Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Viện Di truyền Việt Nam








Giám đốc Hàm, TS. Hội (Viện Di truyền) và Th.s. Tiến (thành viên đoàn khai quật Thành Dền) 


Sáng nay theo lời hẹn, đoàn khảo cổ Thành Dền tới Viện Di truyền Việt Nam chứng kiến việc cấy 4 cây mạ trong số 10 cây mạ mọc từ thóc trong tầng văn hóa Đồng Đậu của Thành Dền. Có tới đây mới phần nào hiểu được công việc của các nhà nghiên cứu di truyền và mới thấy được tầm quan trọng của sinh học, đặc biệt là sinh học di truyền.

Phải nói thêm rằng, khi phát hiện một số hạt trong đám thóc, gạo thu được từ hố rác bếp số 3 của hố khai quật 2, chúng tôi đã gọi điện thoại đi một số nơi nhờ tư vấn và giúp đỡ. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam là cơ quan phản hồi nhanh nhất. Gọi điện thoại buổi sáng, thì ngay buổi trưa, PGS.TS. Lê Huy Hàm, viện trưởng đã trực tiếp sang tận hố khai quật và nhận chăm sóc giúp chúng tôi  8 hạt thóc cổ nảy mầm, mặc dù ông chưa thể tin được đó là những hạt lấy ra từ tầng đất văn hóa có tuổi trên 3000 năm (và tôi cũng cho rằng, đến bây giờ ông vẫn chưa thể tin). Tuy nhiên, với tư cách là một nhà khoa học và một nhà quản lý ông đã có cách ứng xử rất trách nhiệm và rất cẩn trọng. Những hạt thóc nảy mầm đã được Viện Di truyền chăm sóc rất cẩn thận (dù chúng tôi biết, những nhà khoa học và những nhân viên của Viện chả ai tin được đây là những hạt thóc cổ!).

Hai hạt nẩy mầm còn lại chúng tôi có ý định nhờ Viện Lúa, Đại học Nông nghiệp I chăm sóc và nghiên cứu để sau này có tư liệu so sánh, song rất tiếc họ đã không nhận lời. Hôm nay tình cờ tôi đọc được bài viết của PV báo Khoa học và Đời sống  phỏng vấn ông Hoan, Viện trưởng Viện này về chuyện thóc cổ Thành Dền. Sẽ là chuyện thường tình khi ông không tin vì đây là sự kiện chưa có tiền lệ trong khoa học, nhưng khi đọc đoạn ông Hoan trả lời câu hỏi của phóng viên rằng có thể đây là sự lừa đảo trong khoa học thì những người khai quật chúng tôi thực sự ngỡ ngàng và thất vọng. Tôi đồ rằng ông chưa từng tiếp xúc với những hạt thóc này, chưa biết Thành Dền ra sao, chưa hiểu tí  gì về công việc khai quật khảo cổ học và chắc cũng chưa đọc những bài viết nhiều chiều về phát hiện này. Tuy vậy, điều này cũng không ảnh hưởng tới công việc của đoàn khai quật và những nỗ lực tìm kiếm các nghiên cứu liên ngành vì chúng tôi cho rằng người làm khoa học thực sự chỉ được phép hoài nghi chứ không được phép đưa ra những kết luận hồ đồ và vô trách nhiệm!  

Tại Viện Di truyền 4 cây mạ đã được cấy, các vỏ trấu được tách ra và giao lại cho đoàn khảo cổ. Nhờ có kính hiển vi điện tử những vỏ trấu này cùng với một số hạt thóc khác tìm được trong hố khai quật đã được chụp và số hóa tư liệu. Giám đốc Hàm hứa rằng sẽ giúp chúng tôi chụp toàn bộ những hạt thóc, vỏ trấu và hạt gạo cháy bằng kính này và trước mắt một số hạt thóc còn mẩy sẽ được lưu giữ trong tủ lạnh sâu của Viện sau đó sẽ được xử lý bằng Nitơ hóa lỏng.

Từ những buổi làm việc với Viện Di truyền, Viện Quy hoạch Nông nghiệp... và từ thực tế của cuộc khai quật, chúng tôi đi đến quyết định giữ lại một số hố rác bếp ở các hố khai quật lần này bằng cách bao phủ và lấp đất đợi khi có kết quả xác định niên đại của những hạt thóc này cả về khảo cổ cả về sinh học sẽ tổ chức khai quật tiếp với sự tham gia ngay từ đầu của chuyên gia của nhiều ngành khoa học khác nhau.

Một số ảnh chụp ở Viện Di truyền Việt Nam




Tủ lạnh sâu âm 80 độ
 
Hạt từ những cây lúa Thành Dền sẽ được phân tích bằng những cái máy này!

Chụp hạt thóc và vỏ trấu bằng kính hiển vi điện tử này

Cây mạ có rễ cực dài

Hạt thóc mọc rễ ở hố rác bếp 14 hố 3 chụp bằng kính hiển vi điện tử

Một trong những vỏ trấu tách ra từ cây mạ trước khi đem cấy








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét