Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Simple

20 tháng 11 năm nay như mọi khi mình nhận được khá nhiều hoa, tấm lòng con trẻ mà. Không tặng thì chúng áy náy, mà chúng tặng thì cô áy náy!

Khổ thân lũ học trò, càng ngày Việt Nam càng lắm lễ lạt, hết lễ lịch trên lại đến các loại tết lịch dưới. ... đúng kiểu Việt Nam , người ta có gì, mình có nấy mà phải hoành tráng hơn.

Kiểu bó hoa tặng hiện nay mới khiếp, mỗi bó to hơn cái nơm, toàn lá với giấy, giá cả thì thôi rồi, bét nhất cũng không dưới 100 nghìn. Chỉ khổ những bé ở quê ra học, tiền thì hiếm mà những vụ cần tiêu tiền càng ngày càng nhiều.

Có lẽ, trường nên khuyến khích các lớp, ngày lễ chỉ cần 01 lọ hoa nhỏ để trên bàn thầy cô trên giảng đường là đủ!

Trường Nhân văn chả nên theo ... kiểu Việt Nam To, Hoành tráng nhất các thể loại.

Ngày lễ, chỉ cần cô trò mình cùng hát, cùng tích cực tham gia vào bài học. Thế là hạnh phúc!

Hãy vì những ngày lễ đơn sơ, giản dị, đúng nghĩa và không nhuốm màu kim tiền!  







Hoa cắm tặng Ba ngày 20.11.2010  

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Chuyện Chủ nhật 5 Một người Việt Nam cả đời kiểm điểm


Không thể nhớ là mình đã bao nhiêu lần viết Bản tự kiểm điểm.

Còn nhớ, hồi mới đi học, mắc lỗi gì, cô giáo sẽ bắt viết Bản tự kiểm điểm và nêu tên trước toàn trường vào ngày chào cờ thứ 2 đầu tuần.

Cấp II, vẫn tương tự. Mắc lỗi, kiểm điểm, nêu gương. Quen quá thành nhờn.


Lên cấp III, “chuyên nghiệp” trong nghề viết Bản tự kiểm điểm. Thậm chí mắc lỗi ở trường, giám thị đến tận lớp, bắt nghỉ cả tiết học lên Phòng Giám thị ngồi chỉ để…. viết Bản tự kiểm điểm. Được nghỉ không phải học.

Vào Đại học, quá chán ngán với những tiết học mà thầy, cô giáo chỉ làm mỗi nhiệm vụ khoe khoang sự giàu có, đi Tây, đi Tàu, sự học thức và con cái giỏi giang. Nghe một lần thấy lạ, nghe lần thứ 2 thấy nhàm, đến lần thứ 3 không thể chịu nổi. Chắc ông thầy giáo đó quên rằng đã kể chuyện này với sinh viên ở lớp này rồi. Bỏ học. Khoa gọi lên bắt… viết Bản tự kiểm điểm.

Đi làm ở một tờ báo tỉnh lẻ, viết một bài báo về một huyện có tệ nạn ma tuý. Có số liệu, ghi âm đàng hoàng nhưng vẫn bị đánh công văn đến Toà soạn yêu cầu Kỷ luật phóng viên. Tổng Biên tập cũng chỉ gọi điện báo cấp cao hơn: Đã bắt Phóng viên viết bản tự kiểm điểm. Ông “sếp tỉnh” không có ý kiến gì nữa. Lần đầu tiên thấy bản tự kiểm điểm có giá.

Cấu trúc bản tự kiểm điểm gồm 3 phần: phần đầu là kính thưa những người đọc kiểm điểm, phần 2 là kể tội cần kiểm điểm, phần 3 là nhận thức sai trái rồi sửa chữa khắc phục. Từ bé tới giờ, chưa ai kiểm tra xem tôi kiểm tra, khắc phục sai trái như thế nào?

Đến bây giờ, vẫn viết kiểm điểm. Ít nhất mỗi năm 1 lần phải viết Bản tự kiểm điểm công chức. Bản tự kiểm điểm công chức năm trước cũng như năm sau. Mỗi việc Print ghi ngày tháng của năm đó nhưng không viết không được. Không thể nhớ là mình đã bao nhiêu lần viết Bản tự kiểm điểm.

Ở cơ quan tôi làm, hàng năm cũng phải viết Bản tự kiểm điểm báo cáo với cơ quan chủ quản. Khi có sai phạm cũng phải viết bản tự kiểm điểm. Cá nhân sai phạm thì tổ chức bắt viết Bản tự kiểm điểm, tổ chức sai phạm thì cấp trên hơn nữa bắt viết Bản tự kiểm điểm. Hàng năm, Việt Nam có thể có tới hàng triệu bản tự kiểm điểm.

Nghe chuyện nước ngoài. Một ông Bộ trường Tư pháp Nhật đã phải tuyên bố từ chức vì đã trót bỡn cợt trước Quốc hội rằng làm Bộ trưởng Tư pháp dễ như chơi!

Ông Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cũng phải từ chức sau những chỉ trích rằng ông quá thụ động trước những đợt nã pháo gây chết người của Triều Tiên.

Có vẻ, ở đó, không có thói quen viết bản tự kiểm điểm.

Yên Ninh

(Nguồn: Bee.net)


Thấy bài này trên trang Quê choa (Bọ í cóp lại từ Bee.net) hợp cảnh, hợp tình. Cái chuyện viết bản tự kiểm này thực ra mọi người quen lắm rồi. Mỗi tội người ta chỉ công khai tự kiểm vài nhược điểm thuộc về tính cách như nhút nhát hay nóng nảy, chả ai lại đi vạch áo cho người xem lưng khuyết điểm thật của mình cả. 
He he, chỉ có thể CÔNG KHAI nhưng không thể MINH BẠCH mà!

Phải thêm một câu nữa vào cuối bài của bác Yên Ninh. Có vẻ, ở đó không có phong trào thi đua yêu nước.

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Vì sao có chuyện đó ?

Nguyễn Thị Từ Huy

Có lẽ tôi khó mà quên được một bài kiểm tra giữa kỳ của một sinh viên đại học năm thứ ba mà tôi từng dạy. Tôi không còn nhớ tên của sinh viên ấy nữa, nhưng bài viết đó thì rất khó quên. Trong trí nhớ vốn kém cỏi của tôi vẫn còn lại nguyên văn câu hỏi này : « Khi mà tất cả học sinh trong một lớp học đi phong bì cô giáo, còn một học sinh không đi, thì cái gì là phi lí và cái gì là có lí ở đây ? » Hoá ra cái phong bì đã trở nên phổ biến ở cái độ tuổi mà ta vẫn thường hình dung là có tâm hồn như một tờ giấy trắng, thuần khiết và tinh khôi. Quan hệ thầy trò cũng thành ra là một quan hệ mua bán. Khi tham gia giảng dạy ở các loại hình đào tạo khác nhau, tôi cũng được nghe kể về những đòi hỏi, yêu sách của giáo viên, những đòi hỏi mà bản thân tôi, với tư cách là một người có viết truyện hư cấu, cũng khó hình dung nổi. Hai mươi năm trước đây, khi còn là học sinh, chúng tôi hầu như không hề phải chứng kiến những chuyện như vậy.



Câu hỏi của em sinh viên gợi lên cho tôi một câu hỏi khác : « Bao nhiêu người trong giáo giới thấy chuyện đó là bình thường và bao nhiêu người thấy chuyện đó là bất thường ? » Đương nhiên tôi không có lời đáp cho câu hỏi đó. — Trong thực tế hiện nay vẫn có những người thầy nhường cơm sẻ áo cho học trò, vẫn có những cô giáo vùng lũ hy sinh cả tính mạng của mình để cứu học sinh — Nhưng có thể suy nghĩ về một câu hỏi khác nữa : « Vì sao có chuyện đó, và vì sao chuyện đó trở nên bình thường ? » Khi truy nguyên vấn đề, ta sẽ thấy mối quan hệ thầy trò cần phải được nhìn nhận trong toàn bộ bối cảnh chung của xã hội. Ở đây chúng tôi chỉ tập trung vào một vài điểm.

Một trong những căn nguyên sâu xa là ở chỗ : người giáo viên không sống được bằng đồng lương của mình. Trong khi giá một tách cà phê của Trung Nguyên có thể lên đến 50 000 đồng, thì mức lương khởi điểm của một viên chức nhà nước cao nhất chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng. Hãy thử tính xem một tháng lương của họ mua được mấy tách cà phê ? Và họ phải sống, phải lo cho bố mẹ, lo cho con cái, phải đi viện, v.v… Có nghĩa là họ phải có tiền. Và cách để có tiền dễ dàng nhất là khai thác mối quan hệ công việc của họ. Thế là học sinh có thể biến thành đối tác, hay tệ hơn, thành phương tiện khai thác. Đạo đức của người thầy vì thế dễ dàng bị đe dọa bởi lý do mưu sinh.

Nếu xét từ góc độ lương tri xã hội thì mức lương hiện nay của các viên chức nhà nước, không riêng gì trong lĩnh vực giáo dục, biểu hiện một sự thiếu tôn trọng đối với họ. Tại sao lại thiếu tôn trọng ? Vì họ làm việc nhưng không sống được bằng công việc của mình. Đồng lương phản ánh sự công nhận của xã hội về giá trị của người lao động. Ta biết là cơ chế tuyển dụng ở các nước phát triển cho phép người lao động tự đề xuất mức lương của mình, cho phép họ tự đánh giá năng lực và giá trị của họ. Nếu như lương quá thấp thì có nghĩa là công việc của người lao động bị đánh giá thấp. Nếu một loại lao động bậc cao mà bị trả lương thấp thì phải giải thích như thế nào ? Nếu lao động để rồi nhận được một khoản thù lao không đủ duy trì cuộc sống thì phải giải thích như thế nào ? Người ta có thể suy diễn rằng trong tư duy của người trả lương, người lao động không được tôn trọng, không đáng để được sống cho ra sống, chỉ đáng sống một cách thấp kém. Một suy diễn như vậy hoàn toàn có thể, khi mà trong tương quan chung của xã hội hiện tại, cùng một công việc, thì ở khu vực tư nhân, người lao động được trả công cao hơn gấp nhiều lần. Hiện nay quả thật rất khó tìm lý do để biện minh cho việc các cơ quan nhà nước trả lương thấp hơn quá nhiều so với các đơn vị tư nhân trong cùng lĩnh vực. Rất khó có thể lấy lý do khó khăn để biện minh khi mà hàng chục nghìn tỉ đồng này được chi để đầu tư cho các công ty thua lỗ, hàng chục nghìn tỉ đồng nọ được chi cho các công trình biết chắc không có lãi, rồi hàng chục nghìn tỉ khác được chi cho một lễ hội, và còn bao nhiêu chục nghìn tỉ nữa đã được chi cho các dự án không hiệu quả, và không thống kê được. Nếu dùng số tiền đó vào việc trả lương cho viên chức, nâng cao đời sống của họ, lúc đó không những giảm được các tiêu cực trong xã hội mà còn có thể nâng cao được năng lực và hiệu quả sản xuất, kéo theo là đạo đức xã hội sẽ được thiết lập lại. Khi đó, người lao động không cần phải nghĩ đến chuyện làm giả ăn thật nữa, không còn cần phải nghĩ đến các mưu mẹo để « moi » tiền nhà nước (rồi chậc lưỡi, tự lảng tránh lương tâm bằng cách lập luận rằng có những người còn biển thủ của nhà nước hơn mình gấp nhiều lần).

Người viên chức, khi chấp nhận đồng lương tồi tệ đó, thì cũng có nghĩa họ chấp nhận bị đánh giá thấp về mặt giá trị và năng lực lao động. Rất có thể, một cách tự nhiên, ngoài tầm kiểm soát của ý thức, người viên chức quen dần với việc bị coi là thấp kém, quen dần với việc người ta muốn đối xử với mình thế nào cũng được, quen dần với việc đánh mất lòng tự trọng, và chỉ còn nghĩ đến việc làm thế nào để tồn tại. Lúc đó nhân phẩm không còn mấy ý nghĩa trước nhu cầu tồn tại. Lâu dần vấn đề nhân phẩm không còn đặt ra nữa. Mọi quan hệ đều có thể bị đánh giá bằng hiệu quả tiền bạc, kể cả quan hệ thầy trò.


Nói như vậy không có nghĩa là mọi viên chức đều rơi vào trường hợp trên đây. Cũng nhiều người kiếm sống bằng những công việc làm thêm chân chính. Nhưng hệ quả là họ có thể sao nhãng chuyên môn chính. Vấn đề là họ không thể sống bằng công việc chính của mình. Biết bao nhiêu tài năng đã phôi pha vì phải mưu sinh ? Biết bao nhiêu trí tuệ lẽ ra phải được sử dụng cho việc sáng tạo và kiến thiết rút cuộc đã chỉ được phát huy ở những khía cạnh mà ta gọi là có tính chất thực dụng, tức là để tạo ra tiền bạc ?


Nạn chảy máu chất xám của khu vực nhà nước hiện nay có một lý do còn sâu xa hơn cả nhu cầu mưu sinh, đó là nhu cầu được thừa nhận về giá trị. Những người có năng lực muốn rằng năng lực của họ được đánh giá đúng mức, muốn nhận được sự tôn trọng mà họ đáng được nhận. Họ cũng muốn có thể sống được bằng những đồng tiền mà họ làm ra một cách chân chính. Đồng thời họ muốn có cơ hội để thể hiện những khả năng của mình. Đó là một nhu cầu chính đáng và lành mạnh mà tất cả các xã hội phát triển đều khuyến khích.


Mối quan hệ thầy trò còn bị ảnh hưởng do cơ chế tuyển dụng. Trong bài tham luận cho chương trình tọa đàm « Doanh nhân trẻ đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện đại hội Đảng lần thứ XI »1, Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, đã có nhận xét rằng : « Môi trường ở Việt Nam có vẻ như KHÔNG khuyến khích hay CHƯA CÓ một nhu cầu thực sự về nguồn nhân lực chất lượng cao ». Tiêu chí đánh giá nhân lực vẫn là « khôn vặt », « làm hài lòng cấp trên » thay vì « tính sáng tạo » và « tinh thần doanh nhân ». Trong lĩnh vực kinh doanh mà còn như vậy. Trong lĩnh vực giáo dục, cơ chế tuyển dụng ở các trường công lập (hiện nay trường công lập vẫn chiếm đa số) thường 2 không dựa trên tiêu chí năng lực, mà, hoặc là thuần túy dựa trên quan hệ và tài chính, hoặc là năng lực cộng với quan hệ và tài chính, đôi khi chỉ tiêu chí tài chính cũng đủ. Tài chính có nghĩa là gì ? Có nghĩa là người xin việc phải bỏ ra một khoản tiền để được nhận vào làm việc. Thế là tuyển dụng cũng trở thành một hình thức mua bán. Như vậy, ngay từ khi khởi nghiệp, chấp nhận tuân thủ cơ chế tuyển dụng ấy, người giáo viên đã đánh mất lòng tự trọng của mình. Đạo đức đã suy thoái ngay từ lúc đó3 . Hai nữa, bỏ ra một số tiền rất lớn để thu về một số lương quá ít ỏi quả là một nghịch lý. Để giải quyết nghịch lý đó, không ít giáo viên đã khai thác đối tượng học sinh của mình. Và trong khi đa số giáo viên sống khó khăn vì đồng lương eo hẹp thì một bộ phận nhỏ quan chức giáo dục lại có siêu thu nhập không thể tưởng tượng được. Điều đó càng khiến người giáo viên không có lý do gì để giữ gìn cái mà trước đây được gọi là đạo đức nghề nghiệp hay nhân phẩm.

Do vậy, giải quyết vấn đề lương không chỉ là giải quyết vấn đề đời sống cho giáo viên, cho viên chức, mà còn là để cứu vãn cả nền tảng đạo đức xã hội. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức đầy đủ rằng sự băng hoại của các mối quan hệ giữa người và người — trong đó có mối quan hệ thầy trò — bắt nguồn từ chính sự thiếu tôn trọng nhân viên bằng việc buộc họ phải làm việc để nhận một đồng lương không xứng đáng với lao động của họ, không xứng đáng với nhân phẩm của họ, chỉ khi nào chúng ta dám thừa nhận rằng đồng lương chính thức mà các viên chức đang nhận được hiện nay là một đồng lương mang tính sỉ nhục, thì lúc đó chúng ta mới có quyền nói đến sự tôn trọng đối với con người, mới có quyền nói đến các khái niệm « vì dân » hay « vì con người ».

Dĩ nhiên, lương chỉ là một trong rất nhiều yếu tố tác động tới quan hệ thầy trò thời đương đại. Những yếu tố đó đều cần được đưa ra thảo luận, nếu thực sự muốn cải thiện và thay đổi tình trạng.

Nguyễn Thị Từ Huy
Tp HCM, 15/11/2010

(Bài trả lời phỏng vấn của An ninh thế giới cuối tháng, số tháng 11/2010)

Nguồn trích trong bài
1 Chương trình tọa đàm diễn ra ngày 31/10/2010, ở Tp HCM, tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, với sự tham gia của bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung Ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

2 Đương nhiên là vẫn có những người được tuyển dụng nhờ khả năng của họ, và vẫn có những trường tuyển dụng dựa trên tiêu chí năng lực. Bức tranh giáo dục không hoàn toàn xám xịt, và cũng không bao giờ có thể hoàn toàn xám xịt.

3 Ở đây đang nói tới đạo đức của người được tuyển dụng, còn đạo đức của người tuyển dụng trong những trường hợp như thế này chắc hẳn đã trải qua một quá trình suy thoái lâu dài.



NGUỒN GỐC NÔNG NGHIỆP MIỀN NAM

Trần Đăng Hồng, Ph.D

Việc mở rộng lãnh thổ, hoàn cảnh lịch sử chia đôi đất nước nhiều lần kể từ ngày lập quốc, cùng sự khác biệt địa lý giữa nhiều vùng đã tạo cho Việt Nam có 2 nguồn gốc nông nghiệp riêng biệt: nông nghiệp Miền Bắc và nông nghiệp Miền Nam.

Sơ lược lịch sử nam tiến và tây tiến


Bản đồ các quốc gia vào thế kỷ 11 (17)

Trong suốt lịch sử từ ngày lập quốc, rồi qua thời kỳ Bắc Thuộc kéo dài hàng ngàn năm, cho tới khi dành được độc lập vĩnh viễn năm 939 (Ngô Quyền), lãnh thổ Việt Nam bấy giờ gồm Bắc Việt và một phần của Bắc Trung Việt ngày nay, có ranh giới phía nam là Đèo Ngang với Chiêm Thành (xem bản đồ) (13).

Cuộc nam tiến vào đất Chiêm Thành kéo dài 710 năm, bắt đầu từ năm 982 do vua Lê Đại Hành thực hiện, và việc chiếm lãnh thổ Chiêm Thành hoàn tất vào năm 1692 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Lãnh thổ Việt Nam bấy giờ gồm Bắc Việt và Trung Việt ngày nay (13).

Di dân Việt vào đất Chiêm Thành đầu tiên là năm 982, gồm dân của Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, là nơi đất hẹp người đông, có nền nông nghiệp nghèo nàn so với đồng bằng sông Hồng phì nhiêu. Cuộc di dân vượt qua biên giới Việt Chiêm được vua Lê Đại Hành khuyến khích. Dân Việt tiến làm ăn đến đâu, dân Chăm tránh lùi dần vào nam. Rồi từ đó, nhóm di dân này từ từ tiến vào phương nam, như vết dầu loang, khi lãnh thổ được nới rộng thêm (13).

Năm 1600, Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa (Huế) bắt đầu thiết lập cơ nghiệp độc lập với chúa Trịnh ở phương Bắc. Lãnh thổ của các Chúa Nguyễn bấy giờ gồm giải đất từ Sông Giang (Linh Giang) đến Đèo Cù Mông (nam Bình Định). Năm 1611, sau khi chiếm Phú Yên, chúa Nguyễn đưa di dân từ Quảng Nam, Bình Định và hơn 30000 tù binh Đàng Ngoài vào định cư ở Phú Yên. Sau khi chiếm Khánh Hòa năm 1652, Hiền vương Nguyễn Phúc Tần đưa di dân từ Quảng Nam, Bình Định vào Khánh Hoà, rồi sau đó chúa Nguyễn lần lượt chiếm Phan Rang, Phan Thiết (1692) với di dân Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên (13).

Vì Miền Trung chật hẹp, đất nghèo, bão lụt, mất mùa thường xuyên, đói khổ và chinh chiến liên miên trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nên nhiều di dân từ Miền Trung dùng thuyền vào vùng Mô Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai (Biên Hòa) còn hoang vu của Cao Miên khẩn đất hoang làm ruộng.

Công cuộc tây tiến chính thức bắt đầu năm 1620, nhờ ảnh hưởng của công chúa Ngọc Vạn, bấy giờ là hoàng hậu ở Cao Miên, vua Chey Chetta II cho chúa Nguyễn đặc quyền thu thuế ở vùng Đồng Nai, Mô Xoài. Di dân Việt từ miền Trung ồ ạt dùng đường biển (vì bấy giờ Chiêm Thành còn giữ Phan Rang và Phan Thiết) vào Mô Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai lập nghiệp. Sau khi Chiêm Thành mất (1692), di dân Việt vào nam vừa bằng đường biển vừa đường bộ. Cuộc tây tiến của Việt Nam rất ôn hòa, không đổ máu với người Miên. Lợi dụng các vua Cao Miên tranh dành quyền lực và bảo vệ Cao Miên khỏi nanh vuốt xâm lược của Thái Lan, các vua Miên lần lượt hiến cho chúa Nguyễn một số lãnh thổ của đồng bằng Cửu Long (11, 12).

Năm 1698, lãnh thổ Việt Nam thêm vùng Miền Đông cho tới Sài Gòn, Biên Hòa. Để kiểm soát một lãnh thổ còn hoang vu quá rộng lớn, các chúa Nguyễn áp dụng một chính sách cư dân triệt để: bắt tất cả những người vô gia cư, không có tên trong sổ bộ làng xã ở miền Trung phải di cư vào đồng bằng Nam Bộ mới chiếm hay vẫn còn thuộc Cao Miên (12).

Biến cố nhà Thanh diệt nhà Minh xảy ra ở Trung Hoa (1644) lại có ảnh hưởng tốt đến việc nới rộng lãnh thổ của chúa Nguyễn. Vào năm 1679, một số cựu thần nhà Minh không chịu đầu hàng nhà Thanh, tìm cách trốn khỏi Trung Hoa. Dương Ngạn Địch (Quảng Tây) và Trần Thượng Xuyên (hay Trần Tấn Tài) (Quảng Đông) dẫn 3.000 lính thuộc hạ gốc Quảng Đông và Phúc Kiến chạy tị nạn vào Đàng Trong. Vì e ngại vấn đề an ninh quốc gia, Chúa Nguyễn cho họ vào miền Đồng Nai cư trú, lúc bấy giờ còn thuộc Cao Miên. Nhóm Trần Thượng Xuyên vào lập nghiệp ở vùng Cù Lao Phố (Biên hòa), còn nhóm Dương Ngạn Địch vào vùng Mỹ Tho, bấy giờ còn thuộc Cao Miên nhưng hoang vu. Vùng Biên Hòa và Mỹ Tho trở nên trung tâm buôn bán phồn thịnh, lôi cuốn thêm người di tản Trung Hoa đến lập nghiệp thành lập nhóm Minh Hương (12).

Cũng thời đó, năm 1671 Mạc Cửu, một thương buôn người Quảng Đông, cùng với mấy trăm tùy tùng, phần đông là người Triều Châu đến định cư ở vùng Hà Tiên. Năm 1708 Mạc Cửu thần phục chúa Nguyễn Phúc Chu. Từ đó đất Hà Tiên (gồm Châu Đốc, Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau) thuộc Việt Nam (6).

Cuối cùng, vào năm 1755, vua Cao Miên Nặc Nguyên dâng Gò Công và Tân An, năm 1757 vua Nặc Thuận hiến 2 tỉnh Trà Vinh và Ba Thắc, vua Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (An Giang) và 2 quận Tầm Đôn và Xuy Lạp (Vĩnh Long) năm 1758 (13).

Như vậy trong 138 năm tây tiến (1620 đến 1758), VN làm chủ cả vùng DBCL hiện nay (11).

Yếu tố lịch sử ảnh hưởng vào sự khác biệt của hai nền nông nghiệp Bắc và Nam

Việt Nam có nhiều lần nội chiến và phân chia lãnh thổ. Trong suốt 375 năm lịch sử cận đại (1600 – 1975) thì đã có ít nhất 290 năm Bắc Nam phân cách: Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài 170 năm (1608 – 1788), anh em Tây Sơn sau khi thống nhất cũng lại phân chia lãnh thổ kình chống nhau, kéo dài 14 năm, rồi 86 năm Pháp đô hộ (1859 - 1945) phân chia 3 kỳ với 3 nền cai trị khác nhau (13), rồi 20 năm phân chia nam bắc (1955 - 1975). Hậu quả của cuộc phân chia đất nước, nhất là trong thời gian 170 năm Trịnh Nguyễn phân tranh, hai miền phát triển theo hai chiều hướng khác nhau, từ văn hóa, phong tục, tập quán, y phục, ngôn ngữ, cho đến nông nghiệp. Trong khuôn khổ bài này, tác giả chỉ đề cập đến các ảnh hưởng vào nền nông nghiệp ở miền Nam trong thời gian kể từ Trịnh Nguyễn phân tranh (1600) đến 1975.

1. Ảnh hưởng của Trung Hoa

Từ thời cổ đại, cách đây trên 7.000 năm, nền nông nghiệp Trung Hoa được thành hình trong đồng bằng sông Hoàng Hà với canh tác kê (millet), chăn nuôi gia súc. Theo truyền thuyết, cách đây 5.000 năm Thần Nông hay Viêm Đế là một trong các vị vua Trung Hoa đầu tiên đã dạy dân nghề làm ruộng lúa, phát minh cái bừa, và dùng ngũ cốc để trị bịnh. Vào đời nhà Chu thì biết nuôi tằm dệt lụa. Nhờ “Con Đường Tơ Lụa” nối Đông Á với Trung Á vào thế kỷ 1 trước Công Nguyên và hàng hải giao thương giữa Trung Đông, qua Ấn Độ, Óc Eo đến Trung Hoa, các giống ngũ cốc, nho, cỏ đinh lăng và ngựa, cũng như kỹ thuật đào kinh dẫn thủy của vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia) của Trung Đông được du nhập vào Trung Hoa. Nhờ học kỹ thuật này, Trung Hoa đào kinh Grand Canal và dẫn thủy nhập điền. Dưới đời nhà Đường (618-907), bông vải, mía, indigo được du nhập từ Ấn Độ (1, 2). Dưới đời nhà Tống (960-1279), giống lúa sớm Champa (lúa Chiêm) được du nhập từ Chiêm Thành, và giống đậu lentil từ Ấn Độ. Nhà vua Cheng-Tsung (Zhengzong) (988-1022) rất ngưỡng mộ giống lúa Chiêm và lentil vì khả năng kháng hạn. Ông làm bài thơ ca ngợi 2 giống hoa màu du nhập này. Trước đây, người Trung Hoa chỉ biết làm ruộng nước, một mùa một năm, nay với giống lúa Chiêm, họ trồng 2 mùa/năm, và sau đó giống này được phát triển lên vùng núi cao canh tác trong ruộng bậc thang (2).

Với hàng ngàn năm đô hộ, Việt Nam hoàn toàn nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Hoa. Sử Tàu cho biết Tích Diên làm Thái Thú quận Cửu Chân (thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên) dạy dân Việt cày bừa khai khẩn ruộng đất (13).

Nông nghiệp Đồng Bằng Sông Hồng phát triển nhờ hệ thống đê sông bắt đầu thiết lập từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, có lẽ bắt chước từ hệ thống đê trong lưu vực sông Hoàng Hà của Trung Hoa. Sử Việt cũng có ghi: “Sử chép rằng Cao Biền (giữa thế kỷ thứ 9) đào sông, khơi ngòi, mở đường lộ, lập quán trọ cho khách đi đường trên khắp An Nam. Nhiều đoạn đê, nhất là đoạn đê trên vùng gần Hà Nội hiện nay được đắp để chống lụt lội” (5).

Như vậy, trong suốt dòng lịch sử, đồng bằng sông Hồng nằm trong vòng ảnh hưởng trực tiếp của văn minh và kỹ thuật Trung Hoa, và cũng không có cơ hội tiếp xúc với các nền văn minh khác trên thế giới cho tới thời Pháp thuộc (1873, Hà Nội thất thủ lần 1). Cũng cần nhắc thêm rằng, tuy nằm trong ảnh hưởng của văn hóa và văn minh của Trung Hoa, dân Lạc Việt đã biết canh tác lúa nước trước Trung Hoa, và đã tạo nên một nền nông nghiệp riêng biệt đặc thù của Miền Bắc. Ngược lại, miền Nam, đặc biệt Đồng Bằng Cửu Long, nằm ngoài vùng ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và đã tiếp nhận được nhiều nền văn minh, và khoa học kỹ thuật nông nghiệp khác.

2. Ảnh hưởng của Chiêm Thành

Cũng có một thời Chiêm Thành nằm trong vòng đô hộ của Trung Hoa, nhưng người Chăm đã dành được độc lập từ năm 192. Chiêm Thành có một hải đội hùng mạnh trong chiến tranh dùng đánh phá Việt Nam, Trung Hoa, Indonesia, Mã Lai và đô hộ Cao Miên. Chiêm Thành vào thời đó cũng rất hùng mạnh trong ngành đánh cá biển và giao thương hàng hải. Hải tặc trên Biển Đông do người Chăm cũng là vấn đề lớn ở thế kỷ 12. Giao thương hàng hải được mở rộng tới Ấn Độ, Trung Đông và Trung Hoa (7).

Trước thế kỷ thứ 2, Bắc Chiêm (từ Đèo Ngang đến Đèo Cù Mông, Bình Định) ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa và Phật giáo Đại thừa, trong lúc Nam Chiêm (từ đèo Cù Mông đến mũi Kê Gà, Phan Thiết) theo Phật giáo Tiểu thừa. Kể từ sau thế kỷ thứ 2, các đạo sĩ Bà La Môn và thương gia Ấn Độ đến Nam Chiêm qua các hải cảng Kauthara (Khánh Hòa), Kamran (Cam Ranh) truyền bá văn minh, văn hoá, tổ chức xã hội, kỹ thuật hàng hải, buôn bán, nông nghiệp của Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ 7 trở về sau, nhiều thuyền buôn từ Trung Đông (Iraq, Oman) có chở các nhà truyền giáo Đạo Hồi (Islam) đến Nam Chiêm nhưng mãi đến thế kỷ 10, các giáo sĩ đạo Hồi từ Java vào truyền đạo thì thành công, vì đồng sắc tộc và có văn hoá tương tự (7). Nhờ việc giao lưu với Trung Đông và Ấn Độ, người Chăm đã học hỏi những kỹ thuật nông nghiệp tân tiến thời bấy giờ của Trung Đông và Ấn độ, đặc biệt du nhập các loại giống cây hoa màu của Ấn độ.

Năm 757, một tiểu vương của Nam Chiêm lật đổ vương triều Bắc Chiêm và thống nhất đất nước. Kinh đô được dời từ Trà Kiệu (Quảng Nam) về Phan Rang. Kể từ đó, văn minh và văn hoá Ân Độ lấn sang Bắc Chiêm và đánh bật ảnh hưởng của văn minh và văn hoá Trung Hoa (7). Như vậy, người Việt khi tiến vào đất Chiêm Thành (kể từ năm 982) thì tiếp thụ gián tiếp thêm văn minh và văn Hóa Ấn Độ và Trung Đông.

Cần nhắc lại, cách đây hơn 7.300 năm, vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia), tức đồng bằng sông Tigris và Euphrates (Iraq và Syria) của Trung Đông, là cái nôi của văn minh nông nghiệp thế giới, nông dân đã biết thâm canh, có đủ loại giống ngũ cốc đặc biệt là lúa mạch (barley), hành, tỏi, nho, củ cải, và trái bom (apple) (20). Nông dân trồng trọt hoa màu quanh năm, mặc dầu là xứ khô cằn với sa mạc bao quanh, nhờ phát minh cày gỗ (wooden plow), đắp đập trên sông, đào kinh dẫn nước, và ống máng dẫn nước (aqueduct) vào đồng (20). Đập và hệ thống kinh nổi tiếng nhất là Marib Dam ở Arab Felix được thiết lập cách đây 2.700 năm. Nhờ “con đuờng tơ lụa” nối vùng Cận Đông với Á Châu (chánh là Ấn Độ và Trung Hoa), và giao thương hàng hải ở các thế kỹ đầu giữa Trung Đông tới Ấn Độ, Phù Nam, Chiêm Thành, các kỹ thuật nông nghiệp của vùng Lưỡng Hà được truyền bá đến các nuớc này. Nhờ vậy, Ấn Độ đã biết đào kinh, lập hồ chứa nước có nền móng giữ nước (tank) khổng lồ để chứa nước mưa, nước tuyết tan từ Hy Mã Lạp Sơn, v.v. và có một nền nông nghiệp tân tiến cách đây trên 2.500 năm.

Canh tác lúa của Chiêm Thành rất tiến bộ, với các giống lúa ngắn ngày, không quang cảm (non-photosensitive), ít nhiệt cảm (less thermosensitive) nên có thể trồng ở xứ lạnh (như Trung Quốc du nhập giống lúa Chiêm) và trồng nhiều mùa trong năm. Tài liệu Trung Hoa vào thế kỹ thứ 5 cho biết ở vùng Tam Kỳ Quảng Nam, người Chăm canh tác 2 mùa lúa/năm, gặt vào tháng 5 và tháng mười (10). Ở vùng Quảng Nam và Quảng Ngãi, người Chăm thiết lập hệ thống dẩn thủy rất tinh vi với xe nước (norias) để canh tác lúa (10).

Như vậy, người Việt khi nam tiến được thừa hưởng một nền nông nghiệp và kỹ thuật nông nghiệp sẵn có và thích hợp với địa phương. Những kỹ thuật nông nghiệp hay giống hoa màu của đồng bằng sông Hồng mà họ đã có kinh nghiệm lại không thích hợp cho môi trường khô hạn, thiếu nước, lụt ngắn hạn (vài ba ngày) và đất đai không được màu mỡ của Miền Trung.

Một trong những thừa hưởng lớn lao nhất là những đập nước trên sông cùng với hệ thống mương đem nước vào ruộng lúa. Dọc trên các sông miền Trung, đâu đâu người Chăm cũng đắp đập mang nước vào ruộng, có những công trình lớn như đập Gio Linh ở Quảng Trị, đập Đồng Cam ở Phú Yên, đập Nha Trinh ở Phan Rang. Sử Chăm viết rằng Vua Jaya Indravarman IV (1151-1205) ra lịnh xây nhiều đập nước, như đập Chaklin (Nha Trinh) ở Panduranga (Ninh Thuận) (7), và một đập nước ở Kauthara, tức đập nước Suối Cam mà dân Diên Khánh (Khánh hòa) xử dụng tới nay. Ngày nay còn có nhiều vết tích hệ thống mương chằng chịt do người Chăm làm trong suốt lãnh thổ vốn thuộc Chiêm Thành (10).

Cũng vấn đề đem nước sông vào ruộng, người Việt cũng thừa hưởng kỹ thuật làm “Xe Nước” (Noria) của người Chăm. Xe nước cũng bắt nguồn từ Trung Đông cách đây 2.200 năm, và sau đó được truyền đến Âu Châu và Á Châu, vào Trung Hoa vào đời nhà Tống (970-1279) qua ngỏ giao thương với Ấn Độ (22).



Miền Trung còn sử dụng xe nước
trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi)
Trên sông ở vùng Quảng Nam và Quảng Ngãi người Chăm đã thiết lập nhiều xe nước để dẩn thủy (10). Nhiều mương nước từ thời Chiêm Thành được dân Việt sử dụng cho tới ngày nay (10).

Mặc dầu ở Miền Bắc cũng đã có giếng từ hơn hai ngàn năm nay (chẳng hạn giếng thành Cổ Loa ở Nghệ An nơi Trọng Thủy nhảy xuống tự tử cách đây khoảng 2.200 năm), người Việt cũng thừa hưởng kỹ thuật đào giếng tinh vi của người Chăm khi nam tiến. Đó là những giếng vuông và giếng miệng tròn với đáy vuông, đáy có khung gổ lim vuông, vách là đá ong hay gạch chất lên nhau (không có trét vôi) (15). Kỹ thuật này được du nhập vào Miền Bắc ở thế kỷ 15 (16), tức là sau khi Hồ Quý Ly chiếm đất Chiêm Thành tới Quảng Ngãi (năm 1404). Từ Miền Trung cho tới vùng đất cao Biên Hòa Gia Định hiện nay, người Việt còn sử dụng giếng nước với cần giuộc (hay còn gọi cần giọt). Đây là loại giếng của người Á Rập gọi là “shadouf”.



Shadouf (hình trên) và cảnh cày đất (hình dưới) ở Ai Cập thời cổ đại với 2 con bò, giống như ở Miền Trung
Thừa hưởng quan trọng thứ ba là các giống lúa Chiêm (Champa rice), rất sớm (từ gieo đến gặt 100 - 120 ngày), không quang cảm (photo-insensitive) và ít nhiệt cảm (less thermosensitive), lại rất kháng hạn (drought tolerant) nên có thể làm 2 - 3 vụ lúa một năm. Giống lúa này được du nhập vào Trung Hoa (nói ở trên), và vào đồng bằng sông Hồng từ lâu đời, dùng canh tác vụ lúa Chiêm ở Miền Bắc. Hiện nay các giống lúa Chiêm còn trồng ở Quảng Nam (14). Ngoài các giống lúa, còn nhiều loại cây hoa màu khác.

Ghe bầu, chỉ có ở Miền Trung nhất là vùng Quảng Ngãi Bình Định, là thuyền đi biển rất lớn, có thể chở tới 100 tấn, cũng là di sản của người Chăm. Cái lưỡi cày của Miền Trung cũng bắt nguồn từ Chiêm Thành (Đỗ Hải Minh Dohamide, liên lạc cá nhân).

3. Ảnh hưởng của Phù Nam và Cao Miên


Cách đây 9.000 năm, đồng bằng Cửu Long VN (ĐBCLVN) chưa được thành lập, còn là vùng biển cạn với rừng ngập mặn, mực nước biển cao hơn hiện nay 3 - 4 m, và bờ biển còn ở chân núi Vùng Thất Sơn (18).

Cách đây 8.000 năm, mực nước biển hạ thấp dần, phù sa từ từ lắng động trong suốt hơn 2.000 năm, rồi sau đó nước biển lại dâng cao trong suốt 1.000 năm, rừng ngập mặn bị chôn vùi bởi phù sa, đồng thời các giồng duyên hải được thành lập dọc bờ biển. Đó là những giồng duyên hải cổ từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, cho tới Sài Gòn hiện nay.

Cách đây 4.500 năm, nước biển lại hạ thấp, đặc biệt là trong thời gian khoảng 4.000 đến 2.700 năm trước đây, phù sa bồi đấp nhiều thêm và đồng bằng Cửu Long có hình dạng tương tự ngày nay. Hiện nay, nước biển lại dâng cao. Có lẽ cách đây 3.000 năm, chưa có con người sống ở đồng bằng Cửu Long thuộc Việt Nam vì còn là vùng nê địa gồm rừng tràm và rừng ngập mặn, thỉnh thoảng mới nổi lên vài giồng đất cao ở gần biển (giồng duyên hải).

Cách đây 2.500 năm người Nam Á Hải Đảo (Melanesien) đến định cư ở Đồng bằng Cửu Long (19), trên các giồng duyên hải ở Bến Tre. Các di chỉ khai quật cho biết người Nam Á Hải Đảo định cư ở Vĩnh Long khoảng 2.000 năm nay.
Quốc gia đầu tiên ở ĐBCL được lịch sử ghi chép là Phù Nam, tồn tại từ thế kỷ thứ 1 đến thứ 7. Sau thế kỷ này, người Cao Miên chiến thắng và tiêu diệt nước Phù Nam.

 
Bản đồ Phù Nam ở thế kỷ thứ 3 (19)

Thủ đô (?) của Phù Nam là hải cảng trù phú Óc-eo, nay là vùng đất liền thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn (An Giang). Không ảnh chụp năm 1942, cho thấy Óc Eo có hình chữ nhật, 3 km x 1.5 km, có 5 đê cao, và 4 hào rộng ở 4 cạnh, với diện tích bên trong là 450 ha (3). Như vậy, Óc Eo chính là một polder như của Hòa Lan. Văn hóa văn minh của Phù Nam, cũng như Cao Miên, thuộc văn hóa Ấn độ. Nhờ nguồn gốc hải đảo của Thái Bình Dương, người Phù Nam rành về hàng hải và có óc mạo hiểm. Ghe thuyền Phù Nam đi buôn tới Ấn Độ và Trung Hoa. Hải cảng Óc Eo nằm trên trục hàng hải quốc tế thời bấy giờ, nên ngay từ những thế kỷ đầu đã có ghe buôn từ Trung Đông, Ấn độ đến buôn bán. Những khai quật ở đây tìm thấy đồng tiền cổ của La Mã, Hy Lạp, Trung Đông, Ấn Độ và Trung Hoa. Chính nhờ giao lưu này, người Phù Nam đã học được những kỹ thuật nông nghiệp và trị thủy của Ấn Độ, của vùng Lưỡng Hà, Ai Cập ở Trung Đông, để áp dụng cho vùng Cửu Long, vốn nê địa và lụt lội.

Người Phù Nam sống trên nhà sàn (19), vì là vùng đất nê địa và lũ lụt. Họ canh tác lúa, và lúa gạo là nguồn xuất cảng ra nước ngoài (19). Với nền kinh tế rất thịnh vượng nhờ lúa gạo, cá, và giao thương, người Phù Nam thiết lập nhiều hồ chứa nước nhân tạo có nền móng bằng gạch và hệ thống kinh trong vùng đồng bằng Cửu Long theo lối kiến trúc Ấn Độ (19).

Kinh nối liền Óc Eo và Angkor Borei (21)

Công trình kinh dài nhất là kinh nối hải cảng với Óc Eo chạy tới Angkor Borei dài 70 km (Bản đồ). Ngay tại Oc Eo cũng có 4 con kinh chạy chéo. Ngoài ra còn dấu vết của một số kinh khác (như thấy trong bản đồ trên).

Người Phù Nam canh tác lúa là chính. Theo sứ bộ Trung Hoa đến kinh đô Phù Nam vào thế kỷ thứ 4 thì ở Óc Eo dân canh tác 3 vụ lúa một năm (4). Muốn được vậy, Phù Nam phải có giống lúa sớm, phải có hệ thống kinh dẫn nước trong mùa khô, và hệ thống đê ngăn lụt trong mùa lũ, tức là phải có nhiều “polders” như Óc Eo.

Cao Miên tiêu diệt quốc gia Phù Nam ở thế kỷ 7 và thừa hưởng di sản kỹ thuật này. Ở vùng đồng bằng Cửu Long Việt Nam, người Miên đào nhiều kinh, chẳng hạn hố Cái Bác từ ngọn Cái Cái tới ngọn Vàm Cỏ Tây là vết tích một con kinh do người Miên đào từ lâu (8), và hồ trử nước theo kiểu Ấn Độ. Các hồ chứa nước ngọt này tồn tại tới ngày nay như Ao Bà Om ở Trà Vinh hình vuông rộng 2 ha, Hồ Tịnh Tâm ở Sóc Trăng, để chứa nước ngọt. Có lẻ hồ nước ở thành phố Mỹ Tho cũng có nguồn gốc Miên. Vào thế kỷ 13, người Miên đã tìm ra giống lúa và dẫn thủy nhập điền thích ứng giúp họ thâu hoạch 3 hoặc 4 vụ trong một năm (9).

Như vậy, khi vào đất Đồng Nai và vùng Cửu Long, người Việt thừa hưởng được cái vốn nông nghiệp của Phù Nam, cộng thêm kỹ thuật nông nghiệp của người Miên, tạo nên một nền nông nghiệp đặc thù của vùng Cửu Long.

Trước nhất là kỹ thuật khai hoang ở vùng nê địa, cỏ (phần đông là lát) cao ngập đầu người. Dụng cụ thích hợp là cái phảng (có tới 5 loại phảng) với cù nèo (để gom cỏ) của người Miên, rồi sạ lúa (chứ không cày và cấy). Sau vài ba năm khi đất đã thuần thục mới cấy lúa. Vì là vùng đầm lầy lắm phèn nên phải đào mương. Ông Trịnh Hoài Đức, nhà viết sử cho triều Nguyễn, gọi việc phát cỏ này là “trảm thảo”, và cho hay là vào thời khai hoang đó, đất cày với lúa cấy thì một hộc giống chỉ cho 100 hộc lúa, trong khi đất “trảm thảo” thu về đến 300 hộc. Ngoài ra, trên loại đất giồng, cao, thiếu nước (sơn điền) thì “sạ khô”. Kỹ thuật lúa nổi, lúa sạ ở vùng ngập lụt ở Đồng Tháp, An Giang là kỹ thuật của Bangladesh được du nhập vào Cao Miên rồi Việt Nam.

Người Việt cũng thừa hưởng vô số giống lúa, giống hoa màu, và cây trái của người Miên. Giống lúa “Đồng Nai” được di dân mang về quê cũ ở Miền Trung cho năng xuất cao nhất với phẩm chất ngon.

Sau khi đất đã thuần, áp dụng kỹ thuật đào mương, lên liếp lập vườn, đào một ao lớn giữ nước và nuôi cá, chung quanh khu đất làm đê bao, và ở mương nước chánh dẫn vào ao và mương có ống bộng dừa, có cửa đóng mở (bằng tay, hay nắp tự động) để điều chỉnh nước trong vườn khi thủy triều lên xuống trong sông. Đây là một loại “polder” nhỏ của mỗi gia đình, thấy khắp vùng từ Ấn Độ, Bangladesh cho tới vùng Đồng Nai, Cửu Long Việt Nam. “Polder” lớn hơn một tí là đấp đê bao ngạn quanh cù lao trên sông với cống bộng dừa điều chỉnh mực nước bên trong. Cù Lao Phố (Biên Hòa), và hầu hết các cù lao trên sông Tiền và sông Hậu thời xưa đã có đê bao này.

4. Ảnh hưởng của người hoa kiều Quảng Đông, Phước Kiến và Triều Châu:

Vào thế kỷ 17, biến cố di tản của các cựu tướng nhà Minh (Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên) hay thương gia (Mạc Cửu) dẫn hàng mấy ngàn tùy tùng gốc Quảng Đông, Phúc Kiến và Triều Châu, được chúa Nguyễn cho tị nạn ở Biên Hòa, Mỹ Tho, và Hà Tiên, đã có ảnh hưởng rất lớn vào sự thành hình của nông nghiệp Nam Bộ. Cù Lao Phố, rồi sau đó Chợ Lớn là trung tâm xuất cảng lúa gạo và nông phẩm khác làm khích động việc phát triển nông nghiệp. Như các ngân hàng, các thương gia Hoa kiều cho nông dân vay tiền làm mùa để bán lúa cho họ sau khi gặt. Nhóm Hoa kiều ở Mỹ Tho, và Hà Tiên, vừa làm thương mại vừa nông nghiệp. Đặc biệt là nhóm Triều Châu (người Tiều) chuyên trồng rau cải (người miền Nam gọi là “làm rẩy”, khác với từ “làm rẫy” ở miền Trung). Người Tiều mang theo các giống rau như tỏi, hành, hẹ, cải tùa sại, cải cúc (tàng ô), đậu que (haricot vert), v.v. và họ lập nghiệp quanh các nơi thị tứ ở đồng bằng Cửu Long để cung cấp rau đậu cho các chợ. Kỹ thuật un nóng đất (để diệt tuyến trùng), bón phân tôm, xác mắm của người Tiều được phổ biến rộng rải. Người Miên thì làm ổ cho dơi ngủ để lấy phân dơi cung cấp.

5. Ảnh hưởng của người Pháp

Nam Bộ là thuộc địa của Pháp trong gần 90 năm, là nơi nông nghiệp được khai thác triệt để, cung cấp tài nguyên và tài chánh cho mẩu quốc. Canh tác lúa là chánh ở đồng bằng Cửu Long. Phải nói rằng, nền nông nghiệp Nam Bộ khởi sắc kể từ khi Ông Paul Doumer làm Toàn Quyền năm 1897. Ông Doumer xác định “Đông Dương sẽ mở nhiều đường tiêu thụ cho kỹ nghệ và thương nghiệp Pháp, sẽ đón chờ những tài năng trí tuệ của tư bản Pháp. Đông Dưong sẽ nuôi được quân đội và hải quân Pháp, do đó Đông Dương sẽ mang lại cho nước Pháp một căn cứ kinh tế và chính trị vững mạnh ở Viễn Đông” (5). Vì vậy, người Pháp xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở trước tiên gồm bến cảng, giao thông đường bộ (làm quốc lộ, tỉnh lộ, xây cầu..), giao thông đường thủy (đào kinh, vét nạo lòng sông..) và đường xe lửa khắp Việt Nam. Đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho hoàn tất năm 1886, và dự trù tới Nam Vang, để phát triển kinh tế Nam Bộ, chính yếu là lúa gạo.

Cái di sản hữu ích nhất mà Paul Doumer để lại ở Nam Bộ trong tất cả kế hoạch xây dựng của ông là những công trình về thủy lợi nông nghiệp, chủ yếu là việc đào kênh, khơi ngòi và đắp đê (5).

Đào kinh: Đến năm 1929, tổng số chiều dài kinh đào được 1.664 km (9).

Gia tăng diện tich canh tác gấp 4 lần trong vòng 60 năm: từ 600.000 ha ruộng và 90.000 ha vườn tược và hoa màu phụ (dừa, cau, thuốc, mía, bắp...) năm 1873, tăng lên 2.440.000 ha ruộng, 170.000 ha trồng bắp, mía, dừa, thuốc, đậu... (trong số này kể luôn 87.000 ha trồng cây cao su), và 12.000 đến 15.000 ha vườn cây ăn trái năm 1929 (9).

Sản xuất lúa qua diện tích lớn của đồn điền (ví dụ đồn điền Cờ Đỏ Thới Lai ở Cần Thơ).

Cơ giới hóa một số khâu như cày đất, bơm nước.

Bắt đầu sử dụng phân bón hóa học.

Ảnh hưởng quan trọng khác là thành lập Cục Túc Mể để nghiên cứu lúa gạo, đồng thời đào tạo chuyên viên nông nghiệp qua việc thiết lập trường dạy nông nghiệp ở Nam Bộ, như Trường Nông Chính Lai Khê (cho cao su) và Trường Nông Chính Xà No, Cần Thơ (tiền thân của trường Nông Lâm Súc Cần Thơ).

6. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ, đồng minh và nhiều cơ quan quốc tế

Kể từ 1954, Miền Nam gia nhập các cơ quan nông nghiệp quốc tế như Lương Nông Quốc Tế (FAO), IRRI (lúa gạo), CIMMYT (lúa mì, bắp), CIAT (nông nghiệp nhiệt đới), ICRISAT (bán khô hạn), v.v., đồng thời nhận được nhiều viện trợ của USAID (Hoa Kỳ), Pháp, Úc, Nhật, Đài Loan nên có ảnh hưởng rất lớn trong nông nghiệp Miền Nam. Sau đây là một vài ảnh hưởng điển hình:

Cơ giới hóa nông nghiệp từ sửa soạn đất (máy cày lớn, cày tay), dẩn thủy (máy bơm), thâu hoạch (máy đập lúa) và sau thâu hoạch (mấy sấy). Chẳng hạn, riêng một xả nhỏ Phú Tâm ở Sóc Trăng có tới 30 máy cày John Deer vào năm 1972, chưa kể các máy xới nhỏ như Kubota.

Thâm canh qua sử dụng phân hóa học, thuốc diệt côn trùng.

Gia tăng số vụ canh tác lúa từ 1 vụ/năm trước kia thành 2 - 3 vụ lúa/năm nhờ du nhập giống lúa sớm cao năng (như Thần Nông 8), nhờ hệ thống thủy nông tốt, nên năng xuất gia tăng trên 10 - 12 tấn lúa/ha/năm, thay vì 3 tấn lúa/ha/năm trước kia. Ngoài ra, còn du nhập nhiều giống hoa màu khác như bắp (Guatemala golden, bắp ngọt, v.v), sorghum, đậu nành, dưa hấu (như sugar baby), rau cải, v.v.

Về chăn nuôi thì áp dụng nông trại chăn nuôi sản xuất lớn, máy ấp trứng lớn với vài ngàn trứng, du nhập nhiều dòng heo tốt (như Yorkshire, Duroc, v.v.) và vô số dòng gà lai, v.v.

Kết luận:

Sự phát triển nông nghiệp ở Miền Nam, nhất là vùng Nam Bộ, hoàn toàn độc lập với nền nông nghiệp Miền Bắc. Ngoài lý do khác biệt địa lý và khí hậu, chính lịch sử phân chia Nam Bắc gần 300 năm đã tạo 2 nền nông nghiệp phát triển độc lập với nhau. Miền Bắc chịu ảnh hưởng của văn minh và kỹ thuật Trung Hoa, và sau này thêm khối xã hội chủ nghĩa, trong lúc Miền Nam thừa hưởng được nền nông nghiệp tiến bộ của Chiêm Thành, Phù Nam, Cao Miên, mà các quốc gia này chịu ảnh hưởng của văn minh, văn hóa và kỹ thuật Ấn Độ, bắt nguồn từ các nền văn minh cổ đại của vùng Lưởng Hà. Đồng thời Miền Nam cũng du nhập sớm hơn các tiến bộ về khoa học nông nghiệp hiện đại của các nước Âu Mỹ.

Anh Quốc, 6/2009
Trần Đăng Hồng, Ph.D.


Cảm tạ: Tác giả cám ơn GS Tôn Thất Trình (USA) và GS Thái Công Tụng (Canada) đã xem trước bản thảo và cho các ý kiến quý báu. Tác giả cũng cám ơn Ông Dohamide Đỗ Hải Minh (USA), dân tộc Chăm, tác giả “Bangsa Champa” đã giúp một số tài liệu liên quan.


Tài liệu tham khảo

Ainslee Thomas Embree, Carol Gluck. Asia in Western and World history, page 839): http://books.google.co.uk/books?id=VZ1UHXL8jgC&pg=PA839&lpg=PA839&dq=Agriculture+of+ Champa&source=bl&ots= DRx8bx5Ybl&sig=Pmy9lEARZjmThtnhWXTvj7q6g&hl=en&ei= nqATSvaXNZTEsAa CutT-CA&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=1
Arnold Pacey. Technology in World Civilization. http://books.google.co.uk/books?id=X7e8rHL1lf4C&pg=PA5&lpg=PA5&dq= Agriculture+of+Champa&source=bl&ots=240JO8a8DB&sig= e17TNjTQQJh9ykVtrSoALwZVi2w&hl=en&ei=nqATSvaXNZTEsAaCutT-CA&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=10#PPA7,M
Charles Higham. The archaeology of Mainland Southeast Asia. Page: 249-250. http://books.google.co.uk/books?id=J1a09jmF_28C&pg=PA249&lpg= PA249&dq=Oc+Eo&source=bl&ots=p4HJK0LuR-&sig=FBdQUAAG3e0GpdN0JbvsXuj00SM&hl=en&ei= isUSSvqSKpXVjAfL4OGTCQ&sa=X&oi=book_result&ct= result&resnum=10#PPA249,M1
4. Dougald J. W. O'Reilly. Early civilizations of South East Asia. Page 95. http://books.google.co.uk/books?id=eyHTschgg50C&pg=PA97&lpg=PA97&dq=Oc+ Eo&source=bl&ots=PtyFnyFySS&sig=Ic44qmxE6xnInjW1rH2P0zQFd60&hl=en&ei= JMISSrzINZXVjAfL4OGTCQ&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=5#PPA95,M1
Lê Mạnh Hùng. Nhìn lại Sử Việt (quyển 1 đã xuất bản, phần sau chưa xuất bản). Tổ hợp xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2007.
Nguyễn Hửu Phước.Mạc Cửu và chúa Nguyễn, Dòng Việt số 22.
Nguyễn Văn Huy (2005). Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam. www.thongluan.org
Nguyễn Hiến Lê (1954). Bảy ngày trong đồng Tháp Mười. http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0n4nqntn31n343tq83a3q3m3237n1n
Sơn Nam. Lịch sử khẩn hoang Miền Nam.
Tâm Quách-Langlet (1987). The Geographical Setting of Ancient Champa. In: Proceedings of the seminar on Champa : held at the University of Copenhagen on May 23, 1987.
Tôn Thất Trình. Tiến trào quan niệm di dân, dinh điền Nam tiến Việt Nam và tổ chức nông xã tập thể quốc phòng Israel (Do Thái). Dòng Việt số 17.
Trần Gia Phụng. Đường về phương Nam. Dòng Việt số 17.
Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược.
Trần Văn Đạt (2004). Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam từ thời nguyên thủy đến hiện tại. Nhà xuất bản Nông Nghiệp.
Vô danh. Bí mật về 80 giếng cổ khung gổ lim ở Hội An. http://dantri.com.vn/c20/s20-326496/bi-mat-ve-80-gieng-co-khung- go-lim-o-hoi-an.htm
Vô danh. Giếng quê gột mái tóc xanh. http://www.thiennhien.net/news/179/ARTICLE/8633/2009-05-16.html
Wikipedia. Champa. http://en.wikipedia.org/wiki/Champa
Wikipedia. Đồng bằng Cửu Long. http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%93ng_b%E1%BA%B1ng s%C3%B4ng_C%E1%BB%ADu_Long
Wikipedia. Funan. http://en.wikipedia.org/wiki/Funan
Wikipedia. Mesopotamia. http://en.wikipedia.org/wiki/Mesopotamia#Agriculture
Wikipedia. Oc Eo. http://en.wikipedia.org/wiki/Oc_Eo
Wikipedia. Noria. http://en.wikipedia.org/wiki/Noria


Tác giả đã bỏ qua nguồn gốc và nôi trồng lúa nước ở khu vực Nam Trung Hoa và Đông Nam Á do vậy thông tin trong bài tuy rất hữu ích mà chưa đầy đủ. Một số vấn đề về lịch sử cũng cần được lưu ý thêm. Khái niệm lúa Chiêm hiện cũng đang còn nhiều tranh luận về nội hàm và nguồn gốc. Dù sao, đây là bài viết rất bổ ích đối với nghiên cứu liên ngành KCH Nông nghiệp Việt Nam.


Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

DANH HIỆU VÀ THÁI ĐỘ ĐÓN NHẬN

Danh hiệu là một phần, nhưng thái độ đón nhận nó thể hiện tư duy... bền vững hay ăn xổi, và cũng phơi bày cho thiên hạ thấy cái tầng/ gu văn hóa của nhà cai quản.


Việc tạp chí National Geographic bình xếp bãi biển Nha Trang và Mũi Né của Việt Nam vào top những bãi biển “tồi nhất” thế giới tạo nên nhiều phản ứng trái chiều, thậm chí với quan chức bản địa nó như một cú sốc quá bất ngờ và khó chịu. Đến nỗi ngay tức khắc, ông Lê Xuân Thân, phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phản pháo lại rằng: cần phải xem xét lại một số vấn đề phản ánh trong bản tin này, đó là thông tin sai sự thật, đồng thời tuyên bố sẽ có văn bản gửi tạp chí National Geographic về việc họ đã đưa ra những nội dung không đúng sự thật.

Khoan bàn đến chuyện đúng sai trong phương cách xếp hạng của National Geographic, trước hết, cách phản ứng và thái độ “ăn thua đủ” đòi “có ý kiến” trong tư duy tiếp nhận của không ít quan chức địa phương cần phải xem lại. Khi được người ta khen thì anh hồ hởi reo hò, khi bị chê tí đã nóng mặt, giãy nảy lên đòi “có ý kiến lại”. Tỉnh táo trước lời khen, và biết tỉnh táo đón nhận cả những sự phê phán chê bai để nhìn lại, phân nhận ra khiếm khuyết, vướng đọng mà tháo gỡ, thế mới mong tìm kiếm được cơ hội phát triển.



Mỗi năm tạp chí National Geographic tổ chức bình chọn những điểm đến trên thế giới với nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 2010 là năm thứ 7, National Geographic chọn 99 bãi biển trên thế giới để xếp hạng. Tiêu chí phân xếp của họ là chất lượng môi trường và hệ sinh thái, tính toàn vẹn văn hóa và xã hội, tình trạng của các di tích lịch sử và địa điểm khảo cổ, tính thẩm mỹ, chất lượng quản lý du lịch và tiềm năng phát triển.

Đấy là cái đẹp từ con người, chứ không chỉ riêng cái đẹp thiên nhiên nhờ ông Trời ban tặng. Nếu chiểu theo các tiêu chí trên thì những bãi biển như Nha Trang, Mũi Né... đáng đứng ở vị trí nào? Thay vì phản ứng tiêu cực và đổ vấy cho người xếp hạng, trước hết nên biết bình tĩnh đón nhận để ngoái trông lại mình, xem ngôi nhà mình đang quản có còn trong sạch bậc nhất thế giới hay không, đã bị vấy bẩn đến mức nào mà chăm chút dọn chùi lại.


Vài năm trước, Nha Trang được tổ chức các Câu lạc bộ Biển toàn cầu (Worldbays) vinh danh là một trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới. Trước đó, Vịnh Hạ Long cũng đón nhận vinh dự này. Không lâu sau, thêm một vịnh biển nữa: biển Lăng Cô, Thừa Thiên- Huế, khu vịnh biển thứ 3 của Việt Nam được Worldbays đưa vào danh mục những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Một sự kiện nữa: Tạp chí Forbes của Mỹ bình xếp biển Đà Nẵng Việt Nam vào top 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

Chúng ta hồ hởi đón nhận những danh hiệu này như một phần thưởng lớn. Và thực tế, sự ghi danh đó đã tăng thêm sức tỏa và những hấp lực không nhỏ cho các thương hiệu biển Việt Nam, nhiều nơi đến giờ đã thành những điểm son đỏ trên bản đồ du lịch toàn cầu.

Tuy nhiên, vẻ đẹp trời cho, tức tài sản thiên nhiên ban tặng sẽ không bền lâu nếu thiếu ý thức gìn giữ. Sự phát triển ào ạt các khu nhà hàng, khách sạn, quán nhậu và những dịch vụ theo kiểu lối tư duy ăn sổi dọc quanh các bờ biển từ Bắc chí Nam trong những năm gần đây đã không còn dừng lại ở lời cảnh báo, mà thật sự đã trở thành một mối nguy. Nếu ai còn lưu giữ được những bức ảnh và thước phim về biển Đà Nẵng khoảng 10 năm trước, sẽ rất... kinh ngạc khi bây giờ thấy biến mất hẳn những rừng dương xanh ngắt rì rào ven biển, thay vào đó là những khu nhà nghỉ, quán nhậu dày đặc xây trồi ra bờ cát. Bao nhiêu nhà hàng quán nhậu là bấy nhiêu những ống thông chất thải tống trực tiếp ra biển.

Ấy là biển Đà Nẵng vẫn còn khá, ra Đồ Sơn, vào Nha Trang, Vũng Tàu, hay Phú Quốc... sẽ thấy cái màu xanh của biển đã bị bẩn vấy, ô nhiễm và xú uế tới mức nào.

Thật xấu hổ khi đọc được những dòng nhận xét của du khách nước ngoài, ông Noel Rousset, một du khách người Pháp, 68 tuổi, từng là thành viên tàu thám hiểm Calypso: “Tôi là người Pháp nhưng rất mê những bờ biển VN, vì vậy trong những lần tới đây du lịch, công tác... tôi thường tranh thủ thời gian để đi tham quan tất cả bãi biển từ Nam ra Bắc. Nhưng trái với cảm xúc những lần đầu hăm hở, hạnh phúc, càng về sau tôi càng thất vọng, chán nản... Việt Nam trong mắt chúng tôi là vùng đất nhận được nhiều ưu đãi từ thiên nhiên, vì có cả biển xanh lẫn non cao. Dễ gì kiếm được một nơi có bờ biển trải dài khắp cả nước và khá nhiều trong số đó được công nhận là đẹp nhất thế giới! Nhiều bạn bè tôi thậm chí không giấu nổi vẻ ganh tị khi nói về điều này. Vậy tại sao cảm giác của tôi hiện tại là thất vọng, chán nản? Hầu hết bãi biển Việt Nam mà tôi từng đặt chân đến hiện đang bị ô nhiễm và khai thác một cách tràn lan. Có những khu vực người dân xả thẳng rác thải, chất xú uế ra biển, nhiều nhà hàng trên biển không xử lý rác theo yêu cầu, nhiều con kênh, mương bốc mùi kinh khủng được vô tư dẫn ra biển...

Dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ ở bờ biển Nha Trang thay vì chạy 20m để tới thùng rác, thì chúng vô tư vứt ngay xuống chân mình vỏ bao kem vì tin rằng “rồi sóng cũng sẽ cuốn mất và bờ cát lại sạch mà thôi!”...

Không ít bãi biển được liệt vào hàng đẹp và quyến rũ bậc nhất hành tinh lại có khi khiến du khách rơi vào cảnh vừa tắm biển vừa phải dang tay gạt rác!

Như thế thì nên trách người bình chọn hay trách chính ta? Mọi thứ danh hiệu, cho dù là đẹp nhất hay quyến rũ nhất hành tinh cũng chỉ là nhất thời. Các thứ loại danh hiệu, dù đẹp, quyến rũ và... cao quí đến đâu cũng không phải là tấm phao bảo kê suốt đời. Sẽ không bền vững, sẽ tan vỡ như bọt biển một khi phát triển quá nóng, chỉ biết chú tâm vào khai thác triệt để, khai thác nhiều nơi như... hãm hiếp thiên nhiên!

Năm ngoái, tôi có dịp lăn mình trên bãi biển lừng danh Varadero (Cu Ba). Ngắm biển họ, ngẫm về biển mình nhiều khi thấy dường như mấy cái danh hiệu “đẹp nhất” với “quyến rũ nhất hành tinh” kia có khi cũng chỉ là cách bình chọn động viên mang tính chất rất... mật trận dành cho những quốc gia thua thiệt và còn ít tiếng tăm như mình. Nếu Đà Nẵng, Nha Trang, Lăng Cô... là đẹp nhất, quyến rũ nhất hành tinh, thì chẳng biết dùng danh hiệu nào cho Varadero?

Nói vậy để thấy cái văn hóa tiếp nhận của người Việt quanh những chuyện bình xếp nhất nhì này cũng còn quá thấp lùn so với thiên hạ.

Tôi thích cách đón nhận điềm tĩnh đầy trách nhiệm như ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch: Nên xem sự xếp hạng trên như lời cảnh báo, nhắc nhở, giúp chúng ta cảnh giác trước những thay đổi chưa được hợp lý trong phát triển du lịch dựa vào lợi thế biển.
Danh hiệu là một phần, nhưng thái độ đón nhận nó thể hiện tư duy... bền vững hay ăn xổi, và cũng phơi bày cho thiên hạ thấy cái tầng / gu văn hóa của nhà cai quản.

Trương Duy Nhất


Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Về cầu Nôm

Chúng tôi có mặt tại thôn đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên đúng một hôm sau khi cổng thông tin Chính phủ đưa tin ngày 14-11 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký công văn đồng ý việc UBND tỉnh Hưng Yên chủ trì lập Dự án Quy hoạch Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử Quốc gia Đình Đại Đồng, Chùa Nôm, gắn với phát triển du lịch. Ông Nguyễn Công Chính, trưởng thôn Đại Đồng còn chưa hay biết việc này. Vui mừng, ông bảo : “Mơ ước của chúng tôi từ nhiều năm nay đấy. Bây giờ có cơ sở về mặt pháp lý để giữ nguyên hiện trạng làng và hướng dẫn người dân…”

Mừng và lo
Thế nhưng, dù có mừng đến mấy, cũng phải nhận thấy những nỗi lo không nhỏ. Phát triển du lịch, nếu không cẩn thận, sẽ là phá vỡ cảnh quan và ảnh hưởng cả môi trường văn hoá. Không ít ngôi làng cổ tuyệt đẹp đã không còn vẹn nguyên cùng những dự án phát triển ngành công nghiệp, tuy không khói nhưng thực dụng xô bồ và vô cùng nhiều rác!
Phải công nhận làng Nôm là một làng có cảnh quan, kiến trúc đẹp nhất tỉnh Hưng Yên, bởi nhiều yếu tố văn hoá truyền thống có niên đại hàng trăm năm hợp thành: Chùa Nôm, chợ Nôm, đình Tam Giang, cầu Nôm, cổng làng, những ngôi nhà cổ cùng cảnh quan không gian gần như còn nguyên vẹn. Gọi là nguyên vẹn, thực ra đã có đến một nửa số nhà là mới xây. Ông Nguyễn Công Chính chỉ cho chúng tôi ngôi nhà trên trăm tuổi của ông Tạ Văn Đảm mới dỡ ra để xây mới bê tông, nát quá thì phải xây, mà xây thì thích gì làm nấy chứ có quy chuẩn nào đâu. Tiếc lắm nhưng không làm gì được. Mà đâu phải chỉ một nhà…
Di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể di tích này là chùa Nôm, tên chữ là “Linh Thông cổ tự” trước kia thuộc đất Kinh bắc, xây dựng nghe nói vào thời Lý, trùng tu gần nhất vào thời hậu Lê. Linh thông cổ tự, là chùa cũ, vẫn được bảo tồn nguyên lành, nằm gọn trong trong một đại công trường náo nhiệt từ hơn 10 năm nay, diện tích hiện nay là 8 ha và sẽ mở rộng tới 15 ha. Vào chùa bây giờ, thấy ngổn ngang nguyên vật liệu, những cột gỗ lớn thẳng tắp, hệ thống xà cột hoành tráng. Công cuộc trùng tu, đúng ra là xây mới hoàn toàn này có từ rất lâu trước khi dự án được Phòng văn hoá huyện manh nha. Đại đức Thích Thanh Hải, phó trụ trì chùa Nôm, còn trẻ, mắt sáng trán rộng, cho chúng tôi biết việc trùng tu này bắt đầu từ năm 1998, do chùa tự làm và các tín đồ, Phật tử phát tâm công đức cúng dường…, Thượng toạ Thích Đồng Huệ, trụ trì chùa hiện nay cũng còn trẻ, là người có công mở mang đất chùa, tự tay thiết kế công trình theo mẫu những chùa đẹp tham quan ở nước ngoài, thầy còn rước tượng Quan Âm bằng đồng nặng mấy tấn từ tận Quảng Châu về, nên chùa đang xây to lớn bề thế lắm. “Linh Thông tân tự”(!) hoàn toàn mang dáng dấp một ngôi chùa Trung Quốc. Điều này thấy rõ! Trước kia trong thôn có Ban quản lý di tích, bất cứ việc gì liên quan đến di tích, Ban quản lý đều họp và đưa ý kiến. Bác Tạ Văn Đại, nguyên là giáo viên dạy Văn, thành viên ban quản lý di tích của làng Đại Đồng cho chúng tôi biết vậy. Giờ thì khác, việc xây chùa chủ yếu dựa vào ý kiến của thầy, chùa xây mới trên đất mới to quá, các bác nhìn thấy lạ nên cũng ít lên chùa hơn xưa.

Dấu xưa còn một chút này
Trước cửa chùa là chợ, chợ Nôm, gần trưa đã vào giờ vắng khách, chị bán cá vừa ngoay ngoáy con dao cắt gọn đường xẻ thân con cá mè ranh, mỗi con chừng 4-5 lạng, (bán riêng bụng và đầu giá 5 ngàn một đôi), vừa bảo em giờ cũng ngại vào chùa, hôm nào giải sao hay cúng vong đốt mã, chùa đông lắm… Từ chợ, một cầu đá 9 nhịp đầu rồng bắc qua con sông Nguyệt Đức, nối đường làng với chợ Cầu Nôm và chùa . Làng có một cổng chính được xây dựng bề thế, có 8 trục vuông, trên vòm cổng đắp một đại tự với 3 chữ nổi “Đồng Cầu Môn” (cổng làng Đồng Cầu). Giữa làng có một hồ lớn, dài 300m, rộng khoảng 80 m, ở giữa hồ có một chiếc cầu đá bắc qua. Quanh hồ là những ngôi nhà mái ngói cổ, đặc biệt có 7 nhà thờ của 7 dòng họ xây liền nhau, được kiến trúc theo kiểu dáng cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cuối hồ có cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trùm lên ngôi đình Nôm, thờ Thành hoàng làng là Tam Giang - người đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Tây Hán và hiển linh giúp Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống, được vua phong “Hộ Quốc Phúc Thần”. Đường đi quanh hồ, từ cổng làng đến cầu đá tới chợ Nôm và vào chùa Nôm được lát vỉa gạch nghiêng. Một con đường hầu như nguyên vẹn. Nhưng tất cả chưa phải hồn làng. Hồn làng nằm đâu trong những ngõ ngách êm đềm, nơi có một ngôi trường bé xinh, mấy chữ École de Đại Đồng bằng xi măng đã rụng rơi phải vừa đọc vừa đoán mới ra. Ngôi trường ấy vốn xưa chỉ có hai lớp, là của một doanh nhân, ông Tạ Văn Tiếp (ông Tham Tiếp), xây trước cách mạng. Ông Tiếp kinh doanh ở Hà Nội, khi có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, ông đã xin nhà chức trách và bỏ tiền xây dựng ga Đông Xá ở sát làng Nôm để người làng đi buôn bán thuận tiện. Ông đặt ở nhà ga một cái cân lớn để mọi người kiểm tra hàng hóa, nhằm gìn giữ sự trung thực trong kinh doanh của người làng Nôm. Trẻ con ở làng lớn lên đều đi học ở đấy, ông Tiếp mang cả sách giáo khoa từ Pháp và thuê thầy dạy trẻ làng. Cũng ý tưởng ấy, ông Phùng Văn Cung, làm hãng sơn Thạch Sùng ở chợ Hàng Da, đã xây cho làng một nhà hộ sinh, thuê cả nữ hộ sinh về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho dân làng. Trước nhà hộ sinh của ông, có câu đối “Giúp nòi giống sinh năm đẻ bảy, mẹ tròn con vuông; Cứu trẻ già thuốc một đỡ mười; sống lâu muôn tuổi”…Cả trường làng và nhà hộ sinh làng đều không còn, sau những quy định trường và trạm y tế phải đạt chuẩn…, nhưng tấm lòng của người làng Nôm đối với nhau thì mãi vẫn lưu trong sử làng, trong không gian ấm cúng của một vùng quê Bắc Bộ yên ấm, có luỹ tre xanh bao quanh…

Một chút băn khoăn
Cái độc đáo của làng Nôm không chỉ nằm ở không gian kiến trúc, cái độc đáo của làng Nôm nằm trong mối quan hệ ruột thịt làng xã, mà để khôi phục được điều ấy, chẳng biết phải có dự án thế nào? Ở làng, như trưởng thôn Chính nói, vui nhất vẫn là những lễ hội Trong một năm, nhiều lễ hội được tổ chức: 12 tháng Giêng hội làng, 13 tháng Giêng các dòng họ làm lễ tế Xuân, 15 tháng Giêng làm lễ Thượng nguyên, 15 tháng Tư lễ Trung nguyên, 15 tháng Bảy lễ Hạ nguyên và 21 tháng Chạp là lễ Tất niên. Trong ngày hội làng, đàn ông trong làng đến tuổi 55 được khao lão, người đi xa không về thì phải nộp lệ trình làng. Con gái làng đi lấy chồng phải cung tiến vào đình 20 mâm đồng hoặc xây dựng vài chục mét đường làng bằng gạch (lệ ấy nay không còn, tuy con gái làng Nôm đi đâu cũng nức tiếng đảm). Người làng Nôm ở làng trên 170 hộ, nhưng ở Hà Nội trên 200 hộ, bác Tạ văn Đại bảo vậy, nên có việc làng là về ngay. Rồi người làng Nôm đi xa đến đâu cũng hướng về làng.
Người làng Nôm tự hào về truyền thống buôn bán của mình. “Đồng nát thì về cầu Nôm” thật đấy, nhưng mà từ đôi quang gánh, bao người dựng nên cơ đồ. Dấu chân người làng Nôm đã in đậm từ kinh thành Thăng Long đến nhiều tỉnh, thành như: Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... Thời Pháp thuộc, nghề buôn phế liệu đồng của người làng Nôm vươn đến tận Sài Gòn. Những địa danh kể trên, chỗ nào cũng có phố Hàng Đồng và ở đó đều có người làng Nôm buôn bán phát đạt.
Một dự án có thể đem lại cuộc sống vật chất ấm no, nhưng những hệ luỵ đi cùng nó cần biết sớm để tránh. Trưởng thông Chính biết vậy, ông không có nhiều dự định. Gần đây nhất ông mừng là cứu được cây gạo cổ thụ cạnh cầu đá sống qua cơn sâu bệnh. Còn mai này, ông sắp thôi trưởng thôn, sẽ có trưởng thôn khác, làng ngày ấy biết đâu cũng khác…./.


Bài viết của Phạm Thanh Hà