Giờ chuẩn bị cơm chiều là lúc mình ngó ti vi, thực tình mình chả mấy khi xem TV Hà Nội vì phim thì rặt đồ Tàu, tin thì thà xem VTV cho được nhiều. Nhưng tình cờ hôm đó lại bắt gặp bác chủ tịch Hà Nội đăng đàn phê phán nhiều người đã không đánh giá một cách công bằng, khách quan và khoa học những công việc mà Hà Nội đã làm dịp Đại lễ. Nhìn bác bức xúc mình cũng vô cùng băn khoăn.
Thôi chết rồi, mình cũng nằm trong số những người CHÊ là chính này. Hóa ra tất cả những gì được học về bảo tàng và trưng bày bảo tàng của mình từ xưa đến giờ phải vứt vào sọt rác nếu cứ chiếu theo những chuẩn về ngoại thất, nội thất và sưu tập trưng bày của Bảo tàng Hà Nội (được đánh giá là HIỆN ĐẠI và HOÀNH TRÁNG và XÂY NHANH nhất Việt Nam).
XEM RA QUAN ĐIỂM CÔNG BẰNG, KHOA HỌC VÀ KHÁCH QUAN CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO HÀ NỘI KHÁC VỚI NHỮNG HIỂU BIẾT CHUNG CỦA CỬ TRI HÀ NỘI VỀ CÔNG BẰNG,KHOA HỌC VÀ KHÁCH QUAN.
VẬY NÊN MỚI CÓ CHUYỆN!
VÀ CÓ THẬT: "CHỦ NGHĨA HÌNH THỨC GIỜ KHÔNG CÒN" NHƯ BÁC TT BẢO !?
BONUS
BONUS
Hoành tráng dịp Đại lễ rồi... vứt đấy
- Nhiều công trình chào mừng Đại lễ được thực hiện rất quy mô, hoành tráng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau Đại lễ, những công trình đó không được ai quan tâm đến hoặc do công tác quản lý yếu kém nên dẫn đến hư hỏng nặng.
Trống sấm hư hỏng sau Đại lễ
Trống sấm, chiếc trống được đánh vào lễ khai mạc và kết thúc Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (từ 1-10/10), đã bắt đầu hư hỏng. Mặt trống bị mốc, nhiều nét hoa văn phai màu. Nhiều vết nứt đã xuất hiện trên giá trống.
Đây là chiếc trống lớn nhất Việt Nam, và có thể là cả Đông Nam Á, với đường kính 3,15m. Trống được làm bằng lõi gỗ mít, da trâu sống, có hình rồng vờn mây, uốn lượn. Chiếc trống này do Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề thành phố Hà Nội cung tiến cho Hoàng thành Thăng Long.
Mặt trống Sấm đã bắt đầu bong và mốc (Ảnh: VnExpress)
Sau Đại lễ, chiếc trống vẫn được đặt ở sân điện Kính Thiên, chịu mưa chịu nắng. Ông Phan Duy Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội thừa nhận trên VnExpress rằng, việc bảo quản trống chưa tốt. Hiện nay, mỗi khi trời mưa, nhân viên lại mang bạt che cho trống, nắng lại tháo ra.
Còn ông Lê Giang Tô, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề thành phố Hà Nội, nguyên trưởng ban chỉ đạo chương trình dâng tiến chuông, chiêng, trống lên Hoàng thành Thăng Long phát biểu trên VnExpress rằng: "Nếu được bảo quản tốt, trống có tuổi thọ khoảng 300 năm. Nhưng hiện trống bắt đầu hỏng phần da bịt mặt do xâm thực của nước mưa, nắng gió và ẩm mốc”.
Chim câu Đại lễ biến thành... món nhậu
Trong dịp Đại lễ vừa qua, hình ảnh 1.000 con bồ câu trắng tung cánh trên bầu trời thu Hà Nội đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người dân Việt Nam và du khách quốc tế. Thế nhưng, sau Đại lễ, hơn 2/3 số con trong đàn chim này đã bị hao hụt.
Đàn chim câu mừng Đại lễ đang biến thành... món ăn (Ảnh Vietnamnet)
Lý giải nguyên nhân số lượng đàn chim giảm mạnh, ông Phạm Tài Thu - người nuôi dưỡng và huấn luyện đàn chim mừng Đại lễ - khẳng định, đàn chim bồ câu bị chết một phần là do thời tiết miền Bắc thay đổi đột ngột khiến chim bị sốc, sức đề kháng yếu dần và tăng khả năng nhiễm bệnh. Tuy nhiên, ông Thu cho rằng, phần lớn đàn chim thất thoát lại là do một số người dân thiếu ý thức đã bắt trộm về làm thịt.
Ngày 28/11, 6 đối tượng bắt trộm chim bồ câu thuộc đàn chim hoà bình mừng Đại lễ đang được nuôi dưỡng và huấn luyện tại công viên Bách Thảo (Hà Nội) đã bị tóm gọn. Trao đổi với PV VietNamNet, Công an phường Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết 6 đối tượng này đã nhiều lần tiến hành bắt trộm với tổng số chim là 460 con để giết thịt hoặc tiêu thụ ở các chợ, hàng quán.
Những công trình hư hỏng thảm hại sau Đại lễ
Đôi rồng thời Lý ghép bằng gốm Bát Tràng là công trình đặc sắc, ý nghĩa chào mừng Đại lễ. Đây là đôi rồng gốm lớn nhất Việt Nam với mỗi con dài 15m, cao 8,2m (kể cả bệ), đường kính 90cm, được lắp ghép bởi 6.500 chiếc đĩa, 5 tấn mạch sứ và 4.500 chiếc cốc.
Thế nhưng, 2 tháng sau Đại lễ, nhiều mảnh ghép ở bệ, thân rồng đã bị bong tróc. Nhiều tầng rác rưởi, mạng nhện bám chặt từ đầu đến đuôi rồng. Nhiều người cảm thấy thật tiếc khi một đôi rồng to đẹp như thế mà không được quan tâm gìn giữ.
Họa tiết hoa văn đặc sắc trên một đoạn của Con đường gốm sứ (Ảnh: Thanh niên)
Đôi rồng này hiện được đặt trong Công viên Bách Thảo. Bà Nguyễn Thị Thạch – Giám đốc Công viên Bách Thảo cho biết trên Dân Việt rằng: “Theo tôi được biết, đôi rồng được thực hiện trong thời gian khá gấp rút, cộng với yếu tố thời tiết và ý thức của khách tham quan nên đến nay một số nơi trên thân rồng đã xảy ra hiện tượng bong tróc”.
“Con đường gốm sứ” là một trong những công trình trọng điểm mừng Đại lễ. Sau gần 4 năm thực hiện, công trình đã hoàn thành với độ dài 3,85km, tổng diện tích là 6.950m2, bao gồm các đoạn tranh ghép gốm sứ rực rỡ màu sắc, đa dạng về phong cách và chủ đề.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đoạn đã bị bong men, rạn nứt. Ngoài ra, rác thải do các gánh hàng rong tập trung ở khu chợ đầu mối Long Biên và trên các tuyến đường Yên Phụ, An Dương rất nhiều gây mất mĩ quan cho công trình mang tầm vóc thế giới này.
Công viên Hòa Bình cũng là một điểm nhấn chào mừng Đại lễ với diện tích gần 20ha, tổng mức đầu tư 282,38 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới khánh thành chưa được bao lâu, công trình này đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Dường như, vì quá coi trọng tiến độ, quá tập trung vào sự hoành tráng của mấy ngày đại lễ để rồi sau đó người ta nhanh chóng lãng quên những công trình, hiện vật chỉ mới mấy ngày trước được hết lời ca tụng, ngợi khen.
Thu Hường (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét