1. Diễn giải về phương pháp tính niên đại tuyệt đối (xác định tuổi bằng đơn vị năm) của di vật, di tích khảo cổ học bằng cách tính vòng tuổi thân cây.
Trích từ cuốn "Sụp đổ" của Diamond Jared. Nxb. Tri thức, Hà Nội năm 2101, tr.155-156.
"Các nhà khoa học gọi phương pháp xác định niên đại theo vòng tuổi thân cây là dendrochronology (trong tiếng Hy Lạp dendrron là cây và chronos là thời gian) và cách tính như sau. Nếu hôm nay bạn chặt một cây gỗ, hoàn toàn có thể dễ dàng đếm số vòng tuổi thân cây bên trong, bắt đầu từ phía bên ngoài (tương ứng với vòng sinh trưởng của cây năm nay (năm 2007) và nếu đếm được 117 vòng tính từ vòng ngoài cùng vào đến giữa thân cây, thì vòng thứ 177 được hình thành vào năm 2005 trừ 177 bằng 1828.... Độ rộng của mỗi vòng tuổi thân cây mỗi năm mỗi khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện khí hậu của năm đó như mưa hay hạn hán (chuỗi những vòng rộng chứng tỏ khí hậu thời kỳ hình thành chúng ẩm ướt và ngược lại)..
Các chuyên gia vòng tuổi thân cây (gọi là dendrochronologist) bắt đầu i. bằng cách ghi lại thứ tự những vòng rộng và vòng hẹp trên một cây gỗ đã xác định thời điểm bị chặt trong một năm gần đây và họ cũng ghi lại thứ tự vòng tuổi thân cây của những cây xà gỗ bị chặt trong những thời điểm không xác định trong quá khứ. Sau đó ii. họ so sánh và liên kết thứ tự những vòng có cùng độ rộng/hẹp đặc trưng của những xà rầm khác nhau.
Ví dụ, năm 2005 bạn chặt một cây gỗ 400 tuổi (có 400 vòng) và thấy trên mặt gỗ có một thứ tự đặc biệt, đó là 5 vòng rộng, 2 vòng hẹp và 6 vòng rộng - tượng trưng cho 13 năm nằm trong khoảng thời gian từ năm 1643 đến năm 1631. Nếu bạn cũng tìm thấy thứ tự đặc biệt này bắt đầu từ năm thứ 7, tính từ vòng ngoài cùng trong một cây xà gỗ không xác định được thời điểm bị chặt có 332 vòng tuổi, thì bạn có thể kết luận rằng cây xà gỗ này được làm từ một cây bị chặt vào năm 1650 (bảy năm sau năm năm 1643) và cây này bắt đầu được trồng từ năm 1318 (cách thời điểm năm 1650 là 332 năm).
Sau đó bạn có thể tiếp tục liên kết cây xà gỗ đó, từ những cây sống trong thời gian từ năm 1318 đến năm 1650 với những cây xà gỗ cổ hơn và tiếp tục so sánh các kiểu vòng tuổi thân cây để tìm ra một cây xà gỗ có kiểu vòng tuổi chứng tỏ nó đã được làm từ một cây gỗ bị chặt sau năm 1318 và được trồng trước năm 1318 để từ đó mở rộng hồ sơ vòng tuổi thân cây di chuyển dần vào sâu hơn trong quá khứ.
Bằng cách này các chuyên gia đã tạo lập được những hồ sơ vòng tuổi thân cây ở một số khu vực trên thế giới lên đến hàng ngàn năm. Mỗi hồ sơ này đều rất giá trị đối với một khu vực địa lý mà quy mô phụ thuộc vào hình thái thời tiết bản địa. Ví dụ bảng niên đại vòng tuổi thân cây cơ bản của khu vực Tây Nam nước Mỹ có thể áp dụng (với một số dao động) với khu vực từ phía bắc Mexico tới Wyoming".
Ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ có khá nhiều phòng xác định niên đại đếm vòng thân cây gỗ. Ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, phương pháp này hiếm khi được áp dụng do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chủ yếu là chưa có bảng niên đại vòng tuổi thân cây cho khu vực này.
Tại sao lại có những entry kiểu này!
Có quá nhiều vấn đề mà thây cô và sinh viên thu hoạch được qua mỗi lần thi vấn đáp môn Cơ sở Khảo cổ học. Thi vấn đáp hiện là hình thức hiếm hoi còn sót lại ở khoa Sử và cả ở Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội. Khá nhiều người muốn chuyển sang thi viết, nhưng có lẽ bộ môn Khảo cổ học vẫn sẽ duy trì hình thức thi này để tránh học vẹt, học tủ, học lệch và quay cóp.
Trong lúc hỏi thi có những trường hợp cười ra nước mắt và không thể tưởng tượng nổi sinh viên đại học năm thứ nhất khoa sử ở một trường đại học (được coi là khá ở Việt Nam) mà không thể trả lời được những câu hỏi đơn giản về thành Cổ Loa, về tróng đồng Đông Sơn (hình tượng chim trên mặt trống được phóng tác thành chim Phượng) hay tên gọi của nhà nước mà An Dương Vương lập ra (thay bằng Âu Lạc thì sinh viên hùng hồn là Đại Việt), thập kỷ là 100 năm hay Hạ Long nằm ở Lạng Sơn rồi cả những điều đã được học trong sinh học phổ thông như vòng tròn sinh trưởng thân cây, 01 vòng tròn trong thân cây được sinh viên trả lời là bằng 100 năm sinh trưởng (mà thực ra chỉ là 1 năm ở những nước ôn đới và ở những loại cây lấy gỗ)...
Có một số vấn đề khảo cổ học chuyên sâu và khó hiểu đối với nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất quen kiểu học vẹt, không suy nghĩ, tìm hiểu. Vì vậy, có lẽ cách tốt nhất là trình bày chúng bằng những ngôn từ đơn giản hơn với những ví dụ cụ thể. Tuy vậy, những trình bày kiểu này cũng sẽ chỉ hữu ích đối với những sinh viên ham học hỏi, chịu đọc những tài liệu khác ngoài giáo trình.
Biết vậy, nhưng trách nhiệm vẫn buộc các thầy cô phải tìm mọi cách để giới thiệu kiến thức và khơi gợi ý thức học hỏi và tư duy chủ động của sinh viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét