Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979

AnhBaSam

Những tiết lộ về cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979


Đúng 31 năm trước, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa quân tràn qua biên giới Việt Nam sau nhiều tuần căng thẳng.
Trong nhiều năm, nguồn tư liệu của phía Trung Quốc về cuộc chiến vẫn thuộc vào hàng danh sách mật, và thông tin chính thức chỉ có lẻ tẻ.
Tuy vậy, gần đây nhiều tư liệu lưu hành nội bộ về cuộc chiến năm 1979 đã được công bố, cộng thêm một số hồi ký của các sĩ quan cao cấp.
Một trong những câu hỏi chưa có lời giải đáp chi tiết là khi nào và làm thế nào Bắc Kinh đã ra quyết định có hành động quân sự chống Việt Nam.

Những tư liệu mới
Trong hồi ký của Zhou Deli, tham mưu trưởng của Quân khu Quảng Châu, nhớ lại rằng vào tháng Chín 1978, một cuộc họp về “cách giải quyết vấn đề lãnh thổ bị quân Việt Nam chiếm đóng” đã diễn ra tại Văn phòng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Trung Quốc.
Sự tập trung ban đầu là nhắm vào cuộc xung đột biên giới, và đề xuất đầu tiên muốn có một cuộc tấn công nhỏ vào một trung đoàn Việt Nam ở Trùng Khánh, giáp ranh Quảng Tây.
Nhưng theo hồi kí của Zhou Deli, sau khi nhận được tin tình báo cho biết Việt Nam sẽ tấn công Campuchia, đa số người dự họp cho rằng một cuộc tấn công cần có tác động lớn đến Hà Nội và tình hình Đông Nam Á.
Họ đề nghị tấn công vào một đơn vị quân chính quy Việt Nam ở một khu vực địa lý rộng hơn.
Mặc dù cuộc họp kết thúc mà không đưa ra quyết định nào, nhưng nó tạo tiền đề cho kế hoạch chiến tranh sau đó.
Tháng 11/1978, Đặng Tiểu Bình công du Thái Lan, Malaysia và Singapore. Trong chuyến đi, ông Đặng nói với các vị chủ nhà rằng Trung Quốc sẽ dùng vũ lực nếu Việt Nam tấn công Campuchia.
Ngày 7/12, Ủy ban Quân ủy Trung ương có cuộc họp và quyết định mở một cuộc chiến hạn chế ở vùng biên giới phía Nam của Trung Quốc.
Ngày hôm sau, họ ra lệnh cho các Quân khu Quảng Châu và Côn Minh tiến hành chiến dịch và chuẩn bị quân đầy đủ trước ngày 10/1/1979.
Chỉ thị nói rằng cuộc chiến sẽ tiến hành một cách hạn chế, trong phạm vi 50 cây số từ biên giới và kéo dài hai tuần.
Trong một nghiên cứu có thể nói là mới nhất về cuộc chiến Việt Trung 1979, vừa ra mắt tháng 12 năm 2005, tác giả Xiaoming Zhang bình luận rằng thời điểm ra lệnh này chứng tỏ Trung Quốc phản ứng trước cuộc tấn công sắp xảy ra của Việt Nam vào Campuchia. Nhưng việc mở chiến dịch quân sự cả trước khi quân Việt Nam vượt qua sông Mêkông cũng cho thấy phản ứng của Bắc Kinh xuất phát từ nhiều năm bực bội vì hành vi của Việt Nam mà họ cho rằng đã “vô ơn” trước sự giúp đỡ trước đây.

Quyết định cụ thể
Tư liệu mới cho biết trong một cuộc họp vào ngày cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình chính thức đề nghị một cuộc chiến chống Việt Nam.
Tại cuộc họp này, ông Đặng bổ nhiệm Xu Shiyou lãnh đạo quân từ Quảng Tây, Yang Dezhi lãnh đạo quân từ Vân Nam. Quyết định này đã bỏ qua Wang Bicheng, lãnh đạo Quân khu Côn Minh.
Không có một sự lãnh đạo tập trung, hai quân khu này sẽ tác chiến độc lập, gần như không có sự hợp tác.
Cuộc họp cũng nhắc lại rằng cuộc xâm lấn phải nhanh, và toàn bộ quân phải rút về sau khi hoàn tất mục tiêu chiến thuật.
Ngay sau cuộc họp, Đặng Tiểu Bình gửi hai sĩ quan cao cấp đến Vân Nam và Quảng Tây kiểm tra tình hình.
Lo lắng trước sự trễ nải của quân lính, người kiểm tra ra đề nghị hoãn cuộc tấn công thêm một tháng.
Người kiểm tra này, Zhang Zhen, viết trong hồi kí năm 2003 rằng cấp trên đồng ý hoãn cuộc tấn công đến giữa tháng Hai 1979.
Ngày 23/1, Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc họp và quyết định quân đội phải sẵn sàng hành động trước ngày 15/2.
Hai ngày sau khi ông Đặng trở về sau chuyến thăm Mỹ và Nhật, hôm 11/2/1979, ông ra quyết định sẽ tấn công Việt Nam vào ngày 17/2.
Lệnh này được gửi đến Quảng Tây và Vân Nam.
Nhiều nhà quan sát trước đây đã phân tích vì sao Trung Quốc chọn thời điểm này.
Có vẻ nó liên quan đến yếu tố thời tiết: sẽ khó khăn nếu đưa quân tác chiến vào mùa mưa, thường bắt đầu từ tháng Tư, và cũng không ổn nếu tấn công quá sớm khi quân Liên Xô có thể vượt dòng sông băng dọc biên giới Xô – Trung.
———-

Số thương vong trong cuộc chiến 1979
Tư liệu của Trung Quốc nói rằng từ đầu, Bắc Kinh hạn chế mục tiêu và cách tiến hành cuộc chiến để không vượt quá một cuộc xung đột biên giới với Việt Nam.
Kế hoạch của Trung Quốc gồm ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu từ 17 đến 25/2, khi quân Trung Quốc, theo kế hoạch, sẽ phá vỡ hàng phòng thủ đầu tiên của Việt Nam và cướp lấy Cao Bằng, Lào Cai, cùng hai thị trấn Cam Đường và Đồng Đăng, cửa ngõ dẫn vào Lạng Sơn.
Giai đoạn hai là tấn công Lạng Sơn và khu vực bao quanh ở phía đông, Sa Pa và Phong Thổ ở mạn Tây Bắc, từ 26/2 đến 5/3.
Giai đoạn cuối là bình định và phá hủy các căn cứ quân sự ở khu vực biên giới với Trung Quốc trước khi rút về vào ngày 16/3.

Diễn biến cuộc chiến
Theo nhận định của Xiaoming Zhang trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí China Quarterly tháng 12/2005, cuộc tấn công có vẻ đã làm Việt Nam bị bất ngờ.
Mặc dù có căng thẳng trong nhiều tháng, nhưng dường như các nhà lãnh đạo Việt Nam không tin rằng một “nước anh em” sẽ lại thật sự xâm lấn.
Khi quân Trung Quốc tràn qua biên giới, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đang ở Phnom Penh.
Trong lúc gửi điện khẩn nhờ Moscow giúp đỡ, phản ứng ban đầu của Việt Nam là “chống đỡ bằng mọi biện pháp, cốt sao làm chậm bước tiến quân của Trung Quốc.”
Đến ngày 20/2, các cố vấn Liên Xô kết luận quân Việt Nam thiếu sự điều phối và rằng các phòng thủ du kích sẽ không thể ngăn được quân đối phương.
Tuy nhiên, mặc dù có ưu thế lúc đầu, nhưng địa hình hiểm trở và sự chống cự quyết liệt của quân chính quy và dân quân Việt Nam khiến quân Trung Quốc lâm vào tình trạng khó khăn.
Tác giả Xiaoming Zhang phân tích một trong những vấn đề nằm trong cách nghĩ truyền thống của các tướng lĩnh Trung Quốc.
Nhiều lần, quân tiền phương kêu gọi không quân hỗ trợ, nhưng Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc không chịu mà lại yêu cầu hãy dựa vào pháo binh.
Các tướng lĩnh Trung Quốc thuộc về một truyền thống quen với cuộc chiến pháo binh và sử dụng biển người, và hạ thấp vai trò của không quân. Đây là một trong những lý do khiến số binh sĩ chết nơi trận địa lên rất cao.
Cuộc xâm lấn của Trung Quốc cũng phụ thuộc vào việc nhanh chóng chiếm được Cao Bằng.
Nhưng hai mũi tấn công không đến được mục tiêu trong vòng 24 tiếng. Khu vực đồi núi cùng kháng cự của dân quân Việt Nam tạo ra khó khăn lớn.
Việc đi chậm khiến Xu Shiyou, lãnh đạo cánh quân Quảng Tây, phải hoãn cuộc tấn công vào Cao Bằng, mặc dù phó tướng Wu Zhong đã đến sát thành phố này ở mạn phía Đông và Nam.
Đến ngày 23/2, Trung Quốc chiếm được Cao Bằng sau khi nhận ra nơi này chỉ có một số lượng nhỏ quân Việt Nam cố thủ.
Nhưng việc chiếm Cao Bằng chậm đã ngáng trở kế hoạch ban đầu của Trung Quốc, vốn nhấn mạnh việc tác chiến nhanh và quyết liệt.
Quân đội Việt Nam phân nhỏ thành nhiều đơn vị, và phản công theo lối du kích.
Bắc Kinh ngày càng trở nên lo ngại về tiến trình cuộc chiến, và hối thúc Tư lệnh Quảng Tây mở cuộc tấn công vào Lạng Sơn càng sớm càng tốt.
Trận đánh Lạng Sơn bắt đầu ngày 27/2, và khu vực mạn Bắc của thành phố này bị Trung Quốc chiếm được vào ngày 2/3. Đây cũng là ngày mà theo kế hoạch Trung Quốc sẽ dừng hoạt động quân sự.
Vì bộ máy tuyên truyền của Hà Nội không thừa nhận thất bại ở Lạng Sơn, Xu quyết định tiếp tục tấn công, với mục đích chiếm toàn bộ Lạng Sơn rồi hướng về Nam, tạo thành vị trí đe dọa Hà Nội.
Mặc dù Bắc Kinh đồng ý với quyết định của Xu, nhưng họ loan báo rút quân vào hôm 5/3, ngay sau khi quân Trung Quốc chiếm phần phía nam của Lạng Sơn và tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu mà họ đặt ra.

Số thương vong
Cuộc chiến năm 1979 là hoạt động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ chiến tranh Triều Tiên.
Theo số liệu của nước này, họ đã huy động chín đội quân chính quy cùng các đơn vị địa phương quân, tổng cộng tương đương 300.000 quân.
Cho đến nay, Việt Nam công bố không nhiều các tư liệu liên quan cuộc chiến, và các con số về thương vong cũng khác nhau ở nhiều cuốn sách.
Phía Trung Quốc có tiết lộ một phần nào. Ban đầu Bắc Kinh nói 20.000 lính Trung Quốc đã bị chết hoặc bị thương.
Một số nguồn học thuật hiện thời ước tính có thể có đến 25.000 lính trung Quốc bị chết và 37.000 bị thương.
Những nguồn tài liệu gần đây hơn của chính Trung Quốc thì nói 6900 lính nước này đã chết và 15.000 bị thương.
Dù thế nào, số thương vong của Trung Quốc trong một cuộc chiến ngắn ngày vẫn là cao, thể hiện một trong những truyền thống quân sự của nước này: sẵn sàng chịu tổn thất nhân mạng khi nó được xem là cần thiết.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem thương vong là một tiêu chí tương đối không quan trọng, miễn là họ tin rằng họ chiếm ưu thế trong tình hình chiến lược chung.
——————-

Trung Quốc rút ra bài học sau 1979
Sau khi cuộc chiến ngắn ngày kết thúc, tất cả các đơn vị Trung Quốc tham chiến phải viết tường trình về kinh nghiệm chiến trường.
Trong vấn đề tổng kết cuộc chiến, Trung Quốc ở trong tình thế khó xử.
Một mặt, họ tuyên bố mình đã chiến thắng, nhưng đồng thời cũng phải thừa nhận những tổn thất mà quân Trung Quốc đã hứng chịu.
Ban lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy cần phải có sự đánh giá khách quan tình hình. Tuy nhiên, tinh thần ái quốc và thành kiến văn hóa cũng khiến họ không đưa ra được những kết luận hoàn toàn khách quan.
Trong bài viết mới nhất về chủ đề này đăng trên tạp chí China Quarterly tháng 12/2005, tác giả Xiaoming Zhang cho biết quân đội Trung Quốc đã rút ra sáu bài học từ cuộc chiến 1979.
Thứ nhất, họ kết luận mọi chiến lược và quyết định quân sự đúng đắn phụ thuộc việc nắm bắt mọi khía cạnh của tình hình.
Cuộc chiến biên giới 1979 cho thấy Trung Quốc không mấy chú ý đến chiến thuật và học thuyết quân sự của Việt Nam trước khi tấn công. Vì thế, họ đánh giá thấp khả năng của đối phương.
Mặc dù chê Việt Nam thiếu khả năng tấn công và phòng thủ, nhưng văn bản chính thức của Trung Quốc cũng thừa nhận chiến thuật du kích và dân quân Việt Nam đã khiến Trung Quốc bị bất ngờ.
Bài học thứ hai là phải thu thập đầy đủ thông tin về tình báo. Sự đánh giá địa hình địa vật của Trung Quốc thường dựa theo các bản đồ đã quá cũ, trong khi khả năng dò thám trên chiến trường lại cũng hạn chế.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tính nhầm số lượng các dân quân Việt Nam. Ban đầu, Bắc Kinh nghĩ tỉ lệ quân đội tham chiến giữa hai bên sẽ là 8-1.
Nhưng kết quả, riêng tại Cao Bằng có tới 40.000 – 50.000 dân quân Việt Nam, khiến tỉ lệ giảm chỉ còn 2-1.
Nâng cao khả năng
Bài học thứ ba Trung Quốc rút ra từ cuộc chiến liên quan đến khả năng tác chiến.
Đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc thực hiện tác chiến với sự kết hợp của xe tăng, pháo binh, cộng với không quân và thủy quân.
Nhưng sự lạc hậu trong học thuyết và chiến thuật khiến quân đội không có sự phối hợp cần thiết.
Thành kiến đối với khả năng của không quân khiến binh chủng này không có đóng góp gì vào cuộc chiến ngắn ngày. Trên mặt đất, quân đội cũng chứng tỏ khả năng hợp tác kém giữa bộ binh, xe tăng và pháo binh.
Kinh nghiệm năm 1979 dạy cho Trung Quốc những bài học về kỹ năng điều phối và hợp tác giữa các binh chủng.
Bài học thứ tư là vấn đề về chỉ huy và kiểm soát.
Quan hệ cá nhân giữa các sĩ quan và quân đoàn vẫn đóng vai trò lớn hơn các quan hệ dựa trên những định chế.
Vì thế sau này lãnh đạo Quân khu Quảng Châu thừa nhận họ không thoải mái khi chỉ huy số quân được chuyển từ Vũ Hán và Thành Đô trong chiến dịch.
Bài học thứ năm là việc chứng tỏ Trung Quốc phải cải thiện hệ thống cung cấp hậu cần để hỗ trợ cho một chiến dịch xa nhà.
Vì thiếu kho bãi và thiết bị vận chuyển, hai Quân khu Quảng Châu và Côn Minh phải tự lập ra một hệ thống hậu cần mà không bao giờ hoạt động thật hiệu quả.
Khi quân đội tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, các sĩ quan hậu cần cũng thấy rằng phải nhờ thêm viện quân để bảo vệ tuyến đường liên lạc.
Bài học cuối cùng liên quan tầm quan trọng của việc tuyên truyền và vận động nhân dân hỗ trợ cuộc chiến.
Kinh nghiệm năm 1979 cho thấy một số lượng khổng lồ lính chính quy Trung Quốc gần như không thể tác chiến ở nước ngoài nếu không có sự ủng hộ của thường dân trong nước.
Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã cổ vũ tinh thần yêu nước và lòng tự hào trong nhân dân. Kết quả, chỉ riêng ở Quảng Tây, hơn 215.000 thường dân được huy động để khuân vác, bảo vệ hàng hóa chở ra trận địa.
Dĩ nhiên, ngày hôm nay không ai nghĩ rằng quân đội Trung Quốc sẽ lặp lại những gì đã làm trong cuộc chiến năm 1979 với Việt Nam.
Tuy vậy, một số điểm từ cuộc chiến này vẫn có thể có ích để nhìn nhận và đánh giá những chiến lược của quân đội Trung Quốc.
Một kinh nghiệm rút ra là các lãnh đạo Trung Quốc tính toán rất kỹ về việc khi nào cần dùng sức mạnh quân sự, nhưng họ không ngần ngại mở cuộc chiến nếu họ nghĩ rằng quyền lợi quốc gia bị đụng chạm.
———————–

Cạnh tranh Liên Xô – Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Việt Nam
Trung Quốc và Liên Xô nhìn nhận vấn đề chiến tranh Việt Nam như thế nào?
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa hai cường quốc cộng sản này thực tế đầy sóng gió do các mâu thuẫn về tư tưởng và chính sách.
Ở bối cảnh đó, Việt Nam trở thành vấn đề gây ảnh hưởng giữa hai cường quốc này.
Trong một tiểu luận gần đây, Eva-Maria Stolberg, giáo sư ở ĐH Bonn, đã phân tích về mối quan hệ này.
Bài viết in trong tập sách “America, the Vietnam War and the World” do NXB ĐH Cambridge ấn hành tháng Chín 2003.
Theo Eva-Maria Stolberg, đối với Liên Xô và Trung Quốc, việc ủng hộ phong trào giải phóng của Việt Nam phục vụ 3 mục đích: nó cho phép hai siêu cường biện minh hoặc chỉ trích các hệ tư tưởng của nhau; đó là một phần trong chiến lược của Liên Xô và TQ đối với Mỹ; và Việt Nam cũng là phương tiện để phục vụ những mục đích, quyền lợi bên trong cơ cấu nội bộ mỗi đảng.
Trong loạt tư liệu nhân kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh, chúng tôi xin trích lược giới thiệu nội dung chính của bài viết. Xin lưu ý đây là những phân tích và quan điểm riêng của tác giả.
Ngay từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, liên minh Trung Quốc – Liên Xô đã có những chia rẽ mà đã tác động đến hệ tư tưởng, chính sách và chiến lược của cả hai nước trong thời Chiến tranh Lạnh. Các quyền lợi quốc gia và quan niệm về an ninh bị định hình bởi quan niệm của lãnh tụ hai nước về cách thức mỗi nước có thể tồn tại trong môi trường toàn cầu khi ấy. Trong hoàn cảnh này, cuộc chiến Việt Nam là chỉ dấu đo đạc mang tính quyết định.
Trong mùa Đông 1949-50, khi Stalin và Mao Trạch Đông thương lượng Hiệp ước Trung – Xô, hai người đồng ý việc chia sẻ nhiệm vụ. Đông Dương và Đông Nam Á nằm ngoài quyền lợi của Liên Xô và vì thế trở thành ‘sân chơi’ của Trung Quốc. Khi ông Hồ Chí Minh, trong chuyến thăm Bắc Kinh và Moscow tháng Giêng – Hai 1950, yêu cầu sự hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chống Pháp, Stalin nói ông Hồ hãy nói chuyện với Trung Quốc. Các bằng chứng mới từ văn khố Trung Quốc cho thấy Stalin khi đó bác bỏ sự dính líu tới Triều Tiên và Đông Dương.


Khác biệt tư tưởng
Người Trung Quốc khi đó có thái độ ngược lại: Họ sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Việt Nam đánh Pháp, và sau đó Trung Quốc gửi cố vấn quân sự do tướng La Quý Ba dẫn đầu, người sau này trở thành đại sứ ở Hà Nội.
Một sự thay đổi trong thái độ của Trung Quốc và Liên Xô đối với vấn đề Đông Dương đã diễn ra sau cái chết của Stalin và sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc.
Bộ máy lãnh đạo mới ở Moscow giờ đây muốn có giải pháp hòa bình cho xung đột ở Đông Nam Á. Trung Quốc khi đó cũng muốn có sự thỏa hiệp với phương Tây để ngăn sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Tại hội nghị Geneva năm 1954, mục đích chính của Trung Quốc là đạt được uy tín quốc tế và quyền lực sau khi nước này bị cô lập vì cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên. Do sự thiếu kinh nghiệm ngoại giao quốc tế, Trung Quốc đã phải đứng đằng sau Liên Xô.
Chính sách của khối Cộng sản ở Geneva được đánh dấu bằng sự nhất trí. Việt Minh, sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ, muốn đuổi Pháp ra khỏi Đông Dương và thống nhất Việt Nam. Nhưng do sức ép của Liên Xô và Trung Quốc, họ phải chấp nhận việc chia đôi đất nước. Tuy vậy, người Cộng sản Việt Nam ngay sau đó yêu cầu Trung Quốc giúp củng cố chính quyền ở miền Bắc, với mục đích sẽ thống nhất đất nước bằng phương tiện quân sự. Tháng Sáu 1955, Bộ trưởng quốc phòng Võ Nguyên Giáp có cuộc họp ở Bắc Kinh với người tương nhiệm, Bành Đức Hoài và một đại diện của nhóm cố vấn quân sự Liên Xô tại Trung Quốc. Cuộc họp, kéo dài đến tháng Mười, liên quan việc hoạch định quân sự.
Lúc này, người lãnh đạo mới của Liên Xô, Nikita Khrushchev, đề ra nguyên tắc ‘cùng chung sống hòa bình’ trong chính trị quốc tế. Trong hoàn cảnh Việt Nam, nguyên tắc này có nghĩa là phía Liên Xô muốn có sự chung sống giữa hai nhà nước Việt Nam và thống nhất thông qua trưng cầu dân ý. Ngược lại, Trung Quốc đề ra nguyên tắc ‘chiến tranh nhân dân’, nói rằng sự dính líu ngày càng tăng của Mỹ tại miền Nam Việt Nam là sự phản bội thỏa thuận Geneva.
Việc Liên Xô rút cố vấn ra khỏi Trung Quốc năm 1960 đánh dấu sự tan vỡ quan hệ giữa hai cường quốc cộng sản.
Lúc này, người cộng sản Bắc Việt tin rằng đã chín muồi cho đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Nhưng một quyết định chung cuộc đã bị đình hoãn do sự bất đồng chiến lược trong đảng – một bất đồng phản ánh cuộc tranh cãi lớn hơn giữa Liên Xô và Trung Quốc.
Trong khi tướng Giáp tin rằng cách mạng ở miền Nam sẽ lâu dài và gian khổ, ông Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh ủng hộ chiến lược tấn công ồ ạt và đồng ý với quan điểm của Trung Quốc.
Mùa xuân 1961, Tổng thống Kennedy chấp thuận gửi 400 cố vấn quân sự đến miền Nam Việt Nam, và Trung Quốc phản ứng. Trong cuộc họp với thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Bắc Kinh tháng Sáu năm ấy, Mao ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang, trong lúc Chu Ân Lai thì muốn một con đường linh động hơn, sử dụng biện pháp ngoại giao, chính trị cùng với chiến thuật bí mật ở miền Nam.
Trong chuyến thăm Hà Nội tháng Sáu 1963, Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ tuyên bố trong diễn văn là cuộc đấu tranh giữa phe xét lại (Khrushchev và Liên Xô) với ‘những người Marxist-Leninist chân chính’ (Trung Quốc) trên thực tế xoay quanh câu hỏi: “Liệu các dân tộc trên thế giới có thực hiện cách mạng hay không?’. Ông Hồ Chí Minh đứng về phía ông Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh, những người ủng hộ chiến tranh ở miền Nam.
Trong những tháng sau đó, có chiến dịch chống phe ‘xét lại’, mà chủ yếu là tướng Giáp, người bị nghi ngờ là ‘bạn của Khrushchev’.
Nếu Chu Ân Lai và người ủng hộ ông đã chiến thắng trong cuộc tranh luận với Mao, thì có lẽ Trung Quốc sẽ chỉ đóng vai trò quan sát viên trong chiến tranh Việt Nam. Quan điểm đối đầu với Mỹ của ông Mao liên quan đến viễn kiến của ông về đấu tranh giai cấp và chiến tranh nhân dân. Quần chúng cần thực hiện viễn kiến đó cả bên trong và ngoài Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh đó, mùa Hè 1962, Trung Quốc gửi cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa súng đạn đủ để trang bị cho 200 tiểu đoàn.
Các đàm phán chi tiết tiếp tục trong các tháng sau đó. Cũng trong năm đó, Bắc Kinh đồng ý gửi tình nguyện quân vào Bắc Việt nếu quân Mỹ vượt qua vĩ tuyến 17. Tính từ 1956 đến 1963, Trung Quốc đã chuyển lượng vũ khí cho miền Bắc ở số lượng trị giá khoảng 320 triệu nhân dân tệ.
Năm 1964, Mỹ bắt đầu chuyển hướng sự chú ý từ miền Nam hướng ra miền Bắc, và tuyên bố sẽ không chấp nhận việc tăng chuyển quân và vũ khí từ miền Bắc.
Quyết định của Mỹ gia tốc cuộc xung đột trong tháng Hai 1965 với các cuộc không kích miền Bắc cho thấy nếu Hà Nội muốn thống nhất đất nước bằng quân sự, họ sẽ phải phụ thuộc vào Liên Xô và Trung Quốc.
Tại Liên Xô, Khrushchev đã không còn quan tâm đến Đông Dương trong mùa Hè và mùa Thu 1964; ông muốn Liên Xô tránh khỏi Đông Nam Á vì sợ một ‘khủng hoảng tên lửa Cuba thứ hai’. Cuộc chiến Việt Nam cũng có lợi cho Liên Xô ở chỗ nó thu hút sự chú ý của hai đối thủ là Mỹ và Trung Quốc; như thế Liên Xô có thể tập trung cho khu vực châu Âu và Viễn Đông.
Tuy vậy, chính sách không can thiệp của Liên Xô lại khiến Bắc Việt hướng nhiều hơn về Trung Quốc. Tháng 12-1964, Bộ trưởng Quốc phòng TQ thăm Hà Nội và ký hiệp ước hợp tác quân sự. Việc này cần được nhìn trong bối cảnh tranh chấp Xô – Trung: sự miễn cưỡng của Liên Xô được diễn giải như là cơ hội cho Trung Quốc đưa Việt Nam vào quỹ đạo của mình.
Cũng thời điểm đó, Khruschev bị hạ bệ và Leonid Brezhnev lên thay. Trung Quốc hy vọng sẽ có cải thiện trong quan hệ và trông chờ Brezhnev từ bỏ chính sách cùng chung sống hòa bình với phương Tây. Nhưng Anastas Mikoyan, thành viên trong Bộ Chính trị, sau đó tuyên bố Brezhnev sẽ tiếp tục chính sách chung sống này.
Trung Quốc ban đầu hứa gửi phi công sang Bắc Việt, nhưng sau đó họ rút lại vì lo ngại ưu thế hơn hẳn của không quân Mỹ. Bộ binh trở thành lựa chọn tốt hơn và sau đó một số lượng đáng kể nhân viên quân sự Trung Quốc được gửi sang miền Bắc.
Gần 320.000 người Trung Quốc đã có mặt tại miền Bắc từ tháng Sáu 1965 đến tháng Ba 1968. Họ không có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu mà giúp xây sửa cầu đường, đường ray xe lửa. Ngoài ra, Trung Quốc xây một cảng bí mật ở Hải Nam, để từ đó vũ khí được chuyển cho Mặt trận Giải phóng Dân tộc ở miền Nam.
Chính sách ngoại giao của Mao Trạch Đông lúc này cũng cần được hiểu thông qua những quan ngại của ông về đối nội. Mao lo ngại về tương lai TQ, đặc biệt trong trường hợp ông qua đời và một bộ máy mới lên.
Ông cảm thấy các nguyên tắc của cách mạng TQ sẽ bị phản bội và hệ thống chính trị trong tay lớp trẻ hơn rồi sẽ đưa TQ mở cửa với phương Tây.
Vì thế, Mao sử dụng cuộc chiến Việt Nam khơi gợi tinh thần chống đế quốc trong nhân dân TQ để chống lại những người ‘xét lại’ trong bộ máy và để bảo đảm vị trí của ông trong lịch sử. Đây là mục đích chính của chiến dịch ‘Ủng hộ Việt Nam và chống Mỹ’ tại Trung Quốc. Có một sự liên hệ trực tiếp giữa cuộc chiến tại Đông Dương và sự cực đoan ngày càng tăng trong chính trị nội địa tại TQ.


