Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Phục dựng lễ hội: Xin đừng lạm dụng!

BẢO PHƯỢNG




Nhiều lễ hội truyền thống đã và sẽ được phục dựng trong năm 2010 nhưng có dấu hiệu cho thấy phục dựng lễ hội đang bị xem là cơ hội kinh doanh, hoặc thử nghiệm sự pha trộn các loại hình nghệ thuật một cách lố lăng.


Chợ phiên âm dương huyền thoại của tỉnh Bắc Ninh đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, nhất là bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười. Tương truyền chợ phiên này được bắt đầu từ những năm 40 sau Công nguyên ở làng Ó.
Đây là địa bàn diễn ra trận chiến ác liệt của Hai Bà Trưng với quân Mã Viện. Sau chiến trận, thân nhân của các chiến binh tử trận đến đây tìm oan hồn tử sĩ. Người ta mua các đồ tế lễ, cúng bái để chiêu hồn, cầu phúc… Chợ âm dương được hình thành từ đó và lưu truyền hàng ngàn năm thành nét văn hóa độc đáo của Kinh Bắc.


Cú lừa mang tên “phục dựng”
Từ giữa năm 2009, báo chí đưa tin lễ hội làng Ó sẽ được phục dựng, những người yêu mến quan họ và văn hóa Kinh Bắc nức lòng khi nghe thông tin này. Nhưng tìm về Bắc Ninh vào ngày dự kiến diễn ra lễ hội (mùng 4 và mùng 5 tết) mới hay đây là cú lừa.
Ông Nguyễn Văn Cương, Chánh văn phòng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, cho biết: “Chúng tôi cũng ngỡ ngàng khi nghe tin trên báo về việc phục dựng chợ âm dương đã được UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý, tỉnh sẽ phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức.
Thực ra Sở, Viện cũng không biết gì về lễ hội này. Chúng tôi đã có văn bản gửi lên Bộ rồi, hiện chưa hề có kế hoạch phục dựng chợ âm dương!”.
Hỏi ông Cương về website quảng bá cho lễ hội vẫn đang hoạt động trên mạng, ông cho hay website này không ghi địa chỉ liên lạc với ban quản trị. Các cụ cao tuổi ở địa phương cũng chỉ biết một ông giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Đông Nam (nghe nói trụ sở trên Hà Nội) có đến hỏi về các tục lệ cũ ở hội làng Ó, có để lại số điện thoại nhưng sau đó gọi không được. “Phục dựng một lễ hội đâu phải chuyện đơn giản. Có lẽ họ lập ra website đó định kết hợp quảng cáo, kinh doanh trong lễ hội nhưng không được nên… bỏ của chạy lấy người!” – ông Cương nói.


Mới lạ cũng phải đậm đà bản sắc
Một trường hợp khác là lễ hội đền Lãnh Giang được giới thiệu là nằm trong dự án “Nâng cấp lễ hội đền Lãnh Giang” do Viện Văn hóa nghệ thuật phối hợp với UBND huyện Duy Tiên tổ chức. Lễ hội diễn ra tại đền Lãnh, thờ tam vị thủy thần đời Hùng Vương thứ 18 và công chúa Tiên Dung, Chử Đồng Tử.
Ban tổ chức đã đưa vào lễ hội nhiều yếu tố mới lạ như sử dụng nghệ thuật video-art (các đoạn video nghệ thuật), body-art (trình diễn mỹ thuật trên cơ thể người), sân khấu hóa hầu đồng… Chi phí cho lễ hội tới hơn 1 tỉ đồng, thu hút hàng trăm người tham gia chuẩn bị trong suốt mấy tháng trời nhưng khi diễn ra lại gây phản ứng trái chiều!






Bác nói: “Các ông muốn làm gì thì làm, đừng để vợ tôi không nhận ra tôi đấy nhé”.






Anh tâm sự: “Lần đầu tiên tôi cởi trần ra cho người khác muốn làm gì thì làm thế này đây”.




Người nông dân chưa từng biết thế nào là nghệ thuật đương đại bỡ ngỡ khi nhìn những chàng trai làng được vẽ vằn vện lên người đứng khoe thân thể. Buổi tối khai mạc, người xem “choáng” với màn múa rắn trong khói lửa tự tạo cùng âm nhạc đương đại, pháo bông… Nhiều nhà văn hóa phản ứng về việc đưa hình thức tín ngưỡng hầu đồng vào lễ hội này. Suốt bốn ngày lễ hội, hàng chục giá đồng đã được mở với tiếng loa công suất lớn ầm ĩ, khói hương mù mịt. Các con nhang, đệ tử kéo đến nhập đồng, nhảy múa xung quanh giá đồng đông nghịt…


………………………………………………………………………………………………………………
Đưa cái mới vào phải thận trọng!
Nhiều lễ hội phục dựng bị các nhà văn hóa phản ứng vì họ đưa cái mới vào nhưng chưa thận trọng.
Ví dụ đưa body-art vào lễ hội truyền thống thì rất mạo hiểm vì đó là loại hình nghệ thuật thuộc “cực mới”, còn lễ hội lại là “cực cũ”. Chúng ta không bài xích chuyện đưa cái mới vào lễ hội, vì bản chất của văn hóa là tồn tại lâu dài nhưng cũng luôn luôn biến đổi. Nhưng có điều phục hồi lễ hội nhưng đừng bịa ra lễ hội.
Các lễ hội phương Tây như carnaval ở Brazil, lễ hội ném cà chua… đều có từ lâu, người ta chỉ làm cho rực rỡ hơn, tìm cách thu hút du lịch.
Lễ hội phải do cuộc sống tạo ra, đã tồn tại trong quá trình lịch sử và gắn bó mật thiết với làng xóm.
Đem lễ hội truyền thống ra ngoài không gian làng dễ thành nhố nhăng lắm.

Nhà văn NGUYÊN NGỌC

Lễ hội là của dân
Tôi không phản đối việc phục dựng các lễ hội truyền thống trong đó có du nhập những yếu tố mới. Tuy nhiên, tuyệt đối không được làm mất bản sắc của lễ hội. Những lễ hội nguyên bản thì người dân luôn là chủ thể lễ hội. Nhà nước, các nhà nghiên cứu có thể tham gia để định hướng, chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong lễ hội nhưng đừng nhảy vào làm hộ dân. Sáng kiến nào trong phục dựng lễ hội cũng phải được dân tiếp nhận. Đừng để tình trạng một anh cán bộ văn hóa ngồi ở Sài Gòn, ở Hà Nội nghĩ ra một kịch bản lễ hội rồi đem về lôi kéo người dân thực hiện những ý tưởng – nhiều khi là quái đản – của anh.

GS NGÔ ĐỨC THỊNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa
(Viện Khoa học xã hội Việt Nam)
………………………………………………………………………………………………….


NGUỒN: http://phapluattp.vn/20100220120128714p0c1021/phuc-dung-le-hoi-xin-dung-lam-dung.htm


TS. Nguyễn Hồng Kiên
Không phải tự nhiên mà mấy vụ PHỤC DỰNG đều dính đến cái gọi là Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật của Bộ Văn-Thể -Du. Tôi có được biết nhiều Viện sĩ ở đấy. Đặc biệt là ông TS Viện trưởng rất giỏi giải ngân tiền Nhà nước.
Điều tôi không hiểu là vì sao họ được giao, và vì sao họ dám làm những việc QUÁ SỨC họ như vậy.
Xin hãy nghe 1 ông Viện sỹ nói: “… tại lễ hội Tịch điền, việc sơn vẽ lên mình trâu cũng bắt nguồn từ việc phủ vải đỏ lên mình trâu tại lễ hội Tịch điền của phương Đông khi xưa. Nếu bảo mang nghệ thuật body art vào lễ hội Đức Thánh Trần thì tôi chịu không dám làm (cười) “


Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN
http://nhkien.blogspot.com/


Chỉ xin các bác lưu ý, mấy kiểu vẽ rằn ri trên người không thể gọi là body-art, mình gọi nhầm tội cho loại hình nghệ thuật đó lắm mà các Viện sĩ Viện bác Bèn lại đắc chí vì đã có công đưa vào văn hóa nghệ thuật Việt Nam một loại hình nghệ thuật mới!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét