Rất đông giáo viên, cán bộ ngành giáo dục, học sinh và cả phụ huynh đến đưa tiễn người thầy “Hiền lắm, tốt lắm. Tất cả những gì tốt đẹp nhất thầy đều dành cho học sinh” (câu nói mà chúng tôi nghe được nhiều nhất từ những người dự đám tang).
“Buổi trưa 13-1, khi nhà trường thông báo thầy mất và gõ ba hồi trống tưởng nhớ, cả trường từ giáo viên đến học sinh, phụ huynh đều khóc. Ai ngờ người tốt như thầy lại mất sớm thế. Thầy mới 49 tuổi thôi mà. Cách đây mấy hôm thầy vẫn còn xoa đầu con trai tôi và nói: ốm quá, phải ăn nhiều vô” - bà Lệ Hằng, phụ huynh lớp 2/4, nghẹn ngào.
“Bữa đó thằng cu Nguyên nhà tôi khóc, lau nước mắt hết cả bịch khăn giấy. Rồi cứ nhất định đòi đưa tiễn thầy xuống tận Củ Chi” - bà Hằng kể thêm.
14g30 ngày 15-1, khi chiếc xe tang từ từ đỗ trước cổng Trường Cách Mạng Tháng Tám, hơn 300 phụ huynh, học sinh nhào ra đường, vỡ òa.
“Bây giờ nhiều trường rất ngại nhận học sinh ở các mái ấm, chứ thầy Quý thì nhận hết. Gia đình thầy phải đi ở nhà thuê nhưng thầy vẫn thường bỏ tiền túi mua sách vở tặng học sinh nghèo. Có bữa thầy phải ăn mì gói nhưng năm nào cũng dạy kèm môn toán cho học sinh lớp 5 trước khi kiểm tra học kỳ 2. Thầy dạy mà không lấy tiền của học sinh. Hội cha mẹ học sinh gửi thù lao thầy cũng không nhận. Sau giờ làm việc, thầy phải dạy thêm môn toán cho học sinh THCS đến 23g để có thêm tiền giúp đỡ gia đình” - ông Lê Hùng, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Cách Mạng Tháng Tám, kể.
“Thầy khó khăn thế mà khi biết một giáo viên bị mất xe thầy đã gửi ít tiền giúp đỡ. Thầy ơi, thầy tốt thế sao thầy lại ra đi...” - một giáo viên Trường Cách Mạng Tháng Tám nói trong tiếng nấc, cô xúc động đến mức không nói được tên mình...
Trước giờ động quan, mọi người đặc biệt chú ý đến một cậu bé người nước ngoài tên John, đi cùng bố mẹ đến thắp nhang cho thầy, nhưng thắp nhang xong cậu cứ nấn ná ở lại, không chịu bước ra ngoài. Được mẹ cho phép, cậu chạy đến ôm lấy quan tài thầy giáo.
Chị Princess Kennedy, mẹ bé John, vừa kể vừa ứa nước mắt: “Mình là người Mỹ gốc Việt, sau nhiều năm sống ở Mỹ, đến khi về Việt Nam thì John đã đến tuổi vào lớp 1. Muốn con mình phải được học tiếng mẹ đẻ nhưng gõ cửa trường công lập nào cũng từ chối với lý do John không biết tiếng Việt. Đến khi gặp thầy Quý, thầy bảo: “Không có vấn đề gì. Con nít phải được đến trường, bất kể quốc tịch nào”.
Anh Edward, chồng tôi, kể những lúc anh đến trường vào giờ ra chơi cũng thấy thầy nói chuyện hoặc chơi đùa rất thân thiện với học sinh. Từ bữa thầy mất, John rất buồn, cứ nhắc mãi mong muốn của mình “con muốn thầy sống lại để mỗi ngày đến trường được thầy ôm hôn”.
Chồng tôi bảo chưa bao giờ anh thấy một người thầy tuyệt vời như vậy, cứ sáng sáng đứng ngoài cổng trường đón và xoa đầu từng học sinh, giờ ra về thì đứng dưới cầu thang nhắc nhở các em không chạy kẻo bị ngã. Có bữa thầy còn đích thân cùng với thầy phụ trách Đội làm lá chắn cho học sinh qua đường an toàn”.
Thầy Phạm Phú Quý sinh ngày 30-10-1962, là hiệu trưởng Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám (P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM). Thầy bị bệnh từ ngày 7-1, vì lo công việc cuối học kỳ 1 nên vẫn cố gắng đến trường.
Đến ngày 11-1 bệnh trở nặng, lúc 22g30 gia đình đưa thầy vào Bệnh viện Phú Thọ. Sáng 12-1 thầy được chuyển viện sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Do bệnh diễn biến quá nặng nên dù được tập thể y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hết sức cứu chữa nhưng thầy đã từ trần vào ngày 13-1.
Thầy Quý là một trong mười hiệu trưởng tiêu biểu của TP.HCM năm học 2009-2010 do Sở GD-ĐT TP bình chọn.
HOÀNG HƯƠNG
http://tuoitre.vn/Giao-duc/420726/Tiec-thuong-nguoi-thay-tuyet-voi.html
Một tấm gương sáng, một người thầy vĩ đại.
Xin nghiêng mình vĩnh biệt người thầy giáo - người đồng nghiệp đáng kính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét