Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011
Cảnh nhà mình cuối Canh Dần sang Tân Mão
View đẹp nhất của nhà
Chậu hoa gỗ hai mẹ con vừa rinh về từ Nhà Xinh
Trên cả 4 mặt đều có hình mèo
Cây xương rồng này đã gần 3 năm tuổi nhưng chả chịu ra hoa
Năm nào mình cũng mua một đôi lót tay mới để tự khích lệ tinh thần nấu nướng
Tủ lạnh cũng có vài bé mèo cho có khí thế Tân Mão
Một góc quê nhà. Chum xin của bà nội Ly và Bim
Mẹ chụp Bim
Chậu hoa gỗ hai mẹ con vừa rinh về từ Nhà Xinh
Trên cả 4 mặt đều có hình mèo
Cây xương rồng này đã gần 3 năm tuổi nhưng chả chịu ra hoa
Năm nào mình cũng mua một đôi lót tay mới để tự khích lệ tinh thần nấu nướng
Tủ lạnh cũng có vài bé mèo cho có khí thế Tân Mão
Một góc quê nhà. Chum xin của bà nội Ly và Bim
Mẹ chụp Bim
Bim chụp mẹ
Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011
Kỷ niệm từ một trưng bày
Bảo tàng Hà Nội gửi giấy mời dự lễ khai mạc trưng bày nhân dịp xuân Tân Mão. Thực ra chủ đề của trưng bày không ăn nhập lắm với không khí năm mới, nhưng hai mẹ con vẫn hớn hở ra bắt taxi, cái chính là để Bim biết cơ ngơi của Bảo tàng Hà Nội.
Hóa ra những hiện vật trưng bày lại đưa mình về với bao kỷ niệm.
Kiểu bày hoa này phất lên từ vụ 1000 năm, quá nhàm. Tuy nhiên những hàng rào gỗ trắng này nhìn khá yêu. Không hiểu sao mình rất yêu những bờ rào cây xanh hay những hàng rào gỗ sơn trắng, xanh và đặc biệt là rào đan bằng những thanh nứa. Xã hội Việt Nam càng ngày càng nhiều bất ổn nên những bờ rào cây dần biến mất, đâu đâu cũng đầy rẫy bê tông, sắt thép.
Mặc dù mọi người đều đánh giá BTHN hoành tráng nhất Việt Nam nhưng mình thực sự chả ưa kiểu kiến trúc của BT này, không thân thiện, không sinh thái và không ấm áp tí nào
Đối diện BT là một công trình của giới quân sự, cũng là ví dụ về mô ve gu và sai công năng!
Copy của cụ Rùa Hồ Gươm, chả hiểu sao người ta lại đặt bản copy này bên cạnh đài phun nước!
Sảnh chính của BT, chả hiểu gái út đang tưởng tượng cái gì!
Chủ đề của trưng bày hôm nay
Gái út đang băn khoăn làm sao người ta có thể chui vào cái hầm trú ẩn cá nhân này (hầm này do TS. Ngô Thế Phong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hiến tặng cho BTHN). Mình đã giảng giải cho gái út tại sao phải có những cái hầm như thế này và sự khác nhau giữa hầm chữ A và hầm cá nhân.
Mình nhớ hồi chiến tranh ác liệt, dưới gầm giường nhà mình có một cái hầm. Báo động ban đêm mẹ gọi được mình dậy thì Nghĩa vẫn ngủ, đánh thức được Nghĩa thì mình lại lăn ra ngủ (ấy vậy mà có hôm mẹ đi họp vắng, báo động mình thức ngay lập tức, ôm Dũng và gọi Nghĩa lăn xuống hầm). Mà cũng lạ, mình ít khi nhớ về những lúc chạy lếch thếch xuống hầm và tiếng máy bay gầm rú mà độc nhớ cái mùi ai ải, ẩm ngọt của những cái hầm lúc chơi trốn tìm cùng với lũ trẻ con của khu tập thể.
Còi báo động này từng được treo trên nóc nhà máy công cụ số 1. "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội....". Ôi cái thời đi sơ tán lên vùng rừng núi Hòa Bình, lạ nước, ghẻ lở đầy mình. Sợ nhất là bị tắm ghẻ bằng nước đun lá xà cừ, xót ơi là xót. Mẹ vừa tắm cho mình và Nghĩa vừa rơm rớm nước mắt!
Ngày xưa nhà mình cũng có một cái đài to tướng như thế này, lúc được lúc không, về sau tịt hẳn . Hóa ra có một ổ chuột làm tổ bên trong.
Ở chợ Chúc Sơn ngày ấy mỗi tháng có chiếu bóng lưu động về 1 lần, mình hay đi xem cùng mấy đứa ở khu tập thể. Mình rất hay bị bọn con giai trêu nhưng rất may đã có hai cậu em bảo vệ, chúng cư lấy ghế khua xung quanh để không cho đứa nào động vào người chị. Ngày đó chiếu toàn phim Liên Xô, mình thích nhất là phim thần thoại, hoàng tử và công chúa đẹp dã man luôn.
Bim đúng là có tâm hồn ăn uống, nghe mẹ nói về chuyện mang bột, trứng, đường đi đặt bánh ngày tết nàng cứ quanh quẩn hỏi xem bánh quy hồi đó có ngon hơn bánh quy bây giờ không...Ngày ấy có loại bánh xốp rất ngon lại to nữa, chỉ tội có mùi hơi khai khai (mùi của bột nở). Nhưng chả sao, bánh xốp mới nướng ngon nhất trần đời.
Bác Hợp đang giải thích cho Bim về xe đạp nữ khác xe đạp nam ra sao. Bim cứ cười mãi vì xe đạp cũng mang biển số và phân biệt giới tính
Thời đấy (mà cũng đâu xa lắm) cái gì cũng khác bây giờ, cái gì cũng thiếu. Sửa xe đạp cũng phải làm đơn xin phép!
NHƯNG TÌNH NGƯỜI VÀ SỰ TỬ TẾ NHIỀU HƠN BÂY GIỜ!
Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011
Duyên dáng mèo gốm
Mèo gốm Việt Nam
Mèo gốm Trung Quốc
Chiều nay đi lang thang tầm mèo gốm cho năm Tân Mão, rất tiếc chả hàng gốm nào bán mèo cả, đành chộp vài hình trên mạng đưa về đây đo sắc vậy.
Biểu tượng mèo năm nay toàn là Đô rê môn! Hai mẹ con cuối cùng cũng mua được 01 bộ đồ dùng trong nhà tắm bằng nhựa tạo theo hình Đô rê môn.
Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011
Tết nhớ
Sắp đến tết rồi. Đợi tết đến lại nhớ tết xưa. Tết ngày nhỏ, tết ngày mới lớn, tết khi du học nước ngoài , tết hồi có Thầy với kiểu Hùng Vương thứ 18, tết khi Ba còn gọi điện từ Biên Hòa nhắc về quê ngoại nhớ nói gì, nhắc mua cái này, cái kia ... nếu về Nam ăn tết
Ngày nhỏ, thời bao cấp, tết dù khó vẫn là tết, vui hơn tết bây giờ đủ đầy mọi thứ.
Gần tết ba thường hay đưa chị em mình đi chợ Đồng Xuân hay Bách hóa Tổng hợp Hà Nội và cả hiệu sách nữa. Ngày đấy dù khốn khó trăm bề nhưng ba mẹ vẫn cố lo cho các con bằng với người ta. Ba mẹ còn cầu kỳ đưa các con đi may quần áo ở nhà may Đức Hạnh (nổi tiếng may quần áo trẻ em hồi bấy giờ ở Hà Nội). Mình vẫn nhớ Nghĩa có quần yếm còn mình có đầm thêu.
Ngày còn nhỏ mình ít khi phải đi xếp hàng, mình cứ đinh ninh là do mẹ làm trong hệ thống thương nghiệp quốc doanh nên nhà mình không phải xếp hàng. Hóa ra không phải, việc xếp hàng mua các thứ mẹ giao cho Nghĩa đảm nhiệm. Cậu Ba xem chừng vất vả nhất nhà do chị Hai vụng và lười quá. Chỉ được cái chành chọe với em là giỏi.
Mứt tết ngày xưa ngon hơn mứt bây giờ, mình thích nhất là mứt bí đao, mứt lạc và mứt hồng và ghét mứt cà rốt thậm tệ. Rượu mùi ngòn ngọt, thơm thơm còn rượu chanh có màu hơi vàng nhưng mùi hơi hắc
Ngày đó mẹ thường may quần cho mình bằng vải láng, cứng quèo quèo chỉ hợp để chơi nhảy ngựa. Mình rất thích quần lụa hay quần phíp nhưng mẹ bảo để dành cho chị Hòa, chị Hạnh (chị họ của mình). Đành phải chịu nhưng mình vô cùng ấm ức. Thực ra, mình ơn các chị họ của mình lắm lắm, mình ở xa, may còn có các chị ở gần đỡ đần những lúc ba mẹ trái gió trở trời. Bây giờ mới thấm câu "có con mà gả chồng gần..." của ông bà mình.
Cái vụ củi lửa này phức tạp vô cùng, mình nhớ nhà mình hết đun củi, đun lá lại chuyển đun mùn cưa, bếp dầu mãi sau này mới có. Chỉ vì chuyện bếp núc này mà mình liên tục cãi nhau với thằng bạn hàng xóm. Ai cũng bảo mình đanh đá nhất khu tập thể.
Tết có pháo vẫn thích hơn
Một trong những niềm say mê của ngày tết là chơi tam cúc ăn tiền
Mặc dù chả bao giờ mình thắng, tiền mừng tuổi đã ít thì chớ lại thua bạc nữa mới khổ
Hồi đó dù chiến tranh ác liệt, ba mẹ vẫn hay đưa các con về quê ngoại ăn tết. Tết quê ngoại (Hoàng Khê) trong trí nhớ của mình là cả nhà dắt díu nhau đi bộ trong đêm từ ga Nghĩa Trang về nhà ông bà ngoại, vừa đi vừa ngủ gật, đôi lần được cậu đèo bằng xe đạp, là bánh gai, bánh mật, bánh chưng trong nhân có hành (lần nào cậu cũng phải làm riêng cho mình loại bánh không hành), là món tỏi non om và mứt dừa gì làm có màu vàng rất thơm.
Bây giờ, mỗi lần ra chợ thấy hàng tỏi non mình lại nhớ về hiên nhà ông bà ngoại chất đầy hành tỏi mới dỡ. Chỉ buồn một nỗi, quê ngoại là đất hành, đất tỏi mà mình lại chẳng biết ăn!
Và tết cũng là lúc Ba hay kể cho các con về quê nội Biên Hòa
Ba ơi, tết này là cái tết thứ hai Ba đi xa. Cả nhà nhớ Ba nhiều lắm.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)