Thái độ Liên Xô thay đổi
Đầu năm 1965, tân thủ tướng Liên Xô, Kosygin, thăm Bắc Kinh, Hà Nội, Bình Nhưỡng như một cách đánh dấu sự khôi phục chính sách châu Á của Liên Xô. Hoạt động ngoại giao con thoi này nhằm hai mục đích: Hàn gắn quan hệ Xô – Trung và ngăn chặn hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam.
Trong chuyến thăm Hà Nội, tháp tùng Kosygin có các chuyên viên tên lửa. Và ngày 10/2/1965, Liên Xô và Bắc Việt ký Hiệp ước Hỗ trợ Kinh tế và Quân sự.
Điều này đáng chú ý vì chỉ mới vào tháng 12/1964, Bắc Việt đã tuyên bố sẽ không hoan nghênh các chuyên viên dân sự và quân sự Liên Xô. Rõ ràng, Hà Nội đã dùng sự hỗn độn quanh diễn biến thay đổi lãnh đạo tại Liên Xô và việc củng cố quyền hành của Brezhnev để gây sức ép cho người Nga. Bắc Việt cảm thấy họ đang được cả hai thế lực cộng sản tìm cách chinh phục.
Sự hố̃ trợ quân sự to lớn của Liên Xô từ sau 1965 cũng có mục đích chung là giảm bớt ảnh hưởng của TQ tại Việt Nam.
Nhưng điều này không có nghĩa là Hà Nội giờ đây đứng về phía Moscow trong cuộc tranh chấp Xô – Trung. Thực tế, họ tìm cách nhận được hỗ trợ tối đa từ cả hai bên.
Về cơ bản, có một sự khác biệt quan trọng trong thái độ của Liên Xô và TQ đối với vấn đề Việt Nam. Người Sô viết nghĩ rằng một nước XHCN như VN có quyền tồn tại và thống nhất đất nước, đặc biệt khi bị thế lực phương Tây đe dọa. Nhưng việc bảo vệ của một cường quốc XHCN, dù là Liên Xô hay TQ, chỉ có trong khuôn khổ cùng chung sống hòa bình.
Ngược lại, Trung Quốc xem cuộc xung đột VN là một phần trong phong trào đấu tranh chống đế quốc tại Đông Nam Á – ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Tiến trình đi tìm một giải pháp hòa bình về câu hỏi VN diễn ra chậm chạp. Sự thay đổi trong tam giác Mỹ – Liên Xô – Trung Quốc diễn ra vào năm 1972 sau khi tổng thống Nixon thăm TQ.
Đến giữa tháng Sáu, chủ tịch Liên Xô Podgorny thăm Hà Nội và thúc giục Bắc Việt đàm phán. Một phần lý do là viện trợ quân sự cho Bắc Việt đã gây tiêu cực cho kinh tế Liên Xô, nhất là khi người Sô viết coi vấn đề VN không liên hệ trực tiếp về an ninh với Liên Xô.
Trung Quốc lúc này cũng muốn có giải pháp hòa bình. Lý do quan trọng nhất là nhờ chuyến thăm của Nixon, TQ giờ đây có thể dùng Liên Xô đối chọi với Mỹ. Ngoài ra, lúc ấy họ hy vọng giải quyết vấn đề Đài Loan, nhưng buộc phải có sự hợp tác của Mỹ.
Lúc này, sự thay đổi chính sách của Liên Xô và Trung Quốc là cú đánh tâm lý cho Bắc Việt. Họ cảm thấy bị bỏ rơi và phản bội.
Moscow và Bắc Kinh có đủ lý do để hòa hoãn với Mỹ và ủng hộ một giải pháp ngừng bắn và chính trị tại Việt Nam. Các hội nghị thượng đỉnh Xô – Mỹ và Trung – Mỹ trong năm 1972 cho thấy rằng cả Liên Xô và Trung Quốc đều không muốn hy sinh quyền lợi quốc gia của họ, tức là cải thiện quan hệ với Mỹ.
Ngày 27/1/1973 khi Hiệp định Paris được ký kết, nó phản ánh một trật tự thế giới mới mà sẽ không thể có nếu thiếu sự hòa hoãn Mỹ-Xô-Trung năm 1972.
Cuộc chiến Việt Nam cho thấy quan hệ tam giác Moscow – Hà Nội – Bắc Kinh rất khác với ngôn từ tuyên truyền chính thức về ‘tình hữu nghị quốc tế’.
Mỗi bên đi theo một chính sách quốc gia riêng, tạo nên sự nghi ngờ lẫn nhau mà đã đóng góp vào việc kéo dài cuộc xung đột. Ngoài ra, trong suốt lịch sử, cả ba nước này thể hiện một thái độ yêu – ghét về nhau. Và sự khác biệt văn hóa giữa TQ và VN cũng góp thêm vào sự phức tạp trong tam giác này.
———-

Phản ứng của Liên Xô – Trung Quốc ở thời kì cuối cuộc chiến
Trong loạt tư liệu nhân kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh, chúng tôi đã giới thiệu phân tích của một nhà nghiên cứu (Eva-Maria Stolberg) về việc Trung Quốc và Liên Xô nhìn nhận vấn đề chiến tranh Việt Nam như thế nào.
Tương tự chủ đề này, dưới đây là trích thuật đoạn cuối cùng trong quyển sách “Ending the Vietnam War: The Vietnamese Communists’ Perspective”, của Ang Cheng Guan.
Ông là giáo sư tại National Institute of Education, thuộc Nanyang Technological University (NTU), Singapore, chuyên ngành nghiên cứu về khía cạnh quốc tế của cuộc chiến Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sau Thế chiến Hai.
Cuốn ‘Ending the Vietnam War’, do RoutledgeCurzon xuất bản năm 2004, là phần tiếp theo của tập ‘The Vietnam War from the Other Side’, cùng một tác giả, in năm 2002.
Nếu bản thân những người cộng sản Việt Nam đã ngạc nhiên vì tiến độ diễn biến quân sự ở miền Nam kể từ tháng Ba 1975, thì Bắc Kinh và Moscow, vốn cả hai không nắm rõ tình hình ở Việt Nam cũng như không kiểm soát nhiều diễn biến tại đó, cũng bị ngạc nhiên.
Tiếc là hiện nay, người ta chưa có tài liệu để biết về suy nghĩ tại hai nước vào thời điểm đó. Tuy vậy, chúng ta biết rằng quan hệ Trung Quốc – Việt Nam đã trắc trở kể từ 1972. Đã có các đụng độ nơi biên giới hai nước trong năm 1973, và tháng Giêng 1974, TQ chiếm đảo Hoàng Sa. Nhưng vào thời điểm này, một Hà Nội đang bận rộn với nhiều diễn biến khác chỉ có thể bày tỏ sự phản đối yếu ớt trong chốn riêng tư.
Tháng Ba 1974, Hà Nội đóng cửa tờ báo tiếng Hoa duy nhất và hoạt động của Hội hữu nghị Việt – Hoa cũng bị ngừng lại.
Đến tháng Tám 1974, vì lý do sức khỏe, Chu Ân Lai không còn theo dõi quan hệ Việt – Trung. Hai chuyến đi của ông Lê Thanh Nghị năm 1974 đến Bắc Kinh cho thấy lúc này Hà Nội gặp khó khăn khi muốn có sự hỗ trợ kinh tế và quân sự từ Trung Quốc.
Một tuần trước ngày 30/4, tướng Dương Văn Minh còn tin rằng Hà Nội sẽ phải đàm phán với ông. Trong số các lý do ông nghĩ đến là Mặt trận Giải phóng Dân tộc miề̀n Nam không muốn bị Hà Nội chi phối và rằng Bắc Kinh muốn có hai nước Việt Nam riêng biệt vì một VN thống nhất sẽ đe dọa biên giới Tây Nam của TQ.
Giờ đây nhìn lại, người ta thấy vào thời điểm 1974-75, Bắc Kinh đã ước đoán ( mặc dù sai lầm) rằng tình hình ở Nam Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong một thời gian.
Mặc dù Bắc Việt có khác biệt với người Nga, nhưng bản báo cáo thường niên của Sứ quán Liên Xô ở Hà Nội về quan hệ song phương nói chung lạc quan. Tuy không có số liệu, nhưng người ta biết rằng Liên Xô, so với Trung Quốc, tỏ ra đáp ứng nhiều hơn trước yêu cầu của Việt Nam muốn có trợ giúp kinh tế, quân sự.
Moscow vẫn tiếp tục là một kênh liên lạc quan trọng giữa Mỹ và Liên Xô. Hồi ức của Anatoly Dobrynin về ngày 19/4/1975 cho biết Kissinger đã yêu cầu Moscow can thiệp với Hà Nội để cho phép việc sơ tán người Mỹ và người miền Nam ra khỏi Sài Gòn.
Ngày 24/4, Hà Nội trả lời thông qua Brezhnev rằng người cộng sản Việt Nam sẽ không ngăn trở việc di tản và không có ý định gây tổn hại cho uy tín của Mỹ.
(Ba Sàm lượm lặt từ BBC)

Mời xem thêm:
+ 65:Chiến Tranh biên giới Việt-Trung 1979(1);
+ 67:Chiến Tranh Biên Giới Việt Trung 1979(2);
+ 71:Phải tưởng niệm Chiến Tranh Biên Giới Việt Trung 1979
+ 72:Miền Bắc VN Vẫn Nhớ Cuộc Xâm Lược của TQ năm 1979(3)
+ 73:Chiến Tranh Biên Giới Việt Trung 1979 (bài 4) (hình ảnh)
+ 76:Trung Quốc bị ám ảnh bởi những mối liên hệ với Khmer Đỏ.

NGUỒN: http://anhbasam.com/2010/02/17/475-tie%CC%81t-lo%CC%A3-ve%CC%80-cuo%CC%A3c-chi%E1%BA%BFn-1979/


Có lẽ trên thế giới chưa hề có một cuộc chiến tranh nào đã và đang bị rơi vào lãng quên như cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979.
Những ngày sát cuộc chiến, tôi vẫn còn cùng ăn, cùng ở, cùng đào chiến hào với đồng bào Nùng ở một bản thuộc huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) và chỉ về Hà Nội trước Tết Kỷ Mùi 1979 vài ngày. Sau ngày 17/2, đọc báo Nhân Dân biết tin lính TQ đã “làm cỏ” không chỉ bản người Nùng ấy.
Những người lính đã chết của cả hai bên đã đành, những dân thường bị thảm sát chắc khó mà siêu thoát khi chẳng có ai nhớ nghĩ về họ. Xin được thắp một nén Tâm Hương trước TẤT CẢ.
.
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN
http://nhkien.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét