Written by Tự Thanh Cao Văn Dũng Hán Nôm K1
Saturday, 20 February 2010 21:31
Ngay sau khi vừa được phổ biến rộng rãi, quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam của tác giả Trần Ngọc Thêm (Trường Đại học Tổng hợp thành phố HCM in, 1995) đã thu hút sự chú ý của nhiều người đọc sách. Bởi vì mặc dù chỉ là một tài liệu lưu hành nội bộ, đây lại là hóa thân của công trình Tính hệ thống của văn hóa Việt Nam - một đề tài khoa học cấp Bộ đã được nghiệm thu năm 1994 đồng thời là hậu thân của giáo trình cùng tên đã được đưa vào giảng dạy trong một số trường Đại học vài năm gần đây. Tác dụng xã hội của quyển sách do đó đã vượt khỏi phạm vi một công trình nghiên cứu văn hóa thông thường, nên việc nhìn nhận giá trị đích thực của nó là một điều cần thiết.
Giở qua Cơ sở văn hóa Việt Nam, một người đọc bình thường cũng có thể thấy ngay rằng nó chứa đựng khá nhiều sai sót, trước hết do kiến thức cơ sở của tác giả về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Báo Văn nghệ số 17 và 18 ngày 27. 4 và 4. 5. 1996 đã đăng tải một bài viết nêu ra hàng loạt sai lầm kỳ quặc loại cốm thóc nếp tẻ chiêm mùa trong quyển sách. Cũng có thể kể thêm nhiều ví dụ tương tự, chẳng hạn thực dân Pháp “lập ra Nam Kỳ tự trị” sau khi đánh chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ năm 1867 (tr. 385), “Kim Đồng thời đánh Pháp, Võ Thị Sáu thời đánh Mỹ” (tr. 398)... Tuy nhiên, các học giả lớn đôi khi không biết tới những sự thật nhỏ, vả lại đó là hệ thống những sai sót mà người đọc bình thường nào cũng có thể đính chính ngay không cần tới “cách tiếp cận hệ thống” hay “phương pháp hệ thống - cấu trúc” sang trọng như Trần Ngọc Thêm, nên chúng chỉ làm tổn thất uy tín của riêng tác giả chứ không phương hại gì tới khoa văn hóa học. Điều quan trọng đáng nói là bên cạnh cái kiến thức cơ sở cần phải đính chính và bổ sung khá nhiều ấy, Trần Ngọc Thêm còn có một kiến thức lý thuyết và lý luận nông cạn và chắp vá về văn hóa. Chính sự nông cạn và chắp vá này mới làm hại cho văn hóa học, với các sai lầm của quyển sách về cả nội dung khoa học lẫn định hướng thực tiễn, về cả phương pháp nghiên cứu lẫn thao tác chứng minh. Tình hình này thể hiện đặc biệt rõ nét ở hai chương đầu (Văn hóa học và văn hóa Việt Nam và Văn hóa nhận thức), mà trước tiên là ngay từ định nghĩa về văn hóa.
Khởi đi từ cách hiểu “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”, Trần Ngọc Thêm đi tới kết luận văn hóa gồm bốn đặc trưng (tính hệ thống, tính giá trị, tính lịch sử, tính nhân sinh) và ba chức năng cơ bản (tổ chức xã hội, điều chỉnh xã hội, giáo dục) (tr. 20 - 24). Ở đây không phải chỗ để vạch chữ tìm nghĩa, nhưng tính chủ động, tính nhân đạo hay chức năng nhận thức, chức năng định hướng, chức năng tái tạo thế giới... của văn hóa là những điều cần đề cập mà chưa được đề cập hay đề cập chưa đúng mức trong quyển sách cho thấy Trần Ngọc Thêm chưa thực sự nắm vững bản chất của văn hóa. Bởi vì văn hóa là một hệ thống giá trị, nhưng nhìn từ một góc độ khác, nó còn là một thế giới quan (worldview) thể hiện và phản ảnh sự lựa chọn của con người trong những điều kiện sống nhất định, sự lựa chọn này biến hệ thống các giá trị văn hóa thành hệ thống chuẩn mực xã hội trước hết trong các hành vi sáng tạo. Và ngay định nghĩa nói trên cũng chưa chính xác. Các giá trị văn hóa luôn luôn được tạo ra trong những điều kiện cụ thể và một cách có mục đích, nên văn hóa không chỉ bao gồm các giá trị được tạo ra mà còn cả những cách thức sáng tạo và sử dụng các giá trị ấy. Dĩ nhiên những cách thức này cũng là những giá trị do con người tạo ra, nhưng đó là một loại giá trị đặc biệt, mang ý nghĩa định tính và đóng vai trò thước đo về trình độ phát triển của mọi nền văn hóa. Vì nếu phương thức phát triển của hệ thống các giá trị được tạo ra chủ yếu là thay thế, phủ định lẫn nhau thì của hệ thống những cách thức sáng tạo và sử dụng này chủ yếu lại là kế thừa, bổ sung cho nhau, nên nó lưu trữ nhiều kinh nghiệm và trí tuệ hơn đồng thời cũng có khả năng dự báo và định hướng cao hơn. Nói theo ngôn từ của các nhà ngôn ngữ học thì đây chính là các yếu tố ngữ pháp và phong cách của một nền văn hóa, cũng vận động và thay đổi theo lịch sử nhưng luôn mang tính ổn định, thống nhất cao hơn hẳn so với các yếu tố từ vựng và ngữ âm. K. Marx từng có một kết luận cần nhắc lại về vấn đề này “Những cá nhân biểu hiện đời sống của mình như thế nào thì họ là như thế ấy, do đó họ là như thế nào, điều đó ăn khớp với sản xuất của họ, với cái mà họ sản xuất cũng như cách họ sản xuất” (K. Marx và F. Engels, Tuyển tập, tập I, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 269). Cho nên với định nghĩa của Trần Ngọc Thêm, người ta sẽ không thấy được sự khác biệt văn hóa giữa hai cái ngạnh trên chiếc lưỡi câu thời tiền sử và thời hiện đại : trên phương diện là một giá trị được tạo ra thì cái ngạnh ấy đã được hoàn chỉnh hàng ngàn năm trước về mặt công cụ để đảm bảo chức năng giữ chặt con cá câu được của nó rồi, nên sự phát triển văn hóa ở đây chỉ nằm trên phương diện cách thức tạo ra, tức kỹ thuật chế tác công cụ ma thôi. Tương tự, hai ca sĩ tài năng đều có thể thành công khi trình bày cùng một bài hát nhưng chắc chắn họ sẽ đưa lại cho người nghe hai cảm xúc thẩm mỹ khác nhau : rõ ràng nhiều giá trị văn hóa đã được tạo ra ngay trong quá trình con người sử dụng - tiêu dùng các giá trị văn hóa. Tóm lại, định nghĩa nói trên chỉ mới đề cập tới cái lượng, cái hình chứ chưa giới thiệu được về cái chất, cái thần của văn hóa. Không lạ gì mà Trần Ngọc Thêm đã chạy theo số lượng khi nỗ lực giành quyền tác giả cho phương Nam, cho Bách Việt các giá trị loại Hà đồ, Lạc thư trên một đường hướng ít minh bạch và với những thao tác thiếu thẳng ngay kiểu nhập nhằng đánh đồng phương Nam với Việt Nam, Bách Việt với Lạc Việt. Ở đây cũng cần nhìn qua sự hiểu biết của tác giả Cơ sở văn hóa Việt Nam về những khái niệm loại âm dương, Ngũ hành, Bát quái..., vì giới thiệu chúng trong chương Văn hóa nhận thức, Trần Ngọc Thêm đã công nhiên gieo rắc nhiều kiến thức sai trái ngoài việc mặc nhiên coi chúng là uyên nguyên của truyền thống triết học và tư tưởng Việt Nam.
Trước hết, hãy nói tới những kiến giải về âm dương. Triển khai hai phạm trù nhận thức này vào việc tìm hiểu lịch sử văn hóa, trong nhiều chương sau, Trần Ngọc Thêm đã nhiều lần nhắc lại về hai hệ thống văn hóa - nền văn hóa du mục (và gốc du mục) trọng dương thiên động phương Bắc và nền văn hóa nông nghiệp trọng âm thiên tĩnh phương Nam. Lối phân loại và khái quát lịch sử văn hóa của nhân loại theo một mô hình đăng đối như thế chính xác tới mức nào thì tạm thời chưa bàn, chỉ cần nói ngay rằng Trần Ngọc Thêm đã sai lầm ngay từ những kiến giải về âm dương với việc lấy hình thức làm loại hình, đem khái niệm làm thuộc tính. Ví dụ ở đoạn về “Hai quy luật của triết lý âm dương”, Trần Ngọc Thêm viết “Quy luật về Bản chất của các thành tố : không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong dương có âm và trong âm có dương”, rồi nêu ra hai yêu cầu khi xác định tính chất âm dương của một đối tượng là phải “xác định đối tượng so sánh” và “xác định cơ sở so sánh” (tr. 82). Chỉ có một điều gần đúng, vì phải được đặt vào ít nhất là một quan hệ với ít nhất là một sự vật, hiện tượng khác cùng hệ thống thì một sự vật, hiện tượng mới có thể được coi là âm hay dương, chứ tự thân nó thì chẳng âm cũng chẳng dương gì cả, cũng như Thái cực vốn vô đối nên không phân âm dương vậy. Nhưng thao tác gần đúng ấy lại bị “sai hóa” trong hệ thống cấu trúc kiến thức về âm dương của Trần Ngọc Thêm mà trở thành một lối lập luận bị động, đối phó vì bị gắn với một quan niệm sai lạc gán cho tất cả các sự vật trên đời hai thuộc tính âm hay dương hoặc ít hoặc nhiều! Chính vì vậy mà quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam đầy rẫy những lập luận ngụy khoa học và kết luận phi lịch sử kiểu “... tên gọi các đối lập cơ bản, thiết yếu (cũng tức là xuất hiện trước nhất) đều tuân theo thứ tự âm trước, dương sau : âm dương, vợ chồng, chẵn lẻ, vuông tròn... (tên gọi các đối lập không cơ bản như cha mẹ, ông bà... xuất hiện muộn hơn, do vậy đã chịu ảnh hưởng gốc du mục trọng nam, trọng dương tính)” (tr. 91). Thật không sao tin nổi rằng tiếng Việt có từ “vợ chồng” trước khi có những từ như “bố cái”,”cha mẹ”, và thật không rõ vì sao tổ tiên ta lại nói “đực cái”, “trống mái” mà không nói ngược lại cho nó trọng âm, trong khi chắc chắn họ phải có ý niệm về đực cái trống mái trước khi có ý niệm vợ chồng mà cũng không cần gì chịu ảnh hưởng của văn hóa gốc nào. Hơn thế nữa, nếu triển khai lập luận và kết luận ấy thì có lẽ ngay cả các nhà ngôn ngữ học cũng đớ lưỡi không nói được các từ ghép loại sông núi - núi sông, trắng đen - đen trắng, ngày đêm – đêm ngày, gạo thóc - thóc gạo là được cấu tạo theo thứ tự trọng âm hay trọng dương ! Bởi vì âm dương là một cặp khái niệm biểu kiến trong tư duy triết học của người phương Đông cổ, nó phản ảnh và khái quát hóa một cách đơn giản nhưng hàm súc sự khác biệt mang tính thống nhất biện chứng giữa các hiện tượng, lãnh vực và quá trình của thế giới chứ không phải là bản chất hay thuộc tính của các hiện tượng, lãnh vực và quá trình ấy... như lối nhận thức và suy diễn của Trần Ngọc Thêm.
Về Ngũ hành thì phức tạp hơn, nên Trần Ngọc Thêm càng hiểu ít hơn. Quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam giảng giải về Ngũ hành sinh khắc theo kiểu trực quan giống hệt các sách Tử vi nhập môn, nhưng tác giả chưa hiểu được sự tinh tế của cổ nhân khi đặt ra các quan hệ ấy nên mới giải thích Mộc khắc Thổ như “cây hút chất màu của đất” (tr. 104). Nói như vậy thì là Thổ chứ đâu phải Thủy sinh Mộc? Quan hệ tương sinh tương khắc ở đây cũng là những phạm trù biểu kiến trong tư duy triết học của người Trung Hoa cổ, chúng phản ảnh sự mâu thuẫn có tính hiện tượng, bề mặt và sự thống nhất có tính bản chất, bên trong của giới tự nhiên. Nếu Trần Ngọc Thêm thực sự có một “cách tiếp cận hệ thống” thấu đáo và nhất quán thì sẽ thấy ngay rằng các quan hệ tương khắc là các quá trình cơ lý không đưa tới những biến đổi về chất (đất ngăn nước, nước dập lửa, lửa nung sắt, sắt chặt cây, rễ cây phá đất), còn các quan hệ tương sinh mới là các quá trình hóa sinh đưa tới những biến đổi về chất của Ngũ hành. Bên cạnh đó, để phản ảnh chi tiết hơn về giới tự nhiên, các quan hệ sinh khắc còn được chia ra làm hai dạng xuất nhập, chẳng hạn Kim khắc Mộc là Kim khắc xuất còn Mộc bị khắc nhập, Kim sinh Thủy là Kim sinh xuất còn Thủy được sinh nhập..., ngoài ra còn phải kể tới các quan hệ trùng hành kiểu “Lưỡng Hỏa Hỏa diệt, lưỡng Kim Kim khuyết, lưỡng Mộc Mộc chiết” mà có lẽ Trần Ngọc Thêm chưa biết. Nếu nhìn trên một diễn tiến tương sinh khởi từ Thổ (Thổ là mẹ muôn vật, Thủy là nguồn muôn vật, không có Thổ không sinh, không có Thủy không trưởng...) thì quá trình vận động của Ngũ hành là Thổ => Kim => Thủy => Mộc => Hỏa => Thổ... Tuy nhiên, Thổ sinh Kim nhưng khắc Thủy tức là khắc cái mà Kim sinh, Kim sinh Thủy nhưng khắc Mộc tức là khắc cái mà Thủy sinh...: rõ ràng người xưa đã thấy sự chuyển hóa giữa hai mặt thống nhất và đối lập trong quá trình vận động, phát triển của thế giới. Nhưng mô hình Ngũ hành còn thiếu sót trong việc phản ảnh một thế giới thống nhất, hoàn chỉnh, đa dạng và tự vận động. Thứ nhất, nó bao gồm năm yếu tố đẳng lập nên phải được thể hiện bằng một hệ thống không gian, không thể “nhất ngôn dĩ quán chi” nên lại tạo ra ý niệm về một thế giới bị chia cắt thành năm phần trong nhận thức, mặt khác thế giới ấy có điểm không nhất quán : hành Thổ về phương vị thì có vai trò định vị, thống thuộc các hành còn lại vì đứng ở trung ương còn trong quan hệ cả tương sinh lẫn tương khắc thì lại ngang hàng với bốn hành kia vì phải nằm trên một chuỗi năm điểm liên tục để đảm bảo tính liên tục trong sự vận động của thế giới. Thứ hai, sơ đồ tương sinh không ghi nhận được một cách đồng thời các quan hệ tương khắc (Thổ => Thủy => Hỏa => Kim => Mộc => Thổ...), bằng chứng là ngay cả Trần Ngọc Thêm với “phương pháp hệ thống - cấu trúc” được vài giáo sư khen nức nở mà cũng phải vẽ thành hai bảng riêng rời với sự bố trí Ngũ hành khác hẳn nhau chứ không hệ thống hóa và đồng hiện được trong một cấu trúc chung nhất (tr. 104), tình hình này không ăn khớp với quy luật trong khắc có sinh trong sinh có khắc nói theo triết lý âm dương. Thứ ba, các sơ đồ ấy không phản ảnh được đầy đủ thực tế, chẳng hạn Thủy khắc Hỏa nhưng gặp lúc “nước gáo lửa xe” thì kẻ bị cháy nhà chỉ còn cách bỏ của chạy lấy người, hay Thổ khắc Thủy nhưng vẫn có chuyện “Đê dài sắp vỡ, một vốc đất khó nỗi duy trì” nói như Nguyễn Trãi, mặt khác nhìn lên hai sơ đồ sinh khắc thì chỉ thấy Thổ là Thổ hay Thủy là Thủy, không có các dạng đan xen, phối hợp giữa năm hành kiểu “Thổ đới Thủy, Hỏa đới Kim” như giới Tử vi về sau tạo ra, tóm lại không làm rõ được sự khác biệt giữa lượng và chất, giữa nguyên lý và thực tế... Thứ tư, các quan hệ sinh khắc nói trên không thể hiện rõ sự vận động nội tại của sự vật, những thay đổi, chuyển biến mà đặc biệt là ở các quan hệ tương khắc chỉ được mô tả như các vận động có động lực bên ngoài. Chính các thiếu sót ấy đã hạn chế khả năng ứng dụng của thuyết Ngũ hành trong đời sống xã hội, trong việc tổng kết, lý giải và dự báo về hiện thực xã hội, và người xưa đã tìm tới Bát quái.
Tới Bát quái thì phải thẳng thắn để nói rằng Trần Ngọc Thêm không biết gì cả nhưng lại viết khá nhiều và đặc biệt là như rất biết, đây dường như cũng là biệt tài của một số học giả đời nay... Truyền thuyết từ Bát quái Tiên thiên tới Bát quái Hậu thiên thật ra phản ảnh quá trình hình thành rồi định hình của Bát quái, chứ hoàn toàn không phải vì thay đổi mục đích sử dụng như Trần Ngọc Thêm viết (hay chép đâu đó) rằng với sự điều chỉnh để làm chính trị của Chu Văn vương, hệ thống Bát quái Tiên thiên phản ánh các hiện tượng tự nhiên đã trở thành mô hình Bát quái Hậu thiên phản ánh các hiện tượng xã hội (tr. 111 - 113). Từ khi hình thành, Bát quái luôn luôn hướng tới mục đích tìm hiểu hiện thực khách quan trong đó chủ yếu là đời sống xã hội. “Quái giả quải dã. Huyền quải vật tượng dĩ thị ư nhân, cố vị chi quái” (Quái (quẻ) là quải (treo). “Treo” các hiện tượng thiên nhiên lên để tỏ việc cho người, nên gọi là quái). Các tượng quẻ như Trời Đất Lửa Nước... là một cách nói hình tượng (về cả ngôn ngữ lẫn chữ viết thì Càn Khôn Ly Khảm đều không phải là Thiên Địa Hỏa Thủy), các danh hiệu Chấn Trưởng nam, Đoài Thiếu nữ... cũng chỉ là một cách nói hình tượng để dễ ghi nhớ thứ tự theo âm dương của sáu quẻ Chấn Khảm Cấn Tốn Ly Đoài, còn phương vị của Bát quái trong không gian cũng tương tự như Ngũ hành, đều là các quy ước mang tính biểu trưng. Nhưng điều quan trọng nhất mà Trần Ngọc Thêm không biết về Bát quái là nó không mô tả một thế giới năm thành phần như Ngũ hành. Nó coi thế giới là nhất nguyên nhất thể (Thái cực), các khác biệt của thế giới là do sự vận động nội tại tạo ra (Thái cực sinh Lưỡng nghi), và bản thân các khác biệt ấy cũng hàm chứa sự vận động nội tại phủ định chính chúng (Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, tức trong Thái âm có Thiếu dương, trong Thái dương có Thiếu âm)..., còn nó là các hiện thực khác nhau trong quá trình vận động nói trên. Sơ đồ Bát quái nhờ vậy đã giản lược được yếu tố không gian, nên Bát quái chỉ còn phải phản ảnh thế giới trong sự vận động của nó trên trục thời gian, hay nói gọn hơn, mỗi quẻ trong Bát quái là một thời điểm của hiện thực. Do không biết điều sơ đẳng này, Trần Ngọc Thêm đã trượt dài trên con đường sai lạc tới bảng so sánh Ngũ hành và Bát quái về lối tư duy với các cứ liệu (nhờ suy diễn mà có) là mỗi hành trong Ngũ hành “có nhiều nghĩa, vừa cụ thể vừa trừu tượng, có quan hệ tương sinh tương khắc, bao quát được cả trung tâm”, còn mỗi quẻ trong Bát quái “chỉ có một nghĩa, luôn rất cụ thể, không có quan hệ gì với quẻ khác, bỏ trống trung ương” (tr. 115). Nhưng không thể so sánh Ngũ hành với Bát quái kiểu ấy, vì nó cũng giống như nói “Anh ấy bị thương hai lần, lần ở chân nặng hơn lần ở Trường Sơn” vậy. Ngũ hành trước hết là các yếu tố tự nhiên, được khái quát hóa thành hệ thống khái niệm phản ảnh nhận thức của con người về các hiện tượng, lãnh vực và quá trình của giới tự nhiên, còn Bát quái là các khái niệm nhân tạo, được vận dụng như hệ thống phương tiện để nhận thức về các quá trình của thế giới, đặc biệt là của hiện thực xã hội. Cần nói thêm rằng phải hiểu một quẻ (cả đơn quái lẫn trùng quái) là một thời điểm biểu kiến của hiện thực thì mới đúng tinh thần “Dịch giả dịch dã” (Dịch là biến đổi) của kinh Dịch. Chính vì nhìn nhận Bát quái trên một sơ đồ không gian như Ngũ hành nên Trần Ngọc Thêm mới nói liều rằng mỗi quẻ trong Bát quái không có liên hệ gì với quẻ khác và Bát quái bỏ trống trung ương. Hệ thống các quẻ trong Bát quái liên hệ với nhau rất chặt chẽ, chẳng hạn mỗi quẻ (đơn quái) đều có thể biến thành bảy quẻ kia nếu đổi các hào dương thành hào âm và ngược lại, còn cái trung ương mà Trần Ngọc Thêm cho là thiếu ấy thì thật không ai chỉ ra được cho thời gian. Nếu nói cho thật đúng với kinh Dịch thì trung ương của Bát quái chính là cái không gian biểu kiến tức phần thể là đồ hình Thái cực Lưỡng nghi Tứ tượng, chứ Bát quái chỉ là phần dụng của cái thể Thái cực ấy mà thôi... Cũng có thể đọc thấy một vài đoạn viết liều lĩnh tương tự về Tứ đại (đất nước lửa gió), tóm lại về triết học cổ phương Đông thì sự hiểu biết của Trần Ngọc Thêm hiện tại may ra chỉ đủ để nghe giảng mà biết chứ chưa đủ để tự học mà hiểu, vậy lấy gì mà dạy cho các sinh viên bất hạnh phải học âm dương Ngũ hành Bát quái qua quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam?
Sau chương Văn hóa nhận thức, quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam còn có một số chương mang tên Văn hóa tổ chức cộng đồng..., Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội, tóm lại tác giả chia văn hóa làm bốn phân hệ là Nhận thức, Tổ chức cộng đồng, Ứng xử với tự nhiên, Ứng xử với xã hội, trong đó những vấn đề như Phật giáo được xếp vào phân hệ Ứng xử với xã hội còn những vấn đề như Tín ngưỡng được xếp vào phân hệ Tổ chức cộng đồng. Thật là một cấu trúc có thể làm đảo lộn quan niệm của những người tìm hiểu văn hóa trong nhiều năm, có điều không thấy tác giả nêu ra căn cứ nào để lý giải về cách phân loại văn hóa không giống ai ấy. Con người không còn là con vật từ khi họ biết sản xuất, nghĩa là có ý thức sáng tạo ra những giá trị vốn không có trong tự nhiên. Và nếu lấy sự phân công lao động làm tiêu chuẩn phân loại thì có thể chia các hoạt động xã hội của con người ra làm năm kiểu (lãnh vực) cơ bản là sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần, quản lý, giao tiếp và tái sản xuất sinh học - xã hội. Sự nghiên cứu, phân loại văn hóa không thể tách rời năm lãnh vực hoạt động cơ bản này. Nhưng khởi đi từ một kiến thức thiếu sót về văn hóa học, Trần Ngọc Thêm lại đi tới một tiêu chuẩn phân loại độc đáo kiểu như xếp Phong tục vào phân hệ Tổ chức cộng đồng (Đời sống cá nhân) và xếp Nho giáo vào phân hệ Ứng xử với xã hội! Nhưng Nho giáo đâu phải chỉ là một cách ứng xử? Hệ thống học thuật - lý luận (Nho học) bao gồm vũ trụ quan, lịch sử quan của nó là một giá trị tinh thần to lớn, và hệ thống chuẩn mực xã hội - tam cương ngũ thường của nó đã thực sự là yếu tố cơ bản trong hoạt động quản lý xã hội của các quốc gia Nho giáo suốt nhiều trăm năm. Và cũng dễ thấy là Trần Ngọc Thêm không biết gì về Nho giáo từ nội dung học thuật tới lịch sử phát triển nên đã áp đặt cho nó những yếu tố “nông nghiệp phương Nam” theo một lối suy diễn rất kỳ lạ. Chẳng hạn câu Khổng tử trả lời Tử Lộ trong Trung dung theo đó ông chia sự mạnh mẽ ra “Nam phương chi cường” và “Bắc phương chi cường” rồi khẳng định người quân tử theo “Nam phương chi cường” thì Trần Ngọc Thêm hiểu đó là “cái mạnh của phương Nam” và “cái mạnh của phương Bắc” (tr. 349) rồi kết luận là Khổng tử đề cao văn hóa phương Nam! Nam phương, Bắc phương đây tức Nam diện (quay mặt về Nam, chỉ kẻ trên) và Bắc diện (quay mặt về Bắc, chỉ kẻ dưới), và hai khái niệm nói trên phải được hiểu là “Cái mạnh của người trên” và “Cái mạnh của người dưới” mới đúng với học thuyết của Khổng tử vốn chia con người làm hai loại là người trên – người dưới, quân tử - tiểu nhân, kẻ lao tâm - kẻ lao lực... Cái học về văn hóa của Trần Ngọc Thêm đại để chắp vá như thế, nên cứ khai thác một vài khía cạnh hình thức để tách sự vật ra khỏi hệ thống có thật của nó rồi ấn vào hệ thống của mình. Và hệ thống về văn hóa của Trần Ngọc Thêm ra sao?
Nét độc đáo trong lập luận của Trần Ngọc Thêm là căn cứ vào triết lý âm dương mà chia văn hóa thành hai hệ thống du mục (và gốc du mục) trọng dương thiên động phương Bắc và nông nghiệp trọng âm thiên tĩnh phương Nam. Từ góc độ thao tác luận mà nhìn thì hệ thống ấy quả rất nhất quán và chặt chẽ, có điều nó chỉ phản ảnh kiến thức về văn hóa của tác giả chứ không phải về hiện thực văn hóa của loài người. Thứ nhất, nếu triển khai lập luận Bắc là du mục, Nam là nông nghiệp ấy thì văn hóa Việt Nam trước thế kỷ XVII sẽ mang tính du mục cao hơn văn hóa Campuchia, nhưng chính người Việt Nam chứ không phải người Campuchia đã khai phá thành công đồng bằng Nam Bộ, hay vào thế kỷ XVII - XVIII văn hóa Việt Nam ở Đàng Trong sẽ mang tính nông nghiệp cao hơn ở Đàng Ngoài..., mà mọi người đều biết vào thời gian này đời sống văn hóa - xã hội Đàng Trong lại chịu ảnh hưởng kinh tế hàng hóa tiền tư bản nhiều hơn ở Đàng Ngoài chứ không phải mang nhiều yếu tố nông nghiệp “trọng âm thiên tĩnh” hơn. Thứ hai, với việc lấy hình thức làm loại hình mà coi hoạt động chăn nuôi kiểu du mục không thuộc phạm trù sản xuất nông nghiệp như Trần Ngọc Thêm thì nông nghiệp chỉ còn là trồng trọt đồng thời phải kể thêm vài loại văn hóa khác như “văn hóa du nông” của nhiều tộc người du canh du cư ở miền núi hay “văn hóa đánh bắt” của các cư dân hải đảo... Thứ ba, chia văn hóa làm hai hệ thống có nguồn gốc Bắc - Nam, Trần Ngọc Thêm vô hình trung còn sa vào một loại quyết định luận địa lý về văn hóa, vì nhìn từ khía cạnh phương pháp nghiên cứu thì hệ thống hai nền văn hóa trọng âm - trọng dương ấy là một kết luận đã có trước khi chứng minh, không xuất phát từ thực tế văn hóa sử. Thứ tư, hệ thống của Trần Ngọc Thêm không những không lý giải được sự phát triển văn hóa trong những hoàn cảnh khác nhau về kinh tế, xã hội, khoa học, chính trị... mà còn không làm rõ được cả sự tiến triển văn hóa nói chung, vì với những dương biến thành âm, âm biến thành dương kia thì văn hóa sử chỉ còn là một vòng tròn không lối thoát chứ đừng nói tới việc bước qua kỷ nguyên Tin học... Tất cả những điều nói trên khiến Cơ sở văn hóa Việt Nam trở thành một công trình không có giá trị thực tiễn cũng như khoa học : mặc dù thừa hưởng và sử dụng kết quả đúng đắn và phát hiện quan trọng của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều ngành khoa học, nó cũng vẫn không tổng kết được, không lý giải đúng và dĩ nhiên càng không thể dự báo về văn hóa Việt Nam.
***
Để chỉ ra đầy đủ và lý giải rốt ráo những sai lầm trong quyển Cơ sở văn hóa Việt Nam thì còn phải tốn thêm rất nhiều giấy mực, đây là chưa nói tới việc vì tiết kiệm thời giờ của người đọc mà bài viết này không đề cập tới những chứng cứ đáng buồn về sự liêm khiết trí thức của Trần Ngọc Thêm... Nhưng những điều đó nếu có cần thiết cũng không quan trọng. Điều quan trọng nhất là phải xử sự với quyển sách một cách xứng đáng. Nó phải được đưa ra khỏi hệ thống các giáo trình văn hóa học hiện hành trong các trường Đại học càng sớm càng tốt. Còn về trách nhiệm để cho một thứ khoa học phẩm nhiều sai lầm mà ít kiến thức như vậy được công nhiên lưu hành đến nay trong các trường Đại học thì xin nhường lời cho giới chức hữu quan.
Cao Tự Thanh
Tháng 7. 1996
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét