố 3) mà thôi nên không rõ tàn tích động thực vật có phân bố đều trong toàn bộ tầng văn hóa hay không.
Các cuộc khai quật khảo cổ ở Việt Nam hiện nay do nhiều nguyên nhân mà trong đó chủ yếu là thiếu thời gian và kinh phí nên mới chỉ tập trung thu thập hiện vật khảo cổ và ghi nhận các vết tích xuất lộ chứ chưa thu thập được nhiều những thông tin phụ khác liên quan đến đời sống của con người, đặc biệt là cách thức ứng xử của họ với môi trường sống.
Nhân đây cũng phải nói thêm về khái niệm tầng văn hóa, trong khoa học khảo cổ khái niệm "tầng văn hóa" dùng để chỉ những tích tụ vật chất do hoạt động sống của con người để lại trong lòng đất. Nhìn chung thời gian ở càng lâu thì những tích tụ này càng lớn và theo quy luật chồng xếp, tầng ở sâu nhất, xa bề mặt đất hiện tại nhất có thời gian hình thành sớm nhất và ngược lại. Có nhiều yếu tố dẫn đến sự xáo trộn toàn bộ hay cục bộ tầng văn hóa dẫn đến cái cũ lẫn vào cái cũ hơn, cái hiện đại lẫn vào cái cổ... nhiệm vụ của nhà khảo cổ học khi khai quật là phải nhận biết được tình trạng của tầng văn hóa của di tích nơi mình khai quật. 
Trừ một số trường hợp hãn hữu khó nhận biết dấu vết trên hiện trường hiện tượng xáo trộn (do chất đất, do thành phần cấu tạo nên tầng văn hóa - ví dụ tầng văn hóa trong hang của văn hóa Hòa Bình do có cấu trúc tạo thành bời nhiều vỏ ốc nên có khá nhiều khe hở và phía trên ít khi bị bồi lấp bời đất mới nên hiện vật rất dễ lọt qua các khe hở rơi từ trên xuống, hay đất cát - như trường hợp di tích tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam- hiện vật cũng dễ bị lộn tùng phèo; do tác động của khí hậu, thời tiết và phần nữa do kinh nghiệm của người khai quật ) còn nhìn chung, ta có thể dễ dàng nhận ra dấu tích của sự xáo trộn bất kể do con người hay tự nhiên gây ra. Mỗi nhà khảo cổ khi nhận nhiệm vụ chỉ huy hố khai quật phải quan sát cẩn thận quá trình đào, phải thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc khai quật khảo cổ (mà mỗi sinh viên khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH & NV Hà Nội đều được học cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực hành ngay ở năm đầu tiên). Đặc biệt sau mỗi lớp đào phải nạo phẳng mặt bằng để nhận diện những diễn biến theo không gian kết hợp với nạo và làm phẳng vách hố đào để theo dõi những diễn biến và thay đổi văn hóa theo thời gian. Như vậy chỉ có thể nói đến các yếu tố gây ra sự xáo trộn tầng văn hóa chứ tầng văn hóa không có chân để "có thể dịch chuyển ghê gớm trong không gian"! 
Nhiều hiện vật rất bé(đặc biệt là tàn tích thức ăn, mảnh tước, tách thải ra trong quá trình chế tác, sửa chữa hiện vật bằng đá, hạt cườm nhỏ li ti bằng đá, bằng thủy tinh...)khó có thể thu thập bằng cách bóp đất tơi nhỏ, trong trường hợp này các nhà khảo cổ có thể dùng phương pháp sàng khô (thường áp dụng trong trường hợp đất cát) và sàng nước.
Quá trình thu thập mẫu vật này cũng phải được theo dõi rất cẩn thận vì có khá nhiều nguy cơ dẫn đến sự nhiễm/lạc mẫu vật cổ với mẫu vật mới (như GS. Nakamura đã cho ví dụ cụ thể trong lá thư của mình)!
Quy trình xử lý và thu thập mẫu tại hố rác bếp 4 (10TD, H.2, F.4) cũng tuân theo 10 nguyên tắc khai quật khảo cổ học
Hố khai quật 2, nơi có hố rác bếp 4

Hố 2, các ô a-e, 1,2, nơi sẽ xuất lộ các hố rác bếp số 3 và 4

Hố 2, lớp 2

Bóc lớp 2 (15cm)

Bóc lớp 3 (15cm)

Mặt bằng lớp 5, góc A, ô a1 xuất lộ cụm hiện vật thế kỷ 9-10

Xuất lộ miệng của F4, ô b2, cách bề mặt hố khoảng 1m 

Cắt 1/4 hố rác bếp 4 (F4)

Lớp đào 7
Lớp đào 8, hố rác bếp 4 (F4) thấy rõ cấu trúc hơn

Xử lý hố rác bếp 4 (F4)

Hố rác bếp 4 (F4) nhìn từ trên xuống


Xử lý mặt cắt 1/4 của hố rác bếp 4 (F4)


Mặt cắt cho thấy các lớp đất trong hố rác bếp rất ổn định

Độ sâu của hố rác bếp 4 (F4) so với bề mặt hố khai quật

Một phần đáy

Phần hố rác bếp được giữ lại

ảnh chụp hố rác bếp 4 (F4) trước khi lấp hố khai quật 2

Đãi, sàng đất

Một số hạt thóc đâm rễ

Giống như trong hố rác bếp 3 (F3), ở đây cũng có gạo cháy, vỏ trấu, thóc...

Xương cá, ốc, động vật nhỏ cũng khá nhiều

Ủ riêng những hạt đâm rễ, nhưng có lẽ do để lâu trong bao đất đợi đãi những hạt này đã không sống được!



Càng ngày càng thấy sự cần thiết của nghiên cứu liên ngành trong Khảo cổ học!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét