Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung:
“Ở Việt Nam, người dân là tai là mắt của nhà khảo cổ”
Hội thảo quốc tế “Khảo cổ học vì lợi ích cộng đồng: sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia” được Hội Khảo cổ học Việt Nam và Sở VH-TT&DL Thanh Hóa tổ chức từ 19- 22/12 tại Thanh Hóa. Thời nay trao đổi với PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung- Phó Chủ tịch Hội về khảo cổ học cộng đồng - điều mà Hội khảo cổ học Việt Nam đã quyết định theo đuổi ngay từ khi thành lập cách đây 2 năm.
Xin bà cho biết vì sao Hội Khảo cổ lại nêu vấn đề khảo cổ học (vì) cộng đồng ở Việt Nam trong một hội thảo quốc tế?
Khảo cổ học cộng đồng có thể được hiểu một cách đơn giản là khảo cổ học của mọi người, dành cho mọi người. Có nghĩa là nó đẩy mạnh sự tương tác giữa người nghiên cứu khảo cổ với công chúng và phổ biến kiến thức khảo cổ cho mọi người. Khi đó, người dân được tiếp cận sâu rộng hơn với tri thức khảo cổ. Họ cũng được khuyến khích để tham gia vào việc nghiên cứu, bảo tồn khảo cổ học và phát huy giá trị khảo cổ địa phương. Tại nhiều nước, mà gần ta có Thái Lan, Campuchia, khảo cổ học cộng đồng rất phát triển và đạt được những kết quả đáng kể khi người dân tham gia và bảo tồn di sản quá khứ.
Tổ chức hội thảo “Khảo cổ học vì lợi ích cộng đồng: sự chia sẻ giữa các quốc gia” này bởi Hội Khảo cổ học Việt Nam thấy rõ nhiệm của mình trong việc nâng cao và phát huy vai trò của khảo cổ học trong đời sống hiện đại và làm khảo cổ học cộng đồng chính là cách thức hữu hiệu để hiện thực hóa nhiệm vụ này.
Sinh viên K55 khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội đi thực tập khai quật KCH
Một khía cạnh của khảo cổ học cộng đồng (KCHCĐ) là người dân cung cấp thông tin về di tích và hiện vật khảo cổ. Điều này, ở Việt Nam ra sao thưa bà? Dân trí có phải rào cản với khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam không thưa bà?
Các di tích khảo cổ học thường nằm ở các địa bàn dân cư, phần lớn được nhân dân phát hiện do vô tình trong lúc sản xuất, xây dựng các công trình. Tại nước ta, gần như tất cả các địa điểm khảo cổ lớn nhỏ mà các nhà khảo cổ phát hiện đều nhờ vào sự chỉ dẫn của người dân. Có thể nói ở Việt Nam, người dân là tai là mắt của các nhà khảo cổ học!
Dân trí không phải là vấn đề, đầu tiên là nâng cao ý thức của những người có trách nhiệm quản lý văn hóa ở các cấp. Vấn đề là ở nhận thức của những người làm khoa học và các nhà quản lý có khoa học, có thật sự vì sự phát triển của ngành KC nói riêng và của văn hóa nói chung hay không.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng ít nhà khảo cổ Việt Nam làm được những công đoạn tiếp theo của khảo cổ học cộng động là phổ thông hóa những tri thức khảo cổ cho người dân và cả lãnh đạo địa phương (GS. Trần Quốc Vượng là một ngoại lệ).
Dọn mặt bằng để mở hố khai quật
Bà có thể phân tích tiềm năng KCHCĐ ở Việt Nam?
Theo tôi, tiềm năng KCHCĐ ở Việt Nam rất lớn.
Thứ nhất, những di tích KCH không bao giờ ở quá xa những khu dân cư và gần như chỗ nào cũng có di tích.
Thứ hai, người Việt Nam rất quan tâm tới bất cứ phát hiện dù lớn, dù bé trên đất quê hương và thông tin về những di tích, di vật phát hiện lưu truyền rất lâu, rất xa, đó là nguồn thông tin rất hữu ích giúp tìm lại di tích.
Thứ ba, chúng ta có một hệ thống chân rết những người làm văn hóa tại địa phương có thể nắm bắt và đưa thông tin một cách nhanh và chính xác giúp các nhà khảo cổ thực hiện công việc nghiên cứu của mình.
Thứ tư, ở bất cứ địa phương nào cũng có những người dân thực sự tâm huyết với lịch sử quê hương và bằng nhiều cách khác nhau họ tìm cách thu thập và giữ gìn chứng cứ và sẵn sàng trợ giúp các nhà khảo cổ.
Thứ sáu, nếu làm tốt KCHCĐ sẽ rút ngắn được khoảng cách giữa cộng đồng các nhà khảo cổ và cộng đồng các nhà quản lý, xây dựng công trình, dự án, khi hai cộng đồng này hiểu nhau thì việc khai quật khảo cổ và bảo tồn di sản ở những nơi có công trình xây dựng hay dự án sẽ hiệu quả hơn…
Nạo mặt bằng hố khai quật, thực hiện đúng theo các nguyên tắc khai quật đã được học
Hành lang pháp lý cho khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam hiện ra sao, thưa bà?
Vì KCH CĐ có những mục đích, nhiệm vụ và phương pháp, cách thức tiến hành đặc thù nên sẽ cần bổ sung những cơ sở pháp lý cụ thể hơn. Chẳng hạn, cần có những quy định cho việc các đơn vị kinh tế tài trợ khai quật khảo cổ học. Hoặc chúng ta có quy định trong luật về bảo tàng tư nhân nhưng dạng bảo tàng của cư dân một làng thì ra sao… KCHCĐ nếu không có luật thì dễ dẫn đến những hậu quả như tạo điều kiện để phá di tích, trộm cổ vật, buôn bán trái phép cổ vật…
Để phát triển khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam, theo bà, nên bắt đầu từ những kế hoạch gì, thưa bà?
Tôi nghĩ có ba điều chúng ta cần chú ý. Thứ nhất, cần có trao đổi học thuật, thu nhận kinh nghiệm thế giới về lĩnh vực này. Thứ hai, cần xây dựng phương hướng để hình thành và triển khai KCHCĐ ở Việt Nam từ những hình thức đơn giản dễ tiếp nhận đến mức cao hơn như hình thành chuyên ngành KCHCĐ. Cuối cùng, cần xây dựng hành lang pháp lý để đảm bảo KCHCĐ được thực hiện một cách hiệu quả và đúng pháp luật.
Xin cảm ơn bà!
Ngữ Yên (thực hiện)
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaNhìn các em sv năm nhất đi thực tế em lại nhớ tới nhiều kỷ niệm ngày xưa quá cô ạ! Hì. Cứ muốn ước gì trở về "ngày đó". Năm nay cô Dung đưa đoàn các em đi địa điểm nào vậy ạ?
Trả lờiXóaChia sẻ với các bạn làm khảo cổ và các em sinh viên, trời rét thế này!
Trả lờiXóaCô đưa các em đi Gò Mả Phượng, một địa điểm nằm trong khu vực dự án đô thị Di Trạch Kim Chung, Hoài Đức Hà Nội. Di chỉ này đang sắp bị xóa xổ rồi, đưa đi khai quật để may ra vớt vát được chút ít.
Trả lờiXóa