Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Đã định im lặng

Mấy hôm nay mệt bã người, trời thì nóng, việc thì nhiều suốt ngày lúc thì cắm mặt vào màn hình máy tính, lúc thì phóng xe vù vù xuyên Hà Nội. Có một chuyện, đã định "câm như thóc", nhưng lắm người gọi điện hỏi quá, đành phải tường trình cho tỏ.

Cách đây 2 ngày, sau khi kết thúc buổi báo cáo sơ bộ về Thành Dền về Hà Nội mở hộp thư điện tử thấy TS. Vũ Thế Long chuyển tiếp cho 01 giấy mời, lúc đầu mình tưởng bác í tổ chức nói chuyện ẩm thực hay môi trường gì đó liên quan đến các dự án xã hội bác í làm, định bụng để lúc khác đọc. Lướt nhanh, chợt thấy có từ "thóc 3000 năm" đành phải xem kỹ.

Hóa ra có chuyện cực lạ!

Đưa lên đây để mọi người cùng xem để biết về TỌA ĐÀM KHOA HỌC !


Nội dung thư do TS. Vũ Thế Long chuyền vào hộp thư bebimkch@gmail.com
     
Vào 11:02 Ngày 15 tháng 6 năm 2010, 123bonhanlaolun đã viết:
Cảm ơn Hạnh
Chú đã nhận dược và sẽ đến dự nếu ngày ấy không bị trùng lịch công tác
Mọi sự thảo luận đều phải căn cứ vào báo cáo khoa học tỷ mỷ của đòan khai quật Khảo cổ Thành Dền và được sự đồng ý của những người khai quật.
Chú nghĩ báo khoa học phải tự chứng minh rằng mình là tờ báo có uy tín chứ không nên tự tuyên bố rằng mình là có uy tín nhất, là hàng đầu... Trong khoa học thì chân lí thuộc về thực tế chứ không phải cứ tự cho mình là đúng được. Cách nhìn về khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội mà tự cho mình là duy nhất, là đúng đắn nhất nó thể hiện sự thiếu khoa học bởi không khách quan.
Chú ủng hộ tờ Khoa học của LH Hội ta nhưng chú cũng tôn trọng mọi thông tin khoa học khác nếu nó nói được chân lí khoa học.
Chú LONG.

Nội dung thư mời TỌA ĐÀM KHOA HỌC

2010/6/15 Le Tuyet Hanh
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC TỌA ĐÀM KHOA HỌC
Sự thật xung quanh câu chuyện khó tin: hạt thóc 3000 tuổi vẫn nảy mầm
 
Kính gửi: Các nhà khoa học
Sự kiện hạt thóc 3000 năm nảy mầm đang là hiện tượng khoa học nóng, gây sự chú ý của dư luận. Báo KH&ĐS với tư cách là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội KH&KT VN, tờ báo Khoa học hàng đầu của Việt Nam sẽ tổ chức tọa đàm: "Sự thật xung quanh câu chuyện khó tin: hạt thóc 3000 năm tuổi vẫn nảy mầm".
Với chuyên môn chuyên ngành và sự am hiểu trong lĩnh vực này của quý vị, chúng tôi trân trọng kính mời quý vị tham dự và có tham luận tại tọa đàm để đóng góp ý kiến về hiện tượng khoa học này, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề còn khúc mắc xung quanh câu chuyện KH lạ
Xin kính gửi dự kiến chương trình đến quý vị.

I. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU:
1. Lý do tổ chức tọa đàm
Đây là một sự kiện khoa học gần đây được không chỉ gây xôn xao dư luận mà còn gây chấn động giới khoa học đó là: việc công bố những hạt thóc có niên đại 3000 năm nhưng vẫn có khả năng nảy mầm, phát triển bình thường. Nếu điều này là sự thật, thì đây là dấu tích khoa học rất quan trọng để ghi nhận về một nền văn minh lúa nước cũng như những khả năng áp dụng cho công việc tạo giống lúa mới có sức chống chịu thời tiết cao… Song, hiện tượng này cũng đang gây những tranh luận sôi nổi ngay trong giới khoa học. Một bên thì khẳng định, đây là chuyện có thật. còn một bên cũng đưa ra những luận cứ khoa học cho rằng, không thể có chuyện đó xảy ra. Vậy đâu là sự thật?
2. Mục đích
Tạo diễn đàn mở để các nhà khoa học .

II. NỘI DUNG TỌA ĐÀM:

1. Chủ đề:

“ Sự thật xung quanh câu chuyện khó tin: hạt thóc 3000 tuổi vẫn nảy mầm”

Tọa đàm sẽ tập trung đi vào những vấn đề sau đây:

- Sự kiện hạt thóc ngàn năm này có phải là sự kiến đáng chú ý của khảo cổ của VN không?
- Nó có ý nghĩa KH như thế nào?
- Tranh cãi xung quanh việc có hay không có hạt thóc 3000 năm nảy mầm
- Có cần mất thời gian và tiền để giám định không?
- Có nên bảo tồn nó không?
- CQ nào có thẩm quyền và chức năng bảo tồn?

2. Thời gian và địa điểm diễn ra tọa đàm:

• Dự kiến thời gian: 1 nửa ngày (sáng) vào cuối tháng 6/2010
• Địa điểm: KS Bảo Sơn, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội
• Số lượng người tham dự: dự kiến 60 người (gồm các nhà KH, phóng viên báo đài)

C Tham luận xin gửi về địa chỉ email: lehanhkhds@gmail.com trước ngày 20/6.
Rất mong sự tham gia của quý vị để buổi tọa đàm được thành công tốt đẹp.


Mọi thông tin xin liên hệ
Nhà báo Lê Hạnh- trợ lý TBT
Tel: 0913588066 - 0985458585
Email:lehanhkhds@yahoo.com - lehanhkhds@gmail.com
YM! lehanhkhds
--
LÊ THỊ TUYẾT HẠNH
Báo Khoa học và Đời sống
Số 21, nhà 31 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội
Tel: 0913588066 - 0985458585
Email:lehanhkhds@yahoo.com - lehanhkhds@gmail.com
YM! lehanhkhds

Thư của mình trả lời TS. Vũ Thế Long

Cám ơn vì anh đã chuyển cho đoàn khai quật thư này, vì có một số người đã gọi điện hỏi về TỌA ĐÀM KHOA HỌC. Với tư cách là người chịu trách nhiệm khai quật địa điểm Thành Dền, xin gửi anh một số ý kiến sau:

1. Sáng nay (ngày 16 tháng 6 năm 2010), tại Hội trường UBND xã Tự Lập, huyện Mê Linh, đoàn khai quật đã tiến hành báo cáo sơ bộ kết quả khai quật lần thứ 7 di tích Thành Dền, toàn văn bản báo cáo sơ bộ đã được đăng tải trên trang web của Bảo tàng Nhân học http://www.baotangnhanhoc.org/.
2. Cũng tại buổi báo cáo này đoàn đã trưng bày một số hiện vật khảo cổ học và dấu tích động thực vật tìm được trong hố khai quật.
3. Vấn đề về những hạt thóc nằm trong tầng văn hóa khảo cổ nảy mầm, đoàn khai quật và những nhà khoa học tham dự buổi báo cáo đều nhất trí sẽ cần phải tiến hành nghiên cứu liên ngành khi có những kết quả xác định niên đại đây đúng là những hạt thóc cổ (bất kể 3000, 300 hay thậm chí 30 năm). Việc xác định niên đại sẽ chủ yếu dựa vào những cây lúa đang trồng khi cho thu hoạch và niên đại AMS của 03 vỏ trấu vừa được gửi sang Nhật Bản (thông tin về các mẫu gửi này cũng có trên trang web của Bảo tàng Nhân học). Trước khi có kết quả xác định niên đại, sẽ không được đưa ra bất cứ kết luận nào về loại hình và tuổi của những hạt thóc nảy mầm này! Mọi kết luận đưa ra đều phải dựa trên chứng cứ từ phân tích khoa học (sinh học, khảo cổ, nông học, thổ nhưỡng, môi trường....)
4. Tất cả những dấu tích liên quan đến nông nghiệp như lúa, gạo... tìm được trong cả 3 hố khai quật cần được xử lý như những di vật khảo cổ (chụp ảnh, đo vẽ, phân loại, thống kê...) và bảo quản trong những điều kiện thích hợp và sau khi nghiên cứu, bảo quản sẽ chuyển cho Bảo tàng Hà Nội để trưng bày, theo đúng những quy định trong giấy phép khai quật khảo cổ (xem quyết định kèm theo) và theo các điều khoản của Luật Di sản.
5. Mọi hiện vật tìm được trong các hố khai quật đều phải được nghiên cứu một cách khoa học, bất kể đó là loại di vật gì, do vậy, việc nghiên cứu những hạt thóc này do những người chịu trách nhiệm khai quật tiến hành với sự trợ giúp của các nhà khoa học khác khi cần thiết.
6. Cho tới nay, những hạt thóc nảy mầm đang được trồng và chăm sóc cẩn thận ở Viện Di truyền, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam mà đoàn khai quật không phải trả bất cứ một khoản kinh phí nào. 03 mẫu gửi giám định ở Nhật Bản cũng hoàn toàn miễn phí. Lá thư của GS. Nakamura (kèm bản dịch) cũng được đăng trên trang web của Bảo tàng Nhân học. Và nếu cần phải giám định thêm thì tiền trả cho 01 mẫu khoảng 600 đô la và kinh phí của đợt khai quật lần này cũng đủ để có thể phân tích thêm 2,3 mẫu.
7. Thông tin về số tiền 2,7 tỉ để xác định niên đại của thóc khảo cổ theo tôi là không có cơ sở và xin được nhắc lại một lần nữa cho đến hiện nay, công việc nghiên cứu các loại di vật tìm được trong hố khai quật bất kể là hiện vật đồng, đá, gốm, lúa, gạo...mới được bắt đầu và nằm trong khuôn khổ kinh phí đã được dự toán của cuộc khai quật.
9. Về TỌA ĐÀM KHOA HỌC và vấn đề TỌA ĐÀM, tôi không có ý kiến vì tôi với tư cách là người chủ trì khai quật không nhận được bất cứ thông tin nào về Tọa đàm này. Tuy nhiên những công bố chính thức chúng tôi đã đưa ra trong buổi báo cáo sơ bộ sáng nay, những thông tin khác chúng tôi sẽ công bố khi nhận được kết quả giám định cây lúa của Viện Di truyền và xác định niên đại AMS!

Một lá thư khác của mình gửi TS. Vũ Thế Long sau đó

Vâng, cám ơn anh. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh 1 điều, mọi di vật trong hố khai quật dù chưa xác định được cụ thể về nguồn gốc, niên đại hay tính chất, theo những nguyên tắc của khoa học khảo cổ sẽ đều được nghiên cứu cẩn thận bằng những phương pháp thích hợp và do những người khai quật tiến hành. Kế cả chúng là cổ hay hiện đại thì khi đã thấy trong hố khai quật, những người khai quật phải nghiên cứu, mà không nghiên cứu thì làm sao mà xác định được cổ hay kim!
Việc công bố kết quả cuốii cùng sẽ được đưa ra cũng bởi những người khai quật dựa trên tất cả các kết quả nghiên cứu.
Ý kiến riêng của tôi về TOẠ ĐÀM:
1. Không hiểu các nhà khoa học sẽ dựa vào đâu để đồng ý hay không đồng ý với niên đại 3000 năm của hạt thóc nảy mầm, trong khi những người khai quật vẫn đang huy động mọi sức lực và kinh phí (trong phạm vi dự toán khai quật) để nghiên cứu và mọi kết luận, đánh giá khoa học vẫn đang còn ở phía trước.
2. Cho đến tận ngày hôm nay, những người khai quật cũng vẫn chỉ khẳng định rằng những hạt thóc này được tìm thấy trong các hố rác bếp thuộc tầng văn hoá Đồng Đậu và những kết luận cụ thể về niên đại của chúng sẽ phải đợi kết quả phân tích mẫu AMS và lúa ra hạt thu hoạch để xác định ADN và gene.
3. Thóc hay gạo cháy ... trong hố khai quật đều là tư liệu khảo cổ học và do các nhà khảo cổ học phối hợp với các nhà khoa học khác nghiên cứu, mọi hiện vật sau này sẽ được trả lại cho Bảo tàng Hà Nội!

PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung



CŨNG NHÂN DỊP NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM, CHÚC BÁO KHOA HỌC VÀ ĐỜI SỐNG TỔ CHỨC THÀNH CÔNG CUỘC TỌA ĐÀM KHOA HỌC NÀY! 

5 nhận xét:

  1. Lại 1 chuyện chỉ có ở Việt Nam.
    Báo KH&ĐS không có Pháp nhân tổ chức tọa đàm (hay đứng nói)về chuyện này.
    Mà mục đích đã tự bộc lộ rất rõ "dã tâm": Sự thật xung quanh câu chuyện KHÓ TIN: hạt thóc 3000 tuổi vẫn nảy mầm.
    Chẳng có tý khoa học nào khi MẶC ĐỊNH, ĐỀ DẪN như vậy.
    Các nhà Khảo cổ học chưa khẳng định đó là những hạt thóc 3000 tuổi, mà chỉ thông báo là tìm thấy thóc trong tầng VH Đồng Đậu.
    Đoàn khai quật không được mời. Vậy những người dự cuộc "ngồi nói" này sẽ bàn về cái gì?
    Các Cụ RĂNG ĐEN đã PHÁN rất hay về những hành động tương tự: "Hóng Hớt", hay "Nghe hơi nồi chõ".

    Trả lờiXóa
  2. Ăn theo hạt thóc (à không, các cụ thóc) quá đi! Trời thì đã nóng rồi mà nhiều người lại cứ thích nhảy chồm chồm lên cho nó càng thêm nóng, hihihihi.

    Mẹ ơi đừng có phóng xe 'vù vù' nhé! Ngày nào con cũng cầu trời khấn phật cho ở nhà mình không bị mất điện.

    Trả lờiXóa
  3. Cầu mong không bị cắt điện. Trộm vía, những ngày qua điện vẫn có đều. Hôm qua bác Thảo chủ tịch TP đã nghiêm khắc nhắc nhở Điện lực TP Hà Nội rồi, hy vọng không ai bị "điên nặng" nữa.
    Anh Quý mới mang xe đi đại tu, kinh hoàng luôn, sau hai tháng đi khai quật, xe hỏng toàn phần, bước đầu chữa mất gần 5 triệu rồi.
    Đi tốc độ 40, 50km giờ thôi mà, yên tâm đi!

    Trả lờiXóa
  4. hihi, cái tựa đề của cuộc "tọa đàm" nghe giật gân , câu khách quá, cứ như vừa "khám phá" ra một âm mưu nào vậy. Chán!
    Mà nghe nói sau đợt khai quật vừa rồi, Dung không cần tập tành, ăn kiêng gì mà vẫn giảm cân tốt hả? Ngưỡng mộ! :) Đùa thôi, đi lại cẩn thận nhé!
    Nếu không được miễn coi thi, thì gặp nhau khi coi thi nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. Cũng xuống được vài kí lô, tớ xin phép lãnh đạo Khoa Sử không đi coi và chấm thi rồi. Tháng 7 này bắt đầu khai quật Vườn Chuối, sau đó chắc phải vào Bình Định ít ngày để thực hiện chương trình khảo sát khảo cổ học của tỉnh. Bác Hòa giám đốc BTBĐ đang kêu trời vì mấy hạt thóc Thành Dền làm cho bộ môn không đi đâu được.

    Tớ rất muốn các nhà khoa học thảo luận sôi nổi ở cuộc TỌA ĐÀM này để tớ còn biết đường mà nghiên cứu. Chắc là báo KH&ĐS tin đây là "vụ lừa đảo khoa học, nên cần phải làm rõ cho công chúng biết"!

    KH & ĐS là TỜ BÀO KHOA HỌC HÀNG ĐẦU của NỀN BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM mà, cái gì cũng phải tham gia bằng được VÀ KIỂU GÌ CŨNG SẼ TÌM RA CHÂN LÝ!

    Trả lờiXóa