Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

Mẻ đãi cuối cùng tại Thành Dền



Cuộc khai quật Thành Dền lần thứ 7 sắp kết thúc, đoàn khai quật đang tiến hành những công việc đo vẽ, chụp ảnh mặt cắt và mặt bằng sinh thổ của các hố khai quật. Đào ba hố nên phải vẽ 12 mặt cắt, lại còn thêm mặt cắt của một số vách khống chế nữa. Mấy hôm đầu các vách hố khai quật được thầy Chiều chăm chút nên đẹp như tranh vẽ, nhưng rồi mưa nắng thất thường đã làm cho mép vách hố bị lở lói, trông mà đau hết cả ruột, bề mặt sinh thổ là trầm tích sét biển Pleistocene, người Đồng Đậu đào rất nhiều hố lớn, bé...nên nom cứ như cảnh trên mặt trăng. Khổ nhất là vẽ sinh thổ lồi lõm những hố là hố, công đoạn đo độ sâu chắc cũng vất không kém. Chỉ mong trời đừng mưa nữa, mỗi lần mưa xuống riêng công tát nước, dọn và nạo lại vách và mặt bằng không biết bao nhiêu mà kể.
Hôm thứ 4 (ngày 26.5), trời lúc mưa lúc tạnh, bà con nhân công về đi chợ, còn lại mấy cô trò, hai  chàng Tiến mặc áo mưa xuống dọn hố, xử lý nốt bếp số 13 của hố 3. Đất ở giữa bếp đen kịt, có vẻ rất tiềm năng. Cô trò quyết định đào và đãi đất trong những hố nước sâu xuống sinh thổ của  hố 3. Kết quả thật là hoành tráng, cả người đào, người đãi và người nhặt đều sướng râm ran.

Kết quả của một buổi sáng đào và đãi đất

Bếp (F13, hố 3) nằm ngay trên bề mặt sinh thổ, cách mặt đất hiện tại khoảng 1,2m

Lấy đất của 1/4 bếp nhặt và đãi, lấy than ở giữa bếp để xác định niên đại C14


Mẻ đầu cho thấy đầy hy vọng
Sau nhiều ngày đãi, tay nghề của mấy bà mấy chị lên cao

  Dây chuyền đãi gạo, thóc, nhặt sướng cả tay

Ngay giữa bếp là một tảng than tre, tha hồ làm C14 hay AMS, mỗi tội chưa biết kiếm đâu ra tiền và gửi đi đâu, viết thư gửi mấy nơi rồi mà chưa có hồi âm

Những hạt gạo đẹp long lanh, đa phần là gạo nếp, chỉ có vài hạt tẻ

Thiếu 7 hạt nữa là chẵn 900

Và chỉ được 3 hạt thóc lép khi đãi đất lấy ở vành bếp, thứ hai tuần tới chắc phải đốt thử một vài hạt thóc mới gặt trong bếp củi của nhà anh chị Đạt xem hình thù thế nào làm đối sánh!

Một mảnh khuôn đúc rìu bằng sa thạch nằm ngay trong bếp cạnh khá nhiều mảnh gốm giai đoạn văn hóa Đồng Đậu, khuôn có dấu bụi đồng li ti và lửa táp

Đáy bếp lộ ra sau khi lấy hết đất chứa dấu tích văn hóa

Trời mưa nắng thất thường nên việc để lại các hố đào chờ cuộc báo cáo sơ bộ tại xã Tự Lập xem ra khó khả thi. Sau mỗi cơn mưa, hố đào trông tang thương!

Phải mất nửa buổi sáng may ra mới tát hết nước, dọn bùn, nạo mặt bằng đảm bảo không còn đất rơi vãi.

Rốt cục, làm khảo cổ cũng vẫn phải "Ơn trời mưa nắng phải thì"!

2 nhận xét:

  1. 3 hạt thóc lép này cũng bị sém ( cháy ) hả Dung? Đúng là những hạt gạo đẹp long lanh thật, mà cái gộc than tre, bếp và khuôn đúc cũng hay quá, thấy mà ham!:) Nhưng nghĩ cũng thật buồn khi người làm khoa học phải thốt lên "Ngay giữa bếp là một tảng than tre, tha hồ làm C14 hay AMS, mỗi tội chưa biết kiếm đâu ra tiền và gửi đi đâu, viết thư gửi mấy nơi rồi mà chưa có hồi âm" ...

    Trả lờiXóa
  2. 3 hạt thóc này không bị cháy đâu vì nằm ở rìa bếp mà, nhưng lép rồi! Đang lo kiếm tiền làm phân tích các loại mẫu đây!

    Trả lờiXóa