Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Bước chân năm tháng đi về

Một trong những con đường lâu đời nhất Hà Nội nhưng lại mới chỉ có tên chính thức ba mươi năm nay là đường Nguyễn Trãi. Con đường này mới chỉ được đặt tên từ năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 500 năm ngày sinh của vị danh nhân thế giới. Thời Pháp thì Hà Nội đã có phố Nguyễn Trãi là con phố nhỏ bên cạnh chợ Hàng Da, từ tháng 6.1964, được đổi tên là phố Nguyễn Văn Tố. Vậy là Nguyễn Trãi cũng được đặt tên cho con đường như hiện có khá muộn mằn. Con đường này dài khoảng 4km từ Ngã Tư Sở đến Hà Đông nằm trên trục đường Quốc lộ 6 đi tỉnh Hà Tây cũ, lên Thủy điện Hòa Bình và còn lên Tây Bắc nữa, từng là con đường rộng nhất Hà Nội, đi qua khu công nghiệp cũng lớn nhất Hà Nội thời xưa, chạy qua năm bảy trường đại học.

Còn đâu nữa biểu tượng của nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa. Mỗi lần đi qua đây để đến Trường mình lại nhớ câu chuyện Bác Hồ dạy về viết chữ Việt phải có dấu. Nay nhà máy đã bị phá tan để xây công trình biểu tượng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa!

Có thể nói đường Nguyễn Trãi là đường của đủ mọi loại người, từ những anh thợ máy cơ khí Công cụ số 1, chị thợ giày Thượng Đình cho đến sinh viên Kiến trúc, Tổng hợp, từ dân khu làng xóm Nhân Mục đến cán bộ ở nhà tập thể Thanh Xuân, từ người đi xe hơi, xe đạp đến xe bus, xe điện… Bộ mặt của con đường lúc nào cũng nhôm nhoam, cũng bụi mù tăm tít. Con đường ấy như trong bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai của Trần Văn Thủy, được liên tưởng với thân phận những dân đen con đỏ mà Nguyễn Trãi vẫn nhắc đến trong văn chương của mình. Đấy là con đường mưu sinh, của anh xe thồ, chị nhà quê chạy chợ từ những huyện phên giậu xưa của Hà Nội thuộc vùng Hà Đông trù phú. Vào những thế kỷ trước, đây là con đường lai kinh ứng thí của bao sĩ tử trấn Sơn Nam, từng được kể tới trong Thượng kinh ký sự của Lãn Ông Lê Hữu Trác. Khi ấy, Lãn Ông đi đến Thịnh Liệt rồi vòng lên làng Nhân Mục, theo cầu Triều Khúc qua đường Nguyễn Trãi ngày nay để lên Kẻ Chợ.

Dãy nhà tập thể với tầng 1 thành khu quán xá gần Trường Tổng hợp cũ nay là Đại học KHTN và ĐH KHXHNV. Mất mát lớn nhất khi lập Đại học Quốc gia chính là mất thương hiệu Đại học Tổng hợp Hà Nội!

Đường Nguyễn Trãi chạy theo hướng hơi chếch Tây Nam – Đông Bắc, nối nội thành với phía Tây, có cái tiện là phân làn xe thô sơ tách hẳn ra ở hai bên bằng hàng cây xà cừ phía Bắc và dải phân cách phía Nam. Có lẽ đường Nguyễn Trãi khi được cải tạo vào thời Thủy điện Hòa Bình là công trình chi phối nguồn lực xã hội miền Bắc đã là đường đầu tiên ở Hà Nội phân làn rõ rệt thế. Gọi là tiện bởi vì người đi xe đạp ở con đường này xem ra vẫn là đông nhất ở Hà Nội bây giờ, dù càng ngày lượng xe máy càng áp đảo. Làn xe thô sơ phía Bắc trước đây vốn là đường tàu điện đã bị gỡ đi gần 20 năm nay. Nhưng phân làn vậy, chứ sểnh ra tí là người ta rẽ luôn ra đường ngoài, vừa láng hơn, ít ổ gà hơn, mà lại đỡ ấm ách cảnh phân biệt đối xử!

Có cái tiện thì cũng có cái dở. Các nhà quy hoạch mãi đến gần đây mới làm thêm được đường Láng-Hòa Lạc song song với đường Nguyễn Trãi, nhưng vì cách nhau đến gần hai cây số nên vẫn không giảm được mấy tính chất độc đạo của đường này. Thêm nữa là tất cả các công trình, cơ quan cho đến mấy khu tập thể lớn đều bám theo mặt đường chứ không phát triển chiều sâu và mật độ đường nhánh cũng thưa. Vì thế đến giờ để từ Hà Nội vào Hà Đông cũng vẫn phải đi theo lộ trình của nhiều thế kỷ trước.

Mặc dù nói là con đường cổ, nhưng cũng khó nhìn thấy di tích hay dấu vết cổ nào hai bên đường. Lý do dễ hiểu là làng xóm xưa kia thường nằm ở cách xa đường, được bao bọc bởi những lũy tre dày và một cánh đồng rộng. Những ngôi đình làng hay chùa chiền nằm ở trong làng, vì thế sau thời kỳ đô thị hóa, những làng xóm này nằm khuất sau những dãy phố bê tông san sát nên không thấy cái mái chùa nào hiện ra mặt đường. Đây cũng là đất đồng bằng nên không có một điểm cao nào vượt lên, cũng không có sông ngòi nào cắt ngang qua đường. Ở hai đầu mút con đường là hai con sông nổi tiếng: sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Một thời chúng là hai con sông huyết mạch chia nước sông Hồng, nhưng giờ gần như là sông chết.

Những con đường cửa ngõ thường là nơi tập kết xe khách, những người nhỡ độ đường và giang hồ tứ xứ. Những chỗ giáp ranh vốn dễ cho đám người ăn gió nằm sương ẩn hiện. Ngày xưa khi phường cô đầu Khâm Thiên quá tải, người ta đẻ thêm xóm nữa ở Thái Hà Ấp, rồi lan ra tới Ngã Tư Sở và Cầu Mới, là khu đầu đường Nguyễn Trãi ngày nay. Những cái “nhà trò” này có giống như một loại karaoke đèn mờ hay không thì không biết, nhưng những cô gái đợi khách dọc đường đoạn này cứ như ma, sau các gốc cây xà cừ trước đường vào ký túc xá Mễ Trì của ĐH Quốc gia, và nổi tiếng nhất là đường bê tông Thanh Xuân.

Bùng binh lớn nhất Việt Nam - Đặc sản của đường Nguyễn Trãi. Lúc cao điểm hay không cao điểm, đây luôn luôn là nơi người và xe tranh nhau từng mm đường và chả biết đi thế nào cho đúng luật!

Tôi có một đứa cháu họ xa, nhà ở Hà Đông, nói như ngôn ngữ viết tường trình là do hoàn cảnh xô đẩy, đã kiếm sống bằng cái nghề ấy ở đường bê tông Thanh Xuân một dạo. Rồi nó bị bắt vì tội lừa một vị khách, và bị đăng lên báo Công An. Đại để là họ hàng cũng chẳng sốc gì lắm, ở một vùng quê giáp ranh đã quen với khối sự nhôm nhoam và lộn xộn của đô thị hóa. Rồi cũng nhẹ nhàng như chuyện nó đi đứng đường, nó lấy chính cái anh công an làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội và ma túy đã làm việc với nó. Cứ như phim Mỹ vậy. Anh này quê ở một tỉnh miền núi Tây Bắc, đã có một đời vợ, con thì đã lớn. Cô dâu thì có nhan sắc lại trẻ trung, chú rể hơn bố vợ hai tuổi, kể cũng hơi ngại ngần cho bà con khi phải xưng hô, nhưng thử hỏi có kết cục nào ngọt hơn thế! Nó mang tiền về nhà, đi xe Vespa GTX hồng ánh nhũ ngay từ hồi xe ấy hãy còn đắt đầu bảng, rồi xây nhà cho bố, lần nào về cũng có đồng quà tấm bánh cho ông bà. Con đường tình ta đi cũng có hậu ra phết đấy chứ!

Đường bê tông này nay đã được mở rộng rồi đặt tên là Khuất Duy Tiến, nằm trên trục vành đai 3, cắt ngang đường Nguyễn Trãi bằng một ngã tư mênh mông, nên đất ẩn náu của các cô cũng không còn. Đứa cháu tôi giờ có muốn quay lại nghề cũ cũng hơi khó! Con đường Nguyễn Trãi là nơi có bến xe Sơn La, nơi các chuyến xe từ miền ngược đổ khách xuống đây, từ những vùng nóng về ma túy, nơi các anh chị đao búa móc nối trước khi triển khai kế hoạch làm ăn mới. Nhưng cũng oái oăm, xen kẽ với những thứ nhem nhuốc ấy là những trường đại học lớn của Việt Nam, những khu ký túc xá đông đặc, những dãy phố sinh viên chen chúc các quán cà phê rẻ tiền và hiệu cầm đồ. Con đường Nguyễn Trãi cùng những phố Lương Thế Vinh, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… chưa bao giờ có vẻ thơ mộng để làm nên cho những mối tình sinh viên. Lúc nào cũng chỉ thấy những dãy quán nước tạm bợ, những cậu cử tương lai ngồi vêu mặt bùng tiết. Cái con đường và khung cảnh đã tạo nên phong cách sinh viên rất đặc trưng như thế.

Các khu tập thể ở khu Thanh Xuân Bắc và Nam một thời cũng là những mô hình thí điểm áp dụng công nghệ xây dựng mới, bê tông tấm lớn và có chức năng dịch vụ tổng hợp nội bộ. Dọc đường này là những trụ sở các cơ quan ngành xây dựng, rồi trường Đại học Kiến trúc trứ danh như là điểm kết thúc cho con đường Nguyễn Trãi ở địa chỉ cũng rất mơ hồ: Km9. Đến đây phải giải thích cho rõ: Ngày xưa quốc lộ 6 kể từ chỗ bắt đầu là Giám (tức vườn hoa Giám ở cạnh Văn Miếu) đến cửa bưu điện Hà Đông là 11 cây số, mà con đường Nguyễn Trãi chiếm đoạn cuối. Do đó các cơ quan trên đường này đều lấy mốc là Km8, Km9… Đi qua trường Kiến trúc là sang đất tỉnh khác, tức tỉnh Hà Sơn Bình hay Hà Tây ngày trước.

Trường Kiến trúc ban đầu là một công trình liên hợp những dãy nhà ba tầng kiểu hành lang bên song song với nhau. Sau này vào năm 1994, người ta cải tạo lại thành khép kín và có một mặt tiền khá hoành tráng với ngôn ngữ kiến trúc biểu hiện, có mái dốc dán ngói và phù điêu chạy trước mặt tiền. Để chuyển tiếp với con đường Nguyễn Trãi trước mặt, kiến trúc sư đã thiết kế một cổng giả, lấy lại hình ảnh cổng làng Bắc Bộ với vài cây cau, tiểu cảnh đá và mặt nước. Nhưng không biết thực hư thế nào, khi hai vị hiệu trưởng đều qua đời khi đương nhiệm, đến vị thứ ba thì lâm bệnh nặng, mới có người nói, cái cổng đó đón con đường Ao Sen đâm thẳng trước mặt dẫn vào sảnh, mà phòng hiệu trưởng lại ở ngay sảnh vào. Như thế là phong thủy không tốt, ban giám hiệu liệu mà sửa đi. Rồi như bây giờ ai cũng có thể thấy, cổng mới của trường ở cách đó hơn trăm mét. Và tất nhiên, cái cổng giả kia đã bị phá đi. Vị hiệu trưởng tất nhiên là còn sống (có thế mới thành chuyện). Hàng rào đã được xây để bịt lại và cây xanh đã mọc kín như hiện nay. Ai qua đường Nguyễn Trãi ngày nay, sẽ không còn thấy dấu vết gì về một cổng trường cũ, chỉ còn những kiến trúc sư tương lai đứng ngồi đợi xe bus…

Nguyễn Trương Quý


Mượn bài này vì đây cũng là con đường mấy chục năm nay vòng xe của mình cứ lăn bánh hoài hoài.  Ảnh bổ sung vào bài viết lấy từ Internet và lời chú ảnh là của mình


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét