Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Việt Nam Khai Quốc: Lời mở đầu (the Birth of Vietnam: author’s foreword)

LTS: Học giả Keith Taylor hiện là giáo sư Khoa Khảo Cứu Á Châu (Asian Studies) ở đại học Cornell, New York. Ông thông thạo tiếng Việt và là cựu chiến binh đã sang đánh trận ở Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Quyển The Birth of Việt Nam (Việt Nam Khai Quốc) được thành hình từ luận án tiến sĩ của ông (hoàn tất năm 1976 tại đại học Michigan), dựa trên những khảo cứu của rất nhiều tài liệu Trung Hoa, Nhật Bản, và Việt Nam, cùng những bằng chứng từ những địa thế được khai quật vào giữa thế kỷ 20. Ông sắp ra mắt quyển A Concise History of Vietnam (Lịch Sử Việt Nam Tóm Lược (Cambridge University Press). Gần đây, ông đã xuất bản tuyển tập biên khảo/nhận định Monde du Viet Nam (với Frédéric Mantienne) để tỏ lòng thành đối với Giáo sư Nguyễn Thế Anh (Paris: Les Indes Savantes, 2008).

Bác Nguyễn Lê Vỹ, thân hữu của Da Màu, đã mua bản quyền tiếng Việt của quyển Việt Nam Khai Quốc từ vị dịch giả hiện không muốn để tên trên bản dịch. Sau khi được sự chấp thuận của học giả Keith Taylor trong việc phổ biến bản dịch trên mạng, bác Nguyễn Lê Vỹ đã trao tặng Da Màu toàn bộ bản quyền tiếng Việt. Da Màu xin trân trọng cảm ơn bác Nguyễn Lê Vỹ.
Những chương trong quyển Việt Nam Khai Quốc sẽ được biên tập và lần lượt đăng tải trong mục học thuật của Da Màu.
Lời Mở Đầu


Tập sách này khảo cứu về Việt Nam từ thời kỳ lịch sử được bắt đầu ghi chép vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ 10 sau Công Nguyên, khi nền thống trị của Trung Quốc chấm dứt và một vương quốc Việt Nam độc lập ra đời. Trong suốt 12 thế kỷ đó, người Việt Nam đã tiến hoá từ một xã hội chưa có chữ nghĩa và nằm trong một nền "Văn Minh Nam Hải" của Trung Hoa cho đến khi trở thành một thành viên độc đáo của thế giới văn hoá Đông Á Châu. Quá trình lâu dài này chính là thời kỳ khai sinh của nước Việt Nam lịch sử.


Những sử gia Trung Quốc và những nhà Hán học người Pháp vẫn coi thời kỳ lịch sử này của Việt Nam là một phân ngành trong lịch sử Trung Quốc. Họ vẫn coi Việt Nam không là gì ngoài một vùng đất ương ngạnh ở biên thùy Trung Quốc, và được may mắn thừa hưởng ân huệ "văn minh hoá" của đế quốc này. Nhưng các nhà sử học VN lại coi thời đại ấy như là thời đại mà tổ tiên của họ đã tranh đấu dưới sự thống trị của ngoại bang, một thời đại mà bản sắc quốc gia của họ được thử thách và nung rèn. Để có một cái nhìn quân bình hơn, điều cốt yếu là chúng ta phải nghiên cứu tất cả những gì về Việt Nam mà các sử gia Trung Quốc đã ghi lại cùng với những truyền thống lịch sử mà người Việt Nam đã ghi nhớ và duy trì được từ những thời đại đó.


Đôi khi người ta lập luận rằng như có một "cốt cách Việt Nam bản địa” đã tồn tại mà không bị thương tổn bởi ngọn lửa đô hộ của Trung Quốc. Ở một khía cạnh nào đó, điều này đúng, bởi vì chính ngôn ngữ Việt Nam đã tồn tại, cũng như những huyền thoại của Việt Nam từ thời kỳ "tiền Trung Quốc", đã tồn tại. Nhưng cả ngôn ngữ lẫn những truyền thống huyền thoại của Việt Nam cũng đã biến thể qua những giao tiếp với Trung Quốc.


Người Việt ở thế kỷ thứ 10 khác hẳn với tổ tiên của họ từ 12 thế kỷ trước. Họ đã hiểu Trung Quốc như một người nô lệ hiểu chủ nhân của mình, và họ biết tất cả những cái hay và cái dở của Trung Quốc. Họ có thể lấy làm thú vị khi sáng tác một bài thơ Đường, nhưng họ cũng có thể chống cự rất mãnh liệt đội quân xâm lăng Trung Quốc. Họ trở thành những chuyên gia thấm nhuần phương tiện sống còn dưới bóng đế quốc cường bạo nhất thế gian thời ấy.


Nền độc lập của Việt Nam không bỗng chốc có được ở thế kỷ thứ 10 chỉ vì sự suy yếu của Trung Quốc. Trung Quốc không bao giờ chịu từ bỏ cái quyền mà họ coi đương nhiên là có thể cai trị Việt Nam, và họ đã nhiều lần cố chinh đoạt lại xứ sở này. Nhưng vào thế kỷ thứ 10, người Việt đã phát huy được một tinh thần và trí tuệ có khả năng chống lại quyền lực của Trung Quốc. Tinh thần ấy và trí tuệ ấy đã được nung đúc qua bao nhiêu thế kỷ dưới ách thống trị của Trung Quốc; nó bắt rễ từ một niềm tin bất khuất rằng họ không phải–và cũng không muốn–là người Trung Hoa.


Có người lại cho rằng nền độc lập của Việt Nam là do kết tinh từ ảnh hưởng Trung Quốc, và sự kích động bởi những quan niệm về chính quyền và xã hội Trung Quốc đã khuyến khích người Việt Nam đạt được khái niệm quốc gia cho đến ngày hôm nay. Nhưng tổ tiên của người Việt đã có vua chúa và những hình thức văn hoá của chính họ trước khi quân đội Trung Quốc kéo đến, và chắc chắn nền tảng chính trị này vẫn có thể tồn tại cho dù người Việt chẳng bao giờ có cơ hội biết đến Trung Quốc.


Kinh nghiệm từ sự thống trị của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến Việt Nam trên hai phương diện. Thứ nhất: nó đã đào tạo đuợc một lớp người Việt cầm quyền có khả năng tiếp thu khái niệm lãnh đạo của văn hoá Trung Quốc. Qua việc hội nhập được nhiều từ ngữ Hoa vào trong ngôn ngữ của mình, và rút kinh nghiệm qua bao nhiêu thế kỷ với tư cách là một hành tỉnh của Trung Quốc, người Việt đã lãnh hội được một kiến thức chính trị và triết lý tương tự như Trung Quốc. Những xu hướng chính trị ở Trung Quốc, dù là Lão giáo, Phật giáo, Khổng giáo hay Mác xít, đều được người Việt Nam thấu hiểu kỹ càng.


Mặt khác, sự thống trị của Trung Quốc lại gieo mầm cho trực giác chống kháng Trung Quốc, và từ đó, tất cả mọi can thiệp chính trị từ bên ngoài. Từ một ngàn năm qua, người Việt Nam không dưới bảy lần đánh tan những mưu toan của Trung Quốc muốn áp đặt ảnh hưởng của họ lên Việt Nam bằng vũ lực. Không có chủ đề nào trong lịch sử Việt Nam lại kiên định hơn là chủ đề chống ngoại xâm.


Trải qua nhiều thế kỷ, quan niệm của người Việt Nam về vương quyền dần dà được vây bủa bằng lớp lý thuyết và những quy cách của Trung Quốc, nhưng ở nguồn gốc nó vẫn duy trì cái tính chất đặc biệt của người nông dân Việt bướng bỉnh và thông minh đã nắm vững được nghệ thuật sống còn. Người sáng lập nền quân chủ của nước Việt Nam độc lập ở thế kỷ thứ 10 không phải là người được uốn nắn bởi truyền thống đế quốc Trung Hoa, mà chỉ là một nông dân quê kệch, từng trải chiến trận để đạt được hai thành tích là thống nhất được người dân Việt và giữ vững được nền quốc phòng. Hai đức tính thiết yếu ấy đã soi đường cho mọi nền lãnh đạo chính trị của Việt Nam cho tới tận ngày nay.


Tập sách này kết thúc bằng vụ ám sát người đã sáng lập một tân vương quốc Việt Nam ở thế kỷ thứ 10. Trung Quốc đã lợi dụng biến cố này để mưu toan áp đặt lại quyền bá chủ cũ của mình ở Việt Nam. Một cuộc khủng khoảng như vậy vẫn đòi hỏi một nền lãnh đạo vững mạnh để kháng cự ngoại xâm, và từ đó trở thành một đề tài thường trực trong lịch sử Việt Nam: các vị vua chúa Việt Nam vẫn đuợc trông mong là phải có khả năng tập hợp quần chúng để tham gia vào nỗ lực kháng chiến. Trong thế kỷ thứ 19, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lệ thuộc quá nhiều vào quan niệm cầm quyền kiểu Trung Quốc đến nỗi đã tự tách mình ra khỏi khối thần dân của họ nên đã thất bại không chống nổi cuộc xâm lược của người Pháp. Nước Việt Nam hiện đại đã hình thành từ sự thất bại này.


Quá trình khai quốc của Việt Nam phát xuất từ sự thích ứng lâu dài với quyền lực Trung Quốc ở sát bên cạnh. Có lẽ đúng hơn nếu ta nói đến "những lần khai quốc của Việt Nam," bởi vì trong lịch sử lâu dài của họ, người Việt đã hơn một lần trải nghiệm sự biến chuyển trong cái ý thức liên hệ đến khái niệm "khai quốc.” Một học giả danh tiếng của Việt Nam gần đây đã đưa ra một xu hướng mới về lịch sử Việt Nam và cho rằng đất nước này đã được "khai quốc" 3 lần: một lần trong thời tiền sử mà đỉnh cao là nền văn hoá Đông Sơn hiện hữu trước khi có ảnh hưởng Trung Quốc; rồi ở thế kỷ thứ 10 khi nền thống trị của Trung Quốc chấm dứt; và lần thứ ba mới đây, ở thế kỷ 20 hiện đại. Tập sách này đặt trọng tâm vào thời kỳ khai quốc của Việt Nam ở thế kỷ 10, mặc dù câu chuyện thật ra bắt đầu vào thời kỳ văn hoá Đông Sơn.


Cuộc khai sinh này có thể được phân ra làm 6 giai đoạn, mỗi giai đoạn đều góp phần ấn định ra những ranh giới mà từ đó người Việt Nam dần dần trưởng thành. Những ranh giới ấy được minh xác rõ rệt qua mức độ và tính chất của quyền lực Trung Quốc được ngấm vào Việt Nam.


Trong giai đoạn thứ nhất, có thể gọi là thời kỳ Đông Sơn hay Lạc Việt, quyền lực của Trung Quốc chưa vươn tới Việt Nam. Người Việt thuở ấy là những thành tố quan trọng của nền văn minh Kim khí tiền sử ở các miền bờ biển và hải đảo ở Đông Nam Á Châu. Lằn ranh giới văn hoá và chính trị giữa người Việt và người Trung Quốc đều được phân định rõ.


Trong giai đoạn thứ hai, có thể gọi là thời kỳ Hán-Việt, binh lực Trung Quốc kéo đến và một giai cấp thống trị có dòng giống hỗn hợp Hán Việt được ra đời. Nền triết học Trung Quốc xuất hiện, Phật Giáo Việt Nam khởi nguyên; văn hoá Việt Nam đầu tiên kinh qua khuôn khổ Trung Quốc đồng thời tiếp nhận ảnh hưởng Phật Giáo do các vị thiền sư đến trực tiếp từ Ấn Độ bằng đường biển. Lằn ranh giới giữa văn hoá và chính trị trong giai đoạn này được vạch ra trong xã hội Việt Nam.


Giai đoạn thứ ba có thể được gọi là thời kỳ Giao Chỉ-Việt, bởi đó là thời kỳ mà Giao Chỉ được lập thành một tỉnh vững vàng trên đất Việt, và một tư duy mới về những ranh giới văn hoá và chính trị được thực hiện bởi những người trung thành với các triều đại ở phương Bắc. Nước Lâm Ấp, tức vương quốc Chàm ở vùng duyên hải phía Nam thôi không còn là một yếu tố thuộc nội bộ chính trị Việt, mà trái lại, lại trở thành một kẻ thù bên ngoài. Những cuộc xung đột với Lâm Ấp là một sự kiện đặc thù trong thời kỳ này. Giai đoạn này bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 3, sau khi có một sự can thiệp bằng vũ lực của nhà Tần, khi Đào Hoàng, một thái thú Trung Quốc rất được lòng dân đã đẩy lui được biên thùy Lâm Ấp và tổ chức lại chính quyền hàng tỉnh. Ranh giới văn hoá và chính trị bấy giờ được thiết lập giữa Việt Nam với các xứ láng giềng phía Nam.


Trong giai đoạn bốn, trải dài hầu hết thế kỷ thứ 6, Trung Quốc thỉnh thoảng phải rút lui khỏi Việt Nam và các anh hùng hào kiệt địa phương mưu toan thực hiện một tư duy mới về ranh giới. Họ muốn tách biệt Việt Nam không những ra khỏi các xứ láng giềng phía Nam, mà còn với cả Trung Quốc nữa. Đây là thời kỳ mà người Việt tự nhận thức được mình vì đã có dịp thử nghiệm các hình thức khác nhau về cách thể hiện bản sắc quốc gia, từ những cố gắng bắt chước các cơ chế triều cương của Trung Quốc tới việc muốn quay trở lại với những huyền thoại truyền thống của mình trong thời chưa đụng chạm với Trung Quốc, và cuối cùng là sự thể hiện của Phật Giáo trong quyền lực quốc gia, như điềm báo trước cho nền độc lập của Việt Nam vào thế kỷ thứ 10 và 11.


Giai đoạn 5 là giai đoạn Đường-Việt. Giai đoạn này chứng kiến một nước Việt Nam yên vững trong tay đế quốc phương Bắc. Áp lực để bắt Việt Nam tuân theo những khuôn khổ hành xử của Trung Quốc tương đối mạnh, nhưng người Việt đã đáp ứng lại bằng những hành động để kháng, đồng thời mời gọi những lân bang không lệ thuộc vào Trung Quốc giúp đỡ mình. Nhưng tất cả mọi cuộc chống cự và mưu toan liên minh với các tộc dân láng giềng đã bị lực lượng quân sự Trung Quốc đập tan.


Cuộc thử thách nghiêm trọng nhất đối với nền thống trị Trung Quốc thời nhà Đường xảy ra vào giữa thế kỷ thứ 9 khi những người Việt liên kết với nước Nam Chiếu ở vùng sơn cước Vân Nam. Nhưng rồi họ lại khám phá được rằng họ có thể chịu đựng được những lỗi lầm cai trị của nhà Đường hơn thói vô kỷ luật của những nước láng giềng "man rợ." Thời kỳ Đường-Việt này đã thấy những lằn ranh văn hoá và chính trị của Việt Nam được vạch rõ, không những đã phân tách được Việt Nam ra khỏi các láng giềng ở vùng đất cao nguyên và duyên hải, mà cũng phân biệt người Việt ra khỏi nhóm dân Mường sinh sống ở những khu vực lân cận nhưng ở ngoài vòng kiểm soát trực tiếp của các quan chức nhà Đường và do đó duy trì được một hình thức văn hóa Việt Nam không mấy ảnh hưởng bởi Trung Quốc.


Giai đoạn chót nằm trong thế kỷ thứ 10, khi những lãnh đạo Việt Nam vạch được một lằn ranh chính trị phân cách họ với Trung Quốc. Việc ấn định và thực thi lằn ranh ấy đã đóng một vai trò rất lớn trong lịch sử Việt Nam sau này.


Mỗi giai đoạn trên đã biến hóa khái niệm bản sắc của người Việt Nam qua những tương giao với những láng giềng của họ. Những biến hóa của các giai đoạn 2, 3, và 5, khi những triều đại hùng mạnh của Trung Quốc biểu lộ quyền lực của họ ở Việt Nam đã đẩy người Việt đến gần với Trung Quốc hơn và cắt đứt liên hệ của họ với những láng giềng phi Hoa. Mãi đến thế kỷ 6 và 10, khi người Việt có khả năng giữ vai trò chủ động, lằn ranh văn hoá và chính trị mới phản ảnh rõ một quyền lực quốc gia hữu hiệu. Ngay vào thời điểm đó đã không còn một Việt Nam đi giật lùi để quay lại với khuynh hướng chính trị của những thời kỳ trước.


Đến thế kỷ 10, người Việt hiểu rằng vận mệnh quốc gia của họ luôn chuyện dây dưa không thể tránh với Trung Quốc. Họ không thể nào lờ đi chuyện Trung Quốc là một đe dọa tiềm tàng và liên tục đối với sự tự do phát triển đời sống quốc gia của họ. Lúc nào họ cũng phải ghé một mắt để trông chừng Trung Quốc. Họ không có thì giờ để nuôi nấng nguyện ước từ thuở sơ khai là được có một vận mệnh giống như những láng giềng Đông Nam Á của họ.


Như thế không có nghĩa là người Việt Nam không phải là "những người Đông Nam Á," nếu thực sự có một khái niệm về “con người Đông Nam Á.” Trước hết và trên hết, họ là người Việt Nam. Họ đã xác định vị trí của họ ra khỏi Trung Quốc cùng với những láng giềng Đông Nam Á. Những láng giềng phi Trung Quốc của Việt Nam không am hiểu được cái giá mà Việt Nam đã phải trả cho sự sống còn của mình, và chiều sâu của sự quyết chí mà Việt Nam đã chống lại những áp lực lịch sử của Trung Quốc. Người Việt Nam đã chấp nhận khuynh hướng mà lịch sử đã áp đặt lên họ. Họ thấy mình đứng bơ vơ giữa một tên khổng lồ luôn luôn đe dọa và một nhóm tiểu quốc chỉ biết lo cho nhu cầu của chúng. Thật vậy, người Việt Nam hãnh diện về đặc tính Đông Nam Á của họ, không chỉ vì nó, mà chính là để tái tạo và củng cố bản sắc trong quá trình gìn giữ biên thùy phía Bắc.


Từ một cái nhìn rộng lớn hơn nữa, Việt Nam nằm trên ranh giới giữa Đông Á và Đông Nam Á Châu. Câu hỏi là Việt Nam "thuộc" về Đông Nam Á hay Đông Á có lẽ là một trong những điều không soi sáng được gì cả trong quá trình khảo cứu về Việt Nam. Mặc dù tất cả mọi thứ, từ ngôn ngữ cho đến những tập tục ẩm thực của Việt Nam đều phản ảnh một sự pha trộn rõ rệt của cả hai thế giới văn hoá, nhưng nền văn chương, học thuật và hành chánh của Việt Nam rõ ràng cho thấy là họ thuộc thành phần của nền văn minh cổ điển Đông Á. Điều này biểu lộ sự thành công của các triều đại Trung Quốc trong việc duy trì một ranh giới văn hoá chính trị giữa Việt Nam và những láng giềng Đông Nam Á của họ qua nhiều thế kỷ.


Việc khai quốc của Việt Nam được mô tả trong quyển sách này như một sự khai quốc của một ý thức mới trong thế giới văn hoá Đông Á nhưng lại bắt nguồn ở ngoài thế giới ấy. Trong bối cảnh của Đông Á Châu nói chung, đây là một ý thức về biên thùy, nhưng đối với người Việt Nam chỉ là điều ngẫu nhiên. Họ đã học được cách thể hiện đặc tính phi Trung Quốc của họ qua di sản văn hoá của Trung Quốc. Cho dù bị gò bó và áp chế bởi quyền lực Trung Quốc qua bao thế kỷ lịch sử, sự tồn tại của bản sắc Việt Nam cũng quan trọng như hình thức văn hoá mà bản sắc này được biểu lộ.


Việt Nam Khai Quốc: Các Lạc hầu (chương 1, phần 1)
NHỮNG TRUYỀN THỐNG THUỞ SƠ KHAI


Những truyền thống thuở sơ khai của Việt Nam, như đã được kể lại trong cuốn "Lĩnh Nam Chích Quái," một cuốn sách sưu tầm những truyền thuyết được viết vào thế kỷ 15, đều có nói đến các vua Hùng cai trị nước Văn Lang. Các vua Hùng được cho là thuộc dòng dõi Lạc Long Quân–một anh hùng từ quê hương của mình ở biển khơi đến đồng bằng sông Hồng–nơi ngày nay là Bắc Việt Nam–và khuất phục được tất cả những yêu quái ở vùng đất đó rồi truyền bá văn minh cho dân chúng bằng cách dạy họ cách trồng lúa và may quần áo để mặc. Lạc Long Quân quay trở về biển sau khi đã dặn dò dân chúng rằng hãy gọi ông lên nếu gặp điều gì khó khăn tuyệt vọng. Sau khi ông đi khỏi, lại có một vị vua từ miền Bắc, tức là Trung Quốc ngày nay, đến nơi, và thấy ở đó không có ai cai trị, bèn chiếm lấy.


Khi dân chúng kêu gọi Lạc Long Quân đến giải thoát cho họ khỏi tay kẻ thống trị xa lạ kia, Lạc Long Quân lại từ ngoài biển xuất hiện. Ông bắt được vợ kẻ thống trị là Âu Cơ và đem bà lên núi Tản Viên, một ngọn núi cao nhìn xuống sông Hồng, nơi sông này chảy vào vùng đồng bằng. Không giải cứu được vợ nên vị vua kia bỏ đi. Bà Âu Cơ về sau sinh được người con là vị vua đầu tiên trong số các vị vua Hùng; Lạc Long Quân lại trở về biển sau khi hứa rằng ông sẽ quay trở lại nếu cần. Lạc Long Quân là thần của biển khơi và Âu Cơ là công chúa của miền núi, đều được người Việt Nam coi như là tổ tiên của giòng giống họ.


Những câu chuyện huyền thoại quanh sự tích Lạc Long Quân và nguồn gốc của những vua Hùng biểu lộ sự kết hợp giữa nền văn hoá hướng biển và môi trường lục địa. Nền văn minh đã đến với một anh hùng từ biển đánh bại được một kẻ có quyền lực ở đất liền và bắt được vợ của y, rồi lại khiến bà trở thành mẹ của các con mình. Tiền đề về một vị anh hùng của văn hoá địa phương có khả năng vô hiệu hoá một đe dọa từ phương Bắc bằng cách chiếm đoạt “chính thể” của thế lực này là dấu hiệu báo trước mọi quan hệ lịch sử giữa người Việt Nam và người Trung Quốc. Nguồn gốc huyền thoại của các vua Hùng đã phản ảnh rõ chuyện văn hoá miền biển sẽ hoà hợp với những ảnh hưởng chính trị từ lục địa. Điều này về sau đã được giới trí thức văn học của Việt Nam thêu dệt thành giòng dõi Lạc Long Quân và Âu Cơ với một ngành là thủy hệ của miền Nam và một ngành là lục địa của miền Bắc, kết tinh thành một hoàng tộc mà người sáng lập giòng họ là một nhân vật được coi là xuất hiện trước thời điểm của hoàng đế đầu tiên trong huyền thoại Trung Quốc.


Theo một cuộc nghiên cứu mới đây của Việt Nam, tên Hùng có nguồn gốc từ một tước hiệu của cấp tù trưởng ở Nam Á vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay trong ngôn ngữ của những dân tộc nói tiếng Mon-Khmer sinh sống ở miền rừng núi Đông Nam Á Châu cũng như trong ngôn ngữ của người Mường sống ở miền cao nguyên Việt Nam. Tước hiệu này cũng được thấy trong ngôn ngữ của dân tộc Munda ở Đông Bắc Ấn Độ, dân tộc này nói một ngôn ngữ cận “hướng Tây nhất” trong số những ngôn ngữ còn tồn tại ở miền Nam Á. Một nhà ngôn ngữ học Việt Nam hiện đại đã liên kết hai từ Văn Lang, danh hiệu truyền thuyết của nước vua Hùng, với những từ có cách phát âm tương tự của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở khắp vùng đất được bao quanh bởi sông Dương Tử và sông Mê Kông; nó có nghĩa là dân tộc, và hiểu rộng ra là "quốc gia." Theo khẩu truyền, vật tổ (totem) của các vua Hùng là một loài chim thần thoại rất lớn mà tên của nó được cho là đã trở thành nguồn gốc của tên mà người Trung Quốc đặt cho vùng đất thuộc nơi các vua Hùng cai trị–đó là Mê Linh.


Mê Linh ở vào góc Tây Bắc của vùng đồng bằng, nơi sông Hồng chảy ra khỏi những dãy núi cao, hợp lưu với 2 nhánh lớn: sông Đà và sông Chảy. Nơi hợp lưu của 3 con sông này ở vào cao độ ước khoảng 30-35 bộ (mỗi bộ là 30cm) trên mặt biển, và ước chừng 100 dặm cách bờ biển. Mê Linh có núi Tản Viên nằm về phía Tây Nam và núi Tam Đảo ở phía Đông Bắc. Ba con sông gặp nhau ở dưới chân ngọn núi Hùng, nơi mà ngày nay vẫn còn đền thờ vua Hùng.


Dữ kiện sớm nhất được ghi lại như lịch sử trong tài liệu Việt Nam xuất hiện trong Việt Sử Lược, có niên đại phù hợp với triều đại của một vị vua Trung Quốc–vua Trang của nhà Chu– trị vì ở thời điểm 696-682 Trước Công Nguyên. Mười tám thế hệ lần lượt diễn tiến từ khởi thủy triều đại của vị vua Trang của nhà Chu cho đến cuối triều đại ấy. Những sử gia Việt Nam dường như cũng đã theo đó mà tính ra 18 đời vua Hùng, cũng chấm dứt đồng thời với nhà Chu. Việc các sử gia Việt đánh dấu niên đại vua Hùng đầu tiên với thời vua Trang của nhà Chu được coi là một cách dựa vào truyền thuyết Trung Hoa để tái tạo huyền thoại lập quốc của Việt Nam. Theo Việt Sử Lược, lịch sử Việt Nam bắt đầu khi có một "dị nhân" ở Mê Linh dùng pháp thuật để liên kết tất cả những bộ lạc dưới quyền mình, rồi dị nhân xưng hiệu là Hùng Vương và đặt tên nước là Văn Lang. Nguồn gốc của huyền tích này còn mơ hồ, và sự xác thực của nó chưa được khảo cứu tường tận. Tuy nhiên, niên đại được gán cho lúc xưng vương của các vua Hùng lại phù hợp với chứng tích khảo cổ học cho thấy rằng vào khoảng thế kỷ 7 trước Công Nguyên (TCN), những nền văn hoá khác nhau ở Bắc Việt được thống nhất lại dưới ảnh hưởng của văn hoá Đông Sơn bắt nguồn từ vùng Mê Linh. Điều đó đánh dấu thời kỳ bắt đầu của nền văn hóa được gọi tổng quan là nền văn hóa Đông Sơn.


Tiến trình khảo cổ đào dựng lại văn hóa Đông Sơn bắt đầu từ gần cuối thiên niên kỷ thứ 3 TCN, với sự xuất hiện của văn hoá hậu kỳ đá mới (Late Neolithic) và đầu thời kỳ kim khí trong các thung lũng sông Hồng và sông Mã. Hai trung tâm văn hoá này tiếp tục phát triển song song tuy vẫn riêng rẽ cho tới khi được kết hợp lại thành văn hoá Đông Sơn vào khoảng thế kỷ 7 TCN. Văn hoá Đông Sơn được biết đến qua những trống đồng được tìm thấy ở nhiều nơi khắp Đông Nam Á và ở phía nam Trung Quốc. Những hình trang trí trên trống phản ảnh một văn hoá hướng về biển.


Các học giả Việt Nam liên kết triều các vua Hùng vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Họ cho đây là thời kỳ hình thành ý thức quốc gia và như vậy họ có thể coi thời kỳ Trung Quốc thống trị sau đó là một sự xâm nhập tạm thời vào đời sống một quốc gia đã được thành lập hẳn hoi. Quan điểm này giải thích việc Việt Nam dành lại được độc lập vào thế kỷ 10 sau CN như sự tái xuất hiện của một truyền thống đã có sẵn từ trước. Nó phủ nhận quan điểm cũ của các học giả Trung Quốc và Pháp cho rằng di sản của Việt Nam bắt nguồn khi còn là một tỉnh lỵ của Trung Quốc. Quan điểm này ngày càng khó đứng vững được với sự tiến triển của các công cuộc khảo cổ, ngôn ngữ và lịch sử gần đây.


Từ trung tâm điểm ở Mê Linh, các vua Hùng phát huy ảnh hưởng của mình về hướng Đông để bao gồm vùng Tây Vu. Danh hiệu Tây Vu xuất hiện vào các thế kỷ sau và có nguồn gốc từ sự tiếp xúc với các dân tộc theo Trung Quốc xa hơn về phía Bắc. Tây Vu nằm ở giữa sông Cầu và sông Hồng, tại chân núi Tam Đảo. Đó là một vùng đất phì nhiêu, có nhiều sông, hồ, đồi và đồng bằng, giáp ranh một bên là vùng đất núi, một bên là đất đồng bằng có đầm lầy. Vùng này đông dân cư từ thuở ban đầu xa lắc. Vùng đất cao ở bắc Tây Vu có sông ngòi chảy qua và có những thung lũng ăn thông sang cả miền Nam Trung Quốc, qua những ngọn đèo thấp. Do đó, Tây Vu dễ bị tấn công từ phía Bắc và những huyền tích từ thuở ban sơ ở Tây Vu đều toàn nói đến chuyện bảo vệ lãnh thổ để chống lại những kẻ xâm lăng từ phương Bắc.


Huyền tích hiển nhiên nhất là chuyện Đức Thánh Gióng, một đứa bé lên ba tuổi, lớn lên một cách kỳ diệu thành một ông khổng lồ sau khi ăn một lượng cơm vĩ đại; rồi sau khi quét lũ xâm lăng ra khỏi vùng, đã biến về trời. Ông được coi như hiện thân của Lạc Long Quân trở về để cứu viện thần dân của mình, và cũng giống các anh hùng “khỏe vì cơm” trong truyền thuyết của Nam Dương và các xứ sở vùng Đông Nam Á.


Một trong những nhân vật có uy lực nhất trong huyền thoại Việt Nam là Thần núi Tản Viên hay gọi giản dị là Sơn Tinh. Sơn Tinh là con trai Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã theo cha xuống biển, nhưng sau lại quay trở về ở trên núi Tản Viên, đuợc coi như đỉnh Olympia của Việt Nam. Một huyền tích về Sơn Tinh lại giống y hệt với sự tích dân gian của miền Bắc đảo Borneo. Huyền tích Việt Nam kể về sự xung đột giữa Sơn Tinh và một thần Cây ở trên núi. Một cây cổ thụ được phục hồi sống lại một cách kỳ lạ sau mấy lần bị Sơn Tinh chặt xuống. Sau ba lần như thế, Sơn Tinh bèn nấp ở một nơi và thấy chính Thái Bạch Tinh Quân đã làm sống lại cây ấy vào trước lúc bình minh. Sơn Tinh bèn rình bắt được Thái Bạch. Và hai bên đã đạt được một thoả thuận là đôi bên được quyền xử dụng đất và những cây trên đất ấy. (Xem Gustave Dumoutier, trong quyển Nghiên Cứu Lịch Sử và Khảo Cổ thành Cổ Loa, Kinh Đô cũ của Âu Lạc (Étude historique et archeologique sur Co-loa, capital de l’ancien royaume de Au Lac), trang 261-262). Còn theo huyền tích của đảo Borneo, có một cái cây cũng được làm sống lại như thế sau khi bị chặt xuống, và vị thần làm sống lại cây ấy đã bị bắt; rồi để đổi lại việc sử dụng các cây và đất đai, thần ấy đã yêu cầu mình được thờ cúng. (Xem Henry Ling Roth, Người Dân Bản Xứ của vùng Surawak và Bắc Borneo (The Natives of Surawak and British North Borneo, trang 177-178).


Huyền tích lý thú nhất của Sơn Tinh là trận đánh nhau với Thủy Tinh mà về sau được diễn giải qua nhiều hình thức: như tượng trưng của mùa lũ, sự dâng cao đột nhiên của thủy triều, hay quân xâm lăng từ biển cả. Trong khi có thể đưa ra từng trường hợp hợp lý cho những lời giải thích trên, những giải thích lại không nói đến tất cả những yếu tố của sự tích như đã được nói đến trong Việt Điện U Linh Tập, là sách mà chúng tôi truy cứu nguồn gốc. Thủy Tinh không phải là một kẻ xâm lăng ngoại lai, mà lại chính là bạn thân của Sơn Tinh và cả hai bên đều cùng sống ẩn tích tại Mê Linh.


Lý do của sự hai bên thù ghét nhau chính là cuộc hôn nhân với nàng Công Chúa con vua Hùng. Hùng Vương và các cố vấn của ông đều cho rằng cả hai thần đều rất xứng đáng là phò mã và đã mời hai thần dự một cuộc thi mà kẻ thắng sẽ đuọc lấy công chúa. Sơn Tinh đã thắng và rước công chúa về núi Tản Viên. Thủy Tinh không chịu nhận là mình thua và ầm ầm tấn công Sơn Tinh như vũ bão, nhưng không thắng. Huyền tích này ngụ ý giải thích cái thế ưu việt của Sơn Tinh ở vùng đất thấp quanh núi, do kết quả việc Sơn Tinh thắng cuộc, lấy được công chúa. Huyền tích còn được hậu thuẫn thêm bằng những truyền thuyết dân gian mà theo đó tầm quan trọng chính trị của núi Tản thời cổ thành một đề tài được lập lại nhiều lần.


Sự tích Đầm Nhất Dạ phát xuất từ phía Nam đồng bằng sông Hồng, một vùng đầm lầy thấp ở gần biển, kể rằng có một nàng công chúa con vua Hùng là Tiên Dung, khi đang đi chơi trên các nhánh song trong vùng đồng bằng sông Hồng bỗng gặp một thanh niên nghèo không quần áo che thân, là Chử Đồng Tử. Nàng bèn kết duyên với Chử Đồng Tử và hai ông bà ở lại sinh sống trong vùng gần bờ biển, trong một tòa lâu đài được trang biện đầy những đồ sang trọng hiếm có của những thương nhân đi biển dâng tặng. Được tin ấy, vua Hùng sai một đạo quân đến bắt hai người, nhưng khi đi đến nơi, chỉ trong một đêm lâu đài biến mất. Chẳng còn gì ở nơi đầm lầy Nhất Dạ ấy nữa. Huyền tích này cũng chứa đựng những chi tiết giống như huyền thoại về sự khai sinh ra xứ Phù Nam ở vùng hạ lưu sông Mê-kông.


Những sự tích Lạc Long Quân, Đức Thánh Gióng, Thần Tản Viên và Đầm Nhất Dạ đều có ghi trong cuốn sử của Ngô Sĩ Liên ở thế kỷ 15. Tất cả những sự tích này đều được pha biến với những tình tiết công phu góp nhặt từ các nguồn văn hoá của những thế kỷ về sau. Chúng được mọi người Việt Nam nhớ mãi vì chúng tượng trưng cho bản sắc dân tộc ban sơ của họ.


Những huyền tích này cũng biểu lộ sự thực tâm lý cơ bản của xã hội Việt Nam thời cổ: quyền tối cao của xứ sở đến từ biển khơi. Lạc Long Quân là vị thần biển. Chúng ta đã thấy có một số chi tiết trong những huyền tích Việt Nam cũng giống như những huyền tích của những xứ sở ở ven biển Đông Nam Á. Khái niệm về một vị thần biển như biểu tượng của quyền lực chính trị và sự chính thống, đi cùng với sự hình thành của dân tộc Việt Nam thời tiền sử, chính là dấu hiệu sớm nhất đã cho ta thấy rằng người Việt Nam là một dân tộc tự giác và đặc thù. Chính khái niệm này đã được biểu hiện qua nghệ thuật trống đồng Đông Sơn với những con chim biển và những động vật khác vây quanh những chiếc thuyền chở các chiến sĩ.


XÃ HỘI LẠC


Các nhà khảo cổ Việt Nam ghi thời kỳ khai sinh nền văn minh của họ là thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên ở cuối thiên niên kỷ thứ 3 truớc CN. Văn hoá ấy nẩy nở ở trong vùng về sau được gọi là Mê Linh. Họ coi Phùng Nguyên là thời kỳ Văn hoá Đá mới tiến sang Sơ kỳ Kim khí. Địa điểm Phùng Nguyên rộng hàng chục ngàn mét vuông và có hàng ngàn dân cư ngụ. Đây chính là chứng cứ của sinh họat cộng đồng được xây dựng từ những kết hợp của những giòng họ và bộ lạc.


Khi việc sử dụng đồ đồng phát triển trong suốt hai thiên niên kỷ liền nhau, lối sống cộng đồng sơ khai này đã chuyển hoá thành một xã hội có hệ thống hơn căn cứ trên những nhóm gia đình hay làng xã tương đối nhỏ. Xu hướng này đạt tới đỉnh cao là văn hoá Đông Sơn mà các nhà khảo cổ Việt Nam ghi là từ thế kỷ 7 TCN đến thế kỷ 1 SCN. Những nấm mộ của các giai cấp cầm quyền thời kỳ Đông Sơn đều có nhiều đồ đồng được chôn cất theo. Những đồ vật ấy chứng tỏ nhóm người lãnh đạo đã thiết lập một khoảng cách rõ rệt giữa họ với dân chúng mà họ cai trị. Những học giả Việt Nam nhận định rằng thời này là thời có huyền thoại của vua Hùng và nước Văn Lang.


Trong quá trình nghiên cứu những từ ngữ trong truyền thuyết thời các vua Hùng, một nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã nhận thấy rằng những từ như "phụ đạo," "mị nương," hay "quan lang" đều giống một số từ trong ngôn ngữ Nam Á và Nam Đảo ở Đông Nam Á. Ông lập luận rằng những từ đó đã du nhập vào tiếng Trung Quốc từ những ngôn ngữ về phía Nam. Một từ có nghĩa là "hầu gái" hay "nô lệ” lại cùng nghĩa với tiếng Thái; một từ có nghĩa là "nhân dân" hay "thần dân" lại giống với tiếng Thái và tiếng Chàm; lại một từ nữa có nghĩa là "phụ tá" (bồ chính) lại giống tiếng Java; một ngôn ngữ Nam Đảo thấy ở trong vùng núi ở Trung phần Việt Nam. Nguồn gốc chính xác của những từ trên chưa được biết rõ. Nhưng những nơi có tiếng đó cho thấy Việt Nam cổ đại là nơi giao lưu của những văn hoá ngôn ngữ khác nhau.


Một từ cổ VN, nghĩa là "làng" (kẻ) dường như có gốc ở đồng bằng sông Hồng, và chu vi địa lý dung dưỡng sự tồn tại của từ này qua tên các làng xã đương đại cho thấy nó có nguồn gốc từ xã hội trồng lúa vào thời kỳ đá mới và thời kỳ kim khí.


Chữ "sông" cũng tương quan với nhiều ngôn ngữ láng giềng và phát xuất từ chữ "giang" của Trung Quốc, và từ này gần đây được chứng minh là có nguồn gốc ở Nam Á. Đồng thời, cũng như đã được ghi từ trước, là chúng ta có lý do để tin rằng từ "Hùng" bắt nguồn từ một chức vị "tù trưởng", thủ lãnh, ở miền Nam Á. Các học giả ngày nay có chiều hướng coi Nam Á và Nam Đảo là những chi nhánh của đất liền cùng cửa biển của một vùng Nam Á cổ hơn. Ảnh hưởng của từ ngữ Nam Đảo đã rời lục địa để đến các đảo ở Đông Nam Á trong khi những từ ngữ Nam Á lại tới đất liền từ Đông Nam Á. Nhóm ngôn ngữ Mon-Khmer là một nhóm lớn nằm trong nhóm Nam Á. Tiếng Việt, theo một nhà tra cứu gần đây, rõ ràng là ngôn ngữ Mon-Khmer có những chữ được vay mượn rõ ràng từ ngôn ngữ Nam Đảo.


Sự đối chọi giữa biển và núi trong huyền thoại Việt Nam như vậy có một căn bản ngôn ngữ. Ở miền Bắc Việt Nam trong thời tiền sử, chúng ta có thể cho rằng tiếng Mon Khmer, hay giang sơn ngôn ngữ Nam Á đã được giàu mạnh nhờ giải đất giáp với dân tộc Nam Đảo vùng biển mà về sau cũng hội nhập họ. Tiếng Việt cũng phát triển theo đó, từ tiếng Mon-Khmer trong một thế giới văn hoá có tiếp súc sâu xa với các tộc dân ở Nam Đảo. Sự tiếp xúc với các tộc dân Thái và trong thời kỳ lịch sử, với tiếng Trung Quốc cũng để lại những dấu vết hiển nhiên và rõ rệt.


Nghệ thuật Đông Sơn đã cho thấy giai cấp cầm quyền được ảnh hưởng sâu đậm bởi văn hoá Nam Đảo. Chiếc rìu bằng đá hình chữ nhật thường vẫn được cho là có liên quan đến văn hoá Nam Đảo thời đồ đá, đã được tìm thấy rất nhiều ở Bắc Việt Nam trong khi loại rìu đá có vai mà vẫn được cho là đặc biệt của văn hoá Nam Á, lại tương đối hiếm.


Một vũ khí đặc biệt của thời kỳ Đông Sơn là chiếc rìu lưỡi chéo (xéo) bằng đồng được cho là chiếc rìu biến hình từ cái chữ nhật bằng đá. Chiếc rìu chéo (xéo), hơn tất cả mọi loại khác vì nó có thể được dùng, vừa chặt, vừa đâm; cán nó lại có thể tháo ra dễ dàng, thành ra có thể dùng cầm đánh được gặp lúc cần.


Thứ vũ khí này được miêu tả ở trong tay các chiến sĩ chạm vẽ trên các trống đồng Đông Sơn. Nó làm chứng tích cho một vị thế chiến lược khó khăn của đồng bằng sông Hồng, nơi phải chịu một áp lực dân số thời cổ đại. Đồng bằng này cưỡi lên vùng đất trũng duy nhất giữa cao nguyên Tây Tạng và biển cả; vì lý do nó là con đường mòn của những tộc dân thường di chuyển, đi lại giữa miền Đông và miền Đông Nam Á. Những ai muốn lấy nơi này làm quê hương của mình thường phải đối đầu với những thử thách từ khắp nơi đổ đến. Cho nên vì sự sống còn họ phải tự trang bị bằng những vũ khí đủ sức để đương đầu. Những thứ vũ khí bằng kim khí khác được phát hiện ở Đông Sơn gồm có những lưỡi dao găm, kích, gươm và những ngọn lao, mác, những mũi tên và lẫy nỏ.


Ngày nay chúng ta có thể thấy loại rìu lưỡi chéo (xéo) được vẽ theo một tư duy nghệ thuật bởi những dân tộc Nam Đảo. Theo lịch sử Việt Nam thời cổ, rìu này được sử dụng nhân danh một dòng dõi vua chúa mang một danh xưng Nam Á. Văn minh Đông Sơn là một tổng hợp văn hoá được thành tựu bởi những nhóm dân cùng trong một môi trường địa-chính trị duy nhất. Những nhóm dân này đến tự miền núi lẫn miền biển. Xã hội mà họ chung sống về sau đã san bằng hết mọi khác biệt giữa họ. Chúng ta có thể đoán được rằng dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ một sự phối hợp hài hòa của một số dân trong một khung cảnh địa lý đặc biệt, tức là trong vùng đồng bằng Bắc Việt Nam.


Nguồn gốc và ý nghĩa của các trống đồng Đông Sơn đã được nhiều học giả bàn cãi, nhưng vẫn chưa đi đến một sự đồng ý nào cả. Theo truyền thống, người ta vẫn cho rằng việc đúc đồng là từ Trung Quốc truyền vào Đông Nam Á, nhưng cuộc khảo cứu gần đây lại cho biết một điều ngược lại. Theo nhiều thư tịch cổ của Trung Quốc, trống đồng đã được những nhóm dân miền Nam sử dụng như là biểu tượng của thịnh vượng và quyền lực. Điều giải thích đáng tin nhất về nguồn gốc những trống đó là chúng đã tiến hoá từ khi còn là cái cối giã gạo, bởi vì "âm nhạc chơi bằng dụng cụ chày giã" đã được các tác giả Trung Quốc ngày xưa thuật lại như là phần quan trọng trong đời sống xã hội của các nhóm đến ở miền Nam. Đồng thời những nhà nhân chủng học Việt Nam ngày nay đã khám phá một sự tương đồng đặc biệt giữa hình dáng của những đồ dùng thường như bình, chén, lọ, thúng đều có hình cái trống để giã được thấy trong nghệ thuật Đông Sơn, với những cảnh giã gạo của người nông dân Việt Nam và những dân thiểu số ở vùng cao nguyên Việt Nam.


Theo những lời mô tả cũ nhất về xã hội và kinh tế của người Việt cổ mà nay còn thấy trong những đoạn văn trích từ những nguồn gốc Trung Quốc có từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 5 sau CN, nền kinh tế ở đồng bằng sông Hồng trước khi có người Trung Quốc đến cai trị gồm những ruộng lúa được dẫn thủy bằng cách lợi dụng mực nuớc cao ở những con sông khi có triều cường. Những ruộng ấy được gọi là những Lạc điền. Chúng ta đã thấy rằng Lạc cũng là tên của vị anh hùng văn hoá mà người Việt cổ bảo là đã dạy họ nghề nông. Các học giả Nhật Bản gợi ý rằng Lạc là ở từ Việt "lạch" hay "rạch," có nghiã là "đê," "kinh rạch," "thủy đạo." Việc đào muơng dẫn nước nhất định là bước đầu tiên làm cho những vùng đầm lầy ở miền Bắc Việt Nam thành cầy cấy được. Những mương rạch có cửa chắn nước chắc phải là thiết yếu để điều chỉnh việc dẫn nước. Những Lạc điền, như nói trong thư tịch, chắc chắn là phải nhờ vào một thứ hệ thống điều chỉnh nào đó. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng những thư tịch Trung Quốc kể lại việc dẫn thủy theo triều cường bằng cách giải thích chữ Lạc, và rằng xã hội Lạc rất có thể đã căn cứ trên các phương pháp canh nông khác nhau, mà phương pháp dẫn thủy bằng triều cường là một.


(Bản đồ 2: ảnh hưởng thủy triều ở đồng bằng sông Hồng trong thời hiện đại. (Theo P. Gourou, Những Người Dân Quê ở Đồng Bằng Việt Nam, tr. 78).


Lạc là một danh hiệu xưa nhất đuợc ghi lại về dân tộc Việt Nam. Chúng ta có thể nói một cách thích đáng rằng xã hội vào thời kỳ văn hoá Đông Sơn là xã hội Lạc, bởi vì yếu tố duy nhất để liên hệ những huyền thoại về các vua Hùng và thời kỳ lịch sử sơ khai vào với thời kỳ nhà Đông Hán, chính là địa vị ưu thế của các Lạc hầu trong tư cách là những người cai trị ở địa phương.


Việc dẫn thủy theo triều cường được mô tả trong những văn bản nói về Lạc điền đã vạch rõ một kỹ năng canh nông tương đối tiến bộ. Bức Bản đồ số 2 cho thấy ảnh hưởng của nước triều ở đồng bằng sông Hồng trong những năm 1930. Hơn 2000 năm trước, chúng ta có thể cho rằng triều cường còn đi sâu vào nội địa hơn thế nữa bởi vì lớp phù sa đã bồi đắp vùng đồng bằng cho lan xa ra biển đến 10 dặm trong suốt thời kỳ lịch sử. Ảnh hưởng nước triều mạnh nhất là ở vùng Tây Vu, nằm ở ngoài luồng nước chảy của sông Hồng. Một cuộc nghiên cứu gần đây về địa dư cổ của vùng này cho biết chính đó là cơ sở của xã hội Lạc điền. Những hạt lúa giống thời sơ khai được thấy ở Á Châu với cái tên là Oryza Fatua đã được đào thấy ở nơi có các nền văn hoá đá mới ở khắp trong nước Việt Nam hiện đại. Khảo cổ học cho biết là người Việt cổ cầy đất bằng cuốc làm bằng đá mài nhẵn, sớm là vào thời kỳ Gò Mun ở hậu bán thiên niên kỷ thứ 2 trước CN, bằng những lưỡi liềm và những nông cụ gặt hái có lưởi bằng đồng, và vào thời kỳ Đông Sơn, những cuốc, cày và hái bằng đồng cả. Tài năng của những nông dân đủ để hậu thuẫn cho lớp người cầm quyền được ấn định rõ ràng.


Văn bản xưa nhất của Trung Quốc từ thế kỷ thứ 5 sau CN còn sót lại đến nay nói về các vua Hùng đã giải thích danh hiệu Hùng theo nghĩa của từ Trung Quốc là "mạnh," "cang cường" và văn bản đã triển khai ý nghĩa này qua lời mô tả một khí hậu nhiệt đới kinh khủng và đất đai phì nhiêu. Chúng ta có thể ức đoán rằng lời giải thích của Trung Quốc được gợi ra bằng sự thâm nhập vào văn chương Trung Quốc những câu chuyện truyền khẩu từ Việt Nam về sự tích các vua Hùng.


Theo truyền thuyết, các vua Hùng cai trị trực tiếp từ Mê Linh. Bên ngoài Mê Linh các vua phải tùy thuộc, tới một mức nào đó, vào sự cộng tác của các Lạc hầu. Các vua Hùng bảo vệ các Lạc hầu chống lại những cuộc đột kích và xâm nhập đến từ miền núi, trong khi các Lạc hầu ủng hộ các vua bằng nhân lực và sự trù phú của mình.


Nhà sử học Pháp Henri Maspero, dựa vào cơ cấu xã hội của vùng cao nguyên Bắc Việt trong thời của ông, đã miêu tả xã hội xưa như là có hệ thống đẳng cấp căn cứ trên những đặc ân của gia đình, trên nghĩa vụ hỗ tương và sự trung thành của cá nhân. Dân sống trong các làng xã hay những cộng đồng gia tộc nhỏ dưới quyền cai trị của các Lạc hầu. Các Lạc hầu lại được hưởng những mức độ ân huệ và quyền hành khác nhau, từ những người giữ chức xã trưởng cho đến cấp lãnh đạo các vùng làm cố vấn thân cận cho vua Hùng. Vua duy trì uy tín của mình bằng một đời sống sung túc ở triều đình, làm dễ dàng việc quan hệ hoà bình với các nhóm dân tộc láng giềng ở miền núi. Những huyền tích và những ngôi mộ Đông Sơn đào được hầu như đều xác nhận hình ảnh này của xã hội Lạc.


Phụ nữ được hưởng một vị thế tương đối cao trong xã hội Lạc. Như chúng ta sẽ thấy sau đây là khi các Lạc hầu nổi lên chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, chính họ lại được các phụ nữ lãnh đạo. Theo truyền thuyết, các con của Lạc Long Quân và Âu Cơ chia ra làm hai nhóm, một nửa theo cha xuống biển và một nửa theo mẹ lên núi. Việc chia đôi này dường như phản ảnh một hệ thống gia đình song phương mà từ đó quyền thừa kế được lưu truyền qua cả hai giòng nội, ngoại.


Xã hội Lạc tương đối tiến bộ và tự kiềm chế. Nó đã phát triển ở một nơi xa những trung tâm xã hội chính trị đang bành trướng ở Bắc Trung Quốc và Bắc Ấn Độ và ngang bằng với bất kỳ đe dọa nào mọc lên ở những vùng đất xung quanh. Nhưng tình trạng đó chấm dứt khi quyền lực Trung Quốc mở đường xuống Nam Hải.


MỞ ĐẦU MỘT KỶ NGUYÊN MỚI


Vào hậu bán thế kỷ thứ 3 trước CN, người Việt cổ bước vào một kỷ nguyên mới. Lần đầu tiên nhà vua đang trị vì của họ đã mất ngôi vì một kẻ xâm lăng là An Dương Vương, tức là một nhân vật lịch sử xác thực ở Việt Nam. Việc này liên quan đến những biến cố đang xảy ra ở miền Bắc Trung Quốc, trong thời gian nhà Tần loại trừ những địch thủ của mình và đi vào con đường đế quốc, phân tán đám vương hầu bị tước quyền nhưng đang có tham vọng lên ngôi. Để hiểu rõ tình trạng này, tốt hơn chúng ta hãy xét lại những việc đã xảy ra từ trước.


Như được biết rõ, trung tâm của văn minh Trung Quốc nằm trong thung lũng sông Hoàng Hà, nơi mà bây giờ gọi là miền Hoa Bắc. Lưu vực sông Dương Tử miền Hoa Trung có 3 quyền lực lớn xuất hiện trong số các dân tộc phi Hoa và những thủ lãnh của 3 nhóm ấy đang học áp dụng văn hoá Trung Quốc. Đó là nhà Thục nằm ở khu vực Tứ Xuyên, một thung lũng phì nhiêu bao bọc bởi núi cao và có sông Dương Tử bắt nguồn từ trong đó chảy ra. Nhà Chu đóng dọc theo sông Dương Tử và đây là vùng đất ao hồ, đồng bằng lẫn lộn. Rồi đến xứ Việt (Yueh) chiếm cứ miền duyên hải, nơi sông Dương Tử đổ vào đại dương. Đất Thục bị ngăn cách với miền Nam bởi vùng đất hiểm trở của Quế Châu, mặc dầu sông Dương Tử chảy qua cao nguyên Vân Nam và có những con đường từ đó toả ra khắp các ngả. Đất của nhà Chu rộng lớn hơn nhiều và quan trọng hơn đối với 2 vùng đất phi Hoa kia. Nó bị ngăn cách với vùng thung lũng sông Tích (Hsi) ở Hoa Nam bằng một dãy núi cao nhưng có 5 ngọn đèo danh tiếng để vượt qua. Đất của Việt, trên một vài phương diện, nằm dưới ảnh hưởng của nhà Chu. Nhưng vẫn được hưởng nhiều điều lợi từ những cuộc tiếp xúc với bên ngoài nhờ ở vị trí gần biển. Miền Nam của đất Việt này nằm trong vùng lòng chảo gần bờ biển Ung Châu ở phía Nam Chiết Giang và Bồ Kiên, và những vùng này lại bị ngăn cách với sông Dương Tử và sông Tích bởi nhiều núi cao.


Người ta biết rất ít về miền Hoa Nam vào thời gian trước thế kỷ 3 TCN. Thung lũng sông Tích có những quan hệ thương mại quan trọng với nhà Chu ở phía Bắc và các dân tộc từ miền biển tới. Thương mại được thiết lập tốt giữa miền bờ biển Nam Hải và miền Hoa Bắc ngay từ đầu thiên niên kỷ 2 trước CN. Những quan hệ thương mại ấy ngày càng tăng thành một phần quan trọng của kinh tế Trung Quốc duới thời nhà Châu (Chou; 1122-255 TCN). Có những chứng cứ cho thấy là những dân tộc Mãlai-Pôlinêdi đem quế bằng đường biển từ Hoa Nam đến Đông Phi Châu rồi từ đó mở đường đi tới Địa Trung Hải vào trước thiên niên kỷ 2 TCN. Khi nhà Tần về sau kéo đến Hoa Nam, một trong 3 quận được lập ra ở đó mang tên Quế Lâm (rừng quế) bây giờ là Quảng Tây. Tình hình chính trị chắc chắn đã chuyển động quanh vùng của sông Tích mà ở đó, cả Quảng Châu, Hongkong lẫn Macao ngày nay tiếp tục phản ánh một môi sinh gồm 2 ảnh hưởng gồm lục địa và biển khơi. Năm trăm (500) dặm về phía Tây Nam, đồng bằng sông Hồng bị ngăn cách với thế giới Trung Hoa đang bành trướng bằng một khoảng đất rất xa. Vào cuối nửa thế kỷ 4 TCN, tình hình ấy bắt đầu thay đổi với sự hủy diệt của hai trong ba xứ ở lưu vực sông Dương Tử nói trên.


Năm 333 TCN, nhà Chu chinh phục đất Việt (Yueh); 18 năm sau nữa, nhà Tấn ở trên miền Bắc lại chinh phục được nhà Thục. Trong khi một phần những nhà lãnh đạo của nhà Thục chạy tỵ nạn sang với nhà Chu, lớp lãnh tụ Việt (Yueh) chạy tản mác về phía Nam dọc theo bờ biển và ở đó, họ thành lập nhiều tiểu quốc và lãnh địa được người Trung Quốc gọi là Bách Việt.


Bốn trong số những tiểu quốc này đã được lịch sử biết đến. Người Trung Quốc gọi xứ lớn nhất là Nam Việt (Nan Yueh), nằm ở quanh vùng sông Tích gần Quảng Châu bây giờ. Lớn thứ nhì là Mân Việt ở Bồ Kiên. Thứ ba là Đông Âu (Ou) hay còn gọi là Việt Đông, nằm ở Nam Chiết Giang thuộc Ung Châu bây giờ. Thứ tư là Tây Âu, ở thượng lưu sông Tích thuộc Quảng Tây ngày nay.


Thế là sau 333 năm trước CN, những dân sinh sống ở vùng Đông Nam Trung Quốc bị rơi vào vòng thống trị của một dân tộc mang tên và hưởng di sản của nước Việt (Yueh) cũ. Nam Việt ở vào trung tâm của trật tự mới này. Mân Việt đứng hàng quan trọng thứ nhì, và ở 2 bên sườn, có 2 xứ Đông Âu và Tây Âu. Hai xứ Âu này mang một ý nghĩa đặc biệt bởi vì ở vùng đồng bằng sông Hồng, nước Văn Lang đã bị thay thế bởi nước Âu Lạc, và danh hiệu Âu chỉ là một cách phát âm tiếng Việt Nam của từ "Ou" mà thôi.


Quan hệ giữa Đông Âu và Tây Âu không dược phát hiện trong sử liệu nhưng những danh hiệu ấy đã thiết lập một khuôn khổ tham khảo cho sử gia. Rõ ràng đó là thế giới của Bách Việt, với Nam Việt là trọng tâm; ít nhất đó là quan điểm của các sử gia Trung Quốc về sau. Tuy nhiên điều này cũng không giải thích được từ "Âu" trong phạm vi nước Việt (Yueh). Từ ấy dường như bắt nguồn ở miền Nam Chiết Giang, nơi Đông Âu dựng kinh đô ở trên bờ một con sông tên là Âu cho tới thời cận đại. Vùng này trước tiên là trung tâm của văn hoá Việt đã đóng góp cho tình trạng chính trị của Việt và đã có những giây liên hệ cũ và bền chặt với những truyền thống của chính nước đã bị khai tử hơn là với những xứ Mân Việt và Nam Việt rộng lớn hơn ở quá về phía Nam. Nhiều xứ nhỏ hơn đã mọc lên ngoài tầm kiểm soát của 2 xứ lớn này và rõ ràng có ý muốn liên kết với 2 xứ đó ngõ hầu tăng thêm được uy tín của mình. Danh hiệu Âu cũng có liên quan đến các tộc dân ở trên đảo Hải Nam và có thể còn nhiều điều khác nữa nhưng đã không được ghi lại.


Nếu danh xưng Âu bành trướng như thế trong số các nước nhỏ hơn và bị cô lập hơn của Bách Việt, ta có thể tin rằng Âu có nghĩa là một kiểu lãnh đạo chính trị đặc biệt đã tiến hoá dọc theo biên giới của xứ Việt (Yueh). Chúng ta đoán được rằng Âu mang ý nghĩa là "đất ngoại biên" và thủ lãnh của Tây Âu đã từng chống lại cuộc xâm lược của nhà Tần năm 219 TCN ở vùng mà nay là Quảng Tây chính là 1 thứ lãnh đạo kiểu du mục đã liên kết với Nam Yueh.


Ý nghĩ cho rằng nguồn gốc của người Việt Nam là ở trong số những người Việt (Yueh) di cư đến trong thế kỷ thứ 3 trước CN đã không được các nguồn tài liệu trên cho là đúng. Trong suốt thế kỷ 3 TCN, những dân tộc ở nơi mà ngày nay là Đông Nam Trung Quốc được biết đến như là những dân "Yueh"(Việt). Nhưng như thế không có nghĩa là những dân tộc địa phương bị xáo trộn bởi một cuộc di dân từ nước Việt cũ. Những chướng ngại địa-chính trị đã không làm công cuộc này xảy ra được. Có những dãy núi và những sông ngòi kinh khủng khó vượt qua; và đó cũng không phải là một con đường di dân tự nhiên như những thảo nguyên ở nội địa Châu Á. Những dân bản xứ ở vùng đất thấp không phải là những dân du mục được tổ chức thành những bộ lạc di cư có khả năng điều động được những ngưới mới tới trong các vùng đồng bằng. Hơn nữa, những dân đã định cư rồi tất phải bắt buộc những người tới sau hội nhập vào văn hóa của họ.


Từ những điều đã được biết về những cuộc di dân có thể so sánh được qua các thời đại lịch sử, chúng ta có thể cho rằng khi đất Việt (Yueh) bị nhà Tần chinh phục năm 333 TCN, phần lớn dân chúng đã ở lại nơi cũ mà chỉ có lớp cầm quyền cùng với những hậu cần và tùy tùng chạy trốn về phiá Nam, có thể thành từng băng nhóm tị nạn có võ trang thay vì thành 1 đạo quân đi chinh phục. Những băng nhóm nhỏ mang tính cách 1 băng cướp bóc như thế có thể đã áp đặt quyền hành và danh xưng của họ lên các dân tộc ở miền Nam vì họ đã quen chinh chiến và cai trị người khác nhờ kinh nghiệm khi còn ở Hoa Bắc. Việc xảy ra như thế đã dược thấy trong những tài liệu về thế kỷ 7 SCN ở vùng bán đảo Balkan.


Balkan là 1 vùng có núi non và thung lũng có thể so sánh được với miền Đông Nam Trung Quốc và khi mà những người Serbie-Ba Tư với những hoàng thân Croatie kéo đến với những quân sĩ tùy tùng của mình, đòi quyền cai trị dân Slavie, và viện dẫn đến uy tín của Bysantium để hợp thức quyền ấy.


Quan niệm về di dân ở thời cổ đã được xem xét lại trong mấy năm gần đây và ngày càng rõ là nhiều khi tuy gọi là di dân mà lại chỉ có 1 nhóm tương đối ít người cầm quyền, nhưng có hiểu biết về chính trị và quân sự. Bằng chứng ý nghĩa nhất là những cuộc khảo cứu về ngôn ngữ đã được tiến hành, cho biết rằng sự phân phối hiện nay của các ngôn ngữ hay ngữ hệ tại lục địa Đông Nam Á không phải là kết quả của những cuộc di dân rầm rộ mà là những dân tộc bản xứ đã bị các thủ đoạn chính trị chi phối và đã phản ứng lại yếu ớt những người di dân đến, tuy ít nhưng lại có ảnh hưởng và quyền hành. Một nhà nghiên cứu gần đây đã cho sự bành trướng của người Thái vào Đông Nam Á là kết quả của một "cuộc di dân vào Bắc Thái Lan của 1 triều đình nhỏ với một đoàn quân ít ỏi."


Điều này làm ta nhớ lại việc An Dương Vương đã cùng với đội quân của ông khoảng 30.000 người kéo đến đánh đổ triều đại của các vua Hùng hồi cuối thế kỷ 3 TCN. Chúng ta sẽ thấy đây là lợi thế mở đường cho ảnh hưởng của nguời Việt (Yueh) tràn vào đồng bằng sông Hồng. Nhưng không có bằng chứng nào nói rằng việc An Dương Vương lên ngôi đã để lại dấu tích trong ngôn ngữ Việt Nam, và rõ ràng là đã không có sự thay đổi lớn lao nào về dân số. Những nghiên cứu mới đây về nhân chủng học đã tiết lộ một sự liên tục đáng chú ý trong quá trình tiến hóa của giống dân ở Bắc Việt Nam từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Một sự liên tục rõ rệt về giòng giống từ kỷ nguyên này sang kỷ nguyên khác như thế đã loại bỏ lập luận về bất cứ một cuộc di dân đại qui mô, đột xuất nào đã dùng từ trước để giải thích nguồn gốc của một dân tộc.


http://damau.org/archives/5400  http://damau.org/archives/5062

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét