Lạ kỳ chuyện tìm mộ bà tổ làng gốm Chu Đậu
GiadinhNet - Năm 2007, dư luận xôn xao câu chuyện phát hiện bà tổ làng gốm Chu Đậu (Hải Dương) Bùi Thị Hý qua một chiếc bình gốm đang được Thổ Nhĩ Kỳ lưu giữ như một quốc bảo. Cũng từ những sự trùng hợp lạ kỳ, cuối năm 2009 vừa qua, mộ của Bùi Thị Hý được tìm thấy, lý giải nhiều bí ẩn.
Người con gái giả trai trong gia phả họ Bùi
Câu chuyện bắt đầu từ lá thư của ông Makoto Anabuki, Bí thư Văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản gửi cho Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) nhờ tìm xuất xứ một chiếc bình gốm. Theo thư của ông Makoto, năm 1980, khi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông được chiêm ngưỡng một bình gốm được coi là quốc bảo tại Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul. Chiếc bình được mua bảo hiểm 1 triệu USD. Trên lớp tráng xanh da trời và trắng của bình gốm tinh xảo đó có khắc 13 chữ Hán: "Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút" (Dịch là: Năm Thái Hòa thứ 8 (1450), tại châu Nam Sách, nghệ nhân Bùi Thị Hý viết/vẽ/tạo).
Con rồng trong mộ bà Bùi Thị Hý.
Khi đó, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành đang phụ trách Ban Thông sử của UBND tỉnh Hải Hưng (cũ) đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao trọng trách đi tìm xuất xứ. Khi đó làng Chu Đậu (Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương) chỉ được biết đến với nghề dệt chiếu cói nên công việc tìm kiếm gặp muôn vàn khó khăn. Từ việc gạn lọc thông tin để xác định Bùi Thị Hý là nam hay nữ; hàng chục năm tìm hiểu, nhiều cuộc khai quật xác định Chu Đậu là làng gốm cổ... nhờ sự tình cờ tìm được hậu duệ của dòng họ Bùi với cuốn gia phả, ông Tăng mới xác định được danh phận chính xác của bà Bùi Thị Hý.
Theo đó bà Bùi Thị Hý (1420 -1499) là cháu ngoại của cụ Bùi Quốc Hưng - khai quốc công thần đời Lê cùng với danh nhân Nguyễn Trãi. Bà Hý có biệt tài viết chữ và vẽ đồ gốm rất đẹp, từng giả nam đi thi đại khoa đến tam trường thì bị phát hiện. Về sau, bà lấy đại chủ Đặng Sỹ, là chủ lò gốm Chu Trang (tức là gốm Chu Đậu bây giờ) và giàu nổi tiếng đương thời. Sau 26 năm tìm kiếm, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành mới xác định được khá đầy đủ nhân thân bà Bùi Thị Hý. Tuy nhiên, vẫn còn một bí ẩn cuối cùng: Mộ của bà Bùi Thị Hý ở đâu?
Bí mật cuối cùng
Thấy niềm đam mê được vén bức màn bí ẩn hàng trăm năm lịch sử làng gốm cổ của ông Hoành, họ Bùi cho ông xem kho đồ gốm tổ tiên truyền lại. Ông Hoành đọc được trên một cái mâm đồng toàn bộ bản sao văn bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý. Bản sao gồm 379 chữ được chép lại vào thời Bảo Đại. Dòng đầu tiên ghi rõ "Kỳ tài phu nhân Bùi Thị Hý chi mộ". Nội dung văn bia cho biết, chồng bà Hý là Đặng Sỹ trong một lần đi giao hàng trên biển đã bị tai nạn bỏ mạng, bà Hý tái giá với ông Đặng Phúc cũng là một đại gia ở Chu Đậu.
Sau khi tái giá, bà cùng với chồng chỉ huy các thuyền xuất khẩu gốm Chu Đậu sang các nước phương Tây. Cuối đời, bà về công đức tiền của làm đình, chùa Viên Quang. Ông Hoành và gia đình tìm về chùa Viên Quang thì được biết đình và bia ở đình có ghi tiểu sử của bà Hý đã bị phá từ lâu, chỉ còn một cây thiên đài để thắp hương có nhắc đến tên bà nhưng không có thông tin gì hé mở về nơi chôn cốt.
Chiếc bình cổ lưu lạc ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tình cờ ông Hoành phát hiện một dòng chữ Hán trên ngai thờ ở nhà thờ họ ghi "Mộ ở xứ Thượng Đường" (nay là thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc). Ngày 10/1/2009, hậu duệ của bà Hý đã đào tìm và phát hiện được một số vật yểm và viên gạch đất nung màu hồng nhạt, nhẹ lửa, bị mẻ một góc có ghi những thông tin quan trọng về mộ chí của bà Bùi Thị Hý, gồm thông tin về nơi chôn và những đồ tùy táng, trong đó có một con rồng bằng đất nung cao khoảng 70cm.
Bí ẩn được hóa giải
Theo những thông tin có được, ông Hoành và gia đình tìm tới ngã ba sông Định Đào thì nơi đó bây giờ đã thành ao. Dò hỏi người dân trong vùng, tìm ra những người đào ao thuở trước, họ cho biết khi đào đất khu vực đó đã tìm thấy một con rồng rất lớn, cao khoảng 70 cm bằng đất nung. Khi những người thợ đào ao về ăn cơm trưa thì con rồng đặt cạnh bờ ao đã bị ai đó lấy mất. Sau hơn một tháng kiên trì tìm kiếm, cuối cùng, ông Hoành và gia đình họ Bùi cũng tìm được một người dân ở xã Quang Tiến thấy con rồng đẹp đã bê về chơi. Ông Hoành chụp lại ảnh con rồng mang đi đối chiếu thì thấy đúng là mẫu rồng Nam Sơn.
Tiếp theo chỉ dẫn ở viên gạch đất nung, ngày 4/4/2009, nhân ngày Thanh Minh, gia tộc họ Bùi tổ chức khai quật và tìm thấy bia mộ chí của nữ tài và một số hiện vật quý tại gò Hình Nhân nổi giữa ao của gia đình
Ông Hoành chia sẻ: "Thường thì bia mộ chí ở đâu thì mộ ở đó. Vì thế tôi đã dự đoán rằng mộ của nữ tài Bùi Thị Hý cũng nằm ngay trên mảnh đất Hình Nhân của gia đình ông Lợi. Đúng thời điểm đó, một sự trùng hợp ngẫu nhiên đáng kinh ngạc, ban liên lạc dòng họ Phí toàn quốc từ Hà Nội xuống tìm tôi nhờ tôi giúp cho việc nhận họ hàng với họ Bùi ở Gia Lộc.
Nhà khảo cổ học Tăng Bá Hoành.
Ngược dòng lịch sử, năm 1304, cụ Phí Mộc Lạc làm quan ở nội triều nhà Trần rất được trọng dụng và tín nhiệm. Thế nhưng, Thượng hoàng Trần Nhân Tông nói họ Phí ít người biết đến, hơn thế chữ "Mộc lạc" lại có nghĩa là cây đổ, cây gẫy nên không tốt. Vì thế Thượng hoàng đổi họ tên cho cụ Phí Mộc Lạc thành Bùi Mộc Đạc. Từ "mộc đạc" nghĩa là cái mõ, ý là nổi tiếng. Từ đó, rất nhiều chi nhánh họ Phí tự động chuyển theo sang họ Bùi. Cụ Bùi Quốc Hưng, ông ngoại của bà Bùi Thị Hý, chính là hậu duệ của cụ Bùi Mộc Đạc".
Ngày 9/9 năm Kỷ Sửu (tức 26/10/2009), dòng họ Bùi khởi công xây mộ cho bà cô tổ. Theo sự tư vấn của ông Hoành, ông Lợi đã cho tát cạn nước ao và mời cán bộ của Bảo tàng tỉnh xuống chứng kiến. Đến khoảng 12 giờ trưa thì tìm thấy mộ phần của bà Bùi Thị Hý cạnh nơi tìm được bia mộ chí. Hòn gạch đậy trên mộ được mang về Bảo tàng Hải Dương có ghi "Tẫn cốt tổ cô Bùi Thị Hý nội bình đồng Vọng Nguyệt bảo kiếm" (Dịch: Tro xương tổ cô Bùi Thị Hý trong bình cùng thanh kiếm của bà - Vọng Nguyệt là tên hiệu của bà Hý). Dòng cuối ghi "Vị Nhuận Cần mật táng" (Dịch: 3 ông Vị, Nhuận, Cần - 3 ông trưởng chi - chôn bí mật). Mộ nằm trong nhiều tầng lớp đồ gốm, xây theo đúng hình nhân.
Mặt dưới của viên gạch đậy lên miệng lỗ để yểm trong khi đào tìm bia đá cụ Hý tại Hình Nhân sáng ngày 10/3/2009.
Phát hiện bất ngờ
Liên quan đến bà tổ nghề gốm Chu Đậu tài hoa Bùi Thị Hý, ngoài 2 cổ vật quý giá là cái đĩa và con nghê có thủ bút của bà đã nhắc đến trước đó, ngày 14/4/2009, ông Lợi còn cung cấp cho ông Tăng Bá Hoành một phiến đá nhỏ có chữ Hán, nằm lẫn trong đống đá tảng ở đầu nhà. Ông Hoành đã xuống tận hiện trường xem xét và xác định đó là chiếc la bàn đi biển của bà Bùi Thị Hý.
Chiếc la bàn hình vuông, kích thước 17x17x7cm, trên có chữ "Châm bàn chu hải khứ, Bùi Thị Hý" (Dịch: Bàn kim chỉ đường đi cho thuyền biển của Bùi Thị Hý). Ở giữa la bàn gạch chữ thập, ghi chữ Bắc, Đông, mất chữ Nam, Tây. Giữa la bàn có 1 lỗ rộng 1,4cm, sâu 1,5 cm, giữa lỗ còn có một lỗ nhỏ 2mm, khoét sâu xuống để đặt kim nam châm. Bàn của la bàn bằng đá cẩm thạch được mài nhẵn mặt trên. Đây là hiện vật vô cùng quan trọng, xác nhận bà Bùi Thị Hý là người đi biển ở thế kỷ XV.
Ông Hoành khẳng định: "Những hiện vật này không chỉ là bảo vật của gia đình ông Lợi mà còn là bảo vật của quốc gia, cần được bảo vệ và giữ gìn. Trong ít ngày tới, cùng với dòng họ Bùi và dòng họ Phí, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo khoa học để công bố toàn bộ tư liệu khảo cổ học quan trọng này”.
Bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý có kích thước dài 39,7cm, rộng 37cm, dày 11cm có nội dung ghi như trên chiếc mâm đồng mà họ Bùi còn giữ. Cách bia chừng 3m có một vật yểm thứ 2, lâu đời hơn, gồm một đĩa, một bát, một chén và một hộp sứ nhỏ, úp lên một đĩa nhỏ. Trong đĩa có đồng tiền Hồng Đức thông bảo. Xung quanh gò và ao có nhiều phế tích gốm theo truyền thống Chu Đậu, cùng bao nung, xỉ lò, con kế, song, ắc bàn xoay. Đó là những hiện vật chứng tỏ một lò gốm cổ đã tồn tại ở đây vào thế kỷ XV - XVI.
Chiến Nguyễn
Báo Gia đình và Xã hội Cuối tuần Xuân Canh Dần
http://giadinh.net.vn/home/201002080534711p1075c1082/la-ky-chuyen-tim-mo-ba-to-lang-gom-chu-dau.htm
Nhiều điều khó tin
Nhiều chi tiết đáng ngờ trong vụ tìm thấy "mộ bà tổ làng gốm Chu Đậu"
Một vài suy nghĩ về việc "tìm mộ bà tổ làng gốm Chu Đậu"
Đoan Hùng
Trong các ngày qua, tin về việc tìm thấy những tư liệu về bà Bùi Thị Hý "tổ làng gốm Chu Đậu" được đăng tải trên nhiều báo (như bài đã được giới thiệu trên Diễn Đàn, ở đây)
Đọc các tin đó tôi nửa mừng nửa... hoang mang.
Mừng là vì: nếu là một tin đúng với bằng cớ xác đáng thì quả đây là một phát hiện vô cùng quan trọng của ngành khảo cổ học.
Nó mang lại những chi tiết bất ngờ, về ngành sản xuất gốm ở thế kỷ 15, về ngành đi biển, về vai trò phụ nữ trong xã hội Việt Nam, về việc giao thương với nước ngoài v.v.
Thế nhưng càng đọc tôi càng thấy việc này khá rối rắm.
Bởi chính là vì nó có quá nhiều "chi tiết" , quá nhiều "bằng chứng" để có thể... tin được!
Ở nước ta, không có truyền thống giữ gìn tài liệu tốt, lại thêm khí hậu ẩm thấp, khắc nghiệt khiến cho các tư liệu cổ khó tồn tại.
Kho tàng sách Hán Nôm nhiều nhất là thời Nguyễn, lên đến thời Lê Trung Hưng cũng đã là hiếm hoi.
Phần lớn các gia phả cũng chỉ "cổ" đến thời Khải Định, Bảo Đại... Và được viết đi viết lại nhiều lần qua ... trí nhớ của các cụ!
Đến như một dòng họ lớn là Chúa Nguyễn thì “gia phả” cũng không đủ chi tiết mặc dù là quý tộc, họ này có đủ quyền lực, khả năng, điều kiện để giữ gìn tư liệu, và nhất là có sử quan chuyên nghề viết "thực lục".
Thế mà nếu đọc "Đại Nam thực lục tiền biên" thì phần lớn các bà Phi, Hoàng tử, Công chúa đều: hoặc là có ngày sinh thì không có ngày mất, biết ngày mất thì lại không biết ngày sinh.
Công chúa thì phò mã nhiều người có tên mà… khuyết họ. Mà có họ thì khuyết tên!
"Hành trạng" mỗi người chỉ dăm ba dòng là hết!
Ngày nay, muốn nghiên cứu về giao thương thì phần lớn phải dựa trên các ghi chép của thương nhân người Nhật "Chu Ấn Thuyền" hay của công ty "Đông Ấn".
Nếu tài liệu về bà Hý mà chân thực thì quả là "báu vật"!
Một "sự tích" cách đây 500 trăm năm mà rõ nét như phát hiện về bà Bùi Thị Hý quả thật là vô cùng quý giá!
Trường hợp bà Bùi Thị Hý rất chi tiết, rất “rõ ràng” biết năm sinh, năm mất.
Biết tên chồng là hai ông Đặng Sĩ và Đặng Phúc.
Biết ông Đặng Sĩ mất trên biển.
Biết cả hai ông bà là "đại gia".
Biết bà là cháu ngoại của công thần Bùi Quốc Hưng.
Không những thế mà còn tìm ra mộ của bà, di vật của bà là cái la bàn đi biển và con rồng gốm.
Cả hai "di vật" đều có ghi tên bà.
Thông thường, trong các gia phả thì vị thế người phụ nữ ít đưọc xem trọng.
Thường thì chỉ có tên đàn ông, còn vợ thì phần lớn chỉ nêu tên, lắm khi khuyết cả họ.
Như thế đây là một gia phả rất là "đặc biệt". Nếu đúng , đó quả là một báu vật quốc gia!
Nó nói lên vị thế ngưòi phụ nữ Việt Nam, cải chính nhiều thành kiến lâu đời!
Thế nhưng, tôi vẫn phân vân về các "chứng cứ" đó.
Trước nhất bởi sự "đột ngột" của "khám phá" này.
Bởi: chỉ cách đây không lâu, trong quyển "Gốm Chu Đậu (NXB KinhBooks, Hà Nội, 1999)” do nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành chủ biên còn viết:
Bình gốm Chu Đậu ở bảo tàng Topkapi Sarayi (Thổ Nhĩ Kỳ)
"Nghề sản xuất gốm sứ của Chu Đậu thất truyền cách đây tới 3 thế kỷ. Truyền thuyết về nghề này cũng ít khi được nhắc tới, chỉ còn một di tích gọi là Đống Lò được nhiều người biết, nhưng cũng không ai giải thích được là lò sản xuất gì. Tìm trong thư tịch tại địa phương, có vài dòng trong gia phả họ Vương ở Đặng Xá ghi vào đầu thế kỷ này, có nói tới một chi của dòng họ chuyển về Bát Tràng (Hà Nội) để làm bát. Thay vào nghề làm đồ gốm là nghề dệt chiếu- Chiếu Đậu từng nổi tiếng một thời".
Nhận định này là vào năm 1999, 13 năm sau khi cuộc khai quật vào năm 1986 được bắt đầu.
Như thế chuyện làm gốm đã biến khỏi "ký ức" người Chu Đậu. Thế mà lạ thay, bỗng dưng chỉ sau vài năm nó trở lại thực chi tiết và sinh động.
Về các "di vật" cũng làm tôi phân vân.
Thứ nhất là về con rồng (có báo ghi là con nghê) có ghi tên bà.
Nếu quả là di vật thật thì nó có giá trị vô cùng lớn. Một báu vật!
Chắc chắn không thua gì chiếc bình gốm ở viện bảo tàng Topkapi Sarayi!
Điều phân vân của tôi là phong cách viết niên hiệu của "báu vật" này.
Khác với chiếc bình ở Topkaki, nơi tên bà được viết dưới lớp men, ở đây nó được ghi dưới đế hàng chữ:
"Quang Thuận nhất niên Quang Ánh Trang, Bùi Thị Hý tạo".
Quang Thuận là niên hiệu đầu tiên thời vua Lê Thánh Tông, Quang Thuận nhất niên là năm 1460. Năm bà Hý 40 tuổi.
Khổ nỗi! Vấn đề là người xưa không dùng "nhất niên" cho năm đầu tiên của niên hiệu!
Chỉ từ năm thứ hai trở đi mới đếm là nhị niên, tam niên v.v.
Năm đầu người ta dùng chữ "nguyên niên" hay "sơ".
Thí dụ "Chính Hoà Nguyên Niên": năm Chính Hòa thứ nhất. "Quang Trung Sơ": Quang Trung năm thứ nhất.
Trên các đồ gốm hoặc người ta chỉ viết niên hiệu để chỉ cả thời gian đó như "Vĩnh Thịnh Niên" hay "Vĩnh Thịnh niên chế".
Hoặc để viết năm rõ hơn thì như khá nhiều gốm thời nhà Lê/Mạc, người ta viết chẳng hạn như:
"Hưng Trị nhị niên": Hưng Trị năm thứ hai, "Vĩnh Tộ vạn vạn niên chi tứ": Vĩnh Tộ năm thứ tư.
Riêng năm đầu niên hiệu như ở một chân đèn thời nhà Mạc thì ghi:
"Diên Thành vạn vạn niên chi SƠ tam nguyệt tam thập nhật" (tức 30/3 năm Diên Thành năm thứ nhất (1578)). [ Cẩm Nang Đồ Gốm VN có Minh Văn, Nguyễn Đình Chiến, VBTLSVN, Hà Nội 1999]
Cách viết "Quang Thuận nhất niên" để lộ khả năng là người đời nay viết do không nắm phong cách cổ!
Giá như người ta viết "Quang Thuận Sơ, Quang Ánh.." thì mọi sự đã .. khả tín hơn! Thật đáng tiếc!
Thứ hai là về chiếc "La bàn" đi biển có hàng chữ:
"Châm bàn chu hải khứ, Bùi Thị Hý"
Di vật này khiến người ta kết luận bà Hý là "người đi biển".
Điều này làm tôi quả thực phân vân.
Bà Hý quá nhiều tài năng!
Về văn học thì bà giả trai đi thi đến tam trường. Về nghệ thuật thì bà vẽ giỏi viết đẹp. Về buôn bán thì bà là "đại gia". Mộ bà thì lại có "bảo kiếm".
Thế vẫn chưa đủ! Bà còn đi biển, bà đích thân có chiếc la bàn!
Có nhất thiết phải thêm "bằng chứng" nhiều đến thế không? Nhiều! Quá nhiều!
Một "đại gia" mà lại là phụ nữ thì không nhất thiết phải tự mình đi biển!
Bà chỉ cần hoặc chỉ huy làm gốm, hoặc chỉ huy thu mua gốm cũng đủ là tài, cũng đủ hết giờ!
Chuyện đi biển thì khắc có "quân" bà nó lo! Nếu cần thì bảo ông Đặng Phúc đi!
Hay sẽ có những con tàu đi biển chuyên nghiệp họ chở hàng giùm bà.
Cứ cho rằng bà đi biển (như đi thăm dò thị trường chẳng hạn) thì vị tất bà đã phải tự lái tàu!
Chuyện đó có thuyền trưởng họ lo!
Chuyện đi biển là chuyện "chuyên nghiệp", phải biết địa lý, xem sao, biết luồng nước, con gió, cảng nông sâu, biết điều khiển thủy thủ, ... đủ cả.
Chẳng lẽ bà lại kiêm nhiệm nhiều chuyện như thế?
Mà giá dụ như cái la bàn này thực là của bà, bà mua cho thuyền trưởng... thì vị tất bà đã khắc tên mình trên đó, mà là tên "tục" chứ không phải như "Đặng Phu Nhân" chẳng hạn!
Ở nước ta chuyện khắc tên "tục" trên vật dụng thì theo chỗ tôi hiểu là chưa từng có hoặc nếu có thì quả thực là hi hữu.
Ta chẳng có nghiên mực, quyển sách cổ nào có tên Nguyễn Du, Lê Quý Đôn v.v. trên đó cả.
Sách cổ có "tung tích" như của cụ Cao Xuân Dục thì ghi là "Long Cương Thư Viện" chứ nào viết thẳng là "Cao Xuân Dục"!
Thật đáng tiếc! Nếu như la bàn này chỉ khắc là "Đặng Gia" , hay "Quang Ánh Trang" thì mọi sự đã "khả tín" hơn.
Và giá như người ta tìm được nó một cách vất vả hơn là như theo báo đăng : "ngày 14/4/2009, ông Lợi còn cung cấp cho ông Tăng Bá Hoành một phiến đá nhỏ có chữ Hán, nằm lẫn trong đống đá tảng ở đầu nhà".
Mọi sự nó chi tiết quá nhưng lại... đơn giản đến khó tin... Di vật bỗng dưng tìm lại được sau... 500 năm mà... ở ngay chính đầu nhà.
Về di vật thứ ba là viên gạch che mộ bà. Thì chữ viết khá cẩu thả, to nhỏ khác nhau, có thể gọi là khá "nguệch ngoạc".
Nó thiếu sự trang trọng vốn có ở các bia mộ. Tuy thế cứ cho rằng đúng đi nữa thì vẫn có hàng chữ... "đáng ngờ" là "Vọng Nguyệt Bảo Kiếm"... Quả tình tôi chưa hiểu đây nghĩa là bà Hý có thanh "Bảo Kiếm" hay chỉ là để "yểm"?
Nếu bà có cả "Bảo Kiếm" thì lại quả thật là lạ thưòng!
Đúc kiếm vốn chẳng phải là mặt mạnh của truyền thống trọng văn khinh võ Việt Nam.
Có đào được mộ của các quan võ cũng chẳng thấy "bảo kiếm" nào chôn kèm.
Còn nếu ta ra phố đồ cổ nghe tán là thanh kiếm này nọ là của ông cha là quan võ để lại từ mấy trăm năm thì nên cầm chắc là ta sẽ mua phải đồ giả mới làm... năm ngoái!
Tóm lại , tôi thấy trong việc này , có quá nhiều bằng chứng, quá nhiều chi tiết hơn "bình thường" để có thể yên tâm mà tin được.
Và tôi cũng xin đề nghị viện Bảo tàng trước khi mang những di vật này vào nên giám định kỹ về niên đại.
Đoan Hùng
http://anonymouse.ru:8000/cgi-bin/nph-proxy2.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.qvraqna.bet/OnaQbpInMQ/auvrh-111vrh-xub-gva/
Chả biết bác Hoành sẽ xuất chiêu gì tiếp theo! Hãy chờ xem!
Các hiện vật mới công bố đều rất đáng nghi ngờ.
Trả lờiXóa1- Con rồng đất nung rõ ràng là một trang trí kiến trúc. Nếu cao đến 70cm thì cái gọi là mộ của Cụ Hý phải CỰC TO. Hai này ảnh chụp không rõ, nhưng có vẻ được khắc sau khi nung. Đó là chuyện vô lý. Vì nếu làm cho kiến trúc môj sẽ xây, người làng làm nghề gốm sứ sẽ viết từ khi chưa nung.
2- Cũng như vậy, một mộ phần "vĩ đại" không thể có viên gạch "đậy lên miệng lỗ để yểm" làm tùy tiện như thế. Mộ 1 người giàu có và thế lực như vậy phải được toan tính rất cẩn thận, đầy đủ các chi tiết. Chữ cũng phải được viết lên viên gạch đó trước khi nung.
3- Cái la bàn chắc chắn là hiện vật ngụy tạo.
Chiêu của bác Hoành mà, chắc bác í học theo chiêu của một giáo sư Nhật Bản, người đã tạo ra xì căng đan lớn nhất trong khảo cổ học thế giới!
Trả lờiXóa