LOAY HOAY CHẬT VẬT cả mấy tháng nay với một mớ tài liệu tiếng Anh, tiếng Nga để làm sao ra được một bài về liên ngành trong nghiên cứu khảo cổ học, khất lần em Thảo thời gian nộp bài mà trong lòng thực áy náy.
LƯỚT từ Khảo cổ học Truyền thống qua Khảo cổ học Mới (KCH Quá trình) rồi dừng ở KCH Hậu Quá trình (may là chưa có thêm KCH Hậu Hậu QT) rồi mắc ở thuyết Tiến hóa đơn tuyến, đa tuyến đến Tân tiến hóa chưa xong lại vấp ngay Truyền Bá luận, Tương đối Đặc thù lịch sử và duy vật Mác Ăng ghen. Tưởng đã hết nào ngờ đụng vào một khối lượng đồ sộ những thuyết mới như thuyết Tai họa, thuyết Quyết định luận Môi trường, thuyết Thích nghi (chứ không chỉ Chọn lọc và Tiến hóa nữa…trong nghiên cứu tiến hóa từ Vượn đến Người…)…
Mê hồn trận của trường phái lý thuyết trong khảo cổ học
LUẤN QUẤN với những tên tuổi - những nhà khảo cổ học người Anh, Mỹ … mà mức độ nổi tiếng đến mức, không có ai trên thế giới đã làm khảo cổ học lại không nghe ít nhất 1, 2 lần. David Clarke, người kiên trì coi khảo cổ học là một ngành khoa học với luận điểm (mà mình rất thích) “KCH là KCH là KCH là KCH”; Childe V. Gordon nhà khảo cổ Phương Tây theo thuyết Tiến hóa và cũng được xem là môn đệ của Mác trong nghiên cứu khảo cổ, người đưa ra khái niệm Cách mạng Đá mới; Earle Timophy chuyên nghiên cứu về tiến hóa xã hội, về sự hình thành nhà nước và mô hình tiến hóa xã hội của ông đã trở thành kinh điển Băng/Nhóm – Bộ lạc – Lãnh địa – Nhà nước; Binford Lewis, người khai sinh ra Khảo cổ học Mới và vô số các môn đệ của ông. Cũng thật thiếu sót nếu bỏ qua tên tuổi của Bruce Trigger người kết nối các lĩnh vực khảo cổ, nhân học, khảo cổ dân tộc học hay Peter N. Peregrine với những nghiên cứu lý thuyết và phương pháp về tiếp cận so sánh dân tộc học – khảo cổ học, Ian Hodder và những cuốn sách tuyệt hay của ông về lý thuyết và phương pháp khảo cổ học …Đấy là chưa kể đến những tên tuổi khảo cổ học Nga, Đông Âu… đại diện cho nền khảo cổ học Mác xít mà mình từng đánh vần đến đau cả lưỡi thời đại học từ Mongait, Chernuc đến Kh. Todorova… hay những nhà khảo cổ Nhật Bản nổi tiếng cẩn thận đến mức hơi máy móc với phương tiện và dụng cụ làm việc trên cả mức tuyệt vời…
Khảo cổ học không chỉ là khảo cổ học mà còn hơn thế
Phần mềm máy tính giúp nối dài thêm khối óc và bàn tay của nhà khảo cổ
BƠI trong một mê hồn trận của các chuyên ngành khảo cổ từ những chuyên ngành đã rất quen như KCH Tiền sử, Sơ sử, Lịch sử, Đô thị … hay khảo cổ học Xlavơ, khảo cổ học Hy La… mình thực sự đau đầu với những loại khảo cổ học Xã hội, Khảo cổ học Mộ táng và cái chết, Khảo cổ học Con người rồi KCH Tri thức, KCH Tôn giáo, KCH Giới (đừng nghĩ đơn giản về KCH Giới , không đơn thuần là đàn ông săn bắn, chăn nuôi, đàn bà hái lượm, làm gốm, trồng trọt mà phức tạp hơn nhiều, hay nhất là việc tư duy của người nữ sẽ khác tư duy của người nam trong diễn giải và suy luận cùng một vấn đề khảo cổ sẽ giống và khác nhau như thế nào, nhà KCH nữ khai quật và nghiên cứu có những đặc điểm riêng gì so với một đồng nghiệp nam)… Khảo cổ dân tộc học với sứ mệnh cao cả của HRAF tập hợp tư liệu so sánh từ các nền văn hóa khảo cổ với văn hóa của một số dân tộc đương đại để xây dựng mẫu phổ quát để hoàn thiện phương pháp nghiên cứu liên văn hóa trong diễn giải khảo cổ học …
Khảo cổ học giới không đơn thuần chỉ là khảo cổ học giới tính
Có một ngành khảo cổ học dân số
Có một tổ chức khoa học quốc tế phi lợi nhuật HRAF cung cấp dữ liệu của 400 nền văn hóa dân tộc học và khảo cổ học cho nghiên cứu so sánh của ngành khảo cổ dân tộc học
HỤT HƠI trong các phương pháp nghiên cứu được cập nhật liên tục, nếu ai đó vẫn mường tượng các nhà khảo cổ học chỉ lăm lăm cái bay, cái cuốc hay cái rây thì nhầm to. Đủ các loại máy móc và phương tiện kỹ thuật hỗ trợ tất cả các công đoạn nghiên cứu, đủ các loại tiếp cận từ định lượng, định tính đến các kiểu sơ đồ, biểu đồ các phần mềm máy tính xử lý và quản lý số liệu, các dạng phân tích lý, hóa, AND, Gene rồi nghiên cứu so sánh dân tộc học, khảo cổ học đồng đại, lịch đại, dân số học… Từ thế kỷ 19 đến nay, các nhà hoạch địch chiến thuật và chiến lược nghiên cứu khảo cổ mượn rất nhiều khái niệm, phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội nhân văn, tự nhiên và kỹ thuật khác và thực sự họ đã “vượt gộp”nhuần nhuyễn những vay mượn đó thành phương pháp và tiếp cận riêng của khảo cổ học.
Trong đoàn khai quật có nhà chim học hay côn trùng học cũng rất hữu ích
BÁI PHỤC các bậc tiền bối và những người đã và đang viết đang sáng tạo ra những lý thuyết, những trường phái mới [nhưng làm ơn đừng sang chế ra quá nhiều làm con cháu và hậu sinh chết ngạt và đừng biến theorist (nhà lý luận) thành terrorist (tên khủng bố)]. Và làm sao để có nhiều những những tác phẩm khoa học/văn học như Sụp đổ; Súng – Vi trùng và Thép của Diamond Jared nơi mà những lý thuyết về môi trường được diễn giải thông qua tư liệu khảo cổ một cách cực nhuyễn, theo cái cách mà người ta thường nói vừa đúng lại vừa hay, chứ không phải kiểu phổ thông hóa kiến thức khoa học chuyên sâu một cách hời hợt, liều mạng. Nghe rất hay, rất kêu nhưng trật lất. Dù ở mức độ nào nghiên cứu chuyên sâu hay phổ biến kiến thức thì cũng cần nắm vững kiến thức, khách quan và trung thực.
NHỚ LẠI hồi học đại học, môn KCH Lý thuyết và PP do TS. Ivan Panaiotov (Viện KCH Bungari) dạy, bác này có cách dạy rất lạ toàn lôi sinh viên ra quán cà phê và ví dụ minh họa thì kiểu gì cũng liên quan đến gái. Để minh họa cho mối quan hệ giữa lý thuyết và thực tế bác í tả thế này: “Một người chỉ biết hùng hục đi điền dã hay đi đào thì chả khác gì một em to khỏe nhưng vô duyên, hời hợt, còn một người suốt đòi chúi mũi vào đống sách vở chả chịu đi điền dã thì giống như một nàng biết tuốt nhưng èo uột, cớm nắng. Một nhà khảo cổ đích thực sẽ phải là một cô gái vừa khỏe đẹp duyên dáng vừa giỏi giang…Vậy nên hiếm lắm”!
Diễn giả này hơi giống TS. Ivan Panaiotov ở bộ râu
NHÌN SANG NƯỚC MÌNH, lý thuyết và phương pháp nghiên cứu khoa học được xem là sở đoản của các nhà nghiên cứu Việt Nam, đặc biệt là nghiên cứu khoa học XHNV (trong đó tất nhiên có cả mình). Ngẫm thấy một điều mà có lẽ đúng, muốn làm lý thuyết phải cực giỏi thực tế, mà muốn giỏi thực địa thì phải nắm vững lý thuyết và phương pháp (vừa khỏe mạnh, vừa duyên dáng vừa giỏi giang!). Khảo cổ học Việt Nam, chắc chắn rất ít người có đủ điều kiện như thế (có lẽ chỉ có vài người như thầy Tấn và thầy Vượng, TS. Hà Hữu Nga).
DÙ SAO nhiều lý thuyết mới và phương pháp nghiên cứu đa ngành đã dần có chỗ đứng trong những dự án hay chương trình nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam. Từ những cải tiến đáng tin trong cách khai quật, lấy mẫu đến ứng dụng tri thức dân tộc học, địa chất học, sinh học, tin học … vào xử lý, diễn giải và bảo tồn di vật, di tích khảo cổ. Những công trình nghiên cứu về kỹ thuật học, loại hình học, khảo cổ học môi trường, khảo cổ dân tộc học, ngôn ngữ khảo cổ học của các bậc tiền bối GS. Hà Văn Tấn, GS. Trần Quốc Vượng, GS. Diệp Đình Hoa và những nhà nghiên cứu trung niên, nghiên cứu trẻ … thực sự đã làm cho nghiên cứu khảo cổ Việt Nam tiến gần hơn một chút tới trình độ thế giới.
DẪU THẾ, có lẽ không ngoa lắm khi cho rằng hình như, đối với nhiều người nghiên cứu, KCH ở VN vẫn đang được làm một cách HỒN NHIÊN và TỰ PHÁT. Mặc dù ai cũng biết bước chân vào khoa học, bất cứ là ngành khoa học nào mỗi người nghiên cứu cần phải trang bị cho mình những hành trang tối thiểu về kỹ năng, về lý thuyết và phương pháp. Đối với khảo cổ học, cả lý thuyết và cả thực tế đều có tầm quan trọng như nhau. Không thể làm khảo cổ học nếu chỉ có lý thuyết suông cũng như không thể làm khảo cổ học nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thực tế! và lý thuyết cũng như phương pháp phải được đào tạo cơ bản, suốt đời!
CỰC ĐOAN không khi đưa ra quan điểm là nên có chiến lược dịch và biên soạn lý thuyết, PP KCH hiện đại và đào tạo lại, đào tạo tiếp các thế hệ. Cách tốt nhất là gửi đi đào tạo ĐH và SĐH ở nước ngoài. Nói thế chắc sẽ làm số đông đồng nghiệp không hài lòng. Nhưng thực tế là vậy.
ĐÀO TẠO & NGHIÊN CỨU khảo cổ học ở ta thực sự đang gặp rất nhiều vấn đề! Và khó có thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.
Hình minh họa lấy từ Internet
Hihi, đúng là mê hồn trận, nhưng mà hay!
Trả lờiXóaRằng hay thì thật là hay...
Trả lờiXóaTrên thế giới phải những giáo sư cực giỏi về cả lý thuyết và thực địa mới có thể phổ thông hóa những lý thuyết cao siêu bằng ngôn từ đơn giản, dễ hiểu và phổ biến tri thức khoa học cho mọi người. Ví dụ serie sách "Que je sais" của Pháp mà NXB Thế giới đã dịch và phát hành chẳng hạn.
con rat thich bai nay a!
Trả lờiXóaHi, cám ơn con gái!
Trả lờiXóa