Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2010
Kính gửi: - Ban Biên tập báo Lao Động,
- Ban Biên tập báo Hà Nội mới
Đồng kính gửi: - Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội,
- Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL).
Tôi là Nguyễn Hồng Kiên, Tiến sỹ Khảo cổ học (từ 1981 đến 2005 công tác ở Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích-Bộ Văn hóa Thông tin, nay công tác ở Viện Khảo cổ học Việt Nam). Tôi viết đơn thư này để phản ánh với các quý cơ quan về chuyện ở Khu di tích tượng đài vua Lê Thái tổ (nội thành Hà Nội).
Tôi chính là người đầu tiên lên tiếng về những sai phạm ở khu di tích này, từ đầu tháng 4 năm nay. Tôi đã gửi ý kiến của mình, bằng e-mail đến các Cổng Thông tin điện tử của UBND thành phố Hà Nội và Bộ VH-TT-DL, nhưng không nhận được hồi âm nào.
Gần đây, ý kiến của tôi được phản ánh trên một số báo. Xin không nói lại ở đây.
Ngày thứ Sáu, 19/11/2010 báo Lao Động Online có bài: “Dự án trùng tu, tôn tạo đình Nam Hương và tượng đài vua Lê: Liệu có sai lịch sử?”
Ngày 24/11/2010 báo Hà Nội mới Online đăng Bài 1: Dũng cảm mới dám trùng tu di tích (thuộc loạt bài Trùng tu di tích: Bao giờ có chuẩn?)
Hai tác giả Thái Anh và Minh Ngọc đã dẫn lời của hai nhân vật đã trực tiếp tham gia cuộc trùng tu để “phản biện” ý kiến của tôi.
Xin được trao đổi lại theo các vấn đề mà báo Lao Động đã đề cập:
1- ĐÌNH NAM HƯƠNG CÓ THỜ VUA LÊ THÁI TỔ?
Tác giả Thái Anh (báo Lao Động) viết:
“Một số bài báo trước đã đưa tin rằng trong quá trình trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử Đình Nam Hương thì chi tiết Đình Nam Hương thờ vua Lê là hoàn toàn không đúng với lịch sử mà chỉ là việc “thêm thắt” của dự án nhằm biến hai di tích thành một".
Giải trình về vấn đề này, ông Ngô Thanh Hải (Chuyên viên phòng văn hoá UBND quận Hoàn Kiếm, có chỗ viết là Ngô Hoàng Hải, báo Hà Nội mới viết là Phạm Hoàng Hải- NHK) đã đưa ra những dẫn chứng trên phương diện nghiên cứu lịch sử và các công văn mang tính pháp lí để khẳng định việc đình Nam Hương là nơi thờ vua Lê.
Trong thông báo số 55 của phòng VHTT-TTDL, UBND Quận Hoàn Kiếm ngày 10.4.2006 phúc đáp Công văn số 77/QLDA của UBND Quận Hoàn Kiếm đã ghi: “Đình Nam Hương ở 75 phố hàng Trông phía sau khu tưởng niệm vua Lê Lợi trong cụm di tích Hồ Gươm. Đình được dựng từ thời vua Lê để thờ 5 vị Thượng Đẳng thần là Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ), thần Long Đỗ, Thần Cao Sơn Đại Vương, thần Linh Lang Đại Vương và Công chúa Hà Dung. Đây là những vị anh hùng dân tộc, anh hùng văn hóa, những vị bảo trợ nằm trong hệ thống thần điện của đất nước và của Thăng Long – Hà Nội”
Theo nhiều tài liệu, việc đình Nam Hương thờ vua Lê cũng đã được ghi chép trong nhiều cuốn sách khác nhau. Đặc biệt trong cuốn sách “Di tích lịch sử - văn hóa trong khu phố cổ xung quanh hồ Hoàn Kiếm” – Nxb Hà Nội năm 2002 – là một trong những công trình nghiên cứu hướng đến kỉ niệm Đại lễ đã được Bộ VHTT&DL duyệt qua có bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Mai cũng khẳng định đình Nam Hương là nơi thờ vua Lê Thái Tổ.
Nghĩa là căn cứ của việc khẳng định đình Nam Hương CÓ THỜ vua Lê Thái tổ chỉ là:
1- Văn bản của phòng VHTT-TTDL (UBND Quận Hoàn Kiếm)
2- Bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Mai trong sách “Di tích lịch sử - văn hóa trong khu phố cổ xung quanh hồ Hoàn Kiếm” – Nxb Hà Nội năm 2002
Là người tham gia lập và thực hiện “Thiết kế tu bổ phục hồi khu tượng Lê Thái tổ – Hà Nội” lần đầu tiên từ năm 1992, tôi có đủ TƯ LIỆU GỐC để khẳng định đình Nam Hương KHÔNG THỜ vua Lê Thái tổ.
Đình Nam Hương còn lưu giữ được 19 đạo sắc phong của các triều đại Quân chủ phong thần cho các vị được thờ tại đây. Sắc phong sớm nhất có niên đại Cảnh Hưng năm thứ tám [1747]. Sắc phong muộn nhất có niên đại Bảo Đại năm thứ mười tám [1944]. Tất cả các sắc phong đều chỉ ghi về 05 vị thần thờ tại “Nam Hương đình” là:
1- Thần Bạch Mã (Long Đỗ)
2- Thần Cao Sơn
3- Thần Linh Lang
4- Công chúa A Duy (Kha Duy Tĩnh)
5- Dương Tu (Bảo Xương đại vương)
Ba vị đầu là những vị thần thuộc “Thăng Long Tứ trấn”, hai vị sau chưa khẳng định được gốc tích nhưng được coi là những nhân vật có công với thôn trại của đất Tự Tháp.
Không hề có sắc phong nào nói vua Lê Thái tổ được thờ ở đình này.
Các tác giả cuốn “Thủ đô Hà Nội” (Sở VHTT Hà Nội xuất bản, 1984) cho biết: “…Còn ngôi đền thờ duy nhất thờ Lê Lợi ở Hà Nội trước đây nằm vào khoảng số 20-22 phố Lý Thái tổ, sau bị hủy hoại, dân làng Kiếm Hồ mới chuyển về thờ ở tầng gác hai số 7 Hàng Vôi.
Gần đây, tôi được phóng viên báo Thanh Niên chuyển cho một bức thư của nhà giáo-nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi. Ông Khôi viết: “… đình Nam Hương chưa từng bao giờ thờ vua Lê Thái Tổ. Đầu năm 1992 chúng tôi đến khảo sát ngôi đình Nam Hương, lúc ấy còn dột nát, thì thấy ngoài 2 ngai thờ thần Bạch Mã và thần Linh Lang (như sách “Đường phố Hà Nội” của Nguyễn Vinh Phúc & Trần Huy Bá đã viết) còn có 3 ngai nữa thờ: thần Cao Sơn và hai vị chưa rõ sự tích là Bảo Xương đại vương và A Duy (không phải Hà Duy!) công chúa. Đến thời điểm đó, tức đến năm 1992, vẫn hoàn toàn không có bài vị, hoành phi, câu đối hay bất kì một chữ Hán nào trong đình Nam Hương nói về sự phụng thờ Lê Thái Tổ tại đây (xin xem bài: “Tự Tháp, thôn cũ văn nhân bên hồ Hoàn Kiếm” - Hà Nội Mới chủ nhật, số 205, 21/0 2/ 1993). ”
Ông Khôi có lưu ý rằng từng có đền Vua Lê ở gần vị trí tượng đài Lê Thái Tổ ngày nay vì đã tìm thấy bài văn của TS Phạm Quý Thích (1760 - 1825) tế Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế, sau đề bài có lời dẫn: “Từ tại Kiếm Hồ, trắc Báo Khánh thôn” (đền ở hồ Hoàn Kiếm, cạnh thôn Báo Khánh). Dầu vậy, ngôi ĐỀN ở gần vị trí tượng đài Lê Thái tổ ấy chắc chắn không liên quan gì đến ĐÌNH làng Nam Hương.
Không chỉ vì là hai loại hình khác nhau, mà còn vì theo Hồ sơ di tích đình Nam Hương (hiện lưu ở Cục Di sản văn hóa) thì : “…trước đây đình được xây ở dưới đất với quy mô khá lớn về phía khách sạn Phú Gia. Sau này, đình Nam Hương bị thực dân Pháp lấy đất, tiếp đến bị tàn phá (không rõ năm nào song có lẽ vào thế kỷ 19).Về sau, tại nơi này nhà nước bảo hộ Pháp đã xây lại ngôi đình cho thôn Tự Tháp”
Hồ sơ di tích đình Nam Hương và biên bản đề nghị xếp hạng di tích đình Nam Hương cũng phản ánh rất trung thực việc này.
Thậm chí, trong ảnh chụp kèm theo hồ sơ không hề thấy cái gọi là “ban thờ đức vua cha Lê Thái tổ” ở gian Giữa như hiện thấy.
Ảnh chụp lại từ Hồ sơ đình Nam Hương, vẫn đang lưu ở Cục Di sản văn hóa
Một lần nữa, tôi KHẲNG ĐỊNH: đình Nam Hương không thờ vua Lê Thái tổ.
Chứng lý, căn cứ của cán bộ văn hóa quận Hoàn Kiếm là nhận thức SAI, bị ảnh hưởng của việc xuyên tạc lịch sử.
2- CHUYỆN HAI DI TÍCH HÓA THÀNH MỘT:
Trong hồ sơ “Thiết kế Tu bổ phục hồi khu tượng Lê Thái tổ” (từ cuối tháng 8/1992), tôi đã trình bày về hiện trạng khu di tích này như sau:
“II. HIỆN TRẠNG KHU DI TÍCH:
Khu di tích này có một diện tích “khiêm tốn” (618,96m2). Ngoài trụ đá tròn đỡ tượng vua Lê chỉ có thêm (phía trước) một nhà bia ở gần cổng vào. Một bức bình phong lớn (phía sau trụ đá) ngăn cách khu di tích với một di tích kiến trúc khác.
Các tác giả cuốn “Thủ đô Hà Nội” cho biết:“… Phía sau tượng có một ngôi đình cổ cũng hướng ra Hồ Gươm, nhiều người nhầm gọi là đền vua Lê. Đây là đình Nam Hương, thôn Tự Tháp ; Còn ngôi đền thờ duy nhất thờ Lê Lợi ở Hà Nội trước đây nằm vào khoảng số 20-22 phố Lý Thái tổ, sau bị hủy hoại, dân làng Kiếm Hồ mới chuyển về thờ ở tầng gác hai số 7 Hàng Vôi… Trong bản đồ Hà Nội vẽ năm Tự Đức thứ 26 [1873] có ghi chú số 49 “Đình Nam Hương- monument dédié aux trois génies précédents, à une héroine de la famille royale des Lý (avant 1225) et à un des rois de la famille des Nguyễn”.
Vị trí đình Nam Hương trên bản đồ này đúng với vị trí hiện tại của nó. Như vậy, kiến trúc phía sau chắc chắn không thuộc khu di tích tượng Lê Lợi.”
Năm 1992, với kinh phí có hạn (gần 80 triệu đồng) nên việc trùng tu mới chỉ tập trung vào phát lộ khảo cổ học; bóc dỡ, chuyển đi một khối lượng lớn đất đá, gạch vụn (dày trên dưới 2,0m so với mặt vỉa hè ngoài đường); tu bổ nền quanh đài tượng và tường rào phía ngoài; cải tạo một phần sân vườn.
Đến tháng 6/1997, Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích TW tiếp tục được giao lập dự án đầu tư Tu bổ tôn tạo khu di tích này. Trong phần “Đánh giá hiện trạng khu di tích” có đặt vấn đề: “Ngoài ra, ngay sau khu vực đài tượng là một di tích khác cũng đã được xếp hạng: đình Nam Hương. Tuy di tích này về lịch sử không có liên quan gì đến tượng vua Lê, nhưng do vị trí kề ngay cạnh nên cũng cần phải đưa vào kế hoạch tu bổ tôn tạo chung nhằm bảo tồn tổng thể khu vực này.”
Trong tờ trình xin phê duyệt dự án của Sở VHTT Hà Nội, hai di tích vẫn được tách riêng.
Cụ thể, các nội dung trùng tu ghi rõ:
“ 8- Các hạng mục công trình chủ yếu:
1. Khu tượng vua Lê:
- Phá dỡ khán đài phía Trung tâm Hướng dẫn Nghiệp vụ nhà văn hóa.
- Di chuyển trạm biến áp điện ra khỏi khu vực bảo vệ nguyên trạng.
- Di chuyển bia Nguyễn Du ra khỏi khu vực bảo vệ nguyên trạng.
- Tu bổ nhà Phương đình.
- Tu bổ tượng đài.
- Tu bổ, tôn tạo hàng rào toàn khu và cổng vào di tích.
- Tôn tạo sân vườn.
- Cải tạo kỹ thuật hạ tầng.
2. Khu đình Nam Hương:
- Giải tỏa nhà dân trong khu vực.
- Tu bổ đình Nam Hương.
- Tôn tạo sân vườn.
- Làm hàng rào và cổng vào di tích.
Trong tôn tạo tổng thể còn đề xuất trồng 1 hàng cây ngay sau bình phong để phân tách rõ hơn hai di tích.
Bản vẽ tôn tạo tổng thể đề xuất trồng cây sau bình phong
Ngày 31/8/1998, cuộc họp tư vấn thẩm định dự án nói trên kết luận:
“A. Hội đồng thống nhất chủ trương cần thiết phải tu bổ, tôn tạo di tích tượng vua Lê.
B. Yêu cầu chủ đầu tư bổ xung, hoàn chỉnh dự án theo những nội dung chủ yếu sau:
1. Khẳng định phạm vi di tích sau tu bổ và phải được Bộ VH-TT chấp nhận
2. Tu bổ tôn tạo di tích theo nguyên tắc phục hồi nguyên gốc…
3. Cần lưu ý đến các chi tiết kiến trúc cho phù hợp với khu di tích. Ví dụ như màu sắc của bức tường bình phong sau tượng đài, chi tiết hoa văn hàng rào sắt ở cổng trước…
4. Xác định rõ thời gian đặt bia Nguyễn Du và nếu có di chuyển thì phải được sự đồng ý của Bộ VH-TT.
5. Quy hoạch của khu di tích phải được thông qua Hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch Thủ đô.
6. Tính toán lại vốn đầu tư, tính đúng, tính đủ theo đơn giá và các quy định hiện hành
7. Nếu thấy cần thiết thì nên làm ma-két để tham khảo thêm các ý kiến của các ngành.”
Vậy mà hiện nay, bức tường ngăn cách 2 di tích (được mỹ thuật hóa thành một bình phong) đã bị phá thông.
Về việc này, bài trên báo Lao Động viết:
“Ông Nguyễn Quang Bình, Phó Giám đốc phòng dự án đầu tư – UBND Quận Hoàn Kiếm (Đơn vị chủ đầu tư của dự án này) đã đưa ra một số văn bản là cơ sở pháp lý cho việc phá thông bức bình phong này như sau:
Đó là Thông báo số 07-TB-UB ngày 13.1.2006 của UBND Thành phố Hà Nội về ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Quốc Triệu – Chủ tịch UBND Thành phố tại buổi họp nghe sở VHTT báo cáo về việc tu bổ, tôn tạo di tích đình Nam Hương, trong đó ghi rõ: “Giao cho UBND Quận Hoàn Kiếm là chủ đầu tư giai đoạn 1 tiến hành di dời 2 hộ dân…” và “Giai đoạn 2, UBND Thành phố giao Sở VHTT chủ trì phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Sở Kế hoạch và đầu tư… dự án tổng thể tu bổ, tôn tạo di tích tượng đài vua Lê và đình Nam Hương thành khu di tích đảm bảo phù hợp với cảnh quan khu vực”.
Trong công văn số 921/VHTT-QLDT của sở VHTT Thành phố Hà Nội gửi Ban quản lý dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Nam Hương giai đoạn II ngày 19.6.2007 cũng nêu rõ: “Sở VHTT đã thống nhất với Ban quản lí Dự án quận Hoàn Kiếm phương án mở cửa tạo sự liên thông từ đình Nam Hương với khu tưởng niệm vua Lê Thái Tổ”.
Thực tế, bình phong vẫn còn những chi tiết chính nhất, và hai bên được thông cũng chỉ là hai đoạn nhỏ, đủ để đi qua, thăm thú giữa hai di tích này và tạo một sự thông thoáng hơn, không bức bách như trước - ông Bình nói.”
Bài trên báo Hà Nội mới viết: “Bức bình phong ngăn hai khu di tích dài 4,86m vẫn được giữ nguyên, dự án chỉ mở một cửa nhỏ thông giữa hai di tích để thuận tiện cho việc tham quan, chiêm bái của du khách… Tất cả hạng mục này đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận tại công văn số 1636 ngày 29-3-2007.”
Theo tôi, các THÔNG BÁO và CÔNG VĂN nói trên không thể là “cơ sở pháp lý” cho việc phá thông bức bình phong.
Nói chính xác hơn là các văn bản đó đã VI PHẠM PHÁP LUẬT.
“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật di sản văn hóa” (được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2009), quy định:
“Điều 13. Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh.
2. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa;
3. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
4. Mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài.
5. Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật.”
Xin được nhắc lại: Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin đã ký 2 quyết định công nhận 2 di tích này: đình Nam Hương được xếp hạng là di tích nghệ thuật và Công trình tưởng niệm Lê Thái tổ là di tích lịch sử.
Theo Luật Di sản văn hóa thì 2 di tích này thuộc loại di tích cấp quốc gia.
UBND thành phố và Sở VHTT Hà Nội không có quyền quyết định mà phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tôi không thể nêu cụ thể ở đây, nhưng việc “mở cửa tạo sự liên thông từ đình Nam Hương với khu tưởng niệm vua Lê Thái Tổ” đã vi phạm tất cả các quy định tại các điều từ 28 đến 37 (chương IV: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể) của “Luật Di sản văn hóa”.
Tóm lại: Chuyện hai di tích hóa thành một là có thật. Và đó là hành động vi phạm pháp luật.
3- ĐẾN CHI TIẾT RỒNG "BÒ NGƯỢC":
Bài trên báo Lao Động viết:
“Không chỉ có những câu chuyện về lịch sử, dự án trùng tu, tôn tạo di tích đình Nam Hương cũng được đặt rất nhiều câu hỏi về các chi tiết về kiến trúc của đình Nam Hương sau khi được trùng tu, tôn tạo lại, đặc biệt là chi tiết hai hình tượng rồng cuốn lên và xuống phía hai cầu thang dẫn lên gian thờ của đình. Liệu nó có phải là những chi tiết được “thêm mới”?
Ông Nguyễn Chính - người chịu trách nhiệm tư vấn thiết kế trùng tu, tôn tạo di tích đình Nam Hương giải trình vấn đề này bằng việc đưa ra bức ảnh cũng được chụp ngày 8.11.2006, trước khi giải toả và trùng tu di tích đình Nam Hương.
Trong hình ảnh ghi lại, các hộ dân đã lấn chiếm đến không gian của đình và thậm chí còn… kê tủ lên đầu của hình tượng rồng đang bò xuống. Cũng theo đối chiếu giữa hình ảnh trước và sau khi hoàn thành giai đoạn II của khu di tích đình Nam Hương, thì hình tượng rồng bò xuống quanh tường chỗ cầu thang đi xuống vẫn còn những chi tiết chính như hình dáng, kích thước... Còn hình tượng rồng bò lên theo hướng cầu thang đi lên đình Nam Hương thì có thể thấy về diện tích trước khi tu bổ nó khá nhỏ so với hình tượng rồng đi xuống ở bên kia.
Ông Nguyễn Chính giải thích thêm: “Khi xem xét về chi tiết hai con rồng, chúng tôi đã rất cẩn thận để không làm mất đi những nét về lịch sử lâu đời của đình Nam Hương. Vì thế, việc làm lại hình tượng rồng phía cầu thang đi lên cũng đã được chúng tôi làm rất cẩn thận, đó là xem xét những chi tiết ở phía hình tượng rồng bên phía cầu thang đi xuống để làm bên này sao cho phù hợp, hài hòa giữa hai hình tượng.”
Giải thích về việc cầu thang được xây mới, ông Chính cũng cho biết: “Tầng 1 của đình khá cao và trước đây, diện tích cầu thang cũng rất hẹp vì các hộ dân chiếm làm bếp và chỗ để xe. Vì thế sau khi giải tỏa được các hộ dân, diện tích được mở rộng, chúng tôi cũng đã mở rộng xây lại cầu thang đi lên tầng 2 của đình cho nó đỡ dốc hơn”.
Qua một số dẫn chứng cụ thể về cơ sở pháp lí và thực tế, việc trùng tu di tích đình Nam Hương và tượng vua Lê cũng đã có một số cơ sở nhất định cho những tôn tạo trong quá trình triển khai dự án.”
Bài trên báo Hà Nội mới viết: “Ông Phạm Hoàng Hải (Phòng VH-TT quận Hoàn Kiếm) cho biết: Con rồng "bò xuôi" và "bò ngược" cũng có từ trước đó (thời nào không rõ) và đơn vị thi công chỉ căn cứ vào hình ảnh cũ, đắp cho nó có hồn cốt và phù hợp với cảnh quan không gian của ngôi đình mà thôi.”
Cả hai bài báo đều giúp đơn vị thi công trùng tu khẳng định 2 con rồng “bò ngược” là có từ trước, không phải là “sản phẩm mới”.
Không chỉ dẫn lời các cán bộ có liên quan, cả hai bài báo đều đăng ảnh “chụp ngày 08/11/2006, trước khi giải toả và trùng tu di tích đình Nam Hương” của ông Nguyễn Chính.
Tôi cũng xin dùng đúng các hình ảnh của ông Nguyễn Chính:
Hai hình rồng này hoàn toàn khác nhau, từ kích thước, hình dáng đến các chi tiết cụ thể
Vì vậy không thể nói đó KHÔNG PHẢI LÀ “những chi tiết được “thêm mới”.”
Tôi không hiểu liệu “người chịu trách nhiệm tư vấn thiết kế trùng tu, tôn tạo di tích đình Nam Hương” này có được học về bảo tồn di tích?
Trong bài viết “Tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa là hoạt động có tính đặc thù chuyên ngành”, Tiến sỹ Đặng Văn Bài (Nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa- Bộ VH-TT-DL) đã 2 lần nhấn mạnh:
Tu bổ di tích không chỉ đơn giản là khôi phục lại như mới một công trình kiến trúc cổ truyền, mà là sự tổng hợp của nhiều mặt hoạt động phức tạp có quan hệ qua lại rất chặt chẽ như: Nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật và quá trình thi công, sản xuất v.v... Công tác tu bổ di tích phải đáp ứng được các nhu cầu: Giải phóng, tước bỏ khỏi di tích tất cả các lớp bổ sung xa lạ, gây ảnh hưởng xấu tới các mặt giá trị của di tích…
…Thứ nữa, công tác tu bổ còn đặt ra yêu cầu phải tước bỏ khỏi di tích phần bổ sung không chính đáng sau này làm ảnh hưởng sai lệch các mặt giá trị của di tích, nhằm tạo điều kiện cho khách tham quan tiếp cận và hưởng thụ các mặt giá trị chân chính của văn hoá.
Nghĩa là kể cả là hai hình rồng “ngược-xuôi” kia đã có từ trước, thì người làm công tác tu bổ-tôn tạo phải đủ trình độ để thấy rằng CẦN PHẢI LOẠI BỎ, chứ không phải đắp vẽ thêm vào.
Còn có rất nhiều vấn đề muốn được trao đổi, nhưng đơn thư đã quá dài, xin để dịp khác. Tôi kính đề nghị:
1- Các quý Ban Biên tập các báo Lao Động và Hà Nội mới cho đăng đơn thư phản hồi này của tôi, nhằm cải chính những thông tin SAI mà các tác giả Thái Anh và Minh Ngọc đã cung cấp cho người đọc.
2- Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Cục Di sản văn hóa có những xử lý thích hợp và thích đáng những việc làm vi phạm Luật Di sản văn hóa, nhằm trả lại giá trị đích thực cho hai khu di tích đình Nam Hương và Công trình tưởng niệm Lê Thái tổ.
Tôi rất mong nhận được văn bản trả lời theo địa chỉ e-mail: kiennguyenhong01@gmail.com
Xin chân thành cám ơn !
Người viết đơn thư
Nguyễn Hồng Kiên
NGUỒN: TS. Nguyễn Hồng Kiên gửi. Xin chân thành cám ơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét