Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Vĩnh biệt GS.VS. Đào Thế Tuấn

Vĩnh biệt GS-VS, anh hùng nông học Đào Thế Tuấn
Tác giả: Vũ Trọng Bình

(VEF) - 11h 30 ngày 19 tháng một năm 2011, Giáo sư - Viện sĩ (GS-VS) Đào Thế Tuấn, nhà nghiên cứu đầu ngành về nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã ra đi. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của ông đã trở thành sách giáo khoa, cẩm nang của giới khoa học nông nghiệp nước nhà.

GS-VS Đào Thế Tuấn sinh ngày 4/7/1931 tại TP. Huế, nguyên quán ở Khúc Thủy, Thanh Oai, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Ông là con trai cả của cụ Đào Duy Anh, một trong số ít nhân vật Việt Nam được ghi tên vào bộ từ điển Larousse với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại.

GS-VS là một trong 50 cán bộ đầu tiên được cử đi đào tạo về nông nghiệp và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Liên xô cũ.

Với hàng trăm công trình nghiên cứu liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, GS-VS Đào Thế Tuấn đã có nhữn đóng góp vô cùng to lớn trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Ông rất thành công với nghiên cứu về sinh thái nông nghiệp, sinh lí cây lúa, và là người có công trong việc chuyển đổi mùa vụ sản xuất nông nghiệp những năm 70 và 80 của thế kỉ XX. Năm 1983, ông đã đưa Bộ môn Hệ thống nông nghiệp vào Việt Nam, hình thành một lĩnh vực nghiên cứu mới trong phát triển nông nghiệp bền vững, bao gồm hệ sinh thái và hệ thống kinh tế - xã hội ở các vùng khác nhau.

GS-VS Đào Thế Tuấn luôn luôn tâm huyết, cống hết hết mình vì nền nông nghiệp và sự nghiệp phát triển nông thôn VN (ảnh TT&VH)

Những năm cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, GS-VS Đào Thế Tuấn đã có nhiều công trình nghiên cứu về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Năm 2006, khi đã nghỉ hưu, GS-VS vẫn miệt mài cùng cộng sự tiến hành nghiên cứu chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững; xây dựng các mô hình để mô phỏng sự phát triển, đặt cơ sở cho việc phát triển phương pháp nghiên cứu mới và tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ giữa hộ nông dân và thị trường để giúp nông dân giải quyết khó khăn lớn nhất cho sự phát triển kinh tế hộ. Ông có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết vào đề án Tam nông do Bộ NN&PTNT triển khai.

Trong cuộc đời mình, GS-VS Đào Thế Tuấn đã gửi đi đào tạo nước ngoài được một đội ngũ đông đảo các cán bộ nghiên cứu đầu ngành về hệ thống nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Việt Nam. Nhiểu cán bộ đang giữ các trọng trách lãnh đạo các Viện nghiên cứu đầu ngành ở nước ta.

Với những nỗ lực và đóng góp không mệt mỏi, GS-VS Đào Thế Tuấn đã được nhận Huân chương Công trạng nông nghiệp và Huân chương cành cọ Hàn lâm của Pháp (1991). Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Xô (1985). Giải thưởng quốc tế René Dumont dành cho các nhà nông học các nước đang phát triển (2003).

Tháng 9/2000, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Tháng 7/2009, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì đã có những cống hiến trong nông nghiệp.

Cuộc đời nghiên cứu khoa học của Giáo sư Viện sĩ Đào Thế Tuấn, là một tấm gương mẫu mực của một nhà khoa học chân chính, say mê nghiên cứu đến hơi thở cuối cùng.

Tang lễ GS-VS Đào thế Tuấn sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tôn Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 11h30 đến 13h30 ngày 22/1/2011. Lễ truy điệu vào hồi 13h30 cùng ngày tại Nhà hóa thân hoàn vũ Văn Điển.



GS.VS. Đào Thế Tuấn còn là một trong rất ít nhà nông học quan tâm nghiên cứu lịch sử cây lúa nước. Nhớ những ngày nắng đổ lửa tháng 5 năm 2010 ông vẫn tới công trường khai quật Thành Dền của chúng tôi để mục sở thị những dấu tích liên quan đến lúa nước thời Tiền Đông Sơn. Những nghiên cứu của ông về lúa tìm thấy trong các địa điểm khảo cổ học Xóm Trại, Đồng Đậu... đã thực sự giúp ích rất nhiều cho các nhà khảo cổ Việt Nam và quốc tế và những nghiên cứu của ông hợp tác với GS. Trần Quốc Vượng, GS. Hà Văn Tấn... đã thúc đẩy sự hợp tác liên ngành giữa khảo cổ học với nhiều ngành khoa học khác.
Những cây đại thụ của nền khoa học nước nhà cứ lần lượt về cõi vĩnh hằng để lại những khoảng trống không thể lấp đầy.


GS.VS. Đào Thế Tuấn thăm đại bản doanh của đoàn khai quật Thành Dền 5.2010

GS.VS. Đào Thế Tuấn tại buổi tọa đàm bàn tròn về lúa khảo cổ Thành Dền ở Viện Di truyền






























1 nhận xét:

  1. Chắc Dung chưa biết là hôm đi xuống chỗ khai quật ở thành Dền do trục trặc về xe cộ, GS Đào Thế Tuấn đã ngồi đợi xe ngoài phố hàng tiếng đồng hồ đâu! Hôm đó cụ ra ngồi đợi ở bên ngoài, gọi điện về nhà báo với cụ là xe sẽ đến chậm, cụ đã đi rồi mà cụ bà không biết cụ đi đâu. Đến nơi thấy cụ đang ngồi chờ trước hiên một ngôi nhà đầu ngõ, mọi người ai cũng xúc động và khâm phục tinh thần của cụ! vừa rồi cụ cũng vẫn tham gia hướng dẫn cho sinh viên cao học chỗ Viện anh Ngọc.
    Vô cùng thương tiếc và kính cẩn nghiêng mình trước cụ!

    Trả lờiXóa