Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

SÁCH CHÙA VIỆT NAM TÁI BẢN LẦN THỨ 4 (1) MÓN QUÀ QUÝ ĐỐI VỚI CÔNG CHÚNG YÊU MẾN DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM

PGS.TS. Tống Trung Tín
Viện trưởng, Viện Khảo cổ học
(Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) giới thiệu

Năm 2010, sách Chùa Việt Nam, in lần thứ tư là món quà quý đối với công chúng yêu mến di sản văn hoá Việt Nam nói chung, giới nghiên cứu chùa Việt Nam nói riêng mà cụ thể ở đây là các ngôi chùa Việt Nam. Đó là chưa kể đến một số lần sách này đã bị “đạo” sách mà tôi từng được nghe.
Về phương diện bản quyền tác giả thì đó là chuyện buồn cho các tác giả, nhưng về phương diện phổ cập kiến thức thì âu cũng là một niềm vui, cho dù đó là một niềm vui bất đắc dĩ, niềm vui an ủi. Sách không có giá trị, không hấp dẫn, thì ai người ta “đạo”. Sao chăng nữa, tôi thiển nghĩ rằng: Sách khoa học mà được tái bản nhiều lần và được bạn đọc yêu mến như vậy có thể coi là một hiện tượng trong kho tàng ấn phẩm Khoa học xã hội Việt Nam.

Sách có kết cấu 2 phần:

Phần 1: là phần khái quát về lịch sử chùa Việt Nam.
Phần 2: là phần giới thiệu những ngôi chùa tiêu biểu ở Việt Nam và ảnh minh hoạ.

Hai phần này bổ sung cho nhau một cách hài hoà, cân xứng tạo nên một tác phẩm khoa học và phổ cập khoa học vừa súc tích, vừa quy mô, vừa chuyên sâu, vừa dễ hiểu.
Phần I của Chùa Việt Nam do GS. Hà Văn Tấn – Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đảm nhận là một bài tổng luận nghiên cứu tuyệt vời gồm 3 phần nhỏ:
- Phần “Chùa Việt Nam: một cái nhìn chung”: trình bày các kiến thức chung quanh ngôi chùa Việt Nam: từ khái niệm về chùa đến công việc xây chùa, từ việc chọn đất xây chùa đến các kiểu chùa và cách bài trí tượng thờ trong chùa.
- Phần “Chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử”: giải quyết diễn biến của một ngôi chùa Việt Nam theo niên đại. Theo đó, chùa Việt Nam từ lúc khởi đầu từ đầu Công nguyên vốn hãy còn là các giả thiết đến dấu tích tháp Nhạn (Nghệ An) thế kỷ VII - IX, từ các cột kinh Phật thế kỷ X ở Hoa Lư cho đến tình hình xây dựng chùa tháp thời Lý, thời Trần, thời Mạc, thời Trung hưng, từ các ngôi chùa ở phía Bắc cho đến các ngôi chùa ở Trung Bộ, Nam Bộ.
- Phần “Chùa Việt Nam trong đời sống văn hoá cộng đồng” trình bày vai trò của ngôi chùa trong đời sống văn hoá Việt Nam, trong đó mỗi ngôi chùa cổ vừa là một bảo tàng lắng đọng quá khứ, một bảo tàng sống khi nó vẫn hàng ngày
--------

Ba phần viết có kết cấu lôgích, chặt chẽ, rõ ràng thể hiện rõ một trình độ học thuật rất cao, một tài năng trác việt khiến người đọc có thể nắm bắt rất nhanh nhiều tri thức cũng như các bước đi quanh ngôi chùa Việt Nam. Vì là dạng sách phổ cập kết quả nghiên cứu khoa học nên tác giả viết đã viết với văn phong hết sức sáng sủa, dễ đọc, dễ hiểu. Và mặc dù chủ yếu là một dạng phổ cập kiến thức nhưng bài viết vẫn hàm chứa chất nội dung khoa học rất cao. Chỉ một đoạn mở đầu ngắn thôi, tác giả đã chỉ ra các biến diễn phong phú, phức tạp của ngôi chùa xoay quanh chỉ độc có từ “Chùa” mà nguồn gốc thực ra đến nay vẫn chưa được làm rõ. Và, cũng chỉ có thế thôi, nếu ai đó mẫn cảm nghề nghiệp một chút sẽ thấy điều đó hé mở một điều là quanh ngôi chùa Việt Nam vẫn còn biết bao các bí ẩn kỳ thú cần được tiếp tục đi sâu khám phá.
Lần lượt như vậy, GS. Hà Văn Tấn tuần tự giải quyết các vấn đề từ giản đơn đến phức tạp, từ các vấn đề dễ hiểu đến các vấn đề rắc rối liên quan ngôi chùa phật Việt Nam bằng khối lượng kiến thức uyên bác. Tôi rất phục việc ông chưa đến chùa Lấm thời Trần ở Quảng Ninh, và chỉ đọc tài liệu của người khai quật nhưng ông đã có các xét đoán chức năng các kiến trúc ở đây rất xác đáng. Ngoài các kiến thức chuyên sâu, thỉnh thoảng tác giả lại hé lộ những chi tiết thật nhỏ nhưng cũng thật bất ngờ mà hết sức thú vị như bi ký chùa Non Nước (Ninh Bình) cho biết chùa ở đây có “bệnh điền” để minh họa cho chùa Việt một chức năng vô cùng quan trọng, nơi trồng thuốc chữa bệnh cho dân. Đọc bia chùa Đông Môn (Hà Nội), tác giả phát hiện ra chi tiết ở Việt Nam có chùa tư (tư tự) để làm rõ thêm tính đa dạng của chùa Phật thế kỷ 17. Những điều này tôi mới chỉ thấy được đề cập ở công trình này.
Những trang viết dung dị về chùa Việt Nam trong đời sống cộng đồng đã gợi lên một không khí lễ hội Phật giáo vô cùng sống động gắn bó chặt chẽ với các làng quê Việt Nam. Người đọc sẽ hiểu và yêu mến ngôi chùa Việt Nam biết bao thì hiểu thêm các giá trị văn hóa phi vật thể ngàn đời gần gũi và thân thương qua phần viết này. Trên hết từ những ngôi chùa Việt Nam, GS. Hà Văn Tấn, và hiển nhiên là cả hai tác giả đồng hành là Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long còn nhận thấy những ngôi chùa Phật Việt Nam phản ánh sự sáng tạo của văn hoá bản địa trên cơ sở sự tiếp biến văn hoá có lợi để làm phong phú thêm các giá trị của văn hoá Việt Nam.
Viết về chùa Việt Nam nói chung, tôi chưa thấy có tài liệu nào viết hay và hấp dẫn như phần viết trong cuốn Chùa Việt Nam. Tôi đã thấy khắp nơi, các nhà nghiên cứu của Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo, các bài giảng Đại học, các sinh viên Đại học và nghiên cứu sinh các cơ sở đào tạo sau Đại học đều tham khảo và trích dẫn ít nhiều từ phần viết của cuốn sách này.

Phần 2: Chùa Việt Nam giới thiệu 118 ngôi chùa tiêu biểu ở Việt Nam qua các thời kỳ ở mọi vùng miền khác nhau.

Trẩy hội chùa Láng (ảnh trong sách)
Mỗi một ngôi chùa có một phần viết tóm tắt lịch sử chùa. Kèm theo đó là các bản ảnh minh hoạ đẹp về di tích và di vật. Các bức ảnh này được tiến hành kiên trì trong nhiều năm ở mọi vùng miền của Tổ quốc là một kỳ công của hai nhà nhiếp ảnh khảo cổ Nguyễn Văn Kự và Phạm Ngọc Long. Nhiều di tích các ông phải đi lại rất nhiều lần, nhiều bức ảnh cũng được chụp đi chụp lại nhiều lần. Ảnh của hai ông rất đẹp với nhiều góc độ khác nhau, khi thì toàn cảnh di tích khá hoành tráng, khi cận cảnh từng pho tượng, từng di vật hay bất ngờ là một thành phần trang trí nào đó trong từng ngôi chùa. Xem lịch sử các ngôi chùa với những bức ảnh đẹp này, công chúng nói chung như được tham quan một chuyến du lịch nhanh mà có thể thâu tóm được khá đủ thần thái cơ bản của mỗi ngôi chùa mà các tác giả cần chuyển tải, nhà nghiên cứu chuyên sâu cũng có thể thu được rất nhiều các minh hoạ quý mà trong điều kiện hiện nay không phải lúc nào cũng sẵn có trong tay.
Các tác giả còn cố gắng sưu tầm được thêm một số bản vẽ minh hoạ, sơ đồ làm phong phú thêm cho sách.
Tóm lại Chùa Việt Nam là một công trình khoa học phổ cập kiến thức chùa Việt Nam đạt trình độ cao. Nó vừa khoa học, vừa hấp dẫn, vừa trí tuệ, vừa công phu.
Trước và sau cuốn Chùa Việt Nam cũng có một số công trình về chùa Việt Nam hoặc dưới dạng phổ cập toàn bộ, hoặc dưới dạng chuyên sâu chi tiết, nhưng sách dưới dạng vừa khoa học và phổ cập kiến thức tôi thấy khó có công trình nào thú vị, hấp dẫn như sách Chùa Việt Nam. Đó là cuốn sách mà các nhà nghiên cứu Phật giáo nói chung, các nhà nghiên cứu nghệ thuật Phật giáo nói riêng hẳn sẽ phải mở đi mở lại nhiều lần tựa như một loại sách tham khảo “gối đầu giường” vậy.
Hiểu các giá trị văn hóa vô giá qua các ngôi chùa mà cha ông ta đã để lại. Chùa Việt Nam không quên nhắc nhở các thế hệ con cháu cần cố gắng bảo tồn vốn quý đó trong thời kỳ hội nhập đừng để cho nó hòa tan mất bản sắc dân tộc, một bài học chưa bao giờ cũ trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam. Hiểu và thực hiện được điều đó chúng ta ngày càng thấy không hề dễ dàng chút nào cả trong bối cảnh trùng tu, tôn tạo và xây mới xô bồ như hiện nay.
Khi viết xong, tôi đưa bài viết cho một bạn nghề xem và xin nhận xét. Bạn nói: anh không thấy” Chùa Việt Nam” có “gợn” gì à? Tôi nói: yêu cầu của một nhà nghiên cứu thì vô cùng. ở đây tôi chỉ đánh giá trên phương diện đây là loại sách vừa khoa học, vừa phổ cập khoa học thì như thế là rất tuyệt.
Hiển nhiên tôi cũng tiếc là thiếu chùa Keo (Hành Thiện - Nam Định). Đấy là một trong ba ngôi chùa lớn nhất còn lại của Việt Nam (Keo Thái Bình, Keo Nam Định và Keo Bút Tháp) tiêu biểu cho những ngôi chùa lớn của Việt Nam.
Nếu có lần xuất bản thứ 5, tôi tin chắc ông Nguyễn Văn Kự sẽ bổ sung cho sự thiếu hụt này.
Chắc chắn đây là cuốn sách có sức sống lâu bền trong đời sống khoa học cũng như đời sống tinh thần của những bạn đọc yêu mến văn hóa dân tộc.
-----------
Giá sách: 496.000đ/cuốn (chuyển đến tận nhà miễn phí)
Liên hệ mua tại: Ban biên tập: Số 8A, ngách 17, ngõ 378 đường Lê Duẩn, Hà Nội. Điện thoại: 04.38521820 – 0903.265.331
Email:nguyenvanku@gmail.com




(1) “Chùa Việt Nam”, in lần thứ 4 có sửa chữa và bổ sung. Tác giả: Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long.Biên tập Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm. Nhà xuất bản Thế giới -2010. Sách dày 536 trang, khổ 22x28cm với hơn 1000 ảnh, bản vẽ, bản đồ giới thiệu 118 ngôi chùa trong cả nước. Ngoài số ảnh chủ yếu của Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long còn có một số tác giả khác, đặc biệt là ảnh của Đại đức Thích Minh Hiền (trụ trì chùa Hương Tích, Hà Nội)
tham gia vào đời sống văn hoá cộng đồng, khi mà chùa chiền là nơi siêu độ cho các linh hồn, nơi tiến hành các nghi lễ gắn bó chặt chẽ với việc cầu mưa, nơi diễn ra các lễ hội, các nghi lễ cổ truyền.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét