Từ những hạt cỏ trong mộ Hán
Cho đến nay có hai hiện tượng thường được giới khảo cổ thực vật học Trung Quốc nhắc đến. Đó là trường hợp những hạt hòa thảo có trong một vò gốm cách nay 1.800 năm bỗng nảy mầm trong thời gian các nhà khảo cổ học khai quật một ngôi mộ gạch đời Đông Hán.
Hạt cỏ này mầm trên miệng vò gốm tùy táng mộ Đông Hán cách nay 1800 năm ở Hà Nam (Trung Quốc)
Đây là ngôi mộ gạch xây theo kiểu hầm mộ thời Đông Hán ở tỉnh Hà Bắc. Trong lòng hầm mộ, các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều đồ tùy táng, trong đó có một vò gốm chứa đầy đất. Trong khi khai quật, những đồ tùy táng sau khi làm xuất lộ vẫn được giữ nguyên vị trí để đo đạc, chụp ảnh và làm hồ sơ tư liệu. Khoảng ba ngày sau, các nhân viên khai quật nhận thấy nhiều mầm xanh mọc dài phủ trên bề mặt đất một vò gốm tùy táng. Vò gốm này có miệng rộng khoảng 30cm, vẫn đầy nguyên đất. Hiện tượng lạ kỳ này được thông báo ngay với những chuyên gia thực vật học. Sau khi tách một số mầm cây khỏi đất, các nhà khảo cổ thực vật học Trung Quốc nhận ra đó là sản phẩm của một loại hòa thảo có tên Latin là Digitaria sanguinalis. Đây là loài cỏ dại mọc rất phổ biến trong những môi trường hoang dại gắn với xã hội loài người. Chúng ta có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu bên vệ đường, bờ ruộng. Nhánh kết hoa dày và dài như nhành lúa thu nhỏ, có thể tách tẽ thành những hạt li ti.
Khó có thể hình dung người xưa đã tùy táng loại hạt cỏ dại này trong chiếc vò. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các hạt cỏ hoang dại sẵn có trong thiên nhiên này có thể đã theo nước thấm qua các kẽ hở thành mộ ngấm vào bên trong. Đất phủ đầy vò gốm là kết quả thẩm thấu trầm tích từ bên ngoài đưa vào, tương tự lượng bùn đất mịn chúng ta thường thấy trong các ngôi mộ có quan tài được coi là rất kín. Khi gặp môi trường thoáng khí, ánh sáng, độ ẩm và nhiệt độ phù hợp, hạt cỏ nảy mầm. Theo quan sát, các mầm cỏ xuất hiện trên bề mặt sát miệng vò gốm. Niên đại của các hạt cỏ này vẫn còn bỏ ngỏ cho đến nay.
Đến hạt sen ngàn năm nảy mầm
Trường hợp thứ hai là những hạt sen khai quật được trong di tích Phổ Lan Điếm thuộc tỉnh Liêu Ninh cách nay hơn 1.000 năm. Đáng chú ý là một số hạt sen khai quật được sau khi bảo quản chừng 20 ngày thì xuất hiện hiện tượng tách hạt, nảy mầm. Những hạt sen này nằm trong lòng một hồ cạn, nơi mà các nhà sư đã trồng sen từ thế kỷ 3 sau Công nguyên. Trầm tích lòng hồ tích tụ khá nhiều hạt sen còn nguyên vẹn. Theo kết quả của nhóm nghiên cứu thực vật Mỹ, Nhật thì những hạt sen này thuộc loài Nelunbo nucifera. Một số hạt sen đó đã được định tuổi carbon phóng xạ ở Mỹ cho thấy chúng thuộc nhiều tập hợp từ 1.300 năm đến 300 năm cách ngày nay. Hai tập hợp hạt sen có tuổi 1.300 năm và 300 - 500 năm cách ngày nay đã được các nhà khoa học Trung Quốc phối hợp với chuyên gia thực vật Mỹ nuôi trồng theo dõi các hạt nảy mầm này trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Những hạt sen có tuổi 1.300 năm đang nảy mầm sau khi đưa khỏi lòng đất 20 ngày; Đầm sen ra hoa kết nụ từ những hạt sen cổ 1.300 năm.
Đến nay đã có cả một ao sen lớn ra hoa kết hạt từ những hạt sen khảo cổ có tuổi được cho là 1.000 năm đó, chúng không khác lắm so với các loài sen hiện đại.
Trở lại hạt lúa khảo cổ ở Thành Dền
Việc xác định tuổi của các hạt cỏ trong mộ Hán vẫn theo phương pháp khảo cổ học truyền thống, tức lấy niên đại vị trí nơi phát hiện ra hiện tượng để làm niên đại quy chiếu. Phương pháp này rõ ràng không đảm bảo 100% độ tin cậy rằng những hạt cỏ đó thực sự có tuổi 1.800 năm hay không. Tình trạng này thoạt đầu cũng diễn ra như với những hạt lúa nảy mầm ở Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) dẫn đến sự hiểu lầm rằng lúa nảy mầm đào được ở tầng 3.000 năm thì cũng có tuổi 3.000 năm. Tuy nhiên, khi những hạt sen ở Liêu Ninh được nghiên cứu rất bài bản, từ môi trường bảo tồn đến đặc trưng giống loại và nhất là làm niên đại AMS thì các nhà khoa học đã cung cấp thêm cho chúng ta một hiện tượng chứng tỏ khả năng sinh tồn kéo dài của một số hạt thực vật khảo cổ là có thực.
Việc nghiên cứu lúa khảo cổ ở Thành Dền hiện nay được tiến hành một cách thận trọng hơn theo kinh nghiệm và với cả niềm tin mà các nhà khoa học trên thế giới đã làm với những trường hợp tương tự, trước khi có những kết luận có cơ sở khoa học rằng chúng thực sự là lúa cổ hay chỉ là những vật phẩm được côn trùng hay con người vô tình đưa vào gần đây.
Nguồn: TS Nguyễn Việt (Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á)
thethaovanhoa.vn
Bài này đã được đăng từ rất lâu trên Thể thao Văn hóa và vì hiện đã có thêm niên đại của hạt gạo cháy nên đưa lên đây để tham khảo.
Niên đại gạo cháy Thành Dền
Ngày 5 tháng 11, Đoàn khai quật địa điểm Thành Dền đã gửi 02 mẫu - 02 hạt gạo cháy sang Nhật Bản (qua TS. Mariko YAMAGATA) để phân tích niên đại AMS. Mẫu phân tích được gửi tới Viện AMS IAA ( Institute of Accelerator Analysis Ltd) Địa chỉ: 129-1 Noborito-shinmachi, Tama-ku, Kawasaki, Kanagawa 214-0013 JAPAN), nơi trước đây Đoàn đã gửi phân tích niên đại AMS của một số hạt thóc nảy mầm và vỏ trấu và kết quả đo những mẫu này đều cho hàm lượng các bon hiện đại lớn không thể xác định niên đại.
Kết quả phân tích niên đại AMS của 01 hạt gạo cháy tìm thấy cùng chỗ với những hạt thóc nảy mầm đợt I tại hố rác bếp số 3 hố khai quật 2 (ký hiệu 10TD.F3.H2):
Niên đại chưa hiệu chỉnh: 2846 +/27 BP (khoảng trên dưới 3000 năm cách ngày nay).
Niên đại hiệu chỉnh: 1017 calBC - 974 calBC (58.8%) và 956 calBC -941 calBC (10.0%).
Bonus
Thêm về hạt sen cổ nảy mầm
- Theo báo cáo nghiên cứu của UCLA, những hạt sen cổ có tuổi 1200 năm nảy mầm có chứa những thành phần (đặc tính) chống lão hóa như thức ăn hay trong mỹ phẩm.
- Theo nghiên cứu của Brookhaven National Laboratory, đất nơi tìm thấy những hạt sen cổ bị nhiễm phóng xạ nhẹ và các nhà khoa học tin rằng điều đó đã gây ra sự đột biến của những hạt sen cổ.
(The soil was found to be slightly radioactive and the scientists believe that low-level radiation, over such a long period, caused mutations within the seeds).
Xem Scientist Sprouts Fresh Plant From Ancient Seeds. Researcher Coaxes New Sprouts From Centuries-Old Lotus Seeds
http://abcnews.go.com/Technology/story?id=98052&page=1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét