Hồng Quân
Để mở đường cho xe chở cát vào đổ nền khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội, công ty Thăng Long 9 đã cho xe xúc san phẳng 250 m2 gò Vườn Chuối, một di chỉ khảo cổ rất quan trọng ở miền Bắc Việt Nam.
Gò Vườn Chuối là một trong 6 gò đất thuộc cùng một phức hệ di tích, nằm trên địa phận thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969, địa điểm này được biết đến như một di chỉ khảo cổ rất quan trọng ở miền bắc Việt Nam.
Vụ việc xâm phạm gò Vườn Chuối được ông Phạm Văn Hùng, đội trưởng đội an ninh thôn Lai Xá phát hiện vào khoảng 9h sáng hôm qua.
Gò Vườn Chuối là một gò đất cao khoảng 1m, rộng hàng nghìn mét vuông đã bị san phẳng một góc khá lớn.
Theo ông Hùng, một nhóm nhân công có trang bị xe xúc và máy đo trắc địa của công ty Thăng Long 9 bắt đầu tiến hành san ủi gò Vườn Chuối từ sáng sớm. Khi được phát hiện, một diện tích khá lớn của gò đã bị san phẳng. Mục đích của việc làm này là để mở đường cho xe chở cát từ đường 32 vào đổ nền cho dự án khu đô thị Kim Chung – Di Trạch.
Các cột mốc đánh dấu đã được công ty Thăng Long 9 đóng trên gò Vườn Chuối vào một tuần trước. Tuy nhiên, khi đó chưa ai biết ý định của công ty này. Ông Hùng đã thông báo cho chính quyền thôn Lai Xá và xã Kim Chung biết sự việc.
Sau khi nhận phản hồi của chính quyền địa phương, đại diện của công ty Thăng Long 9 đã đến hiện trường và yêu cầu ngừng mọi hoạt động san ủi ở gò Vườn Chuối. Lý do mà Thăng Long 9 đưa ra để giải thích cho chuyện xâm phạm gò Vườn Chuối là do “làm nhầm”.
Trao đổi với Đất Việt, ông Lê Văn Nhật, trưởng thôn Lai Xá cho biết: việc công ty Thăng Long 9 cho xe cơ giới san ủi gò Vườn Chuối là hoàn toàn sai trái, bởi địa phương đã có công văn và đang chờ những ý kiến chỉ đạo việc khai quật và bảo tồn di chỉ khảo cổ này.
Theo ông Nhật, trước đây đơn vị thi công của công ty Thăng Long 9 đã đặt vấn đề với thôn yêu cầu các hộ dân chưa nhận tiền giải phóng măt bằng cho “đi nhờ” qua một phần đất bên dưới gò Vườn Chuối. Vì chưa nhận tiền nên các hộ này kiên quyết không cho đi.
Có lẽ, do bị thúc ép tiến độ mà công ty Thăng Long 9 đã tự ý san ủi gò Vườn Chuối, vốn là đất công, để tránh sự phản đối của người dân khi mở đường.
Tại nền đất bị san ủi, rất nhiều mảnh gốm cổ xuất lộ.
Có mặt tại hiện trường, thạc sỹ Bùi Hữu Tiến, cán bộ Bảo tàng Nhân học bức xúc cho hay: “Việc làm của công ty Thăng Long 9 là không thể chấp nhận được, bởi di chỉ khảo cổ Vườn Chuối là một di chỉ có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành khảo cổ trong nước”.
Diện tích bị san phẳng tại gò Vườn Chuối vào khoảng 250 m2. Tuy nhiên, vẫn còn may mắn là sự việc đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, và khu vực bị phá hoại nằm ở phần rìa phía Tây, không phải là khu trung tâm của gò Vườn Chuối.
Một số mảnh gốm cổ được thu thập tại gò Vườn Chuối sáng 26/5.
Ghi nhận của Đất Việt, trên nền đất bị san ủi xuất hiện rất nhiều mảnh gốm cổ. Thạc sỹ Tiến cho biết, những mảnh gốm này có niên đại từ thời kỳ Đông Sơn, cách ngày nay trên dưới 2.000 năm. Bên cạnh mảnh gốm, có cả các công cụ bằng đá và khuôn đúc đồng của người Việt cổ.
“Sau khi một đại học đưa đoàn sinh viên về khảo cổ thì chúng tôi được biết khu vực Vườn Chuối là một di tích lịch sử quan trọng cần được bảo tồn. Đây là niềm tự hào thứ 2 của người Lai Xá, sau việc làng Lai Xá được công nhận là một làng nghề nhiếp ảnh”, một người dân thôn Lai Xá nói.
NGUỒN: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Thang-Long-9-san-phang-di-chi-khao-co/20105/94636.datviet
“NHẦM” tý thôi mà! Các bác chớ có đưa em ra tòa mà buồn cười.
Duy nhất, mới chỉ có 1 người dám dọa đưa hành động xâm phạm di tích ra tòa là GS Trần Quốc Vượng. Và Thầy đã buộc Hà Nội: Ngừng thi công mở rộng đường Nguyễn Tri Phương.
Hồi tháng 11/2004, người ta mở rộng đường Nguyễn Tri Phương xuyên qua Thành cổ để làm lối đi cho trụ sở Bộ Quốc phòng mới. Khi Sở Giao thông công chính Hà Nội đã đào một hố dài 37m, rộng 8m, sâu 1,5m, làm xuất lộ nhiều hiện vật thời Lê và thời Nguyễn…
Trong dư luận phản đối Thầy Vượng lên tiếng gay gắt nhất khi tuyên bố sẽ Kiện UBND Hà Nội. Kết quả, đường ống cống ngầm của con đường này chỉ được đào sâu 1,5 m thay vì 3,0m đế không phá hủy di tích bên dưới.
Chiều qua, tôi được một đồng nghiệp báo rằng: Ở khu di tích Đô thị cổ Hội An- di sản văn hóa thế giới, người ta đang dùng máy xúc đào đường để hạ ngầm đường điện và nhiều thứ khác. Các cơ quan văn hóa đều bị đẩy ra rìa, “cùng với chó”.
Xin cập nhật chuyện này sau khi có thêm thông tin đầy đủ hơn.
.
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN
http://nhkien.blogspot.com/2010/05/thang-long-9-san-phang-di-chi-khao-co.html#comment-form
Cách đây 2 hôm, cô trò tui đang đãi đất ở hố rác bếp số 13 của hố 3 di tích Thành Dền, đang rất hí hửng vì quá nhiều gạo cháy (đến nay đã thu được hơn 700 hạt gạo cháy và 3 hạt thóc) thì bác Hùng từ Vườn Chuối hớt hải gọi điện sang báo tin. Tiến vội chạy từ Thành Dền (Mê Linh) sang Vườn Chuối (Hoài Đức). Cũng còn may mà cán bộ thôn Lai Xá rất có trách nhiệm, nên đã ngăn chặn được việc đào làm đường này, nếu không thì chỉ biết khóc mà thôi. Tui chả biết làm thế nào bèn gọi cho Cục Di sản (nghĩ chả ăn thua), sau đó gọi cho vài phóng viên (mới quen sau vụ thóc Thành Dền)!
Thời buổi này công văn của UBND Hà Nội xem ra chỉ để làm phép thế thôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét