Ông Phạm Văn Hùng (trái) và ông Nguyễn Cao Lư - hai điển hình tiên tiến của khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam - Ảnh: Linh Đan
Đây là điều rút ra sau hội thảo quốc tế “Khảo cổ học vì lợi ích cộng đồng: chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia” từ ngày 20 đến 22-12 tại Thanh Hóa.
Đồi Vàng và nghề thủ công xâu chuỗi hạt
Phu Khao Thong trong tiếng Thái Lan nghĩa là Đồi Vàng. Là một địa điểm rất gần biển, Đồi Vàng cũng “thơm lây, giàu ké” nhờ những hải trình buôn bán trải dài qua nhiều quốc gia. Và dưới ngọn đồi ấy quả thật chôn giấu quá nhiều di sản khảo cổ với rất nhiều trang sức tinh xảo: từ đá bán quý đến đá quý và đặc biệt là vàng. “Vàng đã khiến vòng tròn khép kín người sưu tầm - nhà buôn - kẻ đào trộm cổ vật hình thành, bủa vây Đồi Vàng” - nhà khảo cổ Boonyarit Chaisuwan (Bộ Văn hóa Thái Lan) cho biết.
“Chúng tôi cùng dân làng đứng chết trân giữa khu di tích bị đào bới nham nhở. Những hiện vật ngoại lai có, nội địa có với niên đại cách đây tới 2.000 năm bị vứt tứ tung như ném một miếng rác.
Lũ trộm chỉ lấy vàng. Rồi chúng tôi tổ chức giáo dục di sản cho mọi người” - ông Boonyarit nói và chỉ tay vào một bức ảnh. Trong đó, hàng hàng đều tăm tắp học sinh mặc đồng phục quần xanh áo hồng, mắt chăm chú dõi theo bài giảng khảo cổ tại một di tích địa phương. Sau lưng các em, dãy bàn bày băng đĩa số hóa bài giảng này. Cạnh đó, những chuỗi đá được xâu lại theo mẫu cổ vật được đặt trang trọng trong hộp nhung đỏ. Chúng là những sản phẩm thủ công do dân địa phương làm khiến du khách mê tít, bỏ tiền mua không tiếc tay.
“Khảo cổ học cộng đồng của chúng tôi là thế. Từ Đồi Vàng, dân địa phương đã đào được vàng mà không tốn một nhát cuốc xẻng. Khách du lịch đổ về xem trưng bày những di sản khảo cổ đã phát hiện. Họ có thể giới thiệu hàng giờ về chúng bằng những hiểu biết khảo cổ đã được bình dân hóa nên rất dễ hiểu. Họ thấm thía chừng nào Đồi Vàng còn, cuộc sống của họ còn được bảo đảm” - cán bộ Bộ Văn hóa Thái Lan khẳng định.
Hướng dẫn người dân thu nhặt di vật khảo cổ ở Thái Lan - Ảnh tư liệu
Người dân là tai mắt của nhà khảo cổ
“Khảo cổ học cộng đồng là khái niệm rất mới ở VN, song không phải vì thế mà chúng ta không có điển hình tiên tiến” - TS Nguyễn Giang Hải, tổng thư ký Hội Khảo cổ học VN, vui vẻ khẳng định.
Điển hình tiên tiến trong hội thảo là ông Phạm Văn Hùng (Hoài Đức, Hà Nội) và ông Nguyễn Cao Lư (Ninh Bình). Yêu di chỉ Vườn Chuối quê mình từ những đợt khai quật năm 1994, 2001, ông Hùng đã cùng người dân theo dõi, chặn bắt được nhóm đào mộ cổ tại đây. Còn ông Lư, từ khi đọc sách khảo cổ học của con (hiện đang làm cao học khảo cổ học) đã phát hiện 22 di tích hang động ở Ninh Bình báo cho các nhà nghiên cứu.
“Các di tích khảo cổ học thường nằm ở địa bàn dân cư, phần lớn được người dân vô tình phát hiện trong lúc sản xuất, xây dựng các công trình. Tại nước ta, gần như tất cả địa điểm khảo cổ lớn nhỏ mà các nhà khảo cổ phát hiện đều nhờ vào sự chỉ dẫn của người dân. Có thể nói ở VN, người dân là tai mắt của các nhà khảo cổ học!” - PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, phó chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết.
Còn ông Lư, trong câu chuyện của mình dí dỏm khái quát: “Tôi nghĩ khảo cổ học cộng đồng là khảo cổ học nhân dân. VN mình đã có quân đội nhân dân, chiến tranh nhân dân, giờ sẽ làm tốt khảo cổ học nhân dân nữa”.
Kỹ năng làm việc với cộng đồng
TS Rasmi Shoocongdep (Thái Lan) cho biết trong khảo cổ học cộng đồng, quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp với cộng đồng. “Chúng tôi tổ chức những buổi báo cáo ngay tại địa điểm khai quật và thay từ chuyên môn bằng ngôn ngữ bình dân để họ hiểu trọn vẹn. Người dân đến rất đông”.
Đây cũng là điểm được nhiều nhà khảo cổ học VN yêu cầu đưa ngay vào lịch trình các nghiên cứu khảo cổ học. “Chúng ta hoàn toàn có thể báo cáo ngay trên miệng hố, chứ không phải đưa di vật đi báo cáo ở hội trường cấp trên” - nhà khảo cổ học trẻ Lê Hải Đăng (Viện Khảo cổ) đề nghị.
TS khảo cổ học Nishimurra Masanari (Nhật Bản) cho biết giảng dạy khảo cổ học cộng đồng ở Nhật được làm từ khi trẻ còn nhỏ, tại các trường. Các em được phát những mảnh gốm để có thể ráp lại thành chiếc bình. Căn cứ vào hoa văn, chi tiết vốn là của những giai đoạn văn hóa nhất định, các em sẽ làm điều đó.
“Với chi phí không lớn, lại có thể ghép cùng những môn học như lịch sử, mỹ thuật..., giảng dạy khảo cổ học cộng đồng hoàn toàn có thể thực hiện trong nhà trường ở VN” - người đã thực hiện nhiều dự án khảo cổ học cộng đồng này nói.
Lẽ dĩ nhiên, trong những câu chuyện bảo vệ di sản có hệ thống như thế này rất cần sự giúp đỡ của chính quyền. “Để bảo vệ Angkor, chúng tôi cần giãn dân và chính quyền đã cấp cho người dân nhà với khu nuôi trồng gia cầm, gia súc, hạ tầng miễn phí” - TS Im Sokrithy (Trung tâm bảo tồn quốc gia Siem Reap, Campuchia) chia sẻ.
Song theo TS Nishimurra: “Lòng nhiệt tình và quyết tâm theo đuổi khảo cổ học cộng đồng, bảo vệ di sản bền vững mới quan trọng nhất”.
Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO VN Phạm Sanh Châu:
3 xu hướng cộng đồng của UNESCO
Thứ nhất, UNESCO có xu hướng đề cao vai trò cộng đồng đối với di sản vì cộng đồng chính là chủ thể sáng tạo cũng như gìn giữ di sản. UNESCO đưa ra Công ước 2003 về bảo vệ các di sản phi vật thể. Theo đó, một di sản chỉ được công nhận di sản khi có sự đồng ý và tham gia của cộng đồng. Thứ hai, UNESCO có xu hướng giáo dục tất cả các tầng lớp trong cộng đồng về di sản văn hóa, di sản khảo cổ, di sản nghệ thuật. Cuối cùng, UNESCO cũng có xu hướng tạo công ăn việc làm cho người dân bản xứ, những người sống cạnh di sản.
Những xu thế này thực chất rất trùng hợp với cách làm khảo cổ học cộng đồng mà nhiều người đã đưa ra trong hội thảo này. Điểm thuận lợi cho VN khi hiện thực hóa những xu hướng này là người dân nước ta có tính cộng đồng rất cao.
LINH ĐAN
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/417129/Chia-deu-%E2%80%9Cloi-nhuan%E2%80%9D-tu-di-san-khao-co.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét