Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010

Sai phạm trong dự án xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội


* Chuyển một phần hồ sơ sang cơ quan điều tra


Cơ quan thanh tra vừa có những kết luận ban đầu về những sai phạm trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tại Hòa Lạc (tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội).
Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc với mục tiêu xây dựng một khu đô thị đại học rộng 1.000 ha, vốn đầu tư (tại thời điểm 2003) vào khoảng 7.300 tỉ đồng. Dự án tổng thể chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I dự kiến kết thúc vào 2007, nhưng tiến độ không đạt được do các dự án hầu hết còn dở dang, việc giải phóng mặt bằng chưa giải quyết xong... Trước việc chậm trễ trong triển khai dự án, tháng 9.2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển chủ đầu tư dự án từ ĐHQGHN về Bộ Xây dựng.
Diện tích đất xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc có nguồn gốc từ đất nông trường 1A (NT1A) thuộc Bộ Quốc phòng, giao cho ĐHQGHN từ năm 1995. Năm 2002, ĐHQGHN có quyết định thành lập Ban Quản lý dự án xây dựng (Ban QLDA) để quản lý dự án xây dựng khu đại học tại Hòa Lạc.
Theo cơ quan thanh tra, mặc dù NT1A đang nằm trong quy hoạch, phải giữ nguyên hiện trạng, không được chuyển đổi, chỉ được trồng cây ngắn ngày, nhưng ĐHQGHN đã có nhiều chỉ thị khuyến khích cán bộ công nhân viên của nông trường này đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, cây trung hạn, cây lương thực, nuôi trồng thủy sản... Từ năm 1999 đến 2002, NT1A đã ký 8 hợp đồng liên doanh liên kết, thời hạn giao đất từ 10-50 năm trên khu đất đã được quy hoạch xây dựng ĐHQGHN.
Ngoài ra, việc quản lý đất đai còn nhiều bất cập, như giao khoán lâu dài 181 ha đất canh tác lúa cho 650 lao động là trái với quy định bởi khu vực đất của nông trường đang được quy hoạch xây dựng ĐHQGHN. Chưa hết, theo cơ quan thanh tra, nhiều diện tích đất rừng, đất ruộng, đất trống đồi trọc, đặc biệt là đất trồng cây ăn quả có những biến động không bình thường, có biểu hiện khai man nhằm mục đích hưởng tiền bồi thường, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng.
Ban QLDA không tiến hành khảo sát toàn bộ tình hình về sử dụng đất đai, về hiện trạng, đặc điểm các đối tượng sử dụng đất thuộc NT1A, không lập được phương án tổng thể để trình. Trong quá trình quản lý đất đai, chuẩn bị đầu tư xây dựng, nhiều hộ dân đã được giao đất tại chính khu đất trong quy hoạch. Theo thống kê, tháng 9.1996 chỉ có 850 hộ được giao đất với diện tích 291.000m2, thì đến năm 2003 có tới 1.827 hộ được giao đất ở (trong đó có 184 hộ không phải là người của nông trường, 502 hộ không rõ địa chỉ, 54 hộ vắng chủ) với diện tích được giao 579.900m2. Theo cơ quan thanh tra, lãnh đạo NT1A và lãnh đạo ĐHQGHN không giải thích được nguyên nhân tăng số hộ và diện tích giao đất.
Theo đoàn thanh tra, NT1A là doanh nghiệp nhà nước, tài sản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, đến thời điểm bồi thường để thu hồi đất, NT1A đã giải thể nhưng Hội đồng giải phóng mặt bằng vẫn lập phương án chi trả cho NT1A số tiền 8,2 tỉ đồng. Ngoài ra, một số chính sách về hỗ trợ đền bù trái quy định của UBND tỉnh Hà Tây liên quan đến dự án này cũng gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Cơ quan thanh tra còn phát hiện một số hồ sơ giả mạo giấy tờ để chiếm đoạt 4,1 tỉ đồng tiền hỗ trợ của nhà nước...
Tổng hợp lại, cơ quan thanh tra phát hiện số tiền chi sai là 18,3 tỉ đồng. Thanh tra kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của một số cán bộ thuộc ĐHQGHN, lãnh đạo NT1A, lãnh đạo huyện Thạch Thất (tại thời kỳ liên quan đến vụ việc). Cơ quan thanh tra cũng chuyển một số hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu làm giả hồ sơ, chiếm đoạt tiền đền bù của nhà nước trong việc bồi thường đất đai tại dự án này.
Nhóm PV

Kiểu này thì có đến Tết Công Gô mới xong!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét