Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Những phát hiện khảo cổ mới tại phức hợp di tích Vườn Chuối

Thực hiện kế hoạch đào tạo thường niên của môn học “Cơ sở Khảo cổ học” một đoàn sinh viên gồm 50 sinh viên khoa Sử năm thứ nhất và 01 sinh viên chuyên ban Khảo cổ học năm thứ tư đã tới Gò Mả Phượng, một gò nằm trong phức hợp di tích Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) để thực tập khai quật khảo cổ học dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung, Th.s. Bùi hữu Tiến và CN.Thân Thị Hằng.

Địa điểm Gò Mả Phượng đã được Th.s. Bùi Hữu Tiến đào thám sát cuối năm 2009, kết quả đã phát hiện dấu tích cư trú của cư dân thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu (cách đây từ 3500 đến 3000 năm) với khá nhiều chứng cứ liên quan đến luyện kim đồng tại chỗ như khuôn đúc, mảnh nồi nấu đồng, xỉ đồng và hiện vật bằng đồng, tích tụ văn hóa ở đây dày tới 2m.

Hố khai quật năm 2010 được mở cạnh hố thám sát 2009, có diện tích 24m2. Kết quả khai quật cho thấy, những nhóm cư dân giai đoạn văn hóa Đồng Đậu chọn nơi ở là những gò cao vừa phải, dấu tích vật chất còn lại phân bố trên khắp gò, phần trên đỉnh chỉ dày khoảng 40-60cm (có thể phần trên đã bị san bạt trong quá trình canh tác của cư dân giai đoạn muộn hơn), phía chân gò những tích tụ vật chất cổ dày đến trên 2m. Tầng văn hóa của cư dân văn hóa Đồng Đậu ở đây đã bị phá hủy từng phần do những hố đào từ trên xuống ở một số chỗ, những hố đào này có niên đại thời Trần, niên đại này được những người phụ trách khai quật đưa ra dựa trên những di vật trong các hố như đồ gốm, tiền đồng…

Hiện vật không nhiều nhưng khá phong phú và mang các đặc trưng của văn hóa Đồng Đậu như gốm trang trí văn khuông nhạc, văn thừng, công cụ và trang sức bằng đá. Khá nhiều dấu tích của đúc đồng tại chỗ (khuôn đúc rìu bằng sa thạch, mảnh nồi nấu đồng, mảnh quặng đồng, xỉ đồng…) cũng đã được tìm thấy.

Trong quá trình khai quật, đoàn cũng đã mở thêm hai hố khác, mỗi hố có diện tích 6m2 tại Gò Dền Rắn, một gò khác nằm giữa Gò Mả Phượng và Gò Vườn Chuối. Hố thám sát I được mở ngay tại nơi máy xúc ủi làm đường và đã làm xuất lộ 01 một mộ thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn (cách đây khoảng 2000 năm). Mộ táng này được chôn vào nơi ở của người Đồng Đậu. Cho tới nay ở khu vực Vườn Chuối này chưa tìm thấy dấu tích cư trú của người Đông Sơn, nhưng với lối chôn mộ rải rác ở các gò như thế này thì có thể cho rằng di tích cư trú của cư dân Đông Sơn sẽ ở không xa lắm.

Hố thám sát II được mở gần hố thám sát I, mục đích để kiểm tra độ dày của tích tụ văn hóa vật chất. Cả hai hố này đều có những dấu tích văn hóa của cư dân giai đoạn Đồng Đậu như mảnh gốm, công cụ và trang sức bằng đá, một ít chứng cứ của luyện kim đồng.

Nhìn chung tại cả hai nơi Gò Mả Phượng và Gò Dền Rắn các nhà khảo cổ đều phát hiện được tầng văn hóa giai đoạn Đồng Đậu nhưng so với dấu tích ở Gò Vườn Chuối thì kém phong phú hơn. Có thể giả định rằng Gò Vườn Chuối là xóm trung tâm, các gò lân cận khác là những xóm ngoại vi (dạng xóm trại hay xóm mới) của làng cổ Vườn Chuối, nơi có các nhóm cư dân sinh sống qua nhiều giai đoạn văn hóa từ cách đây khoảng 3500 năm đến những thế kỷ sau Công nguyên.
 Mặt bằng trước khi mở hố khai quật ở Gò Mả Phượng
 Vật đeo (Amulet) tái chế từ mảnh vòng tay đá ngọc màu đỏ (chưa thấy ở các địa điểm cùng thời khác) được phát hiện trong lớp đào 1.
 Độ dày của những tích tụ văn hóa của cư dân giai đoạn văn hóa Đồng Đậu tỉ lệ nghịch với độ dốc của gò. Trên đỉnh gò đã là đất cái nhưng dưới chân gò tầng văn hóa còn rất sâu
 Sâu trên 2m
 Sau khai quật là công đoạn đo vẽ
Mộ giai đoạn văn hóa Đông Sơn trong hố thám sát I ở Gò Dền Rắn

Lâm Thị Mỹ Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét